Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Năm Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm chẵn
Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Trinh Nữ, Tiến sĩ Hội Thánh
BÀI ĐỌC I: Is 66, 10-14c
“Đây Ta khiến sông bình an chảy vào nó”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 130, 1. 2. 3
A+B=Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.
A=Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn.
B=Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con.
A=Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời.
A+B=Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.
ALLELUIA: x. Mt 11, 25 -Lạy Cha là Chúa trời đất, chúc tụng Cha, vì Cha đã mạc khải các mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 18, 1-4
“Nếu không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?” Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: “Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời”. Đó là lời Chúa.
————————————————
Lễ Thường Niên
BÀI ĐỌC I: G 19, 21-27
“Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống”.
Trích sách ông Gióp.
Ông Gióp nói: “Hỡi các bạn hữu của tôi, ít ra các anh cũng thương xót tôi, thương xót tôi, vì tay Chúa chạm đến tôi. Tại sao các anh như Thiên Chúa bắt bớ hành hạ tôi vậy, và tại sao các anh no chán thịt tôi? Có ai ghi chép giùm lời tôi, có ai viết nó vào sách, dùng bút sắt ghi trên lá chì, hay dùng đục chạm vào đá?
“Vì tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống và ngày sau hết tôi sẽ từ bụi đất sống lại, da sẽ bọc lại thân tôi, và trong xác thịt, tôi sẽ nhìn thấy Thiên Chúa tôi. Chính tôi sẽ nhìn thấy Người và mắt tôi sẽ trông thấy, chớ không phải ai khác: niềm hy vọng ấy đã chất chứa trong lòng tôi”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 26, 7-8a. 8b-9abc. 13-14
Đáp: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh (c. 13).
Xướng:
1) Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Về Chúa, lòng con tự nhắc lời: “Hãy tìm ra mắt Chúa”. – Đáp.
2) Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa, xin Chúa đừng ẩn mặt xa con, xin đừng xua đuổi tôi tớ Ngài trong thịnh nộ, Chúa là Đấng phù trợ con, xin đừng hất hủi con. – Đáp.
3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa. – Đáp.
ALLELUIA: 1 Pr 1, 25
Alleluia, alleluia! – Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 10, 1-12
“Sự bằng an của các con sẽ đến trên người ấy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.
“Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi’. Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: ‘Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần’. Thầy bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
01/10/2020 – THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Th. Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, trinh nữ, tiến sĩ HT
Mt 18,1-5
“NHỎ NHẤT” ĐỂ TRỞ NÊN “LỚN NHẤT” TRONG NƯỚC TRỜI
“Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.” (Mt 18,3)
Suy niệm: Các môn đệ theo Chúa Giê-su đã lâu, hẳn các ông đã nghe Ngài dạy rằng Nước Trời trổ sinh hoa trái nơi những ai sống khiêm nhường, đơn sơ, nhỏ bé…, và nhất là hằng ngày nhìn thấy mẫu gương sống hiền lành và khiêm nhường của Thầy, thế mà các ông vẫn tranh cãi hơn thua về địa vị đến nỗi phải cậy đến Thầy để làm trọng tài phân xử: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Một lần nữa, Chúa Giê-su khẳng định cho các ông rằng: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” Ngài muốn các ông phải tẩy trừ não trạng ham mê danh vọng, lợi lộc, chức quyền… theo kiểu thế gian và “tự hạ, trở nên nhỏ nhất như em nhỏ này” để trở nên “lớn nhất” trong Nước Trời.
Mời Bạn: Chúng ta đừng vội chê các môn đệ, bởi vì tham vọng của các ông cũng là tham vọng muôn thuở nơi con người chúng ta. Lắm khi chúng ta phục vụ xem ra rất nhiệt tình và vì lý tưởng siêu nhiên, nhưng một cách ngấm ngầm vô thức, chúng ta vẫn mong được tiếng khen, hay một địa vị danh dự nào đó. Con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh Tê-rê-xa chính là cách sống Lời Chúa hôm nay: chu toàn việc bổn phận trong tinh thần tự hạ khiêm tốn với tâm niệm: “Tôi là đầy tớ vô dụng, tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi làm một việc tự nguyện cụ thể để phục vụ anh chị em trong gia đình/cộng đoàn của tôi.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con” (Tv 16,4).
