Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Hai Tuần XXXI Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Pl 2, 1-4
“Anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, nếu có sự an ủi nào trong Đức Kitô, nếu có sự khích lệ nào trong đức mến, nếu có sự hiệp nhất nào trong Thánh Thần, nếu có lòng thương xót nào, thì anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau; chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh, hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình; mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 130, 1. 2. 3
Đáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.
Xướng:
1) Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn. – Đáp.
2) Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con. – Đáp.
3) Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời. – Đáp.
ALLELUIA: Mt 11, 29ab
-Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 14, 12-14
“Ông chớ mời các bạn hữu, nhưng hãy mời những người nghèo khó và tàn tật”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với thủ lãnh các người biệt phái đã mời Người rằng: “Khi ông dọn tiệc trưa hay tiệc tối, ông chớ mời các bạn hữu, anh em, bà con và những người láng giềng giàu có, kẻo chính họ sẽ mời lại ông mà trả ơn cho ông. Nhưng khi ông dọn tiệc, ông hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù, thì ông sẽ được phúc, bởi họ không có gì đền ơn cho ông: vì chưng, khi những người công chính sống lại, ông sẽ được đền ơn”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
31/10/2022 – THỨ HAI TUẦN 31 TN
Lc 14,12-14
TRONG NGÀY KẺ LÀNH SỐNG LẠI
“Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14,14)
Suy niệm: “Tình yêu vô điều kiện (agape) không yêu người khác vì họ xứng đáng. Tình yêu vô điều kiện ấy làm cho họ xứng đáng bằng sức mạnh và quyền năng của tình yêu. Tình yêu vô điều kiện không yêu người khác vì họ xinh đẹp, nhưng yêu theo cung cách ấy làm họ trở nên xinh đẹp” (R. Bell). Ta sẽ không có cơ hội tổ chức tiệc tùng với khách mời là người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Lời Chúa không hiểu theo nghĩa đen mặt chữ, nhưng mời gọi ta đi vào tinh thần người môn đệ Đấng Phục sinh: sống ý hướng vô vị lợi, vô cầu trong mọi hành xử của mình. Chỉ có tình yêu theo kiểu agape ấy mới giúp ta sống cung cách vô điều kiện, bởi vì ta hướng đời mình đến thời cánh chung: được Chúa đáp lễ trong ngày kẻ lành sống lại.
Mời Bạn: “Agape, tình yêu của ta dành cho người khác, từ người gần nhất đến người xa nhất, thật sự là cách duy nhất Đức Giê-su ban cho ta để tìm thấy con đường cứu độ và các mối Phúc” (Đức Phanxico). Lâu nay bạn yêu thương theo cảm xúc, sự gắn bó, tình thân thiết; bạn thi ân mong được đền đáp cách nào đó. Lời Chúa hôm nay phải tạo một quyết tâm, dấu ấn cho đời Ki-tô hữu của mình.
Sống Lời Chúa: Tôi tập cho đi, ban tặng, nâng đỡ người nghèo khó, khuyết tật, bị gạt bên lề xã hội hơn là cho người thân quen của mình, để tập sống tình yêu vô vị lợi agape như Chúa dạy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn dành cho người yếu thế trong xã hội lòng yêu thương, sự quan tâm đặc biệt. Xin dạy con thực thi tình yêu vô vị lợi như Chúa đã nêu gương. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
“Bánh ít đi, bánh quy lại” hay “Có đi có lại mới toại lòng nhau”:
đó vẫn được coi là cách cư xử bình thường giữa người với người.
Hơn nữa ai làm như vậy còn được coi là người biết cách xử thế.
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Đức Giêsu mời ta vượt lên trên lối cư xử đó,
không ngừng lại ở chỗ tôi cho anh, để rồi anh cho tôi (do ut des).
Ngài dạy cho ông chủ tiệc biết nên mời ai và không nên mời ai.
Có bốn hạng người không nên mời dự tiệc:
bạn bè, anh em, bà con họ hàng, hay láng giềng giàu có.
Ngài đưa ra lý do: “kẻo họ mời lại ông, và ông được đáp lễ” (c.12).
Hơn nữa, Ngài còn nói đến bốn hạng người nên mời dự tiệc:
những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù (c.13).
Đức Giêsu khuyên nên mời những hạng người này,
vì họ không có khả năng mời lại hay đáp lễ (c.14).
