Ngày thứ hai (29-10-2018) – Trang suy niệm

28/10/2018

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần XXX Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Ep 4, 32 – 5, 8

“Anh em hãy sống trong tình thương như Đức Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em hãy ăn ở hiền hậu với nhau, hãy thương xót và tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô.

Vậy anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, như con cái rất yêu dấu của Người: hãy sống trong tình thương, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và phó mình làm của dâng và lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.

Còn như tội tà dâm và mọi thứ tội ô uế hay là gian tham, thì dù nhắc đến tên chúng cũng đừng nói tới nơi anh em, như thế mới xứng hợp với các thánh. Cả những chuyện hoa tình, tục tĩu và giễu cợt, tất cả những cái đó đều bất xứng. Tốt hơn là hãy nói những lời cảm tạ Chúa.

Bởi chưng anh em hãy biết rõ điều này là: tất cả những kẻ tà dâm, ô uế hay tham lam, là một thứ nô lệ thần tượng, đều không được hưởng phần gia nghiệp trong nước của Đức Kitô và Thiên Chúa. Đừng để ai lấy hão huyền mà phỉnh gạt anh em, vì những điều ấy mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đổ xuống trên những con cái ngỗ nghịch. Vậy anh em chớ thông đồng với những kẻ ấy. Xưa kia anh em là sự tối tăm, nhưng hiện nay anh em là sự sáng trong Chúa. Anh em hãy ăn ở như con cái sự sáng. Đó là lời Chúa. 

ĐÁP CA: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Đáp: Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, như con cái rất yêu dấu của Người (c. Ep 5, 1).

Xướng: 1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng. Nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. – Đáp.

2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa: lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. – Đáp.

3) Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 94, 8ab

-Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 13, 10-17

“Chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc người con gái của Abraham này trong ngày Sabbat sao?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, nhân ngày Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Và đây có một người đàn bà bị quỷ ám làm cho bà đau yếu đã mười tám năm. Bà bị khòm lưng, hoàn toàn không thể trông lên được. Khi Chúa Giêsu xem thấy bà, Người liền gọi bà đến mà bảo rằng: “Hỡi bà kia, bà được khỏi tật của bà”. Rồi Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa.

Nhưng viên trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat, nên ông cất tiếng bảo dân chúng rằng: “Có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat”.

Chúa trả lời và bảo ông ta rằng: “Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?”

Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người đều hổ thẹn, và toàn dân vui mừng vì những việc lạ lùng Người đã thực hiện. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

29/10/2018 – THỨ HAI TUẦN 30 TN

Lc 13,10-17

CHÚA ĐƯỢC TÔN VINH

Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ ám làm cho tàn tật đã mười tám năm (…) Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền.” (Lc 13,11-12)

Suy niệm: Khi nói đến ma quỷ, người ta thường hình dung chúng với hình thù quái dị, tựa như những loài quái thú gớm ghiếc. Vì thế, người đàn bà với cái lưng còng kỳ dị này, cũng bị người ta gán cho nguyên nhân “quỷ ám.” Như thế thì không công bằng với người phụ nữ đáng thương này chút nào. Với Đức Giê-su thì khác, dù bà không van xin, nhưng vừa trông thấy bà, Ngài đã gọi bà lại và chữa lành cho bà. Ngài không thể để bà phải chịu cơn bệnh quái ác ấy hành hạ thêm một giây phút nào, kể cả việc Ngài chữa bệnh trong ngày Sa-bát cho dù việc đó làm cớ cho viên trưởng hội đường chống đối. Bài Tin Mừng kết thúc thật có hậu, khi người đàn bà đứng thẳng được như người bình thường, cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa; những kẻ chống đối Ngài thì xấu hổ, vì tỏ ra thiếu lòng nhân với người chị em của mình.

