Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Hai. Thánh Piô Pietrelcina
BÀI ĐỌC I: Cn 3, 27-34
“Chúa ghê tởm những kẻ lừa dối”.
Bài trích sách Châm Ngôn.
Hỡi con, con chớ ngăn cấm người có thể làm việc lành; nếu con làm được việc lành, thì chính con hãy làm. Con chớ nói với người bạn của con rằng: “Hãy đi rồi trở lại, mai ta sẽ cho ngươi”, khi con có thể cho ngay. Con chớ mưu toan gây ác cho bạn hữu của con, khi nó tin tưởng vào con. Con chớ cạnh tranh với người ta cách vô cớ, khi chính người đó không làm điều gì ác cho con. Con chớ ganh tị với người bất chính, và chớ noi theo đường lối của nó. Vì Chúa ghê tởm những kẻ lừa dối, và Chúa ở thân mật với những kẻ đơn sơ. Chúa gửi đến nhà kẻ gian ác sự khó nghèo, còn nhà người công chính sẽ được chúc phúc. Chính Chúa nhạo báng những kẻ gian dối, và ban ơn cho những kẻ hiền lành. [Người khôn ngoan sẽ thừa hưởng vinh quang, nhưng phường ngu xuẩn sẽ chuốc lấy ô nhục.]
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5
Ðáp: Lạy Chúa, người công chính sẽ cư ngụ trên núi thánh Chúa (c. 1b).
1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống.
2) Người không làm ác hại đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa.
3) Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay.
ALLELUIA: Gc 1, 21
All. All. – Anh em hãy khiêm nhu nhận lãnh lời giao ước trong lòng; lời đó có thể cứu thoát linh hồn anh em. – All.
PHÚC ÂM: Lc 8, 16-18
“Ðặt đèn trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy sự sáng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Không ai thắp đèn rồi lấy hũ che lại, hay đặt dưới gầm giường: nhưng đặt nó trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì kín nhiệm mà không bị tỏ ra, và không có gì ẩn giấu mà không bị lộ ra cho người ta biết. Vậy các ngươi hãy ý tứ xem các ngươi nghe thế nào! Vì ai có, sẽ được cho thêm; còn ai không có, cả điều mình tưởng có cũng sẽ bị lấy đi”.
Ðó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
23/09/2024 – THỨ HAI TUẦN 25 TN
Th. Piô Pi-ét-ren-xi-na, linh mục
Lc 8,16-18
TOẢ LAN ÁNH SÁNG
“Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi… nhưng đặt trên đế để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.” (Lc 8,16)
Suy niệm: Ngọn đèn được thắp sáng là để lan toả. Trong nghi thức Thánh tẩy, người đỡ đầu nhận nến được thắp từ nến Phục sinh, trao cho người lãnh nhận bí tích. Cử chỉ này nói lên ánh sáng đức tin được chuyển trao từ người đỡ đầu cho con đỡ đầu của mình. Đây không chỉ là sứ mạng của riêng người đỡ đầu, nhưng là sứ mạng chung của mọi Ki-tô hữu: lan tỏa ánh sáng đức tin cho trần gian. Để có thể toả lan ánh sáng, ngọn đèn đức tin của mỗi người phải được thắp lên và luôn cháy sáng trên hành trình dương thế. Nếu không chính ánh sáng đó sẽ phải lụi tàn: “Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”
Mời Bạn: Chúng ta đều biết mình phải “toả lan ánh sáng”, nhưng toả lan thế nào, có khi chúng ta không biết phải làm sao. Tin Mừng hôm nay cảnh giác chúng ta: “Vậy hãy để ý cách thức anh em nghe.” Quả thật, lắm khi ngay sau một Thánh lễ, chúng ta không nhớ Lời Chúa vừa nghe dạy chúng ta điều gì. Nếu không nhớ, làm sao bạn thực hành và lan toả Lời Chúa đây? Mời bạn xem xét và điều chỉnh “cách thức bạn nghe Lời Chúa” để Lời ấy khỏi bị lụi tàn.
