Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Hai tuần 15 Thường Niên – Năm A
BÀI ĐỌC I: Xh 1, 8-14. 22
“Chúng ta hãy đàn áp Israel, kẻo nó sinh sản ra nhiều”.
Bài trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, nhà vua mới lên ngôi cai trị nước Ai-cập, ông không biết Giuse, nên nói với dân chúng rằng: “Kìa, dân tộc con cái Israel nhiều và hùng mạnh hơn chúng ta. Nào, chúng ta hãy khôn khéo đàn áp chúng, kẻo chúng gia tăng lên nhiều. Và nếu xảy ra chiến tranh, chúng sẽ tiếp tay quân thù đánh lại chúng ta, rồi rút lui khỏi xứ chúng ta”. Vậy vua truyền lệnh cho các trưởng dịch bắt họ làm việc cực nhọc hơn, bắt họ xây những thành Phithom và Ramsê làm kho tàng cho Pharaon. Nhưng người ta càng đàn áp họ, thì họ lại càng sinh sản và bành trướng nhiều hơn. Các người Ai-cập càng ghen ghét con cái Israel và càng bắt họ làm việc khổ cực hơn. Người ta làm cho đời sống họ thêm cay cực, bắt họ làm những việc nặng nhọc, nhồi đất, đúc gạch và làm mọi công việc đồng áng. Bấy giờ vua Pharaon truyền lệnh cho toàn dân của vua rằng: “Bất cứ con trai (Do-thái) nào mới sinh, thì hãy ném nó xuống sông, chỉ để lại những trẻ gái mà thôi”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 123, 1-3. 4-6. 7-8
Đáp: Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa (c. 8a).
1) Nếu như Chúa không che chở chúng tôi – Israel hãy xướng lên – nếu như Chúa không che chở chúng tôi, khi thiên hạ cùng chúng tôi gây hấn, bấy giờ người ta đã nuốt sống chúng tôi rồi, khi họ bầng bầng giận dữ chúng tôi. (2) Bấy giờ nước cả đã lôi cuốn mất, trào lưu đã ngập lút con người chúng tôi; bấy giờ sóng cả kiêu hùng đã ngập lút chúng tôi! Chúc tụng Chúa vì Người đã không để chúng tôi nên mồi trao đưa vào răng chúng. (3) Hồn chúng tôi như cánh chim non thoát khỏi lưới dò của người gài bẫy bắt chim. Lưới dò đã đứt gãy, và chúng tôi đã thoát thân. Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Đấng tạo thành trời đất!
ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
All. All. – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. – All.
PHÚC ÂM: Mt 10,34 – 11,1
“Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng đem gươm giáo”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo. Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình. Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào yêu con trai con gái hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó. Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu”. Sau khi Chúa Giêsu truyền dạy xong các điều ấy cho mười hai tông đồ, Người rời khỏi đó để đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành phố của các ông.
Đó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
17/06/23 – THỨ HAI TUẦN 15 TN
Mt 10,34-11,1
CHÉN NƯỚC LÃ CHO KẺ BÉ MỌN
“Ai cho một trong những kẻ bé mọn này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi,… sẽ không mất phần thưởng.” (Mt 10,42)
Suy niệm: Những “kẻ bé mọn” theo Phúc âm Mát-thêu, trước tiên chỉ về các trẻ em, những kẻ không có vị thế, tiếng nói trong xã hội, nhưng lại là những người thuộc ‘diện ưu tiên’ mà Chúa không muốn ai bị hư mất, được Ngài mạc khải những mầu nhiệm, và được coi là hình mẫu cho những ai xứng đáng vào Nước Trời (x. Mt 11,25; x. 18,1-10). Hiểu rộng ra, đó còn là các bà goá, những người nghèo khổ, tội lỗi,… những kẻ thường bị lãng quên ruồng bỏ, những kẻ mà Chúa tự đồng hoá Ngài với họ (x. Mt 25,40). Vì thế, một nghĩa cử nhân ái dành cho họ, dù nhỏ bé như cho họ một chén nước lã thôi, cũng được Chúa kể là làm cho Ngài. Hơn nữa Chúa còn đặt hành vi “đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy” vào trong tương quan hàng dọc với Thiên Chúa, tức là cũng tương đương với việc “đón tiếp Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.” Như thế, phần thưởng cho chúng ta chẳng những sẽ không mất mà còn “thật lớn lao ở trên trời” (Mt 5,12).