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Theo một tôn giáo thường được gọi là theo đạo.
Theo đạo là theo một con đường.
Ðiều này đặc biệt đúng đối với Kitô giáo (x. Cv 9,2).
Làm môn đệ Ðức Kitô là theo Ngài trên con đường Ngài đi,
con đường đất quanh co trong xứ Palestine
hay con đường đầy chông gai nhọc nhằn của sứ vụ.
Ðức Kitô chẳng những dạy Ðạo, Ngài còn là Ðạo (x. Ga 14,6).
Theo đạo là theo một ngôi vị hơn là theo một giáo lý.
Sống đạo là sống như Ngài, với Ngài, cho Ngài và trong Ngài.
Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện ba người muốn theo Chúa.
Chúng ta chẳng biết họ là ai,
cũng chẳng rõ cuối cùng họ có theo Chúa hay không,
nên mỗi người chúng ta dễ thấy mình nơi hình ảnh họ,
để rồi chúng ta phải đưa ra lời đáp trả riêng của mình.
Người thứ nhất hăng hái xin theo Ngài đi bất cứ nơi đâu.
Ðức Giêsu không giấu anh hoàn cảnh bấp bênh của mình.
Ngài sống cuộc đời phiêu bạt, không mái nhà để trú,
lúc nào cũng ở trong tư thế lên đường.
Chấp nhận theo Ngài là chịu bỏ mọi an toàn, ổn định,
là sống thân phận lữ khách trên mặt đất (x. 1Pr 2,11).
Theo Ngài là theo Ðấng có chỗ tựa đầu,
chỗ tựa đầu tiên là máng cỏ, chỗ tựa cuối là thập giá.
Cuộc sống nghèo làm Ngài tự do hơn, sẵn sàng hơn
trước những đòi hỏi bất ngờ của Cha và nhân loại.
Người thứ hai chấp nhận theo Chúa với điều kiện
cho anh về chôn cất người cha mới qua đời trước đã.
Anh muốn chu toàn bổn phận thiêng liêng của người con.
Ðức Giêsu coi trọng việc hiếu kính mẹ cha (x. Mt 15,3-9),
nhưng Ngài đòi anh dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng.
Câu trả lời của Ngài làm chúng ta bị sốc.
Loan báo Tin Mừng ư? Cần gì phải vội vàng đến thế!
Dầu sao cái sốc giúp ta nhận ra mình vẫn quen thờ ơ
trước một bổn phận thiêng liêng và hết sức cấp bách.
Người chết nằm xuống thật đáng kính trọng.
nhưng có bao người sống đang cần phục vụ khẩn trương.
Người thứ ba xin về từ giã gia đình trước đã.
Ðức Giêsu đòi anh dứt khoát thẳng tiến như người cầm cày,
không quay lại với những kỷ niệm quá khứ,
cũng không bị cản trở bởi những ràng buộc gia đình,
để tận tâm tận lực lo cho Nước Thiên Chúa.
Trong đời sống, nhiều lúc ta phải chọn lựa.
Chọn lựa là chấp nhận hy sinh, bỏ một trong hai.
Ðức Giêsu không dạy ta sống vô cảm hay bất hiếu…
Ngài dạy ta can đảm tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã.
Có bao nhiêu cái trước đã chi phối đời ta?
Ðâu là lựa chọn ưu tiên một?
Chúng ta cần sắp xếp lại thứ tự các ưu tiên cho đúng.
Nếu Ðức Giêsu gặp tôi hôm nay và mời tôi theo Ngài,
tôi có xin phép Ngài để làm cái gì đó trước đã không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG MƯỜI
Tình Yêu Hóa Thành Lương Thực
Thánh Thể là điểm hẹn đặc biệt để chúng ta gặp gỡ tình yêu của Đức Kitô. Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. (Ga 15,9). Đây là một tình yêu lạ lùng, một tình yêu tự mở ra cho mỗi người chúng ta. Đây là một tình yêu chuyển hóa thành của ăn của uống lấp đầy cơn đói khát sự sống thiêng liêng đích thực. Vâng, chính Đức Giêsu mời gọi chúng ta “uống … rượu của cây nho” (Mc 14,25).
