Ngày thứ năm (01-02-2024) – Trang suy niệm

31/01/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm đầu tháng. Tuần 4 Thường Niên

BÀI ÐỌC I: 1 V 2, 1-4. 10-12

“Cha sắp bước vào con đường chung của thiên hạ; Salomon, con hãy can đảm và ăn ở xứng danh nam nhi”.

Bài trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Gần ngày băng hà, Ðavít truyền cho Salomon, con trai của ông rằng: “Cha sắp bước vào con đường chung của thiên hạ. Con hãy can đảm, và ăn ở xứng danh nam nhi. Con hãy tuân giữ các huấn lệnh của Chúa là Thiên Chúa con, hãy đi trong đường lối của Người, hãy tuân giữ các lễ nghi, giới răn, thánh chỉ và giáo huấn của Người như đã ghi chép trong Luật Môsê, ngõ hầu con đi đâu, con cũng hiểu biết mọi việc con làm, để Chúa hoàn thành lời Người đã nói về cha rằng: “Nếu con cái ngươi tuân giữ đường lối của chúng và hết lòng hết trí đi trước mặt Ta trong chân lý, thì ngươi sẽ không bao giờ mất người kế vị trên ngôi báu Israel”. Vậy vua Ðavít yên giấc với các tổ phụ và được mai táng trong thành Ðavít. Ðavít làm vua Israel được bốn mươi năm: tại Hebron, ngài cai trị bảy năm; tại Giêrusalem, ngài cai trị ba mươi ba năm. Còn Salomon lên ngôi Ðavít cha ngài, và triều đại ngài rất vững bền.

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: 1 Sb 29, 10. 11ab. 11d-12a. 12bcd

Ðáp: Chúa thống trị trên tất cả mọi loài (c. 12b).

1) Ðavít đã chúc tụng Chúa trước mặt toàn thể cộng đồng, người thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, từ đời đời tới muôn muôn thuở”.

2) Lạy Chúa, cao sang, quyền bính và vinh quang, chiến thắng, lời ca khen đều thuộc về Chúa, vì tất cả những gì trên trời dưới đất là của Chúa.

3) Chúa ngự trên tất cả những đế vương. Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa.

4) Chúa thống trị trên tất cả mọi loài, sức mạnh quyền bính đều ở trong tay Chúa; ở trong tay Chúa, mọi uy phong và vững bền.

ALLELUIA: Ga 6, 64b và 69b

All. All. – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống: Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – All.

PHÚC ÂM: Mc 6, 7-13

“Người bắt đầu sai các ông đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

01/02/2024 – THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN

Mc 6,7-13

HÀNH TRANG NGƯỜI TÔNG ĐỒ

Đức Giê-su chỉ thị cho các [tông đồ] không được mang gì đi đường chỉ trừ cây gậy… (Mc 6,8)

Suy niệm: Các bộ tộc Eskimo thời xưa, khi chuẩn bị cuộc hành trình vượt ra khỏi vùng băng giá của sáu tháng mùa đông tại Bắc cực, phải hạn chế tối đa những đồ đạc cồng kềnh; chúng tuy cần thiết thật, nhưng cũng có thể làm cản trở, gây chậm trễ khiến họ không thể kịp đến vùng đất có nắng ấm của mặt trời. Liên hệ với kinh nghiệm đó, chúng ta hiểu được “chỉ thị” của Đức Giê-su khi sai các tông đồ đi rao giảng: Chỉ có cây gậy làm hành trang, ngoài ra “lương thực, tiền bạc, giầy dép, áo quần…”, những thứ đó, tuy rất cần thiết cho đời sống thường ngày, nhưng không phải là điều cốt lõi của sứ vụ tông đồ; trái lại điều họ phải có và phải làm là có Chúa ở với họ để họ loan báo Tin Mừng bình an và rao giảng Triều đại của Thiên Chúa đã đến gần. Một khi quá bị vướng bận hoặc cậy dựa vào của cải vật chất, thế lực trần gian, người tông đồ dễ dàng đánh mất ơn gọi và sứ mạng của mình.

