Ngày thứ hai (16-09-2024) – Trang suy niệm

15/09/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai. Thánh Cornêliô và thánh Cyprianô

BÀI ĐỌC I: 1 Cr 11, 17-26.33

“Anh em họp nhau lại thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi truyền dạy điều này: tôi chẳng khen anh em, vì anh em hội nhau, không phải để được ích lợi hơn, nhưng là để ra tệ hơn. Trước tiên, tôi nghe đồn rằng: khi anh em họp nhau trong cộng đoàn, thì có sự chia rẽ giữa anh em, và tôi cũng tin phần nào. Vì cần phải có phe phái, để những người đã được thử thách, được tỏ rõ giữa anh em. Vậy khi anh em họp nhau lại thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa, vì mỗi người đều lo đem bữa ăn riêng của mình đến để ăn. Vì thế người thì đói, người khác lại say sưa. Chớ thì anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay là anh em khinh miệt Cộng Ðoàn Thiên Chúa, và làm nhục những kẻ không có gì? Tôi phải nói thế nào với anh em? Khen anh em ư? Về điều này, tôi chẳng khen anh em. Vì chưng, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: “Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến. Vậy hỡi anh em, khi anh em họp nhau để dùng bữa, anh em hãy chờ đợi nhau.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 17

Ðáp: Anh em hãy loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến (1 Cr 11, 26b).

1) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”.

2) Như trong Quyển Vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con.

3) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.

4) Hãy mừng vui hoan hỉ trong Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao cả! Bao nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Người.

ALLELUIA: Gc 1, 18

All. All. – Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. – All.

PHÚC ÂM: Lc 7, 1-10

“Cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng xong, Người vào Capharnaum. Bấy giờ một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết. Nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người kỳ lão Do-thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người rằng: “Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”. Chúa Giêsu đi với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này sai mấy người bạn đến thưa Người rằng: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm”. Nghe nói thế, Chúa Giêsu ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông theo Người rằng: “Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”. Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ lành mạnh.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

16/09/2024 – THỨ HAI TUẦN 24 TN

Th. Co-nê-li-ô, giáo hoàng và th. Xíp-ri-a-nô, giám mục, tử đạo

Lc 7,1-10

LỜI NÓI TỐT ĐẸP

“Thưa Ngài, tôi không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi… Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” (Lc 7,6-7)

Suy niệm:  “Tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi…” Biết bao nhiêu bài học rút ra từ một câu nói giản dị như thế. Viên sĩ quan Rô-ma, người phát ngôn câu nói đó hẳn đã hấp thụ một nền giáo dục nhân bản thật tốt: lịch thiệp, khiêm tốn, nhân ái, biết cảm thông… Càng đáng nể phục hơn khi biết rằng ông ta, một người có chức có quyền trong guồng máy cai trị của một đế quốc hùng mạnh, lại nhún nhường cầu xin một người thuộc dân tộc bị trị chữa lành người nô lệ của ông đang đau nặng. Đó không phải là một lời nói xã giao hời hợt. Tính cách dễ mến tỏ lộ qua lời nói đó càng làm tôn thêm lòng kính trọng – không, nói cho đúng hơn – niềm tin tột bực của ông nơi Đức Giê-su Ki-tô, Đấng mà ông biết có một quyền lực thần linh.

Mời Bạn: Một lời nói đẹp lại càng đẹp hơn khi nó được dùng để diễn đạt một niềm tin cao quí. Bạn có cảm thấy xấu hổ khi nghe những lời nói tục tằn thô lỗ thốt ra từ môi miệng những người mang danh là ki-tô hữu?

Chia sẻ: Khi sinh hoạt trong nhóm của bạn, thử đề nghị một phương thế để giúp nhau chừa bỏ tính nói tục.

Sống Lời Chúa: Chừa bỏ và giúp người khác, nhất là người thân của mình, chừa bỏ tật xấu hay nói tục.