Như thế Đức Giêsu cho ta tiêu chuẩn để mời khách dự tiệc.
Không mời những người quen biết, thân thích, giàu sang,
để mời những người nghèo hèn, những kẻ chẳng được ai mời.
Qua đề nghị khó thực hiện này của Đức Giêsu,
Ngài đụng đến một khuynh hướng tự nhiên mà ít người để ý.
Đó là khi làm điều tốt cho ai
ta cũng mong được hoàn trả cách này cách khác.
Có khi mong được trả lại tương đương hay hậu hỹ hơn.
Có khi mong trả lại bằng một bia đá ghi công hay một lời tri ân đơn giản.
Nói chung để làm một hành vi hoàn toàn vô vị lợi là điều rất khó.
Chỉ ai thành thật đi vào lòng mình mới thấy mình ít khi cho không.
Đức Giêsu muốn hạn chế khuynh hướng này.
Ngài mời chúng ta ra khỏi thế giới của những người quen biết,
không kết thân với những người giàu có và thế lực,
để mong họ đem lại lợi nhuận hay làm ô dù cho ta.
Ngài đưa ta đến với những người nghèo và không có địa vị,
những người không có khả năng mời lại hay đáp lễ.
Có khi những người đó chẳng ở đâu xa.
Họ nằm ngay trong số bạn hữu, bà con, anh em, hay hàng xóm.
Khi mời họ dự tiệc, trân trọng họ như khách quý,
chúng ta làm sống lại những mối tương quan tưởng như không còn.
Đức Giêsu mời ta thanh luyện ý hướng của mình khi làm điều tốt,
trở nên siêu thoát và từ bỏ những tìm kiếm tự nhiên quy về mình.
Bài Tin Mừng đơn sơ này có thể tạo một bước ngoặt trong đời Kitô hữu.
Chúng ta sẽ được nếm một mối phúc mới:
Phúc cho ai làm một việc tốt mà không được ai biết đến và đáp lễ.
Họ sẽ được Thiên Chúa “đáp lễ” trong ngày phục sinh (c. 14).
Cầu nguyện:
Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,
xin dạy con biết sống quảng đại,
biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,
biết cho đi mà không tính toán,
biết chiến đấu không ngại thương tích,
biết làm việc không tìm an nghỉ,
biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào
ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
31 THÁNG MƯỜI
Ơn Hiệp Nhất
Trong ý nghĩa sâu xa nhất, sự hiệp nhất của Giáo hội là một hồng ân của Chúa Cha qua Chúa Kitô. Ngài là “nguồn mạch và trung tâm của mối hiệp thông Giáo Hội” (ibid. 20). Chính Chúa Kitô chia sẻ cho chúng ta Thánh Thần của Người, và Thánh Thần “ban sự sống, sự hiệp nhất và làm sống động toàn thân” (GH 7).
Sự hiệp nhất thâm sâu này được Thánh Tông Đồ Phao-lô diễn tả cách tuyệt vời: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng bởi ơn gọi của anh em; chỉ có một Chúa, một niềm tin, một Phép Rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 4 – 6). Những lời ấy thật hùng hồn và kích cảm biết bao! Thật vậy, những lời ấy cho thấy nhiệm vụ của Giáo Hội qua mọi thời đại và mọi thế hệ. Nhiệm vụ thiêng liêng của Giáo Hội là gìn giữ sự hiệp nhất này, và nhiệm vụ này không bao hàm gì khác hơn là trung thành trọn vẹn với Chúa của mình. Giáo Hội phải nỗ lực để tái lập sự hiệp nhất này ở bất cứ nơi nào mà nó đã bị suy yếu hay đã gãy đổ.
Trung tâm mối hiệp nhất của Giáo Hội là chính Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Ngài là “viên đá góc” (Mt 21,42) của toà nhà Thiên Chúa tức là Giáo Hội (1Cr 3,9). Là “viên đá góc” của dân mới Thiên Chúa, của toàn thể nhân loại đã được cứu chuộc, Đức Kitô hiện diện trong cộng đoàn Thánh Thể. Ngài dẫn chúng ta đến với chính Ngài. Và Ngài hiệp nhất chúng ta lại với nhau trong Ngài.
