Ngày thứ hai (16-10-2023) – Trang suy niệm

15/10/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai tuần 28 Thường Niên – Năm A

BÀI ĐỌC I: Rm 1, 1-7

“Nhờ Đức Kitô, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về đức tin”.

Khởi đầu bức thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Đavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Đó chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Đức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu Kitô đã kêu gọi. Tôi chúc tất cả mọi người trong thành Rôma, được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Đáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người.

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca!

ALLELUIA: Tv 118, 27

All. All. – Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. – All.

PHÚC ÂM: Lc 11, 29-32

“Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Đến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

16/10/2023 – THỨ HAI TUẦN 28 TN

Th. Ma-ga-ri-ta A-la-cốc

Lc 11,29-32

DẤU LẠ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

“Thế hệ gian ác này sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.” (Lc 11,29)

Suy niệm: Dấu lạ ông Giô-na không chỉ dừng lại ở việc ông nằm trong bụng cá ba ngày mà vẫn còn sống sót, mà còn tiếp diễn nơi thái độ thống hối quyết liệt của dân thành Ni-ni-vê đã lay chuyển được lòng thương xót của Thiên Chúa khiến Ngài bỏ ý định trừng phạt. Lòng thương xót cũng chính là trung tâm điểm của mọi dấu lạ mà mỗi khi Đức Giê-su làm phép lạ chữa lành bệnh tật, trừ quỷ, hoá bánh ra nhiều… Đặc biệt hơn cả, dấu lạ lớn nhất của lòng thương xót chính là cái chết của Đức Giê-su trên thập giá. Nhờ thánh giá Chúa, mỗi người chúng ta được giải thoát khỏi sự chết và được giao hoà với Thiên Chúa. Chúng ta được tự do để yêu mến Chúa và tha nhân. Chúng ta được tha thứ hoàn toàn và được tái sinh trong sự chết và sống lại của Đức Giê-su. Lòng thương xót Chúa tuôn đổ trên chúng ta lớn lao biết ngần nào!

Mời Bạn: Bạn thấy gì nơi thánh giá Chúa? Bạn có thấy mình được đánh động tâm hồn và thống hối khi nhận ra tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa không? Hay bạn mượn thập giá để lấy cớ lên án, phán xét người khác? Trong sự khiêm nhường và với tâm tình thống hối và tin tưởng, hôm nay hãy mở trái tim bạn ra cho Đấng mà tình yêu dành cho bạn không có giới hạn.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên nhớ đến Đức Ki-tô trên thập giá để cảm nhận được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lòng nhân từ của Chúa vượt quá trí hiểu của con. Xin thương xót con và cho con nhận biết và thống hối tội con.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Theo nhận xét của thánh Phaolô trong thư gửi giáo hữu Côrintô,
“Người Do Thái đòi hỏi dấu lạ,
còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan” (1 Cr 1, 22).
Có vẻ người Do Thái sính dấu lạ và đòi hỏi dấu lạ để tin.
Đối với họ, dấu lạ là một bảo đảm cho tính chân thực của lời rao giảng.

Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ trong mấy năm rao giảng Tin Mừng.
Trừ quỷ và chữa những bệnh nan y là những dấu lạ Ngài hay làm.
Ngài chữa người mù bẩm sinh, người phong, người nhiều năm bất toại.
Ngài hoàn sinh con gái ông Giairô, con trai bà góa thành Nain,
và nhất là cho anh Ladarô chết chôn trong mồ bốn ngày được sống lại.
Có những dấu lạ Ngài làm trên thiên nhiên mà chỉ các môn đệ biết,
như bắt bão táp phải lặng yên hay đi trên mặt nước lúc sóng gió.
Cũng có dấu lạ trước mặt cả ngàn người như làm cho bánh hóa nhiều.
Không ai có thể phủ nhận chuyện Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ (Ga 11, 47).