“Ở lại” trong Đức Kitô, đó là điều kiện tiên vàn và thiết yếu để trổ sinh hoa quả. Cũng như Đức Giêsu chỉ sinh hoa kết quả khi Ngài vâng theo ý muốn cứu độ của Cha, các môn đệ của Ngài chỉ sinh hoa quả khi họ sẵn sàng đón nhận thánh ý Thiên Chúa và loại trừ tội lỗi ra khỏi đời sống mình.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 01/10
Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu,
Trinh nữ tiến sĩ Hội Thánh
Is 66, 10-14c; Mt 18, 1-5.
LỜI SUY NIỆM: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”
Chúng ta đều biết các trẻ nhỏ, không biết cậy dựa vào chính mình, nó luôn tin tưởng vào cha mẹ, nó không toan tính vì đã có cha mẹ săn sóc, đùm bọc; nó không cất giữ, để làm của riêng, vì mọi sự đã có cha mẹ tìm kiếm và quản lý. Nó hạnh phúc sống no đủ trong tình yêu thương của cha mẹ.
Lạy Chúa Giêsu, Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con chu toàn bổn phận, luôn biết sống khiêm tốn, hoàn toàn tin vào quyền năng của Chúa; và phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 01-10
Thánh TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊ SU
Đồng Trinh (1873 – 1897)
Thánh Têrêxa trong Hài Đồng Giêsu sinh ngày 2 tháng giêng năm 1873 tại Alencon, nước Pháp. Ngài là con thứ chín của hai ông bà Louis Martin và Xélie Guérin.
Trước kia hai ông bà đã có ý nguyện dâng mình phục sự Chúa trong tu viện mà không thành. Bù lại, năm người con còn sống đều đã hiến thân theo đời sống tu trì. Khi sinh ra Têrexa, mẹ Ngài đã nói: – Tôi chỉ ao ước có nhiều con để dẫn chúng về trời.
Nhưng khi mới lên bốn, Têrêxa đã mất mẹ, bà chết vì căn bệnh ung thư. Nhưng được sự dịu hiền của người cha đã bao bọc thánh nữ suốt quãng thời thơ ấu. Một buổi chiều, níu tay cha, Têrêxa chỉ nhìn lên trời mà nói: – Cha ơi ! xem kìa, tên con đã được viết trên trời.
Dù còn nhỏ từ tuổi lên ba, Ngài nhớ rằng mình đã không từ chối Chúa điều gì. Ngài đã cố sửa tính cứng dầu, ích kỷ và hay thay đổi. Lúc lên mười, Ngài ngã bệnh nặng. Nhưng Ngài đã thấy tựơng Đức Trinh Nữ mỉm cười với mình và cơn bệnh biến mất.
Têrêxa luôn nghĩ tới những sự trên trời, Ngài nói rằng: Chúa Giêsu đã chết trên thánh giá để cứu rỗi các linh hồn, nhưng thật đáng buồn khi có rất nhiều người không đáp lại lời mời gọi của Chúa. Bởi thế, thánh nữ đã cầu nguyện và thống hối để đưa các linh hồn về trời. Có một kẻ cướp tên là Pranzini bị kết án tử hình. Thánh nữ đã tự ý cầu nguyện cho hắn được ơn hối cải. Ngài còn xin một dấu chỉ chứng tỏ hắn hối cải. Và rồi, tên cướp đã từng từ chối sự giúp đỡ của linh mục, lúc lên đoạn đầu đài, bỗng quay nhìn thánh giá và hôn ba lần.
Từ nhỏ đã quyết nên thánh, Têrêxa muốn được sớm tận hiến cho Chúa. Mười lăm tuổi, Ngài đã ước ao được gia nhập dòng kín. Không được phép, Ngài hành hương đi Roma để xin phép Đức giáo hoàng, Đức Leo XIII đã chỉ trả lời: – Nếu Chúa muốn.