Cầu nguyện: Cầu nguyện sốt sắng trước khi rước lễ bằng lời đáp: “Lạy Chúa, con không đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Viên đại đội trưởng ở đây là người coi một trăm quân.
Ông đã nghe đồn về khả năng chữa bệnh của Đức Giêsu.
Nhưng ông chẳng hề dám gặp mặt Ngài,
vì ông biết mình là dân ngoại, bị người Do-thái coi là nhơ uế.
Bởi tình thương đối với anh nô lệ mà ông yêu quý,
ông đã mạnh dạn nhờ các kỳ mục Do-thái đưa Đức Giêsu đến nhà ông
để cứu sống anh nô lệ đang bệnh nặng gần chết (cc. 2-3).
Sau khi nghe kể lại những điều tốt đẹp mà viên sĩ quan Rôma này đã làm,
Đức Giêsu liền lên đường đến nhà ông ấy để chữa bệnh (cc. 4-6).

 Khi Đức Giêsu còn trên đường, vị sĩ quan này đã suy nghĩ và đổi ý.
Ông chẳng những thấy mình không đáng đến gặp mặt Ngài
mà còn không đáng đón Ngài vào nhà mình nữa,
căn nhà vẫn bị coi là ô uế của một người dân ngoại (c. 6).
Ông muốn ngăn Ngài lại trước khi Ngài đến nhà ông,
nên đã sai một số bạn hữu ra gặp Ngài trên đường (c. 6).
Nơi ông bùng cháy một niềm tin mạnh mẽ.
Ông tin rằng chẳng cần Ngài vào nhà ông và gặp anh nô lệ sắp chết.
Chỉ cần Ngài nói một lời cũng đủ làm cho anh ta lành mạnh (c. 7).

 Viên đại đội trưởng tin vào sức mạnh của lời Đức Giêsu.
Đối với ông, lời ấy có uy lực như một mệnh lệnh.
Là một sĩ quan trong quân đội Rôma
ông hiểu thế nào là sự phục tùng của lính tráng dưới quyền.
“Tôi bảo người này : “Đi !” là nó đi; bảo người kia : “Đến !” là nó đến;
và bảo người nô lệ của tôi : “Làm cái này !” là nó làm.” (c. 8).
Lệnh được ban ra là phải thi hành.
Viên đại đội trưởng tin rằng lời của Đức Giêsu cũng thế.
Chỉ cần một lời cũng đủ làm cho cơn bệnh nguy tử phải thoái lui.
Đức Giêsu ngỡ ngàng trước một lòng tin mạnh mẽ như vậy.
Khó lòng tìm thấy lòng tin đó nơi cộng đoàn dân Ítraen (c. 9).
Ngài đã không đến nhà viên sĩ quan,
chẳng gặp mặt ông, cũng chẳng nói lời nào.
Chỉ biết là sau đó anh nô lệ được khỏi (c. 10).

 Ở đâu ta cũng gặp những người như viên sĩ quan Rôma.
Họ có thể là mẫu mực cho các kitô hữu về sự khiêm hạ và tín thác.
Nhiều con người hôm nay, có tấm lòng thật tốt như viên sĩ quan,
nhưng vẫn ngại chưa dám mời Chúa vào nhà,
chưa dám trực tiếp gặp mặt Chúa,
chỉ dám nói chuyện với Ngài qua trung gian.

Nhưng họ có thể đã mang trong mình một niềm tin kiên vững
và đã có kinh nghiệm về sự chữa lành kỳ diệu của Ngài.
“Tôi không đáng được Ngài vào nhà tôi, chỉ xin Ngài nói một lời…”
Có khi chúng ta đánh mất ý thức về sự linh thánh khi rước Chúa.
Có khi chúng ta chẳng tin mấy vào quyền năng của Lời Ngài.
Xin có được lòng tin đơn sơ như một người dân ngoại.

Cầu nguyện

 Lạy Chúa,
xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi lòng con
những ích kỷ và khép kín.
Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.