Mời Bạn: Có thể bạn và tôi không phải mang những tật nguyền, chúng ta hãy tạ ơn Chúa. Mời bạn cũng hãy có cái nhìn thông cảm với người khuyết tật chung quanh, cũng như có thái độ tích cực khi gặp những khó khăn. Bởi chính lúc đó lại là lúc Thiên Chúa được tôn vinh. Bạn có nhận ra điều đó không?

Chia sẻ: Khi bị bệnh hoạn tật nguyền, bạn làm gì để Chúa được tôn vinh?

Sống Lời Chúa: Thăm viếng và tận tình giúp đỡ những người không may, để cảm nhận tình Chúa thương ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa Cha được tôn vinh trong cuộc Khổ nạn của Chúa. Xin cho chúng con biết can đảm đón nhận những khốn khó, để Chúa Cha được tôn vinh. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

29 THÁNG MƯỜI

Để Thế Gian Tin Rằng Cha Đã Sai Con …

Sự hiệp nhất giữa các môn đệ Đức Kitô là một điều kiện để thi hành sứ mạng của Giáo Hội. Hơn thế nữa, nó còn là một điều kiện để thực thi sứ mạng của chính Đức Kitô trong thế giới này. Nó là một điều kiện để rao giảng và củng cố cách hiệu quả đức tin của chúng ta vào Đức Kitô. Chúa Giêsu cầu nguyện: “Con cũng cầu xin … cho những người sẽ tin vào con …để họ nên một trong chúng ta, và để thế gian tin rằng Cha đã sai con… Xin cho họ hoàn toàn nên một, để thế gian biết rằng Cha đã sai con, và để họ nhận biết Cha yêu thương họ như Cha đã yêu con” (Ga 17, 20 – 23).

Sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu là điều thiết yếu cho việc rao giảng Tin Mừng, bởi vì sự thành bại của việc rao giảng Tin Mừng tùy thuộc vào chứng tá sống của cộng đoàn Kitôhữu, chứ không chỉ là chuyện thuyết giảng Lời Chúa. Làm sao những người ngoài Kitô giáo có thể có thể bắt đầu tin vào tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Kitô, nếu họ không nhìn thấy các Kitô hữu yêu thương nhau? Tình yêu không thể được biểu lộ ra cũng không thể xuyên thấu vào trái tim con người ngoại trừ qua chứng tá hiệp nhất.

Vì thế trước hết chúng ta phải tha thiết khát vọng hiệp nhất. Chúng ta phải cầu xin ơn hiệp nhất. Ân huệ này, Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội, cũng đặt ra cho Giáo Hội một trách nhiệm đặc biệt trong đại gia đình nhân loại. Nói cách khác, Giáo Hội có trách nhiệm thúc đẩy việc đối thoại và thông cảm nhau giữa tất cả mọi người, để vãn hồi sự hiệp nhất và hòa bình cho thế giới vốn đang bị phân rẽ của chúng ta.

Ngày nay thế giới đầy dẫy những xung đột và căng thẳng. Các quốc gia bị phân rẽ giữa Đông và Tây, giữa Bắc và Nam, giữa bạn và thù. Và ngay bên trong các đường biên giới của mỗi quốc gia, người ta có thể nhìn thấy sự đối đầu nhau giữa các nhóm và các đảng phái: Những giành giựt xâu xé phát sinh từ các thành kiến và các ý thức hệ, từ những định chế cứng ngắt của các quốc gia, từ những rào cản về chủng tộc, và từ vô số yếu tố khác – chẳng có yếu tố nào trong đó xứng đáng với phẩm giá con người.

Chính trong thế giới phân rẽ này mà Giáo Hội hôm nay được mời gọi cổ võ cho sự hòa điệu và hòa bình.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 29/10

Ep 4, 32-5,8; Lc 13, 10-17.