Sống Lời Chúa: Để khắc sâu Lời Chúa được nghe trong Thánh Lễ, từ tối hôm trước bạn đọc và suy niệm đoạn Tin Mừng của ngày lễ hôm sau; và trong ngày bạn dành ít phút đọc lại và nghiền ngẫm cũng đoạn Tin Mừng ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường chúng con đi. Xin cho chúng con luôn nhận thấy vẻ đẹp, sự ngọt ngào khi chúng con đọc, suy niệm và sống theo ánh sáng của Lời Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm
Bài Tin Mừng hôm nay chỉ có ba câu có vẻ rời rạc.
Ba câu này thánh Luca đặt nằm ngay sau dụ ngôn về người gieo giống.
Vậy ta phải hiểu các câu này trong bối cảnh của dụ ngôn trên,
một dụ ngôn nói về việc đón nhận hạt giống Lời Chúa.
Sống Lời Chúa cách nghiêm túc là thắp lên một ngọn đèn (c. 16).
Vào thời xưa, người ta dùng đèn dầu, làm bằng đất nung.
Hẳn nhiên ý hướng của người thắp đèn là soi sáng.
Ngọn đèn sáng để soi đường cho “những kẻ khác” vào nhà,
những người chưa được biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (c. 10).
Vì thế thật vô lý nếu có ai sau khi thắp đèn, rồi lấy cái hũ mà đậy lại,
hay đặt ngọn đèn dưới gầm giường.
Dù có lúc ánh sáng đó như bị che khuất hay trở nên leo lét,
nhưng đời kitô hữu vẫn mãi mãi là ngọn đèn sáng đặt trên giá đèn
cho một thế giới mà bóng tối không ngừng vây bủa tấn công.
“Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ,
để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha trên trời.”
Dù có lúc họ phải sống ẩn núp trong hang toại đạo,
hay phải chịu sống như giáo hội thầm lặng,
nhưng giữ bí mật hay che giấu lén lút
lại không phải là thái độ thường xuyên của người kitô hữu (c. 17).
Rồi đến ngày cái bí mật phải được vén mở,
cái che giấu phải được đem ra ánh sáng công khai.
Chúng ta có những hiểu biết về Thiên Chúa, về thân phận con người,
về ý nghĩa của khổ đau và cái chết.
Chúng ta có đức tin và niềm hy vọng, có niềm vui và bình an.
Chúng ta biết mình từ đâu đến và đang đi về đâu.
Kitô hữu không thể cất giấu kho tàng đức tin của mình được.
Họ có nghĩa vụ phải chia sẻ cho một thế giới đang khát khao.
Lời Chúa như nén bạc không được phép chôn dấu.
“Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe.” (c. 18).
Có cách nghe kiểu vệ đường, nước đổ lá khoai,
có cách nghe không bám rễ vì sỏi đá,
có cách nghe bị chết ngộp vì cái tâm đầy vọng động.
Nhưng cũng có cách nghe của người giữ chặt lấy Lời
trong trái tim tốt lành và nhẫn nại (c. 15).
Ai nghe Lời Chúa cách hữu ích, người đó sẽ được lợi ích thêm.
Khi ta mở rộng cửa cho Lời Chúa tác động,
Lời sẽ xâm nhập vào đời ta càng lúc càng mạnh mẽ.
Còn ai cứng cỏi từ khước, thì ngay từ đầu, họ đã mất cả chì lẫn chài.
Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta vào thái độ tích cực, dấn thân.
Thái độ của kitô hữu là đứng hẳn về phía ánh sáng.
Nhiệm vụ của chúng ta là thắp sáng, chiếu sáng và đem ra ánh sáng,
để những ngọn đèn nhỏ của ta dẫn nhân loại đến với Ánh Sáng Giêsu.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu
tạ ơn Chúa đã cho chúng con
ánh sáng mặt trời, mặt trăng,
và ánh sáng từ những nguồn năng lượng trên mặt đất.