Nhưng Ngài không làm dấu lạ để biểu diễn phô trương.
Ngài cũng không dùng dấu lạ để mua lòng tin của dân chúng.
Dấu lạ của Đức Giêsu không qui về vinh quang hay lợi lộc cho Ngài,
nhưng nhắm đến việc khai mở Nước Thiên Chúa và hạnh phúc nhân loại.
Nhiều lần Ngài thắng được cám dỗ làm dấu lạ.
Ngài đã không biến đá thành bánh để ăn cho no bụng
hay nhảy xuống từ nóc Đền thờ để dân chúng kinh ngạc tung hô.
Ngài cũng không biểu diễn vài dấu lạ trước mặt Hêrôđê để được tha.
Trên thập giá, Ngài đã không đáp lại thách đố của các nhà lãnh đạo.
“Hắn đã cứu người khác, thì hãy cứu lấy mình đi!” (Lc 23, 35).
Đức Giêsu đã làm dấu lạ cho người khác, nhưng không làm cho mình.
Ngài không tự cứu lấy mình, nghĩa là không xuống khỏi thập giá.

Hôm nay, chúng ta có thể không mãn nguyện như người Do Thái xưa.
Tuy Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ trong đời ta,
nhưng, như họ, ta vẫn đòi một dấu lạ đầy ấn tượng từ trời.
Chúng ta muốn một dấu chỉ không thể chối cãi được
để tin thật sự có Thiên Chúa, tin Ngài mạnh hơn sự dữ ở quanh ta.
Nhưng chúng ta quên rằng Thiên Chúa cũng là Đấng ẩn mình,
và quyền năng của Ngài được biểu lộ qua sự bao dung khiêm hạ.
Chúng ta chờ dấu lạ về việc Đức Giêsu hùng mạnh đến giải thoát ta,
nhưng lại quên rằng Ngài cũng thích cùng ta âm thầm chịu đau khổ.

Làm sao tôi nhận ra được những dấu rất lạ mà lại rất đỗi bình thường,
những dấu lạ lớn lao mà nhỏ bé Chúa vẫn làm cho đời tôi?
Làm sao tôi nhận ra được cái bình thường của đời tôi cũng là dấu lạ?
Ngỡ ngàng như trẻ thơ trước những điều mà nhiều người coi là tự nhiên,
tôi dần dần hiểu rằng đời tôi được bao bọc bởi tình yêu là dấu lạ.
Thay vì bôn chôn tìm kiếm và đòi hỏi những điều ngoạn mục, ly kỳ,
tôi khám phá ra Chúa vẫn ở bên tôi trong những điều đơn sơ nhỏ bé.
Xin được ơn sám hối chỉ vì những dấu lạ bình thường Chúa ban cho đời tôi.

Cầu nguyện

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con. Amen!

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

16 THÁNG MƯỜI

Yêu Thương Bằng Con Đường Dâng Hiến

Lòng bác ái và sự hy sinh của Mẹ Tê-rê-sa, phát xuất từ tình yêu đối với Đức Kitô, đã trở nên một thách đố cho thế giới. Thế giới này vẫn thường được thấy như là một thế giới của ích kỷ và dục vọng, một thế giới đầy tham lam, đầy những đam mê danh lợi và quyền lực.

Đứng trước những sự dữ của thời đại chúng ta, chứng tá của Mẹ Tê-rê-sa nêu bật – không phải bằng lời nói mà bằng chính những hành động hy sinh cụ thể – giá trị siêu vượt của tình yêu Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta. Tình yêu này kêu gọi các tội nhân hoán cải và mời họ sống theo Chúa Kitô: “Mang niềm vui đến cho người nghèo” (Lc 4,18).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 16/10

Thánh nữ Hedviges, nữ tu

Thánh  nữ Margarita Maria Alacoque, trinh nữ

Thánh Giêrađô, tu sĩ

Rm 1, 1-7; Lc 11, 29-32.

Lời suy niệm:  “Quả thật, ông Giona đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hê này như vậy.”

          Chúng ta đều biết Thiên Chúa đã sai ông Giona đến với dân thành Ninivê kêu gọi họ sám hối, và dân thành Ninivê đã nghe lời Thiên Chúa, từ vua chúa quan quyền cho đến toàn dân và cả súc vật,  đã rắc tro trên mình để tỏ lòng sám hối; nên dân thành đã thoát khỏi sự hủy diệt. Chúa Giêsu đến với những lời mời gọi: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4,17). Nhưng rồi con người không chịu xét mình để nhận ra tội lỗi của mình mà sám hối. Nếu con người không lắng nghe và đón nhận thì sẽ không nhận được Ơn Cứu Độ; dẫn đến đánh mất sự sống đời đời.

