Ngày thứ hai (30-07-2018) – Trang suy niệm

29/07/2018

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần XII Mùa Thường Niên Năm chẵn

Gr 13, 1-11

“Dân này sẽ như chiếc đai lưng không còn có thể xài được nữa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Đây Chúa phán cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi mua sắm một dây đai lưng, rồi thắt vào lưng, và ngươi đừng nhúng vào nước”. Và tôi đi mua dây đai theo lệnh Chúa, rồi tôi thắt vào lưng.

Lời Chúa phán cùng tôi lần thứ hai rằng: “Ngươi hãy cởi dây đai ngươi đã mua sắm và đang thắt ngang lưng, rồi chỗi dậy đi đến Êuphratê, giấu nó trong hốc đá”. Và tôi ra đi giấu nó trong hốc đá như lời Chúa truyền dạy.

Sau nhiều ngày, Chúa lại phán cùng tôi rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy, đi đến Êuphratê mà lấy dây đai lưng Ta đã truyền ngươi đem giấu ở đó”. Tôi ra đi đến Êuphratê, và lấy dây đai lưng ngay chỗ tôi đã giấu. Nhưng kìa, dây đai lưng đã mục nát cả, không còn xài được nữa.

Và có lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Đây Chúa phán: Ta sẽ khiến cho lòng kiêu căng của Giuđa và lòng kiêu căng tột độ của Giêrusalem ra mục nát như vậy. Dân xấu xa này không còn muốn nghe lời Ta, cứ chạy theo lòng gian tà của nó, và chạy theo các thần ngoại lai để phụng sự và thờ lạy các thần đó, nên chúng sẽ như chiếc đai lưng này không còn xài được nữa”. Và Chúa phán tiếp: “Như đai lưng bám sát vào lưng người ta thế nào, Ta cũng đã làm cho nhà Israel và nhà Giuđa bám Ta như vậy, để chúng trở thành dân Ta, cao rao thánh danh, vinh dự và vinh quang của Ta, nhưng chúng đã không chịu nghe”. Đó là lời Chúa. 

ĐÁP CA: Đnl 32, 18-19. 20. 21

Đáp: Ngươi đã bỏ Chúa, Đấng đã sinh ra ngươi (c. 18a).

Xướng: 1) Ngươi đã bỏ Chúa, Đấng đã sinh ra ngươi; đã quên Chúa, Đấng đã tạo thành ngươi. Chúa đã thấy, và Người đã nổi cơn thịnh nộ: vì con trai con gái Người đã trêu chọc Người. – Đáp.

2) Chúa phán: Ta sẽ che giấu mặt Ta khỏi chúng, và nhìn xem tương lai chúng sẽ ra sao: vì là dòng giống ngỗ nghịch và là con bất hiếu. – Đáp.

3) Chúng đã trêu chọc Ta bằng thứ chẳng phải là Chúa, đã lấy sự dối trá mà chọc giận Ta: Ta sẽ trêu chúng bằng thứ không phải là dân tộc, và sẽ dùng dân tộc dại dột làm cho chúng tức giận. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 17, 17b và a

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là chân lý, xin hãy thánh hoá chúng con trong sự thật. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 13, 31-35

“Hạt cải trở thành cây đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt ấy bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”.

Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: “Nước trời giống như nắm men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men”.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: “Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn: Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

30/07/2018 – THỨ HAI TUẦN 17 TN

Th. Phê-rô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ HT

Mt 13,31-35

SỐNG THÁNH MỖI NGÀY

“Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải…” (Mt 13,31)

Suy niệm: Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta có kể lại câu chuyện sau: Một hôm đang đi ngoài đường, Mẹ gặp một người đàn ông đang nằm trơ xương vì đói khát, hơi thở thoi thóp. Lúc ấy tôi tự hỏi: Mình có thể làm gì đây? Ít nhất cũng nói với ông ta một lời gì đó chứ! Tôi dùng hai tay âu yếm nâng đầu ông ta lên và thầm thì vào tai ông: “Tôi yêu ông, tôi muốn điều tốt cho ông!” Ông ta mỉm cười với tôi và ra đi bình an. Tôi không bao giờ quên nụ cười đó. Người xưa có dạy: Gieo hành vi sẽ gặt thói quen, gieo thói quen sẽ gặt tính cách, gieo tính cách sẽ gặt số phận. Nước Trời sẽ đến nơi mỗi người và nơi thế giới này nhờ những suy nghĩ và hành vi thuộc về Tin Mừng. Những hành vi dù nhỏ mang tính Tin Mừng sẽ hoán cải mỗi người và làm biến đổi thế giới này.

