Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Năm Tuần IV Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: 1 V 2, 1-4. 10-12
“Cha sắp bước vào con đường chung của thiên hạ; Salomon, con hãy can đảm và ăn ở xứng danh nam nhi”.
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Gần ngày băng hà, Đavít truyền cho Salomon, con trai của ông rằng: “Cha sắp bước vào con đường chung của thiên hạ. Con hãy can đảm, và ăn ở xứng danh nam nhi. Con hãy tuân giữ các huấn lệnh của Chúa là Thiên Chúa con, hãy đi trong đường lối của Người, hãy tuân giữ các lễ nghi, giới răn, thánh chỉ và giáo huấn của Người như đã ghi chép trong Luật Môsê, ngõ hầu con đi đâu, con cũng hiểu biết mọi việc con làm, để Chúa hoàn thành lời Người đã nói về cha rằng: “Nếu con cái ngươi tuân giữ đường lối của chúng và hết lòng hết trí đi trước mặt Ta trong chân lý, thì ngươi sẽ không bao giờ mất người kế vị trên ngôi báu Israel”.
Vậy vua Đavít yên giấc với các tổ phụ và được mai táng trong thành Đavít. Đavít làm vua Israel được bốn mươi năm: tại Hebron, ngài cai trị bảy năm; tại Giêrusalem, ngài cai trị ba mươi ba năm. Còn Salomon lên ngôi Đavít cha ngài, và triều đại ngài rất vững bền. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: 1 Sb 29, 10. 11ab. 11d-12a. 12bcd
Đáp: Chúa thống trị trên tất cả mọi loài (c. 12b).
Hoặc đọc: Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa (c. 12a).
Xướng:
1) Đavít đã chúc tụng Chúa trước mặt toàn thể cộng đồng, người thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, từ đời đời tới muôn muôn thuở”. – Đáp.
2) Lạy Chúa, cao sang, quyền bính và vinh quang, chiến thắng, lời ca khen đều thuộc về Chúa, vì tất cả những gì trên trời dưới đất là của Chúa. – Đáp.
3) Chúa ngự trên tất cả những đế vương. Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa. – Đáp.
4) Chúa thống trị trên tất cả mọi loài, sức mạnh quyền bính đều ở trong tay Chúa; ở trong tay Chúa, mọi uy phong và vững bền.- Đáp.
ALLELUIA: Ga 6, 64b và 69b
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống: Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 6, 7-13
“Người bắt đầu sai các ông đi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Đến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
03/02/2022 – THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Mồng Ba Tết – Thánh hoá công việc
Mt 25,14-30
THÁNH HOÁ NGƯỜI LÀM VIỆC
“Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành… Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Lc 25,21.13)
Suy niệm: Tấm bằng khen hay huân chương từ vị lãnh đạo cao nhất có giá trị hơn vô vàn phần thưởng vật chất. Chuyện đời là thế. Trước mặt Chúa, điều đó càng ý nghĩa hơn. Ông chủ trong dụ ngôn không thưởng cho những người đầy tớ chăm chỉ làm việc một phần số tiền họ sinh lợi được. Nhưng ông thưởng cho họ điều cao quý hơn nhiều, đó là lời khen: “Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành.” Và hơn nữa ông còn cho họ: “Hãy vào và hưởng niềm vui của chủ anh”, nghĩa là ông kể họ như người nhà của ông.
Mời Bạn: Những ai lãnh nhận ơn Chúa, bất kể ít nhiều – bởi vì tất cả đều là hồng ân – nếu biết sử dụng những ơn ấy để sinh lợi cho Nước Chúa, đều được Ngài khen thưởng như “người tôi tớ tài giỏi và trung thành” và được đưa vào hưởng niềm vui của Chúa là hạnh phúc thiên đàng. Ngày Mồng Ba Tết, chúng ta xin Chúa thánh hoá công ăn việc làm, nhưng đúng hơn là xin Chúa thánh hoá con người làm việc của mình để chúng ta trở thành người con trong nhà của Chúa và chung hưởng niềm vui của Ngài. Vấn đề không phải ở chỗ bạn nhận được mấy yến, 5 yến, 2 yến hay 1 yến, mà là bạn đã dùng chúng để sinh lợi với tất khả năng, sự khôn ngoan của người tôi tớ trung thành hay chưa.
Sống Lời Chúa: Xét mình xem bạn sử dụng những khả năng Chúa ban để phục vụ và làm chứng cho Chúa như thế nào.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, sức khỏe, tài năng… là những yến bạc Chúa trao cho chúng con và Chúa mong chúng con sinh lợi. Xin cho chúng con biết dùng ơn Chúa cho nên để nhờ đó, chúng con được Chúa thánh hóa.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm
Giáo Hội dành Mồng Hai Tết để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.
Người Công Giáo thường bị coi là bỏ rơi việc thờ cúng ông bà tổ tiên,
như thế họ có thể bị coi là bất hiếu.
Thật ra thảo kính cha mẹ là điều răn thứ bốn Thiên Chúa đòi chúng ta phải giữ.