          Lạy Chúa Giêsu. Lời Chúa vẫn đang hiện diện giữa chúng con mọi ngày và mọi lúc. Xin cho chúng con đối diện mình trước Lời Chúa để biết sám hối ăn năn mà canh tân đời sống của mình ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 16-10

Thánh MAGARITA MARIA ALACOQUE
Đồng Trinh (1647 – 1690)

Thánh Magarita sinh ngày 22 tháng 6 năm 1674 tại Lauthecour miền Charolais. Ngài là con thư năm của ông Claude Alacoque, một viên chức triều đình. Khác với các trẻ em cùng tuổi chỉ ham chơi, Magarita dường như hiểu rằng chỉ có yêu mến Chúa mới là điều quan trọng. Biết được điều gì không đẹp lòng Chúa là Ngài bỏ ngay. Mới 4 tuổi, Ngài đã lần chuỗi Mân côi hàng ngày và thường lẻn vào rừng để suy gẫm cầu nguyện.

Lên 8 tuổi, Magarita gặp thử thách lớn lao. Cha Ngài từ trần. Không đòi được tiền nợ. Mẹ Ngài phải dẫn con về quê ngoại, sống với những người tham lam quê mùa. Họ rút tỉa gia tài của gia đình Ngài đến nỗi phải đi ở đợ. Magarita được gửi học tại tu viện thánh Clara. Nơi đây, Ngài được rước lễ lần đầu và khoảng 9 tuổi.

Magarita lại gặp một thử thách nữa vào năm 14 tuổi. Khi ấy Ngài ngã bệnh nặng. Nhưng rồi Ngài đã được chữa lành sau khi khấn hứa sẽ trở thành con Đức Mẹ. Khỏi bệnh Ngài bị cám dỗ sống đời vui chơi phù phiếm. Không chịu thỏa hiệp với nếp sống như thế, Ngài bị người chung quanh đối xử tàn tệ. Muốn đi dự lễ, Ngài phải mượn áo. Có những ngày Ngài bị bỏ đói. Khi mẹ lâm bệnh, Ngài phải đi ăn xin để chạy chữa cho mẹ. Dầu vậy, Ngài chỉ ham đọc truyện các thánh và muốn bắt chước các Ngài, sống đời hy sinh bác ái.

Biết Chúa gọi mình, Magarita cố gắng để mình đỡ bất xứng với ơn gọi. Nhân dịp năm thánh, Ngài xưng tội chung và đã mất 15 ngày để xét mình. Hai mươi tuổi, Ngài được thêm sức và nhận thêm tên thánh Maria. Sau nhiều chiến đấu cực nhọc, ngay với chính mình, tháng 6 năm 1671, Magarita vào dòng thăm viếng ở Paray-le-Monnical, sống với 40 nữ tu quý phái mà một số không có ơn kêu gọi:

Trong cuộc tĩnh tâm dọn mình khấn dòng, Chúa nói với Ngài: – Này là vết thương cạnh sườn Cha, nơi đây con hãy ẩn náu bây giờ và mãi mãi.

Ngày 6 tháng 11 năm 1672, Ngài khấn dòng. Ngài được Chúa Giêsu cho thấy một thánh giá phủ đầy hoa và nói: Đây là giường các bạn tình trinh khiết của ta nằm, dần dần hoa rụng xuống và chỉ còn lại những gai. Thị kiến này tiên báo cuộc đời đầy chông gai thánh nữ sẽ trải qua. Nhưng Ngài chỉ biết hiến thân cho Chúa “như một tấm vải căng trước mặt họa sĩ”. Ngài sẽ còn xuất thần và được nhiều thị kiến nữa.

