Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Hai tuần 2 Mùa Vọng – Năm A
BÀI ĐỌC I: Is 35, 1-10
“Chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu thoát các ngươi”.
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Sa mạc và hoang địa hãy vui mừng, đồng cỏ hoang hãy hoan hỉ và nở hoa; hãy nở hoa như cây thuỷ tiên, hãy tràn đầy hân hoan và niềm vui! Hoang địa sẽ được vinh quang của núi Liban, và vẻ tráng lệ của Carmel và Saron. Chính họ sẽ được thấy vinh quang của Chúa, và vẻ tráng lệ của Thiên Chúa chúng ta. Hãy nâng đỡ những bàn tay mỏi mệt, và hãy làm vững mạnh những đầu gối rã rời. Hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi. Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối sẽ chảy nơi đồng vắng. Đất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước. Hang dã thú nơi chó rừng ẩn náu sẽ trở thành vườn lau vườn sậy. Nơi ấy sẽ có những con đường người ta sẽ gọi là thánh lộ, không tội nhân nào được qua đường đó; đường này sẽ thuộc về các ngươi, và những kẻ ngây thơ sẽ không lạc lối. Đường ấy sẽ không có vết chân sư tử, và không ác thú nào đi trên đường này, chỉ những kẻ được giải phóng đi trên đó thôi. Những kẻ được Chúa cứu thoát sẽ trở về, và vào thành Sion với lời ca vang, cùng với triều thiên hân hoan trên đầu họ. Họ sẽ được niềm vui và hoan hỉ; họ không còn đau khổ và than van.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14
Đáp: Này đây Chúa chúng ta sẽ đến và cứu độ chúng ta (Is 35, 4d).
1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi.
2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.
3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người.
ALLELUIA: Lc 3, 4. 6
All. All. – Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. – All.
PHÚC ÂM: Lc 5, 17-26
“Hôm nay chúng tôi đã thấy những việc lạ lùng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày ấy, Chúa Giêsu đang ngồi giảng, có cả những người biệt phái và tiến sĩ luật từ các làng mạc xứ Galilêa, xứ Giuđêa và Giêrusalem đến nghe Người, và Người dùng quyền lực của Thiên Chúa chữa nhiều người. Người ta khiêng một người bất toại đến, họ tìm cách vào nhà để đặt người bất toại trước mặt Người. Nhưng không tìm được lối vào, vì dân chúng quá đông, họ liền trèo lên sân thượng và thả người bất toại xuống giữa cử toạ trước mặt Chúa Giêsu. Thấy lòng tin của họ, Người nói: “Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!”
Các luật sĩ và biệt phái bắt đầu lý luận rằng: “Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?” Chúa Giêsu biết rõ điều họ suy tính, liền nói với họ: “Sao các ngươi lại nghĩ trong lòng như vậy? Nói rằng: ‘Các tội của ngươi đã được tha’, hay nói: ‘Ngươi hãy đứng dậy mà đi’, đàng nào dễ hơn? Song (như thế là) để các ngươi biết Con Người có quyền tha tội ở dưới đất”. Người nói với người bất toại rằng: “Ta bảo ngươi, hãy chỗi dậy vác giường về nhà”. Tức thì anh ta chỗi dậy vác giường đi về nhà và ca tụng Thiên Chúa. Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa; họ kinh sợ và nói: “Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ lùng”.
Đó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
11/12/2023 – THỨ HAI TUẦN 2 MV
Th. Đa-ma-sô I, giáo hoàng
Lc 5,17-26
LÒNG KHAO KHÁT CHÚA
Họ lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giê-su. (Lc 5,18)
Suy niệm: Mấy người khiêng anh bạn bại liệt không nói một lời, nhưng hành động của họ lại diễn tả mạnh mẽ họ khát khao gặp Chúa như thế nào. Chiếc cáng cồng kềnh, cùng với đám đông đã bít kín mọi lối dẫn họ đến với Đức Ki-tô; nhưng tất cả mọi chướng ngại đó đều không thể ngăn cản họ đem người bạn bại liệt đến với Chúa để được chữa lành. Họ đã tìm ra một cách không tưởng để đạt được điều họ khao khát: dỡ cả mái nhà, đưa bạn mình xuống để gặp được Ngài. Thấy lòng tin mạnh mẽ của họ, Chúa ban ơn gấp bội phần điều họ kêu xin: Ngài chữa lành bệnh phần xác lại còn tha thứ tội lỗi phần hồn. Về phần mình, anh bại liệt không chỉ đáp lại bằng một lời cám ơn, anh về nhà “vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 5,25).
