Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Hai Tuần XII Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: 2 V 17, 5-8. 13-15a. 18
“Chúa xua đuổi Israel khỏi mặt Chúa và chỉ còn lại chi họ Giuđa”.
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Salmanassar, vua dân Assyria, xâm chiếm khắp miền và bao vây Samaria trong ba năm. Năm thứ chín đời vua Hôsê, vua Assyria chiếm được Samaria, và đem dân Israel sang Assyria, định cư họ ở Hala và ở Habor, gần sông Gozan, và trong các thành thuộc nước Mêđia.
Xảy ra như thế, vì con cái Israel phạm đến Chúa là Thiên Chúa họ, Đấng đã đưa họ ra khỏi Ai-cập, khỏi quyền lực Pharaon, vua nước Ai-cập. Họ đã thờ các thần ngoại bang; họ noi theo các tập tục của dân ngoại mà Chúa đã xua đuổi trước bước tiến của con cái Israel, và họ đã theo các nghi lễ mà vua Israel đã quy định.
Chúa đã dùng các tiên tri, các vị tiên kiến mà khuyến cáo Israel và Giuđa rằng: “Các ngươi hãy cải tà quy chính, hãy tuân giữ các điều răn và nghi lễ, theo đúng lề luật Ta đã dùng các tiên tri tôi tớ Ta mà truyền cho cha ông các ngươi, và chuyển lại cho các ngươi”. Nhưng họ không muốn nghe. Họ cứ cứng đầu cứng cổ như cha ông họ, không muốn vâng phục Chúa là Thiên Chúa. Họ chối bỏ các huấn lệnh của Chúa và lời giao ước Người đã ký kết với cha ông họ, và cả những mệnh lệnh rõ ràng Người đã truyền, nên Chúa nổi giận dân Israel, và xua đuổi họ khỏi mặt Chúa. Chỉ còn lại chi họ Giuđa mà thôi. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 59, 3. 4-5. 12-13
Đáp: Lạy Chúa, xin Chúa ra tay hữu phù trợ và nhậm lời chúng con (c. 7b).
Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, Ngài đã hất hủi chúng con, Ngài đã làm cho hàng ngũ chúng con tan rã, Ngài đã thịnh nộ, nhưng xin cho chúng con được phục hồi! – Đáp.
2) Ngài đã rung động đất nước và xâu xé, xin hàn lại chỗ đổ vỡ, vì nó đang xiêu té. Chúa để dân Ngài gặp những thử thách cam go, Ngài cho chúng con uống thứ rượu say mê choáng váng. – Đáp.
3) Ôi Thiên Chúa, há không phải Ngài đã hất hủi chúng con ư? Ôi Thiên Chúa, Ngài đã không xuất trận cùng quân đội chúng con. Xin Chúa giúp đỡ chúng con chống lại quân thù, vì sự hỗ trợ của người trần là vộ hiệu quả. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 7, 1-5
“Hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét. Các con đoán xét thể nào thì các con cũng bị đoán xét như vậy. Các con dùng đấu nào mà đong, thì cũng sẽ đong lại cho các con bằng đấu ấy. Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt ngươi? Hoặc sao ngươi bảo anh em: ‘Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh’, và này: cái đà đang ở trong mắt ngươi. Đồ giả hình, hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã, rồi ngươi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt anh em ngươi”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
25/06/2018 – THỨ HAI TUẦN 12 TN
Mt 7,1-5
XÉT MÌNH
“Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy.” (Mt 7,1-2)
Suy niệm: Các nhà hiền triết tự cổ chí kim đều coi việc xét mình là cơ bản cho sự khôn ngoan. Triết gia Socrates nói: “Hãy biết mình.” Đức Khổng tử nói người quân tử giống như kẻ bắn cung, nếu bắn trật thì xét lại chính mình (chứ đừng chê cây cung bị cong). Đức Phật cũng coi việc giác ngộ như bước đầu để thành Phật. Chúa Giêsu dạy “đừng xét đoán” người khác nhưng trước tiên hãy xét mình, bởi vì khi mình chưa loại bỏ được cái xà trong mắt mình, là những nết xấu và thành kiến của mình, thì mình không thể thấy và lấy được cái rác trong mắt anh em. Với cái nhìn tầm xa hơn, việc xét mình còn giúp mình nhận thức rõ hơn thân phận mình trước mặt Thiên Chúa: thân phận tội lỗi. Như thế, nếu chúng ta mong được Thiên Chúa phán xét với lòng thương xót, thì chúng ta cũng phải biết sống với anh chị em bằng lòng nhân ái bao dung.
