Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Hai Tuần II Mùa Chay Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Đn 9, 4b-10
“Chúng con đã phạm tội và đã làm điều gian ác”.
Trích sách Tiên tri Đaniel.
Lạy Chúa là Thiên Chúa cao cả và đáng kính sợ, Đấng giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với những ai kính mến Người và tuân giữ những giới răn của Người. Chúng con đã phạm tội và làm điều gian ác; chúng con đã bỏ các giới răn và lề luật Chúa. Chúng con đã không nghe lời các tiên tri tôi tớ Chúa, những người đã nhân danh Chúa nói với các vua chúa, thủ lãnh, cha ông và toàn dân trong xứ chúng con. Lạy Chúa, sự công chính thuộc về Chúa, còn phần chúng con là phải chịu hổ mặt như ngày hôm nay, chúng con là những người thuộc dòng dõi Giuđa, những dân cư ở Giêrusalem, toàn dân Israel, những kẻ gần xa, sống trong mọi nước mà Chúa đã phân tán họ tới đó, vì tội ác mà họ đã phạm nghịch cùng Chúa. Lạy Chúa, điều dành cho chúng con, các vua chúa, thủ lãnh, cha ông chúng con là phải chịu hổ mặt, vì đã phạm tội. Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con, vì chúng con phản bội cùng Chúa. Chúng con đã không vâng theo tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng con, để sống theo lề luật mà Chúa đã dùng các tiên tri, tôi tớ Chúa, rao giảng cho chúng con. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 78, 8. 9. 11 và 13
Đáp: Lạy Chúa, xin đừng xử với chúng con như chúng con đáng tội (Tv 102, 10a).
Xướng:
1) Xin đừng nhớ lỗi tiền nhân để trị chúng con; xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi! – Đáp.
2) Ôi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa; xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài. – Đáp.
3) Xin cho tiếng tù binh rên siết vọng tới thiên nhan; xin ra tay thần lực giải thoát người mang án tử. Phần chúng con là thần dân Chúa, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi, chúng con sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời; đời nọ sang đời kia, chúng con loan truyền lời ca khen Chúa. – Đáp.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 3, 16
Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Người; mọi kẻ tin Ngài, thì được sống đời đời.
PHÚC ÂM: Lc 6, 36-38
“Hãy tha thứ thì các con sẽ được thứ tha”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho thì sẽ cho lại các con: Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy!”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
14/03/2022 – THỨ HAI TUẦN 2 MC
Lc 6,36-38
CÁI NHÌN BAO DUNG
“Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án.” (Lc 6,37)
Suy niệm: Theo tính tự nhiên, nhiều người ‘thích’ xét đoán người khác vì thật là dễ dàng để vạch lá tìm sâu, đánh giá tiêu cực, phê phán nghiệt ngã chỉ vì người khác không ‘hợp gu’ mình, nhất là khi tự thâm tâm –mà lắm khi người nói không tự nhận thức– người ta muốn đưa mình lên bằng cách hạ người khác xuống. Xét đoán và kết án như thế là hai thái độ mà Chúa dạy chúng ta đừng làm vì nếu không, chúng ta cũng sẽ bị xét đoán và kết án như vậy.
Mời Bạn: Chúa không bảo ta “đừng xét đoán” theo kiểu nhắm mắt làm ngơ hay không biết phân định điều tốt điều xấu. Biết ‘xét đoán’ để nhận ra “những dấu chỉ của thời đại” (Lc 12,56), biết “xem quả để biết cây” (x. Mt 7,15-17) để “đề phòng ngôn sứ giả”. Còn nếu phải xét đoán thì “đừng theo bề ngoài” (Ga 7,24), vì chỉ có Chúa mới thấu suốt tận đáy lòng; cũng đừng theo kiểu đạo đức giả, thấy các rác trong mắt người khác mà không thấy cái xà trong mắt mình (x. Mt 7,3-5). Cần có cái nhìn bao dung, để đón nhận anh em dù họ còn nhiều lỗi lầm, và dù họ xúc phạm đến chúng ta; cụ thể, phải tha thứ cho nhau, có như thế, Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta.
