Ngày thứ hai (09-08-2021) – Trang suy niệm

08/08/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần XIX Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Đnl 10, 12-22

“Các ngươi hãy cắt bì lòng dạ các ngươi. Hãy yêu thương khách trọ, vì chính các ngươi cũng đã là khách trọ”.

Trích sách Đệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân chúng rằng: “Giờ đây, hỡi Israel, Chúa là Thiên Chúa các ngươi, đòi hỏi các ngươi điều gì, nếu không phải là kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến Người, làm tôi Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi, tuân giữ các giới răn và nghi lễ của Thiên Chúa mà hôm nay tôi truyền cho các ngươi để các ngươi được hạnh phúc.

“Hãy xem trời và các tầng trời, trái đất và mọi sự trên mặt đất đều thuộc về Chúa là Thiên Chúa các ngươi. Nhưng Chúa chỉ quyến luyến cha ông các ngươi, đã yêu thương các ông ấy, và sau đó, trong mọi dân tộc, Người đã chọn dòng dõi kế tiếp các ông ấy là chính các ngươi như ngày hôm nay.

“Vậy các ngươi hãy cắt bì lòng dạ các ngươi, và đừng cứng cổ nữa, vì Chúa là Thiên Chúa các ngươi, là Thiên Chúa trên hết các chúa, là Chủ Tể trên hết các chủ tể, là Chúa cao cả, quyền năng và đáng khiếp sợ, là Đấng không vị nể ai, và không để cho lễ vật hối lộ; Người giải oan cho cô nhi quả phụ, Người yêu mến người khách trọ và cho họ cơm ăn áo mặc. Vậy các ngươi hãy yêu thương khách trọ, vì các ngươi cũng đã là khách trọ trong đất Ai-cập.

“Các ngươi phải kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, và phụng sự một mình Người, phải trìu mến Người và lấy danh Người mà thề. Chính Người là Đấng các ngươi phải ca tụng và là Chúa các ngươi. Người đã thực hiện cho các ngươi những điều trọng đại và khủng khiếp, mà mắt các ngươi đã xem thấy. Cha ông các ngươi chỉ có bảy mươi khi xuống ở Ai-cập, và nay Chúa, là Thiên Chúa các ngươi, đã làm cho các ngươi đông như sao trên trời”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20

Đáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 12a)

Xướng:

1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa, hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion, vì Người giữ chặt các then cửa ngươi, Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. – Đáp.

2)Người giữ cho bờ cõi ngươi được bình an, Người dưỡng nuôi ngươi bằng tinh hoa của lúa mì. Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. – Đáp.

3)Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 17, 21-26 (Hl 22-27)

“Họ sẽ giết Người, nhưng Người sẽ sống lại. Con cái thì được miễn thuế”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu còn đang ở Galilêa, thì Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Các môn đệ rất đỗi buồn phiền.

Khi các ngài đến Capharnaum, thì những người thu thế đền thờ đến gặp Phêrô và hỏi rằng: “Thầy các ông không nộp thuế ‘đền thờ’ sao?” Ông nói: “Có chớ”.

Khi ông về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi đón trước rằng: “Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian thu thuế má hạng người nào? Đòi con cái mình hay người ngoài?” Ông thưa rằng: “Đòi người ngoài”. Chúa Giêsu bảo ông rằng: “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để chúng ta không làm cho họ vấp phạm, con hãy ra biển thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

09/08/2021 – THỨ HAI TUẦN 19 TN

Th. Tê-rê-xa Bê-nê-đi-ta Thánh Giá, nữ tu, tử đạo

Mt 17,22-27

NỖI BUỒN SẼ NÊN NIỀM VUI

Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm. (Mt 17,22-23)

Suy niệm: Các môn đệ buồn phiền là có thật, rất thật nữa là khác: Làm sao không buồn được khi mà người Thầy các ông hằng kính mến tuyên bố Ngài sẽ bị nộp vào tay người đời và bị họ giết chết. Nhưng nỗi buồn đó không giam hãm các ông trong tuyệt vọng mà sẽ trở thành niềm vui cho các ông bởi vì “ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Mọi nan đề trong cuộc sống, ngay cả những buồn phiền khổ đau mà con người tưởng như bế tắc vô phương cứu chữa, đều có giải pháp, và trở thành niềm vui khi kết hiệp với Đức Ki-tô, Đấng đã chịu chết và sống lại để đem ơn cứu độ cho muôn người.