Mời Bạn: “Một chén nước lã” được Chúa coi là “một chén ân tình”. Từ nay “cho kẻ đói ăn”, “cho kẻ khát uống” không còn là một việc tuỳ hứng, tuỳ thời vụ mà còn là đòi buộc của luật yêu thương. Với bí quyết của mẹ thánh Tê-rê-sa Calcutta: “Làm việc nhỏ với tình yêu lớn” thì đòi buộc ấy không có gì là quá khó, mà hoàn toàn khả thi trong tầm tay của mọi người.
Sống Lời Chúa: Bạn đặt cho mình luật buộc: mỗi ngày làm ít là một việc phục vụ cho một người bé mọn sống gần bên bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su xin cho chúng con thêm lòng yêu mến Chúa khi chúng con biết cư xử với nhau chân thành hơn trong tình yêu thương, bác ái hơn với nhau trong lời nói cũng như việc làm.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm
Văn Cao là một nhạc sĩ có tài với bản Tiến Quân Ca bất hủ.
Nhưng ông cũng là một thi sĩ ít được ai biết đến.
Ông có làm một bài thơ ngắn Không Đề như sau :
“Con thuyền đi qua
Đoàn tàu đi qua
để lại tiếng.
Đoàn người đi qua
để lại bóng.
Tôi không đi qua tôi
để lại gì”.
Ông muốn để lại chút gì cho đời của kẻ đã mang tiếng ở trong trời đất.
Và ông hiểu rằng mình không thể để lại gì, nếu không vượt qua chính mình.
Cái tôi và tất cả những gì thuộc về nó, đều là đối tượng phải vượt qua.
Vượt qua cái tôi không làm tôi mất nó, nhưng lại được một cái tôi viên mãn.
Phải chăng đó là điều Văn Cao, một kitô hữu ẩn danh đến lúc chết,
muốn gửi gấm qua những vần thơ này ?
Có những giá trị hầu như được mọi người nhìn nhận.
Có những giá trị thiêng liêng máu mủ như cha mẹ, con cái.
Đặc biệt trong xã hội Do-thái, hiếu thảo với cha mẹ là điều được đề cao.
Đức Giêsu cũng đã phê phán thái độ bất hiếu đối với cha mẹ (Mt 15, 3-6).
Mạng sống của con người cũng là một giá trị cao quý.
Đụng đến mạng sống con người là xúc phạm đến chính Thiên Chúa,
như ta thấy trong chuyện Cain giết em là Aben (St 4, 9-10).
Những giá trị thiêng liêng như thế, cần được ta yêu mến, giữ gìn.
Yêu cha, yêu mẹ, yêu con trai, con gái, là những điều hợp đạo lý.
Giữ gìn mạng sống của mình là điều phải làm.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đưa ra một đòi hỏi mới mẻ và đáng sợ.
Ngài không cấm các môn đệ yêu cha mẹ, con cái, hay mạng sống,
nhưng Ngài không chấp nhận họ yêu những giá trị này hơn Ngài.
Ngài không muốn họ đặt Ngài ở dưới những giá trị đó.
Đơn giản Ngài muốn họ coi Ngài là một Giá Trị hơn hẳn, Giá Trị viết hoa.
Khi cần chọn lựa giữa các giá trị, Ngài đòi họ ưu tiên chọn Ngài.
Cụm từ “không xứng đáng với Thầy” được nhắc đến ba lần (cc. 37-38).
Chỉ ai dám yêu Ngài hơn người thân yêu, dám vác thập giá mình mà theo,
người ấy mới xứng đáng với Thầy.