Xin cho con đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới
mà mắt phàm không thấy,
thấy được Ðấng Vô hình,
nhưng rất gần gũi thân thương,
thấy được Ðức Kitô nơi những người nghèo khổ.

Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những lời mời mọc quyến rũ của nó.

Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì
đang chờ mình ở cuối đường,
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay giữa những sa mù của cuộc sống.

Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp
qua những cọ xát đau thương của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể,
con cũng không để tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

16 THÁNG CHÍN

Hội Thánh Khải Hoàn

Cùng với sự nhận hiểu quan trọng nói trên về Giáo Hội xét như là cộng đoàn các Kitô hữu, phụng vụ cho chúng ta thấy đặc tính thần diệu của Giáo Hội xét như là Giêrusalem, Thành Thánh, “xuất phát từ trời cao, từ nơi Thiên Chúa” (Kh 21,10). Thành Giêrusalem trên trời là Hội Thánh khải hoàn và được vinh hiển trong Đức Kitô. Nó bao gồm những ai được vui hưởng phần thưởng sự sống vĩnh cửu nhờ ơn cứu chuộc của Đức Kitô.

Như Thánh Gioan Tác giả Sách Tin Mừng, chúng ta cũng phải luôn luôn dõi đôi mắt tâm hồn về Thành Giêrusalem vinh quang trên trời. Đó là mục tiêu cuối cùng của hành trình cuộc sống chúng ta. Chúng ta phải luôn luôn chiêm ngắm “viễn cảnh hoà bình hồng phúc” này – một viễn cảnh trở thành niềm hy vọng đầy sức khích lệ cho chúng ta. Những anh chị em đã đạt đến ơn cứu độ đang chờ đợi chúng ta trong Thành Thánh của Thiên Chúa. Và tại chính ngai toà của Thiên Chúa, họ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta – để sẽ đến ngày chúng ta cũng được sum vầy với họ.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 16/9

Thánh Cornêliô, Giáo Hoàng, tử đạo

Thánh Cyprianô, Giám mục, tử đạo

1Cr 11, 17-26. 33; Lc 7, 1-10.

Lời Suy Niệm: Họ đến gặp Đức Giêsu và khẩn khoản nài xin Người rằng: “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho, vì ông ấy quý mến dân ta. Vả lại chính ông ấy đã xây cất hội đường cho chúng ta.” (Lc 7,4-5)

          Trong Lời Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội cho con cái mình biết khôn ngoan như viên đại đội trưởng, ông muốn được Chúa Giêsu cứu chữa cho người đày tớ của mình, nhưng ông ta đã khôn ngoan, không dám tự mình trực tiếp cầu xin Chúa Giêsu, nhưng đã đến với những kỳ mục trong dân, nhờ những kỳ mục này đến chuyển lời khẩn nguyện của ông. Đồng thời cũng cho mỗi người trong chúng ta có nhiệt tâm và sự khôn ngoan biết trình bày với những bằng chứng tốt về người mà chúng ta có thể cầu giúp thay.

          Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người trong chúng con biết cầu nguyện cùng Chúa qua những trung gian mà Chúa đã tiên liệu cho chúng con, cũng như chúng con sẵn sàng cộng tác với nhau trong cầu nguyện cho những ai cần đến chúng con dâng lời nguyện xin. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

NGÀY 16-09 THÁNH CORNELIÔ – GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO (+253)

Thánh Cornêliô sinh tại Roma là người có một lối sống trong sạch thuần khiết và khiêm tốn sâu xa không thể trách cứ được. Sau khi giữ các phận vụ trong Giáo hội và được mọi tín hữu thán phục, Ngài lên ngôi thánh Phêrô, kế vị Đức giáo hoàng Fabianô. Đấng đã chết vì đạo 15 tháng trước trong cuộc bách hại của Đêciô. Nhưng lên ngôi ít lâu, Ngài đã phải đương đầu với cuộc ly khai đầy gương mù của một giáo hoàng giả.