Tạ ơn Chúa
vì Chúa đã gọi chúng con là ánh sáng.
Ðó là vinh dự
và cũng là một trách nhiệm nặng nề.
Xin cho chúng con có khả năng đẩy lui bóng tối
của hận thù và bất công,
của buồn phiền và thất vọng.
Xin cho chúng con biết giữ gìn ngọn lửa
mà Chúa đã thắp lên trong lòng chúng con,
và biết vâng theo những soi sáng của Chúa
qua từng phút giây của cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu,
cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối
vẫn còn tiếp diễn
trên thế giới và trong lòng chúng con.
Ước gì chúng con
đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối,
nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa,
để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23 THÁNG CHÍN
Các Bạn Là Con Cái Của Thiên Chúa Các bạn là ai ?
Các bạn là thế hệ môn đệ mới của Đức Kitô, những người đã lãnh nhận Phép Rửa. Qua bí tích đầu tiên đó các bạn được đón nhận vào cộng đoàn Giáo Hội. Đối với hầu hết chúng ta, bí tích khai tâm này được lãnh nhận trong những tuần lễ đầu đời của mình. Cha mẹ ruột và cha mẹ đỡ đầu đưa chúng ta đến lãnh nhận Phép Rửa. Từ đó, chúng ta sống trong ơn thánh hóa. Thiên Chúa đã đặt ấn tín vô hình và vĩnh viễn trên chúng ta. Chúng ta là con cái của Thiên Chúa, linh hồn chúng ta được khắc ghi ân sủng.
Ân sủng này và ấn tín thiêng liêng này của Phép Rửa, chúng ta có được là nhờ Đức Kitô – nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Thực vậy, qua Phép Rửa chúng ta được dìm vào trong cái chết của Đức Kitô, và như vậy chúng ta có thể sống lại với Người trong sự sống mới. Tông đồ Phaolô dạy chúng ta trong thư gởi giáo đoàn Rôma: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới”(Rm 6,4).
Kể từ giây phút được lãnh Phép Rửa, chúng ta trở thành người thông phần vào sự sống mới trong Đức Kitô – sự sống của Con Thiên Chúa. Và chúng ta trở thành những dưỡng tử của Thiên Chúa. Chúng ta được nâng lên phẩm giá làm con trong Đức Kitô, người Con Duy Nhất của Chúa Cha. Vì Chúa Con chia sẻ trọn vẹn sự sống trong mối hiệp nhất với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nên chúng ta cũng lãnh nhận sự sống mới trong Phép Rửa. Chúng ta đã được thanh tẩy nhân danh Ba Ngôi Chí Thánh: Nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.
Phép Rửa là sự tái sinh con người nhờ nước và Thánh Thần (Ga 3,5). Vì vậy chúng ta trở nên thông phần vào sự sống mới trong Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa. Chúng ta đang mang trong mình chúng ta mối đảm bảo sự sống đời đời.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 23/9
Thánh Piô Pietrelcina
(Piô Năm Dấu Thánh)
Cn 3, 27-34; Lc 8, 16-18.
Lời Suy Niệm: “Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.” (Lc 8,18).
Trong đời sống của người Kitô hữu, luôn phải sống trong cầu nguyện cùng Thiên Chúa, qua sự cầu bàu của Đức Mẹ Maria, cùng sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Chính nhờ Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ soi dẫn chúng ta nhận ra những ân huệ của Chúa thương ban hằng ngày hằng giờ, để giữ gìn sự sống trong bình an yêu thương của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa tiếp tục thương ban Thần Khí của Chúa, soi sáng cho chúng con nhận ra những ân ban của Chúa để luôn biết tạ ơn, ngợi khen và luôn biết tiếp tục cầu xin mãi mãi. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
23 Tháng Chín
Cậu Bé Ðau Liệt Trong Bức Tranh
Một trong những bức tranh bất hủ của danh họa Rafaello, người Italia, hiện đang được cất giữ trong bảo tàng viện Vatican: đó là bức họa Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabôrê.