Mời Bạn: Chúa Giê-su cho biết “ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34). Nỗi khổ đeo bám chúng ta hằng ngày là duyên cớ khiến chúng ta phải buồn phiền, nhất là trong lúc này, khi bầu khí ảm đạm của cơn đại dịch đang bao trùm hầu khắp mọi nơi. Chúa Giê-su không bảo chúng ta bi quan, tuyệt vọng. Ngài cho chúng ta phương thế để vượt qua cuộc đời bể khổ này và biến nó thành niềm vui khi kết hiệp với Ngài vác thập giá đời mình, hy sinh phục vụ tha nhân, vì những ai cùng chịu đau khổ với Chúa Ki-tô thì sẽ được cùng Ngài sống lại vinh quang (x. 2Tm 2,11).

Sống Lời Chúa: Kiên trì ở lại trong Lời Chúa là phương thế tốt nhất giúp ta đứng vững trước những cơn khốn khó gặp phải trong đời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, qua lịch sử cứu độ, con nhận thấy đầy dẫy những câu chuyện buồn nhưng chẳng có trường hợp nào là kết thúc trong vô vọng. Xin cho biết hy vọng lúc này. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

9 THÁNG TÁM

Sự Quan Phòng Của Thiên Chúa Trong Ánh Sáng Của Mạc Khải

Chân lý về sự quan phòng của Thiên Chúa, vốn nối kết chặt chẽ với mầu nhiệm sáng tạo, phải được hiểu trong bối cảnh của toàn bộ mạc khải, toàn bộ những tín điều mà chúng ta tuyên xưng trong tư cách là Kitôhữu. Bằng cách này, chúng ta nhận ra một mối liên kết hữu cơ giữa sự quan phòng và mạc khải. Trong chân lý về sự quan phòng có chứa đựng mạc khải về sự tiền định đối với con người và thế giới trong Đức Kitô. Trong đó cũng có mạc khải về toàn bộ nhiệm cục cứu rỗi và sự hoàn thành của nhiệm cục ấy xuyên qua lịch sử.

Chân lý về sự quan phòng của Thiên Chúa cũng gắn kết chặt chẽ với chân lý về Vương Quốc của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao những lời giáo huấn của Đức Kitô về sự quan phòng có một tầm quan trọng nền tảng cho đời sống chúng ta: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, và mọi sự khác cũng sẽ được ban cho anh em” (Mt 6,33; Lc 12,13).

Vâng, chân lý về sự quan phòng của Thiên Chúa được mạc khải trong sự cai quản của Thiên Chúa trên toàn thể thế giới thụ tạo. Chân lý ấy trở thành hoàn toàn có thể nhận hiểu được đối với con người xuyên qua chân lý về Nước Thiên Chúa. Xuyên qua Nước ấy – ngay cả trong thế giới thụ tạo của chúng ta – Thiên Chúa thiết lập vĩnh viễn “sự tiền định trong Đức Kitô”, Đấng là “Trưởng Tử của mọi loài thọ sinh” (Cl 1,15).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 09/8

Thánh Têrêxa Bênêđícta, Thánh giá, nữ tu, tử đạo

Đnl 10, 12-22; Mt 17, 22-27.

LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu hỏi: “Anh Simôn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu cao nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” Ông Phêrô đáp: “Thưa người ngoài.”

          Với câu hỏi của Chúa Giêsu, Người muốn khẳng định Người là Con Một của Thiên Chúa; và với câu trả lời của Phêrô cũng xác nhận Chúa Giêsu là người Con của Thiên Chúa. Nhưng Người đã giữ đúng Luật theo tập tục của người Do-thái: “Anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.”

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn ý thức nghĩa vụ và sự liên đới của mình đối với sự phát triển của cộng đoàn mà chúng con đang chung sống và cùng sinh hoạt.  

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

09 Tháng Tám

Xin Hãy Dùng Con Như Khí Cụ Bình An! 