Chỉ ai dám mất mạng sống của mình vì Thầy,
người ấy mới lấy lại được sự sống tròn đầy ở đời sau (c. 39).
Đức Kitô là ai mà đòi chúng ta phải đặt Ngài lên trên các thụ tạo như vậy,
nếu Ngài không phải là hiện thân của chính Thiên Chúa ?
Đừng quên chính Ngài đã mất mạng sống mình vì tôi trước.
Chỉ khi tôi đi qua tôi, nhờ đặt tôi và mọi sự thuộc về tôi dưới Đức Kitô,
tôi mới có gì để lại cho đời, tôi mới giữ lại được mọi giá trị khác (Mt 19, 29).
Xin làm được điều thánh Biển Đức dạy :
“Phải tuyệt đối không coi gì trọng hơn Đức Kitô.”
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.
Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.
Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,
để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.
Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng nào
còn chạm được tới con.
Xin làm cho con thật đầy ắp,
để ngay cả một ước muốn nhỏ
cũng không còn có chỗ trong con.
Xin làm cho con thật lặng lẽ,
để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.
Xin Chúa ngự trong con thật sống động,
để không phải là con,
mà là chính Ngài đang sống.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
17 THÁNG BẢY
Thiên Chúa Đặt Trước Mặt Chúng Ta: Lửa Và Nước
Việc tôn trọng sự tự do của tạo vật thì khẩn thiết đến nỗi Thiên Chúa – trong sự quan phòng của Ngài – thậm chí cho phép xảy ra sự tội nơi con người và nơi các thiên thần. Các tạo vật có lý trí – quả thật cao cả song cũng vẫn giới hạn và không hoàn hảo – có thể lạm dụng tự do của mình và bất tuân phục Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa. Chính khả năng ấy đã gây rắc rối cho tâm trí con người.
Sách Huấn Ca suy tư về thực tại này rất sâu sắc: “Từ nguyên thủy, chính Chúa đã làm nên con người, và để nó tự quyết định lấy. Nếu con muốn, thì hãy giữ các điều răn mà trung tín làm điều đẹp ý Ngài. Trước mặt con, Ngài đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó. Vì trí khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao, Ngài mạnh mẽ uy quyền và trông thấy tất cả. Ngài để mắt nhìn xem những ai kính sợ Ngài, và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện. Ngài không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội” (Hc 15,14-20).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 17-7
Xh 1, 8-14.22; Mt 10,34-11,1.
Lời suy niệm: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.”
Con người sống trên trần gian này luôn muốn được nghe những lời nói thuận theo ý riêng của mình; còn những lời nói trái ý muốn thì thường bị từ chối; nên con người không thành thật với nhau trong ngày sống của mình. Còn đối với Chúa Giêsu; Người rất chân thật, và trung tín khi kêu gọi và tuyển chọn những con người muốn đi theo Người. Người cho họ một sự chọn lựa dứt khoát, đó là phải dành mọi tình cảm ưu tiên cho Người trên mọi tình cảm khác, và phải biết hy sinh và tự hiến đời mình vâng theo ý định của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con được ngày càng yêu mến Chúa và biết chấp nhận đón lấy thập giá của mình, bước đi theo Chúa cho đến trọn đời. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
17 Tháng Bảy
Ðiều Quý Giá Nhất Trên Ðời
Có hai người lái buôn và cũng là hai người bạn thân quyết chí lên đường đi tìm cho kỳ được điều quý giá nhất trên trần gian này. Mỗi người ra đi một ngả và thề thốt sẽ gặp lại nhau sau khi đã tìm được điều quý giá nhất ấy.
Người thứ nhất lặn lội đi tìm cho kỳ được viên ngọc mà ông cho là quý giá nhất trên trần gian này. Ông băng rừng, vượt biển và không bỏ sót thành phố, làng mạc nào mà không ghé qua. Bất cứ nơi nào có bán đá quý, ông đều tìm tới. Cuối cùng, ông mãn nguyện vì đã tìm được viên ngọc mà ông cho là quý giá nhất trần gian. Ông trở lại quê hương và chờ đợi người bạn của ông.