Mời Bạn: Kinh nghiệm bản thân cho thấy chúng mình thích xét người hơn xét mình. Xét mình thì dễ thấy những điều tốt đẹp còn xét người thì, ôi thôi, biết bao là nết xấu. Để diệt trừ tận căn xu hướng thiên lệch ấy, mời bạn thực hành xét mình theo chiều sâu: không chỉ xét mình theo kiểu mình có phạm điều gì trong 10 điều răn hay không, mà còn xét những hành vi tiêu biểu của mình – dù chưa phải là hành vi tội lỗi – xem những động cơ sâu xa nào đã tác động lên chúng.
Sống Lời Chúa: Chọn một việc đã làm trong ngày để xét mình theo chiều sâu.
Cầu nguyện: Lạy Cha, xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
25 THÁNG SÁU
Thiên Chúa Nâng Đỡ Hiện Hữu Và Chống Lại Hư Vô
Nơi sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta nhìn thấy ý muốn từ đời đời của Ngài được diễn tả ra vừa trong tư cách là Đấng Sáng Tạo vừa là người gìn giữ mọi sự. Ý chí của Ngài là một ý chí tối cao điều động mọi sự theo chính bản chất tốt lành của Ngài. Ngài tiếp tục hành động – như chính Ngài đã hành động trong hành vi sáng tạo đầu tiên – để nâng đỡ sự hiện hữu và chống lại hư vô, để ủng hộ sự sống và chống lại sự chết, để hậu thuẫn cho ánh sáng và chống lại sự tối tăm (Ga 1, 4 – 5).
Nói tắt, Đấng Tạo Hóa bênh vực sự thật. Ngài bênh vực sự thiện và vẻ đẹp của tất cả những gì hiện hữu. Trong mầu nhiệm quan phòng của Ngài, Thiên Chúa tiếp tục quyết liệt khẳng định sự đánh giá của Ngài như được ghi trong Sách Sáng Thế: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp… Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1, 25. 31).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 25/ 6
2V 17, 5-8.13-15a.18; Mt 7, 1-5.
Lời suy niệm: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.”
Chúa Giêsu đang dạy mỗi người trong chúng ta đừng xét đoán bất cứ ai, bởi trong xét đoán, chúng ta không thể biết rõ thấu đáo nguyên do, môi trường và từng hoàn cảnh, do đó sự “xét” của chúng ta không chính xác, để rồi dẫn đến “đoán” sai, mà điều quan trọng hơn nữa, là khi chúng ta xét đoán người anh em, không có đủ tình yêu thương tha thứ và trông đợi, tin tưởng vào sự sám hối của họ.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa có lòng nhân từ, yêu thương tha thứ và với ân ban của Chúa, khi phán xét chúng con. Xin cho mỗi người chúng con luôn trông cậy vào lòng thương xót của Chúa, nhận ra mình là tội nhân trước mặt Chúa và người đời, để sốt sắng đọc kinh “cáo mình” và kinh “Lạy Cha”. Mà chỉnh sửa đời sống của mình.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
25 Tháng Sáu
Lau Chùi Làm Gì?
Trong những mẩu chuyện giáo lý ngắn, Ðức Gioan Phaolô I có thuật lại câu chuyện sau đây: “Những người xem thường việc năng đi xưng tội nhắc tôi nhớ đến anh giúp việc của ông Jonathan Swift. Một lần kia, sau khi ngủ đêm trong một quán trọ, ông Swift bảo người giúp việc đem cho ông đôi giày ống mà ông đã mang hôm qua. Khi thấy đôi giày còn dính đầy bụi đất của cuộc hành trình vất vả xuyên qua những cánh đồng lầy lội, ông Swift nhíu mày tỏ vẻ khó chịu và bảo anh giúp việc: “Tại sao anh lại không lau chùi đôi giày cho sạch sẽ?”.
Thấy chủ bất bình và xẵng giọng, anh giúp việc hơi áy náy nhưng cũng gãi đầu, ấp úng thưa: “Tôi nghĩ là… lau chùi cũng không ích lợi gì. Vì hôm nay, sau khi ông đi vài dặm đường, đôi giày lại bị dơ bẩn trở lại”.
Nghe người giúp việc biện luận như thế, ông Swift giả vờ gật đầu đồng ý rồi bảo người giúp việc: “Anh cho thắng yên ngựa, chúng ta khởi hành càng sớm càng tốt kẻo muộn”.
Một lúc sau, mọi việc đã được thu xếp xong và ông Swift ra lệnh lên đường. Nhưng người giúp việc chạy vội đến kéo nài: “Thưa ông, chúng ta không thể lên đường ngay được vì tôi chưa ăn sáng”.
Ông Swift vừa leo lên ngựa vừa bảo: “Ăn uống làm gì cho uổng công vì sau vài dặm đường, dạ dày anh lại cồn cào kêu đói”.