Sống Lời Chúa: Tập nhìn ra ưu điểm nơi những người mà bạn có thành kiến.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương và tha thứ chúng con khi con vấp phạm, thì xin cho chúng con cũng biết lấy lòng thương xót như thế đối với anh chị em mình. Xin cho chúng con biết bỏ đi cái nhìn thành kiến thay vào đó là cái nhìn bao dung để nhờ đó sự hiệp nhất được tỏa lan trong cộng đoàn chúng con đang sống. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Lòng nhân có chỗ đứng quan trọng trong Khổng giáo.
Sách Luận Ngữ coi lòng nhân là nét đặc trưng của con người.
Phật giáo cũng đề cao tinh thần từ bi hỷ xả.
Lấy ân báo oán, oán sẽ tiêu tan.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời các môn đệ
“Hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (c. 36).
Như thế nhân từ là nét đặc biệt nơi Thiên Chúa.
Nhân từ nằm ở nơi khuôn mặt và ngay nơi trái tim của Ngài.
Như tín đồ của các tôn giáo khác, Kitô hữu phải sống lòng nhân.
Nhưng hơn nữa, ở đây, Đức Giêsu mời gọi chúng ta
bắt chước lòng nhân từ của chính Thiên Chúa,
một lòng nhân từ không bị giới hạn bởi bất cứ ngăn cách nào.
Lòng nhân được diễn tả bằng bốn mệnh lệnh của Đức Giêsu,
hai mệnh lệnh tiêu cực và hai mệnh lệnh tích cực.
Các mệnh lệnh này đều ngắn gọn và nhịp nhàng.
Phần sau của mỗi mệnh lệnh đều ở thể thụ động,
nhằm nói lên hành động của Thiên Chúa.
“Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, đừng kết án để khỏi bị kết án,
hãy tha thứ thì sẽ được tha thứ, hãy cho thì sẽ được cho lại.”
Xét đoán ở đây không có ý nói đến hành động xét xử của vị quan tòa.
Nó chỉ muốn nói đến khuynh hướng hay phê bình, chỉ trích người khác.
Cần để ý đến tam giác giữa Thiên Chúa, tha nhân và chúng ta.
Thái độ của ta đối với tha nhân thế nào,
ta sẽ bị Thiên Chúa đối xử lại như vậy.
Nói cách khác, ta muốn được Thiên Chúa đối xử với mình ra sao,
ta hãy đối xử với tha nhân như vậy.
Càng cho nhiều và tha thứ nhiều, càng bớt xét đoán hay kết án,
ta càng được hưởng lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đong lại cho chúng ta bằng đấu của chúng ta,
không phải vì Ngài thiếu quảng đại hay rộng lượng.
Nhưng vì giống như người đi múc nước bằng một chiếc thùng nhỏ,
người ấy sẽ chỉ lấy được ít nước thôi.
Thiên Chúa muốn ban cho ta nhiều hết sức,
nhưng điều đó còn tùy vào sức chứa của ta.
Có khi chính ta lại tự giới hạn khả năng đón nhận của mình.
Mùa Chay là thời gian để ta sống lòng nhân của Thiên Chúa.
Hãy thay đổi cái đấu ta thường dùng để đong cho người khác,
chúng ta sẽ thấy mình giàu có hơn xưa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
14 THÁNG BA
Hãy Đến Và Hãy Gặp
Nước hằng sống – nước đem lại sự sống đời đời – đã biến đổi cuộc sống của người phụ nữ Sa-ma-ri-ta-nô ấy như thế nào? Nếu chúng ta xem xét sự chuyển biến tâm linh của người phụ nữ này, chúng ta có thể thấy rằng cuộc gặp gỡ của chị với Đức Kitô sản sinh hoa trái tâm linh rất lớn lao. Thực vậy, chúng ta có thể nhận ra nơi chị một cuộc hoán cải đích thực – cuộc hoán cải đưa chị đến chỗ nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Mê-si-a: “Các người hãy đến và hãy gặp con người đã nói với tôi về tất cả những gì tôi đã làm! Chắc hẳn người ấy phải là Đấng Mê-si-a!” (Ga 4,29).