Chúng ta hãy lắng nghe lời nguyện hiến tế trong bữa Tiệc Ly. Ngài thưa cùng Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha chí Thánh, xin gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11).
Chúa Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa Cha, và Người vốn đã bộc lộ ‘danh’ của Chúa Cha cho các môn đệ Người. Vì Người sẽ không còn ở “trong thế gian” với họ nữa, Người xin Chúa Cha gìn giữ họ hiệp nhất trong sự nhận biết lời đã được ban cho họ (Ga 17,14). Đối tượng số một của lời Người cầu nguyện là sự hiệp nhất của những kẻ Người đã chọn, đó là các Tông Đồ. Nhưng Chúa Giêsu mở rộng đối tượng ấy tới tất cả những ai sẽ đi theo Người qua mọi thời. Người thốt lên: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một” (Ga 17, 20 – 21).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 31/10
Pl 2, 1-4; Lc 14, 12-14.
Lời Suy Niệm: “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
Với lời đề nghị này của Chúa Giêsu. Trong chương bốn Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội ở số 182 Giáo Hội mời gọi sự chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo. Muốn vậy, mõi người cần phải tái xác nhận cách mạnh mẽ sự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo. sự lựa chọn ấy không những ảnh hưởng trên đời sống của mỗi Kitô hữu, mà còn ảnh hưởng đến các trách nhiệm xã hội chúng ta, và từ đó, ảnh hưởng đến cách sống và quyết định hợp lý của chúng ta liên quan tới việc làm chủ và sử dụng của cải.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con hưởng ứng lời mời gọi của Giáo Hội: “Dành mọi ưu tiên cho người nghèo” Để mỗi người chúng con biết sử dụng của cải của mình được tốt hơn, đem lại sự sống đời đời cho chúng con.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
31 Tháng Mười
Một Ngày Ðể Nhớ Ðến Thần Dữ
Hôm nay ngày cuối tháng 10. Buổi chiều ngày cuối tháng 10 được người Mỹ và các nước chịu ảnh hưởng của Mỹ gọi là Halloween, nghĩa là vọng lễ các thánh.
Có lẽ do những rơi rớt còn lại của một ngày lễ ngoại giáo bắt nguồn từ thời những người Celtic trước Công nguyên, ngày vọng lễ các thánh mang màu sắc ảm đạm ma quái.
Trong các cửa tiệm, hàng hóa được trưng bày một khung cảnh quái dị: những hình nộm được tô vẽ với một bộ mặt của thần chết, những màng nhện trắng xóa giăng mắc khắp nơi, những đồ chơi trẻ em cũng được khoác lên những nét kinh hãi quái dị. Trên màn ảnh truyền hình cũng như tại các rạp chiếu bóng, đa số các phim trình chiếu đều mang nội dung quái đản, kinh dị. Buổi tối ngày Halliween, thanh niên thiếu nữ thường cải trang thành ma quái để đi từng nhà ca hát và kể cho nhau nghe chuyện ma quái.
Phải chăng mỗi năm người ta dành một ngày để nhắc nhở về sự hiện hữu và tác quái của thần dữ? Nhưng liệu con người ngày nay còn ý thức được tội lỗi và sự tác động củ thần dữ không?
Thi sĩ Baudelaire của Pháp đã có lần nói: “Sự thành công của ma quỷ là thuyết phục được con người rằng nó không hiện hữu”.
Với những khám phá mới trong ngành tâm lý học cũng như bệnh lý học, người ta cho rằng tất cả những vụ quỷ ám mà Kinh thánh nói đến chỉ là những hiện tượng tâm lý bệnh hoạn mà ngày nay khoa học có thể tìm ra nguyên nhân. Với luận điệu ấy, con người ngày nay tự hào đã loại trừ ma quỷ ra khỏi cuộc sống.
