Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Hai Tuần XXIV Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: 1 Cr 11, 17-26
“Anh em họp nhau lại thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi truyền dạy điều này: tôi chẳng khen anh em, vì anh em hội nhau, không phải để được ích lợi hơn, nhưng là để ra tệ hơn. Trước tiên, tôi nghe đồn rằng: khi anh em họp nhau trong cộng đoàn, thì có sự chia rẽ giữa anh em, và tôi cũng tin phần nào. Vì cần phải có phe phái, để những người đã được thử thách, được tỏ rõ giữa anh em. Vậy khi anh em họp nhau lại thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa, vì mỗi người đều lo đem bữa ăn riêng của mình đến để ăn. Vì thế người thì đói, người khác lại say sưa. Chớ thì anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay là anh em khinh miệt Cộng Đoàn Thiên Chúa, và làm nhục những kẻ không có gì? Tôi phải nói thế nào với anh em? Khen anh em ư? Về điều này, tôi chẳng khen anh em.
Vì chưng, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: “Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến.
Vậy hỡi anh em, khi anh em họp nhau để dùng bữa, anh em hãy chờ đợi nhau. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 17
Đáp: Anh em hãy loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến (1 Cr 11, 26b).
Xướng: 1) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. – Đáp.
2) Như trong Quyển Vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con. – Đáp.
3) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. – Đáp.
4) Hãy mừng vui hoan hỉ trong Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao cả! Bao nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Người. – Đáp.
ALLELUIA: Gc 1, 18
Alleluia, alleluia! – Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 7, 1-10
“Cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng xong, Người vào Capharnaum. Bấy giờ một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết. Nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người kỳ lão Do-thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người rằng: “Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”. Chúa Giêsu đi với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này sai mấy người bạn đến thưa Người rằng: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm”.
Nghe nói thế, Chúa Giêsu ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông theo Người rằng: “Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”. Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ lành mạnh. Đó là lời Chúa
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
17/09/2018 – THỨ HAI TUẦN 24 TN
Th. Rô-be-tô Ben-la-mi-nô, giám mục, tiến sĩ HT
Lc 7,1-10
LÒNG TIN VỮNG MẠNH
“Ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” (Lc 7,9)
Suy niệm: Người có đạo lâu năm không đương nhiên là có đức tin mạnh hơn các anh chị em tân tòng; những người lớn tuổi chưa chắc là có đức tin kiên cường hơn những người tuổi nhỏ, bởi vì đức tin không tùy thuộc vào tuổi tác và ngày tháng ghi trong sổ Rửa Tội. Thậm chí, đôi khi người ngoại đạo nhưng lại có lòng tin mạnh mẽ vào quyền năng và tình yêu của Chúa hơn cả những người mang danh là đạo gốc từ nhiều đời. Viên đại đội trưởng ngoại giáo hôm nay là một điển hình. Ông tin vào quyền lực của Đức Giê-su đến mức Người phải thán phục thốt lên: “Ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.”
Mời Bạn: Nhìn lại chính lòng tin của mình và thử đánh giá xem bạn tin mạnh mẽ đến mức nào. Chẳng hạn, bạn có tin vững vàng rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương, rằng Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ cho mọi người, rằng Chúa Thánh Thần đang không ngừng hoạt động cách mầu nhiệm để dẫn dắt và thánh hoá con người và lịch sử? Bạn có tin Chúa Ki-tô hiện diện thực sự trong Bí Tích Thánh Thể? Bạn có tin vào ơn tha thứ của Chúa trong bí tích Hoà Giải? Và đừng quên: đức tin không có hành động là đức tin chết (x. Gc 2,17).
Sống Lời Chúa: Căn tính của người Ki-tô hữu là lòng tin vào Đức Ki-tô; bạn hãy bảo đảm rằng mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm của mình đều phản ảnh lòng tin ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù ở giữa những gian nan thử thách, những cô đơn tuyệt vọng, những ê chề sa ngã, xin cho con vẫn một niềm tin tưởng vào quyền năng và tình yêu của Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
17 THÁNG CHÍN
Thánh Thần, Đấng Dẫn Dắt Chúng Ta
Hội Thánh, được sinh ra từ Thập Giá và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô, vẫn không ngừng được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. “Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy cho anh em mọi sự và làm cho anh em nhớ lại tất cả mọi điều [Thầy] đã nói với anh em” (Ga 14,26).