Mời Bạn: Có lẽ số phận ngồi tù là một trong những hoàn cảnh bế tắc nhất của một người, thế nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản tâm hồn khao khát Chúa như ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận làm chứng: “Ban đêm, các tù nhân thay phiên nhau thờ lạy Chúa. Với sự hiện diện lặng lẽ, Chúa Giêsu Thánh Thể đã làm nên những việc kỳ diệu… Và thế là đêm tối của nhà tù đã trở thành ánh sáng Phục sinh… Nhà tù trở thành trường dạy giáo lý.”ù Với cuộc sống hiện đại dư thừa tiện nghi vật chất, người ta dửng dưng không cần đến Chúa. Phần bạn, điều gì thúc bách bạn khao khát tìm đến Chúa để được Ngài cứu độ?
Sống Lời Chúa: Trong ngày, bạn dành ít phút hồi tâm hoặc viếng Thánh Thể để khơi dậy lòng khao khát Chúa.
Cầu nguyện: Như nai rừng mong mỏi, tìm về suối nước trong, hồn con luôn mong mỏi, tìm gặp Ngài, lạy Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Bệnh tật nơi thân xác con người
có thể tượng trưng cho một thứ bệnh tật nào đó nơi tinh thần.
Ít người mắc bệnh câm, nhưng ai cũng có kinh nghiệm về sự câm nín,
do sợ hãi của chính mình hay do bị đe dọa bắt phải im.
Ít người mắc bệnh điếc, nhưng lại có quá nhiều cuộc đối thoại
mà hai bên chẳng hiểu nhau, vì mất khả năng nghe.
Người mù không phải chỉ là người không thấy ánh mặt trời,
nhưng còn là người không dám thấy ánh sáng của sự thật,
không nhận ra hình ảnh người anh em nơi khuôn mặt kẻ thù.
Không phải ai cũng có bàn tay khô bại, không duỗi ra được,
nhưng ai cũng có lần thấy mình khó đưa tay ra để bắt tay người khác.
Đức Giêsu đã chữa cả thảy bao nhiêu bệnh nhân, chúng ta không biết.
Nhưng chắc Ngài đã không dừng lại ở việc chữa lành thân xác.
Ngài muốn một sự lành mạnh nơi toàn diện con người.
“Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai” (Is 35, 6).
Lời của ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1 đã ứng nghiệm.
Khi anh bại liệt trỗi dậy, vác giường và đi một mạch về nhà,
chúng ta thấy niềm vui bừng tỏa trên khuôn mặt của anh và các bạn.
Cả gia đình của anh cũng sẽ ngập tràn hạnh phúc
khi thấy anh trở về, đi đứng như một người bình thường.
Nhưng có điều họ không nhận ra đó là chuyện anh được tha tội.
Đức Giêsu đã tha tội cho anh dù anh không xin,
vì điều anh quan tâm chỉ là sự bất toại thể lý.
Nhưng tâm hồn anh đã bước đi,
trước khi đôi chân anh đi được.
Sự trỗi dậy của anh là sự trỗi dậy của cả hồn lẫn xác.
Đức Giêsu có cơ hội để tỏ cho nhóm các luật sĩ và Pharisêu thấy
không nhất thiết phải đi gặp tư tế và dâng lễ đền tội mới được tha.
Chỉ bằng một lời nói đơn sơ dễ dàng, Ngài có quyền ban ơn tha thứ.
Chính việc anh bất toại được chữa lành làm chứng về quyền năng này.
Ngược với thái độ tin tưởng táo bạo của anh bất toại và các bạn,
là thái độ thụ động ngồi của các luật sĩ và Pharisêu.
Họ cứng nhắc trong suy nghĩ truyền thống của mình :
chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tha tội.
Họ không tin Đức Giêsu được chia sẻ quyền ấy từ Cha,
dù họ đã tận mắt thấy anh bất toại đi được.
Mùa Vọng là thời gian trỗi dậy, ra khỏi sự bất toại và bước đi.
Có những bệnh bất toại về mặt thiêng liêng,
khiến tôi không đến gần Chúa được, cũng không dám đến với anh em.
Có những bất toại về trí tuệ khiến tôi bị kẹt
trong những định kiến, thiên kiến, thành kiến,
không dám mở ra để đón nhận những sự thật bất ngờ và đáng sợ.