Mời Bạn: Đón nhận cái chết là hành vi anh hùng của các thánh tử đạo. Quyết định ấy không đến cách đột ngột, nhưng được kết tinh từ những hành vi lựa chọn thuộc về Chúa, dù nhỏ và bền bỉ mỗi ngày. Bạn có sẵn sàng để noi gương các thánh tử đạo, dám thuộc về Chúa, chấp nhận sống yêu thương và hy sinh, trong những lựa chọn mỗi ngày của mình không?

Sống Lời Chúa: Nghiền ngẫm ý tưởng sau đây: “Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt đời sẽ thánh” (ĐHV. 978)

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống vất vả và đầy âu lo này, xin cho con biết can đảm chọn Chúa là điều quý giá nhất đời con và luôn biết thuộc về Chúa trong từng hành vi mỗi ngày.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

30 THÁNG BẢY

Sự Dữ Có Nhiều Bộ Mặt

Trước hết chúng ta phải hiểu mình muốn nhắm đến điều gì trong ý niệm “sự dữ” và “đau khổ”. Nó mặc lấy rất nhiều hình thức. Chẳng hạn, người ta thường phân biệt giữa ý nghĩa thể lý và ý nghĩa luân lý. Sự dữ luân lý được phân biệt với sự dữ thể lý chủ yếu ở sự kiện rằng nó có bao hàm tội lỗi, vì nó tùy thuộc vào ý chí tự do của con người.

Sự dữ luân lý phân biệt với sự dữ thể lý bởi vì sự dữ thể lý không thiết yếu và không trực tiếp liên quan đến ý chí của con người. Nói vậy không có nghĩa rằng sự dữ thể lý không thể bị gây ra bởi con người hay không thể là hậu quả của tội lỗi con người. Thực tế, rất nhiều sự dữ thể lý do chính con người gây ra. Đôi khi sự dữ thể lý xảy ra do sự ngu muội hay bất cẩn của con người, nhiều trường hợp khác nó xảy ra một cách gián tiếp do sự cẩu thả hoặc do những hành động trực tiếp tác hại.

Nhưng chúng ta biết rằng trên thế giới có nhiều nguyên nhân của sự dữ thể lý xem ra không liên can gì đến con người. Chẳng hạn, ta có thể nghĩ đến các vụ thiên tai hay những trường hợp rối loạn tâm thần không do con người gây ra.

Đối diện với những vấn nạn ấy, chúng ta cảm thấy – như Gióp – rằng thật khó đưa ra câu trả lời. Chúng ta tìm kiếm câu trả lời không ở nơi chính mình, nhưng phải khiêm tốn và tín nhiệm để tìm nơi Lời Chúa. Trong Cựu Ước, chúng ta gặp thấy một tuyên bố trứ danh và rất hàm súc: “Từ chân trời này, đức khôn ngoan vươn mạnh tới chân trời kia, cai quản mọi loài thật tốt đẹp” (Kn 7,30; 8,1).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 30/7

Thánh Phêrô Kim Ngôn,

giám mục tiến sĩ Hội Thánh

Gr 13, 1-11; Mt 13, 31-35

LỜI SUY NIỆM: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành được.”

          Chúa Giêsu cho chúng ta biết hễ những ai đón nhận Nươc trời vào trong chính đời sống của mình thì sẽ giúp cho đời sống của mình trở thành có ích cho xã hội nơi minh dang sống, như hạt cải sẽ lớn lên để cho chim trời đến làm tổ, như là men làm dậy cả thúng bột.

