Ngày thứ hai (16-11-2020) – Trang suy niệm

15/11/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần XXXII Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I:     Kh 1, 1-4; 2, 1-5a

“Hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ mức nào và hãy hối cải”.

Khởi đầu sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Mạc khải của Đức Giêsu Kitô mà Thiên Chúa đã ban cho Người, để Người tỏ cho các tôi tớ Người các điều sắp xảy ra. Vậy Người đã sai thiên thần loan báo cho tôi tớ người là Gioan, và Gioan làm chứng rằng tất cả những gì ông đã thấy là lời của Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giêsu Kitô. Phúc cho ai đọc và nghe các lời tiên tri này, cùng tuân giữ những điều đã chép trong đó, vì thời giờ đã gần.

Gioan kính gởi bảy Giáo đoàn ở Tiểu Á. Nguyện chúc ân sủng và bình an cho anh em do từ Đấng đang có, đã có và sẽ đến và do từ bảy thần linh đứng trước ngai của Người.

Tôi nghe Chúa phán bảo tôi: “Hãy viết cho thiên thần Giáo đoàn Êphêxô rằng: ‘Đây là lời của Đấng cầm bảy ngôi sao trong tay hữu và đi giữa bảy chân đèn bằng vàng. Ta biết việc làm của ngươi nổi bật và lòng kiên nhẫn của ngươi; Ta biết ngươi không thể dung kẻ bất lương; ngươi đã thử thách những kẻ tự cho mình là tông đồ, mà kỳ thực thì không phải, nhưng ngươi đã thấu rõ họ là hạng gian dối. Ngươi có lòng kiên nhẫn, ngươi đã chịu đựng vì danh Ta mà không sờn lòng. Nhưng Ta trách ngươi điều này, là ngươi đã bỏ lòng yêu mến thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã sa sút từ mức nào, hãy ăn năn hối cải và làm lại những việc thuở ban đầu’ “. Đó là lời Chúa. 

ĐÁP CA: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

A+B: Ta sẽ cho kẻ thắng trận ăn trái cây sự sống (Kh 2, 7b).

  1. A) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.
  2. B) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa: lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.
  3. A) Kẻ gian ác không được như vậy: họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.

A+B: Ta sẽ cho kẻ thắng trận ăn trái cây sự sống (Kh 2, 7b).

ALLELUIA: Lc 16, 31 – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 18, 35-43

“Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi? – Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.  

Khi Chúa đến gần thành Giêricô, thì có một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Khi nghe tiếng đám đông đi qua, anh liền hỏi có chuyện gì đó. Người ta nói cho anh biết có Đức Giêsu Nazareth đang đi qua. Bấy giờ anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi!” Những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn: “Lạy con vua Đavít, xin thương xót tôi!” Vậy Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh đến cùng Người. Khi anh đến gần bên Người, Người hỏi anh: “Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?” Anh thưa: “Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy”. Chúa Giêsu bảo anh: “Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”. Tức khắc anh thấy được và anh đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

16/11/2020 – THỨ HAI TUẦN 33 TN

Th. Ma-ga-ri-ta Tô Cách Lan, trinh nữ

Lc 18,35-43

XIN CHÚA MỞ MẮT TÂM HỒN

“Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” (Lc 18,38)

Suy niệm: Đối với người Do Thái, danh xưng “Con Vua Đa-vít” có ý chỉ về Đấng Mê-si-a, Đấng Cứu Thế sẽ đến để ứng nghiệm lời hứa của Thiên Chúa mà các ngôn sứ tiên báo. Người mù Giê-ri-cô gọi Chúa Giê-su như thế có nghĩa là anh ta tin Ngài là Đấng Thiên Sai, và tin rằng chỉ có quyền năng siêu nhiên của Ngài mới có thể chữa anh khỏi cảnh tật nguyền này. Như thế, tuy anh bị mù thể lý nhưng cặp mắt đức tin trong tâm hồn anh vẫn sáng. Và hơn nữa, khi anh được chữa lành cặp mắt thể lý, anh càng thêm sáng cặp mắt siêu nhiên: – Anh “nhìn thấy được”; – anh “đi theo” Chúa Giê-su; – và “tôn vinh Thiên Chúa.”

