Ngày thứ hai (13-01-2025) – Trang suy niệm

13/01/2025

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai tuần 1 Thường Niên

BÀI ÐỌC I: Dt 1, 1-6

“Chúa đã phán dạy chúng ta qua Người Con”.

Khởi đầu thư gửi tín hữu Do-thái.

Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ. Nguyên vốn là phản ảnh sự vinh quang và là hình tượng bản thể Ngài, Người Con đó nâng giữ vạn vật bằng lời quyền năng của mình, quét sạch tội lỗi chúng ta, và ngự bên hữu Ðấng Oai Nghiêm, trên cõi trời cao thẳm. Tên Người cao trọng hơn các thiên thần bao nhiêu, thì Người cũng vượt trên các thiên thần bấy nhiêu. Phải, vì có bao giờ Thiên Chúa đã phán bảo với một vị nào trong các thiên thần rằng: “Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh hạ Con”? Rồi Chúa lại phán: “Ta sẽ là Cha Người, và Người sẽ là Con Ta”. Và khi ban Con Một mình cho thế gian, Chúa lại phán rằng: “Tất cả các thiên thần Chúa hãy thờ lạy Người!”

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 96, 1 và 2b. 6 và 7c. 9

Ðáp: Chúa hiển trị, Chúa là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất (c. 1a và 9a).

1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Công minh chính trực là nền kê ngai báu.

2) Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. Bao nhiêu chúa tể hãy cúc cung bái lạy Người.

3) Lạy Chúa, vì Ngài là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể.

ALLELUIA: 1 Sm 3, 9

All. All. – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – All.

PHÚC ÂM: Mc 1, 14-20

“Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-côbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

13/01/2025 – THỨ HAI TUẦN 1 TN

Th. Hi-la-ri-ô, giám mục, tiến sĩ HT

Mc 1,14-20

SÁM HỐI: ‘ĐẶC SẢN’ KI-TÔ HỮU

“Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15)

Suy niệm: Trong dịp hành hương Fatima năm 2010, ĐGH Bê-nê-đi-tô XVI kêu gọi mọi tín hữu phải sám hối, vì “sự bách hại ác liệt nhất đối với Giáo Hội không đến từ kẻ thù bên ngoài, mà xuất phát từ tội lỗi ngay trong lòng Giáo Hội, vì thế Giáo Hội cần khẩn thiết học lại bài học sám hối, cần chấp nhận thanh luyện.” Như vậy, sám hối trở thành “đặc sản” của Ki-tô hữu, bởi mọi Ki-tô hữu phải từ bỏ tội lỗi, hướng lòng về với Chúa và uốn nắn đời sống của mình theo Tin Mừng. Sám hối trở thành việc thường xuyên trong đời Ki-tô hữu và là cách tiếp nhận quyền năng của lòng Chúa thương xót. Không như một số người lầm tưởng Chúa thương xót là Chúa cảm thông sự yếu đuối của chúng ta nhưng bất lực cứu độ; trái lại, lòng Chúa thương xót có quyền năng tha thứ và cho chúng ta một cơ hội mới sống lại tình thân với Chúa. Một lời tổng nguyện cổ xưa đã khẳng định quyền năng này của Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa là Đấng cao cả vô song, Chúa đã mạc khải về quyền năng của Chúa trước hết là trong lòng thương xót và sự khoan dung.”

Mời Bạn: Có người viết rằng, xấu hổ chẳng khác gì con sư tử thu mình để phóng tới, thì đối với Ki-tô hữu, sám hối là cách thức đón nhận quyền năng tha thứ và phục hồi từ Thiên Chúa để trở nên người mới đó bạn!

Sống Lời Chúa: Dành vài phút cuối ngày để gặp gỡ Chúa, xét mình và thực hành sám hối.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa thương xót tội nhân và sẵn lòng tha thứ để cứu độ họ. Xin đừng để con hư mất vì thiếu lòng ăn năn sám hối.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Sau khi chịu phép rửa của Gioan ở sông Giođan
Đức Giêsu biết đã đến lúc mình phải rời bỏ gia đình ở Nadarét,
phải chia tay với người mẹ thân yêu,
phải từ giã nghề nghiệp mà mình đã theo đuổi mấy chục năm trời.
Sau khi nhận Thánh Thần từ trên xuống,
Đức Giêsu biết đã đến lúc mình phải lên đường
dấn thân cho sứ mạng do Cha ủy thác.
Vùng Galilê là vùng Ngài bắt đầu rao giảng Tin Mừng về Nước Trời (c.14).
Ngài mời người ta sám hối và tin vào Tin Mừng mà Ngài rao giảng.(c.15).

