Ngày thứ hai (16-03-2020) – Trang suy niệm

15/03/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần III Mùa Chay Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: 2 V 5, 1-15a

“Có nhiều người phong cùi trong Israel, nhưng không có một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Naaman, tướng đạo binh của vua xứ Syria, là người có uy thế đối với vua và được tôn trọng, vì Chúa đã dùng ông mà cứu dân Syria; ông còn là người hùng mạnh và giàu có, nhưng lại mắc bịnh phong cùi. Lúc bấy giờ một vài toán dân Syria bắt một thiếu nữ ở đất Israel dẫn về để hầu hạ bà Naaman. Cô ta nói với bà chủ: “Chớ chi ông chủ tôi đến gặp vị tiên tri ở Samaria, chắc chắn vị tiên tri ấy sẽ chữa ông khỏi phong cùi”. Naaman đến tâu vua rằng: “Cô nhỏ xứ Israel đã nói thế này thế này”. Vua xứ Syria liền nói: “Khanh hãy đi, trẫm sẽ gởi cho vua Israel một bức thơ”. Naaman ra đi, mang theo mười lạng bạc, sáu ngàn nén vàng và mười bộ áo. Ông trao cho vua Israel bức thơ nội dung như sau: “Khi bức thơ này đến tay nhà vua, nhà vua biết tôi sai Naaman, tôi tớ tôi, đến với nhà vua, để xin nhà vua chữa ông khỏi phong cùi”.

Sau khi đọc bức thơ, vua Israel liền xé áo và nói: “Ta có phải là Chúa, có thể giết chết và cho sống hay sao mà vua ấy gởi người đến xin ta chữa lành phong cùi? Các ngươi thấy không, vua ấy tìm cớ hại Ta đó”. Khi Êlisêô, người của Thiên Chúa, nghe tin vua Israel đã xé áo mình, nên sai người đến tâu vua rằng: “Tại sao nhà vua lại xé áo? Ông ấy cứ đến với tôi thì sẽ biết trong Israel có một vị tiên tri”.

Naaman lên xe ngựa đi, và dừng lại trước cửa nhà Êlisêô. Tiên tri nói với Naaman rằng: “Ông hãy đi tắm bảy lần ở sông Giođan, thì da thịt ông sẽ được lành sạch”. Naaman nổi giận bỏ đi nói rằng: “Tôi tưởng ông ấy ra đón tôi và đứng trước tôi kêu cầu danh Chúa là Thiên Chúa của ông, rồi đặt tay lên chỗ phong cùi của tôi và chữa tôi lành mạnh. Các con sông Abana và Pharphar ở Đamas không sạch hơn các con sông ở Israel để tôi tắm và được lành sạch hay sao?” Ông trở về lòng đầy tức giận.

Các đầy tớ của ông đến nói với ông rằng: “Thưa cha, vị tiên tri có yêu cầu cha làm một việc lớn lao thì cha cũng phải làm. Phương chi bây giờ người bảo cha: ‘Hãy đi tắm, thì được sạch’ “. Naaman xuống tắm bảy lần ở sông Gio-đan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.

Sau đó ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Đến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: “Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel”.     Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 41, 2. 3, và Tv 42, 3. 4

Đáp: Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời? (x. Tv 41, 3)

Xướng: 1) Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi! – Đáp.

2) Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời? – Đáp.

3) Xin chiếu giãi quang minh và chân thực của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài. – Đáp.

4) Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ, mừng vui. Với cây cầm thụ con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa của con. – Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Tv 129, 5 và 7

Con trông cậy Chúa, con mong đợi lời hứa của Chúa, vì nơi Chúa sẵn có lòng từ bi và chan chứa ơn cứu độ. 

PHÚC ÂM: Lc 4, 24-30

“Như Elia và Elisêô, Chúa Giêsu không phải chỉ được sai đến người Do-thái mà thôi đâu”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

(Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng): “Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà goá ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.

Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

16/03/2020 – THỨ HAI TUẦN 3 MC

Lc 4,24-30

GẮN BÓ VỚI CHÚA

Họ đứng dậy lôi Người ra khỏi thành-thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. (Lc 4,29)

Suy niệm: Người Do Thái có lòng tự hào dân tộc rất cao và lòng tự hào này có gốc rễ tôn giáo sâu xa. Họ ý thức mình là dân của Chúa, được Chúa chọn riêng. Đối với họ, không một dân tộc nào được chia sẻ ân huệ của Thiên Chúa như đã ban cho dân tộc họ. Họ độc quyền đối với ơn Chúa. Vì thế họ cũng rất đau về những trường hợp mình bị ‘ra rìa’ như điều đã xảy ra cho bà goá thành Xa-rép-ta thời Ê-li-a và chuyện ngôn sứ Ê-li-sa chữa cho quan Na-a-man người Xy-ri khỏi phong cùi. Người Do Thái chắc chắn không vui khi Đức Giê-su nhắc lại những chuyện này. Họ càng không vui, thậm chí phẫn nộ, vì Đức Giêsu hàm ý rằng họ đang ‘ra rìa’ một lần nữa, do chính họ bưng tai bịt mắt trước những lời nói và hành động cứu độ của Ngài.

Mời Bạn: Bi kịch của người Do Thái là bài học lớn cho chúng ta, những Ki-tô hữu hôm nay: Chúa ban cơ hội cách hào phóng, nhưng không phải ai cũng tận dụng được cơ hội trong tầm tay mình. Kẻ đi trước có khi phải về sau; kẻ ở trong đôi lúc hoá thành người ngoài! Người ta bắt hụt ‘chuyến tàu’ vì không chịu nổi sự quấy rầy của những tiếng nói ngôn sứ, của chính lương tri mình; và vì người ta tìm mọi cách dập tắt những tiếng nói ấy đi.

Sống Lời Chúa: Lặp lại nhiều lần trong ngày sống một câu Lời Chúa và quyết tâm sống theo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con đừng bao giờ dại dột đi tìm an ổn bằng cách gạt Chúa ra khỏi đời con. Xin cho con hết lòng mến yêu và phục vụ Chúa tận tụy trong mỗi công việc.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

16 THÁNG BA

Luân Lý Tính Phải Được Đo Lường

Bằng Thước Đo Của Thiên Chúa

Xuyên qua việc tuân giữ Thập Giới, con người sẽ trở nên tốt. Con người sẽ mặc lấy phẩm tính của Thiên Chúa. Còn nếu không tuân giữ Thập Giới, con người sẽ sa vào hành động xấu. Như vậy, Thập Giới trao cho chúng ta chuẩn mực để đo lường hành vi và đo lường chính cuộc sống của chúng ta. Trong tư cách là con người – có thể chọn lựa giữa cái đúng và điều sai – phẩm giá của chúng ta được nối kết một cách trực tiếp với sự vâng phục của chúng ta đối với luật luân lý của Thiên Chúa.

Vâng phục luật luân lý – đó không chỉ là một vấn đề cá nhân mà còn là một vấn đề xã hội. Nó cho chúng ta biết Thiên Chúa muốn chúng ta sống với tha nhân như thế nào. Nó hình thành cho chúng ta một tiêu chuẩn sống. Nó cho ta biết phải làm sao để bảo vệ và tôn trọng phẩm giá của người khác cũng như của mình. Qua đó, nó giải phóng người ta khỏi sự trói buộc của sự dữ. Đây không phải là chuyện hoa hòe, ‘tùy hỉ’chút nào; mà đây là vấn đề hết sức chủ yếu. Đấng trao ban Thập Giới là Thiên Chúa Gia-vê, là Đấng đã dẫn đưa con cái It-ra-en ra khỏi đất Ai-cập, ra khỏi tình cảnh nô lệ.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 16/3

2V 5, 1-15; Lc 4, 24-30.

Lời Suy Niệm: “Đến mà xem; có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã lam.”

       “Đến mà xem” Một lời mời gọi cho tất cả những ai không thể tin vào sự giới thiệu của mình. Điều này Philípphê cũng đã dùng để nói với Nathanaen, cả hai đều đã mang lại kết quả thật tót đẹp: Dân thành Samari xin Người ở lại với họ, và Nathanaen trở thành người môn đệ của Chúa Giêsu.