Mời Bạn: Những người sáng con mắt thể lý mà lại mù cặp mắt tâm hồn, mù cặp mắt đức tin thì còn bất hạnh hơn người mù thể lý nhưng lại sáng cặp mắt đức tin để nhìn thấy Chúa. Đáng buồn hơn nữa là họ cứ tưởng mình đang sáng mắt, và vì thế như Chúa nói: “Các ông nói rằng ‘chúng tôi thấy’ nên tội các ông vẫn còn” (Ga 9,41). Bởi vậy, chúng ta phải tập thói quen cầu xin Chúa cho mình được thấy để con mắt tâm hồn được trong sáng và nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc sống mình.

Sống Lời Chúa: Xét mình dưới ánh sáng của Lời Chúa là phương thế hữu hiệu để chữa lành bệnh mù tâm hồn. Cuối mỗi ngày bạn đọc Lời Chúa và thinh lặng kiểm điểm xem mình đã thực hành Lời Chúa như thế nào.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con luôn mang trong mình sự mù lòa cần được Chúa chữa lành, đặc biệt là về tâm hồn. Xin tình yêu Chúa chữa lành cho chúng con, để chúng con được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi khổ đau; ngõ hầu có được hạnh phúc viên mãn cả xác hồn.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Trong những năm hành đạo, Đức Giêsu đã chữa một số người mù.
Vào những ngày cuối đời, khi trên đường lên Giêrusalem lần cuối,
Ngài đã chữa cho anh mù ở Giêricô.
Giêricô được coi là thành phố cổ xưa nhất, không xa Giêrusalem,
nằm ở hạ lưu sông Giođan, thấp hơn mực nước biển 300 mét.
Anh mù ở Giêricô kiếm sống bằng cách ngồi bên vệ đường ăn xin.
Anh vừa bị tách biệt với người khác, vừa bị lệ thuộc vào người khác.

Mất khả năng nhìn, nhưng anh vẫn còn khả năng nghe và nói.
Để gặp được Đức Giêsu, anh đã tận dụng mọi khả năng còn lại.
Anh nghe tiếng đám đông đi qua, tiếng chân người rộn ràng (c. 36).
Anh tò mò hỏi xem chuyện gì vậy.
Khi biết là Đức Giêsu Nadarét đang đi ngang qua,
anh thấy ngay điều mình chờ đợi từ lâu, nay đã đến.
Vị ngôn sứ nổi tiếng này anh nghe đồn đã làm bao phép lạ lẫy lừng.
Ngay cả người mù bẩm sinh cũng được Ngài làm cho sáng mắt.
Cơ hội ngàn năm một thuở đã đến rồi.
Anh tự nhủ mình không thể nào để vuột mất.
Nhưng làm thế nào để Đức Giêsu lưu tâm đến anh?
Làm thế nào để cho Ngài dừng lại?

Vũ khí mạnh nhất và gần như duy nhất của anh, là tiếng kêu.
Chỉ tiếng kêu của anh mới lôi kéo được sự chú ý của Ngài,
và báo hiệu cho Ngài về sự hiện diện của anh.
Anh kêu thật to tên Ngài dù không biết Ngài ở đâu.
“Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi” (c. 38).
Hãy nghe tiếng kêu của anh giữa tiếng đám đông ồn ào cười nói.
Anh kêu tiếng kêu của trái tim, đầy tin tưởng, hy vọng, tha thiết.
Nhưng tiếng kêu ấy lại bị bắt phải im đi, có thể vì sợ gây phiền hà.
Anh mù chẳng những đã không vâng lời, lại còn kêu to hơn nữa.
Rồi tiếng kêu của anh cũng đến tai Đức Giêsu, khiến Ngài dừng chân.
Đức Giêsu muốn gặp người đã gọi tên mình để xin thương xót (c. 40).
Cuộc hạnh ngộ bắt đầu bằng câu hỏi anh mong từ lâu:
“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (c. 41).
Câu trả lời quá hiển nhiên: “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy.”
Khi được sáng mắt, anh không phải ngồi bên vệ đường như trước đây.
Anh đã nhập vào đám đông những người theo Chúa và đi trên đường.