Nhiều năm trôi qua mà người bạn của ông vẫn biệt vô âm tín. Thì ra điều ông đi tìm kiếm không phải là vàng bạc, châu báu, mà là chính Chúa. Ông đi khắp nơi để thọ giáo những bậc thánh hiền. Ông cặm cụi đọc sách, nghiền ngẫm, nhưng vẫn không tìm gặp được Chúa.
Ngày nọ, ông đến ngồi thẫn thờ bên một dòng sông. Nhìn dòng nước trôi lững lờ, ông bỗng thấy một con vịt mẹ và một đàn vịt con đang bơi lội. Ðàn vịt con tinh nghịch cứ muốn rời mẹ để đi kiếm ăn riêng. Ði tìm con này đến con nọ, con vịt mẹ cứ phải lặn lội đi tìm đàn con mà không hề tỏ dấu giận dữ hay gắt gỏng… Nhìn thấy cảnh vịt mẹ cứ mãi đi tìm con như thế, người đàn ông mỉm cười và đứng dậy trở về quê hương.
Vừa gặp nhau, người bạn đã tìm được viên ngọc quý mới buột miệng hỏi trước: “Cho tôi xem thử điều quý giá nhất mà anh đa tìm được. Tôi nghĩ đó phải là điều tuyệt diệu, bởi vì gương mặt anh dường như đang nở nụ cười mãn nguyện chưa từng thấy”.
Con người trở về với hai bàn tay trắng, nhưng tâm hồn tràn ngập hân hoan trả lời: “Tôi đã đi tìm Chúa và cuối cùng tôi đã khám phá ra rằng chính Ngài là Ðấng đi tìm tôi”.
Có con vịt mẹ đi tìm con không biết mệt mỏi, có lời loan báo của sứ thần cho các mục tử trong đêm Giáng Sinh, có ánh sao lạ dẫn đường chỉ lối cho các nhà đạo sĩ… Có trăm phương nghìn cách qua đó Thiên Chúa không ngừng đi tìm con người và ngỏ lời với con người.
Thiên Chúa không ngừng đi tìm kiếm và ra dấu cho con người. Ngài ra dấu cho chúng ta qua muôn kỳ công trong vũ trụ. Ngài ra dấu cho chúng ta qua những khám phá kỳ diệu của con người. Ngài ra dấu cho chúng ta qua những thiện chí thực thi tình người của chính con người… Bao nhiêu vẻ đẹp là bấy nhiêu những vì sao dẫn đường chỉ lối cho con người.
Nhưng Thiên Chúa không dẫn đường chỉ lối bằng những ánh sao lạ, Ngài còn mời gọi chúng ta bằng những tiếng gọi âm thầm. Có tiếng gọi âm thầm của buổi bình minh, của chiều tà, của những đêm không trăng sao. Có tiếng gọi âm thầm của một nụ cười vừa hé mở. Có tiếng gọi âm thầm của tiếng khóc câm lặng. Có tiếng gọi âm thầm của những mất mát, đổ vỡ.
Mỗi một khoảnh khắc qua đi là một tiếng gọi âm thầm. Phải, Ngài đang có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta, bởi vì tên của Ngài là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai – Tuần 15 – TN1 – Năm lẻ
Bài đọc: Exo 1:1-14, 22; Mt 10:34-11:1.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sợ sự thật làm con người chia rẽ.
