Ngày thứ hai (09-09-2019) – Trang suy niệm

08/09/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần XXIII Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Cl 1, 24 – 2, 3

“Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh để rao giảng mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Đức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ. Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh, theo sự an bài của Thiên Chúa đã trao phó cho tôi rao giảng đầy đủ lời Chúa, đó là mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh của Người. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho họ biết thế nào là sự phong phú vinh quang của mầu nhiệm nơi dân ngoại, tức là Đức Kitô trong anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang. Tôi loan báo Người, cảnh tỉnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Đức Giêsu Kitô. Chính vì lẽ đó, tôi khó nhọc chiến đấu nhờ vào năng lực mà Người hành động mạnh mẽ trong tôi. Vì chưng, tôi muốn anh em nhận thấy tôi lo lắng biết bao cho anh em và cho những người ở Laođicêa, và cho những ai chưa hề thấy mặt tôi tận mắt, để lòng họ được an ủi, và khi được giáo huấn trong đức mến, họ được dư đầy sự thông hiểu là được nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa Cha và Đức Kitô Giêsu, nơi Người tiềm ẩn mọi kho tàng khôn ngoan và thông hiểu. Đó là lời Chúa. 

ĐÁP CA: Tv 61, 6-7. 9

Đáp: Vinh dự và an toàn của tôi ở nơi Thiên Chúa (c. 8a).

Xướng:

1) Duy nơi Thiên Chúa, hỡi linh hồn tôi, hãy an vui, vì do chính Người, tôi được ơn cứu độ. Phải, chính Chúa là Đá Tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến luỹ của tôi, tôi sẽ không hề nao núng. – Đáp.

2) Hỡi dân tộc, hãy trông cậy Người luôn mọi lúc; hãy đổ giốc niềm tâm sự trước nhan Người, vì Thiên Chúa là nơi ta nương náu.- Đáp.

ALLELUIA: Pl 2, 15-16

Alleluia, alleluia! – Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 6, 6-11

“Các ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. 

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Khi ấy ở đó có một người tay hữu bị khô bại. Những luật sĩ và biệt phái quan sát xem Người có chữa lành người ấy trong ngày Sabbat không, để có cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết tư tưởng các ông, liền bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy mà đứng ra giữa đây”. Người đó đứng thẳng dậy. Đoạn Chúa Giêsu bảo các ông ấy rằng: “Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?” Rồi đưa mắt nhìn mọi người, Chúa bảo người đó rằng: “Ngươi hãy giơ tay ra”. Người ấy giơ ra, và tay người ấy được lành.

Bấy giờ các ông đầy lòng tức giận, và bàn định với nhau xem có thể làm gì được Chúa Giêsu. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

09/09/2019 – THỨ HAI TUẦN 23 TN

Th. Phê-rô Cla-vê, linh mục

Lc 6,6-11

LÀM ĐIỀU LÀNH

Đức Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” (Lc 6,9)

Suy niệm: Mục đích của Lề Luật là để thăng tiến con người. Thế nhưng những ông kinh sư và người Pha-ri-sêu thì làm ngược lại. Họ “rình xem” Đức Giê-su có chữa lành cho người bị khô bại tay trong ngày sa-bát không, dù là bằng phép lạ, để có cớ tố cáo Người. Chúa Giê-su đặt vấn đề mà với lương tri ngay chính ai cũng thấy hiển nhiên: “Ngày sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” Ấy vậy mà họ vẫn lòng chai dạ đá, lại còn “giận điên lên” vì thấy Chúa chữa cho anh ấy ngay trước mắt họ.

Mời Bạn: Mến Chúa yêu người là giới răn trọng nhất, là điều chính yếu trong đời sống đạo: “Ai yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10). Nhưng lắm khi người ta lại đưa danh vọng, địa vị, lợi lộc vật chất lên ngôi và xúc phạm nhau trong lời nói, suy nghĩ và việc làm. Mời bạn nhìn lại các mối tương quan, để hàn gắn lại những rạn nứt, hầu làm chứng cho Chúa cách sống động và trung thực hơn trong cuộc sống yêu thương của mình, để mọi người nhận ra chúng ta thực sự là môn đệ của Chúa.

Chia sẻ: Anh em lương dân đã đặt cho các Ki-tô hữu Việt nam tiên khởi là “những người theo đạo yêu nhau”. Bạn sẽ làm gì để xứng với danh hiệu ấy?

Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái, tỏ một cử chỉ yêu thương cho những người đang sống quanh bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cuộc sống hằng ngày có nhiều dịp để con thực hiện những cử chỉ bác ái giúp đỡ những người xung quanh. Xin giúp con quảng đại cho đi để luật yêu thương của Chúa được rõ nét nơi con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

9 THÁNG CHÍN

Một Cuộc Sửa Soạn Ngắn Ngủi Cho Đời Sống Vĩnh Cửu

Đức Kitô nói : “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Vâng, cuộc sống con người trên trần gian là một cuộc hành hương. Tất cả chúng ta đều ý thức rằng cuộc sống của mình trên trần gian chỉ là một ‘gang tay’ thôi. Chào đời đó rồi lại lìa đời đó, khác chi một kiếp phù du! Và chính trong cuộc lữ hành ngắn ngủi này, tiếng gọi của Đức Kitô sẽ giúp chúng ta biết cách sống sao cho cuối cùng mình có thể tới được bến bờ thật sự.

Con người không ngừng đối mặt với bản tính phù du của cuộc sống – cuộc sống mà họ biết là vô cùng quan trọng trong tư cách là sự chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh hằng. Cuộc hành trình đức tin của con người hướng họ về phía Thiên Chúa và giúp họ có những chọn lựa đúng đắn trên hành trình tiến về cõi trường sinh. Vì vậy, mỗi giây phút của cuộc hành trình này đều quan trọng – quan trọng nơi những thách đố và nơi những chọn lựa không ngừng đặt ra trước mặt con người.

Một thực tại rất thiết thân trong cuộc hành trình của con người chính là nền văn hóa. Công Đồng Vaticanô II khẳng quyết rằng: “Có nhiều mối quan hệ giữa sứ điệp ơn cứu độ và văn hóa con người. Thật vậy, Thiên Chúa đã không ngừng mạc khải chính Ngài cho con người, cho đến khi Ngài hoàn toàn tự tỏ hiện nơi Chúa Con nhập thể, Đấng đã lên tiếng nói theo sắc thái văn hóa riêng của các giai đoạn lịch sử khác nhau” (MV 58).

Công Đồng cũng dạy: “Ngưòi Kitô hữu trên đường tiến về thành đô thiên quốc, phải tìm kiếm và nếm cảm các thực tại trên trời. Tuy nhiên, điều này không làm suy giảm song càng nhấn mạnh tầm quan trọng của bổn phận họ phải cộng tác với mọi người nhằm xây dựng một thế giới nhân đạo hơn.”(57).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 09/ 9

Thánh Phêrô Claver, linh mục

Cl 1, 24-2,3; Lc 6, 6-11.

LỜI SUY NIỆM: “Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt.”

          Trước thái độ rình xem của những người Pharisêu và các kinh sự về việc Chúa Giêsu có chữa người bị khô bại tay trong ngày Sabát và ngay trong hội đường không. Chúa Giêsu đưa người khô bại tay phải; ra trước mặt họ và đám đông trong hội đường để chất vấn họ: “Cứu mạng người hay là hủy diệt” Bởi họ đang ngồi trong hội đường mà lại muốn hủy diệt Người; trong lúc đó Người lại đang cứu sống cánh tay phải của con người đang bị khô bại, để được sống và làm việc tốt hơn.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con biết chọn lựa trong mọi công việc mình làm, luôn dựa trên đức ái. Để ngày càng được Chúa yêu thương và chữa lành mọi tật xấu trong đời sống của chúng con.

 Mạnh Phương

+++++++++++++++++

09 Tháng Chín

Các Thánh Xuống Hỏa Ngục 

Văn hào Guenter Eich, người Ðức, có viết một vở kịch truyền thanh với nhan đề: “Festamus, người tử đạo”, đại ý câu chuyện như sau:

Festamus là một con người lành thánh, đơn sơ hiếm có. Mặc dù sống giữa những người gian ác, chàng vẫn luôn cư xử đoan chính, giàu lòng thương đối với những người bần cùng.

Sau khi chết, chàng được lên Thiên Ðàng. Ở đó, sau khi làm quen với các vị thánh, chàng đã bỏ ra mấy ngày liền để đi tìm kiếm cha mẹ, anh em và bạn hữu ngày xưa. Nhưng chàng không thấy ai. Thánh Phêrô cho biết: Cha mẹ và bạn hữu chàng ngày xưa đã ăn ở gian ác, nên đã bị giam trong Hỏa Ngục.

Nghe đến đây, Festamus buồn thiu, chàng liền thưa với thánh Phêrô: “Con không thể ở nơi đây được bao lâu còn có những người đang phải chịu đau khổ dưới đó”.

