Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Hai Tuần XI Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: 2 Cr 6, 1-10
“Chúng tôi chứng tỏ mình là những người phục vụ Thiên Chúa”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, với tư cách là những người cộng sự với Chúa Giêsu, chúng tôi khuyên anh em đừng nhận lấy ơn của Thiên Chúa một cách vô ích. Quả thật Chúa phán: “Dịp thuận tiện đến, Ta đã nhậm lời ngươi, vào ngày cứu thoát, Ta đã cứu vớt ngươi”. Bây giờ là cơ hội thuận tiện, giờ đây là ngày cứu thoát. Chúng tôi không hề làm cớ cho ai phải vấp phạm, để công việc phục vụ của chúng tôi khỏi bị đàm tiếu. Nhưng trong mọi sự, chúng tôi chứng tỏ mình là những người phục vụ Thiên Chúa, với hết lòng kiên nhẫn: trong gian truân thiếu thốn, nguy khốn, đòn vọt, tù đày, biến loạn, khó nhọc, nhịn ăn, nhịn ngủ với lòng thanh khiết, am hiểu, đại lượng, dịu dàng, bằng sức mạnh Thánh Thần, bằng lòng yêu thương không giả dối, bằng lời chân thật, và bằng quyền năng Thiên Chúa; nhờ khí giới công chính bên tả bên hữu; trải qua vinh quang cũng như tủi nhục, tiếng xấu cũng như tiếng tốt, bị coi là phường bịp bợm, mặc dầu là chân thành; bị coi là vô danh, nhưng hằng được biết đến; bị coi là đang giẫy chết, nhưng này chúng tôi vẫn sống; bị coi như bị gia hình, mà nào đã chết đâu; bị coi như phải ưu sầu, nhưng chúng tôi vẫn luôn an vui; bị coi là kẻ nghèo túng, nhưng chúng tôi lại làm cho nhiều người được giàu có; bị coi như không có gì, nhưng chúng tôi làm chủ tất cả. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Đáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người (c. 2a).
Xướng:
1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. – Đáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel. – Đáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. – Đáp.
ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 5, 38-42
“Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe bảo: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng’. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
14/06/2021 – THỨ HAI TUẦN 11 TN
Mt 5,38-42
LẤY ĐỨC BÁO OÁN
“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác…” (Mt 5,39)
Suy niệm: Luật báo oán “Mắt đền mắt, răng đền răng” được nhắc tới nhiều lần trong Cựu Ước (x. Xh 21,24; Đnl 19,21) không chỉ là một đòi buộc của sự công bằng mà còn nhằm ngăn chặn mọi hình thức trả thù bạo lực, cực đoan (x. St 4,23-24); có thể nói luật ấy khá là nhân văn và tiến bộ đối với xã hội đương thời. Tuy nhiên, Chúa Giê-su còn mời gọi các môn đệ Ngài tiến xa hơn: “Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” Người không bác bỏ luật Mô-sê, cũng không khuyên người ta phải nhu nhược khuất phục trước sự ác, không bảo chúng ta phải im lặng trước áp bức, bất công. Trái lại, Chúa dạy chúng ta đừng lấy ác báo ác, nhưng lấy đức báo oán: lấy nhân ái để đối xử với kẻ bất lương, lấy hiền lành và tha thứ để tiêu diệt bạo lực và oán thù. Chúa Giê-su kiện toàn lề luật bằng cách mời gọi chúng ta vươn tới tiêu chuẩn lý tưởng của sự thánh thiện là “nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
Mời Bạn: Cuộc sống hôm nay vẫn đầy dẫy những hận thù bạo lực. Thống kê xã hội gần đây cho thấy tình trạng tội phạm gia tăng nhanh chóng và trẻ hoá cả về số lượng và mức độ. Đã vậy, sống hiền lành, khiêm tốn như Chúa dạy lại bị coi như ngu dại, yếu nhược. Mời bạn vâng theo lời Đức Giê-su sẵn sàng tha thứ cho người xúc phạm đến mình, lấy lòng nhân ái, đức hiền lành và quảng đại để đối lại những bạo lực bất công, nhờ đó bạn góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp theo tinh thần Phúc Âm như lòng Chúa mong ước.
Sống Lời Chúa: Bạn chủ động đến làm hoà người lân cận đang có chuyện bất hoà với bạn.