Nếu hôm nay Chúa hỏi tôi: “Anh chị muốn tôi làm gì cho anh chị?”,
tôi sẽ trả lời Ngài ra sao? tôi sẽ xin Ngài điều gì?
Ơn biết mình mù và muốn thấy rõ chính mình, là một ơn lớn.
Có người mù, không biết mình mù, nên vẫn thản nhiên ở lại trong cảnh mù.
Người ấy có thể vô tội, nhưng có nguy cơ gây hại cho tha nhân (Mt 15, 14).
Lại có người cố ý không muốn thấy, cố ý mù để khỏi phải thay đổi.
Họ không thấy được cái xà trong mắt mình (Mt 7, 3).
Xin Chúa giúp chúng ta xóa những nguyên nhân gây mù,
đó là dục vọng của đôi mắt (1 Ga 2, 16), là thành kiến về người khác.
Xin Chúa giúp chúng ta nhờ đối thoại mà ra khỏi tình trạng mù xem voi,
và được Thánh Thần đưa vào sự thật trọn vẹn (Ga  16, 13).
Ước gì chúng ta khiêm tốn đến với Chúa Giêsu
mà “mua thuốc xức mắt để thấy được” (Kh 3, 18).

Cầu nguyện:

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.

Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.

Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu giãi vào bóng tối của con.

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

16 THÁNG MƯỜI MỘT

Bí Tích Hôn Nhân Phản Ảnh Tình Yêu Của Đức Kitô

Sự hiện diện của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana – nếu chúng ta muốn nhận hiểu một cách đầy đủ – cũng nhằm làm một động thái nhắc chúng ta nghĩ đến những gì thuộc thượng giới (Cl 3,2). Ở đây, Chúa muốn nhắc chúng ta về ý nghĩa thiêng liêng sâu xa của tình yêu vợ chồng. Tình yêu này là một dấu hiệu và một sự thông dự trong chính tình yêu vốn tồn tại giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Tình yêu ấy không thể chịu sự chi phối của những thay đổi thất thường và bất định của cuộc sống. Không, nó có thể và phải là một sự dấn thân vĩnh viễn không thể phân ly và không thể phá hủy. Như vậy, tình yêu vợ chồng mở ra tới những viễn tượng vô hạn của Vương Quốc Thiên Chúa và của cuộc sống bất diệt.

Mẫu thức tối thượng và siêu việt này của tình yêu vợ chồng được minh họa cho chúng ta trong Thư Eâphêsô. Trong Thư này, chúng ta khám phá nền tảng cho việc chọn lựa hôn nhân để chúng ta thực sự hạnh phúc và sống theo thánh ý Thiên Chúa. Sự dấn thân và chọn lựa đời sống hôn nhân Kitô giáo nâng đỡ và đào sâu tình yêu của chúng ta trong những lúc gặp khó khăn thử thách, giúp làm cho tình yêu của chúng ta tinh tuyền hơn và sinh hoa trái nhiều hơn.

Chúng ta cần đánh giá tình cảm của mình trong ánh sáng của nhận thức nói trên về tình yêu vợ chồng. Nhờ đó chúng ta có thể đảm bảo rằng một tình yêu đích thực và một cuộc hôn nhân Kitô giáo đích thực sẽ được bộc lộ rõ rệt trong đời sống vợ chồng. Hôn nhân quả là một bí tích. Chúng ta bắt đầu thoáng thấy các lý tưởng của tình yêu và khả năng sinh hoa trái mà mỗi người vợ người chồng Kitôhữu đều được mời gọi đạt đến với sự hỗ trợ của ân sủng.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 16/11

Thánh nữ Margarita Scorland

và Thánh Gertruđê trinh nữ

Kh 1, 1-4; 2,1-5a; Lc 18, 35-43.

LỜI SUY NIỆM:  “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi”

          Khi Chúa Giêsu vào thành Giêrikhô, có đám người rất đông đi theo Người, tiếng ồn của đám đông át tiếng của người mù ngồi bên vệ đường. Tiếng của anh mù không chỉ là tiếng kêu to theo bản năng của một con người, nhưng trong tiếng kêu đó đã vang dậy một niềm tin sẽ được cứu thoát của Đấng đầy quyền năng và lòng thương xót: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi” Lời khẩn thiết này đã làm cho Chúa Giêsu dừng lại và anh mù đã được Người chữa lành.