Nhưng Đức Giêsu không nghĩ rằng mình có thể tự mình làm mọi sự.
Ngài cần người cộng tác, dù nước Ítraen chỉ là một nước bé nhỏ.
Đức Giêsu đi tìm môn đệ, và Ngài bắt gặp các anh đánh cá nơi hồ Galilê.
Có hai đôi anh em ruột đã lọt vào mắt của Ngài.
Ngài THẤY Phêrô và Anrê đang quăng lưới bắt cá.
“Hãy theo tôi. Tôi sẽ làm các anh thành những kẻ lưới con người” (c. 17).
Đây là một mệnh lệnh nhưng cũng là một lời mời thân thương.
Ngài GỌI họ đi theo Ngài, theo chính con người của Ngài,
chứ không phải theo một lý tưởng hay một chủ nghĩa nào đó, dù là cao đẹp.
Theo Ngài sẽ dẫn đến một thay đổi lớn nơi họ: từ lưới cá đến lưới con người.
Bây giờ con người là mối bận tâm của họ, không phải là cá như xưa nữa.

Đức Giêsu cũng thấy cặp anh em ruột thứ hai là Giacôbê và Gioan.
Họ đang vá lưới trong khoang thuyền với người cha.
Khung cảnh cha con thật êm đềm, tưởng như chẳng gì có thể làm xáo trộn.
Tiếng gọi của Thầy Giêsu vang lên, gây cuộc chia ly.

Bốn anh đánh cá đầu tiên này đã BỎ để dáp lại tiếng gọi của Thầy Giêsu.
Họ đã bỏ chài lưới, bỏ nghề dánh cá, bỏ những thú vui của sông nước.
Hơn nữa họ còn bỏ gia đình, bỏ vợ, bỏ cha, để gắn bó với Thầy Giêsu.
Họ bỏ một giá trị để sống cho một Giá Trị lớn hơn,
bỏ một tình yêu để sống cho một Tình Yêu lớn hơn.
Đức Giêsu đã có kinh nghiệm về sự đau đớn khi phải từ bỏ như vậy.
Nhưng bỏ chính là để THEO (cc. 18.20).
Theo một Đấng sống không chỗ tựa đầu, và bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh.

Hôm nay Đức Giêsu vẫn cần những con người dám sống cho người khác,
dám bỏ lại những điều rất quý giá và thân thương,
dám bỏ lại cuộc sống ổn định và ấm êm, tiện nghi và dễ chịu.
Xin cho chúng ta nghe được tiếng gọi thì thầm của Ngài và vui sướng đáp lại.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.

Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.

Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.

Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.

Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.

Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

14 THÁNG GIÊNG

Thiên Chúa Muốn Con Người Quan Hệ Mật Thiết Với Nhau

Việc thực thi công bằng – là nền tảng của đời sống xã hội – không hề giới hạn hay cương tỏa tự do của nhân vị khi việc ấy không đi ngược lại bản tính con người và không độc đoán. Trái lại, nó giúp đỡ và hướng dẫn cho người ta, nam cũng như nữ, thực hiện những quyết định của riêng mình một cách phù hợp với thiện ích chung. Đời sống hôn nhân và gia đình là những cơ chế tự nhiên như thế. Chúng bắt rễ trong chính sự hiện hữu của nhân vị. Và sự thiện hảo riêng của những cơ chế này sẽ là nhân tố cho sự thiện hảo của toàn xã hội. Chúng giúp người ta có được những sự chọn lựa tốt lành và đúng đắn.