Người phụ nữ Sa-ma-ri-ta-nô ấy đã loan báo Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ cho hàng xóm và bạn bè chị. Chị nói với họ về cuộc hoán cải của chị và về quyền năng cứu độ của Đức Giêsu. “Ông ấy đã kể cho tôi về mọi sự mà tôi đã làm”. Chị biểu lộ một nghị lực và niềm vui mới có sức thúc bách chị loan báo cho người khác về sự thật và về ân sủng mà mình đã nhận được. “Các người hãy đến và hãy gặp” – chị bảo họ như thế. Có thể nói, chị đã trở thành một sứ giả của Đức Kitô và của Tin Mừng cứu độ, như trường hợp Maria Mác-đa-la vào buổi sáng ngày Phục Sinh.
Cũng vậy, chúng ta được mời gọi uống thứ nước hằng sống có thể thanh tẩy tâm hồn ta và biến đổi cuộc sống ta. Và cũng vậy, chúng ta có thể trở thành những sứ giả của Tin Mừng. Như trường hợp người phụ nữ Sa-ma-ri-ta-nô ấy, chúng ta cũng phải để cho Đức Kitô đưa dẫn mình tới một cuộc khảo sát nghiêm túc lương tâm mình, nhờ đó chúng ta có thể quay lưng lại với tội lỗi và được ngập tràn niềm vui. Rồi chúng ta sẽ muốn chia sẻ cho người khác niềm vui về ơn cứu độ mà mình đã lãnh nhận được nơi Đức Kitô.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 14/3
Đn 9, 4b-10; Lc 6, 36-38.
LỜI SUY NIỆM: ““Anh em phải có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.”
Chúa Giêsu đang đòi hỏi nơi mỗi người trong chúng ta phải có lòng nhân từ, như Chúa Cha, nhờ đó chúng ta sẽ lãnh nhận được ơn Chúa Thánh Thần giúp chúng ta “yêu đến tận cùng của tình yêu” để chúng ta có thể tha thứ. Bởi vì “Tha thứ là điều kiện căn bản cho sự hòa giải giữa con cái Thiên Chúa với Cha của họ. Và giữa con người với nhau.” (Gl 2844).
Lạy Chúa Giêsu. “Tha thứ là một tột đỉnh của kinh nguyện Kitô giáo” Xin cho mỗi người trong chúng con luôn biết tha thứ cho nhau, nhờ đó chúng con có thể đón nhận hồng ân trong cầu nguyện.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
14 Tháng Ba
Tôi Muốn Con Tôi Sống
“Tôi muốn con tôi sống” đó là lời của bà Suzanna Petrosyan đã thốt ra và được báo chí nhắc lại. Thực ra, có bà mẹ nào lại không muốn con của mình được sống đâu? Thế nhưng trường hợp của bà Petrosyan và đứa con gái 4 tuổi của bà không giống như những trường hợp của nhiều bà mẹ khác, vì hai mẹ con bà này là nạn nhân của cơn động đất khủng khiếp tại Armeni, thuộc liên bang Xô Viết hồi tháng 12 năm 1987.