Thị kiến đầu tiên trong bốn thị kiến quan trọng xảy ra vào dịp này, Chúa Giêsu tỏ trái tim Người ra: – Trái tim Cha cháy lửa yêu thương đối với loài người và cách riêng đối với con, đến nỗi không còn giữ trong lòng được nữa, ngọn lửa này con phải trải rộng ra.

Chúa Giêsu đã xin thánh nữ trái tim của Ngài và đặt vào lòng mình. Ngài cảm thấy như ở trong hỏa lò. Khi Chúa Giêsu trả lại trái tim, MAGARITA phải chịu mãi cơn đau đớn bên sườn và phải trích máu cho nhẹ bớt cơn đau.

Trong thị kiến thứ hai, thánh nữ viết: – Người quả quyết với tôi rằng: chúng ta phải tôn kính trái tim Chúa dưới hình thể trái tim con người.

Thị kiến thứ ba diễn ra ngày thư sáu đầu tháng nào đó không được rõ. Đức Kitô dạy Ngài rước lễ mỗi thứ sáu đầu tháng.

Những thị kiến này kéo theo một thứ đau đớn thân xác. Thánh nữ đều vui nhận hết. Tuy nhiên Ngài còn bị dằn vặt về tinh thần. Bề trên và chị em trong dòng cho rằng: Ngài bị ám ảnh vì bệnh hoạn, đến mùa thu năm 1674, Thiên Chúa hứa gửi một tôi tớ để trợ lực thánh nữ. Tháng 2 năm 1675, cha Claude la Colombiere khấn trọn tại Lyon. Ngay sau đó, cha được cử về làm bề trên dòng tên ở Paray, dưới sự ngạc nhiên của tất cả những ai đã theo dõi việc làm sáng giá của cha ở Paris.

Không hề có kinh nghiệm về những cuộc xuất thần, cha có trí khôn rất bén nhậy và bằng lòng với việc yêu mến Chúa Kitô trong “mây mù của sự bất tri”. Khi gặp Magarita, cha đã nói với mẹ Samaise: – Chị là một linh hồn ưu tuyển.

Cha đã xác quyết cho thánh nữ về đường lối của Ngài.

Thị kiến trọng đại nhất diễn ra trong tuần bát nhật kính Mình thánh Chúa năm 1676. Trước Thánh Thể trưng kính trên bàn thờ, thánh nữ đã nghe những lời này: – Này là trái tim đã yêu thương loài người không còn tiếc rẻ gì, đến độ mỏi mòn tiêu hao để làm chứng tình yêu đối với họ.

Và xin thánh nữ dành riêng ngày thứ sáu sáu tuần bát nhật kính Thánh thể, để tôn thờ trái tim Người. Hôm đó, người ta rước lễ và long trọng làm việc đền tạ. Cha Lolombière dạy thánh nữ viết ra tất cả các thị kiến của Ngài rước khi cha dời đi Luân Đôn .

Cuộc bách hại của cộng đoàn lên tới cao điểm ngày 20 tháng 11 năm 1677, Chúa đã đòi thánh nữ Magarita dâng mình làm hiến vật cho sự công thẳng của Chúa, để đền bù những tội phản nghịch cùng đức ái của cộng đoàn. Khi thánh nữ quỳ xuống để làm như vậy, thì mọi người nghĩ rằng: Ngài bị mất trí. Đêm hôm sau thật khó tin nổi. Ngài nói rằng: đau khổ trong đời gộp lại cũng không thể sánh nổi với những gì Ngài đã phải chịu đêm ấy.

Lễ lên trời năm 1678, mẹ Saumaise rời chức vụ. Ngày 17 tháng 6 mẹ Greyfié được Chúa quan phòng đưa lên để làm sáng tỏ vấn đề. Trắc nghiệm thánh nữ, mẹ thấy thánh nữ rất mực khiêm tốn. Mẹ còn quyết định rằng: thánh nữ phải được lành bệnh hoàn toàn trong một thời gian nhất định, để chứng tỏ rằng các thị kiến là chân thực.