Novatianô là một linh mục đầy tham vọng được một linh mục Phi châu hậu thuẫn. Họ nổi tiếng về triết học và tài lợi khẩu, đến nỗi có người than phiền vì đã chọn Đức Cornêliô làm giáo hoàng mà không chọn Novatianô. Hai người nổi loạn đã nỗ lực tuyên truyền và lôi kéo được một số tín hữu và cả một số giám mục. Ba giám mục Italia đã đặt tay tấn phong cho Novatianô làm giám mục. Ông liền viết thư cho nhiều giám mục chống lại Đức giáo hoàng Cornêliô, trách cứ Ngài qua dễ dàng tiếp nhận lại những người đã dâng hương tế thần.

Sáng chói trên ngai tòa Phêrô, vì các nhân đức của vị tông đồ chân chính, thánh Cornêliô đã dùng cả con đường hiền dịu lẫn cứng rắn mà không lôi kéo được 2 con người phản bội trở lại đường ngay. Thánh Cyprianô sau khi biết rõ việc tuyển chọn hợp pháp của thánh Cornêliô đã trợ lực với Ngài hết mình để mang lại sự hợp nhất cho Giáo hội. Dù có một vài hiểu lầm, thánh Cornêliô và Cyprianô liên kết mật thiết với nhau như những người bạn thiết. Những sắc lệnh kết án Novat và Novatianô được một công đồng ở Roma chuẩn nhận.

Khi Gallo mở lại cuộc bắt đạo, Đức Corneliô bị tống giam. Ngài bị đầy tới Contumcella, bây giờ là Civita Vecchia. Trong một lá thư chào mừng, thánh Cyprianô viết:

– “Chúng ta cầu nguyện cho nhau trong những ngày bách hại này, nâng đỡ nhau bằng tình bác ái. Nếu ai trong chúng ta được Thiên Chúa ban đặc ân cho qua đời trước chớ gì tình thân hữu vẫn tiếp tục thúc đẩy Chúa dủ tình thương xót anh chị em chúng ta.

Quả thật thánh Cornêliô đã chẳng sống lâu. Ngài đã chết trong khi đi đầy vào tháng 6 năm 253 và được an táng tại Kentumcelloe và sau này dời về nghĩa trang thánh Callistô. Tình bằng hữu của hai thánh Cornêliô và Cyprianô vẫn còn sống mãi cho đến ngày nay và Giáo hội kính nhớ các Ngài vào cùng một ngày.

******************

NGÀY 16-09 THÁNH CYPRIANÔ – GIÁM MỤC TỬ ĐẠO (210 – 258)

Thánh Cyprianô là một khuôn mặt sáng chói trong Giáo hội sơ khai, là một người Phi Châu. Hồi còn là lương dân, với những tài năng đặc biệt của một giáo sư dạy khoa hùng biện và của một luật sư, Ngài đã buông mình theo thú vui như một thanh niên thời đó. Nhưng khi nhờ cha Côcilianô đưa trở lại với đức tin Kitô giáo, Ngài đã hết lòng từ hiến đời mình để phụng sự Chúa Kitô. Quyết sống độc thân, bán hết gia sản và nhà cửa để phân phát cho người nghèo. Ngài cũng từ bỏ văn chương để học hiểu kinh thánh, một số tác phẩm và một số tuyển tập thư tín của Ngài là phần đóng góp cho nền văn chương Kitô giáo.

Với cuộc sống như vậy, chẳng lạ gì khi vừa trở lại đạo, Ngài đã được thụ phong linh mục và năm 249 được chọn làm giám mục Carthage, dưới sức ép của hàng giáo sĩ và giáo dân. Ngài đã có được mọi khả năng và đức tin mà một giám mục có thể có được. Với hết tâm lực, Ngài tìm cách nâng cao nếp sống luân lý đạo đức của một đoàn chiên sau nhiều năm phóng túng vì cuộc bách hại. Đặc biệt Ngài đã viết truyền đơn chống lại sự thế tục của các trinh nữ tận hiến.