Có những bất toại về tình cảm khiến tim tôi như bị cầm tù,
không sao thoát khỏi được chuyện yêu ghét oán hờn dai dẳng.
Xin Giêsu giải phóng tôi, cho tôi khỏi bất toại, để tôi được tự do.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
11 THÁNG MƯỜI HAI
Một Người Mẹ Trong Trật Tự Ân Sủng
“Đức Maria Vô Nhiễm đứng dưới chân Thập Giá: Mẹ đã mang thai, sinh hạ và nuôi dưỡng Đức Kitô, dâng Người cho Chúa Cha trong Đền Thờ, chia sẻ đau khổ của Con mình khi Người chết trên Thập Giá. Vì thế, Mẹ đã cộng tác cách đặc biệt vào công cuộc của Đấng Cứu Thế bằng sự vâng phục, bằng đức tin, đức cậy và đức ái nồng cháy… Vì thế Mẹ là Mẹ của chúng ta trong ân sủng.” (LG 61). Đó là giáo huấn của Công Đồng.
Và đó là lý do tại sao Mẹ Thiên Chúa cũng gắn bó mật thiết với Giáo Hội. Mẹ là hình ảnh diễn tả Giáo Hội – như thánh Ambrôsiô dạy – trong trật tự của đức tin, của tình yêu và của sự hiệp thông hoàn toàn với Đức Kitô. Thật vậy, ‘trong mầu nhiệm Giáo Hội, vốn được gọi rất đúng là ‘mẹ và trinh nữ’, thì Đức Nữ Trinh Maria đã đi đầu, đã tỏ ra là mẹ và trinh nữ trong một cách thế ưu việt và vô song” (LG 63).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 11/12
Thánh Đamasô I, Giáo Hoàng
Is 35, 1-10; Lc 5, 17-26.
Lời Suy Niệm: “Vậy để các ông biết: Ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội.” (Lc 5,24)
Với Lời Chúa hôm nay: “Con Người có quyền tha tội”. Bởi vì Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nên Người nói về mình, và Người thực thi quyền thần linh này. Hơn nữa dựa vào quyền bính thần linh của mình. Chúa Giêsu còn ban quyền đó cho những con người được Người uỷ thác, để họ thực thi quyền tha tội, nhân Danh Người. (Gl1441)
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã trao quyền tha tội cho các linh mục trong Giáo Hội, để các ngài tha tội cho các tội nhân. Xin cho tất cả chúng con biết quý trọng các ngài, và cho chúng con biết khiêm tốn đến với các ngài để lãnh nhận bí Tích Hoà Giải. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 11-12: Thánh ĐAMASÔ I
Giáo Hoàng (305 – 384)
Đây là một vị giáo hoàng sáng chói trong Hội Thánh. Ngài đã xác nhận quyền tài thẩm trên toàn thể Giáo hội là do thánh Phêrô lãnh được bởi Chúa Kitô. Đức giáo hoàng Libêriô đã chú ý tới linh mục Damasô gốc Tân Ban Nha và đặt Ngài làm tổng phó tế cai quản Giáo hội. Khi hoàng đế Constance ủng hộ phái Ariô bắt Đức Libêriô đi đày. Damasô đi theo Ngài. Nhưng Đức Libêriô cảm thấy mình sắp chết, và để chiều theo ý Ngài, Damasô trở lại Roma, nơi Ngài sẽ được chọn làm giáo hoàng.
Giữa những phiến động, phân ly và xáo trộn, triều đại giáo hoàng của Ngài khổ não tột cùng. Dầu vậy, chính những điều đó làm nên vinh quang cho đức giáo hoàng. Là nhà trí thức, khảo cổ và thi nhân, Đức Damasô đã lưu giữ những chứng liệu quý báu về Roma của Kitô giáo thời xưa, Ngài đã sửa sang phần mộ các thánh tử đạo, trước tác những vần thơ để ở mộ bia. Những nét chữ đẹp trên các mộ mênh danh là “chữ Damasô”. Ngài cho xây nhiều đại thánh đường và nhiều nhà từ thiện.
Chúng ta phải biết ơn thánh Damasô nhiều, vì Ngài đã nhận thức được tài năng giá trị của thánh Hiêrônimô và đã trao phó trách nhiệm hiệu đính bản dịch thánh kinh. Chính Ngài đã kết các thánh vịnh bằng kinhsáng danh.