Năm 1684, mẹ Greyjié rời Paray, một thế hệ các nữ tu trẻ xuất hiện. Magarita được chỉ định làm giáo tập. Ngày 20 tháng 6 năm 1685, lễ thánh Magarita nhằm ngày thứ sáu, Magarita dạy các tập sinh, thay vì tặng quà cho Ngài, hãy dâng cho Chúa một vinh dự. Họ dọn một bàn thờ nhỏ và đặt hình Trái tim bị thương tích có mão gai và lửa chung quanh. Tháng 6 năm 1686, các nữ tu tôn kính trái tim Chúa trong nguyện đường. Ngày 07 tháng 9 năm 1688, một nguyện đường nhỏ đầu tiên trong vườn được thánh thiến để kính trái tim.

Ngày 08 tháng 10 năm 1960, Magarita mang bệnh và ngày 17 tháng 10 năm đó Ngài từ trần, lúc 43 tuổi. Các nữ tu thấy Ngài trở nên xinh đẹp lạ lùng. Ngài được phong chân phước năm 1864 và tuyên thánh 1920.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

16 Tháng Mười

Xin Cho Chúng Con Lương Thức Hằng Ngày

Hôm nay là ngày quốc tế về lương thực do tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc đề xướng.
Nói đến lương thực, nhất là trong một quốc gia nghèo đói như Việt Nam, có lẽ tự nhiên, ai trong chúng ta cũng nghĩ đến cái đói trên thế giới.

Ðói không chỉ là một trạng thái cần ăn uống, nhưng được các chuyên viên về thực phẩm và sức khỏe định nghĩa như là một tình trạng thường xuyên của một người không đủ ăn để có thể có một cuộc sống lành mạnh. Danh từ chuyên môn thường được dùng để chỉ tình trạng này là dưới mức dinh dưỡng. Nạn nhân dễ thấy nhất của tình trạng này là các trẻ em của những nước nghèo.

Mỗi năm người ta tính có đến 15 triệu trẻ em chết vì nhiều nguyên do có liên quan đến tình trạng thiếu dinh dưỡng. Mỗi ngày, trên khắp thế giới, có khoảng 40 ngàn trẻ em chết vì đói. Số người chết vì đói ăn cũng tương đương với số thương vong nếu cứ ba ngày có một trái bom hạt nhân được ném xuống một vùng đông dân cư.

Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến nạn đói kém. Người ta cho rằng nguyên nhân chính nằm trong chính sách kinh tế, chế độ chính trị, xã hội. Nhưng tựu trung, căn rễ sâu xa nhất vẫn là sự ích kỷ của con người. Nếu một phần mười những người giàu có trên thế giới biết san sẻ cho những người nghèo, thì có lẽ thế giới này không còn có những trẻ em chết đói mỗi ngày nữa. Nếu ngay cả trong một quốc gia, người ta biết dùng tiền bạc để mua cơm bánh cho con người hơn là đầu tư vào khí giới, thì chắc chắn sẽ không còn cảnh người chết đói nữa.

Tại một vài quốc gia kỹ nghệ đang chuyển mình để bước vào cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ ba, người ta thường nói đến kỷ nguyên điện toán, thụ thai trong ống nghiệm… Thế nhưng, tại rất nhiều nơi trên thế giới, mỗi ngày vẫn có đến 40 ngàn trẻ em chết vì đói ăn… Thế giới của chúng ta quả là một nhân thể bệnh hoạn. Một nơi nào đó trong cơ thể, một số bộ phận phát triển một cách dư dật, một nơi khác, nhiều cơ phận đang chết dần chết mòn vì thiếu tiếp tế.

Có lẽ nhân loại chúng ta không chết đói cho bằng vì thiếu tình thương. Những người đang chờ chết cũng là những người đang chờ từng nghĩa cử yêu thương của đồng loại. Những người dư dật nhưng không biết san sẻ cũng là những người đang chết dần trong ích kỷ. Con người cần có cơm bánh để sống đã đành, nhưng con người cũng cần có tình thương để tồn tại. Kẻ đón nhận tình thương cũng được sống mà người san sẻ tình thương cũng được sống.