Hội Thánh trên trần gian vẫn không ngừng được dẫn dắt bởi Thánh Thần của Đức Kitô Phục Sinh để đào sâu chính chân lý mà Hội Thánh đã nhận lãnh trực tiếp từ môi miệng của Thầy. Trải qua bao thế kỷ, Hội Thánh đã thấu hiểu hơn chân lý ấy nhờ sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Đó là con đừơng giúp Hội Thánh ngày càng nhận hiểu Đức Kitô nhiều hơn. Sự hiểu biết có sức cứu độ này đã thật sự được sở đắc bởi Hội Thánh khải hoàn, là “Giêrusalem trên trời” (Gl 4,26). Chúa Thánh Thần khích lệ Hội Thánh tại thế bằng viễn cảnh huy hoàng của Hội Thánh vinh quang.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 17/9
Thánh Robertô Bellarminô, giám mục tiến sĩ Hội Thánh
1Cr 11, 17-26.33; Lc 7, 1-10.
LỜI SUY NIỆM: “Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết; Ông ta yêu quý người ấy lắm. Khi nghe đến về Đức Giêsu, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.”
Nơi viên đại đội trưởng này cho chúng ta thấy được những gương tốt cần phải học hỏi, trước hết nơi ông có lòng yêu thương, quý mến người nô lệ, người nô lệ thời bấy giờ được liệt vào như là một đồ vật không hơn không kém. Điểm kế tiếp ông đặt trọn vẹn niềm tin vào quyền năng của Chúa Giêsu sẽ cứu chữa được người nô lệ của ông. Điểm sau cùng là ông biết khiêm tốn, nhận ra chính mình là kẻ ô uế bất xứng trước mặt Chúa Giêsu, để rồi cần đến những người trung gian, đó là mấy kỳ mục người Do-thái cầu xin giùm cho ông.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn biết thể hiện tình yêu thương đối với mọi người, đặc biệt đối với những người hèn kém hơn chúng con. Và trong cầu nguyện xin cho chúng con có niềm tin, và nhận ra mình là kẻ bất xứng, để biết chạy đến mọi đấng trung gian của Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
NGÀY 17-09 THÁNH RÔBERTÔ BELLARMINÔ (1452 – 1621)
Thánh Rôbertô Bellarminô sinh ngày 4 tháng 10 năm 1452 tại Montepulcianô. Cha Ngài là Vinconzo Bellarminô. Mẹ Ngài là Cynthia Cervini. Em Đức giáo hoàng Marcellô II. Ngay khi còn là một học sinh tại trường các cha dòng Tên. Ngài đã tỏ ra thông minh đặc biệt. Cha Ngài đã định cho Ngài theo học y khoa. Dầu vậy năm 1560, Ngài xin gia nhập dòng Tên và đã được cha mẹ ưng thuận.
Theo học triết tại Roma, Ngài đã tỏ ra là một học sinh nổi bật. Từ Roma Ngài đã được gởi đi dạy học trong các trường của dòng Tên trong 4 năm tại Florence và Modevi. Lúc này Ngài đã thông thạo tiếng Hy lạp và được chỉ định dạy cho các bạn cùng lớp. Dầu chưa làm linh mục, Ngài thường được mời đi giảng và được coi như là nhà giảng thuyết từ bẩm sinh. Ngài học thần học trước hết ở Padua, rồi sau ở Louvain và thụ phong linh mục tại đây năm 1570. Các bài giảng của Ngài tại Louvain mang lại thành công đăc biệt. Anh em Tin Lành tại Anh cũng tìm đến nghe Ngài và nhiều người đã trở lại. Với dáng nhỏ bé, Ngài thường đứng trên ghế đẩu từ bục giảng.
Là giáo sư thần học tại Louvain, Ngài rất mộ mến các tác phẩn của thánh Tôma. Trong các bài diễn thuyết, Ngài đã chống lại một cách hữu hiệu nhưng đầy tình thương với các giáo thuyết khơi nguồn cho thuyết Giansenisme sau này. Thánh Robertô cũng thúc đẩy các sinh viên học tiếng Do thái và đã soạn cho họ một cuốn văn phạm ngắn gọn. Ngài đọc nhiều về các giáo phụ và các văn sĩ khác trong Giáo hội, một nỗ lực còn ghi lại trong tác phẩm “về các văn sĩ trong Giáo hội” (xb năm 1623).
