Ngày thứ hai (11-01-2021) – Trang suy niệm

10/01/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần I Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Dt 1, 1-6

“Chúa đã phán dạy chúng ta qua Người Con”.

Khởi đầu thư gửi tín hữu Do-thái.

Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ.

Nguyên vốn là phản ảnh sự vinh quang và là hình tượng bản thể Ngài, Người Con đó nâng giữ vạn vật bằng lời quyền năng của mình, quét sạch tội lỗi chúng ta, và ngự bên hữu Đấng Oai Nghiêm, trên cõi trời cao thẳm. Tên Người cao trọng hơn các thiên thần bao nhiêu, thì Người cũng vượt trên các thiên thần bấy nhiêu.

Phải, vì có bao giờ Thiên Chúa đã phán bảo với một vị nào trong các thiên thần rằng: “Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh hạ Con”? Rồi Chúa lại phán: “Ta sẽ là Cha Người, và Người sẽ là Con Ta”. Và khi ban Con Một mình cho thế gian, Chúa lại phán rằng: “Tất cả các thiên thần Chúa hãy thờ lạy Người!”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 96, 1 và 2b. 6 và 7c. 9

Đáp: Bao nhiêu chúa tể hãy cúc cung bái lạy Người (c. 7c).

Hoặc đọc: Chúa hiển trị, Chúa là Đấng tối cao trên toàn cõi đất (c. 1a và 9a).

Xướng:

1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Công minh chính trực là nền kê ngai báu. – Đáp.

2) Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. Bao nhiêu chúa tể hãy cúc cung bái lạy Người. – Đáp.

3) Lạy Chúa, vì Ngài là Đấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể. – Đáp.

ALLELUIA: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 1, 14-20

“Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. 

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Đang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người. Đi xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-côbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

11/01/2021 – THỨ HAI TUẦN 1 TN

Mc 1,14-20

RAO GIẢNG SỨ ĐIỆP CỐT LÕI

“Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” (Mc 1,14)

Suy niệm: Trong ba năm hoạt động công khai, Chúa Giê-su giảng dạy rất nhiều, nhưng đâu là sứ điệp cốt lõi mang tính định hướng cho toàn bộ sứ vụ? Một chỉ dấu để trả lời cho câu hỏi ấy chính là lời rao giảng đầu tiên của Người trong Tin Mừng Mác-cô: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” Thật vậy, tựu trung lời rao giảng của Chúa Giê-su là Tin Mừng về Triều Đại Thiên Chúa. Người đã thiết lập Nước Trời ngay giữa lòng thế giới, và nó vẫn âm thầm triển nở cho đến khi hoàn thành chung cuộc trong ngày quang lâm. Đó là vương quốc của sự thánh thiện, hạnh phúc và bình an đích thực. Đó là Tin Mừng của ơn cứu độ mà Chúa Giê-su sẵn sàng trả giá bằng chính mạng sống mình.

Mời Bạn: Xây dựng và rao giảng Triều Đại Thiên Chúa là mục tiêu cuối cùng của công cuộc loan báo Tin Mừng. Điều này bao hàm toàn bộ ý nghĩa của đời sống Ki-tô hữu, vì chính Chúa Giê-su đã mời gọi: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài” (Mt 6,33). Muốn xây dựng Nước Trời, Ki-tô hữu cần sống các Mối Phúc Thật mà Ngài đã loan báo. Những tiêu chuẩn Chúa đề nghị có vẻ trái ngược với bậc thang giá trị của thế gian. Nhưng ai thấu hiểu và kinh nghiệm những ‘nghịch lý’ ấy sẽ tận hưởng niềm hạnh phúc mà thế gian không thể ban tặng.

Sống Lời Chúa: Xây dựng Nước Thiên Chúa bằng cách đem những giá trị Tin Mừng vào mọi việc lớn nhỏ hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xưa Chúa đã dạy các môn đệ cầu nguyện. “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến.” Xin giúp chúng con biết nguyện Kinh Lạy Cha hằng ngày với ý thức và tâm tình của những người con thảo.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Cầu Nguyện

