Ngày thứ hai (25-10-2021) – Trang suy niệm

24/10/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần XXX Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I:     Rm 8, 12-17

“Anh em đã nhận lãnh tinh thần nghĩa tử, trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: Abba, lạy Cha”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, chúng ta không phải là những kẻ mắc nợ xác thịt, để chúng ta sống theo xác thịt. Vì chưng, nếu anh em đã sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ thần trí mà anh em đã giết được các hành động thân xác, thì anh em sẽ được sống.

Những ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa, thì là con cái Thiên Chúa. Vì không phải anh em đã nhận tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: “Abba, lạy Cha”. Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con cái, thì cũng là những người thừa tự: nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Đức Kitô, vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 67, 2 và 4. 6-7ab. 20-21

A+B=Thiên Chúa chúng tôi là Thiên Chúa cứu độ (c. 21a). 

A=Thiên Chúa đứng lên, quân thù của Người tan rã, và những kẻ ghét Người chạy trốn khỏi long nhan. Nhưng người hiền đức mừng rỡ hỉ hoan, trước nhan Thiên Chúa, họ mừng vui sung sướng.

B=Là Cha kẻ mồi côi, là Đấng bênh vực người quả phụ, Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người. Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những người bị bỏ rơi, dẫn đưa những người tù tội ra nơi thịnh đạt.

A=Chúc tụng Chúa ngày nọ qua ngày kia! Thiên Chúa là Đấng cứu độ, Người vác đỡ gánh nặng chúng tôi. Thiên Chúa chúng tôi là Thiên Chúa cứu độ, Chúa là Thiên Chúa ban ơn giải thoát khỏi tay tử thần.

A+B=Thiên Chúa chúng tôi là Thiên Chúa cứu độ (c. 21a).

ALLELUIA: Tv 94, 8ab

-Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 13, 10-17

“Chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc người con gái của Abraham này trong ngày Sabbat sao?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, nhân ngày Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Và đây có một người đàn bà bị quỷ ám làm cho bà đau yếu đã mười tám năm. Bà bị khòm lưng, hoàn toàn không thể trông lên được. Khi Chúa Giêsu xem thấy bà, Người liền gọi bà đến mà bảo rằng: “Hỡi bà kia, bà được khỏi tật của bà”. Rồi Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa.

Nhưng viên trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat, nên ông cất tiếng bảo dân chúng rằng: “Có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat”.

Chúa trả lời và bảo ông ta rằng: “Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?”

Khi Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người đều hổ thẹn, và toàn dân vui mừng vì những việc lạ lùng Người đã thực hiện. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

25/10/2021 – THỨ HAI TUẦN 30 TN

Lc 13,10-17

VỮNG TÂM TRÔNG CẬY CHÚA

Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. (Lc 13,10)

Suy niệm: Người phụ nữ bị còng lưng, không phải do bệnh thông thường, mà là “do quỷ làm”. Chiếc lưng còng khiến bà không thể ngẩng cao đầu. Bà sống trong mặc cảm. Mong mỏi lớn nhất của bà là được chữa lành, được giải thoát khỏi quyền lực ác thần. Chắc hẳn khi ở hội đường, nơi mọi người họp nhau tôn vinh Chúa, bà đã dâng lên Chúa nỗi đau khổ cũng như khát mong của mình. Suốt 18 năm sống chung với chiếc lưng tôm ấy, bà vẫn trung thành có mặt tại hội đường, một dấu hiệu cho thấy bà không hề thất vọng ngã lòng. Trái lại bà vẫn một lòng kiên trì tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Chắc chắn Chúa Giê-su thấu rõ tâm tư của bà. Ngài đã chữa lành cho bà. Niềm tín thác của bà được Chúa khấng nhận. Bà được đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa.

Mời Bạn: Có người đã ngã lòng trông cậy khi thấy Chúa có vẻ chẳng đoái hoài đến lời cầu xin của mình trong lúc nguy biến giữa đại dịch Covid này. Bài học đức tin của người phụ nữ trong Tin mừng mời gọi chúng ta vững lòng trông cậy vào tình thương của Chúa, kiên trì cầu nguyện, trung kiên sống theo đường lối của Ngài. Thiên Chúa là Cha giàu lòng nhân hậu, là Đấng Toàn Năng, Toàn Trí, lẽ nào lại có thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những đau khổ hoạn nạn con cái Ngài phải chịu. Bạn có thực sự xác tín như thế không?