Giữ cho đức tin được tinh ròng ở cộng đồng Nicêa chống lại phái Ariô, Đức Damasô đã triệu tập nhiều công đồng. Công đồng Constantinople đã đưa Ngài tới danh hiệu cao cả nhất là “viên ngọc của đức tin”.
Đức Damasô đã viết nhiều vần thơ đề mộ bia. Có một tấm Ngài viết về chính mình và đăt ở nghĩa trang thánh Callistô: “Tôi, Damasô muốn được chôn cất tại đây, nhưng tôi sợ phàm tục hóa xương cốt các thánh nhân”.
Bởi vậy, Ngài đã được chôn cất trong một thánh đường ở Via Ardeatina.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
11 Tháng Mười Hai
Tiếng Khóc Của Sa Mạc
Một mẩu chuyện của người Phi Châu kể lại rằng: một người Ả Rập sống ở sa mạc có thói quen nằm sát xuống đất, úp tai trên cát từng giờ lâu. Có người hỏi tại sao làm thế, anh ta giải thích như sau: “Tôi nghe sa mạc khóc vì nó rất muốn được làm một ngôi vườn xinh tươi”.
Sa mạc mong mỏi được trở thành ngôi vườn, cũng thế tâm hồn con người luôn hướng về điều thiện. Khoảng cách giữa sa mạc và ngôi vườn xinh tươi đó là nước non, điều kiện thời tiết và nhất là công lao của con người. Không có sự chăm sóc của con người, sa mạc vẫn tiếp tục là bãi cát khô cằn. Cõi lòng con người sẽ mãi mãi là một sa mạc cằn cỗi nếu nó không được vun xới và tưới bằng cố gắng, phấn đấu, hy sinh và tình yêu. Phải tốn biết bao là kiên nhẫn, biết bao chống đỡ, biết bao nghị lực, biết bao mồ hôi… để biến sa mạc của tâm hồn thành một khu vườn tươi tốt… Sa mạc tâm hồn của chúng ta sẽ khóc mãi nếu chúng ta không ra tay cày xới và vun trồng mỗi ngày.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai – Tuần II – MV
Bài đọc: Isa 35:1-10; Lk 5:17-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tội lỗi
Truyền thống Do-Thái tin có một sự liên hệ giữa tội lỗi và hình phạt. Một ví dụ điển hình là chủ đề chính của các Sách Tiên Tri: vì Israel phạm tội bất trung với Thiên Chúa, nên Ngài đã dùng Assyria và Babylon như roi để sửa phạt họ. Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn họ bị tiêu diệt muôn đời, nhưng muốn họ ăn năn hối cải để được sống. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah cho thấy hình ảnh huy hòang khi dân chúng biết ăn năn xám hối, họ sẽ được trở về từ nơi lưu đày và được gặp gỡ Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế mà các tiên tri nói tới. Ngài có năng quyền chữa lành mọi bệnh phần hồn (tội lỗi) và phần xác.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Niềm vui vì được cứu độ
1.1/ Sự khác biệt giữa 2 cuộc sống: có Chúa và không có Chúa.
(1) Khi có Chúa can thiệp, sa mạc khô cằn trở nên vùng đất phì nhiêu: “Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò. Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Liban, vẻ rực rỡ của núi Carmen và đồng bằng Sharon. Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa, và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta.”
(2) Con người có can đảm để sống: “Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng. Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em.””
(3) Mọi bệnh tật sẽ được chữa lành: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.”
1.2/ Chỉ có những ai tay sạch lòng thanh mới được tiến về Núi Thánh: Kẻ dữ sẽ không được trở về: “Ở đó sẽ có một đường đi mang tên là thánh lộ. Kẻ ô uế sẽ chẳng được qua. Đó sẽ là con đường cho họ đi, những kẻ điên dại sẽ không được lang thang trên đó.” Những người được Đức Chúa giải thoát sẽ trở về, tiến đến Sion giữa tiếng hò reo, mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất.
2/ Phúc Âm: Này anh, anh đã được tha tội rồi!
2.1/ Năng quyền chữa bệnh của Đức Kitô: Không ai có thể phủ nhận năng quyền chữa bệnh của Đức Kitô, ngay cả các Kinh-sư và Biệt-phái. Điểm đặc biệt trong trình thuật của Tin Mừng Luca hôm nay là cách thức họ đưa bệnh nhân đến với Chúa Giêsu và cuộc đối thọai giữa Chúa Giêsu với các Kinh-sư và Biệt-phái về năng quyền tha tội của Ngài.