Một năm sau khi được tấn phong, năm 250 hoàng đế Đêciô bắt đầu một cuộc bách hại đầy nguy hiểm vì được tổ chức có hệ thống. Ong bắt mọi người phải dâng lễ kính thần minh của ông. Nhiều Kitô hữu đã tuân phục. Một số khác tìm cách mua những giấy chứng nhận để được yên thân vì nghĩ rằng: Giáo hội không thể thiếu một vị giám mục khi phải đương đầu với cơn bão táp. Từ nơi trú ẩn Ngài viết thơ hướng dẫn đoàn chiên.

Cuộc bách hại chấm dứt sau cái chết của Đêciô. Nhiều người Kitô hữu chối đạo trở về với Giáo hội. Thánh Cyprianô chủ tọa một công đồng trong đó quyết định rằng: những người dâng lễ kính thần minh chỉ được tha tội trước khi chết, còn những người chỉ mua giấy chứng nhận (1a belli), thì được tha sau một thời gian thống hối. Novatô, một linh mục và Fêlicissimô, một phó tế đã ly khai vì muốn tha ngay, thánh Cyprianô đã hỗ trợ cho đức giáo hoàng Cornêliô chống lại nhóm ly khai theo Novatianô. Cùng với nhiều lá thư Ngài gửi cho các Kitô hữu Roma một khảo luận về sự hiệp nhất Giáo hội “De Unitate Ecclesiae” trong đó Ngài nhấn mạnh tới thượng quyền của đấng kế vị thánh Phêrô.

Năm 253, một cơn dịch lan tràn khắp đế quốc. Các Kitô hữu ở Carthage quảng đại phục vụ các nạn nhân. Nhưng người ta mê tín lại cho rằng: các thần minh đã giận dữ với người Kitô hữu. Hoàng đế Gallô mở một cuộc bách hại mới. Một sắc lệnh mới tha tội cho mọi hối nhân để họ đứng vững trong đức tin. Dầu vậy cuộc bách hại đã không dữ dội ở Carthage và Đức Cha Cyprianô không bị quấy rầy.

Chẳng may có sự tranh chấp giữa thánh Cyprianô với đấng kế nhiệm thánh Cornêliô là Đức giáo hoàng Stêphanô về việc rửa tội lại cho người đã được rửa tội trong lạc giáo. Cuộc ly khai đã không xảy ra vì Đức Sixtô kế vị đức Stêphanô được giữ tập tục của mình.

Năm 257, hoàng đế Valêrianô lại khơi dậy cuộc bách hại. Thánh Cyprianô là nạn nhân của cuộc bách hại này. Các tường thuật về cuộc diện kiến của Ngài trước quan tổng trấn và về cuộc tử đạo của Ngài dựa tên các tài liệu chính thức của một người đã được mục kiến. Trước mặt tổng trấn Paternô, Ngài tuyên xưng đức tin và không chịu nộp danh sách các linh mục. Ngài bị đày đi Curubis, một thành bên bờ biển là nơi Ngài viết khảo luận cuối khuyên nhủ can đảm chịu chết vì đạo. Vào đêm trước khi bị lưu đày, Ngài mơ thấy mình bị chặt đầu vào năm sau.

Quả thật, năm sau, vào mùa thu năm 258 có sắc lệnh xử các giáo sĩ. Ngài bị điệu về trước mặt quan tổng trấn mới là Galeriô Maximô. Sau một đêm sống với đoàn chiên. Sáng 14 tháng chín Ngài đứng trước quan tòa và bị chất vấn:
– Ngươi là Thasciô, thượng tế của bọn người phạm thánh phải không ?
– Phải
– Đức hoàng thượng dạy ngươi phải dâng lễ tế các thần minh.
– Tôi sẽ không làm.
– Hãy nghĩ lại đi.
– Quan hãy làm như chỉ thị, khi đường đi ngay thẳng lại phải suy tính làm gì.