          Lạy Chúa Giêsu, Đời sống Kitô hữu của chúng con, không chỉ giúp ích cho chúng con có được sự sống đời đời, nhưng còn đem lại hạnh phúc cho những người chung quanh chúng con. Xin cho Lời Chúa thấm sâu trong tâm hồn chúng con, để chúng con mở rộng tâm hồn, dấn thân phục vụ và yêu thương mọi người để Nước Chúa được lan rộng khắp nơi.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 30-07: Thánh PHÊRÔ CHRYSÔLOGÔ

Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (+450)

Thánh Phêrô có biệt hiệu là Chrysôlôgô (kim ngôn) bởi tài hùng biện đặc biệt của Ngài. Ngài sinh vào khoảng năm 405, tại miền Imola, nước Ý. Đức Giám mục giáo phận Imola là Cornêlliô phong chức phó tế cho Ngài. Dưới sự hướng dẫn của Đức giám mục, Ngài thực hiện những bước tiến lạ lùng trên con đường trong tu viện.

Năm 430, Đức tổng giám mục Gioan của giáo phận Ravenna từ trần. Trong khi tìm vị chủ chăn mới, hàng giáo sĩ và giáo dân đã xin Đức giám mục Iomola nhập đoàn phải họ để đi Roma yết kiến Đức giáo hoàng Sixtô III coi Phêrô như người được tiền định để làm giám mục Ravenna. Ngài liền đặt Phêrô làm giám mục Ravenna, kế vị Đức giám mục Gioan năm 433. Các đại biểu của Giáo phận này lúc đầu tỏ ý bất bình, nhưng rồi đã đổi thái độ khi được đức giáo hoàng Sixtô III cho biết thị kiến của mình.

Vâng theo ý Chúa, Phêrô thụ phong giám mục và trở về Ravenna. Trong bầu khí tiếp đón nồng nhiệt, Ngài nói: – Tôi đến với anh chị em như một y sĩ đến chữa trị, như một mục tử để dẫn dắt, như một người mẹ để nuôi dưỡng, như một người cha để bảo vệ và chăm sóc phần rỗi đời đời của anh chị em. Vậy anh chị em hãy mau mắn vâng phục cách thích đáng đối với tác vụ rất thánh của tôi.

Đầy nhiệt thành bứng rễ các việc thờ ngẫu tượng còn rớt lại, cũng như lên án sự giả tạo của giáo dân. Trong một cuộc lễ vào đầu năm, Ngài đã phá những cuộc diễn hành đáng tội trên đường phố: – Ai muốn vui chơi với ma quỉ thì không thể vui hưởng với Chúa Kitô.

Ngài đã nhiệt tâm rao giảng. Ngày nay chúng ta còn giử lại được khoảng 180 bài giảng của Ngài. Lời lẽ đơn sơ nhưng đầy nhiệt huyết. Người ta không thể quên được những lời như:

– Nằm trong thói hư tính xấu, chúng ta sẽ bị tiêu diệt. Chúng ta sẽ thực sự đứng thẳng khi biết chỗi dậy để tiến thẳng tới bằng các việc lành.

– Ai biết tìm kiếm trong đức tin, sẽ thấy ngay rằng là Cha đang ở đó, vì họ.

– Mọi sự dữ cha mẹ làm cho con cái, Thiên Chúa là Cha hết người sẽ trả lại cho họ.

– Các tiền nhân sống cho chúng ta. Chúng ta sống cho thế hệ mai sau. Không ai sống cho mình cả.

Người ta cũng còn nhớ lời Ngài kêu gọi sống bác ái:

– Biết nói sao về niềm tin lễ Giáng sinh, nếu người nghèo than khóc tù nhân rên siết, dân tị nạn than thở, người lưu đày thổn thức, người Do thái mừng lễ bằng thuế thập phân, còn người Kitô hữu nghĩ sao khi họ không mừng bằng một phần trăm của cải ? Tôi đau buồn, phải, tôi đau buồn vì các đạo sĩ trải vàng trên nôi Chúa Kitô trong khi các Kitô hữu để cho thân thể Chúa Kitô trống trải, khi mà những người nghèo than khóc. Đừng nói rằng tôi không có gì. Thiên Chúa muốn xin cái anh em có chứ không phải cái anh chị em không có, khi mà Ngài thương nhận hai đồng tiền của bà góa. Hãy tận tâm với Đấng tạo thành và tạo vật cũng sẽ tận tâm với anh chị em.

Thánh Phêrô Chrysôlôgô đã trở thành danh tiếng, đến nỗi Đức giáo hoàng Lêo I đã trao cho Ngài đọc tại công đồng Chalcedonia một luận án chống lại lạc thuyết của Eutychèr, Ngài cũng còn viết một bức thư cho kẻ lạc giáo này để khuyên ông ta vâng phục Giáo hội.