Thật vậy, Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et spes của Công Đồng Vatican II nêu rõ: “Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc; bởi vì từ khởi thủy, ‘Ngài đã tạo dựng có nam có nữ’’ (St 1, 27). Sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không liên lạc với những hữu thể khác thì con người sẽ không thể sống và phát triển tài năng mình.” (MV 12)

Đời sống hôn nhân và gia đình – nền tảng của xã hội – là những cơ chế mà toàn thể cộng đồng thế tục cũng như tôn giáo phải phục vụ cho. Nếu chúng ta nhận thức rằng “xã hội này của người nam và người nữ là mô hình đầu tiên của hiệp thông nhân vị”, chúng ta sẽ hoàn toàn chấp nhận rằng bất cứ hành động nào phục vụ cho đời sống hôn nhân và gia đình cũng có sức củng cố và làm phong phú hóa mọi cộng đồng khác và trên hết là toàn thể xã hội loài người.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 13/1

Thánh Hilariô, giám mục,

tiến sĩ Hội Thánh.

Dt 1,1-6 ; Mc 1,14-20.

Lời suy niệm: Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,14-15).

          Khởi đầu sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu, người nói: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Trước hết Người báo động: “Thời kỳ đã mãn,” điều này Người muốn nhắn nhủ những người đương thời biết: chính lúc Người xuất hiện là thời kỳ được Thiên Chúa ấn định ban Đấng Mêssia đến cứu dân Người. Và điều thứ hai: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Điều này Chúa Giêsu cho dân chúng biết thêm là: Thiên Chúa không chờ đợi con người lập công, nhưng mời gọi họ đến với Người trong đức tin.

          Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho mỗi Kitô hữu tìm hiểu Giáo lý của Hội Thánh Chúa để giúp cho đức tin ngày thêm vững mạnh: “Đức tin là toàn thể bởi vì chỉ có một trái tim và một trung tâm: đó là Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa, do đó Đức Kitô phải là trung  tâm của Giáo lý. Mục đích của Giáo lý là đưa người ta đi vào trong sự hiệp thông với Đức Kitô. Ngài là Đấng duy nhất có thể dẫn chúng ta đến với tình yêu của Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, làm cho chúng ta được chia sẻ đời sống của Ba Ngôi Chí Thánh (GLHTCG 426). Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 13-01: Thánh HILARIÔ

Giám Mục Tiến Sĩ (khoảng 320-368)

Thánh Hilariô chào đời tại Poa-tu (Poitou) Ngài là con một nhà quí tộc làm nghị viên và được giáo dục đầy đủ. Các môn học mà thánh nhân ưa thích là văn chương, thi ca, nhất là triết lý. Việc học tập của Ngài luôn được đào sâu cho tới cùng là Thiên Chúa, Ngài nhận định rằng: hạnh phúc thật của con người không phải bị những thú vui đời này, dù chúng thanh cao đến mấy đi nữa. Trái lại hạnh phúc là được sống cho chân lý ở một cuộc sống khác với cuộc sống tạm trên trần gian này. Ngài nói: – “Tôi khóc lên vì vui sướng mỗi khi nghĩ đến thân xác này chỉ được tiền định để phải chết đi”.

Nhưng làm thế nào mà thánh nhân đã gặp được chân lý, gặp được Thiên Chúa mà các triết gia và các tôn giáo thường nói tới một cách mù mờ ? Chính thánh nhân kể lại cuộc khám phá của mình: – “Từ môi trường ngoại giáo, Chúa đã dẫn đưa tôi tới nguồn sáng chân thực. Giữa bao nhiêu hệ thống triết lý và tư tưởng khác nhau, tôi vẫn ưu tư tìm đến Chúa bằng con đường ngay thật, chắc chắn hữu thể thần linh vĩnh cửu phải là đơn thuần và độc nhất, không có gì là không bắt nguồn tự Ngài, vạn vật đều phải thờ phượng Ngài”.

Xác tín rằng phải có Chúa, Ngài còn suy nghĩ về các phẩm tính thần linh của Chúa.

– “Nếu một công rình vượt quá trí khôn chúng ta, thì nhà nghệ sĩ thần linh còn trổi vượt công trình đó thế nào ? Vậy phải nhận biết rằng, Thiên Chúa tuyệt mỹ và chúng ta chỉ cảm nhận mà chúng ta không thể thấu hiểu nổi”.

Trong khi còn miên man suy nghĩ như vậy. Thánh nhân bỗng gặp được một cuốn kinh thánh. Ngài đọc được đoạn văn trên Chúa hiện ra với Môsê và tự bày tỏ: “Ta là Đấng hiện hữu”.

Ngài sung sướng với khám phá này: – “Tôi vui thỏa với danh hiệu mà Thiên Chúa đã tỏ ra cho Môsê. Thánh danh ấy vừa biểu lộ một quan niệm sâu xa về Thiên Chúa, lại vừa tầm với trí óc con người.