Trong cuộc đời, đa số ai cũng muốn hơn người và điều khiển người khác; nên họ rất sợ khi người khác có địa vị và thành công hơn mình. Thay vì với tinh thần cầu tiến, họ nên tìm hiểu lý do tại sao người khác thành công để học hỏi; nhiều người lại dùng những mưu mô, thủ đoạn, và áp lực nhằm hạ bệ và tiêu diệt những người hơn mình.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những trường hợp cụ thể tại sao con người bất hòa và chia rẽ. Trong Bài Đọc I, khi vua Ai-cập nhìn thấy con cái Israel gia tăng dân số, ông cảm thấy bị đe dọa. Thay vì nên khuyến khích người Ai-cập sinh sản nhiều cho thăng bằng cán cân dân số, ông lại tìm những thủ đoạn để tiêu diệt con cái Israel: ông bắt họ phải lao động cực khổ và ngay cả bằng việc giết các trẻ nam mới sinh của Israel. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ biết họ sẽ gặp chống đối ngay cả từ nơi gia đình của họ. Lý do là con người không dễ chấp nhận lối sống theo sự thật mà Đức Kitô đòi hỏi họ phải rao giảng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chia rẽ vì sợ chủng tộc khác hơn mình.
1.1/ Vua Ai-cập kỳ thị chủng tộc Do-thái: Xưa cũng như nay, các quốc gia mạnh luôn tìm cách để bách hại các quốc gia yếu thế hơn mình để bắt triều cống và làm tôi mọi cho họ. Trường hợp Sách Xuất Hành tường thuật hôm nay là một trường hợp điển hình.
(1) Giòng dõi Jacob lan tràn khắp xứ Ai-cập: Thiên Chúa truyền con người phải sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất (Gen 1:28). Người Do-thái sống theo lệnh truyền của Thiên Chúa, họ ăn ở với nhau và sinh sản con cái rất nhiều. Tổ phụ Jacob có tất cả 12 con. “Sau đây là tên những con cái Israel đã đến Ai-cập với ông Jacob, mỗi người đem theo gia đình mình: Reuben, Simeon, Levi và Judah, Issachar, Zebulun và Benjamin, Dan và Naphtali, Gad và Aser. Giòng giống ông Jacob tính tất cả là bảy mươi người; ông Giuse thì đang ở bên Ai-cập. Rồi ông Giuse qua đời, cũng như anh em ông và tất cả thế hệ đó. Con cái Israel sinh sôi nảy nở, nên đông đúc và ngày càng hùng mạnh: họ lan tràn khắp xứ.”
(2) Nỗi lo sợ của vua Ai-cập: Giống như đa số con người thời đại, người Ai-cập muốn hạn chế sinh sản, nhưng lại đâm lo khi thấy người Do-thái sinh sản nhiều hơn mình. Trình thuật kể: “Thời ấy có một vua mới lên trị vì nước Ai-cập, vua này không biết ông Giuse. Vua nói với dân mình: “Này đám dân con cái Israel đông đúc và hùng mạnh hơn chúng ta. Chúng ta hãy dùng những biện pháp khôn ngoan đối với dân đó, đừng để chúng nên đông đúc, kẻo khi có chiến tranh, chúng hùa với địch mà đánh lại chúng ta, rồi ra khỏi xứ.”” Vua Ai-cập cũng như phần đông các cha mẹ thời nay, họ vẫn nghĩ họ có những “biện pháp khôn ngoan” hơn Thiên Chúa: vừa muốn hạn chế sinh sản, vừa muốn an toàn và cai trị người khác.
1.2/ Các “biện pháp khôn ngoan” Vua Ai-cập dùng để hành hạ con cái Israel: Để làm giảm dân số Do-thái, vua Ai-cập dùng những thủ đoạn sau đây:
(1) Hành hạ thể xác: Vua ra lệnh “đặt lên đầu lên cổ họ những viên đốc công, để hành hạ họ bằng những việc khổ sai; bắt họ phải xây cho Pharao các thành làm kho lương thực là Pithom và Ramses. Chúng làm cho đời sống họ ra cay đắng vì phải lao động cực nhọc: phải trộn hồ làm gạch, phải làm đủ thứ công việc đồng áng; tóm lại, tất cả những việc lao động cực nhọc, chúng đều cưỡng bách họ làm.” Nhưng chúng càng hành hạ họ, thì họ càng nên đông đúc và lan tràn, khiến chúng đâm ra sợ con cái Israel.