Sau cùng, sau khi cai quản giáo phận Ravenna trong 18 năm, thánh giám mục biết rằng mình sắp tới hồi kết thúc các nỗ lực. Ngài muốn lui về Imola để dọn mình chết. Ngày 3 tháng 12 năm 450 Ngài đã từ trần và năm 1729 được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

30 Tháng Bảy

Người Tử Tù 

Tại một nhà tù nọ, có một người đàn ông bị kết án tử hình. Nhưng người ta thấy anh không hề tỏ ra nao núng, trái lại lúc nào cũng vui tươi ca hát.

Ngày nọ, các quản giáo bắt gặp anh đang chơi tây ban cầm trong sân chơi của trại tù. Ðám đông bu quanh anh, lúc đầu còn nhút nhát, về sau mọi người cùng hát theo tiếng đàn của anh. Thấy thế, ban giám đốc nhà tù mới ra lệnh không cho anh được chơi đàn nữa.

Nhưng ngày hôm sau, tù nhân đã có bản án tử hình ấy vẫn tiếp tục ra sân chơi và đàn ca như mọi ngày. Ðám đông tù nhân cũng tuôn đến ca hát với anh. Không chịu nổi nữa, những người canh tù sấn đến túm lấy anh và chặt đứt những ngón tay của anh. Họ nghĩ rồi đây anh sẽ không còn chơi đàn được nữa và như vậy đám đông cũng không còn tụ tập được nữa. Nhưng ngày hôm sau, cũng người tử tội ấy, cũng đám đông ấy tụ tập lại trong sân tù và với đôi tay cụt, anh vẫn có thể đàn được những điệu nhạc càng thảm thiết hơn. Lần này, những tên canh tù lôi anh đi và đập nát chiếc đàn.

Ngày hôm sau, con người đáng thương ấy cũng trở lại sân chơi và cất tiếng hát vang. Tiếng hát ca của anh dặt dìu, tha thiết và mời gọi đến nỗi đám đông cũng kéo đến hòa cùng tiếng hát với anh. Lần này, những tên canh tù mới đưa anh đi và họ cắt lưỡi anh. Họ nghĩ rằng tiếng đàn đã bị dập tắt, tiếng ca cũng sẽ bị tắt lịm và như vậy, không còn ai sẽ tụ tập trong sân nữa.

Nhưng trước sự ngạc nhiên của mọi người, ngày hôm sau, người tử tội vẫn trở lại sân chơi. Lần này, anh không đàn, không hát, nhưng nhảy múa theo một điệu nhạc câm mà chỉ mình anh mới có thể nghe được. Không mấy chốc, đám đông tù nhân kéo đến và họ nhảy múa xung quanh con người khốn khổ ấy.

Câu chuyện trên đây nhắc chúng ta nhớ đến một vũ công Ấn Ðộ tên là Sudha Chandran. Chính lúc cô đạt đến tuyệt đỉnh của danh vọng cũng là lúc bàn chân phải của cô phải bị cưa. Nhưng người vũ công đầy ý chí này đã không bỏ cuộc… Sau khi bình phục, cô đã ráp chân giả và luyện tập cho đến khi nhuần nhuyễn trở lại như trước. Khi được hỏi: “Làm thế nào để có thể nhảy múa bình thường trở lại?”. Cô trả lời: “Chúng ta không nhất thiết cần có chân mới có thể nhảy múa được”.

Thiên Chúa không ban cho chúng ta một số lượng nén bạc đồng đều. Kẻ được năm nén, người được hai nén, kẻ chỉ được một nén… Một nén đó có thể là một nén của nghèo nàn, bất hạnh, rủi ro, mất mát. Nhưng trong Tình Yêu Quan Phòng của Chúa, nén bạc vẫn có thể sinh lời được những hoa trái của yêu thương, của tin tưởng, của lạc quan vui sống…

Chúng ta không nhất thiết cần có đôi chân mới nhảy múa được. Chúng ta có thể nhảy múa với tâm hồn phấn khởi, chúng ta có thể ca hát với lòng tin yêu, vui sống..