       Lạy Chúa Giêsu, trong việc truyền giáo của mỗi người trong chúng con cũng sẽ gặp những con người đầy thắc mắc như vậy. Xin cho chúng con biết dùng công thức này: “Đến mà xem”. Đẻ đem lại cho Giáo Hội những nhân tố mới.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

16 Tháng Ba

Cuộc Săn Thỏ 

Ðức hồng Y Carlo Martini, nguyên viện trưởng trường Kinh Thánh tại Roma và hiện là tổng giám mục Milano bên Italia, đã ghi lại trong quyển chú giải về Phúc Âm Thánh Gioan, câu chuyện sau đây:

Vào thế kỷ thứ ba, trong Giáo hội có vấn đề các tu sĩ ào ạt rời bỏ cuộc sống tu trì… Ðể giải thích cho hiện tượng này, một thầy dòng nọ đã đưa ra hình ảnh của một đàn chó đi săn thỏ. Một chú chó trong đàn đã bất chợt nhận ra một con thỏ. Thế là chú nhanh nhẩu rời đàn chó và vừa chạy theo con thỏ vừa sủa inh ỏi. Không mấy chốc, mấy chú chó khác cũng rời hàng ngũ để chạy theo. Và cứ thế cả đàn chó bỗng chạy ùa theo. Tất cả mọi con chó đều chạy, nhưng kì thực chỉ có một con chó là đã phát hiện ra con thỏ.
Sau một lúc săn đuổi, chú chó nào cũng mệt lả, cho nên từ từ bỏ cuộc, bởi vì đa số đã không được nhìn thấy con thỏ. Chỉ duy chú chó đầu tiên đã phạt hiện ra con thỏ là tiếp tục đeo đuổi cuộc săn bắt.

Vị tu sĩ đãđưa ra kết luận như sau: “Ðã có rất nhiều tu sĩ đi theo Chúa, nhưng kỳ thực chỉ có một hoặc hai vị là đã thực sự thấy Chúa và hiểu được họ đang đeo đuổi điều gì. Số khác chạy theo vì đám đông hoặc vì họ nghĩ rằng họ đang làm được một điều tốt. Nhưng kỳ thực họ chưa bao giờ thấy Chúa. Cho nên khi gặp khó khăn thử thách, họ bắt đầu chán nản bỏ cuộc”.

Cuộc sống của người Kitô chúng ta có lẽ cũng sẽ ví được với một cuộc săn thỏ… Ở khởi đầu, ai trong chúng ta cũng hăm hở ra đi, ai trong chúng ta cũng đều làm rất nhiều cam kết, nhưng một lúc nào đó, khi không còn thấy gì đến trước mắt nữa, chúng ta bỏ cuộc buông xuôi… Ða số trong chúng ta hành động theo sự thúc đẩy của đám đông mà không cần tìm hiểu lý do của việc làm chúng ta. Người ta lập gia đình mà không hiểu đâu là cam kết của đời sống hôn nhân. Người ta gia nhập đoàn thể này, đoàn thể nọ, chúng ta cũng hăng hái tham gia mà không cân nhắc kỹ lưỡng các lý do tại sao chúng ta tham dự. Và biết đâu, người ta đi nhà thờ, chúng ta cũng đi nhà thờ mà không bao giờ tự hỏi tại sao chúng ta đi nhà thờ. Người ta đi xưng tội rước lễ, chúng ta cũng đi xưng tội rước lễ mà có lẽ chưa bao giờ đặt ra câu hỏi nghiêm chỉnh tại sao chúng ta làm như thế… Dĩ nhiên, Ðức Tin của chúng ta cần phải được nâng đỡ từ gia đình, xã hội, bởi người khác. Nhưng chúng ta không thể quên được rằng trước hết Ðức Tin là một cuộc gặp gỡ cá vị giữa mỗi người và Thiên Chúa, Ðức tin là một cuộc hành trình trong đó mỗi con người phải tự thấy con đường mình đang đi… Chúng ta không thể sống đạo, giữ đạo vì người khác. Người Kitô có một đồng phục chung là Ðức Ái, nhưng cuộc sống của mỗi người không phải vì thế mà được đúc sẵn theo một khuôn mẫu, theo những công thức có sẵn, theo những lôi cuốn của đám đông.