Quan tòa ra lệnh xử trảm thánh nhân. Ngài truyền đem 25 tiền vàng thưởng cho lý hình. Các Kitô hữu thi nhau thấm máu người làm kỷ vật.

Đêm hôm sau các Kitô hữu đã rước đuốc mang thân thể Ngài mai táng trong phần mộ của Macrôbiô Condidianô, một quan chức Roma “trên đường Pmappala gần các hồ nước”. Một ít ngày sau quan tổng trấn cũng theo Ngài tới phần mộ. Chúng ta có được bản ký sự về thánh Cyprianô do Pontiô của Ngài viết.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

16 Tháng Chín

Sống Là Một Cuộc Chạy Ðua

Vào khoảng cuố tháng 4 năm 1989, một cuộc chạy việt dã gây quỹ cho thế giới đệ tam đã được tổ chức tại 300 thành phố bên Pháp Quốc. Cuộc chạy bộ này đã cho tổ chức có tên là chống đói và giúp phát triển thuộc Giáo Hội Pháp đề xướng, và với sự hỗ trợ của Bộ Thanh Niên và Thể Thao.

Từ năm 1968 đến nay, hằng năm, tổ chức chống đói và trợ giúp phát triển phát động những chiến dịch tương tự để gây ý thức nơi giới trẻ về những vấn đề phát triển trên thế giới, nhất là tại các nước nghèo.

Trong cuộc chạy việt dã nói trên, các bạn trẻ mang theo trong người những tấm vé số mà họ sẽ bán cho người lớn. Trung bình, cứ mỗi cây số chạy được, mỗi bạn trẻ bán một vé số. Mỗi một vé số trị giá gần hai Mỹ kim. Theo dự tính, tổng số cây số mà các bạn trẻ sẽ chạy được lên đến 120,000 cây số, nghĩa là tương đương với một vòng thế giới đệ tam.

Số tiền thu được sẽ trao cho tổ chức chống đói và trợ giúp phát triển để tài trợ cho hai dự án phát triển tại Colombia: một dự án nhằm tái định cư những nạn nhân của vụ núi lửa tại Armero cách đây hai năm, và một dự án khác nhằm thiết lập những vườn trẻ tại thủ đô Bogota.

Nhiều bạn trẻ thuộc các phong trào Công Giáo tiến hành, các nhóm học giáo lý, các học sinh tại các trường Công Giáo đã hăng say tham gia vào chiến dịch nói trên.

Trong cuộc sống tại các nước tân tiến ngày nay, ai cũng thấm thía với câu ngạn ngữ: sống là một cuộc chạy đua! Buổi sáng, người ta chen lấn nhau để lên xe chạy đến sở làm; buổi chiều, người ta giành giựt nhau một chỗ trên xe để về nhà sớm. Hàng tháng, người ta phải chạy đua với sự leo thang của vật giá. Và dĩ nhiên, những tiện nghi mỗi ngày một mới mẻ cũng khiến cho con người chạy bở hơi tai.

Cuộc chạy đua nào cũng đưa lại mệt mỏi. Nhưng mệt mỏi hơn cả đó là cuộc chạy đua trong đó con người không biết mình sẽ đi về đâu… Ðó là hình ảnh của một cuộc sống không có mục đích.

Thánh Phaolô đã so sánh cuộc sống của người Kitô với một cuộc chạy đua. Người Kitô cũng cảm nghiệm được những nhọc mệt trong lộ trình, nhưng họ luôn kiên trì vì biết chắc đích điểm và phần thưởng đang chờ đợi họ.