Ngày 09/8 hàng năm, hàng ngàn người Nhật Bản và nhiều du khách tập trung về Ðài Hòa Bình tại Nagasaki để tưởng niệm quả bom nguyên tử đầu tiên được ném xuống Nhật Bản.

Ðúng 11 giờ 03 phút, giờ định mệnh của thành phố Nagasaki, từng đám đông dừng lại trong thinh lặng, trong khi đó từ các tháp chuông trên khắp nước, từng hồi chuông ngân vang để tưởng niệm giây phút đau thương của Nagasaki.

Ngày 09/8/1945, quả bom nguyên tử đầy tiên đã giết hại khoảng 70 ngàn người và tiêu hủy gần như trọn vẹn thành phố Nagasaki. Ba ngày sau đó, quả bom thứ hai cũng được trút xuống trên Hiroshima nâng tổng số những người thiệt mạng lên đến gần 140,000 người. Và gần đây, hơn hai người còn sống sót từ dạo đó cũng vừa qua đời vì ảnh hưởng của phóng xạ.

Lên tiếng trong một tuần lễ tưởng niệm, ông Motoshima, thị trưởng Nagasaki đã phát biểu như sau: “Qua kinh nghiệm đau thương này, những người công dân của thành phố Nagasaki đều nhận thấy rằng: bom nguyên tử có thể hủy diệt toàn thể nhân loại. Do đó, chúng tôi đã không ngừng kêu gọi hủy bỏ các vũ khí hạt nhân”. Bài diễn văn trên đây của ông thị trưởng Nagasaki đã được sao gửi đến các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới.

Cũng trong bài diễn văn này, ông Motoshima đã tha thiết kêu gọi Liên Xô và Hoa Kỳ hãy ngồi vào bàn hội nghị với nhau và hãy quyết tâm cam kết thực hiện sự chung sống hòa bình giữa Ðông và Tây cũng như làm mọi cố gắng để giải trừ vũ khí hạt nhân…

Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay. Có một lần trải qua đau thương như người Nhật Bản, cách riêng những người Nagasaki và Hiroshima, con người mới thấy được thế nào là sự tàn phá của bom nguyên tử và sự khao khát hòa bình.

Lời kêu gọi trên đây của ông thị trưởng thành phố Nagasaki có lẽ không chỉ được ngỏ với các vị nguyên thủ quốc gia, hoặc hai cường quốc Hoa Kỳ và Liên Xô. Lời kêu gọi đó cũng phải được truyền đến tận tai của từng người. Bởi vì hòa bình không phải chỉ là vấn đề của một số người, hoặc của một số quốc gia. Hòa bình là vấn đề của từng người. Nó là cố gắng xây dựng của từng ngày và của từng người.

Nhưng hòa bình không chỉ là thành quả của những cố gắng. Nó còn là một ân ban mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể trao tặng cho con người… Ngày 27/10/1986, cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình của các vị đại diện các tôn giáo trên thế giới đã nói lên được chiều kích đích thực của hòa bình: hòa bình phải xuất phát từ tâm hồn con người.

Con người cần phải cầu nguyện cho hòa bình. Chính trong cuộc gặp gỡ thâm sâu trong tâm hồn giữa con người và Thiên Chúa mà hòa bình đích thực mới phát sinh. Cho dù có hủy bỏ mọi vũ khí hạt nhân, cho dù có ký mọi hòa ước, nếu con người chưa dẹp bỏ mọi thứ vũ khí khác trong tâm hồn, mầm mống của chiến tranh vẫn còn đó…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai – Tuần 19 – TN1

Bài đọc: Deut 10:12-22; Mt 17:22-27

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bổn phận của con người đối với Thiên Chúa

Thiên Chúa không ngừng thi ân và giáng phúc xuống trên con người. Ngài làm tất cả mọi sự vì lòng yêu thương, chứ không nợ nần chi con người cả. Để có thể đáp trả tình thương Thiên Chúa, con người cần học để hiểu biết về Thiên Chúa và mối liên hệ của họ với Ngài. Thực ra, con người có đáp trả, họ cũng chẳng thêm điều gì cho Thiên Chúa; nhưng nếu họ biết đáp trả, họ sẽ nhận thêm nhiều hồng ân và nhất là được sống với Ngài muôn đời.