Cầu nguyện: Hát Kinh Hoà Bình.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm
Đoạn Tin Mừng hôm nay dễ bị đem ra nhạo cười,
vì có vẻ nó dung túng sự ác và biểu lộ một tinh thần yếu hèn bạc nhược.
Người ta hay nghĩ rằng nếu cứ sống theo tinh thần của Chúa Kitô
thì hẳn kẻ ác sẽ tha hồ tác oai tác quái trong thế giới này.
Tuy nhiên, chính vì con người muốn sống theo khuynh hướng tự nhiên,
nên thế giới hôm nay mới không ngớt chiến tranh và đau khổ.
Đánh phủ đầu là đánh trước khi người kia kịp đánh mình.
Trên thế giới mỗi ngày có biết bao vụ sát nhân chỉ vì một chút hờn oán.
“Mắt đền mắt, răng đền răng”
câu này thường được dùng để cho thấy sự tàn nhẫn của Cựu Ước.
Thật ra, Cựu Ước chẳng bắt người ta phải móc mắt, nhổ răng kẻ thù.
Câu này chỉ nhằm giới hạn việc báo thù trong mức độ cân xứng.
Trong xã hội mang tính bộ tộc của Israel thuở ban đầu,
“mắt đền mắt” đã là một tiến bộ đáng kể.
Đức Giêsu đi xa hơn khi đòi hỏi đừng chống cự lại người ác,
nghĩa là đừng lấy ác báo ác, đừng sống theo luật báo phục (lex talionis).
“Nếu bị ai vả má bên phải, hãy đưa cả má kia ra nữa” (c. 39).
Bị vả má bên phải nghĩa là bị tát bằng mu bàn tay phải.
Không phải là đau hơn, nhưng là nhục nhã hơn nhiều.
Đức Giêsu đã từng có kinh nghiệm này trong cuộc Khổ Nạn (Mt 26, 67).
“Đưa má kia” đơn giản chỉ có nghĩa là tránh trả thù, chịu mình ở thế yếu,
vì báo oán là chuyện của Thiên Chúa (Rm 12, 19-20).
“Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,21).
“Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong, hãy để cho hắn lấy cả áo ngoài nữa” (c. 40).
Ở Đông phương, áo ngoài là quan trọng để chống cái lạnh ban đêm,
nên nếu bị cầm cố, thì cũng phải trả lại cho người ta có cái mà đắp (Đnl 24, 13).
Đưa cả áo trong lẫn áo ngoài cho kẻ kiện cáo mình
là chấp nhận bị trần trụi và xấu hổ, nếu ai đó chỉ có một bộ thôi.
Trong xã hội Paléttin bị đô hộ bởi đế quốc Rôma,
chuyện bị ép vác đồ dùm cho lính tráng vẫn hay xảy ra (x. Mt 27, 32).
“Người bắt anh đi một dặm, hãy đi với người ấy hai dặm” (c. 41).
Môn đệ Đức Giêsu, trước những ép buộc không mấy chính đáng,
chẳng những được mời ưng thuận, mà còn làm hơn cả điều bị ép buộc.
Câu cuối của bài Tin mừng cho thấy thái độ bác ái của Kitô hữu
trước những yêu cầu của có thật của tha nhân (c. 42).
Mở lòng ra trước người xin, người muốn vay mượn,
dù kẻ ấy là kẻ thù hay người không có khả năng hoàn trả.
Lời của Đức Giêsu hôm nay làm chúng ta choáng váng.
Lời này không đòi dẹp bỏ hệ thống pháp luật, cảnh sát hay nhà tù.
Nhưng nếu các Kitô hữu cứ để cho Lời này thấm vào lòng từ từ,
đời sống của họ sẽ được thay đổi một cách kỳ diệu,
và bộ mặt thế giới sẽ đổi khác.
Hiền hậu, bao dung, quảng đại, đó là điều thế giới hôm nay thiếu trầm trọng.
Gandhi, người say mê những câu Lời Chúa hôm nay, đã than phiền:
“Tôi thích Đức Kitô của các anh, nhưng tôi không thích các Kitô hữu.
Vì các Kitô hữu thì chẳng giống Đức Kitô mấy.”