Đức giám mục Bayyeux đã cho phép Ngài vào dòng ngay. Nơi đây đã có ba người chị của Ngài. Nhận được tên Têrêxa Của Chúa Giêsu Hài Đồng, Ngài thêm và của Thánh Nhan. Ngày khấn dòng, Ngài cầu nguyện: – Oi Chúa Giêsu, con xin ơn bình an và tình yêu vô bờ bến. Xin cho con được tử đạo trong lòng hay nơi thân xác, hay tốt hơn, được tử đạo cả hai.
Chính nhờ “đường con thơ tin tưởng và phó thác” mà thánh nữ đạt đến tuyệt đỉnh thánh thiện và hoàn tất ơn gọi sống tình yêu và đau khổ, Ngài đã: – Quyết không bỏ qua một hy sinh nhỏ bé nào.
Ngài đã chịu bề trên hiểu lầm và đối xử một cách nghiêm khắc, chịu giá lạnh và hy sinh liên tục, Ngài bị trách mắng bất công, bị thử thách đủ loại, mà chỉ đáp lại bằng nụ cười. Người ta chỉ gặp thấy nơi Ngài thứ sánh sáng an bình và không thể đoán biết nổi những đau khổ mà dường như Ngài muốn dấu cả Chúa nữa:
– Con cố gắng mỉm cười khi phải đau khổ… để Chúa nhân lành như bị lừa bởi dáng vẻ bề ngoài, cũng không biết rằng: con phải đau khổ nữa.
Lạnh lẽo Ngài không chà tay, đau chân Ngài chú ý kẻo chân đi khập khiễng, Ngài âm thầm thực hiện những việc giúp đỡ phiền hà nhất. Một chị bạn làm bể chiếc bình, nhưng Ngài bị la rầy mà Ngài vẫn cúi đầu nhận lỗi. Một chị bạn đã găm kim vào da thịt Ngài khi giúp Ngài đội khăn mà Ngài vẫn cám ơn không hề kêu trách. Một nữ tu già kỳ chướng cần được sự giúp đỡ, Têrêxa tận tụy phục vụ bà và chỉ mỉm cười đáp lại những phiền trách của bà.
Người ta hỏi Ngài:- Chị nói thế nào là ở như một trẻ thơ trước mặt Chúa ?
Ngài trả lời: – Là khiêm tốn đón chờ mọi sự bởi Chúa nhân lành, như một trẻ thơ chờ đón tất cả bởi tay cha nó. Mọi sự khác chẳng quan hệ gì.
Thật viễn vông khi muốn vài chục người chung quanh quí chuộng. Tôi chỉ mong được yêu thương ở trên trời bởi vì chỉ ở trên đó mới hoàn hảo mà thôi.
Ngài không đòi được soi sáng nữa, khiêm tốn và phó thác, Ngài tin rằng: – Tôi không mơ ước được thấy Chúa và các thánh của Ngài như nhiều người khác ao ước được nhìn thấy và thấu hiểu mọi sự, mà chỉ muốn ở lại trong cuộc sống đức tin.
Giáo thuyết rất đơn sơ, nhưng sâu sắc của Ngài được nuôi dưỡng không ngừng bằng những suy ngắm và được trình bày trong cuốn MỘT TÂM HỒN. Chị Ngài, mẹ ANÊ thời đó, đã truyền cho Ngài viết lại những ý ức này. Sợ rằng việc này “làm phân tâm”, nhưng vì vâng lời Ngài đã thực hiện. Thế là chúng ta có được một sứ điệp khôn sánh về đức khiêm hạ, sức mạnh tình yêu và phó thác. Con người muốn bé nhỏ ấy lại có những ước muốn vô cùng. – Con thấy mình có ơn gọi làm chiến sĩ, làm linh mục, làm tông đồ, làm tiến sĩ và chịu tử đạo.
Và Ngài lại chỉ thực hiện những hy sinh nhỏ, được biến nên trong sáng bởi tình yêu đại độ. – Một phương thế để nên trọn lành ư ? Con chỉ biết có tình yêu.