Sau khi động đất, cũng giống như hàng ngàn người khác, cả hai mẹ con bà Petrosyan đều bị lấp vùi dưới hàng trăm ngàn tấn gạch, đá và xi măng, nhưng họ may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ chỉ vừa đủ chỗ cựa quậy mà thôi. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hũ mứt và chẳng mấy chốc hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó, cô gái 4 tuổi mới kêu: “Mẹ ơi, con khát quá. Mẹ cho con uống nước”. Nhưng lấy nước đâu bây giờ? Tiếng kêu khát của con cứ tiếp tục làm cho bà mẹ vừa đau lòng vừa lúng túng. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng đã gợi cho bà một ý nghĩ táo bạo: đó là lấy những giọt máu cuối cùng của bà cho con uống để cầm cự với tử thần. Lúc đó, người mẹ đáng thương mới lấy tay sờ sẫm và vớ được một miếng kính bể. Bà lấy miếng kính cắt đầu ngón tay trỏ và đút ngón tay vào miệng con bảo con mút. Em bé mút ngón tay của mẹ một lúc rồi nói: “Mẹ cắt một ngón tay nữa cho con mút thêm”. Bà liền cắt một ngón tay nữa nhưng vì trời lạnh quá nên bà không thấy đau đớn gì nữa… Sau khi được cứu sống, người đàn bà thuật lại rằng: “Lúc đó, tôi biết thế nào tôi cũng chết, nhưng tôi muốn con tôi được sống”.
Tấm gương hy sinh cao cả của bà mẹ trên đây có thể gợi lên Tình Yêu của Ðấng đã nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của kẻ thí mạng sống vì người mình yêu”.
Cũng giống như một người mẹ sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để cho đứa con được sống. Chúa Giêsu cũng đã hy sinh chính mạng sống của mình cho con người được sống. Sự sống thần linh mà Chúa Giêsu muốn thông ban cho con người cũng chính là tình yêu của Ngài. Chịu treo trên thập giá, đổ ra cho đến giọt máu cuối cùng, Chúa Giêsu chỉ muốn cho con người được sống và sống trong tình yêu. Ai sống trong tình yêu, người đó đang sống thực sự, bởi vì người đó đang sống trong Chúa.
Nhờ phép Rửa Tội, người Kitô chúng ta đang sống bằng sự sống của Thiên Chúa. Ðó là kết quả của những giọt máu của Ðấng đã chịu chết vì chúng ta trên thập giá… Những giọt máu thần linh ấy một cách nào đó, đang châu lưu trong chúng ta. Máu ngừng chảy, máu không châu lưu, tình yêu không được san sẻ cho người khác, cũng sẽ làm cho con người chết khô cằn… Bao lâu chúng ta khước từ không san sẻ tình yêu cho người khác, chúng ta cũng chối bỏ chính tình yêu của Chúa.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai – Tuần II – MC
Bài đọc: Dan 9:4-10; Lk 6:36-38.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy tha thứ như Thiên Chúa đã tha thứ.
Nhiều người hôm nay đã đánh mất ý thức tội lỗi; và như một hậu quả, họ phải chịu nhiều hình phạt do tội lỗi mang lại cho cá nhân, cho gia đình, cũng như cho xã hội. Hậu quả xảy ra cho cá nhân có thể thấy qua sự nóng nảy, ghen tương, và nghiền ngập đủ lọai. Hậu quả xảy ra cho gia đình có thể nhận ra qua những cãi vã, giận hờn, và chia ly cách biệt. Hậu quả xảy ra cho xã hội có thể nhìn thấy qua những tội ác, nghèo đói, và khủng hỏang kinh tế trầm trọng. Những điều này cho con người thấy tội lỗi không phải chỉ gây thiệt hại cho cá nhân, nhưng gia đình và xã hội cũng phải chịu thiệt hại. Vì thế, mọi người trong xã hội đều có bổn phận khuyên bảo, dạy dỗ, và tạo một môi trường lành mạnh cho các cá nhân được lớn lên trong đó.