Từ đó thánh nhân say mê nghiên cứu thánh kinh, nhất là các sách tiên tri với những đoạn loan báo về Đấng thiên sai. Trong các sách Tin Mừng, Ngài thích nhất tự ngôn của Tin Mừng theo thánh Gioan. – “Trí tôi học biết và Thiên Chúa vượt quá điều nó dám ước mong… lòng tôi run rẩy bồn chồn vì vui sướng trước giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi và trước lời mời gọi tái sinh nhờ đức tin”.

Thế là thánh nhân đã lãnh nhận phép rửa tội và cảm thấy hạnh phúc lạ lùng. Ngài đã lập gia đình và có được một người con gái. Rồi đây Ngài sẽ đưa cả vợ con về với đức tin. Khi Ngài muốn trở thành linh mục, vợ Ngài chỉ còn gặp lại Ngài tại bàn thánh và coi Ngài như một người anh. Nhân đức và trí khôn ngoại hạng còn đưa Ngài tới chức giám mục cai quản địa phận Pcachie (Poutiers) năm 350.

Lúc ấy lạc giáo Ariô nổi lên như vũ bão trong Giáo hội. Vua Constantiô ủng hộ lạc giáo và tiếp tay cho cuộc bách hại. Thánh Athanasiô bị bắt đi lưu đày. Thánh Hilariô đứng lên lãnh đạo công cuộc bảo vệ đức tin chân chính. Ngài triệu tập một công đồng để lên án hai giám mục theo lạc giáo. Cộng đồng còn cử Ngài đi thương thuyết với nhà vua. Nhưng lòng can đảm của Ngài đã bị trừng phạt bằng cuộc lưu đày năm 356, chấp nhận gian khổ, Ngài tuyên bố:

– “Người ta có thể bắt các giám mục lưu đày, nhưng có thể trục xuất chân lý được không ?”

Cuộc hành trình tới Phrygia nằm ở cuối miền Tiểu Á thật dài và đầy gian khổ. Nhưng thánh nhân đã không hề phàn nàn mà vẫn bình thản sống mật thiết kết hợp với Chúa. Đầy dũng cảm, Ngài vẫn tiếp tục làm rung chuyển thế giới bằng công việc viết lách của mình.

Ngài nói: – “Dầu bị lưu đày, chúng tôi vẫn tiếp tục nói bằng sách vở, bởi vì người ta không thể giam hãm lời Chúa”.

Ngài đã viết 12 khảo luận bàn về Chúa Ba Ngôi, và đưa giáo thuyết chân chính của công giáo với những tư tưởng kinh tế của Hylạp vào thổ ngữ. Ngài tiếp tục điều khiển giáo phận bằng thư tín. Cũng vào thời này, thánh nhân diụ dàng hướng dẫn Ebra, người con gái của mình tới đời sống thánh thện. Một bức thư Ngài viết trong buổi lưu đày còn sót lại có khuyên nhủ nàng tận hiến cho Chúa như sau:

– “Con thân yêu, con là đứa con duy nhất của cha, cha muốn thấy con đẹp nhất và đẹp nhất trong các phụ nữ. Người ta nói với cha về một thanh niên có một viên ngọc quí và một bộ áo quí giá đến nỗi ai mà có được những thứ đó thì sẽ là người giàu có hơn hết mọi người”.

Và thánh nhân kể lại rằng: phải khó khăn lâu ngày, Ngài mới gặp được người thanh niên này để xin Người ban viên ngọc và chiếc áo ấy cho Ebra. Bên chiếc áo này, tuyết hết trắng, không có một vết niơ nào có thể bôi bẩn, không một tai nạn nào có thể xé rách. Còn viên ngọc, không vật nào chịu nổi vể rực rỡ huy hoàng, chẳng bao giờ tàn sắc, ai mang được sẽ hết khổ và không phải chết.

Và Ngài tiếp: – “Đấy là những món trang sức mà cha ước ao, những thứ ban ơn cứu rỗi và hạnh phúc vĩnh cửu”.

Ngài còn gửi cho cô những khúc thánh thi để cô ca nguyện sớm chiều. Ebra sớm theo ước nguyện của người cha nhưng cũng sớm lìa trần.