Trong cuộc hành trình Ðức Tin, chúng ta cùng đồng hành với người khác, nhưng mỗi người cần phải thấy rõ địa điểm mình đang đi tới. Có thấy rõ như thế, mỗi khi gặp mệt mỏi, chông gai thử thách, chúng ta mới có thể kiên vững tiếp tục tiến bước.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai Tuần III MC

Bài đọc: II Kgs 5:1-15a; Lk 4:24-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

Con người thường dễ nản chí tức giận, sau khi đã cố gắng hết sức để yêu thương lo lắng cho người thân yêu, mà họ vẫn vô tâm và làm cho mình phải đau khổ hơn nữa. Các Bài Đọc hôm nay nói lên những đối xử vô ơn tệ bạc của con người với Thiên Chúa.

Trong Bài Đọc I, Sách Các Vua II tường thuật sự kiện tiên tri Elisha chữa khỏi bệnh cùi cho Naaman, tướng Syria. Mặc dù là một người Dân-ngọai và kẻ thù của Israel, nhưng ông đã thú nhận “không có một Thiên Chúa nào khác trừ Thiên Chúa của Israel.” Trong Phúc Âm, mặc dù Chúa Giêsu đã dùng lịch sử để vạch ra sự vô ơn và hậu quả của sự cứng lòng, người Do-Thái vẫn ngoan cố không chịu sửa đổi, còn mang Chúa lên đỉnh núi và xô Ngài xuống vực thẳm.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tiên tri Elisha chữa Naaman khỏi bệnh cùi.

1.1/ Hai con người Israel, hai niềm tin:

(1) Người nữ tỳ của vợ ông Naaman: Cô không ghét chủ vì đã bắt mình làm nô lệ; trái lại, cô còn muốn sự tốt lành cho chủ, kẻ thù của Israel. Cô tuyệt đối tin tưởng và hy vọng nơi Thiên Chúa sẽ chữa lành qua tiên-tri Elisha. Đây là một hành động nguy hiểm; vì nếu Naaman không khỏi, cô sẽ mất mạng vì đã đánh lừa ông.

(2) Vua Israel: luôn ở trong tình trạng nghi ngờ và sợ sệt người khác muốn làm hại mình. Khi vua Israel đọc xong thư của vua Aram thì xé áo mình ra và nói: “Ta đâu có phải là vị thần cầm quyền sinh tử, mà ông ấy lại sai người này đến nhờ ta chữa hắn khỏi bệnh phung hủi? Các ngươi phải biết, phải thấy rằng ông ấy muốn sinh sự với ta.” Là vua trong nước, mà vua chẳng biết, và chắc cũng chẳng quan tâm có tiên-tri Elisha, người của Thiên Chúa có quyền năng chữa bệnh, đang ở trong nước mình. Chính tiên-tri Elisah, khi nghe biết là vua Israel đã xé áo mình ra, thì sai người đến nói với vua: “Sao vua lại xé áo mình ra? Người ấy cứ đến với tôi, thì sẽ biết là có một ngôn sứ ở Israel.”

1.2/ Niềm tin của Naaman được củng cố bởi các đầy tớ của ông.

(1) Phải khiêm nhường: Kiêu ngạo vì muốn giữ thể diện hay vì tự ái dân tộc là những lý do làm con người không nhận ra và không lãnh nhận được hồng ân Thiên Chúa. Ông Naaman tức giận vì tiên-tri Elisha không thân hành ra tiếp ông, nhưng qua sứ giả. Ông cần người tiên tri làm ơn, chứ tiên tri đâu có cầu ơn ông đâu mà phải thân hành ra tiếp. Điều vô lý nữa là ông Naaman đã có sẵn trong đầu những gì tiên tri phải làm để chữa ông, và tức giận khi tiên-tri không làm như thế. Đã bao nhiêu lần chúng ta cũng có sẵn những ý tưởng trong đầu và muốn Thiên Chúa cũng như tha nhân phải thi hành như vậy để giúp ta! Sau cùng, ông cũng hãnh diện hão về các con sông trong xứ sở của mình: “Nước các sông Avana và Pharpar ở Damascus chẳng tốt hơn tất cả nước sông ở Israel sao? Ta lại không thể tắm ở các sông ấy để được sạch hay sao?”