Người tín hữu Công Giáo có một bảo vật quí giá để giải quyết những vấn đề này là Bí-tích Giải Tội mà nhiều tín hữu đã không biết lợi dụng. Việc xét mình thường xuyên sẽ giúp cho các cá nhân nhận ra những thói quen xấu và sửa trị kịp thời. Tất cả các mặc cảm tội lỗi được tha thứ khi họ thú nhận tội với vị linh mục nơi tòa Giải-Tội. Xét mình còn giúp cho các cá nhân nhìn ra những yếu đuối và tội lỗi của tha nhân, họ cũng là người yếu đuối và tội lỗi như mình. Nếu mình đã được Thiên Chúa tha thứ tất cả các tội, mình cũng phải tha thứ tất cả cho anh chị em như vậy. Điều này sẽ dẫn tới việc hàn gắn các mối liên hệ trong gia đình cũng như ngòai xã hội.
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra sự quan trọng của việc ăn năn xám hối. Trong Bài Đọc I, tiên tri Daniel nhìn rõ tất cả mọi con dân Israel đã xúc phạm đến Thiên Chúa, và xứng đáng lãnh nhận mọi hình phạt trong nơi lưu đày. Họ đã vi phạm Lề Luật của Thiên Chúa nhiều lần, và quay lưng lại với các tiên tri mà Ngài đã liên tục gởi đến cho họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ hãy có lòng nhân từ như Thiên Chúa là Đấng nhân từ. Để thực hiện điều này, các môn đệ phải nhận ra lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với chính họ qua việc tha thứ các tội lỗi; trước khi họ có thể tỏ lòng nhân từ với anh em.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lời thú tội của tiên tri Daniel
Trong nơi lưu đày, người Do-Thái có nhiều thời gian và cơ hội nhìn lại quá khứ, để tìm hiểu ra lý do họ phải sống cực khổ xa quê hương. Họ là dân riêng của Thiên Chúa, và Ngài hứa sẽ yêu thương và bảo vệ họ nếu họ tuân giữ các Lề Luật Ngài ban qua Moses. Tiên tri Daniel là người sống nơi lưu đày, khi xét mình đã nhận ra hai lỗi lầm lớn của tòan dân như sau:
(1) Tòan dân đã không tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa: TT Daniel thú nhận với Thiên Chúa: “Chúng con đã phạm tội, đã lỗi lầm, đã làm điều gian ác, chúng con đã phản nghịch và lìa xa các mệnh lệnh, phán quyết của Ngài.” Những tội chính các tiên tri đã tố cáo Israel trước khi bị lưu đày là bất trung, cúi đầu thờ lạy các thần ngọai và quay lưng lại Thiên Chúa; giả hình, dâng lễ vật và cầu nguyện cho qua lần chiếu lệ; bất công, dùng luật lệ để cướp của dân nghèo.
Nhận ra tội lỗi của mình cũng là lúc nhận ra sự công chính của Thiên Chúa: Ngài không vi phạm giao ước Ngài đã ký kết, chính Israel đã xé giao ước này khi phạm tội: “Lạy Chúa Thượng, Chúa là Đấng Công Chính; còn chúng con thì đáng phải hổ mặt hổ mày như ngày hôm nay – chúng con là những người Judah, cư dân thành Jerusalem và toàn thể Israel, những người ở gần cũng như ở xa, trong mọi xứ Ngài đã đuổi đến vì tội bất trung đã phạm chống lại Ngài.”
(2) Tòan dân đã không vâng lời các tiên tri Thiên Chúa gởi đến: Thiên Chúa không sửa phạt các cá nhân hay tòan dân Israel ngay lần đầu sau khi họ phạm tội; nhưng Ngài kiên nhẫn gởi nhiều ngôn sứ tới, miền Nam cũng như miền Bắc, để kêu gọi họ ăn năn xám hối. Không những họ đã không nghe lời, lại còn đối xử tàn tệ với các tiên tri. TT Daniel thú tội: “Chúng con đã không nghe lời các tôi tớ Chúa là các ngôn sứ. Các ngài đã nhân danh Chúa mà nói với vua chúa quan quyền, với cha ông chúng con và toàn dân trong xứ.”