(2) Tước đoạt quyền sống: Thấy kế hoạch bắt làm việc khổ cực không làm giảm dân số của người Do-thái, vua Pharao ra lệnh cho toàn dân của mình: “Mọi con trai Do-thái sinh ra, hãy ném xuống sông Nile; mọi con gái thì để cho sống.” Nhiều người phê bình Thiên Chúa tại sao bênh vực dân Do-thái đến độ tàn sát các con đầu lòng Ai-cập và nhận chìm quân đội của Ai-cập trong Biển Đỏ; nhưng họ đã bỏ qua tội lỗi bất công và tước đoạt quyền sống của các trẻ Do-thái bởi nhà vua và các đốc công Ai-cập.
2/ Phúc Âm: Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà.” Thoạt nghe những lời tuyên bố này, chúng ta không khỏi lấy làm lạ: Tại sao một Thiên Chúa không đem bình an đến cho con người; lại đến để đem gươm giáo và gây chia rẽ trong gia đình?
1.1/ Bình an thực sự: Để hiểu những điều Chúa Giêsu nói, chúng ta cần phân biệt hai thứ bình an:
+ Bình an của con người: Con người thường hiểu bình an là sự vắng mặt của chiến tranh hay tranh chấp bên ngoài. Ví dụ: khi quốc gia không có đánh nhau và gia đình không có cãi vã tranh giành. Thứ bình an này thường chỉ tạm bợ và chờ đợi để bùng nổ một cuộc chiến lớn hơn và khốc liệt hơn.
+ Bình an của Thiên Chúa: là bình an đến từ bên trong tâm hồn. Bình an này chỉ có được khi con người dám đương đầu với và sống theo sự thật. Chính Chúa Giêsu đã phân biệt hai thứ bình an, khi Ngài nói với các môn đệ: bình an của Thầy sẽ ban cho anh em không theo kiểu bình an của thế gian ban tặng. Chúng ta có thể cảm nhận được sự bình an của các môn đệ sau khi Chúa sống lại. Các ông đã nhận ra sự thật: Chúa là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa gởi tới cho con người. Ngài đã trải qua đau khổ, đã chết, và đã sống lại. Nhận ra sự thật này làm cho các môn đệ bình an trong tâm hồn; để rồi các ông có thể đương đầu với những quyền lực của thế gian: roi vọt, bắt bớ, tù đày; mà vẫn không sợ hãi gì cả. Các ông có thể chấp nhận tất cả và vui lòng làm chứng cho Đức Kitô.
2.2 Phải sống đúng các mối liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân, và với thế giới.
+ Mối liên hệ với Thiên Chúa phải đặt trên mối liên hệ với tha nhân: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.” Khi nói những điều này, Thiên Chúa muốn con người phải đặt Thiên Chúa trên tất cả mọi người và mọi sự. Quyền lợi của Thiên Chúa phải đặt trên các quyền lợi cá nhân: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.”
+ Mối liên hệ với tha nhân phải đặt trên mối liên hệ vật chất: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” Con người không thể giúp đỡ lại cho Thiên Chúa, vì Ngài có tất cả. Điều con người có thể làm là giúp đỡ tha nhân, những con cái của Thiên Chúa. “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính… Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta hãy có can đảm đương đầu với sự thật. Đừng dối trá, quanh co, hay dùng thủ đoạn để bôi lọ, bắt bớ, hay tiêu diệt những người dám nói và sống cho sự thật.
– Nếu chúng ta biết khiêm nhường chấp nhận sự thật Thiên Chúa dạy và thay đổi lối sống theo đường lối Ngài vạch sẵn, chúng ta sẽ bảo đảm được hạnh phúc và bình an cả đời này và đời sau. Nếu chúng ta cứ ngoan cố trong tư tưởng và đường lối của con người, chúng ta chắc chắn sẽ phải trả giá; vì chẳng có gì bí mật mà không bị phơi bày ra ánh sáng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************