Người Do-thái rất nhạy cảm về sự ô uế nơi thân xác.
Theo sách Lêvi, thân xác con người có thể bị ô uế bởi nhiều lý do.
Chạm vào xác chết hay vào người phong làm ta ra ô uế.
Người phụ nữ sinh con hay có phản ứng sinh lý bình thường
cũng trở thành ô uế và cần được thanh tẩy.
Lẽ ra người phụ nữ bị băng huyết không được chạm vào Đức Giêsu.
Đây không phải là sự ô uế do phạm tội về mặt đạo đức,
mà chỉ là sự ô uế khiến người ta không được phép dự các lễ nghi.
Để sạch trở lại, cần được thanh tẩy.
Nước là cách thanh tẩy dễ dàng nhất.
Sách Lêvi hay dùng câu: “lấy nước mà tắm rửa” (chương 14-17).
Nước dùng để thanh tẩy thường là nước nguồn, nước mưa.
Cho đến nay trong nhánh Do-thái giáo Chính Thống hay Bảo Thủ,
nơi thanh tẩy (mikvah) vẫn chiếm vị trí trung tâm của nhà cộng đoàn.

Chúng ta không lấy làm lạ khi Gioan Tẩy giả mời gọi dân chúng
đến với ông để chuẩn bị cho Đấng Mêsia đang gần tới.
Ông kêu gọi người ta hối cải, xưng thú tội lỗi mình,
rồi chịu phép rửa của ông ở dòng nước sông Giođan.
Đức Giêsu đã nghe tiếng kêu của Gioan và đã đến,
đã đứng chung với các tội nhân, chờ đến phiên mình,
đã dìm toàn thân mình dưới nước, và được Gioan ban phép rửa.
Lúc ấy Ngài đã trên ba mươi tuổi, làm thợ nhiều năm ở Nadarét,
đã lặng lẽ và bình an chờ đợi ngày Cha sai mình.
Nhận phép rửa của Gioan là làm một cử chỉ khiêm hạ.
Đức Giêsu không ngờ chính giây phút dìm mình ở con sông này
lại là giây phút Thiên Chúa ngỏ lời với Ngài,
vén mở cho Ngài biết Ngài là ai trong mắt của Thiên Chúa,
và kín đáo mời gọi Ngài rời Nadarét để lên đường.

“Con là Con yêu dấu của Cha !” đó là lời Thiên Chúa từ trời phán.
Như Isaac là con yêu dấu của Abraham (St 22,2),
Đức Giêsu là Con yêu dấu của Cha.
Ngài là Con như vị vua mới đăng quang thuộc dòng Đavít,
được Thiên Chúa tuyển chọn và bảo:
“Con là con của Cha, hôm nay Cha đã sinh ra con” (Tv 2,7).
Như Người Tôi trung được đầy Thánh Thần để làm sứ mạng,
Ngài được Thiên Chúa tuyên bố: “Cha hài lòng về Con” (Is 42,1).
Thiên Chúa Cha hài lòng về Đức Giêsu là người Con yêu dấu,
người đã vâng ý cha suốt bao năm ở Nadarét,
và sẽ còn vâng ý Cha cho đến nỗi hy sinh chính mạng sống mình.

Những gì xảy ra trên sông Giođan hôm nay
sẽ tiếp diễn mãi trong suốt đời của Đức Giêsu.
Ngài không chỉ xếp hàng với những người tội lỗi,
mà hơn nữa, “Đấng không hề biết đến tội, thì vì chúng ta,
Thiên Chúa đã làm Ngài thành thân tội” (2 Cr 5,21).
Thánh Thần đã xuống trên Ngài ở Giođan,
sau đó sẽ đưa Ngài vào hoang địa để chịu thử thách (Mc 1,12).
Đức Giêsu đã khiêm tốn chịu phép rửa bởi Gioan,
và Ngài sẽ còn đau đáu chờ một phép rửa khác nữa (Lc 12,50).
Ngài đã hỏi hai môn đệ xem họ có dám chịu phép rửa
mà Ngài sắp chịu không (Mc 10,38-39).
Phép rửa ấy không gì khác hơn là cái chết để phục vụ,
và hiến mạng làm giá chuộc cho muôn người (Mc 10,45).

Chúng ta đã được chịu Phép Rửa trong Thánh Thần,
nhân danh Chúa Giêsu, để được ơn tha tội (Cv 2,38).
Ước gì Chúa Cha cũng nói với từng người chúng ta:
“Con là con Cha yêu dấu, Cha hài lòng về con.”

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.

Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Đấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép rửa.

Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.

Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Gia kêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

11 THÁNG GIÊNG

Thế Giới Khát Khao Hòa Bình

Chất lượng đời sống trong một quốc gia hay trong bất cứ cộng đồng nào khác đều tùy thuộc ở chỗ có hay không có sự hòa bình và tình huynh đệ. Một khi thực sự có bầu khí hòa bình, những năng lực hướng thiện phi thường sẽ được giải phóng, đem lại niềm vui, thúc đẩy sáng tạo, giúp người ta đạt đến mức trưởng thành đầy đủ và làm việc với nhau trong tinh thần con cái của Thiên Chúa Tình Yêu. Ở đâu có hiện diện tinh thần huynh đệ đích thực, ở đó quyền lợi của kẻ yếu và của người cô thế cô thân sẽ không bị chà đạp. Phẩm giá và thiện ích của mọi người sẽ được trân trọng bảo vệ và tăng triển. Và chỉ có hòa hình khi người ta biết gìn giữ và củng cố công bằng, tự do và lòng tôn trọng đích thực đối với bản tính con người.

Nhưng thế giới hiện nay lại quen với tình trạng thiếu vắng tình huynh đệ, quen với sự kích động bạo lực, sự phân biệt đối xử và sự bất công. Một thế giới như vậy quả đang thách đố chúng ta biểu lộ tình người. Chất lượng của các cộng đồng và các quốc gia đang bị đe dọa. Và mọi quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với thách đố này.

Cả nhân loại là một gia đình – một đại gia đình với tất cả những nét đa dạng của nó. Cổ võ cho hòa bình, cho công bằng giữa các quốc gia và cho sự đoàn kết thực sự giữa các dân tộc; đó là tôn chỉ ngày càng thôi thúc chúng ta hôm nay. Các vị lãnh đạo của các quốc gia và các tổ chức quốc tế vẫn thường xuyên nói lên điều đó. Các kế hoạch hòa bình được hậu thuẫn bằng nhiều cách thế khác nhau bởi hầu như tất cả các đảng phái chính trị trên thế giới. Các phong trào quần chúng và công luận cũng đề cao cùng một tôn chỉ ấy. Ở bất cứ nước nào, người ta cũng ngán ngẩm những xung đột và chia rẽ. Cả thế giới chúng ta đang khao khát hòa điệu và hòa bình.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 11/1

Dt 1, 1-6; Mc 1, 14-20.

LỜI SUY NIỆM: “Sau khi ông Gioan bị nộp. Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.”

          Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho nhân loại. Đó là Tin Mừng: về Chân lý, niềm hy vọng, nhận lại sự bình an, và chữa lành thể xác và tâm linh. Đồng thời Người cũng thể hiện tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người đặc biệt những người nghèo, những người bị loại bỏ ra ngoài xã hội, những người tội lỗi, để tái ban sự sống, và được sống dồi dào.

          Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang được Kinh Thánh và đặc biệt Tin Mừng của Chúa hướng dẫn trong cuộc sống. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, luôn biết sám hối mọi tội lỗi chúng con đã phạm; để chúng con nhận được ơn tha thứ của Chúa và ngày sau được vui sống  trong Nước Trời.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

11 Tháng Giêng

 Kho Tàng Ẩn Dấu  

Chúng ta có biết rằng trong cơ thể của con người chúng ta, những yếu tố nhỏ nhất lại đóng vai trò quan trọng nhất không?

 Lá lách của chúng ta chỉ tiết ra một lượng men rất nhỏ, nhưng rất cần thiết để giúp tiêu hóa chất Protin, chất béo trong thức ăn của chúng ta. Lượng dưỡng khí kết hợp với hồng huyết cầu để làm cho máu thành đỏ chỉ là một số lượng nhỏ. Tuyến não thùy nằm ở trong bộ não của chúng ta chỉ là một tuyến nhỏ nhưng vô cùng cần thiết bởi vì nó tiết ra một kích thích tố cần thiết cho sự tăng trưởng của con người. Những âm ba được truyền đến màn nhĩ trong lỗ tai là nhờ ở ba đốt xương nhỏ li ti nằm giữa lỗ tai của chúng ta. Những tế bào hình nón nằm trong võng mô của đôi mắt là những trạm tiếp nhận ánh sáng nhờ đó chúng ta mới thấy được. Mỗi một tế bào trong cơ thể chúng ta chứa đựng những nhiễm thể mà chức năng chính là quyết định về sự di truyền hay phái tính của mỗi bào thai. Tất cả những cơ cấu nhỏ bé và ẩn tàng ấy đóng vai trò xem ra quan trọng nhất trong sự sống và hoạt động của cơ thể con người.