Chúng ta phải làm gì để được sống? Dĩ nhiên, chúng ta phải có đủ cơm bánh hằng ngày. Nhưng câu trả lời mà mỗi người Kitô phải tự nói với mình là: để được sống, tôi cần phải làm cho người khác được sống. Ðó là sự sống đích thực của chúng ta. Bởi vì ai sống trong tình yêu, người đó sống trong Thiên Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai – Tuần 28 – TN1 

Bài đọc: Rom 1:1-7; Lk 11:29-32.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy biết lắng nghe, học hỏi, và rao giảng Tin Mừng.

Có những người tuy tội lỗi, cứng đầu; nhưng họ chỉ cần Thiên Chúa cho một cơ hội, là họ đã biết nắm lấy để sinh lợi ích cho họ và cho Thiên Chúa. Có những người Thiên Chúa ban cho hết cơ hội này đến cơ hội khác; nhưng họ vẫn không biết lợi dụng, lại còn đòi thêm cơ hội hay bằng chứng trước khi tin tưởng vào Ngài. Chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương luôn cho chúng ta nhiều cơ hội để được hưởng ơn cứu độ; bổn phận của chúng ta là hãy biết tận dụng những cơ hội đó, đừng khinh thường chúng, vì chúng ta không biết còn có cơ hội nữa hay không!

Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm trong việc lắng nghe, học hỏi, và rao giảng Tin Mừng. Trong Bài Đọc I, Phaolô biết lợi dụng cơ hội Đức Kitô ban cho, khi ông bị ngã ngựa trên đường đi Damascus bách hại các tín hữu tin vào Đức Kitô. Phaolô nhận ra ân sủng và sứ vụ của Đức Kitô trao, để rao giảng Tin Mừng đến các dân ngoại. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu so sánh sự đáp trả hời hợt của khán giả của Ngài với sự đáp trả nồng nhiệt và chân thành của dân thành Nineveh và nữ hoàng Phương Nam. Mục đích của Ngài là nhắc nhở cho khán giả hãy biết lợi dụng cơ hội đang có, trước khi phải trả giá đắt trong Ngày Phán Xét.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tin Mừng quan trọng cho cả Phaolô lẫn các tín hữu Rôma.

1.1/ Ơn gọi rao giảng Tin Mừng của Phaolô: Trình thuật hôm nay vạch ra cho chúng ta những gì mà thánh Phaolô sẽ nói đến chi tiết trong Thư gởi tín hữu Rôma. Sáu điều quan trọng đó là:

(1) Phaolô là tôi tớ (doulos) của Đức Kitô: ”Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô.” Danh xưng mà Phaolô thường gọi Đức Kitô là Thầy (Kurios) và xưng mình là người tôi tớ. Các ngôn sứ trong lịch sử cũng nhiều lần gọi Thiên Chúa là Thầy và xưng mình là tôi tớ (Jos 1:2, 24:29, Amo 3:7, Jer 7:25). Họ hãnh diện tuyên xưng họ là tôi tớ của Thiên Chúa.

(2) Ơn gọi của Phaolô: ”Tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.” Trong Cựu Ước, nhiều người cũng đã đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa, như Abraham (Gen 12:1-3), Moses (Exo 3:10), Isaiah (6:8-9), và Jeremiah (1:4-5). Phaolô muốn nhấn mạnh đến ơn gọi mà Thiên Chúa muốn; chứ không phải ơn gọi mà con người muốn.

(3) Tin Mừng đã được loan báo bởi các ngôn sứ trong Kinh Thánh: Các tiên-tri như Micah, Isaiah, Sophoniah, Jeremiah… đã nhiều lần tiên báo về sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai. Đức Kitô làm trọn những gì mà các tiên-tri loan báo.

(4) Đức Kitô đã nhập thể: ”Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” Đức Kitô vừa là Con Thiên Chúa, vừa là con người mặc xác phàm.

(5) Đức Kitô đã sống lại: ”Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.” Đức Kitô phục sinh vinh hiển là trọng tâm của Tin Mừng mà Phaolô rao giảng. Nếu Đức Kitô không sống lại, đức tin của chúng ta hóa ra vô ích.

(6) Tin Mừng cứu độ được loan truyền cho Dân Ngoại: ”Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ.” Thánh Phaolô đã không hiểu điều này khi ngài bắt bớ các tín hữu; nhưng Đức Kitô đã mặc khải điều này cho Phaolô.