Chỉ mong chúng ta có trái tim hiền hậu giống Đức Kitô hơn.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
14 THÁNG SÁU
Tham Dự Vào Sự Sống Của Thiên Chúa
Con người có thể đi vào trong một quan hệ giao ước với Thiên Chúa, vì con người đã được tạo dựng theo hình ảnh của chính Thiên Chúa. Điều này làm cho con người có thể hiểu biết chân lý và chọn lựa những gì đúng và tốt. Thật vậy, sự kiện con người mang hình ảnh Thiên Chúa chính là căn bản cho tiếng gọi tham dự vào sự sống nội tại của Thiên Chúa. Như vậy Thiên Chúa có thể mạc khải những thực tại siêu nhiên cho con người.
Đây là một mầu nhiệm cao cả mà Thiên Chúa đã vén mở cho chúng ta. Ngài đã tạo thành chúng ta theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, không chỉ để cho ta có thể trở thành người một cách trọn vẹn, mà còn để ta có thể chia sẻ sự sống thần linh của Ngài. Thật là một ân huệ quá mức tưởng tượng! Nói cách khác, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đã trao cho chúng ta tất cả những mạc khải và những ân sủng ta cần để ta có thể chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa. Chúng ta có tất cả những gì mình cần để đạt đến định mệnh tròn đầy của mình trong Đức Kitô và triển nở trong sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 14/6
2Cr 6, 1-10; Mt 5, 38-42.
LỜI SUY NIỆM: “Ai xin thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảng mặt đi.”
Đây là lời của Chúa Giêsu, Người muốn nhắn nhủ mọi Kitô hữu hãy sống một tinh thần bác ái bằng cách rộng lượng với người nghèo, và cứu giúp những người anh em đang gặp phải khó khăn. Điều này trong Sách Đệ Nhị Luật, Thiên Chúa đã căn dặn dân Do-thái: “Nếu anh (em), trong một thành nào của anh (em), trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em) ban cho anh (em) có một người anh em nghèo, thì anh (em) đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng, nhưng phải mở rộng tay và cho họ vay mượn tất cả những gì họ thiếu.” (Đnl 15,7-8).
Lạy Chúa Giêsu, Giáo Hội Chúa đang dành mọi ưu tiên cho người nghèo. Xin Chúa cho chúng con biết rộng tay giúp đỡ và cho các nước giàu có, có điều kiện sống tốt, mở rộng vòng tay đón tiếp những người di cư và tị nạn vì nghèo đói, vì chiến tranh, vì mạng sống đang bị đe dọa. Để tất cả được vui sống hạnh phúc và bình an.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
14 Tháng Sáu
Tôi Biết Chạy Ðến Với Ai?
Sau khi phản bội Chúa bằng một cái hôn, Giuda cảm thấy thất vọng đến độ không còn nghĩ rằng mình có thể được tha thứ nữa. Ông cầm 30 đồng bạc là giá của sự phản bội và đi vào Ðền thờ để trả lại cho các thượng tế và kỳ lão. Sau đó, ông ra ngoài lấy dây thắt cổ tự vận.
Câu chuyện ấy đã được xen vào vở tuồng thương khó nổi tiếng của dân làng Oberammergau bên Ðức. Cứ 10 năm một lần, theo một lời thề hứa mà ông cha đã để lại từ mấy trăm năm qua, người dân làng diễn ra cuộc tử nạn của Chúa giêsu. Vở kịch thu hút khán giả từ khắp nơi trên thế giới.
Người ta kể lại rằng lần kia, một em bé gái 7 tuổi ngồi cạnh mẹ để xem vở tuồng. Người đóng vai Giuda, trong cơn thất vọng não nề đã thốt lên: “Tôi biết đi đến với ai bây giờ? Tôi đã phản bội Thầy tôi. Thế là hết! Tô không biết phải chạy đến với ai nữa”.
Em bé ngồi bên cạnh mẹ cảm thông cho số phận của kẻ chìm đắm trong thất vọng. Em muốn tìm cách để cứu vớt con người khốn khổ ấy. Em bèn quay sang mẹ và nói lớn đến độ tất cả mọi khán thính giả có mặt trong hội trường đều nghe được: “Má ơi, sao ông ta không chạy đến với Mẹ Maria?”.