Chàng liền rời bỏ Thiên Ðàng, xuống Hỏa Ngục để thăm cha mẹ, bạn hữu và những người thân. Chàng làm điều đó với thác tín rằng: Khi một người vô tội từ trời cao, đến và sống với những người bị kết án, cùng chia sẻ với họ những đau khổ nhọc nhằn, thì người đó sẽ phá tan được địa ngục và vòng phong tỏa của quỷ ma…

Câu chuyện tưởng ttượng trên đây phần nào muốn đề cao thiện chí của những người dám hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình để chia sẻ số phận đau thương của những người khác.

Ðó là tất cả Mầu Nhiệm Thiên Chúa làm người. Thiên CHúa đa từ trời cao xuống trần trong thân phận nghèo hèn nhất. Ngài sinh ra trong chuồng bò để thông cảm với nỗi cơ cực nghèo nàn của những kẻ không nhà không cửa.

Thiên Chúa từ trời cao không muốn ban xá lệnh, ban ơn tha thứ cho tội nhân, mà trái lại đã thân hành đến ngồi đồng bàn với từng tội nhân. Thiên Chúa không thể hiện sự cảm thông bằng lời nói suông, mà bằng cả cuộc sống làm người…

Người Việt Nam nào dường như cũng đang sống trong địa ngục của thiếu thốn và nghèo khổ. Không cần phải đi tìm kiếm, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được thế nào là cơ cực, bần cùng. Ai sẽ biến cảnh khốn cùng ấy trở thành Thiên Ðàng của Tình Thương? Mỗi người một ít, nếu ai cũng ra khỏi nỗi khổ của mình và gom góp lại đóm lửa của yêu thương, chia sẻ, cảm thông, chúng ta sẽ xoa dịu được phần nào nỗi khổ đau chung mà chúng ta đang trải qua…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai Tuần 23 TN1

Bài đọc: Col 1:24-2:3; Lk 6:6-11.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bổn phận của các tín hữu là xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô.

Trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, Đức Kitô là Người mang Kế-hoạch đến thành công qua việc nhập thể, mặc khải, dạy dỗ, huấn luyện các môn đệ, chịu chết để chuộc tội cho con người. Ơn cứu độ giờ đây là của mọi người, không phân biệt một ai cả. Nhưng để ơn cứu độ này hiện thực trong tất cả mọi người, họ cần tin vào Đức Kitô; và để tin vào Đức Kitô, Giáo Hội cần có nhiều nhà rao giảng. Bắt đầu từ một nhóm nhỏ là các môn đệ, Giáo Hội từ từ lớn dần và lan rộng khắp nơi, cho tới con số như ngày nay, và cần phải lan rộng hơn nữa cho tới khi mọi người đều tin vào Đức Kitô. Để được như thế, mọi thành phần trong Giáo Hội đều có bổn phận phải hy sinh và nỗ lực góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc làm cho các tín hữu nhận ra và góp phần vào việc xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô là Giáo Hội. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô vui mừng chịu đựng đau khổ cho việc xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô, qua việc rao giảng Tin Mừng. Ngài cố gắng hết sức để cho Tin Mừng thấm nhập, phát triển, và sinh hoa kết trái trong cuộc đời các tín hữu. Trong Phúc Âm, trong khi Chúa Giêsu tất tưởi rao giảng Tin Mừng và chữa lành khắp nơi, các kinh-sư và biệt-phái lại nhân danh Lề Luật của Thiên Chúa để cấm đoán Ngài không được chữa lành trong ngày Sabbath, và cố gắng tìm mọi cách để tiêu diệt Ngài!

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì Đức Kitô, vì Giáo Hội, và vì anh em.

1.1/ Phaolô nhận ra trách nhiệm của mình: Trước khi có thể làm chứng cho Thiên Chúa, Phaolô cần xác tín niềm tin của mình.

(1) Phaolô nhận ra sự sai lầm của mình và nhận ra tình thương Thiên Chúa: Biến cố trên đường đi Damascus đã mở mắt cho Phaolô biết ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho người Do-thái, mà còn mở rộng cho tất cả Dân Ngoại, qua Kế Hoạch Cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói về Kế-hoạch này như sau: “Mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa. Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang.”

(2) Lấy tình thương đáp trả tình thương: Được chữa lành khỏi mù lòa về phần xác cũng như phần hồn, Phaolô nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho ông. Ông nghĩ nếu Thiên Chúa và Đức Kitô đã yêu thương mình như thế, ông phải đáp trả tình thương bằng cách làm cho ơn cứu độ được hiện thực trong tất cả mọi người. Phaolô biết mình không thể làm lại gì cho Thiên Chúa, nên chú trọng vào việc xây dựng các chi thể trong một thân thể của Đức Kitô là Giáo Hội “Tôi đã trở nên người phục vụ Giáo Hội, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn.”