          Lạy Chúa Giêsu, Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con khi cầu nguyện biết kêu cầu đến Danh Chúa với bao khát khao tự đáy lòng, Như người mù ở thành Giêrikhô.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 16-11:Thánh GERTRUĐÊ

Đồng Trinh (1256 – 1301)

Thánh GERTRUDÊ sinh ra vào ngày lễ Hiển linh năm 1256. Người ta không biết gì về cha mẹ Ngài, nhưng chắc hắn cha Ngài đã có lòng đạo đức sâu xa và đã dâng con gái 5 tuổi của mình làm tu sĩ tu viện Helfia theo luật dòng thánh Benedictô. Chẳng may Ngài lại trùng tên với vi tu viện trưởng. Ngài lớn lên xa mọi thú vui thế gian và sớm chứng kiến hoạt động trí thức lớn mạnh.

Trong bầu khí chiến tranh, nhà dòng trốn về Rossdorf, rồi vì thiếu nước lại trở về Helfta. Thánh Mechtilde chị của tu viện trưởng Gertrudê đứng trường. Người nữ tu trẻ GERTRUDÊ say mê quên bỏ đời sống cầu nguyện. Việc trau dồi văn chương nghệ thuật thu hút Ngài đến nỗi Ngài nói rằng vào thời đó “Ngài lo lắng cho tâm hồn chỉ bằng lo lắng cho đôi chân của mình thôi”.

Vào lúc 25 tuổi, trong một thị kiến, Chúa Kitô đã trách móc Ngài là đã bỏ Chúa mà lo học hành. Thế là đảo lộn tất cả: “Mọi bồng bột tuổi trẻ đối với con bắt đầu xem ra lạt lẽo vô vị. Lạy Chúa, Chúa là chân lý trong suốt hơn mọi ánh sáng, nhưng sâu thẳm hơn mọi bí mật. Chúa đã quyết phá tan những bóng đêm đậm đặc của con”. Và thị kiến kết thúc bằng một cuộc trở lại. Ngài đã kể lại và nói: “Trong một niềm vui của tinh thần mới, tôi bắt đầu tiến tới”.

Gertrudê chỉ còn muốn học và suy gẫm thánh kinh, các giáo phụ và các nhà thần học. Ngài kiềm chế tính hiếu động bằng việc hãm mình dữ dằn và sống trong sự kết hiệp liên lỉ với Chúa. Đáp lại việc hiến thân hoàn toàn ấy, Ngài được nhiều ơn thần bí phi thường. Ngài được mạc khải nhiều lần trong khi hát kinh nhật tụng viết lại những mạc khải này trong cuộc khảo luận.

Cùng với thánh nữ Mechtilde, Ngài là người đầu tiên tỏ bày lòng tôn sùng Trái Tim Chúa. Lúc đó Gertrudê 35 tuổi. Sức khỏe Ngài không cho phép Ngài giữ những nhiệm vụ quan trọng nữa, Ngài chỉ còn là phó ca trưởng. Nghi ngờ nhiều, Ngài chỉ thấy sự thấp kém và hư không của mình mà chạy đến với ý kiến của thánh Mechtilde là ca trưởng. Chúa đã tỏ cho thánh Mechtilde: “Cuộc đời của Gertrude là một thánh ca liên tục ca ngợi vinh quang Cha. Trên trần gian này, sau bí tích Thánh Thể, Cha chỉ cư ngụ cách đặc biệt trong lòng Gertrudê”.

Thánh nhân được ơn những dấu đinh vô hình và một vết thương trong lòng. Các sách của Ngài chỉ được phổ biến 200 năm sau, cho thấy đời sống nội tâm nồng nhiệt của Ngài, Ngài liên kết say mê với phụng vụ cố gắng đồng nhất đời mình với những mầu nhiệm mà chu kỳ phụng vụ nhắc lại. Ngài muốn chịu khổ vì phần rỗi anh em và tìm những lời nồng cháy để cải hoá các tội nhân và đổ ra nhiều nước mắt vì những đau khổ gây nên cho Chúa.