Mặc dù tòan dân đã xúc phạm đến Thiên Chúa, và xứng đáng đón nhận mọi hình phạt Ngài dùng để sửa trị; TT Daniel vẫn tin lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn các tội phản nghịch của Israel: “Chúa Thượng là Thiên Chúa chúng con có lòng xót thương và hay tha thứ, vì chúng con đã phản nghịch cùng Ngài.” Tiên tri tin tưởng, nếu tòan dân biết ăn năn xám hối, Thiên Chúa sẽ xót thương và tha thứ.
2/ Phúc Âm: Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.
2.1/ Xét mình và xưng tội thường xuyên giúp con người trở nên nhân từ: Nhân đức là thói quen tốt được dùng để sửa trị tội lỗi, là những thói quen xấu. Để có lòng nhân từ, con người phải qua một tiến trình như sau:
(1) Nhận ra yếu đuối và tội lỗi của mình: Xét mình là việc đầu tiên phải làm để nhận ra tội mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân. Người không thường xuyên xét mình sẽ không nhận ra tội cần sửa chữa; và vì vậy, họ coi mình tốt lành, và dễ kiêu ngạo để phán xét và lên án tha nhân. Người thường xuyên xét mình dễ nhận ra tội lỗi để thú tội và lãnh nhận ơn tha thứ; đồng thời việc xét mình cũng giúp họ sửa trị kịp thời những thói quen xấu: “năng xét mình, năng chừa” là vậy. Ai cũng biết thói quen xấu để lâu ngày rất khó chừa.
(2) Nhận ra yếu đuối và tội lỗi của tha nhân: Xét mình không chỉ giúp cho sự thăng tiến cá nhân, nhưng còn giúp cho sự thăng tiến gia đình và xã hội. Xét mình giúp con người nhận ra sự yếu đuối của con người: “thánh nhân ngày còn ngã 7 lần;” không ai không có tội. Nếu mình cũng có đầy khuyết điểm tội lỗi, tại sao lại bắt người khác phải tốt lành, thánh thiện, điều không ai có thể làm nổi! Vì thế, con người dễ dàng nhân từ và tha thứ cho tha nhân hơn. Nếu Thiên Chúa đã nhân từ tha thứ cả núi tội của mình, không có lý do gì mình lại giữ những tội nhiều khi quá nhỏ của tha nhân, như Chúa Giêsu cảnh cáo: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.”
2.2/ Ăn ở rộng lượng với mọi người: Nguồn gốc của tình yêu nhân từ và tha thứ đến từ Thiên Chúa. Ngài thương yêu và tha thứ khi con người vẫn còn là tội nhân, và chẳng ra điều kiện gì trước khi tha thứ. Vì thế, khi con người đã được hưởng lòng nhân từ của Thiên Chúa, con người cũng phải đối xử nhân từ với tha nhân như vậy: đừng tha thứ nửa chừng, cũng đừng đòi điều kiện nào cả, như Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Nhận ra mình là tội nhân giúp chúng ta hai điều: Chúng ta cần được Thiên Chúa tha thứ và chúng ta sẽ dễ dàng thông cảm và tha thứ cho anh chị em hơn. Ngược lại, nếu không nhận ra mình là tội nhân, chúng ta sẽ dễ dàng kiêu ngạo coi mình là hòan thiện; và rất dễ phê bình, xét đóan, kết án, và không tha thứ cho người khác.
– Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, chúng ta biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối, và Máu Cực Thánh của Chúa Giêsu đổ ra sẽ không sinh ích lợi cho chúng ta.
– Bí-tích Gỉai-Tội không thể thiếu cho việc thăng tiến cá nhân và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Gia đình nào năng cùng nhau lãnh nhận Bí-tích này sẽ dễ dàng giải quyết các xung đột.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************