 Lại nữa, những tác nhân gây ra không biết bao nhiêu bệnh tật giết người cũng là những sinh vật nhỏ li ti mà mắt thường không thể nào trông thấy được. Phải chăng những cái nhỏ li ti nhất lại không là những cái chứa đựng nhiều sức mạnh nhất? Và phải chăng những công việc tầm thường vô danh nhất lại không là những công việc có giá trị nhất trong cuộc sống con người?

 Có lẽ không phải do ngẫu nhiên hoặc vì chờ thời mà Con Thiên Chúa làm người, đã sống âm thầm ẩn dật trong 30 năm trước khi công khai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. 30 năm âm thầm ấy cũng có giá trị cứu rỗi như chính cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Với 30 năm âm thầm ấy, Chúa Giêsu muốn nói với con người rằng tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống con người, từ cái ăn, cái uống, cái ngủ nghỉ, tất cả đều được mặc cho một giá trị cao cả và trường cửu.

 Sống một cách trọn vẹn, sống với tất cả niềm tin – tất cả những sinh hoạt tầàm thường và nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống âm thầm, có khi độc điệu, buồn chán: đó chính là bí quyết để được hạnh phúc và bình an. Tất cả các vị thánh đều đi qua con đường nên thánh ấy.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai, Tuần I TN, Năm lẻ

Bài đọc: Heb 1:1-6; Mk 1:14-20.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cùng nhau làm việc.

            Người Việt Nam chúng ta rất thành công khi làm việc một mình; nhưng thất bại khi phải làm việc chung với người khác. Lý do: chúng ta sợ! Sợ vì mất quyền hành, sợ người khác hơn mình, sợ vì phải san sẻ lợi lộc cho người khác. Để có thể làm việc chung, chúng ta phải tin tưởng các cộng sự viên của mình trước khi họ chứng minh họ xứng đáng niềm tin của chúng ta. Chúng ta phải nhìn thấy những mối lợi do sự làm việc chung mang lại hơn là những gì chúng ta phải mất.

            Hơn nữa, để làm việc chung có hiệu quả, trước khi trao công việc, chúng ta phải: (1) huấn luyện để các cộng sự viên biết và có khả năng làm những gì chúng ta trao cho họ; (2) trao việc là phải trao quyền hành; cộng sự viên là những người đại diện chúng ta để giải quyết vấn đề, chúng ta cần cho họ biết trước những giới hạn về quyền hành nếu có; và (3) phải giúp mọi phương tiện, để họ có thể thi hành sứ vụ được trao phó.

            Các Bài đọc hôm nay cho thấy sự làm việc chung của Chúa Cha và Chúa Con. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa Cha làm việc chung với các tiên-tri, thiên-thần, và với Con của Ngài. Trong quá khứ, Người dùng miệng các tiên-tri mà loan báo cho mọi người những gì Ngài muốn. Khi thời gian viên mãn, Người đã dùng chính Người Con để mặc khải và dạy dỗ con người. Trong Phúc Âm, sau khi nhận lãnh sứ vụ từ Chúa Cha, Chúa Giêsu mời gọi 4 môn đệ đầu tiên để Ngài huấn luyện, trước khi sai họ đi để tiếp tục sứ vụ của Ngài trên trần gian.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa làm việc chung với các tiên tri, với Con, và với các thiên thần.

            1.1/ Thiên Chúa làm việc với các tiên tri: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ.” Thánh Thomas Aquinô đưa ra nguyên tắc nền tảng: Thiên Chúa làm mọi sự cho con người qua cách thức của con người. Vì nếu không theo cách thức đó, con người sẽ không thể hiểu được. Ví dụ, để con người hiểu được những gì Chúa muốn, Chúa dùng miệng các tiên tri để các ngài dùng tiếng nói của con người mà nói những gì Chúa muốn. Dĩ nhiên, trước đó Chúa phải cho các tiên tri biết Chúa muốn nói gì; có thể bằng thị kiến, có thể bằng tác động trên trí não, miệng lưỡi … Trong Cựu Ước, Thiên Chúa không làm việc trực tiếp với dân, nhưng qua các thiên-thần, các Tổ-phụ, các Thủ-lãnh, và các tiên-tri. Tác giả Thư Do-Thái nhấn mạnh đến hai đặc thù của sự làm việc qua các tiên-tri:

            (1) Nhiều lần: Tiếng Hy-Lạp phải dịch đúng hơn “nhiều phần,” vì con người không đủ khả năng để lĩnh hội một lần tất cả, nên Thiên Chúa phải chia ra nhiều phần, mỗi tiên tri một phần; ví dụ: Amos, công bằng xã hội, Isaiah, sự thánh thiện của Thiên Chúa…

            (2) Nhiều cách: Các tiên tri dùng các cách khác nhau để thông báo sứ điệp của Thiên Chúa: cách thông thường nhất là dùng miệng, nhưng cũng có người dùng hành động như đóng kịch như Jeremiah.