Bốn năm trôi qua, Hoàng đế cho triệu tập công đồng Sêlêucia. May mắn Ngài cũng được mời dự. Tại đây Ngài đã dùng hết tài hùng biện và trí thông minh để chống lạc giáo, bảo vệ đức tin chân chính. Không chịu nổi ảnh hưởng của Ngài. Bọn theo lạc giáo đã can thiệp để Ngài về quê hương cho rảnh rợ. Thế là năm 360, Đức Giám mục Hilariô được trở về Poa-chi-ê.

Cuộc hồi hương của thánh nhân là niềm vui cho toàn dân chứ không riêng gì cho giáo phận Poa-chi-ê. Thánh Hiêrônumô đã nói: “Toàn dân Gôn (Gaules) ôm hôn vị anh hùng tay mang ngành vạn tuế trở về”.

Trong đoàn người đông đảo đón mừng người cha già, phải kể đến một người lính trẻ tên là Martinô. Lúc ấy Martinô đang sống ẩn dật ở Ganlinaria và sau này sẽ làm thánh giám mục. Ngày về của vị giám mục già cả còn được ghi dấu bằng một phép lạ nhãn tiền. Một bà mẹ khóc lóc ôm một đứa con mới chết gặp Ngài. Bà tha thiết xin thánh nhân cứu sống con mình, ít ra để nó được rửa tội. Cảm tưởng nỗi niềm đau đớn của người thiếu phụ, Ngài quì gối cầu nguyện và da thịt đứa trẻ dần dần đỏ hồng rồi sống lại.

Tuổi già sức yếu nhưng thánh nhân vẫn nhiệt thành chỉnh đốn lại những tàn phá do bè rối gây nên. Lòng nhiệt thành đã đưa Ngài tới tận Milan khiến bọn lạc giáo kinh hoàng và làm áp lực bắt Ngài phải trở lại Poa-chi-ê. Ngày 13 tháng giêng năm 386 Ngài đã qua đời. Người ta kể lại rằng: lúc thánh nhân tử trần, một luồng chói chang khắp phòng.

Ngày 10 tháng giêng năm 1852, theo lời thỉnh cầu của nhiều vị giám mục. Đức giáo hoàng phong Ngài lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh. Ngài là vị thánh tiến sĩ đầu tiên ở Gôn.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

14 tháng Giêng

 Xuống Ðường

  Thông thường, hai chữ “Xuống Ðường” gợi lên cho chúng ta hình ảnh của những chống đối, biểu tình, đôi khi mang tính cách bạo động trong đường phố. Nhưng cũng có những trường hợp người ta “xuống đường” là để gặp gỡ, cảm thông với người khác, nhất là những người không nhà không cửa, những người sống bên lề đường, những người bị đẩy ra bên lề xã hội cách này hay cách khác: Ðó là trường hợp “xuống đường” của một số giáo dân thuộc xứ Saint Leu Gilles thuộc phận 16 của thủ đô Paris Pháp quốc.

 Từ 8 năm qua,  một số giáo dân thuộc xứ trên đây đã tụ họp lại để thành lập một hiệp hội có tên là “Giải phóng kẻ bị giam cầm”. Thật ra đây không phải là một chương trình xã hội quy tụ các nhà giáo, các cán sự xã hội để săn sóc cho những người đầu đường xó chợ, mà chỉ là một nhóm nhỏ gồm những tín hữu chỉ muốn xuống đường, ra khỏi bốn bức tường nhà thờ, hoặc mái ấm gia đình để đến gặp gỡ, trò chuyện với những người đứng đường như các cô gái điếm, những người nghiện ngập. Mục đích duy nhất của những gặp gỡ này chính là thiết lập tình thân hữu với những người mà ai cũng ghét bỏ.

 Một thanh niên thường xuyên đến gặp gỡ với những cô gái điếm ở đường Saint Denis đã giải thích như sau: “Trước mặt Chúa, chúng ta cũng như những cô gái điếm đứng đường, nhưng chúng ta biết rằng Chúa yêu thương chúng ta bên kia tất cả những hành động đĩ diếm của chúng ta. Các cô gái điếm đánh động lương tâm đang ngủ yên của chúng ta. Họ mời gọi chúng ta hãy tự đặt vào trong cái nhìn của Chúa và đừng bao giờ kết án ai.”