Tháng 6 năm 1894, có triệu chứng đầu tiên thánh nữ bị bệnh lao. Dầy vậy Ngài vẫn tiếp tục các bổn phận và không tìm cách giảm bớt một công tác nào. Không hiểu biết, người ta trách Ngài biếng nhác. Hơn nữa, Ngài còn bị thử thách nặng nề trong tâm hồn. Ngập chìm trong tăm tối, Ngài như bị mất đức tin, nhưng vẫn dũng cảm trung thành với Chúa. Khi người ta mang đến một ly thuốc đỏ đẹp Ngài nói:
– Ly thuốc nhỏ này, người ta tưởng là đầy rượu ngon, thực sự chưa bao giờ tôi đã phải uống một thứ thuốc nào đắng hơn. Đó là hình ảnh đời tôi. Dưới mắt người khác nó đầy màu sắc vui mắt, người ta tưởng tôi uống một thứ rượu ngon ngọt, nhưng thực sự nó là thuốc đắng.
Sau những đau đớn dữ dằn, Ngài nói: Con không hối hận vì đã hiến mình cho tình yêu
Khi sắp từ trần, Ngài hứa: – Trên trời con sẽ làm mưa hoa hồng xuống.
Ngày 30 tháng 9 năm 1897 Ngài qua đời tại phòng bệnh dòng kín Lisieux. Ngày 17 tháng 5 năm 1925 Ngài được tôn vinh lên hàng các thánh.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
01 Tháng Mười
Chợ Hoa
Trong những thập niên vừa qua, đã có rất nhiều hội chợ hoa được tổ chức khắp nơi. Nhưng vĩ đại nhất có lẽ là hội chợ hoa Osaka, Nhật Bản, khai mạc dạo đầu tháng Tư và kết thúc ngày cuối tháng Chín năm 1990 vừa qua.
Hội chợ hoa này được tổ chức tại thị xã Tsurumi, một vùng đất đang phát triển theo kế hoạch xây dựng cho thế kỷ 21. Trên một khoảng đất rộng 140 mẫu tây, 3 triệu loại hoa và thảo mộc khác nhau trên khắp thế giới đã tề tựu về để khoe sắc tranh hương chào đón du khách.
Vừa bước vào trung tâm hội chợ, một bức tường lớn đan bằng đủ loại hoa, màu sắc rực rỡ đập ngay vào mắt du khách. Khuôn viên phía tây dành cho các loại hoa cần chăm sóc trong nhà kiếng, cùng với các loại hoa điện tử nhân tạo. Khách được xem các loại hoa lớn nhất thế giới từ Nam Dương đưa sang. Du khách cũng có thể say mê với những loại hoa nhân tạo mà hình dạng và màu sắc biến đổi không ngừng, tạo nên hình ảnh của thế giới thần tiên.
Vắng người hơn, ở phía đông, là khuôn viên dành cho các loại hoa: tất cả các loại hoa đều được trồng giữa núi rừng thiên nhiên hùng vĩ.
Giữa hai khuôn viên là một con sông nhỏ, dưới lòng sông có thiết kế những vòi phun nước. Nước lên mạnh yếu tùy thuộc theo điệu nhạc phát ra từ dàn âm thanh nổi tuyệt hảo ở hai bờ sông. Cứ nửa tiếng đồng hồ, có một câu chuyện thần thoại được dòng sông kể lại bằng hệ thống phun nước, hòa với tiếng nhạc và ánh đèn màu về đêm, tạo nên một khung cảnh rất nên thơ và thanh bình.