LỜI SUY NIỆM: “Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa

Chúa Giêsu đã nhìn thấy người đàn bà bị còng lưng trong Đền Thờ, và Chúa đã cứu chữa cho bà, và bà đã đứng thẳng dậy được và tôn vinh Thiên Chúa. Điều này giúp cho chúng ta cảm nhận được: đời sống của một con người luôn có sự quan tâm của Thiên Chúa, đôi khi con người có vô tâm đi nữa thì Ngài vãn dõi mắt theo đuổi để ban ơn lành. Điễn hình là người đàn bà bị chứng còng lưng trong Đền Thờ trong Tin Mừng này, Bà đã được chính Chúa nhìn thấy, gọi lại và Người chữa lành; mặc dầu bà chưa kêu xin.

Lạy Chúa Giêsu. Trong đời sống của chúng con ngày hôm nay cũng đang mang chứng tật còng lưng trong nhiều hoàn cảnh sống. Xin cho chúng con biết tìm đến với Chúa, để Chúa nhìn thấy và chữa lành cho chúng con, giúp chúng con được đứng thẳng mà tôn vinh Thiên Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

29 Tháng Mười

Các Ông Là Quái Vật

Cuốn phim E.T. (nghĩa là người đến từ bên ngoài trái đất) đã là khởi đầu cho những giả thuyết về sự hiện hữu của nhiều giống người khác trên hành tinh. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó những người này đến viếng thăm trái đất của chúng ta. Có lẽ họ sẽ phải học hỏi rất nhiều nơi chúng ta. Họ sẽ nghiên cứu về các tôn giáo hiện hữu trên mặt đất. Họ sẽ tra cứu mọi thứ  triết thuyết và mọi lẽ khôn ngoan cũng như bao cái điên rồ của con người. Sau cùng họ sẽ điều tra về những người Kitô và khám phá ra rằng thủ lãnh của họ là Giêsu Kitô. Chúng ta hãy thử tưởng tượng cuộc đối thoại giữa họ và những người Kitô. 

– Ông Giêsu Kitô là ai? 

Một người Kitô sẽ trả lời: 

– Ông là một người Do Thái, ông đã được muôn dân trông đợi từ ngàn xưa. Ông đến như một vị tiên tri để cứu thoát trần thế. 

– Thế nhưng họ đã làm gì với ông ta? 

– Thưa, họ đã đóng đinh ông vào thập tự. 

Và một người trong cuộc đối thoại sẽ thêm: 

– Phải, có lẽ ông ta đã không đến đúng lúc. Giả như  ông đến bây giờ đây, thì mọi sự có lẽ sẽ khác. Người ta sẽ thông cảm với ông, sẽ yêu mến ông và như vậy, tình huynh đệ đại đồng như chúng ta hằng mong ước sẽ được thực hiện. Thực là đáng tiếc, ông Giêsu đã đến không đúng lúc. Thật là một tai nạn đáng tiếc. 

Một người Kitô khác có lẽ sẽ phản đối: 

– Tôi không đồng ý. Chúa Giêsu có đến lúc nào và ở đâu, thì mọi sự cũng sẽ diễn ra như thế thôi. 

Theo dõi cuộc đối thoại, không chừng người đến từ hành tinh khác sẽ phát biểu: 

– Vậy thì các ông là những quái vật. 

Có lẽ giống người của chúng ta trên mặt đất này là những quái vật. Và chính vì thế mà Chúa Giêsu đã đến để cứu độ chúng ta. Ngài đã yêu thương chúng ta. Ngài đã thể hiện lòng nhân từ đối với chúng ta, bởi vì chúng ta là những quái vật. 

Chúng ta hãy thử nhìn vào các giống vật đang chia rẽ sự  sống với chúng ta trên mặt đất này. Chúng nó có thể cắn xé những con thú khác không thuộc giòng giống của nó. Nhưng chúng nó không bao giờ giết hại cắn xé lẫn nhau. Còn giống người của chúng ta thì sao? 

Nhưng thập giá của Ðức Kitô không chỉ là một mặc khải về tính cách quái vật của con người, nó còn là một thể hiện của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người. Ðó là dấu chỉ của Tình Yêu, của Hòa Bình. 