Bạn Ki-tô hữu thân mến, khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, bạn được Chúa trao sứ mạng làm tông đồ. Nếu bạn chờ đến khi bạn rảnh rỗi hay có đủ phương tiện bạn mới lên đường, thì có thể suốt đời, bạn sẽ không bao giờ có cơ hội đó. “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Chúa hối thúc bạn làm tông đồ ngay bây giờ và trong đời sống thường ngày bằng cách biến từng lời nói việc làm thành hành động loan báo Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Mỗi sáng thức dậy, bạn suy niệm một câu Lời Chúa và quyết tâm sống Lời đó trong ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết từ bỏ những gì cản trở cho sứ mạng tông đồ để con luôn sẵn sàng lên đường loan báo Tin Mừng cho anh em.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Đức Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai
để họ ở với Ngài và để được Ngài sai đi rao giảng và trừ quỷ (Mc 3, 14-15).
Bây giờ, sau một thời gian sống gần gũi bên Thầy,
đã đến lúc họ được sai đi để làm những điều họ thấy Thầy làm:
kêu gọi người ta hoán cải, trừ quỷ, xức dầu chữa bệnh nhân (cc. 12-13).
Các môn đệ trở nên cánh tay nối dài của Thầy.
Họ được Thầy Giêsu tin tưởng cho chia sẻ cùng một sứ mạng.

Các môn đệ mang gì khi lên đường?
Một lệnh sai đi, một người bạn đồng hành, một quyền lực trên thần ô uế.
Đức Giêsu cho phép họ mang một cái gậy và đôi dép để đi đường xa.
Tất cả hành trang chỉ có thế!
Những thứ bị cấm mang khi đi đường
là những thứ vốn tạo ra sự bảo đảm hay dư thừa không cần thiết:
lương thực, bao bị, tiền giắt lưng, hai áo trong.
Như thế người được sai đi phải hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa lo liệu,
và phải hoàn toàn cậy dựa vào lòng tốt mỗi ngày của tha nhân.

Nhẹ nhàng, đơn sơ là thái độ của người luôn sẵn sàng ra đi.
Siêu thoát, vô vị lợi là thái độ của người không dính bén với vật chất.
Người tông đồ cũng không dính bén đến cơ sở hay tiện nghi.
Họ không tìm cách đổi chỗ ở để có chỗ tốt hơn (c. 10).
Hơn nữa họ chấp nhận sự thất bại, sự từ chối không muốn đón tiếp (c.11),
vì chính Thầy của họ cũng đã chịu cảnh ngộ tương tự ở quê nhà.

Nhóm Mười Hai đã ra đi theo lệnh Thầy Giêsu
và đã làm được những điều họ không dám mơ (cc. 12-13).
Họ đã học được kinh nghiệm về tin tưởng, khó nghèo, siêu thoát.
Họ đã thấy sức mạnh của Nước Trời đang thu hẹp lại mảnh đất của Satan.
Họ đã đem lại niềm vui cho bệnh nhân và người khao khát Tin Mừng.

Giáo Hội mọi thời vẫn được nhắc nhở từ đoạn Lời Chúa trên đây.
Chẳng ai giữ từng chữ của bản văn, nhưng tinh thần thì không được bỏ.
Sự nhẹ nhàng, cơ động của một Giáo Hội đến phục vụ con người,
luôn kéo chúng ta ra khỏi những nặng nề, trì trệ dễ vướng phải.
Hôm nay Chúa cho phép tôi được mang gì
và cấm tôi mang gì?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên đuờng
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm đuợc những gì Chúa đã làm:
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành những người ốm đau.

Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm đuợc viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

Xin ban cho chúng con khả năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.
Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ
của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đuờng,
nhẹ nhàng và thanh thoát.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

1 THÁNG HAI

Sức Mạnh Giấu Ẩn Trong Sự Bất Lực

Thiên Chúa hiện diện ở giữa mọi nền văn hóa của con người, bởi vì Ngài hiện diện nơi chính con người – là tạo vật mà Ngài đã dựng nên theo hình ảnh Ngài. Thiên Chúa không ngừng hiện diện nơi những ai – bằng kinh nghiệm và bằng cảm hứng của mình – đóng góp vào việc hình thành những giá trị, những tập tục và những cơ chế làm nên di sản văn hóa của toàn thế giới này.

Nhưng vị Vua Vinh Hiển còn muốn đi vào trong những nền văn hóa này bằng một cách thế trọn vẹn hơn nữa. Ngài muốn đi vào trong cung lòng của bất cứ ai sẵn sàng mở rộng để đón nhận Ngài: “Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên! Cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào!” Trong biến cố dâng Đức Giêsu vào đền thờ, Thiên Chúa đã vào đền thánh của Ngài trong tư cách là “Vua Vinh Hiển”.

Nhưng – “Đức Vua vinh hiển đó là ai?” (Tv 24, 7 – 8). Lễ Dâng Chúa Giê-su Vào Đền Thờ trao cho chúng ta câu trả lời. Chúng ta nhìn ngắm Maria và Giu-se ẵm một hài nhi vào đền thờ Giê-ru-sa-lem. Hôm ấy là bốn mươi ngày sau biến cố hài nhi chào đời.