Sống Lời Chúa: Kết hiệp thường xuyên với Chúa bằng cầu nguyện và tham dự thánh lễ mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con không ngã lòng trước sự dữ và đau khổ, nhưng một niềm tin thác vào Chúa.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Trong dòng tiến hóa từ vượn lên đến người,
có một thay đổi bên ngoài khá rõ nét.
Càng tiến hóa thì lưng con vật càng thẳng hơn.
Khi con người có thể đứng thẳng, tầm nhìn sẽ rộng hơn, xa hơn.
Hai chi trước được tự do nên có thể làm được nhiều điều phức tạp.
Đứng thẳng đúng là một nét đặc trưng của con người.

Người phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay bị còng lưng đã lâu.
Mười tám năm không thể nào đứng thẳng lên được (c. 11).
Lưng bà còng hẳn xuống khiến tầm nhìn của bà bị giới hạn.
Có lẽ bà chỉ nhìn thấy mảnh đất nhỏ trước mặt hơn là thấy bầu trời cao.
Bệnh này thật khó chịu, khiến bà đi đứng khó khăn.
Vậy mà bà vẫn có mặt ở hội đường vào ngày sabát, khi Đức Giêsu giảng.
Dù bà thấp vì còng lưng, Ngài vẫn trông thấy bà.
Dù bà chẳng xin gì, Ngài vẫn chủ động gọi để gặp bà (c. 12).

 Đức Giêsu nhìn thấy sự trói buộc do cơn bệnh dai dẳng.
“Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền.”
Chữa bệnh chính là đem lại giải thoát cho người phụ nữ.
Hơn nữa, Đức Giêsu còn đặt tay trên bà như một cử chỉ yêu thương.
Tức khắc bà còng lưng đã có thể đứng thẳng lên được.
Điều mơ ước từ mười tám năm, bỗng chốc thành hiện thực.
Bà có thể nhìn thấy bầu trời và cất lời tôn vinh Đấng ngự trên đó (c. 13).
Đức Giêsu coi bệnh của bà như một sự trói buộc của Xatan (c. 16).
Không phải chỉ là trói buộc bằng dây như người ta cột bò lừa (c. 15),
mà là trói buộc bằng xiềng xích.
Chính vào ngày sabát, Đức Giêsu đã cởi xiềng xích đó cho bà,
để bà được tự do, được đứng thẳng như một người bình thường.
Bà còng lưng bị trói buộc bởi gánh nặng của bệnh tật.
Nhưng có bao thứ trói buộc khác làm con người mất tự do.
Như người phụ nữ này, chúng ta muốn và cố làm cho mình đứng thẳng,
nhưng hoàn toàn bó tay từ nhiều năm qua.
Có những thứ trói buộc do tác động bên ngoài,
|nhưng có thứ xiềng xích do chính chúng ta đúc nên để tự giam mình.
Tôi bị trói buộc bởi lòng ích kỷ, tham vọng, thèm muốn…
Chúng ta cần thú nhận mình không tự giải thoát mình được,
không tự đứng thẳng được, không tự cắt đứt những thứ trói buộc mình.
Chúng ta cần Đức Giêsu đặt tay của Ngài trên đời ta để ta được tự do.

Đâu phải chỉ người phụ nữ còng lưng mới bị trói buộc.
Tôi cũng bị trói buộc bởi những giá trị mập mờ của thế tục.
Làm sao để tôi được tự do với cái cell phone tôi đang dùng,
với những hình ảnh mà tôi tìm kiếm trên internet,
với lối sống mà ngày nay bao người coi là đáng ước mơ?
Xin cho tôi không chỉ cúi xuống nhìn thấy miếng đất be bé trước mặt,
nhưng có thể ngước lên để thấy bầu trời mênh mông trên cao.

Cầu nguyện:

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.