Người Kitô cũng kiên trì chạy đua, bởi vì họ không chạy lẻ loi trong cuộc sống, nhưng họ biết rằng bên cạnh họ, còn có những người anh em cùng chung sức với họ… Một vòng tay, một nụ cười, một cử chỉ thân ái, một hành động tương trợ: bao nhiêu cử chỉ ấy là bấy nhiêu nâng đỡ cho người Kitô trong cuộc hành trình của họ và cũng là bấy nhiêu ánh sáng soi dẫn trong cuộc chạy đua của họ.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai Tuần 24 TN2, Năm Chẵn

Bài đọc: I Cor 11:17-26, 33; Lk 7:1-10.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cách đón tiếp Chúa. 

Hai Bài đọc hôm nay cho chúng ta hai câu truyện về cách đón tiếp Chúa: Thánh Phaolô thẳng thắn phê bình cộng đòan Corintô về cách họ sửa sọan đón tiếp Chúa và làm mất đi ý nghĩa đích thực của Bữa Tiệc Tình Yêu. Chúa Giêsu khen Viên Đại Đội Trưởng về cách ông chân thành biểu lộ niềm tin trong việc xin Chúa chữa người đầy tớ thân yêu của ông. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Thánh Phaolô khiển trách cách đón tiếp Chúa trong Bữa tiệc Tình Yêu của cộng đòan Corintô. 

Đây là lần đầu tiên những gì Chúa đã làm trong Bữa Tiệc Ly được truyền lại qua Thư gởi cho cộng đòan Corintô (~52AD). Các Phúc Âm Nhất Lãm cũng tường thuật biến cố này nhưng sau cả gần 20 năm. Thánh Phaolô viết: “Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”” 

Một trong những quan tâm hàng đầu của thánh Phaolô là tinh thần hiệp nhất giữa các tín hữu, và ngài thẳng thắn lọai bỏ tất cả những gì làm cớ gây chia rẽ trong cộng đòan. Các tín hữu đầu tiên của cộng đòan Corintô có lẽ không hiểu ý nghĩa và mục đích của Bữa tiệc Tình Yêu nên họ coi như một bữa ăn chung thường xảy ra nơi bất cứ cộng đòan nào, trong đó mỗi người tham dự mang một món ăn hay đồ uống để góp phần ăn chung với gia chủ đứng ra tổ chức. Trong những bữa tiệc như vậy, con người có khuynh hướng ngồi cùng bàn với những người nào mà họ có thể dễ dàng nói chuyện với, chẳng hạn cùng ngôn ngữ, cùng giai cấp trong xã hội, cùng một phe đảng chính trị … 

Bữa tiệc Tình Yêu theo thánh Phaolô không được giống như những bữa tiệc này vì Bánh ăn đây chính là Mình Chúa và rượu uống đây chính là Máu Chúa. Dĩ nhiên, những cộng đòan tiên khởi này chưa có bánh và rượu cùng các lễ nghi như chúng ta có bây giờ; nhưng ý nghĩa của bánh và rượu là Mình và Máu Chúa đã được các Tông Đồ truyền lại ngay từ những năm đầu tiên sau khi Chúa sống lại. Có nhiều lý do thánh Phaolô nêu ra tại sao các tín hữu cử hành Bữa tiệc Tình Yêu. Thứ nhất là để nhớ lại Chúa Giêsu như chính Ngài đã dặn: “Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Thứ hai là để loan truyền việc Chúa chịu chết như của lễ hy sinh đền tội cho con người cũng như Ngài nói: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.” 

Chúng ta thấy thần học về thân thể của thánh Phaolô vẫn hiện diện trong Bữa tiệc Tình Yêu: Nếu các tín hữu tới ăn Bánh là ăn chính Mình Chúa và uống Rượu là uống chính Máu Chúa, thì tất cả sẽ trở nên một Thân Thể và sự sống nơi các tín hữu chính là Máu của Đức Kitô. Hiểu như thế, Bữa tiệc Tình Yêu phải là mối giây liên kết các tín hữu lại với nhau, và là cơ hội để mọi người chứng tỏ tình tương thân tương ái. Thế mà những điều ngược lại đã xảy ra nơi cộng đòan Corintô. Bữa tiệc Tình Yêu trở thành cớ gây chia rẽ giữa người giầu và người nghèo! Những buổi họp cộng đòan lẽ ra phải mang nhiều lợi ích thì lại gây nhiều thiệt hại. 