“Một hôm, khi Đức Giêsu đang giảng dạy, có mấy người Biệt-phái và Kinh-sư ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền Galilee, Judah, và Jerusalem đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật. Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người. Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giêsu.”
2.2/ Năng quyền tha tội của Đức Kitô: Cuộc đối thọai của Chúa Giêsu và các Kinh-sư cùng Biệt-phái tập trung trong đề tài chính là Chúa Giêsu có quyền tha tội không? Để chứng minh cho họ thấy Ngài vừa có quyền chữa bệnh vừa có quyền tha tội; nói cách khác, Ngài chính là Thiên Chúa; Chúa Giêsu dùng 2 niềm tin của họ để dẫn họ đến những điều họ phải chấp nhận.
(1) Niềm tin thứ nhất: tội lỗi và hình phạt. Truyền thống Do-Thái tin có sự liên hệ giữa tội lỗi và hình phạt; bệnh tật có thể là do tội của cá nhân đó hay cha mẹ anh ta, vì “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” (Jn 9:2, 34). Sách Xuất Hành tin cơn giận của Thiên Chúa sẽ gíang xuống tới 5 đời con cháu (Exo 20:5).
(2) Niềm tin thứ hai: chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đối thọai với họ về năng quyền tha tội, khi Người bảo anh bại liệt: “Này anh, anh đã được tha tội rồi.” Các Kinh-sư và các người Biệt-phái bắt đầu suy nghĩ: “Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế? Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” Điều họ nghĩ không sai: chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội (Isa 43:25, 55:7). Bất cứ ai tự nhận mình có quyền tha tội là phạm thượng, vì đã tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.
(3) Lý luận của Chúa Giêsu: Hình phạt được tha là tội lỗi được tha. Theo thủ tục của tòa án, hình phạt chỉ ra sau khi đã kết án tội phạm; nếu chánh án tuyên bố tha bổng, đương sự không có tội gì nữa. Ngay cả trong trường hợp đang xảy ra: Nếu các Kinh-sư và Biệt-phái tin hình phạt là do tội lỗi gây ra, họ cũng phải tin nếu hình phạt (bệnh liệt) bị lấy đi, tội lỗi cũng được tha.
Chúa Giêsu thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: “Các ông đang nghĩ gì trong bụng vậy? Trong hai điều: một là bảo: “Anh đã được tha tội rồi!” hai là bảo: “Đứng dậy mà đi!” điều nào dễ hơn? Đối với họ, điều dễ là điều thứ nhất; đối với Chúa Giêsu, cả hai điều đều dễ dàng. Ngài có cả quyền chữa lành và quyền tha tội.
(4) Hệ quả thứ nhất: Đức Kitô có quyền tha tội. Chúa Giêsu nói với họ: “Vậy, để các ông biết ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà!” Ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa.
(5) Hệ quả thứ hai: Đức Kitô là Thiên Chúa. Nếu các Kinh-sư và Biệt-phái thành tâm theo niềm tin của họ tới cùng, đó là: “Không ai có quyền tha tội ngòai Thiên Chúa;” họ sẽ nhận ra Đức Kitô là Thiên Chúa, vì Ngài vừa có năng quyền chữa bệnh vừa có năng quyền tha tội. Nhưng họ đã không nhận ra những gì mà tòan dân nhận ra, vì sự ghen tị của họ: “Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: “Hôm nay, chúng ta đã chứng kiến những chuyện lạ kỳ!””
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta không thể đón Chúa với tâm hồn tội lỗi, vì Chúa là Đấng vô cùng Thánh Thiện (I Jn 1:5).
– Con người chúng ta ai cũng phạm tội; vì thế, chúng ta cần xưng thú tội lỗi trước khi được tha thứ và giao hòa với Thiên Chúa. Nếu ai nói mình không phạm tội, người đó là kẻ nói dối và sự thật không có trong họ (I Jn 1:8).
– Chúa Giêsu có quyền tha tội, và Ngài ban cho các môn đệ và các linh mục (những người kế vị) quyền cầm giữ và tháo cởi (x/c Mt 16:19, Lk 24:47, Jn 20:23). Chỉ cần chuẩn bị một thời gian ngắn và xưng thú tội lỗi, chúng ta sẽ được Chúa ngự vào lòng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************