 Mục đích của những người xuống đường trên đây không hẳn là thuyết phục những người lầm đường lạc lối, ăn năn hối cải và quay về với chính lộ. Tất cả cố gắng của họ chỉ là nói với các cô gái điếm, những người nghiện ngập, những kẻ lang thang đầu đường xó chợ rằng: Thiên Chúa là Tình Yêu, Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. Ðể bày tỏ sứ điệp ấy, những người làm công tác tông đồ này chỉ có mỗi một động tác là lắng nghe, hỏi han với tất cả yêu thương và cảm thông.

 Nếu có một thứ hoán cải, thì chính những người trong xã hội phải là những người đầu tiên hoán cải: hoán cải trong thái độ sống đối với người khác, hoán cải trong cái nhìn đối với người khác. Chúa Giêsu đã từng nói: Các cô gái điếm sẽ vào Nước Chúa trước các ngươi. Phải chăng, khi xuống đường  đến với người khác, những người bị bỏ rơi trong xã hội, chính chúng ta không là những người cải hóa cho Tin Mừng?

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai – Tuần 1 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: Heb 1:1-6; Mk 1:14-20.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cùng nhau làm việc.

Người Việt Nam chúng ta rất thành công khi làm việc một mình; nhưng thất bại khi phải làm việc chung với người khác. Lý do: chúng ta sợ! Sợ vì mất quyền hành, sợ người khác hơn mình, sợ vì phải san sẻ lợi lộc cho người khác. Để có thể làm việc chung, chúng ta phải tin tưởng các cộng sự viên của mình trước khi họ chứng minh họ xứng đáng niềm tin của chúng ta. Chúng ta phải nhìn thấy những mối lợi do sự làm việc chung mang lại hơn là những gì chúng ta phải mất.

Hơn nữa, để làm việc chung có hiệu quả, trước khi trao công việc, chúng ta phải: (1) huấn luyện để các cộng sự viên biết và có khả năng làm những gì chúng ta trao cho họ; (2) trao việc là phải trao quyền hành; cộng sự viên là những người đại diện chúng ta để giải quyết vấn đề, chúng ta cần cho họ biết trước những giới hạn về quyền hành nếu có; và (3) phải giúp mọi phương tiện, để họ có thể thi hành sứ vụ được trao phó.

Các Bài đọc hôm nay cho thấy sự làm việc chung của Chúa Cha và Chúa Con. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa Cha làm việc chung với các tiên-tri, thiên-thần, và với Con của Ngài. Trong quá khứ, Người dùng miệng các tiên-tri mà loan báo cho mọi người những gì Ngài muốn. Khi thời gian viên mãn, Người đã dùng chính Người Con để mặc khải và dạy dỗ con người. Trong Phúc Âm, sau khi nhận lãnh sứ vụ từ Chúa Cha, Chúa Giêsu mời gọi 4 môn đệ đầu tiên để Ngài huấn luyện, trước khi sai họ đi để tiếp tục sứ vụ của Ngài trên trần gian.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa làm việc chung với các tiên tri, với Con, và với các thiên thần.

1.1/ Thiên Chúa làm việc với các tiên tri: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ.” Thánh Thomas Aquinô đưa ra nguyên tắc nền tảng: Thiên Chúa làm mọi sự cho con người qua cách thức của con người. Vì nếu không theo cách thức đó, con người sẽ không thể hiểu được. Ví dụ, để con người hiểu được những gì Chúa muốn, Chúa dùng miệng các tiên tri để các ngài dùng tiếng nói của con người mà nói những gì Chúa muốn. Dĩ nhiên, trước đó Chúa phải cho các tiên tri biết Chúa muốn nói gì; có thể bằng thị kiến, có thể bằng tác động trên trí não, miệng lưỡi … Trong Cựu Ước, Thiên Chúa không làm việc trực tiếp với dân, nhưng qua các thiên-thần, các Tổ-phụ, các Thủ-lãnh, và các tiên-tri. Tác giả Thư Do-Thái nhấn mạnh đến hai đặc thù của sự làm việc qua các tiên-tri:

(1) Nhiều lần: Tiếng Hy-Lạp phải dịch đúng hơn “nhiều phần,” vì con người không đủ khả năng để lĩnh hội một lần tất cả, nên Thiên Chúa phải chia ra nhiều phần, mỗi tiên tri một phần; ví dụ: Amos, công bằng xã hội, Isaiah, sự thánh thiện của Thiên Chúa…

(2) Nhiều cách: Các tiên tri dùng các cách khác nhau để thông báo sứ điệp của Thiên Chúa: cách thông thường nhất là dùng miệng, nhưng cũng có người dùng hành động như đóng kịch như Jeremiah.