            1.2/ Thiên Chúa làm việc với Người Con: “Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Người Con. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.”

            (1) Trong tất cả mọi việc: tạo dựng, quan phòng, cứu chuộc. Như Tin Mừng của Gioan, tác giả Thư Do-Thái tin Người Con làm việc tích cực với Chúa Cha trong ba công việc này. Ngài là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

            (2) Sự cao trọng của Người Con: “Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa.” Người là ánh sáng và là hình ảnh của Thiên Chúa đến độ như Ngài nói: “hễ ai thấy Con là cũng thấy Cha.”

            Người Con không những cao trọng hơn các tiên-tri vì Ngài mặc khải cho con người mọi sự nơi Thiên Chúa, mà còn cao trọng hơn các thiên thần vì tất cả quyền năng, danh dự, và vinh quang của Thiên Chúa tập trung trong Ngài. “Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi vượt hơn họ bấy nhiêu.” Và “Mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người.” Điều đặc biệt là với Người Con, từ nay con người có thể liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa, mà không cần qua các tiên tri hay thiên sứ như thuở xưa nữa.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu gọi 4 môn đệ đầu tiên.

            2.1/ Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá: Trình thuật hôm nay bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng của Chúa Giêsu sau 30 năm ẩn mình tại Nazareth. Sứ điệp của Chúa Giêsu cho mọi người: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại của Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Hai điều quan trọng Chúa muốn nhấn mạnh đến:

            (1) Thời giờ đã điểm, triều đại của Thiên Chúa đã đến: Giống như Thư Do-Thái, Marcô nhấn mạnh đến sự xuất hiện quan trọng của Chúa Giêsu: vẫn có sự liên tục trong Kế Họach Cứu Độ, nhưng được Chúa Giêsu mang đến chỗ tòan hảo.

            (2) Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng: Đây là điều kiện để con người được hưởng Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.

            Nhưng để kiếm người cộng tác loan truyền sứ điệp, Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên. Ngài không xa lạ gì với Hồ Galilee và dân chài lưới, có thể Ngài đã từng dạo chơi chung quanh, và đã nói chuyện với họ; nhưng hôm nay, Ngài mời gọi họ bỏ mọi sự để cất bước theo Ngài. Nghề đánh cá là nghề khó nhọc và đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn: phải thả lưới bắt cá khi nào cá đi tìm mồi, chứ không phải muốn thả lúc nào thì thả. Thời giờ bắt cá thường là đêm tối cho đến lúc tảng sáng, đó là giờ ngủ của con người. Chúa Giêsu chỉ hứa hẹn với các ông một điều: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Nói cách khác, Ngài sẽ huấn luyện các ông để cứu vớt linh hồn của người ta. Ngài muốn cho các ông nhận ra ý nghĩa của cuộc đời bằng chính việc các ông đang làm: Đánh cá để kiếm của ăn sinh sống không quan trọng cho bằng việc đánh cá để cứu linh hồn các con người đang cần đến các ông.

            2.2/ Thái độ của các môn đệ khi được Chúa Giêsu gọi:

            (1) Simon và Anrê: Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Thái độ của hai ông đáp trả rất can đảm và dứt khóat. Can đảm vì phải bỏ nghề nghiệp sinh sống, các ông không chút thắc mắc “giải nghệ rồi làm gì ăn?” Dứt khóat vì quyết định rất nhanh chóng, không tiếc nuối chút nào cả.

            (2) Giacôbê và Gioan: Các ông bỏ cha mình là ông Zebedee ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người. Hai ông không những bỏ nghề mà còn bỏ cả cha, đấng sinh thành ra mình. Chúa Giêsu phải có điều gì lôi cuốn các ông hơn nghề nghiệp và tình cảm gia đình.      

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Thiên Chúa có thể làm tất cả một mình, nhưng Ngài muốn sự cộng tác của con người.

            – Chúng ta cần phản ứng tích cực trước lời mời gọi của Thiên Chúa; nhất là trong việc rao giảng Tin Mừng.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************