(2) Phải bình tĩnh để nhận ra điều đơn giản (common sense) của cuộc sống: Có những điều quá thông thường mà khi con người nóng giận, họ sẽ không nhìn ra. Khi thấy chủ mình tức tối bỏ về, các tôi tớ của ông đến gần và nói: “Cha ơi, giả như ngôn sứ bảo cha làm một điều gì khó, cha có thể có lý do không làm! Đàng này ngôn sứ chỉ nói: Ông hãy đi tắm, thì sẽ được sạch!” Nhận ra sự nóng giận vô lý của mình, ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Jordan, theo lời người của Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch.

(3) Naaman tuyên bố niềm tin vào Thiên Chúa: Cùng với đoàn tuỳ tùng, ông trở lại gặp người của Thiên Chúa. Lần này Ông vào, đứng trước mặt tiên-tri và nói: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel.”

Điều trớ trêu là một tướng ngọai bang, kẻ thù của Do-thái lại có đức tin hơn một ông vua của Do-thái. Ông tin vào một nữ tỳ và lặn lội lên đường đi tìm đến người của Thiên Chúa là tiên-tri Elisha. Ông được chữa lành và tuyên xưng niềm tin của ông vào Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm: Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

2.1/ Chúa dạy dân bài học lịch sử: Trình thuật hôm nay tiếp tục tường thuật cuộc trở về Nazareth, quê hương của của Chúa Giêsu. Sau khi đọc Sách tiên-tri Isaiah, khán giả đồng hương ngồi xuống, và Chúa bắt đầu rao giảng. Thay vì là một cuộc vinh quy bái tổ, họ bắt đầu khinh thường Chúa. Ngài mời họ nhìn lại lịch sử để đừng tái diễn những điều không nên làm. Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” Chúa Giêsu dẫn chứng lời Ngài nói bằng hai ví dụ:

(1) Tiên-tri Elijah cho hũ bột của bà góa tại Zarepta, Sidon, không cạn: “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Elijah, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Zarepta miền Sidon.”

(2) Tiên-tri Elisha chữa Naaman, tướng Syria, khỏi bệnh cùi: “Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Elisah, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Syria thôi.”

2.2/ Lịch sử tái diễn: “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.”

– Không giống Naaman, họ không kiềm chế được tính kiêu ngạo, nóng giận. Họ nghĩ là Chúa Giêsu xúc phạm tới danh dự dân tộc của họ. Thực sự, Chúa Giêsu chỉ muốn giúp họ nhìn ra sự thật; nhưng họ từ chối không làm.

– Không giống Naaman, họ không nhìn ra những đơn giản của cuộc sống. Lịch sử dạy con người những bài học quí giá: Hãy nhìn gương của những người đi trước; nếu họ làm những quyết định khôn ngoan sinh lợi ích, hãy bắt chước; nếu họ làm những quyết định điên rồ, đừng bắt chước họ làm như vậy.

Điều trớ trêu là cũng một Bà gốc Phoenician, có con gái bị quỉ ám ở Sidon, kiên nhẫn tin tưởng vào Chúa Giêsu đến độ câu trả lời của Bà làm Chúa Giêsu phải ngạc nhiên và chữa lành con gái Bà: “Vâng, nhưng chó con cũng được ăn những thứ từ trên bàn của chủ rơi xuống!” Trong khi những người đồng hương với Chúa, đã không tin tưởng, còn tức giận xô Chúa xuống vực thẳm! Sự thật phũ phàng, khó tin, nhưng vẫn đang xảy ra!

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Khi nào chúng ta cảm thấy nản chí, muốn bỏ cuộc trong việc yêu thương và giúp dỡ người khác; hãy nhớ Lời Chúa nói: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.”

– Nếu Chúa đã làm ơn và bị đối xử như thế, chúng ta là môn đệ Ngài cũng phải đồng chịu số phận. Nhớ rằng chúng ta chưa chịu vô ơn đến độ treo thân trên Thập Giá.

– Điều này giúp mở mắt chúng ta để nhận ra những hồng ân Thiên Chúa và những sự giúp đỡ của tha nhân không ngừng đổ trên ta; để đừng bao giờ đối xử vô ơn tệ bạc với người thi ơn như vậy.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************