(R. Tagore)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

25 THÁNG MƯỜI

Liên Kết Với Nhau Qua Phép Rửa

Đức Kitô đang nhắm đến loại hiệp nhất nào? Ngài đang nói về sự hiệp nhất do Phép Rửa. Sự hiệp nhất này được Thánh Phaolô quảng diễn trong Thư Galata: “Tất cả anh em, vì đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô, và nên một trong Đức Kitô Giêsu ” (Gl 3,27-28)

Qua Phép Rửa, chúng ta không chỉ được dìm vào trong nước mà trước hết đó là được dìm vào trong cái chết cứu chuộc của Đức Kitô. Và cũng như cái chết của Đức Kitô đánh dấu sự bắt đầu của cuộc sống mới như được vén mở nơi cuộc Phục Sinh, thì việc chúng ta được dìm trong nước của bí tích Phép Rửa cũng đánh dấu sự bắt đầu của một cuộc sống mới.

Sự sống mới ấy chính là sự sống do ân sủng, cùng một sự sống như được biểu hiện nơi cuộc Phục Sinh của Đức Kitô. Đây chính là sự sống của Đức Kitô được Chúa Cha ban tặng cho chúng ta trong Chúa Thánh thần.

Sự sống đầy sức cứu độ này chỉ có một mà thôi. Sự sống ấy hiện diện nơi tất cả những ai lãnh nhận Phép Rửa. Đó là lý do tại sao bất cứ ai lãnh nhận Phép Rửa đều nên một trong Đức Kitô. Phép Rửa vừa diễn tả vừa đạt được tiếng gọi hiệp nhất đối với mọi Kitôhữu. Đó cũng là tiếng gọi hiệp nhất trong nhiệm thể Giáo Hội duy nhất, nhờ Thánh Thần.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 25/10

Rm 8, 12-17; Lc 13, 10-17.

LỜI SUY NIỆM: “Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa

Chúa Giêsu đã nhìn thấy người đàn bà bị còng lưng trong Đền Thờ, và Chúa đã cứu chữa cho bà, và bà đã đứng thẳng dậy được và tôn vinh Thiên Chúa. Điều này giúp cho chúng ta cảm nhận được: trong ngày sống của mỗi người luôn được sự quan tâm của Thiên Chúa, đôi khi con người có vô tâm đi nữa thì Ngài vãn dõi mắt theo đuổi để ban ơn lành. Điễn hình là người đàn bà bị chứng còng lưng trong Đền Thờ trong Tin Mừng này, Bà đã được chính Chúa nhìn thấy, gọi lại và Người chữa lành; mặc dầu bà chưa kêu xin.

Lạy Chúa Giêsu. Trong đời sống của chúng con ngày hôm nay cũng đang mang chứng tật còng lưng trong nhiều hoàn cảnh sống. Xin cho chúng con biết tìm đến với Chúa, để Chúa nhìn thấy và chữa lành cho chúng con, giúp chúng con được đứng thẳng mà tôn vinh Thiên Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

25 Tháng Mười

Con Chim Sáo 

Trong một tập thơ mang tựa đề “Có muôn nghìn lý do để sống”, Ðức Cha Helder Camera, vị giám mục người Brazil nổi tiếng là vị tông đồ của người nghèo đã ghi lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây: Bên cạnh nhà tôi, có một con chim sáo quanh năm ngày tháng sống giữa trời… Tôi vẫn có thói quen nói chuyện với nó. Một hôm, tôi hỏi chú sáo có nơi ngủ nghỉ không. Nó ngạc nhiên trả lời: “Có chứ!… Màn là trời, chiếu là đất. Có bao giờ thiếu đâu”.

Do những đòi hỏi của trí khôn loài người, tôi mới hỏi nó: “Thế thì những lúc mưa gió, chú trú ngụ ở đâu”. Nó nhanh nhẩu trả lời: “Bộ ông nghĩ là thỉnh thoảng tôi không cần tắm gội sao?” Tôi hỏi nó có đói không. Con chim sáo mỉm cười đáp: “Ðiều mà tôi muốn là được hót. Tôi sinh ra để hót mà…”. Và nó cất tiếng hót như sau: “Hỡi loài người kiêu ngạo. Hãy nói cho ta biết đi: liệu ngươi không chết sao?”.

Tôi cứ nài nỉ để chú sáo nhận món quà tôi biếu: đó là một ít bánh mì có thịt… Chú sáo lại được dịp cười cợt sự ngây ngô của tôi. Nó bảo tôi: “Ông không biết là loài sáo chúng tôi không có ăn bánh mì và thịt như các ông sao?”.