Trong bức tranh, người ta thấy có ba tầng. Ở tầng cao nhất của bức tranh là khuôn mặt và toàn thân Chúa Giêsu trong cảnh chiếu sáng rực rỡ giữa các tầng mây. Ở tầng dưới của bức tranh và kề sát với Chúa Giêsu là ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trong tình trạng ngây ngất trước sự biến dạng rực rỡ của Chúa Giêsu. Và ở tầng thấp nhất của bức tranh, người ta thấy một nhóm môn đệ và một gia đình đang quây quanh một em bé đang đau liệt: tất cả đều chìm ngập trong một khung cảnh ảm đạm, mờ ảo.
Có lẽ danh họa Rafaello đã cố gắng giải thích cho chúng ta về sứ điệp của bài Tin Mừng tường thuật cuộc biến hình của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là niềm hy vọng và là Ðấng cứu chữa con người. Ðứa bé đau liệt trong bức tranh là chính mỗi người trong chúng ta, là toàn thể nhân loại đang chịu đựng vì không biết bao nhiêu bệnh tật trong thân xác lẫn tâm hồn. Trong đám môn đệ đang quây quanh cậu bé đau liệt, Rafaello đã làm nổi bật hai cử chỉ: cử chỉ của một người môn đệ đang trỏ tay chỉ về cậu bé và cử chỉ của một người môn đệ khác đang chỉ tay về Chúa Giêsu…
Phải chăng Rafaello đã không muốn đánh thức ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan đang say sưa chiêm ngưỡng Thánh nhan rực rỡ của Chúa Giêsu mà quên đi cảnh nhân loại đang quằn quại trong đau thương khốn khổ?
Trong đời sống đạo, chúng ta dễ rơi vào hai thái cực: hoặc chỉ chăm chú cầu nguyện mà không đếm xỉa gì đến lòng bác ái đối với tha nhân, hoặc ngược lại, xem hành động bác ái là một lời cầu nguyện mà không màng đến đời sống nội tâm.
Nơi Chúa Giêsu, cầu nguyện đưa đến hoạt động và hoạt động dẫn đến cầu nguyện. Mỗi một gặp gỡ của Ngài với tha nhân cũng là một lời cầu nguyện và mỗi một lời cầu nguyện của Ngài cũng ôm trọn lấy tất cả những ai mà Ngài đã hoặc sẽ gặp gỡ.
Chúng ta hãy chiêm ngắm mẫu gương của Chúa Giêsu… Cả cuộc đời của chúng ta phải là một lời nguyện dâng lên Thiên Chúa, chứ không chỉ có những lời kinh mà chúng ta đọc ngoài môi mép.
Người ta không lên xe để ở mãi trên đó… Một môn sinh không đến thụ giáo để ở mãi bên cạnh thầy mình… Cũng thế, chúng ta không leo lên núi cao để ở lại mãi trên đó. Sau cơn ngây ngất của ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trên núi Tacôbê, Chúa Giêsu đã kêu gọi các ngài hãy trở lại với thực tế: đó là thực tế của những cuộc gặp gỡ, đương đầu và cuối cùng là cái chết.
Từ đỉnh cao của sự cầu nguyện, từ bốn bức tường của nhà thờ, từ cung thánh của những giây phút ngất ngây trong sự kết hiệp, chúng ta hãy quay lại với cuộc sống, nơi đó có những nghĩa vụ để thi hành, nơi đó có những con người để gặp gỡ và yêu thương.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai – Tuần 25 – TN2
Bài đọc: Prov 3:27-34; Lk 8:16-18.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tội lỗi và nhân đức.