Và hai người đã trình diện hài nhi cho các tư tế trong đền thờ để chu toàn lề luật. Nhưng, với thái độ tuân phục ấy, hai người đang chu toàn một cái gì đó còn hơn cả lề luật. Mọi sấm ngôn thuở xưa giờ đây đang được hiện thực trọn vẹn, vì Maria và Giu-se đang mang vào đền thờ “ánh sáng của mọi dân tộc.”

Thiên Chúa đi vào đền thánh không phải trong tư cách của một đấng quyền lực mạnh mẽ, nhưng là trong dáng dấp của một em bé trên đôi cánh tay mẹ mình. Vua Vinh Hiển không đến trong uy phong lẫm liệt của nhân loại, không rình rang đình đám ồn ào. Ngài không gây giật gân, khiếp hãi. Ngài vào đền thờ vẫn với cung cách như khi Ngài vào thế giới: là một bé thơ. Ngài vào đền thờ trong lặng lẽ, nghèo hèn, và hiện diện với Ngài là những kẻ nghèo hèn và những người khôn ngoan.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 01/2

1V 2, 1-4. 10-12; Mc 6, 7-13

Lời Suy Niệm: “Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ.” (Mc 6,7).

Ngay từ đầu, khi Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai ra đi giảng đạo, Người đã khai mở cho các Tông Đồ về Khái niệm Hiệp Hành, từng hai người cùng đi với nhau, được ban cho đặc quyền là trừ được quỷ. Chính nhờ biết hiệp hành mà các Tông Đồ đã trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.

Lạy Chúa Giêsu, ngày hôm nay Giáo Hội của Chúa cũng đang kêu mời mọi thành phần trong Dân Chúa phải biết “Hiệp Hành”. Với tinh thần hiệp hành sẽ giúp tất cả cùng nhau biết lằng nghe tiếng Chúa, biết lắng nghe nhau, biết tôn trọng lẫn nhau, để rồi tin vào thiện chí của nhau trong việc xây dựng Giáo Hội. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

01 Tháng Hai

 Rừng Mắm  

Trong một chuyện ngắn mang tựa đề “Rừng Mắm”, cố văn sĩ Bình Nguyên Lộc đã giải thích về ích lời của cây mắm qua mẩu đối thoại sau đây giữa hai ông cháu:

– Cây mắm sao con không nghe nói đến bao giờ?

– Con không nghe nói vì cây mắm không dùng được để làm gì hết, cho đến làm củi chụm lửa cũng không được nữa là.

– Vậy trời sinh nó làm chi mà vô ích dữ vậy ông nội, lại sinh ra hằng hà sa số như là cỏ vậy?

Bờ biển này mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước, phù sa là đất bùn mềm lũn và không bao giờ thành đất thịt để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một mai kia, cây mắm sẽ ngã rạp, giống tràm sẽ nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được. Thấy thằng cháu nội ngơ ngác chưa hiểu, Ông cụ vịn vai nó nói tiếp: “Ông với tía, má con là cây mắm, chân giam trong bùn. Ðời con là tràm, chân vẫn còn lắm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau. Ðời cây mắm tuy vô ích nhưng không uổng đâu con”. 

Mỗi lần nhìn lại thời gian đã qua, chúng ta thường tự hỏi: “Tôi đã làm gì được cho tôi, cho quê hương, cho Giáo Hội?”. Ý nghĩ về sự vô tích sự của mình có thể tạo nên trong tâm hồn chúng ta mỗi chua xót, đắng cay, thất vọng. 

Chúng ta hãy nhìn lại của đất phù sa và cây mắm trong câu chuyện trên đây. Cần phải có cây mắm, đất phù sa mới trở thành đất thịt, để rồi từ đó cây tràm và các laọi câu khác mới có thể mọc lên. 

Mỗi một người sinh ra trên cõi đời này, dù tàn tật, dù dốt nát và xấu xa đến đâu, cũng có thể là một thứ cây mắm, cây tràm để cho đất đai trở thành màu mỡ, nhờ đó những cây ăn trái mới có thể vươn lên. 

Ước gì ý nghĩa ấy giúp chúng ta có một cái nhìn lạc quan hơn về quá khứ, về chính bản thân của chúng ta. Trong Tình Yêu Quan Phòng của Chúa, mỗi người đều có một chỗ đứng trong lịch sử nhân loại và đều có một giá trị bổ túc cho những thiếu sót của người khác. 