Năm tháng cuối đời, thánh nữ nằm bệnh bất động với những đau đớn dữ dằn. Ngài không còn nói được nữa, nhưng vẫn giữ được sự bình thản. Ngài biết giờ vinh quang sắp tới. Ngày 17 tháng 10 năm 1031 hay là 1032 thánh nữ từ trần. Tương truyền rằng: lúc chết Ngài thấy Chúa Giêsu và đức trinh nữ với đoàn người trên trời đến dẫn Ngài vào thiên đàng trong khi quỉ dữ khóc ròng.

Để kết thúc, nhà chép sử ghi lại mạc khải của một nữ tu thấy linh hồn thánh Gertrudê bay thẳng như một cánh chim vào lòng Chúa Giêsu đang mở rộng đón tiếp Ngài vào tình yêu vô cùng của Ngài.

Không được chính thức tôn phong làm thánh, nhưng lễ kính Ngài có trong lịch chung theo nghi thức Roma.

************************
Ngày 16-11: Thánh MAGARITA SCOTIA

(1045 – 1093)

Thánh Magarita sinh ra khoảng năm 1045. Cha Ngài là hoàng tử Edward người Anh, bị lưu đày và cưới một nữ công chúa người Đức, có lẽ là cháu của hoàng hậu vua thánh Stephanô nước Hungaria. Magarita lớn lên trong triều đình Hungari và đã gặp được sự công chính và thánh thiện để làm nên dấu thánh thiện của chính mình. Khoảng 12 tuổi trở lại nước Anh, thánh nữ sống trong triều đình của vua thánh Edward.

Trong cuộc chinh phục Norman năm 1066, Magarita cùng với mẹ và anh chị em Ngài bị lưu đày một lần nưã. Họ trốn sang Scotia, dầu lúc ấy đang có chiến tranh giữa hai nước, vua Scotia là Malcola Cannore cũng đã nhân ái tiếp nhận những kẻ lưu đày.

Malcolm Cannore mà tên gọi có nghĩa là “nhà cai trị vĩ đại” là một vị vua uy quyền có khả năng. Ông yêu Magarita, còn Magarita thì có ý định đi tu dòng. Nhưng ông đã khuyên Magarita lập gia đình với ông. Cuộc sống chung của họ được mô tả với vài chi tiết trong một tập hồi ký có lẽ do cha giải tội của Ngài là Turgot, sau là giám mục viết. Đây là một câu chuyện thích thú về sự gặp gỡ giữa một người đàn bà trẻ khôn ngoan và thánh thiện với người chồng hung hăng ít được giáo dục nhưng hứơng chiều về sự thánh thiện của vợ mình.

Cuộc hoà hợp nhân duyên này mang lại cho họ sáu người con trai và hai người con gái. Hoàng hậu chỉ chấp nhận cho những gương lành tới gần các tâm hồn trẻ thơ này và không một người xấu nào dám tới triều đình. Những hoàng tử công chúa này lớn lên và tham gia vào các công cuộc của người mẹ thánh thiện và của người cha đã trở thành vị vua gương mẫu.

Thánh Magarita dùng nhiều thì giờ và tiền của cho các công cuộc bác ái, chính Ngài hầu hạ người nghèo khó, già cả, côi cút và yếu đau. Ngài khám phá ra mọi hình thức khổ cực, giúp đỡ các gia đình phá sản phục hồi, chuộc lại các tù nhân, xây dựng nhà thương, nhà vãng lai cho du khách. Người lạ biết rằng: họ có thể luôn tìm được chỗ trú ngụ nơi Ngài khi ra khỏi nhà. Cả đoàn người bất hạnh vây quanh Ngài và đây mới là triều đình thật của Ngài. Khi trở về nhà, Ngài chỉ muốn ngồi vào bàn ăn sau khi đã hầu bàn cho 300 người nghèo ngồi đầy một phòng ăn lớn.