Các bài đọc hôm nay cho chúng ta hiểu phần nào những gì Thiên Chúa đã làm cho con người, và bổn phận con người cần phải đáp trả cho xứng đáng. Trong bài đọc I, ông Moses chuẩn bị tâm hồn cho dân chúng trước khi vào Đất Hứa để sống cuộc đời hạnh phúc: Họ chỉ được thờ kính một Thiên Chúa là Chúa độc nhất. Họ phải tuân theo các điều Ngài dạy và bước đi trong đường lối của Ngài. Tất cả những điều này đã được tóm gọn trong Thập Giới mà Thiên Chúa đã ban tặng cho họ qua Moses trên núi Sinai. Trong Phúc Âm, điều nực cười là con người đến đòi thuế Đấng đã ban tặng cho họ mọi thứ trên đời này và sắp sửa chết để chuộc tội cho họ. Tuy nhiên, vì thấu hiểu sự vô tri của họ, Chúa Giêsu truyền cho Phêrô đi ra biển thả câu để lấy tiền nộp thuế cho cả Ngài và ông.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Những bổn phận của con người đối với Thiên Chúa

1.1/ Anh em hãy cắt bì tâm hồn anh em và đừng cứng cổ nữa: Sau 40 năm lang thang trong sa mạc để được thanh tẩy, rất nhiều lần con cái Israel đã sa chước cám dỗ khi phải đương đầu với thử thách. Giờ đây, trước khi vào Đất Hứa, Moses có lẽ nhìn thấy trước những nguy hiểm mà con cái Israel sẽ phải đương đầu với trong nơi sung túc, ông tập họp họ lại và dăn dò những điều tối quan trọng:

(1) Phải biết kính sợ Thiên Chúa: “Hỡi Israel, nào Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, có đòi hỏi anh em điều gì khác đâu, ngoài việc phải kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em.”

(2) Phải giữ các giới răn và lệnh truyền: “Anh em phải đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến phụng thờ Người hết lòng, hết dạ, giữ các mệnh lệnh của Đức Chúa và các thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh em hôm nay, để anh em được hạnh phúc.” Giới răn Thiên Chúa ban với mục đích là cho dân được hạnh phúc, chứ không lấy đi sự tự do hay đè nén họ.

Kính sợ Thiên Chúa và giữ các lệnh truyền của Ngài là điều hợp lý cho tất cả những ai khôn ngoan, vì “Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, làm chủ cõi trời và các tầng trời cao nhất, cõi đất và muôn loài trong đó.” Hơn nữa, Ngài đã tỏ lòng yêu thương với các tổ phụ và với họ khi Ngài chọn họ là Dân Riêng để chăm sóc, bảo vệ, và đem vào Đất Hứa. Vì thế, họ phải tỏ ra ngoan ngoãn, vâng lời, cắt bì tâm hồn, và đừng cứng cổ nữa.

1.2/ Phải tránh thói tự mãn và yêu thương khách ngoại kiều: Ông Moses tiếp tục truyền cho dân chúng hai mệnh lệnh mới:

(1) Tránh thói tự mãn: “Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Thần các thần, là Chúa các chúa, là Thiên Chúa vĩ đại, dũng mãnh, khả uý, là Đấng không thiên vị ai và không nhận quà hối lộ.” Đây là tội mà người Do-thái mắc phải rất nhiều lần trong lịch sử. Họ nghĩ một khi đã được Thiên Chúa yêu thương và nhận là Dân Riêng, Thiên Chúa sẽ bảo vệ họ bằng mọi giá cho dù họ có phản bội Ngài. Điều này không đúng vì Thiên Chúa “có thể làm cho những cục đá biến thành con cái Abraham” (Mt 3:9). Điều duy nhất họ có thể được Thiên Chúa tiếp tục yêu thương và che chở là kính sợ Thiên Chúa và giữ các huấn lệnh của Ngài.