Với ý nghĩ ấy, còn tâm tình nào xứng hợp hơn trong giây phút này cho bằng tri ân, cảm mến đối với Thiên Chúa Tình Yêu? Cảm tạ Ngài đã tạo dựng nên chúng ta, cảm tạ ngài đã ban chúng ta được phục vụ Ngài, cảm tạ Ngài đã cho chúng ta được hữu dụng trong Tình Yêu Quan Phòng của ngài.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm – Tuần 4 – TN2

Bài đọc: I Kgs 2:1-4, 10-12; Mk 6:7-13.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vâng lời những gì Thiên Chúa dạy sẽ mang lại những kết quả lớn lao.             

            Để một người có thể hy sinh chấp nhận gian khổ, anh cần có một lý tưởng để theo đuổi. Chẳng hạn, người nhà nông sẵn sàng chấp nhận gian khổ nắng mưa, vì biết mùa gặt sẽ đến; hay người học sinh chấp nhận hy sinh các thú vui để rèn luyện sách đèn, vì biết sẽ có ngày ra trường thành tài.

            Các bài đọc hôm nay xoay quanh đích điểm cuộc đời của người Kitô hữu. Trong bài đọc I, vua cha Đavid, sau khi đã trải qua mọi sự trong cuộc đời, muốn truyền lại cho con là Solomon hai điều: kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ những gì Ngài dạy. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng Tin Mừng. Ngài dặn các ông đừng chú trọng quá nhiều đến của cải vật chất và lợi lộc trần gian, để có nhiều thời giờ cho việc rao giảng Tin Mừng và chữa lành con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC

1/ Bài đọc I: “Hãy tuân giữ các huấn lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa của con.”

            1.1/ Phải biết kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ những gì Ngài dạy dỗ.

            (1) Kinh nghiệm của cha mẹ là kho tàng khôn ngoan vô giá: Tục ngữ Việt-nam dạy: “Cá không ăn muối cá ươn; con cãi cha mẹ trăm đường con hư.” Khi dạy những lời này, chắc chắn cha mẹ đã dùng những kinh nghiệm huy hoàng cũng như đau thương của mình, để truyền lại cho con cái, vì họ yêu thương con cái. Đọc trình thuật của vua Đavid hơn tuần qua, một người nhận ra ngay vua Đavid đã có quá nhiều kinh nghiệm thành công cũng như đau thương trong cuộc đời. Khi vua đi theo đường lối của Thiên Chúa, vua gặt hái được hết thành công này đến thành công khác. Khi vua lầm lẫn làm theo ý mình, biết bao đau thương đã xảy ra cho cá nhân, gia đình và quốc gia. Giờ đây khi sắp từ giã cuộc đời, vua muốn truyền hết kinh nghiệm cho con mình là Solomon. Vua Đavid hy vọng Solomon sẽ không lầm lẫn đi vào bước chân tội lỗi của vua; nhưng luôn biết kính sợ và vâng lời Thiên Chúa.

            (2) Những thái độ hiểu biết sai lầm về những lời dạy dỗ của Thiên Chúa và của cha mẹ: Nhiều người nông nổi cho rằng nếu làm theo những lời dạy dỗ này, họ sẽ bị hạ giá hay tự do của họ sẽ bị giới hạn; nhưng kinh nghiệm cho thấy nếu không làm theo, họ sẽ phải trả một giá đắt để học được kinh nghiệm của cha mẹ. Luật lệ của Thiên Chúa ban ra vì Ngài yêu thương và muốn bảo vệ con người. Có người ví luật lệ như hàng rào để bảo vệ con người khỏi những nguy hiểm từ bên ngoài đưa tới; nếu con người vượt ra ngoài hàng rào luật lệ, đau khổ và chết chóc sẽ xảy đến cho con người. Luật lệ của Thiên Chúa không giới hạn tự do của con người; nhưng bảo vệ và chỉ đường cho con người để đừng rơi vào bẫy của quỷ và làm nô lệ cho chúng.

            1.2/ Tuân giữ những gì Thiên Chúa dạy sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp.

            (1) Thành công trong mọi công việc: Thiên Chúa là Người duy nhất thấy được mọi sự tương lai; đó là lý do Ngài truyền cho con người những gì phải làm để bảo đảm thành công và tránh khỏi mọi nguy hiểm. Nếu con người chịu vâng lời Thiên Chúa, họ sẽ “thành công trong mọi việc họ làm và trong mọi hướng họ đi;” nhưng nếu họ cãi lời Thiên Chúa và làm những gì họ nghĩ, tai ương và đau khổ chắc chắn sẽ xảy ra, như đã từng xảy ra cho Đavid và các nhân vật trong lịch sử. Trình thuật hôm nay kết thúc bằng câu “vua Solomon ngự trên ngai vua Đavid, thân phụ ông và vương quyền của ông thật là vững chắc,” như một lời bảo đảm cho Solomon nếu ông theo lời vua cha và đi trong đường lối của Thiên Chúa.