Có lẽ ngày nay, người ta ít có dịp chứng kiến những vụ quỷ ám nhãn tường như Thánh kinh đã ghi lại. Tuy nhiên, dù muốn dù không, không ai có thể chối cãi được một sức mạnh luôn cày xéo tâm hồn con người, luôn lôi kéo con người đến chỗ tự hủy và hủy diệt lẫn nhau. Mãi mãi câu nói của thánh Phaolô vẫn đúng cho kinh nghiệm của mỗi người: “Ðiều thiện tôi muốn làm thì tôi không làm, điều ác tôi không muốn là, thì tôi lại làm”. Có một sức mạnh vô hình nào đó luôn khuyến dụ, luôn lôi kéo con người vào tội ác… Thánh Phêrô hẳn không thể nào quên được lời cảnh cáo của Chúa Giêsu: “Hỡi Satan, hãy tránh khỏi mặt Ta”. Trong lá thư đầu tiên gửi cho các tín hữu, vị Giáo Hoàng đầu tiên đã nhắn nhủ: “Hãy tỉnh thức luôn. Kẻ thù của anh em là ma quỷ như sư tử luôn gầm thét lượn quanh, tìm mồi để cắn xé. Anh em hãy chống cự và kiên vững trong Ðức Tin”.
Là người tín hữu, chúng ta không ngừng cầu nguyện bằng chính lời Kinh của Chúa Giêsu: “Xin cứu chúng con khỏi ác thần”. Ước gì lời Kinh ấy luôn nhắc nhở chúng ta về sự tác động liên lỉ của ma quỷ trong cuộc sống của từng người chúng ta. Nhưng chúng ta không phải hãi sợ bởi vì chúng ta không chiến đấu một mình mà cùng với và bằng chính sức mạnh của Ðấng đã nói: “Ðừng sợ hãi, vì Ta đã thắng thế gian”.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai – Tuần 31 – TN2
Bài đọc: Phil 2:1-4; Lk 14:12-14.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống tinh thần bác ái của Đức Kitô
Nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng suy xét thật cẩn thận trước khi làm các việc thiện nguyện trong cộng đòan hay bác ái xã hội. Họ tính tóan xem những công việc này có đem lại những lợi ích cho cá nhân hay cộng đòan của họ; chẳng hạn: cho đi với hy vọng sẽ nhận lại, bố thí để tìm hư danh, chỉ đi cầu nguyện cho người chết nào mà mình hy vọng cũng sẽ được gia đình người chết đến cầu nguyện cho khi mình chết. Các Bài đọc hôm nay đề nghị chúng ta thay đổi hòan tòan những tính tóan ích kỷ này. Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô liệt kê những thái độ cần có và việc làm cần thực hiện để sống đức bác ái tuyệt hảo theo gương Đức Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên cần làm ơn cho những người không thể trả ơn đời này; nhưng chính Chúa sẽ giúp họ trả ơn cho chúng ta đời sau.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Duy trì sự hiệp nhất trong tinh thần khiêm nhường.
Thánh Phaolô có lẽ đã có kinh nghiệm nhiều về sự ghen tương, bất hòa, chia rẽ trong các cộng đòan ngài giúp để thành lập. Điều băn khoăn của ngài là làm sao thuyết phục các tín hữu bỏ đi những tật xấu đã ăn sâu vào cuộc đời các tín hữu? Ngài tìm ra chìa khóa duy nhất để giải quyết vấn đề là niềm tin vào Đức Kitô. Theo cách cấu trúc câu, ngài liệt kê liên tục 4 mệnh đề “nếu;” và 4 mệnh đề hậu quả theo sau sẽ tương xứng với 4 mệnh đề “nếu” này. Để dễ phân tích, chúng ta sẽ gom chung chúng lại một trước khi phân tích:
(1) Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ. Theo thần học về thân thể của Thánh Phaolô, mọi người đều là những chi thể được liên kết trong cùng một thân thể của Giáo Hội, với Đức Kitô là Đầu. Nếu chỉ có một Đầu là Đức Kitô thì chuyện có cùng một cảm nghĩ (froneo = suy nghĩ) là điều tất yếu.
(2) Nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, hãy có cùng một lòng mến. Bác ái Kitô Giáo phát xuất từ Thiên Chúa lan qua Đức Kitô, và chảy xuống mọi người. Chính Đức Kitô đã xác nhận điều này: “Như Cha đã yêu Thầy thể nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Jn 15:9). Sau đó, Chúa đòi các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Jn 15:12). Như thế, chỉ có một lòng mến (agape) đến từ tình yêu Thiên Chúa.