Thánh Thomas Aquinas định nghĩa: “Nhân đức là những thói quen tốt có được nhờ kiên nhẫn tập luyện hằng ngày. Tội lỗi là những thói quen xấu bám vào con người vì khinh thường không chịu sửa ngay từ đầu.” Để sửa tội lỗi, cá nhân không chỉ lọai bỏ những thói quen xấu, nhưng còn cần phải tập luyện một nhân đức ngược lại với tội lỗi, ví dụ: nhân đức bác ái cho tội ích kỷ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Những đức tính cần luyện tập và những tật xấu cần tránh.
Sách Châm Ngôn là tổng hợp những sự khôn ngoan của con người ở mọi nơi mọi thời qua kinh nghiệm của cuộc sống. Sách được viết bằng tiếng Hy-Lạp, sau thời gian lưu đày Babylon, có lẽ khỏang 500 BC, khi nền văn minh Ba-tư thống trị khắp vùng Cận Đông. Tác giả có lẽ đã góp nhặt lại và đặt nó trong sự khôn ngoan quan phòng của Thiên Chúa. Điều này có thể hiểu được vì dưới con mắt đức tin, tất cả khôn ngoan của con người đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Vì thế, để hiểu Sách Khôn Ngoan, người đọc không chỉ hiểu nó qua kinh nghiệm cuộc sống, nhưng còn phải hiểu nó theo những giáo huấn của Thiên Chúa.
(1) Lòng thương người: là trọng tâm của các tôn giáo Đông Phương. Đạo Phật được mệnh danh là Đạo Từ Bi. Tuy niềm tin của họ vào Chúa còn mơ hồ, nhưng họ tin “ở hiền gặp lành.” Vì thế, cần phải làm việc lành để được Trời chúc phúc. Tục ngữ Việt-Nam dạy: “Thương người như thể thương thân.” Sách Châm Ngôn dạy: “Khi có thể, con đừng từ chối làm điều lành cho ai đáng được hưởng. Khi có thể cho ngay, thì con đừng có nói: “Đi đi, mai trở lại, rồi tôi sẽ cho anh.”” Chúa Giêsu cũng tổng hợp mọi điều răn trong hai giới răn “mến Chúa yêu người.” Sở dĩ phải cho ngay vì con người thường có khuynh hướng tiếc của; nếu không cho ngay con người sẽ tìm ra nhiều lý do để không cho nữa.
(2) Tránh điều ác: Song song với việc làm phúc, con người còn phải tránh hết sức để đừng làm thiệt hại tha nhân vì “ác giả ác báo.” Sách Châm Ngôn dạy: “Đừng mưu hại tha nhân, hại người đang cùng con sống yên ổn. Đừng cãi cọ với ai vô cớ, khi họ chẳng làm gì để hại con. Chớ ghen tị với kẻ hung dữ, đừng chọn bất cứ con đường nào nó đã đi.” Sống an bình với những người chung quanh là điều kiện để cuộc sống của mình được bình an hạnh phúc. Một khi mình quấy phá sự bình an của họ thì họ cũng chẳng để cho mình được bình an. Đối với kẻ hung dữ, cách tốt nhất là tránh xa họ vì họ có thể gây thiệt hại và khuấy động cuộc sống của mình.
(3) Con người tốt lành không chỉ có quan hệ tốt với tha nhân mà còn có quan hệ tốt với Thiên Chúa. Sách Châm Ngôn đề cập tới hai nhân đức quan trọng:
– Công minh chính trực là sống thành thật với mọi người: “Vì đối với Đức Chúa, kẻ gian tà là đồ ghê tởm; còn những ai chính trực, thì Người nhận làm bạn tâm giao. Đức Chúa giáng lời chúc dữ xuống nhà kẻ gian ác, nhưng tuôn đổ phúc lành trên nơi ở của những người chính trực công minh.”