Hoàng đế Nã Phá Luân của nước Pháp đã có lần phát biểu như sau: “Nơi nào hoa tàn, nơi đó con người không thể sống…”. Ai trong chúng ta cũng yêu hoa, ai trong chúng ta cũng thích sống với sự hiện diện của hoa. Vui, chúng ta thích ngắm hoa, buồn, chúng ta cũng thích nhìn hoa. Hoa dường như gần gũi và thông cảm với con người… Nhìn hoa sen, chúng ta tưởng tượng ra cảnh gió mát trên bờ hồ. Ngắm hoa mai, chúng ta như muốn đi vào mùa Xuân bất tận. Nhìn hoa hồng, chúng ta như thấy dậy lên những tình cảm thanh cao. Ngắm hoa huệ giữa đồng, chúng ta chợt nghĩ đến cảnh đời sớm nở tối tàn…
Tháng Mười hằng năm, cùng với những cánh hoa dâng lên Mẹ, chúng ta chiêm ngắm Mẹ. Mẹ là đóa hoa đẹp nhất của vũ trụ. Nhìn lên Mẹ, chúng ta hưởng nếm được tất cả mọi hương sắc của thánh thiện…
Mẹ là đóa hoa luôn gần gũi và cảm thông với chúng ta. Lúc nào Mẹ cũng có thể nở nụ cười của khích lệ, cổ vũ cho chúng ta. Lúc nào Mẹ cũng có thể hướng ánh mắt cảm thông, tha thứ về phía chúng ta…
Chạy đến với Mẹ, chiêm ngắm hương thơm thánh thiện của Mẹ, chúng ta hãy xin Mẹ biến chúng ta thành những cánh hoa để giúp cho đời thêm tươi thắm… Giữa sa mạc khô cằn tình người, xin Mẹ luôn làm nở lên trong chúng ta những cánh hoa của yêu thương, bác ái, cảm thông, tha thứ, phục vụ… Giữa sa mạc khô cằn niềm tin và hy vọng, xin Mẹ làm nở lên trong chúng ta những cánh hoa của tin tưởng, phó thác, cậy trông…
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 26 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: Job 19:21-27; Lk 10:1-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Tất cả sự việc xảy ra trên đời đều có lý do; nhưng con người không luôn luôn hiểu được lý do đó. Con người thường dùng suy luận của mình để tìm ra lý do, và sau đó thay Chúa xét đóan tha nhân dựa trên những gì mình suy nghĩ (Ví dụ, biến cố 9/11 và tội lỗi của người Mỹ). Khi các môn đệ nhìn thấy người mù từ lúc mới sinh, các ông hỏi Chúa vì tội của anh ta hay của cha mẹ. Chúa trả lời chẳng phải tội của ai nhưng để cho Danh Chúa được cả sáng. Trong Phúc Âm, khi Chúa sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa truyền cho các ông đừng mang theo bị gậy dọc đường. Có thể nhiều người sẽ hỏi: Rồi lấy gì để sinh sống? Nhưng Chúa muốn các ông sống nhờ sự đáp trả của những người đón nhận Tin Mừng, và sự đáp trả này nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Niềm tin tưởng vững mạnh vào Thiên Chúa của ông Gióp.
1.1/ Niềm tin vào lòng thương xót Chúa thay vì lên án và xét xử tha nhân: Các bạn của ông Gióp nghĩ hình phạt là do tội gây nên; nên khi họ thấy ông phải chịu nhiều đau khổ, họ kết luận ông đã phạm tội. Nhưng sự quan phòng của Thiên Chúa không đơn giản như thế, chịu đau khổ không nhất thiết là vì đã phạm tội. Độc giả của Sách Gióp đã biết ngay từ đầu lý do tại sao ông Gióp phải chịu đau khổ trong khi ông Gióp và các bạn ông không hề hay biết: Đó là để chứng minh cho Satan biết Gióp yêu Thiên Chúa không phải vì được Chúa chúc lành trên con cái và tài sản. Satan cũng là một ví dụ của sự suy bụng ta ra bụng người, lấy những gì mình suy nghĩ và đem áp dụng cho Gióp. Khi thấy các bạn mình cứ chửi bới và buộc tội, ông Gióp nài xin lòng thương của các bạn nếu không hiểu và thông cảm được thì hãy để ông yên: “Xin thương tôi, xin thương xót tôi, hỡi các anh là những người bè bạn, vì chính tay Thiên Chúa đã đánh tôi! Tại sao các anh bắt chước Thiên Chúa mà đi săn đuổi tôi, và vẫn không thoả mãn?”