(3) Nếu chúng ta được hiệp thông trong Thánh Thần, hãy có cùng một tâm hồn (sumpsukos = liên kết trong cùng một tinh thần). Chữ Hy-Lạp dùng ở đây là danh từ kép: “sum = cùng” và “psukos = tinh thần.” Nếu tất cả đều nghe theo sự hướng dẫn của cùng một Thánh Thần, tập thể sẽ hòa điệu và liên kết chặt chẽ với nhau trong cùng một tinh thần. Tinh thần đồng đội hay tinh thần ái quốc là những ví dụ điển hình của sự liên kết tinh thần này.
(4) Nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, hãy có cùng một ý hướng (to en fronountes) như nhau. Động từ dùng ở đây giống như động từ trong trường hợp (1), điểm khác biệt là ở chỗ là động từ dùng ở thời hiện tại phân từ và dùng với tĩnh từ “en.” Có lẽ trong trường hợp (1), Thánh Phaolô muốn nhấn mạnh tới một Đầu là Đức Kitô, và trong (4), ngài muốn nhấn mạnh tới một thân thể.
Nếu các Kitô hữu đã được tháp nhập vào trong cùng một thân thể của Đức Kitô, họ có bổn phận xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô bằng cách: “không được làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.”
2/ Phúc Âm: Làm ơn cho những người không có gì để trả.
2.1/ Hai thái độ sống: công bằng và bác ái:
(1) Lợi nhuận của người đời: “Ăn miếng trả miếng. Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.” Một ví dụ thực tế Chúa đưa ra hôm nay: Khi mở tiệc đãi khách, con người thường có khuynh hướng mời bạn bè, anh em, bà con, hoặc láng giềng giàu có, để đáp lễ hay hy vọng sẽ nhận được gì từ họ. Cách cư xử như thế mới chỉ là công bằng mà thôi.
(2) Bác ái của người môn đệ Chúa Kitô: “Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
2.2/ Tại sao phải giúp đỡ người nghèo khổ? Vì chúng ta cũng đã từng nhận ơn trong những lúc gian nan tuyệt vọng. Chỉ cần hồi tưởng lại quá khứ đôi chút, chúng ta cũng nhận ra đã không biết bao lần chúng ta đã từng nhận ơn nhưng không từ:
(1) Thiên Chúa: Ngài cho chúng ta có mặt trong cuộc đời, cho chúng ta hưởng tất cả những gì không do tay chúng ta làm ra, tha thứ tội lỗi khi chúng ta xúc phạm đến Ngài, và không ngừng gởi những người giúp đỡ tinh thần cũng như vật chất khi chúng ta cần đến… Chúng ta đã trả ơn được gì cho Ngài?
(2) Tha nhân: Nếu không có các quốc gia mở lòng nhân đạo nhận người vào định cư, nếu không có các Hội Từ Thiện giúp đỡ những ngày chân ướt chân ráo đến định cư nơi đất khách quê người, làm sao chúng ta có thể sống ổn định như ngày hôm nay? Chúng ta đã trả lại được gì cho họ?
Vì chúng ta đã từng nhận nhưng không nên việc cho đi nhưng không là điều phải làm để đền ơn những gì chúng ta đã lãnh nhận trong cuộc đời. Chưa chắc chúng ta đã đền trả đủ theo đức công bằng chứ chưa nói tới chuyện bác ái!
2.3/ Làm cho anh chị em túng nghèo là làm cho chính Chúa: May mắn cho chúng ta là những người được Chúa mặc khải trước cho biết tiêu chuẩn Chúa dùng để phán xét trong Ngày Tận Thế: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy… và mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40, 45). Như thế, có thể nói đức bác ái là yếu tố quyết định để chúng ta vào hưởng nhan thánh Chúa hay sa hỏa ngục.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Để có thể sống đức bác ái trọn hảo, chúng ta phải để Chúa Kitô thấm nhuần tòan bộ con người: từ tư tưởng, suy luận, cảm nghĩ, đến hành động.
– Để có thể cho đi nhưng không, cần xét mình thường xuyên để đánh giá những gì mình đã nhận nhưng không nơi Thiên Chúa và tha nhân.
– Để có thể giúp đỡ tất cả mọi người, phải tập nhìn thấy Chúa trong tha nhân. Đừng bao giờ quên đây là tiêu chuẩn Thiên Chúa sẽ dùng để phán xét. Nếu đã biết trước tiêu chuẩn mà vẫn không chịu làm theo; có sa hỏa ngục cũng là tự do lựa chọn của con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************