Scotia đã được cải hoá từ lâu, nhưng sự man rợ còn tồn tại ở đó trở thành mẹ của một vương quốc, thánh Magarita biến nó thành một gia đình rộng lớn và dẫn tới Thiên Chúa, Ngài trao cho những quan liêm chính tái lập trật tự, sai các nhà giảng thuyết đi loan báo Tin Mừng để Chúa Giêsu được yêu mến khắp nơi. Ngài giải quyết vấn đề Giáo hội ở Scotia thời Ngài gặp phải. Bị cắt đứt liên lạc do cuộc xâm lăng của người ngoại, Giáo hội Celt đã khác biệt nhiều điểm với Roma và chính thánh Magarita đã hoà giải những yếu tố tranh chấp và đưa Giáo hội Celt ở Scotia về qui phục. Ngài làm việc này mà vẫn tránh được sự phân ly đau đớn.

Cũng thế những cố gắng đưa văn hóa Âu Châu vào Scotia của Ngài rất thành công. Trong khi bên Anh, cuộc chinh phục Norman đã để lại một di sản cay đắng thì ở Scotia dưới ảnh hưởng của Magarita và các con của Ngài, việc lan tràn văn hóa Trung Cổ đã mang lại cho Scotia một thời đại hoàng kim kéo dài cả 2000 năm sau khi thánh nữ qua đời.

Thánh Magarita qua đời năm 1093 tại lâu đài Ediburgh như rất nhiều vị thánh, vào lúc mà mọi công trình xem ra tiêu tan hết. Vua nước Anh xâm chiếm một pháo đài. Malcoln và hai người con cả đi tái chiếm. Thánh nữ cảm thấy âu lo. Ngày kia Edgar con Ngài trở về, thánh nữ hiểu ngay thực tế khủng khiếp là vua và người con kia đã chết. Đau đớn, thánh nữ chỉ biết nói: – Lạy Chúa toàn năng, Chúa đã gửi cho con sự đau đớn lớn lao này để thanh tẩy tâm hồn con, con xin chúc tung Chúa .

Ngài không than trách, đức tin và lòng dũng cảm không rung chuyển, nhưng sáu tháng sau Ngài đã qua đời.

Ba người con của Ngài tiếp tục cai trị trên ngai vàng, công cuộc của người mẹ được tăng cường và đi tới hoàn thành. Thánh Magarita được phong thánh năm 1250.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

16 Tháng Mười Một

Vui Ðể Ðợi Chết 

Theo giai thoại của người Trung Hoa thì ngày xưa có một người tên là Vinh Khải Kỳ tỏ ra là một bậc tiên ông đạo cốt, mình mặc áo lông cừu, lưng thắt dây, ngày ngày giao du ở sơn thủy, vui thú cầm ca chậm rãi rảo bước, tay đánh đàn miệng ca hát không ngừng. Một hôm, đức Khổng Tử đi dạo gặp Vinh Khải Kỳ, ngài mới hỏi ông: “Tiên sinh làm thế nào mà thường vui vẻ ca hát như thế?”.

Khải Kỳ thưa: “Trời sanh muôn vật, loài người cao quý nhất. Ta đã được làm người, đó là điều đáng vui. Người ta sinh ra có người đui què, có người non yếu… mà ta thì khỏe mạnh sống lâu, thế là hai điều đáng vui. Còn cái nghèo là sự thường của thế gian, cái chết là hết sự đời. Ta nay biết vui với cảnh đời để đợi cái chết thì còn gì lo buồn nữa?”.

Lạc quan, vui sống là đức tính cơ bản nhất của người Kitô. Người Kitô nhận ra phẩm giá cao cả của mình và tiếp nhận mọi sự xảy đến như một hồng ân của Chúa. Cây cỏ đồng nội, muôn thú trên rừng không nhọc công tích trữ mà còn được Chúa che chở nuôi nấng, huống chi con người là hình ảnh của Người… Mỗi ngày có niềm vui nỗi khổ của nó. Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống từng phút giây như một ân ban của Chúa, đó là bí quyết để giúp ta được hạnh phúc ở đời này.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai Tuần 33 TN2

Bài đọc: Rev 1:1-4, 2:1-5; Lk 18:35-43.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy năng làm sống lại tình yêu ban đầu!