Sau thời kỳ ở Louvain, Ngài được trao phó thi hành một công việc khó khăn là làm giáo sư phụ trách các cuộc tranh luận tại Roma. Các cha dòng Tên đã tổ chức việc diễn giảng này nhằm trả lời bằng ngôn ngữ thời đại đối với các cuộc tấn công của anh em tin lành. Suốt 11 năm, thánh Robertô đã nỗ lực cho công cuộc này với sự thành công rực rỡ. Nhiều sinh viên của Ngài đã trở thành thừa sai tại Anh và tại Đức. Một số người đã đổ máu vì đức tin tại Anh.
Các bài diễn thuyết của Ngài được xuất bản lần đầu tại Ingolstudt, từ năm 1586 – 1593 dưới tựa đề “các cuộc tranh luận về đức tin công giáo chống lại các người theo lạc giáo thời nay”. Có 20 ấn bản khi Ngài còn sống và nhiều ấn bản sau này nữa. Đây là một công trình bảo vệ đức tin đầy đủ nhất của Giáo hội có được và suốt ba thế kỷ liền nó là áo giáp cho các nhà giảng thuyết và các văn sĩ.
Những trách vụ khác thánh Robertô đảm nhận thời kỳ này là tu chính tác phẩm chú giải của Salmeron, một bạn dòng, làm việc trong ủy ban tu chính nghi thức phụng vụ Roma và bản kinh thánh phổ thông. Ngài cũng góp phần lớn cho Đức Sixtô V trong việc ấn hành các tác phẩm của thánh Ambrosiô.
Với vai trò thần học gia của Đức Hồng y Goetni. Vị đặc sứ của Đức giáo hoàng tại Pháp năm 1589, thánh Robertô chứng tỏ rằng: Ngài là một nhà ngoại giao lẫn một học giả có khả năng. Việc đại diện tại Paris thật nặng nhọc. Nhưng thử thách lớn lao nhất lại đến từ một phía khác. Đức giáo hoàng Sixtô V quyết định đặt cuốn I trong bộ những cuộc tranh luận vào sổ sách bị cấm. Đức giáo hoàng không bằng lòng với chủ trương của thánh Robertô, cho rằng uy quyền của giáo hoàng trực tiếp trong các vấn đề vật chất, và nếu có thì chỉ qua uy tín tinh thần mà thôi. Chủ trương này đã trở nên thông thường trong Giáo hội ngày nay. Nhưng Đức Sixtô đã qua đời và Đấng kế vị Ngài đã rút lại quyết định. Dầu bị thử thách nhưng thánh Robertô đã góp phần vào ấn bản Kinh thánh thời Đức Sixtô và đã viết tựa cho ấn bản cũ được vạch ra với một tinh thần bác ái.
Thánh Robertô liên tiếp làm cha tinh thần và viện trưởng của học viện Roma, rồi làm bề trên tỉnh dòng Naples. Tại Roma Ngài hướng dẫn một thánh trẻ dòng Tên là Luy Gonzaga. Tại Naples, chính Ngài được một cha dòng Tên khác là thánh Bernadiô Realinô sau này gọi là thánh.
Bị ép buộc nhận chức Hồng y năm 1599, từ đó Ngài lo các việc cho toàn thể Hội Thánh, chẳng hạn như vụ án Galilêô và cuộc tranh luận về ơn thánh giữa các cha dòng Daminh và dòng Tên.
Ngài làm Tổng giám mục Capua trong ba năm, rồi chấm dứt những ngày hạnh phúc ấy vào năm 1605 khi Ngài được triệu về Roma và cầm viết bênh vực Giáo hội. Liên tiếp Ngài dàn xếp với Fra Sarpi miền Venice, với vua Giacôbê I nước Anh và với văn sĩ Pháp Guillaume Barchony.