– Khiêm nhường là nhận ra chỗ đứng của mình trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Người khiêm nhường nhận ra những gì mình có được là quà tặng Chúa ban và không bao giờ dám khinh thường tha nhân vì “Chúa chế giễu đứa hay nhạo báng, nhưng thi ân cho kẻ khiêm nhường.”
2/ Phúc Âm: Cuộc sống của Kitô hữu.
Đọan Phúc Âm tuy rất ngắn nhưng cho chúng ta 3 tư tưởng chính tương ứng với 3 câu:
(1) Đời sống của Kitô hữu là làm gương sáng cho mọi người chung quanh. Chúng ta có thể rao giảng bằng Lời Chúa hay bằng chính cuộc sống của chúng ta. Điều mong ước nhất là làm sao cho có cả hai như tục ngữ Việt Nam dạy: “Lời nói phải đi đôi với hành động.” Nếu không được cả hai, rao giảng bằng việc làm vẫn hữu hiệu hơn; vì “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.” Nhưng có người lại cho rằng Chúa đã từng sửa trị các Kinh-sư và Biệt-phái về tính phô trương làm việc lành của họ; vì thế không nên làm điều tốt trước mặt mọi người. Đúng, nhưng có sự khác biệt giữa làm việc tốt trong thinh lặng và khua chiêng trống khi làm việc tốt cho người khác biết.
(2) Đời sống của Kitô hữu là biết sống thành thật: “Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng.” Có 3 trường hợp con người muốn che giấu: Con người có thể giấu chính mình bằng cách không chấp nhận sự thật. Ví dụ, biết mình có tội nhưng vẫn cứ tìm lý do để tự biện hộ cho mình và không coi đó là tội. Con người có thể giấu tha nhân, nhưng con người sẽ không hạnh phúc vì lúc nào cũng lo sợ bị người khác khám phá. Sau cùng, có người nghĩ họ có thể giấu được Thiên Chúa như trường hợp của Cain khi Chúa hỏi “Em ngươi đâu?”
(3) Đời sống Kitô hữu là cuộc sống không ngừng cố gắng để trở nên hòan thiện, “Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.” Điều này có thể áp dụng trong nhiều trường hợp: Trong lãnh vực tri thức nhất là ngọai ngữ: Nếu cố gắng trau dồi mỗi ngày thì khả năng sinh ngữ sẽ mỗi ngày mỗi tiến bộ hơn, nhưng nếu không dùng tới thường xuyên, vốn liếng đã có sẽ từ từ tàn lụi đi và mất hẳn. Trong lãnh vực đức tin cũng thế như Chúa đã ví việc nghe và thực hành Lời Chúa như người xây nhà trên đá: Nếu cố gắng sống đức tin theo những gì Chúa dạy, thì đức tin mỗi ngày một lớn mạnh hơn, và có thể đứng vững trước những phong ba của cuộc đời; nhưng nếu lười biếng không chịu thực hành đức tin, thì đức tin sẽ mỗi ngày một tàn lụi đi và sẽ bị bão táp cuốn đi như người xây nhà trên cát.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Nguyên tắc căn bản của luân lý là “làm lành lánh dữ” trong cách đối xử với tha nhân. Chúng ta phải tập cho có thói quen làm việc lành và tránh xa điều gian ác để có sự bình an trong tâm hồn và trở nên bạn tâm giao với Chúa.
– Chúng ta đã lãnh nhận ngọn nến cháy sáng khi chịu Bí-tích Rửa Tội và đã hứa trước mặt Hội Thánh sẽ giữ ngọn đèn cháy sáng mãi cho tới ngày ra đón Chúa Kitô khi Ngài trở lại. Ngọn đèn sáng là đức tin của chúng ta: Nó phải luôn tỏa gương sáng cho mọi người chung quanh bằng cuộc sống tốt lành và thành thật. Nó cũng phải được luôn tăng trưởng mỗi ngày để có thể đứng vững trước mọi thử thách đau khổ của cuộc đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************