Tình yêu là yếu tố rất quan trọng trong cuộc sống, vì nó là động lực thúc đẩy con người ham sống và làm việc. Nếu đánh mất tình yêu, con người sẽ đâm ra chán nản và mất hết nghị lực để làm việc. Kẻ thù của tình yêu là thời gian và những thay đổi của cuộc sống. Ví dụ: tình yêu vợ chồng. Rất nhiều người trong chúng ta có kinh nghiệm hay đã được chứng kiến cảnh gia đình tan rã sau biến cố tháng 4/1975. Chồng đi vượt biên, vợ và các con ở lại; mấy năm sau nghe tin chồng đã có vợ khác. Tại sao những chuyện như thế xảy ra? Thời gian và hòan cảnh là 2 yêu tố chính: xa mặt cách lòng và có mới nới cũ. Chuyện như thế cũng xảy ra trong tình yêu của con người với Thiên Chúa: bỏ nhà thờ hay cầu nguyện để chạy theo những cám dỗ vật chất là 2 lý do chính làm con người xa Chúa. Vì thế, để có thể gìn giữ tình yêu, điều cần thiết là phải năng làm sống lại tình yêu ban đầu: “tương quí như tương tân,” hãy luôn biết quí trọng nhau như thuở ban đầu.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Mặc khải của Đức Giêsu Kitô, mặc khải mà Thiên Chúa đã ban cho Người.

Sách Khải Huyền: không chú trọng đến những gì sẽ xảy ra trong Ngày Tận Thế như nhiều người lầm tưởng, nhưng chú trọng đến việc nhận ra những lầm lỗi để sửa sai và sống tốt đẹp hơn trước khi Ngày Tận Thế đến như tác giả trình bày hôm nay: “Phúc thay người đọc, phúc thay những ai nghe những sấm ngôn đó và tuân giữ các điều chép trong đó, vì thời giờ đã gần đến!”

(1) Mặc khải của Đức Giêsu Kitô, mặc khải mà Thiên Chúa đã ban cho Người, để Người tỏ cho các tôi tớ Người biết những việc sắp phải xảy đến. Người đã sai thiên thần của Người đến báo cho ông Gioan là tôi tớ của Người biết mặc khải đó. Ông Gioan đã làm chứng về lời của Thiên Chúa và về lời chứng của Đức Giêsu Kitô, về những gì ông đã thấy.

(2) Ý nghĩa con số 7 trong Sách Khải Huyền: Số 7 xảy ra tất cả 54 lần trong Sách Khải Huyền; đây là con số được dùng để biểu tỏ sự tròn đầy, tòan hảo. Ví dụ: việc Đức Kitô gởi Lời cho 7 Giáo Phận có nghĩa gởi cho tất cả Giáo Hội trên tòan cầu.

(3) Thị kiến đầu tiên: Lời của Đức Kitô cho 7 Giáo Phận ở Asia Minor (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay): “Tôi là Gioan kính gửi 7 Giáo Phận Asia. Xin Đấng hiện có, đã có và đang đến, xin bảy thần khí hiện diện trước ngai của Người.”

(4) Lời cho Hội Thánh Êphêxô: Đây là thành phố thương mại rất sầm uất của Tiểu Á thời đó, là trung tâm của các Tòa Đại Sứ, là trung tâm của văn hóa và tôn giáo. Vị thế của Thành Êphêsô mở đường cho rất nhiều mê tín dị đoan và thờ các tà thần; thần phổ thông nhất của Thành là Artemis (Tđcv 19:8, 10). Thánh Phaolô thành lập Giáo Phận Êphêsô vào khỏang 53-56 AD (Tdcv 19:8-10). “Hãy viết cho thiên thần của Giáo Phận Êphêxô: Đây là lời của Đấng cầm trong tay hữu bảy vì sao, Đấng đi giữa bảy cây đèn vàng.” 7 vì sao tượng trưng cho 7 thiên thần coi giữ 7 Giáo Phận, và 7 cây đèn tượng trưng cho 7 Giáo Phận (Kh 1:20). Đấng đi giữa 7 cây đèn là Đức Kitô, như Ngài đã hứa “sẽ ở cùng Giáo Hội cho đến Ngày Tận Thế” (Mt 18:20, 28:20).