Chúa Giêsu cũng có một người Mẹ như mọi người, và nhất là Ngài cũng trải qua một thời thơ ấu như mọi người. Kỷ niệm của những giây phút ngồi trên gối Mẹ, những lần sà vào lòng Mẹ, những lần mếu máo khi lạc mất Mẹ, hay những lần vòi vĩnh Mẹ… hẳn phải luôn đậm nét trong ký ức của Chúa Giêsu. Có lẽ chính kinh nghiệm của bản thân ấy đã trở thành bài học về hồn nhiên trong trắng, tin tưởng, phó thác của tuổi thơ mà Chúa Giêsu luôn đề ra cho chúng ta khi Ngài nói: “Nếu các ngươi không nên giống như trẻ nhỏ, các ngươi không được vào nước Trời”.
Tuổi thơ thường gắn liền với mẹ. Còn âm thanh nào bộc phát, tự nhiên, quen thuộc và êm dịu trên môi của trẻ thơ cho bằng tiếng “Mẹ”. Khi vui, trẻ thơ kêu mẹ, lúc đói, trẻ thơ cũng kêu mẹ. Khi tỉnh thức, trẻ thơ cũng kêu mẹ, lúc ngái ngủ, trẻ thơ cũng kêu mẹ… Mẹ là tất cả của trẻ thơ.
Mời gọi chúng ta mặc lấy tâm tình của trẻ thơ để được vào nước Trời, hẳn Chúa Giêsu cũng muốn nhắn gửi chúng ta cho Mẹ của Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng có nghĩa là biết chạy đến với Mẹ Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng có nghĩa là mặc lấy tâm tình của chính Mẹ Ngài, bởi vì còn ai trong trắng, tin tưởng, phó thác cho bằng Mẹ.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai – Tuần 11 – TN1 – Năm lẻ
Bài đọc: 2 Cor 6:1-10; Mt 5:38-42.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những đòi hỏi của người môn đệ Đức Kitô
Làm môn đệ ai là mong muốn được trở nên giống người đó. Làm môn đệ của Đức Kitô là chúng ta phải cố gắng học hỏi cuộc đời của Ngài, và diễn tả cách sống động bằng chính cuộc đời của chúng ta, để những người khác cũng muốn trở thành môn đệ của Ngài. Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những lời dạy dỗ và cố gắng đáp ứng những đòi hỏi của người môn đệ Đức Kitô. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu đừng để các ân huệ Thiên Chúa ban trở nên vô hiệu, họ phải biết cách dùng nó cho việc phục vụ Tin Mừng như ông đã từng làm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Ngài không chỉ giữ Luật công bằng như người xưa; nhưng còn phải sống luật yêu thương, để chứng tỏ cho người ta biết các ông là môn đệ Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chịu đựng đau khổ cho Nước Chúa trị đến.
1.1/ Đừng để ân huệ của Thiên Chúa ban trở nên vô hiệu:
(1) Các tín hữu phải biết sinh lời cho Chúa: Ân huệ Chúa ban cho con người không phải giữ lại để hưởng thụ, nhưng để cho việc phục vụ và loan báo Tin Mừng. Thánh Phaolô nhận thức rõ được điều này, nên ông khuyên các tín hữu: ”Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.”
(2) Noi gương Phaolô: Nhìn lại công cuộc rao giảng Tin Mừng của mình, Phaolô tâm sự với các tín hữu, mục đích không phải để đánh bóng cá nhân, nhưng để các tín hữu bắt chước ông như ông đã bắt chước Đức Kitô: “Phần chúng tôi, chúng tôi chẳng làm gì gây cớ cho ai vấp phạm, để không người nào có thể đàm tiếu về công việc phục vụ của chúng tôi. Trái lại, trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa.” Trong khi phục vụ Tin Mừng, Phaolô đã phải chịu khó khăn đến từ mọi phía, Phaolô liệt kê những áp lực này như sau:
+ Phải chịu đựng những áp lực đến từ bên trong: căng thẳng, sợ hãi, lo âu.
+ Phải chịu đựng những áp lực đến từ bên ngoài: đòn vọt, tù đày, chống đối.
+ Phải hy sinh chịu đựng khi rao giảng: lao nhọc, mất ngủ, mất ăn.
Khi phải đương đầu với những áp lực khó khăn này, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng (u`pomonh/|). Chúa Giêsu cũng đã báo trước cho các môn đệ biết những khó khăn mà các ông phải đương đầu với; nhưng Ngài hứa với các ông: Đừng sợ! vì Thầy ở cùng anh em.