            (2) Lời hứa của Thiên Chúa sẽ không bao giờ vô hiệu: Đọc lịch sử Cựu Ước, Thiên Chúa đã làm nhiều giao ước với các tổ-phụ và Ngài không bao giờ vi phạm. Trong giao ước với vua Đavid, Thiên Chúa hứa: “Nếu con cái ngươi sống cho phải đạo là hết lòng hết dạ bước đi trung thực trước nhan Ta, thì ngươi sẽ không bao giờ thiếu người ngự trên ngai Israel.” Giao ước thường bị vi phạm từ phía con người, qua việc họ không thi hành những gì Thiên Chúa truyền. Dù con người vi phạm nhiều lần, tình thương Thiên Chúa vẫn thắng vượt tội lỗi con người, Ngài tìm dịp để đưa con người ăn năn trở lại và giao ước được tiếp tục hiệu nghiệm.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi với hai lời truyền:

            2.1/ Hành trang mang theo trên đường rao giảng: “Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.”

            Có nhiều cách giải nghĩa lệnh truyền này của Chúa, nhưng trọng tâm của lệnh truyền là các tông-đồ phải dành mọi thời gian và nỗ lực cho việc rao giảng Tin Mừng, chứ không quá quan tâm và lệ thuộc vào đời sống vật chất. Chúa Giêsu mời gọi các ông sống tin tưởng trong sự quan phòng của Thiên Chúa, vì “thợ làm việc xứng đáng được thưởng công.” Ngài sẽ lo liệu đời sống vật chất của các ông qua tình thương của những người được thấm nhuần Tin Mừng. Hơn nữa, nếu các ông không mang hành lý nặng, các ông sẽ dễ dàng lên đường đi đến mọi nơi cần được sai tới.

            Cám dỗ về lợi lộc vật chất thường xuyên đe dọa những người rao giảng Tin Mừng. Nếu không biết chống trả, họ sẽ chỉ làm những việc gì mang lại lợi nhuận vật chất; chứ không rao giảng cách nhưng không như Chúa Giêsu đòi hỏi. Thay vì chú trọng đến phần rỗi linh hồn của đàn chiên, họ lại chú trọng đến lông chiên và thịt chiên. Khi người rao giảng bắt đầu chú trọng đến lợi nhuận vật chất, lời rao giảng của họ sẽ không còn hiệu quả nữa.

            2.2/ Thái độ của người rao giảng: “Người bảo các ông: Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”

            Cùng một lối giải thích như trên, người tông-đồ được sai đi là cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng, chứ không để tìm hư danh, uy quyền, hay các lợi lộc vật chất. Nếu người tông-đồ nhắm đến những điều sau này, anh sẽ dễ nản chí và di chuyển đến những nơi có lợi lộc hơn. Về phía người được nghe Tin Mừng, họ phải mở lòng đón nhận và tiếp đãi những người làm việc cho Chúa, để cả người gieo và người gặt đều được vui mừng trong mùa gặt.

            Những việc làm chính của các tông-đồ: (1) Rao giảng Tin Mừng và kêu gọi người ta ăn năn sám hối. (2) Trừ quỷ: Giúp con người thoát khỏi ảnh hưởng hay làm nô lệ cho quỷ thần, để sống đời sống thánh thiện theo tinh thần Phúc Âm đòi hỏi. (3) Xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh tật phần hồn cũng như phần xác.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG 

            – Chúng ta có một lý tưởng cao cả để theo đuổi là được đoàn tụ với Thiên Chúa và các Kitô hữu khác trên trời trong Ngày Cánh Chung. Để đạt được lý tưởng này, chúng ta cần hy sinh để chấp nhận mọi gian khổ trong việc loan báo và sống Tin Mừng. Chúng ta không thể bắt cá hai tay: vừa muốn được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa đời sau, vừa muốn tất cả các hưởng thụ đời này. Người muốn bắt cá hai tay có nguy hiểm sẽ mất tất cả.

            – Lời của Thiên Chúa là đèn soi cho chúng ta tất cả những nguy hiểm của cuộc đời. Chúng ta đừng khinh thường để rồi bị sa vào những chước cám dỗ của quỷ và làm nô lệ cho tội lỗi. Kinh nghiệm của cha mẹ và những người đi trước là những bài học quí giá cho chúng ta học hỏi, để khỏi phải trả giá nặng nề như họ.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************