1.2/ Thiên Chúa làm việc với Người Con: “Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Người Con. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.”

(1) Trong tất cả mọi việc: tạo dựng, quan phòng, cứu chuộc. Như Tin Mừng của Gioan, tác giả Thư Do-Thái tin Người Con làm việc tích cực với Chúa Cha trong ba công việc này. Ngài là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

(2) Sự cao trọng của Người Con: “Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa.” Người là ánh sáng và là hình ảnh của Thiên Chúa đến độ như Ngài nói: “Hễ ai thấy Con là cũng thấy Cha.”

Người Con không những cao trọng hơn các tiên-tri vì Ngài mặc khải cho con người mọi sự nơi Thiên Chúa, mà còn cao trọng hơn các thiên thần vì tất cả quyền năng, danh dự, và vinh quang của Thiên Chúa tập trung trong Ngài. “Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi vượt hơn họ bấy nhiêu.” Và “Mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người.” Điều đặc biệt là với Người Con, từ nay con người có thể liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa, mà không cần qua các tiên tri hay thiên sứ như thuở xưa nữa.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu gọi 4 môn đệ đầu tiên.

2.1/ Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá: Trình thuật hôm nay bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng của Chúa Giêsu sau 30 năm ẩn mình tại Nazareth. Sứ điệp của Chúa Giêsu cho mọi người: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại của Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Hai điều quan trọng Chúa muốn nhấn mạnh đến:

(1) Thời giờ đã điểm, triều đại của Thiên Chúa đã đến: Giống như Thư Do-Thái, Marcô nhấn mạnh đến sự xuất hiện quan trọng của Chúa Giêsu: vẫn có sự liên tục trong Kế Họach Cứu Độ, nhưng được Chúa Giêsu mang đến chỗ tòan hảo.

(2) Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng: Đây là điều kiện để con người được hưởng Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.

Nhưng để kiếm người cộng tác loan truyền sứ điệp, Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên. Ngài không xa lạ gì với Hồ Galilee và dân chài lưới, có thể Ngài đã từng dạo chơi chung quanh, và đã nói chuyện với họ; nhưng hôm nay, Ngài mời gọi họ bỏ mọi sự để cất bước theo Ngài. Nghề đánh cá là nghề khó nhọc và đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn: phải thả lưới bắt cá khi nào cá đi tìm mồi, chứ không phải muốn thả lúc nào thì thả. Thời giờ bắt cá thường là đêm tối cho đến lúc tảng sáng, đó là giờ ngủ của con người. Chúa Giêsu chỉ hứa hẹn với các ông một điều: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Nói cách khác, Ngài sẽ huấn luyện các ông để cứu vớt linh hồn của người ta. Ngài muốn cho các ông nhận ra ý nghĩa của cuộc đời bằng chính việc các ông đang làm: Đánh cá để kiếm của ăn sinh sống không quan trọng cho bằng việc đánh cá để cứu linh hồn các con người đang cần đến các ông.

2.2/ Thái độ của các môn đệ khi được Chúa Giêsu gọi:

(1) Simon và Anrê: Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Thái độ của hai ông đáp trả rất can đảm và dứt khóat. Can đảm vì phải bỏ nghề nghiệp sinh sống, các ông không chút thắc mắc “giải nghệ rồi làm gì ăn?” Dứt khóat vì quyết định rất nhanh chóng, không tiếc nuối chút nào cả.

(2) Giacôbê và Gioan: Các ông bỏ cha mình là ông Zebedee ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người. Hai ông không những bỏ nghề mà còn bỏ cả cha, đấng sinh thành ra mình. Chúa Giêsu phải có điều gì lôi cuốn các ông hơn nghề nghiệp và tình cảm gia đình.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa có thể làm tất cả một mình, nhưng Ngài muốn sự cộng tác của con người.

– Chúng ta cần phản ứng tích cực trước lời mời gọi của Thiên Chúa; nhất là trong việc rao giảng Tin Mừng.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************