Người Kitô mang trên người, vẽ trên người, dấu thập giá để ca tụng Tình Yêu của Thiên Chúa cũng như để nói lên thiện chí xây dựng Hòa Bình của họ. 

Ước gì dấu thánh giá chúng ta làm mỗi ngày sẽ luôn nhắc nhở cho chúng ta về Tình Yêu kỳ diệu của Thiên Chúa cũng như mời chúng ta không ngừng xây dựng Hòa Bình với tất cả những người xung quanh.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai Tuần 30 TN2

Bài đọcEph 4:32-5:8; Lk 13:10-17.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thay đổi quan niệm và thái độ sống

Sự Thật không tùy thuộc vào thời gian, nơi chốn, hay số đông. Xã hội hiện đại đang cố gắng xét lại, bóp méo, hay thay đổi Sự Thật bằng cách lấy đủ mọi lý do về thời gian, nơi chốn, hay đám đông để từ chối Sự Thật. Các Bài đọc hôm nay mời gọi con người xét lại những gì mình đã tin hay đã quá quen thuộc, vì không phải những gì mình đã tin hay đã quá quen thuộc đều đúng. Con người cần mở rộng tâm hồn để đón nhận những điều hay lẽ phải từ người khác; đối chiếu và suy xét với những gì mình vẫn tin; và can đảm thay đổi những gì mình đã tin hay đã làm không đúng. Trong Bài đọc I, các tín hữu Êphêsô đã quá quen với nếp sống phóng khóang buông thả của người Hy-Lạp, họ coi chuyện tình dục là chuyện bình thường. Thánh Phaolô khuyên họ xét lại và chuyển hướng tới cuộc sống theo ánh sáng tốt lành hơn. Trong Phúc Âm, ông Trưởng Hội Đường đặt việc giữ ngày Sabbath trên lòng thương xót. Chúa Giêsu phản đối thái độ của ông và dạy đám đông lòng thương xót quí trọng hơn việc cẩn thận giữ Luật Lệ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc IPhải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau:

1.1/ Điều căn bản và quan trọng nhất của Đạo: là yêu thương và tha thứ, chứ không phải ở việc giữ Luật. Như Thiên Chúa và Đức Kitô đã yêu thương tha thứ cho con người, con người cũng phải yêu thương và tha thứ cho nhau. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Êphêsô: “Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt.”

Lạp có quan niệm rất phóng khóang về các vấn đề luân lý, nhất là chuyện dâm dục. Nhóm triết gia “thuần tri thức (Gnosticism)” chủ trương: chỉ có linh hồn mời quan trọng, còn thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn; vì thế, con người có thể làm bất cứ điều gì liên quan tới thân xác. Những tội phạm đến thân xác của Công Giáo là chuyện thông thường đối với họ.

Thánh Phaolô khuyên họ nên xét lại, ngài nêu lên đặc biệt là 3 tội: “Chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, thì dù nói đến, anh em cũng phải tránh, như thế mới xứng đáng là những người trong Dân thánh. Anh em phải biết rõ điều này: không một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa.”

(1) Gian dâm (porneia): giao hợp trái phép, làm điếm, các họat động liên quan đến lãnh vực tình dục trong việc làm. Đây là tội luôn có trong sổ tội của Thánh Phaolô. Ngài quan niệm: thân xác con người là chi thể của Đức Kitô (I Cor 6:13, I Cor 12:13) và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (I Cor 6:19); vì thế các tội phạm đến thân xác là tự tách mình ra khỏi thân thể của Đức Kitô (I Cor 6:16).

(2) Gian dối, ô uế : đây là những tội ngược lại với trong sạch và thánh thiện. Danh từ này bao gồm mọi thứ làm cho con người ra ô uế như ghen tương, dối trá, nói chuyện hoa tình… Thánh Phaolô khuyên: “Đừng nói lời thô tục, nhảm nhí, cợt nhả: đó là những điều không nên; trái lại, phải tạ ơn Thiên Chúa thì hơn.”