Không gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Chúa. Dù tù đày, dù bệnh tật, dù khốn khổ đến đâu, nếu chúng ta có lòng mến, thì cuộc sống trơ trụi, nghèo hèn của chúng ta vẫn luôn là bài ca chúc tụng, tri ân dâng lên Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai Tuần 17 TN2

Bài đọc: Jer 13:1-11; Mt 13:31-35

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức tin phải được tăng trưởng, nếu không sẽ tàn lụi vô dụng.

Đức tin là món quà vô giá Thiên Chúa ban cho con người qua lời rao giảng của các nhà truyền giáo. Bổn phận của con người là làm sao để cho đức tin ấy tăng trưởng mỗi ngày một mạnh hơn. Để đức tin được tăng trưởng, gian nan thử thách là điều cần thiết; nếu không có gian nan thử thách, con người sẽ không có cơ hội chứng tỏ đức tin của họ vào Thiên Chúa.

Các bài đọc hôm nay dùng ba hình ảnh khác nhau để nói lên sự cần thiết phải bám víu lấy Chúa nếu không muốn bị tàn lụi và trở nên vô dụng. Trong bài đọc I, Đức Chúa truyền cho Jeremiah mua một chiếc đai lưng bằng vải gai và đem giấu trong một kẽ đá tại vùng Euphrates; ít lâu sau Ngài lại truyền cho ông đi lấy chiếc đai lưng về, nhưng nó đã mục nát cả. Hành động biểu tượng này ám chỉ con cái Israel giống như chiếc đai lưng, nếu họ không quấn chặt quanh chủ của nó là Đức Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cho khán giả hai ví dụ về niềm tin: Niềm tin được ví như hạt cải, tuy nhỏ nhất trong các hạt; nhưng khi tăng trưởng, nó lớn lên và thành cây đến nỗi chim trời kéo đến nương náu. Niềm tin cũng có thể ví như nắm men đem dùi trong bột cho đến khi dậy men, nó có thể làm dậy ba thúng bột trước khi trở thành những ổ bánh cho con người dùng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Israel được ví như chiếc khăn bằng lụa.

Người xưa không mặc quần như chúng ta ngày nay, họ dùng một tấm vải dài để quấn chung quanh phần hạ bộ của người đàn ông. Nhìn lên Thập Giá, chúng ta thấy Chúa Giêsu quấn một chiếc khăn theo như truyền thống của Do-thái. Mục đích của trình thuật có ý muốn nói: chiếc khăn quí phải gắn liền với chủ nhân của nó như Israel phải gắn liền với Thiên Chúa.

1.1/ Euphrates (600 miles) hay Pharan (4 miles)? Sau khi Jeremiah đã mua chiếc khăn và quấn chung quanh hạ bộ, Chúa truyền cho ông tháo khăn ra và đi đến sông Euphrates (Babylon ngày xưa và Iraq ngày nay) và giấu chiếc khăn vào một hốc đá ở đó. Chiếc khăn bị đem giấu đi là chiếc khăn không còn công dụng của nó. Hình ảnh này được dùng để báo trước cuộc lưu đày của Jerusalem và Judah vào năm 587 BC sang Babylon.

Có hai ý kiến về nơi giấu chiếc khăn: Một ý kiến cho nơi giấu là Pharan, chỉ cách Anathoth có 4 dặm về phía Đông Bắc. Aquila ủng hộ ý kiến này, vì Euphates bên Babylon quá xa để đi bộ. Ngôn sứ phải đi bộ 600 miles để đi giấu và 600 miles nữa để đi lấy về. Bản Bảy Mươi cho nơi giấu là Euphrates vì đây là địa danh mà con cái Israel phải đi lưu đày. Ý kiến của bản Bảy Mươi có cơ sở hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là một hành động biểu tượng, nó có thể hiểu như một dụ ngôn.

1.2/ Ý nghĩa của câu truyện: Sau cùng, Chúa truyền cho ông đi qua đó lấy chiếc khăn về: Chiếc khăn đã mục nát vì thời tiết nắng mưa và không còn dùng được nữa: Đây là bài học cho dân Do Thái, họ giống như chiếc khăn phải được cuốn chung quanh người của chủ họ là Thiên Chúa. Nhưng nếu họ kiêu hãnh từ chối không ở gần Chúa, họ sẽ bị đi lưu đầy nơi đất khách quê người và sẽ bị tàn tạ như chiếc khăn rách nát vô dụng.