Lần kia, tôi hỏi chú sáo có cầu nguyện không. Nó không hiểu được câu hỏi của tôi. Nó chỉ cười trả lời: “Có mấy chú nhóc con lấy đá ném tôi. Nhưng tôi bay đi, tôi cười và tôi hót”.

Một lúc nào đó, tôi có ý nghĩ đưa con sáo vào bệnh viện để nhờ các bác sĩ tìm ra căn bệnh của nó và chữa trị cho nó. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng nó chỉ là một con chim.

Qua câu chuyện ngụ ngôn trên đây, có lẽ Ðức Cha Helder Camera muốn gợi lên cho chúng ta cái thảm trạng của con người ngày nay: chiến tranh, chết chóc, đau khổ đều phát xuất từ chỗ con người không chấp nhận nhau. Ai cũng muốn người khác phải suy nghĩ như mình, phải hành động như mình, phải sống như mình. Ý thức hệ nào cũng cho là ưu việt và muốn áp đặt trên người khác ngay cả bằng bạo lực.

Ngày nay, con người mỗi lúc một ý thức hơn về sự đa diện của các nền văn hóa, của các khuynh hướng chính trị, của các tôn giáo… Sự trưởng thành của nhân loại được thể hiện qua chính sự chấp nhận ấy: chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, chấp nhận tư tưởng của người khác. Khoan dung là thái độ mà con người ngày nay đang cần hơn bao giờ hết.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai – Tuần 30 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: Rom 8:12-17; Lk 13:10-17.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.

Nhiều người nghĩ mình có tự do để làm bất cứ điều gì mình mong muốn; nhưng họ sẽ nhận ra ngay đó không phải là sự tự do đích thực. Ví dụ, việc hút sách. Một người nghĩ họ có tự do để thử; nhưng chỉ vài ba lần, họ nhận ra họ không còn tự do để thôi hút, và từ đó, họ làm nô lệ cho cần sa, ma túy.

Các Bài Đọc hôm nay giúp con người nhận ra và sống theo tự do đích thực. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô so sánh tình trạng của các tín hữu trước và sau khi người tín hữu tin vào Đức Kitô. Trước đây, họ làm nô lệ cho Lề Luật và cho tội lỗi; và hậu quả là họ không có bình an và phải chết. Kể từ khi tin vào Đức Kitô, người tín hữu trở thành con người mới và bắt đầu một cuộc sống mới, quá khứ tội lỗi được xóa sạch nhờ máu của Đức Kitô thanh tẩy, và họ chính thức trở thành con cái Thiên Chúa. Như con cái, họ sẽ cùng được chung hưởng gia tài với Đức Kitô cả đời này và đời sau. Trong Phúc Âm, Đức Kitô từ chối để Lề Luật ngày Sabbath ngăn cản tình yêu và lòng thương xót của Ngài cho một người đàn bà bị gù lưng đã 18 năm. Ngài mạnh dạn chữa lành Bà cho dù gặp chống đối từ phía ông Trưởng Hội Đường.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.

1.1/ Luật cha con của Rôma: Theo luật “patria potestas” của Rôma, người cha trong gia đình có toàn quyền và suốt đời trên con cái của mình, cho dù người con đã khôn lớn hay lập gia đình. Vì thế, rất khó cho người con thoát khỏi sự kiểm soát của người cha và rất khó trong thủ tục nhận con nuôi. Để nhận con nuôi, một người phải được chuyển quyền “patria potestas” từ người cha trước qua người cha sau theo thủ tục sau:

(1) Thủ tục đầu tiên gọi là “mancipatio.” Người cha phải bán con mình cách biểu tượng bằng việc dùng đồng và cân ba lần. Hai lần đầu người cha bán con cách biểu tượng và mua lại con mình; nhưng lần thứ ba người cha không mua lại nữa; vì thế quyền “patria potestas” bị tiêu hủy.

(2) Kế tiếp là thủ tục “vindicatio.” Đây là một nghi lễ mà người cha nuôi phải ra trước thẩm phán của tòa án Rôma, và trình lên một thỉnh nguyện để chuyển quyền “patria potestas” về

cho mình. Nếu được thẩm phán phê chuẩn, ông sẽ chính thức thành cha nuôi của người con đó.