(2) Đối xử công bằng và bác ái với những người yếu thế: Thiên Chúa “là Đấng xử công minh cho cô nhi quả phụ, và yêu thương ngoại kiều, cho họ bánh ăn áo mặc. Anh em phải yêu thương ngoại kiều, vì anh em đã từng là ngoại kiều ở đất Ai-cập.” Không phải cứ là Dân Riêng của Thiên Chúa rồi tha hồ đàn áp và đối xử bất công với người khác; nhất là với cô nhi, quả phụ, và khách ngoại kiều. Đây là ba thành phần yếu thế nhất trong xã hội, và cần được giúp đỡ cách đặc biệt. Các Sách Cựu Ước rất nhiều lần tuyên bố: Ai đụng tới ba thành phần này là đụng tới chính Thiên Chúa, và Ngài sẽ không dung tha (Exo 22:24; Job 22:9; Psa 68:5; Isa 10:2).

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu có phải trả thuế Đền Thờ không?

2.1/ Thuế Đền Thờ: Đền Thờ mà Chúa Giêsu và Phêrô phải đóng thuế hôm nay là Đền Thờ Jerusalem. Có rất nhiều chi phí cho Đền Thờ: lễ hy sinh sáng chiều qua việc sát tế con chiên một tuổi, rượu, bột, và dầu ôliu. Những thứ này sau khi dâng sẽ là thức ăn nuôi hàng tư tế, ngòai ra còn phải mua dụng cụ, hương lửa, và quần áo cần cho việc tế lễ. Sách Xuất Hành 30:13 ấn định: Tất cả các đàn ông Do Thái, 20 tuổi trở nên, phải đóng góp vào thuế Đền Thờ mỗi năm ½ shekel (khỏang lương của 2 ngày làm việc). Phương pháp trả tiền được ấn định như sau: Mỗi năm vào tháng Ba (Adar), người có trách nhiệm trong các làng mạc sẽ ra thông cáo cho biết thời gian phải trả thuế Đền Thờ đã đến và các quầy đóng thuế sẽ được đặt các nơi để thâu nhận thuế. Nếu ai không trả thuế trước ngày 25 của tháng này, họ sẽ phải lên Jerusalem để trả.

Nhà của Phêrô rất gần hội đường Capernaum, nên không lạ khi những người thu thuế cho Đền Thờ đến hỏi ông Phêrô: “Thầy các ông không nộp thuế sao?” Ông đáp: “Có chứ!” Những người thu thuế có thể hỏi vì thói quen, nhưng cũng có thể hỏi để lấy cớ tố cáo Chúa Giêsu nếu Ngài không chịu đóng thuế.

2.2/ Chúa Giêsu có bổn phận đóng thuế Đền Thờ không? Những người thu thuế chắc chắn nói to đủ để Chúa Giêsu có thể nghe thấy, vì vậy, khi vừa về tới nhà, Đức Giêsu hỏi ông trước: “Anh Simon, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” Ông Phêrô đáp: “Thưa, người ngoài.”

Có hai lý do thật rõ ràng Chúa Giêsu có thể dựa vào để miễn trừ đóng thuế: Thứ nhất, Thiên Chúa là Cha Ngài; và thứ hai, Đền Thờ là nơi ngự của Thiên Chúa, là nhà Cha của Ngài (Lk 2:49).

Tuy thế, Chúa Giêsu vẫn bảo: “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.” Nhiều nhà chú giải đặt câu hỏi cho phép lạ này vì lý do nó quá nhỏ đế cần làm phép lạ. Phần đông cho rằng nó chỉ là một kiểu nói của người Do Thái. Chúa có ý muốn bảo thánh Phêrô: Hãy mang lưới ra biển và thả lưới bắt cá để lấy tiền trả thuế Đền Thờ cho Thầy và anh.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Con người mắc nợ tất cả với Thiên Chúa. Nếu họ biết điều đó và trả ơn Thiên Chúa xứng đáng, họ sẽ được Thiên Chúa tiếp tục ban ơn và bảo vệ.

– Đền Thờ là nơi Chúa ở với con người, và vì thế cần bảo trì xứng đáng. Để bảo trì cần giáo dân phải đóng góp. Rất nhiều giáo dân đã quên bổn phận này hay đóng góp chưa đủ.

– Là người lãnh đạo, Chúa được hưởng đặc quyền miễn trừ; nhưng vì không muốn làm gương mù cho người khác, Ngài bảo Phêrô hãy chu tòan việc đóng thuế Đền Thờ.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************