Thánh Robertô qua đời ngày 17 tháng 9 năm 1621, được tuyên thánh năm 1928 và được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1931.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
17 Tháng Chín
Lời Nói Không Mất Tiền Mua
Mahatma Gandhi, người đề xướng chủ trương tranh đấu bất bạo động, đến Phi Châu. Ông vào dùng bữa trong một quán ăn bình dân. Sau khi dùng bữa, ông trả tiền và nói với người giúp bàn: “Xin cám ơn vì sự tử tế của anh”. Người giúp bàn trả lời: “Thưa ngài, tôi sẽ không bao giờ quên ngài. Từ 25 năm phục vụ ở đây, tôi chưa bao giờ nghe được một tiếng cám ơn”.
“Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Một tiếng cám ơn, một lời chào hỏi, nếu được thực thi với tất cả chân tình là một biểu lộ của một lòng tin sâu sắc. Nói một tiếng cám ơn, biểu lộ một cử chỉ thân thiện với người khác là muốn nói lên rằng tình liên đới giữa con người là một điều thiết yếu và ta cần có người chung quanh để sống với. Nói một tiếng cám ơn với người nào đó là khẳng định giá tị và nhân phẩm của người đó. Nhưng ở đời, có ai mà không cho ta một món quà hay không dạy ta bất cứ bài học nào đó.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 24 TN2
Bài đọc: I Cor 11:17-26, 33; Lk 7:1-10.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cách đón tiếp Chúa.
Hai Bài đọc hôm nay cho chúng ta hai câu truyện về cách đón tiếp Chúa: Thánh Phaolô thẳng thắn phê bình cộng đòan Corintô về cách họ sửa sọan đón tiếp Chúa và làm mất đi ý nghĩa đích thực của Bữa Tiệc Tình Yêu. Chúa Giêsu khen Viên Đại Đội Trưởng về cách ông chân thành biểu lộ niềm tin trong việc xin Chúa chữa người đầy tớ thân yêu của ông.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thánh Phaolô khiển trách cách đón tiếp Chúa trong Bữa tiệc Tình Yêu của cộng đòan Corintô.
Đây là lần đầu tiên những gì Chúa đã làm trong Bữa Tiệc Ly được truyền lại qua Thư gởi cho cộng đòan Corintô (~52AD). Các Phúc Âm Nhất Lãm cũng tường thuật biến cố này nhưng sau cả gần 20 năm. Thánh Phaolô viết: “Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.””
Một trong những quan tâm hàng đầu của thánh Phaolô là tinh thần hiệp nhất giữa các tín hữu, và ngài thẳng thắn lọai bỏ tất cả những gì làm cớ gây chia rẽ trong cộng đòan. Các tín hữu đầu tiên của cộng đòan Corintô có lẽ không hiểu ý nghĩa và mục đích của Bữa tiệc Tình Yêu nên họ coi như một bữa ăn chung thường xảy ra nơi bất cứ cộng đòan nào, trong đó mỗi người tham dự mang một món ăn hay đồ uống để góp phần ăn chung với gia chủ đứng ra tổ chức. Trong những bữa tiệc như vậy, con người có khuynh hướng ngồi cùng bàn với những người nào mà họ có thể dễ dàng nói chuyện với, chẳng hạn cùng ngôn ngữ, cùng giai cấp trong xã hội, cùng một phe đảng chính trị …
Bữa tiệc Tình Yêu theo thánh Phaolô không được giống như những bữa tiệc này vì Bánh ăn đây chính là Mình Chúa và rượu uống đây chính là Máu Chúa. Dĩ nhiên, những cộng đòan tiên khởi này chưa có bánh và rượu cùng các lễ nghi như chúng ta có bây giờ; nhưng ý nghĩa của bánh và rượu là Mình và Máu Chúa đã được các Tông Đồ truyền lại ngay từ những năm đầu tiên sau khi Chúa sống lại. Có nhiều lý do thánh Phaolô nêu ra tại sao các tín hữu cử hành Bữa tiệc Tình Yêu. Thứ nhất là để nhớ lại Chúa Giêsu như chính Ngài đã dặn: “Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Thứ hai là để loan truyền việc Chúa chịu chết như của lễ hy sinh đền tội cho con người cũng như Ngài nói: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.”