Khi một người đã chính thức thành con nuôi của cha mới, ông sẽ được thừa hưởng những đặc quyền sau: (1) Ông sẽ mất hết những quyền lợi đối với gia đình cũ, nhưng sẽ được hưởng tất cả quyền lợi đối với gia đình mới; vì ông chính thức có một người cha mới. (2) Ông có quyền thừa hưởng gia tài của người cha mới; cho dù người cha mới có con cái thêm sau này, tất cả được thừa hưởng đồng đều. (3) Tất cả quá khứ của người con nuôi được xóa bỏ; chẳng hạn: nợ nần. Ông được coi như một con người mới bắt đầu một cuộc đời mới mà quá khứ không còn ảnh hưởng gì trên ông.

1.2/ Chúng ta đã trở thành con cái Thiên Chúa: Có lẽ đây là hình ảnh trong trí óc của Phaolô khi ông so sánh cuộc đời của các tín hữu trước và sau khi tin vào Đức Kitô. Chúng ta có thể liệt kê 3 đặc quyền của người tín hữu như sau:

(1) Thiên Chúa đã chuộc chúng ta bằng giá máu của Người Con Ngài: Tội lỗi đã làm con người xa Thiên Chúa. Để chuộc lại, Thiên Chúa đã phải hy sinh trả giá bằng máu của Đức Kitô, Người Con Một của Ngài. Thánh Phaolô xác tín: “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa… Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.” Thánh Thần được ví như vị Thẩm Phán của tòa án Rôma.

(2) Ngài đã xóa bỏ mọi lầm lỗi quá khứ của chúng ta: Nhờ Đức Kitô gánh lấy tội lỗi của con người; nên mọi tội lỗi quá khứ được xóa bỏ. Người tín hữu có thể làm lại cuộc đời mà không lo sợ ảnh hưởng của tội lỗi trong quá khứ. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu: “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thánh Thần khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thánh Thần cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Abba! Cha ơi!”

(3) Chúng ta chính thức được thừa hưởng gia tài của Thiên Chúa: “Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.”

2/ Phúc Âm: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!”

2.1/ Lòng thương xót của Chúa khi nhìn thấy đau khổ của con người: Một con người bình thường sẽ cảm thấy xót xa khi nhìn thấy một người mẹ lưng còng; hậu quả của những tháng ngày hy sinh lam lũ ngòai đồng để có cơm bánh cho đàn con. Có đau mắt thì mới biết thương người mù, có còng lưng như Bà thì mới biết nỗi khổ nhục của người lúc nào cũng chỉ nhìn xuống đất. Chúa Giêsu xót xa khi nhìn thấy Bà và không cầm lòng được trước đau khổ của Bà nên Ngài ra tay chữa Bà dẫu Bà không xin (chắc Bà cũng chẳng nhìn thấy Chúa để xin) và dẫu là ngày Sabbath, nên Đức Giêsu gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.

2.2/ Sự vô tâm của ông Trưởng Hội Đường: Cùng nhìn một người đàn bà lưng còng, nhưng cách nhìn và phản ứng của ông Trưởng Hội Đường khác hẳn với cách nhìn và phản ứng của Đức Kitô. Sự đau khổ của Bà không là mối quan tâm của ông, nhưng việc không giữ ngày Sabbath của Chúa làm tổn thương đến địa vị của ông và làm ông mất mặt với dân chúng. Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày Sabbath, ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày Sabbath!”

2.3/ Chúa vạch trần sự sai trái của ông: Trước hết, Chúa mắng ông là “Đồ giả hình;” vì xem ra ông giữ Luật, nhưng lại vi phạm Luật khi phải bảo vệ những gì liên quan đến quyền lợi của mình. Chúa đưa ra một ví dụ: “Thế ngày Sabbath, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?” Thứ đến, Chúa chỉ cho thấy sự vô tâm của ông khi đối xử con người không bằng con bò hay con lừa: “Còn bà này, là con cháu ông Abraham, bị Satan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sabbath sao?”

Đứng trước những lời sửa dạy của Chúa, con người có 2 thái độ: tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta hãy sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để được tự do sống như những người con cái Chúa. Đừng sống theo tiêu chuẩn con người hay ích kỷ của cá nhân chúng ta.

– Chúng ta phải đặt tình yêu và lòng thương xót lên trên những lợi lộc vật chất hay giữ Lề Luật bên ngoài. Đừng bao giờ vô tâm và vô cảm trước những đau khổ và nhu cầu của tha nhân.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************