(3) Gian tham: tội này áp dụng trong mọi thứ: tiền bạc, danh vọng, quyền hành, sắc đẹp. Thánh Phaolô quan niệm gian tham lam cũng là thờ ngẫu tượng; thay vì tôn thờ Thiên Chúa lại tôn thờ những gì Ngài tạo dựng (Col 3:5). Nó cũng phạm đến tha nhân vì mong muốn những gì của tha nhân hay đối xử bất công với tha nhân để đạt những gì mình mong muốn.

1.3/ Thay đổi quan niệm và nếp sống cũ: Đối diện với đạo lý mới của Thánh Phaolô, các tín hữu Hy-Lạp bị giằng co: một bên là quan niệm và nếp sống cũ đã quá quen, một bên là những đòi hỏi của những người tin vào Chúa. Sẽ có những người như Nhóm Thuần Tri Thức phản đối đạo lý của Phaolô: “thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn;” hay Nhóm Tin Lành hiện nay chủ trương: “Chỉ cần tin là đủ!” Đâu là Sự Thật và lối sống mà các tín hữu phải theo? Thánh Phaolô khuyên: “Đừng để ai lấy lời hão huyền mà lừa dối anh em, chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống những kẻ không vâng phục. Vậy anh em đừng thông đồng với họ. Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng.”

2/ Phúc ÂmChúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbath

2.1/ Lòng thương xót của Chúa khi nhìn thấy đau khổ của con người: Một con người bình thường sẽ cảm thấy xót xa khi nhìn thấy một người mẹ lưng còng; hậu quả của những tháng ngày hy sinh lam lũ ngòai đồng để có cơm bánh cho đàn con. Có đau mắt thì mới biết thương người mù, có còng lưng như Bà thì mới biết nỗi khổ nhục của người lúc nào cũng chỉ nhìn xuống đất. Chúa Giêsu xót xa khi nhìn thấy Bà và không cầm lòng được trước đau khổ của Bà nên Ngài ra tay chữa Bà dẫu Bà không xin (chắc Bà cũng chẳng nhìn thấy Chúa để xin) và dẫu là ngày Sabbath, nên Đức Giê-su gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.

2.2/ Sự vô tâm của ông Trưởng Hội Đường: Cùng nhìn một người đàn bà lưng còng, nhưng cách nhìn và phản ứng của ông Trưởng Hội Đường khác hẳn với cách nhìn và phản ứng của Đức Kitô. Sự đau khổ của Bà không là mối quan tâm của ông, nhưng việc không giữ ngày Sabbath của Chúa làm tổn thương đến địa vị của ông và làm ông mất mặt với dân chúng. Chúng ta hãy xem thái độ của ông: Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày Sabbath, ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày Sabbath!”

2.3/ Chúa vạch trần sự sai trái của ông: Trước hết, Chúa mắng ông là “Đồ giả hình;” vì xem ra ông giữ Luật, nhưng lại vi phạm Luật khi phải bảo vệ những gì liên quan đến quyền lợi của mình. Chúa đưa ra một ví dụ: “Thế ngày Sabbath, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?” Thứ đến, Chúa chỉ cho thấy sự vô tâm của ông khi đối xử con người không bằng con bò hay con lừa: “Còn bà này, là con cháu ông Abraham, bị Satan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sabbath sao?”

Đứng trước những lời sửa dạy của Chúa, con người có 2 thái độ: tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

(1) Chúng ta phải biết mở lòng để sẵn sàng sửa chữa những niềm tin sai lầm và những thói quen xấu. (2) Phải đặt tình yêu và lòng thương xót lên trên những lợi lộc vật chất hay giữ Lề luật bên ngòai.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************