Vì vậy, thánh Phaolô khuyên các tín hữu của ngài phải thay đổi thái độ và thói quen của họ khi cử hành Bữa tiệc Tình Yêu. Họ phải chờ đợi cho mọi người đến đông đủ rồi hãy cử hành, đừng có thói quen ai tới trước ăn trước và ai tới sau ăn sau. Nếu sợ đói không chờ đợi được thì hãy ăn ở nhà trước khi tới. Khi cử hành Bữa tiệc Tình Yêu, họ phải chú trọng đặc biệt tới các anh chị em nghèo không có nhiều hay không có gì để đóng góp. Đừng để những anh chị em này mang mặc cảm nghèo hèn vì trong cùng một Thân Thể của Đức Kitô, những bất công giữa kẻ giầu và người nghèo phải được san bằng như cộng đòan lý tưởng trong Công Vụ Tông Đồ: “Tất cả các tín hữu hiệp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu.”

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu khen ngợi cách đón tiếp Chúa của Viên Đại Đội Trưởng. 

Ông là người rất nhạy cảm trước những nhu cầu của tha nhân: của người đầy tớ, của người Do-Thái, và của Chúa Giêsu. Có bao nhiêu chủ nhân nhận ra bệnh tình của đầy tớ? Có bao nhiêu sĩ quan muốn biết nhu cầu của dân bị đô hộ? Có bao nhiêu Dân Ngọai quan tâm đến việc người Do-Thái không vào nhà Dân Ngọai? 

Nhiều người cũng nhạy cảm nhận ra nhu cầu của tha nhân nhưng nhiều khi chỉ là những xúc cảm nhất thời, họ đã không hành động để đáp ứng nhu cầu. Viên Đại Đội Trưởng không những nhạy cảm nhận ra nhu cầu mà còn yêu thương tìm cách giúp đỡ tận tình: Ông kiếm Thầy giỏi nhất để chữa bệnh cho đầy tớ vì ông yêu quý anh ta lắm. Ông giúp người Do-Thái vì ông quý mến họ và chính ông đã xây cất hội đường cho họ. Ông tìm cách tránh cho Chúa để khỏi phải vào nhà ông bằng cách sai bạn hữu đi ra khỏi nhà để gặp Chúa, và họ xin Chúa chỉ cần “phán một lời.” 

Ông không những khiêm hạ biết mình mà còn biết tôn kính Chúa khi ông chân thành thổ lộ niềm tin vào Chúa cách công khai qua bạn hữu ông: “Tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài, nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: Đi! là nó đi; bảo người kia: Đến! là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: Làm cái này! là nó làm.” 

Biết mình không xứng đáng đến gặp Chúa, ông đã lịch sự và lễ độ gởi phái đòan người Do-Thái đến thưa chuyện cùng Chúa và gởi bạn hữu ra đón tiếp Ngài. Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” Và chính nhờ đức tin của ông mà Chúa đã chữa lành người nô lệ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

– Được giáo dục và lớn lên trong đức tin, chúng ta giả sử phải biết cách biểu tỏ niềm tin nơi Thiên Chúa và yêu tha nhân hơn những người chưa tin vào Chúa; nhưng thực tế cho thấy những người ngọai nhiều khi tin và biểu lộ sự cung kính của họ vào Chúa và yêu tha nhân hơn chúng ta.

– Bữa Tiệc Thánh Thể là mối dây liên kết mọi người trong Chúa, làm cho gia đình và cộng đòan giáo xứ chúng ta ngày càng đòan kết, yêu thương, và giúp đỡ lẫn nhau hơn. Gia đình và cộng đòan chúng ta có còn tranh chấp, chia rẽ, ghen tương, thóa mạ nhau trong khi vẫn cử hành Bí-tích Tình Yêu này?

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************