Cũng thế, có nhiều người bảo: năng lãnh nhận bí tích Giải Tội có ích lợi gì. Vì thông thường sau khi xưng tội, linh hồn chúng ta lại bị dơ bẩn trở lại vì những tội tái phạm. Có lẽ họ cũng có lý. Nhưng giữ linh hồn thanh sạch một thời gian, dù ngắn ngủi, cũng là một việc nên làm. Lại nữa, những người hiểu đúng nghĩa của phép Giải Tội và Xưng Tội đúng cách sẽ được nghiệm thấy là phép Giải Tội không những rửa sạch mọi tì ố của tội lỗi, nhưng còn hiệu lực giúp chúng ta tránh tái phạm những lỗi lầm thường vấp ngã với mục đích củng cố tình thân hữu của mình với Ðức Giêsu và sống trọn tình hiếu thảo Cha con đối với Thiên Chúa.
Không ai trong chúng ta dùng cơm xong lại thu dọn ngay những chén đĩa, nồi niêu đã dùng vào sóng chén, viện cớ là: rửa làm gì cho uổng công, đến bữa an sau chúng lại dơ bẩn trở lại.
Cũng không ai bảo: giặt quần áo hay tắm gội làm gì cho hoài công, tốn nước. Một thời gian sau thân thể và quần áo lại bị dơ bẩn trở lại.
Vâng, Ðức Gioan Phaolô I dạy chúng ta: hãy năng đi xưng tội, dù biết rằng con người yếu đuối hay tái phạm những lỗi lầm mình đã vấp ngã. Và trong lúc lãnh nhiệm phép Giải Tội, hãy nhớ lời Ðức Giêsu bảo người phụ nữ ngoại tình: “Này chị, những kẻ tố cáo chị đâu cả rồi, không ai lên án chị ư? Ta cũng vậy, Ta không lên án chị. Hãy về và từ nay, đừng phạm tội nữa”.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 12 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 2 Kgs 17:5-8, 13-15a, 18; Mt 7:1-5.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán.
Con người thích xét đoán vì đó là dịp để đề cao mình và giảm danh giá tha nhân. Không những xét đoán tha nhân, nhiều người còn nghi ngờ quyền năng Thiên Chúa và xét đoán luôn cả sự quan phòng của Ngài. Họ chất vấn hay than phiền những đau khổ Thiên Chúa bắt họ phải chịu. Con người xét đoán không năng xét mình; vì thế, họ thấy họ tốt lành; nhưng nếu họ chịu khó xét mình, họ sẽ thấy họ mang đầy những khuyết điểm, và sẽ không dám xét đoán tha nhân. Con người dễ xét đoán, vì họ nghĩ chẳng có ai rỗi hơi kiểm điểm những lời xét đoán của họ; nhưng nếu họ biết Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, họ sẽ cẩn thận hơn khi phải xét đoán tha nhân.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật những lý do tại sao con người hãy năng xét mình và đừng xét đoán tha nhân. Trong bài đọc I, tác giả Sách Các Vua II nêu rõ những lý do tại sao vương quốc Israel thất thủ và toàn thể dân chúng bị lưu đày: vì họ đã quay lưng lại với Thiên Chúa và thờ các thần ngoại bang và không giữ những Lề Luật Thiên Chúa đã ra cho cha ông họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ đừng xét đoán; nhưng hãy biết xét mình trước. Hãy “lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tại sao Thiên Chúa để Assyria chinh phục Israel?
1.1/ Israel bị thất thủ và bị lưu đày bên Assyria: Vua Assyria tiến đánh Israel, đến Samaria và vây hãm thành này ba năm. Năm 721 B.C., vua Assyria chiếm được Samaria và đày Israel sang Assyria. Vua cho họ định cư ở Halah, và ở ven sông Habor thuộc vùng Gozan, và trong các thành xứ Medes.
Nhiều người Do-thái tự hỏi tại sao Đức Chúa lại để dân riêng của Người rơi vào tay vua Dân Ngoại Assyria? Vẫn biết con cái Israel đắc tội với Đức Chúa; nhưng Dân Ngoại còn mắc tội nhiều và nặng hơn. Lý do Đức Chúa phải sửa phạt không phải vì Ngài ghét bỏ dân chúng; nhưng là để cho họ có cơ hội xét mình và nhận ra những tội lỗi họ đã xúc phạm đến Ngài. Trong khi con cái Israel lưu đày, Đức Chúa vẫn không ngừng sai các ngôn sứ của Ngài đến an ủi và khuyên bảo dân chúng hãy giữ vững niềm hy vọng. Ngài sẽ cứu dân dù chỉ còn sót lại một nhóm nhỏ và sẽ cho họ về lại quê hương.