1.2/ Người rao giảng phải được trang bị đầy đủ để sẵn sàng đối phó với nghịch cảnh: Thánh Phaolô chắc đã quá quen với binh giáp của người chiến sĩ Rôma, nên khi mô tả hình ảnh nhà rao giảng, ông dựa trên những binh giáp này. Hai khí cụ chính người chiến sĩ cần có là khiên thuẫn để bảo vệ thân mình và gươm giáo để tấn công địch thù. Tương tự, nhà rao giảng cũng cần có 4 đức tính để bảo vệ mình và 4 vũ khí để giao chiến.
(1) Những đức tính và vũ khí người môn đệ phải có:
– 4 đức tính phải sở hữu để tự vệ như thuẫn đỡ khiên che: trong sạch để không bị lôi cuốn vào lối sống của thế gian, khôn khéo để biết cách đương đầu với con người và thích ứng với những hoàn cảnh khác nhau, nhẫn nhục để chịu đựng mọi gian khổ và xỉ nhục, và có lòng nhân hậu để thông cảm và tha thứ.
– 4 vũ khí cần thiết để tấn công như gươm giáo:
+ một tinh thần thánh thiện để thánh hóa đời, chứ không để đời lôi cuốn.
+ một tình thương không giả dối: để yêu thương và cho đi cách vô vị lợi.
+ lời chân lý: thông hiểu và nhiệt thành rao giảng Tin Mừng.
+ sức mạnh của Thiên Chúa: người môn đệ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, chứ không cậy dựa vào sức mình. Nói như thánh Phaolô: “Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ, khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng xấu.”
(2) Những thái độ tự tin người môn đệ phải có: Bên cạnh các vũ khí được trang bị, người chiến sĩ cần có một thái độ tự tin khi giao chiến. Nếu không có thái độ tự tin, người chiến sĩ sẽ dễ đầu hàng trước nghịch cảnh. Một cách tương tự, nhà rao giảng cũng phải có thái độ vững tin nơi Thiên Chúa và nơi mình. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, thánh Phaolô liệt kê một số những thái độ tự tin nhà rao giảng cần có:
– bị coi là giả hiệu (impostor), nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành;
– bị coi là vô danh, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến;
– bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống;
– bị coi như trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết;
– bị coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ;
– bị coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có;
– bị coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả.
2/ Phúc Âm: Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
2.1/ Đòi hỏi tối thiểu của Luật công bằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.” Đây là Luật Talionis xưa nhất trên thế giới, được tìm thấy trong Bộ Luật Hammurabi, khỏang 2250 BC. Luật này cũng được tìm thấy trong Cựu Ước ít là 3 lần (Exo 21:23-25, Lev 24:19-20, Deut 19:21). Mấy điều quan trọng về Luật này cần lưu ý: (1) Nó ngăn cấm việc gia tăng báo thù; (2) Nó được thi hành bởi quan án và ngăn cấm việc báo thù cá nhân; (3) Nó không được thi hành theo nghĩa đen, nhưng được tính bằng tiền bồi thường; và (4) nó không phải là tất cả Luật của Cựu Ước, vì vẫn còn những luật yêu thương và tha thứ (Lev 19:18, Pro 25:21, Lam 3:30).
2.2/ Sự hoàn thiện của Luật Yêu Thương: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa; nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài; nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.” Chúa Giêsu không bảo chúng ta hiểu theo nghĩa đen, nhưng Ngài muốn dạy chúng ta 3 nguyên tắc chính yếu của luân lý Kitô Giáo: (1) Người môn đệ không bao giờ được khinh bỉ hay tìm cách báo thù người đã gây thiệt hại cho họ; (2) Người môn đệ không bao giờ được đòi hỏi quyền mình phải được hưởng; (3) Người môn đệ không bao giờ được vịn vào quyền và tự do để làm những gì mình thích, nhưng phải luôn nghĩ tới bổn phận phải làm để giúp tha nhân và xây dựng Nước Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô; vì thế, chúng ta phải cố gắng học hỏi và minh họa đời sống của Đức Kitô trong chính bản thân mình cho người khác nhận ra và tin vào Ngài.
– Chúng ta không thể bằng lòng với việc giữ cẩn thận Thập Giới, vì đó chỉ là nhưng điều kiện tối thiểu; nhưng phải đáp ứng đòi hỏi của giới luật yêu thương để chinh phục con người về cho Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************