1.2/ Ơn cứu độ dành cho mọi người trong thành phố Rôma: “Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giêsu Kitô. Kính gửi tất cả anh em ở Rôma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an.”

Rôma là một cộng đoàn không do Phaolô thiết lập; nhưng lại giữ một vị trí hết sức quan trọng. Rôma sẽ trở nên trung tâm của Giáo Hội sau này; và Phaolô được Đức Kitô báo trước ông sẽ làm chứng cho Ngài tại Rôma.

2/ Phúc Âm: Đức Kitô khôn ngoan hơn vua Solomon và đáng quí trọng hơn Jonah.

2.1/ Dấu lạ Jonah cho dân thành Nineveh: Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Jonah. Quả thật, ông Jonah đã là một dấu lạ cho dân thành Nineveh thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.”

Đọc Sách tiên-tri Jonah, khi Thiên Chúa truyền cho ông đi rao giảng lần thứ nhất, ông không chịu đi và trốn Thiên Chúa đáp tàu đi xứ khác. Thiên Chúa làm cho gió bão nổi lên và Jonah đã phải xin thủy thủ vứt ông xuống biển để tránh gió bão. Ông bị một con cá lớn muốt vào bụng trong ba ngày ba đêm, trước khi cá mửa ông ra và mang ông vào bờ. Chúa Giêsu muốn nói Ngài cũng cho thế hệ của Ngài một dấu lạ như Jonah: Ngài sẽ ở trong mồ ba ngày ba đêm, và sẽ sống lại vinh hiển trong ngày thứ ba.

Khi Thiên Chúa truyền lần thứ hai, Jonah mới chỉ miễn cưỡng đi rao giảng cho dân thành Nineveh mới chỉ có một ngày; thế mà toàn thành, từ vua quan đến dân chúng và ngay cả súc vật đã ăn năn xám hối và tin vào Thiên Chúa. Vì vậy, Chúa Giêsu tuyên bố: ”Trong cuộc Phán Xét, dân thành Nineveh sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Jonah rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Jonah nữa.” Chúa đã cho người đương thời với Chúa biết bao cơ hội để nghe những lời giảng dạy của Ngài; thế mà họ vẫn lòng chai dạ đá, không chịu ăn năn thống hối và tin vào những gì Ngài dạy bảo. Vì thế, kẻ tố cáo họ không phải là Ngài, mà là dân thành Nineveh, vì họ chỉ có cơ hội một lần duy nhất.

2.2/ Sự khôn ngoan của vua Solomon cho nữ hoàng Phương Nam: Đọc Sách Khôn Ngoan, chúng ta thấy nữ hoàng Phương Nam, khi nghe sự khôn ngoan nổi tiếng của vua Solomon, Bà đã thân hành vượt đường xa, lặn lội tới với những lễ vật triều cống để có thể nghe trực tiếp những lời khôn ngoan phán ra từ miệng vua Solomon. Thế mà Đức Kitô là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa đang đứng trước mặt họ, mặc khải những sự khôn ngoan của Thiên Chúa cho họ cách nhưng không, họ lại coi thường Ngài.

Chúa Giêsu có ý muốn nói với khán giả của Ngài: ”Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Solomon; mà đây thì còn hơn vua Solomon nữa.” Bà sẽ kết án họ chứ không phải Ngài; vì Bà phải vất vả đường xa cộng với bao nhiêu tốn kém để chỉ được nghe vua Solomon rao giảng một lần.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Hãy biết nắm lấy cơ hội khi nó tới để học hỏi và thi hành những gì Thiên Chúa dạy. Khi cơ hội đã qua, chúng ta không biết có còn cơ hội nào khác không. Hơn nữa, điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời là được biết Thiên Chúa và thi hành những gì Ngài dạy; tại sao không lợi dụng cơ hội để biết Ngài càng sớm càng tốt.

– Chúng ta phải dành thời gian để học hỏi và thi hành những gì Đức Kitô dạy dỗ trong Tin Mừng, vì những lời này có uy quyền mang lại hạnh phúc và ơn cứu độ cho mọi người.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************