1.2/ Nguyên nhân của việc thất thủ và lưu đày: Trong nơi lưu đày, rất nhiều các ngôn sứ và dân đã có cơ hội xét mình và nhận ra những tội tày trời họ đã xúc phạm đến Đức Chúa. Một số tội chính được liệt kê ra hôm nay:
+ Họ đã quay lưng lại với Đức Chúa và chạy theo thờ các thần khác.
+ Họ theo những thói tục của các dân Đức Chúa đã trục xuất cho khuất mắt con cái Israel và những thói tục các vua Israel đã tạo ra.
+ Họ đã không nghe lời cảnh cáo của các ngôn sứ và thầy chiêm; lại còn khinh dể, bắt bớ và bỏ tù các ngôn sứ của Đức Chúa.
+ Họ đã không tuân giữ Lề Luật của Đức Chúa.
Nói mãi không nghe, nên Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ với Israel và đẩy Israel cho khuất nhan Người. Chỉ còn lại chi tộc Judah.
2/ Phúc Âm: Anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy.
2.1/ Tuyệt đối không xét đoán: Chúa Giêsu truyền: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy.” Có ít nhất 3 lý do ngăn cấm con người xét đoán tha nhân:
(1) Con người không biết hết hoàn cảnh và các dữ kiện liên quan: Con người dễ phê phán tha nhân vì họ nhìn từ bên ngoài; nhưng để phê phán đúng, họ phải đặt mình vào bên trong để hiểu hoàn cảnh của đương sự. Ví dụ, một người nghèo đói phải ăn cắp để có của ăn nuôi sống là điều hợp lý phải làm; chứ không phải trường hợp ăn cắp nào cũng xấu. Tục ngữ Việt-nam có câu: “Có ở trong chăn mời biết chăn có rận.” Hay trong truyện Kiều của Nguyễn Du có câu: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.” Nàng Kiều phải bán mình để chuộc cha để trả ơn sinh thành nuôi dưỡng là điều một người con hiếu thảo phải làm, chứ không phải trường hợp mãi dâm nào cũng bị kết án.
(2) Con người bị chi phối bởi rất nhiều thành kiến: ngôn ngữ, chủng tộc, màu da, giai cấp, liên hệ, quyền lợi … Một khi đã có những thành kiến, rất khó để con người phán đoán cách chí công vô tư. Người Hy-lạp có thói quen phân xử nạn nhân trong phòng tối để tránh thành kiến; nhưng cả hai bên vẫn có thể nghe tiếng nói của nhau và đoán được nguồn gốc của nhau.
(3) Con người không sạch hoàn toàn để phán xét: Trong câu truyện “Người phụ nữ ngoại tình” của Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu thách thức những người đòi kết án và ném đá người phụ nữ: “Ai trong các ông sạch tội, hãy quăng viên đá trước.” Và họ dần dần rút lui đến khi chỉ còn mình Chúa Giêsu, Đấng có quyền phán xét mọi người vì Ngài không bao giờ phạm tội. Nhưng Ngài nói với chị: “Tôi cũng vậy, tôi không phán xét chị. Thôi! chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Jn 8:12).
Có những trường hợp con người buộc phải xét xử như: bề trên, quan tòa, cha mẹ … Trong những trường hợp buộc phải xét xử, hãy xét xử cách rộng lượng, phải có đầy đủ các dữ kiện, và theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, vì theo Lời Chúa cảnh cáo: “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.”
2.2/ Hãy kiểm điểm mình trước: Một trong những cách giúp con người đừng đóan xét tha nhân là năng kiểm điểm bản thân mình. Khi con người thành thật với chính mình, họ tìm ra trong người họ cũng đầy dẫy những tính hư, nết xấu, nhiều khi còn to lớn hơn của tha nhân gấp bội. Nhận ra bản thân như thế, họ sẽ dễ dàng thông cảm và không đoán xét tha nhân. Ngược lại, khi con người không năng xét mình, họ dễ dàng đoán xét tha nhân, vì họ nghĩ họ sạch tội. Chúa Giêsu đưa ra một ví dụ để cảnh cáo hạng người này: ”Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: ”Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn,” trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Khi gặp hoạn nạn, chiến tranh hay thiên tai, chúng ta hãy nắm lấy cơ hội để xét mình xem tại sao Thiên Chúa để những điều đó xảy ra. Chúng ta đừng kiêu ngạo và ngông cuồng kết án luôn sự quan phòng của Thiên Chúa.
– Chúng ta cần tập thói quen tuyệt đối không xét đoán tha nhân, vì đó không phải là việc của chúng ta. Trường hợp vì bổn phận phải xét xử, hãy theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, có tất cả các bằng chứng liên quan, hiểu hoàn cảnh của đương sự, và phán xét cách rộng lượng.
– Chúng ta dùng đấu nào đong cho tha nhân, Thiên Chúa sẽ dùng chính đấu ấy mà đong lại cho chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************