1.2/ Niềm tin tưởng vững mạnh vào Thiên Chúa của ông Gióp: Mặc dù phải chịu mất hết tài sản đã gầy dựng và mất hết tất cả các con cái, đồng thời phải chịu tất cả các bệnh tật phần xác và đau khổ tinh thần do các bạn thân mang tới; ông Gióp đã không bao giờ dám than phiền hay chửi Thiên Chúa như Satan chờ đợi. Trái lại, ông vẫn một mực tin tưởng nơi lòng thương xót Chúa: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất.
Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ. Lòng tôi những tha thiết mong chờ.”
2/ Phúc Âm: Niềm tin của người rao giảng Tin Mừng.
2.1/ Chúa Giêsu sai 70 môn đệ đi rao giảng Tin Mừng: Chúa Giêsu đã có kế họach cho việc rao giảng Tin Mừng. Theo kế họach này, ngòai Nhóm Mười Hai Tông Đồ, Chúa còn sai đi Nhóm Bảy Mươi như Luca tường thuật hôm nay vì “Muøa gaët thì nhiều, song thợ gaët thì ít. Vaäy, các con haõy xin Chuû muøa gaët sai thợ gaët ñeán trong muøa cuûa mình.” Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, các Tông Đồ và các môn đệ tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu. Các ông không chỉ rao giảng nhưng còn tiếp tục đào tạo thợ trong số những người nghe để rồi tiếp tục sai đi mãi. Cũng trong sự quan phòng của Thiên Chúa, thợ rao giảng Tin Mừng sẽ được thưởng công từ người nghe để có phương tiện sinh sống.
2.2/ Những đặc tính cần có của người rao giảng:
(1) Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Sống khó nghèo vì Tin Mừng và trông cậy hòan tòan vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu người rao giảng có quá nhiều hành lý, ông không muốn và cũng không thể đi xa.
(2) Chú trọng đến sứ vụ trước mặt: “Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.” Đây không phải là lời khuyên các môn đệ khinh thường tha nhân, nhưng lời khuyên các ông không nên để những việc nhỏ nhặt làm chia trí sứ vụ quan trọng trước mặt (2 Kgs 4:29).
(3) Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia: Việc cần thiết nhất là rao giảng chứ không phải tìm lợi nhuận và an tòan cá nhân.
2.3/ Bổn phận cần đáp trả của người nghe:
(1) Tiếp đón người rao giảng: Người rao giảng mang Tin Mừng và sự bình an của Thiên Chúa đến cho chủ nhà, và chủ nhà cần mở rộng lòng đón tiếp những sứ giả mang Tin Mừng bằng cách cung cấp cho họ những gì cần thiết. Chúa Giêsu mong muốn có sự đáp trả nơi người lãnh nhận Tin Mừng cho các môn đệ của Ngài khi Ngài căn dặn các môn đệ: “Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công.”
(2) Hình phạt nếu từ chối không đón tiếp: Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” Khi Tin Mừng được rao giảng, nhiệm vụ phải đáp trả được áp đặt trên người nghe. Nếu không đáp trả thích ứng, người nghe sẽ phải chịu trách nhiệm hòan tòan trong Ngày Phán Xét như Chúa đã báo trước: “Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Sôđôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Mọi việc xảy ra trong vũ trụ đều có lý do; nhưng con người không luôn luôn hiểu những lý do này trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta đừng lấy những gì mình suy nghĩ làm tiêu chuẩn để xét xử và lên án tha nhân. Trong mọi trường hợp, chúng ta cần vững vàng tin tưởng vào lòng thương xót Chúa và lấy lòng nhân ái mà đối xử với tha nhân.
– Bổn phận của người rao giảng là sống khó nghèo cho sứ vụ rao giảng và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa sẽ ban cho của ăn qua những người lãnh nhận Tin Mừng.
– Bổn phận của những người nghe là phải tiếp đón tử tế các sứ giả mang Tin Mừng; nếu không sẽ phải chịu hình phạt trong Ngày Phán Xét.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************