Chúng ta thấy thần học về thân thể của thánh Phaolô vẫn hiện diện trong Bữa tiệc Tình Yêu: Nếu các tín hữu tới ăn Bánh là ăn chính Mình Chúa và uống Rượu là uống chính Máu Chúa, thì tất cả sẽ trở nên một Thân Thể và sự sống nơi các tín hữu chính là Máu của Đức Kitô. Hiểu như thế, Bữa tiệc Tình Yêu phải là mối giây liên kết các tín hữu lại với nhau, và là cơ hội để mọi người chứng tỏ tình tương thân tương ái. Thế mà những điều ngược lại đã xảy ra nơi cộng đòan Corintô. Bữa tiệc Tình Yêu trở thành cớ gây chia rẽ giữa người giầu và người nghèo! Những buổi họp cộng đòan lẽ ra phải mang nhiều lợi ích thì lại gây nhiều thiệt hại.
Vì vậy, thánh Phaolô khuyên các tín hữu của ngài phải thay đổi thái độ và thói quen của họ khi cử hành Bữa tiệc Tình Yêu. Họ phải chờ đợi cho mọi người đến đông đủ rồi hãy cử hành, đừng có thói quen ai tới trước ăn trước và ai tới sau ăn sau. Nếu sợ đói không chờ đợi được thì hãy ăn ở nhà trước khi tới. Khi cử hành Bữa tiệc Tình Yêu, họ phải chú trọng đặc biệt tới các anh chị em nghèo không có nhiều hay không có gì để đóng góp. Đừng để những anh chị em này mang mặc cảm nghèo hèn vì trong cùng một Thân Thể của Đức Kitô, những bất công giữa kẻ giầu và người nghèo phải được san bằng như cộng đòan lý tưởng trong Công Vụ Tông Đồ: “Tất cả các tín hữu hiệp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu khen ngợi cách đón tiếp Chúa của Viên Đại Đội Trưởng.
Ông là người rất nhạy cảm trước những nhu cầu của tha nhân: của người đầy tớ, của người Do-Thái, và của Chúa Giêsu. Có bao nhiêu chủ nhân nhận ra bệnh tình của đầy tớ? Có bao nhiêu sĩ quan muốn biết nhu cầu của dân bị đô hộ? Có bao nhiêu Dân Ngọai quan tâm đến việc người Do-Thái không vào nhà Dân Ngọai?
Nhiều người cũng nhạy cảm nhận ra nhu cầu của tha nhân nhưng nhiều khi chỉ là những xúc cảm nhất thời, họ đã không hành động để đáp ứng nhu cầu. Viên Đại Đội Trưởng không những nhạy cảm nhận ra nhu cầu mà còn yêu thương tìm cách giúp đỡ tận tình: Ông kiếm Thầy giỏi nhất để chữa bệnh cho đầy tớ vì ông yêu quý anh ta lắm. Ông giúp người Do-Thái vì ông quý mến họ và chính ông đã xây cất hội đường cho họ. Ông tìm cách tránh cho Chúa để khỏi phải vào nhà ông bằng cách sai bạn hữu đi ra khỏi nhà để gặp Chúa, và họ xin Chúa chỉ cần “phán một lời.”
Ông không những khiêm hạ biết mình mà còn biết tôn kính Chúa khi ông chân thành thổ lộ niềm tin vào Chúa cách công khai qua bạn hữu ông: “Tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài, nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: Đi! là nó đi; bảo người kia: Đến! là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: Làm cái này! là nó làm.”
Biết mình không xứng đáng đến gặp Chúa, ông đã lịch sự và lễ độ gởi phái đòan người Do-Thái đến thưa chuyện cùng Chúa và gởi bạn hữu ra đón tiếp Ngài. Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” Và chính nhờ đức tin của ông mà Chúa đã chữa lành người nô lệ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Được giáo dục và lớn lên trong đức tin, chúng ta giả sử phải biết cách biểu tỏ niềm tin nơi Thiên Chúa và yêu tha nhân hơn những người chưa tin vào Chúa; nhưng thực tế cho thấy những người ngọai nhiều khi tin và biểu lộ sự cung kính của họ vào Chúa và yêu tha nhân hơn chúng ta.
– Bữa Tiệc Thánh Thể là mối dây liên kết mọi người trong Chúa, làm cho gia đình và cộng đòan giáo xứ chúng ta ngày càng đòan kết, yêu thương, và giúp đỡ lẫn nhau hơn. Gia đình và cộng đòan chúng ta có còn tranh chấp, chia rẽ, ghen tương, thóa mạ nhau trong khi vẫn cử hành Bí-tích Tình Yêu này?
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************