1.1/ Lời khen: Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Một việc cụ thể được liệt kê: “Ta biết ngươi không thể chịu đựng kẻ ác. Ngươi đã thử thách những kẻ xưng mình là tông đồ, mà thực ra không phải, và ngươi đã thấy rằng chúng là những kẻ nói dối.” Việc này có lẽ liên quan tới Nicolaitans (Kh 2:6, 15).

1.2/ Lời chê trách: “Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu.” Đánh mất tình huynh đệ ban đầu là cũng đánh mất tình yêu với Thiên Chúa; vì mến Chúa đòi phải yêu người. Lời khuyên nhủ: “Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu.” Ba việc cần làm trong tiến trình hối cải đựợc đề ra: xét mình (nhớ lại) – ăn năn (hối cải) – đền tội (làm việc). Lời đe dọa: “Bằng không, Ta đến với ngươi, và Ta sẽ đem cây đèn của ngươi ra khỏi chỗ của nó, nếu ngươi không hối cải.” Cây đèn tượng trưng cho Giáo Phận; đem cây đèn ra khỏi chỗ có thể nói tới sự tiêu hủy của GP Êphêsô.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu chữa người mù thành Jericho.

2.1/ Lời cầu xin khẩn thiết của người mù: Việt-Nam có câu tục ngữ: “Có đau mắt thì mới biết thương người mù.” Vì không thấy đường nên tất cả thế giới đẹp đẽ đối với anh là một bóng đen, và công việc duy nhất anh có thể làm được là ngồi ăn xin lòng thương xót của người qua đường. Anh mù chứ không điếc nên khi nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. Họ báo cho anh biết là Đức Giêsu Nazareth đang đi qua đó. Chắc chắn anh đã nghe về Đức Kitô chuyên chữa lành bệnh nhân, nên anh không bỏ lỡ cơ hội, anh liền kêu lên (boa,w) rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin thương xót tôi!”

Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi. Không ai có thể hiểu nỗi đau khổ của anh; tất cả đều bận tâm với những toan tính riêng tư của họ. Những người quát nạt này có lẽ bực mình vì tiếng kêu cứu của anh làm họ không nghe rõ những gì Chúa Giêsu đang giảng giải. Nhưng anh mù không sờn lòng và càng kêu lớn tiếng hơn (krazo): “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót tôi!”

Việc anh kêu lớn tiếng hơn có thể anh sợ Chúa Giêsu chưa nghe thấy tiếng kêu nài của anh; nhưng cũng để biểu tỏ tấm lòng kiên trì kêu cầu của anh, không một sức mạnh nào có thể ngăn ngừa anh đừng trông cậy vào Thiên Chúa. Với bệnh tật của anh, anh nghĩ có lẽ đây là cơ hội ngàn năm một thuở anh có cơ hội được Chúa Giêsu chữa lành.

2.2/ Phản ứng của Chúa Giêsu, người mù, và đám đông: Làm sao Thiên Chúa của lòng thương xót không động lòng trước tiếng kêu bi thương của con cái mình? Ngài dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh ta đáp: “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.” Người mù không xin tiền, không xin bất cứ sự gì khác, nhưng xin cho được thấy, vì anh biết sự sáng quan trọng thế nào đối với anh. Đức Giêsu nói: “Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Lập tức, anh ta nhìn thấy và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Anh biết Chúa Giêsu có lòng thương xót, anh biết Chúa Giêsu là người duy nhất có thể chữa anh, và chính anh đã được Chúa Giêsu thương xót chữa lành; nên chuyện anh đi theo Ngài để ngợi khen Thiên Chúa là chuyện tự nhiên phải làm. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Cuộc sống với quá nhiều quyến dũ vật chất và hưởng thụ làm cho trái tim con người ra chai đá, khiến chúng ta không còn nhạy cảm với tình thương Thiên Chúa và tình thương của tha nhân. Chúng ta hãy làm sống lại tình yêu ban đầu của chúng ta dành cho Thiên Chúa, bằng cách năng nhớ lại những gì Ngài đã làm cho chúng ta, để biết ơn, để ca tụng, và biết sống xứng đáng với tình yêu của Ngài.

– Chúng ta hãy làm sống lại tình yêu ban đầu của chúng ta dành cho nhau; để luôn biết quí trọng và dễ tha thứ cho nhau. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************