(3) Đâu là những gian nan thử thách mà Đức Kitô còn phải chịu? Mặc dù Đức Kitô đã chiến thắng thần chết, sống lại vinh quang, và mang ơn cứu độ cho mọi người; nhưng Kế-hoạch Cứu Độ chưa hoàn tất cho đến khi mọi người đều được hưởng ơn cứu độ qua việc tin vào Đức Kitô. Để hoàn tất điều này, Đức Kitô trông chờ vào sự cộng tác của tất cả các tín hữu. Những đau khổ mà Đức Kitô còn đang phải chịu là: sự hững hờ của các tín hữu trong việc rao giảng Tin Mừng; những thái độ chống báng và các kế hoạch nhằm tiêu diệt đạo thánh Chúa; đời sống giữ đạo cách hời hợt của hàng giáo sĩ và các tín hữu ngăn cản việc làm chứng cho Tin Mừng; và sự chia rẽ giữa các giáo hội làm chia cắt thân thể của Đức Kitô.

1.2/ Phaolô tìm mọi cách để chu toàn sứ vụ được trao phó: Ngài nói: “Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi… Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.” Những việc làm chứng tỏ nỗ lực rao giảng Tin Mừng của Phaolô:

– Ngài rao giảng Tin Mừng ở mọi nơi và trong một lúc: trong hội đường, ngoài phố chợ, trong khám đường, khi đối chất … rao giảng dù thuận tiện hay không thuận tiện.

– Giúp đỡ mọi tín hữu để họ càng ngày càng trở nên hoàn thiện trong Đức Kitô: không chỉ bằng lòng với việc thiết lập các cộng đoàn, Ngài vẫn trở lại để thăm viếng khi có dịp, và viết thư để dạy dỗ và khuyên bảo mọi người.

– Lấy tình thương và sức mạnh của Thiên Chúa để vượt qua mọi tranh chấp và ích kỷ cá nhân; để gìn giữ sự hiệp nhất trong Giáo Hội.

2/ Phúc Âm: Phải tuyệt đối tránh tất cả những gì ngăn cản không cho Nước Chúa trị đến.

2.1/ Tranh chấp cá nhân để hưởng lợi nhuận vật chất: Trình thuật Luca kể: Vào một ngày Sabbath, Đức Giêsu vào hội đường để giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các kinh-sư và những người biệt-phái rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy trong ngày Sabbath không, để tìm được cớ tố cáo Người. Hội-đường Do-thái là nơi họ tụ tập lại để học hỏi Kinh Thánh và dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa; thế mà các kinh-sư và biệt phái là những nhà lãnh đạo trong dân lại lợi dụng hội đường, giờ thờ phượng, và nhân danh Thiên Chúa để rình rập và chờ cơ hội để tố cáo người ngay lành.

Lý do tại sao họ làm như thế là vì họ ghen tị về sư khôn ngoan và uy quyền của Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng Gioan, họ sợ đến một ngày cả thế giới sẽ đi theo Ngài! Nếu thế giới chọn đi theo Chúa Giêsu, thế giới sẽ bỏ họ. Để ngăn cản con người đừng đến với Chúa Giêsu, họ dùng mọi thủ đoạn hèn hạ để tiêu diệt Ngài.

2.2/ Chúa Giêsu mạnh dạn sửa sai và tố cáo thủ đoạn của họ.

(1) Chúa Giêsu vạch ra những hiểu biết sai lầm: Chúa Giêsu thấu hiểu họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Đức Giêsu chất vấn họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabbath, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?”

Ngài muốn họ trở về nguyên lý nền tảng: Lề Luật làm ra là cho lợi ích và bảo vệ đời sống con người. Nguyên tắc nền tảng của luân lý là “làm lành tránh dữ, cứu mạng sống chứ không hủy diệt.” Vì thế, không ai được nhân danh Lề Luật để giết hại hay từ chối làm điều lành trong ngày Sabbath.

(2) Chúa Giêsu can đảm làm chứng cho sự thật: Không một chút sợ hãi, Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giêsu không. Họ giận điên lên vì họ bị mất mặt trước đám đông; và giận quá mất khôn, họ không còn biết phân biệt và nhận ra sự thật nữa!

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Mỗi tín hữu chúng ta đều có bổn phận mang Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa đến chỗ vẹn toàn, bằng cách làm cho mọi người đều có cơ hội để lắng nghe Tin Mừng.

– Chúng ta cần tránh tuyệt đối thái độ dùng Tin Mừng để mưu cầu lợi ích cá nhân. Đừng bao giờ làm cho người khác mất niềm tin vì cuộc sống phản Tin Mừng của chúng ta. Đừng bao giờ nhân danh Tin Mừng để chia cắt Nhiệm Thể của Đức Kitô.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************