Vì kiêu hãnh, Israel đã từ chối không nghe lời Thiên Chúa; họ muốn làm theo ý riêng họ chứ không theo ý Thiên Chúa; và đã đi theo các thần ngoại để thờ phượng và phục vụ chúng. Nếu muốn trở nên một dân tộc, một tên tuổi, một lời ca tụng, một vinh quang, họ phải gắn liền với Chúa, nhưng họ đã từ chối không nghe lời Thiên Chúa.

Vì thế, Đức Chúa phán thế này: “Ta sẽ huỷ diệt thói kiêu hãnh của Judah và thói kiêu hãnh lớn lao của Jerusalem như vậy. Dân xấu xa này không chịu nghe lời Ta, cứ ngoan cố cứng lòng, chạy theo các thần khác mà làm tôi và sụp lạy chúng; nó sẽ nên như chiếc đai lưng hoàn toàn vô dụng kia. Vì, cũng như chiếc đai lưng người ta thắt ở lưng, Ta cũng thắt chặt cả nhà Israel và nhà Judah vào Ta như vậy, để chúng trở thành dân của Ta, dân đem lại cho Ta tiếng tăm, danh dự và vinh quang. Nhưng chúng đã chẳng chịu nghe. Sấm ngôn của Đức Chúa.”

2/ Phúc Âm: Nước Trời được ví như:

2.1/ Hạt Cải: Ở Palestine, hạt cải có thể trở thành cây khoảng 3,4 thước khác với hạt cải ở vùng Đông Nam Á chỉ có thể trở thành rau. Điểm chính Chúa muốn nhấn mạnh ở đây là hạt cải tuy nhỏ bé nhất trong các hạt, nhưng có tiềm năng trở thành cây lớn đến nỗi chim trời có thể làm tổ trên cành của nó.

Đức tin của chúng ta cũng được Chúa ví như hạt cải (Mt 17:20), tuy nhỏ bé nhưng nhờ sức mạnh của Chúa có thể dời được núi non. Không có gì là không thể đối với những người có đức tin vững mạnh vào Chúa. Nước Trời được xây dựng trên đức tin của nhiều hạt cải nhỏ bé, nhưng nếu các hạt cải này tăng triển thành cây; rồi từ các cây này lấy hạt trồng thêm nhiều cây khác nữa… Sẽ có ngày cả trái đất sẽ đầy tràn các cây cải. Nước Trời cũng bắt đầu bằng đức tin của một người rồi cứ thế lan tràn ra cho đến khi trái đất đầy tràn những người tin vào Chúa.

2.2/ Men trong bột: Ba đấu bột là số lượng thường dùng để làm bánh cho một gia đình.

Đối với những người làm bánh, họ có thể nhận ra sự khác biệt lạ thường của men. Cùng một loại bột, nhưng bột không dùng men khi nướng lên chỉ thành cái bánh qui nhỏ hay như cái bánh “fortune cookie” chỉ đủ cho một người ăn; nhưng nếu dùng men và để cho dậy tối đa trước khi nướng sẽ trở thành một ổ bánh có thể cả gia đình cùng ăn.

Giống như dụ ngôn hạt cải ở trên, Nước Trời được ví như nắm men tuy bắt đầu rất nhỏ bé, nhưng một khi đã lan tràn thì sẽ lớn mạnh đến nỗi không ai có thể đo lường được.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Cuộc đời con người chỉ có ý nghĩa khi sống kết hiệp với Thiên Chúa, càng xa Thiên Chúa bao nhiêu, cuộc đời con người sẽ trở thành vô nghĩa bấy nhiêu.

– Đức tin con người có được là nhờ đức tin của các tiền nhân đi trước cũng như hạt cải có được là nhờ các cây cải có trước. Bổn phận mỗi người là phải tiếp tục làm cho đức tin đó lan rộng cho đến tận cùng trái đất.

– Đức tin cần phải được vun trồng mỗi ngày bằng Lời Chúa và các bí tích; nếu không sẽ trở nên yếu dần và tàn lụi đi. Một đức tin vững mạnh có thể làm được mọi sự.

– Đức tin mỗi người cần được sự nâng đỡ và trợ giúp của giáo hội địa phương và Giáo hội toàn cầu mới có thể đứng vững trước những phong ba bão táp của cuộc đời. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************