Cha Đắc Lộ trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày (1651) cho rằng
thảo kính cha mẹ gồm bốn phần, đó là yêu mến, kính sợ, chịu lụy và giúp đỡ.
Cha còn ghi nhận một tập tục đặc biệt vào thời đó.
Ngày Mồng Một Tết, người dân và cả những quan lớn,
sau khi theo vua chúa đi tế Nam Giao về,
“ai nấy về nhà mà lạy cha mẹ ông bà ông vải.”
Vào năm 1625, các thừa sai cho phép cúng giỗ các vị đã khuất.
Trong các gia đình, ngoài bàn thờ kính Chúa, còn có “bàn thờ” tổ tiên
Chỉ có hai điều không được phép,
đó là đốt vàng mã và tin tổ tiên về ăn đồ cúng.
Thật ra, người Công Giáo nhớ đến người quá cố
không qua những nghi lễ giỗ chạp hàng năm,
cho bằng qua việc cầu nguyện và dâng lễ hàng ngày.
Nhà Vua tế Trời ở đàn Nam Giao, nhà sư thờ Phật tại Chùa,
các bậc chức sắc trong làng xã thờ Thành Hoàng tại đình làng,
còn việc cầu nguyện, cúng giỗ tổ tiên được cử hành tại gia đình,
nơi người sống và người đã qua đời vẫn thông hiệp với nhau chặt chẽ.
Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu bênh vực quyền lợi của cha mẹ.
Ngài đòi người ta phải giữ điều răn thứ tư của Thiên Chúa.
Thảo kính cha mẹ hàm chứa việc săn sóc và phụng dưỡng cha mẹ.
Cụ thể người con phải giúp cha mẹ về mặt tài chánh.
Đức Giêsu phản đối một truyền thống được bày đặt bởi người Pharisêu,
đó là khi một người con lấy số tiền lẽ ra dành để nuôi cha mẹ
mà dâng cúng cho đền thờ làm lễ phẩm
thì anh ta khỏi phải dùng tiền đó mà nuôi cha mẹ nữa (cc. 5-6).
Đối với Đức Giêsu, làm thế là nhân danh một truyền thống con người
mà “vi phạm điều răn của Thiên Chúa”và “hủy bỏ lời của Thiên Chúa” (cc. 3.6).
Khi suy nghĩ về tương quan giữa cha mẹ và con cái,
chúng ta cần tự hỏi:
Làm sao để có sự cảm thông giữa những thế hệ?
Làm sao để con cái biết vâng phục và tôn kính cha mẹ?
Làm sao để cha mẹ biết giáo dục con cái bằng khuyên răn và sửa dạy?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nadarét,
Chúa đã thành một người chín chắn
và trưởng thành,
sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.
Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ
trong việc hình thành nhân cách của Chúa.
Chúa đã học nơi thánh Giuse
sự lao động miệt mài,
sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa,
sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.
Chúa đã học nơi Mẹ Maria
sự tế nhị và phục vụ,
sự buông mình sống trong lòng tin phó thác
và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.
Xin nhìn đến gia đình chúng con,
xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt,
biết yêu thương tha thứ,
biết cầu nguyện và phục vụ.
Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,
Giáo hội chúng con thánh thiện hơn,
nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan
và tràn đầy ơn Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
3 THÁNG HAI
Trong Lãnh Vực Y Tế …
Trong các chuyến viếng thăm mục vụ của tôi, nhất là tại những nước đang phát triển, tôi nhận thấy rằng lãnh vực y tế là một lãnh vực đang khẩn thiết đòi ta phải đấu tranh cho con người. Chẳng hạn, người ta ngày càng chú ý đến kỹ thuật, nhưng lại không phải bao giờ cũng quan tâm bảo vệ quyền của con người.
Đau khổ, bệnh tật và chết chóc là những thực tại rất căn bản của cuộc nhân sinh. Tất cả chúng ta phải cộng tác với nhau để giải quyết – một cách đầy nhân tính – những vấn đề hệ lụy của các thực tại ấy. Giúp đỡ các bệnh nhân vượt qua cơn bệnh của họ một cách bảo đảm phẩm giá – đó chắc chắn là điều mà nhân loại kỳ vọng từ khoa học, từ kỹ thuật và từ việc sử dụng thuốc men. Nhưng để được như thế, không thể không có một nhãn quan sáng tỏ về bổn phận phải tuyệt đối tôn trọng con người. Con người là tạo vật duy nhất siêu vượt trên thực tại vật chất – bởi vì con người không chỉ là vật chất mà còn là tinh thần. Đó phải là điểm qui chiếu thường xuyên của chúng ta trong lãnh vực y khoa, nếu chúng ta thực sự muốn tránh những hậu quả khôn lường gây ra cho xã hội. Tôn trọng phẩm giá của nhân vị – đó là bổn phận của tất cả chúng ta.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 03/2
Thánh Blasiô, giám mục, tử đạo
Thánh Ansgariô, giám mục
1V 2, 1-4. 10-12; Mc 6, 7-13.
LỜI SUY NIỆM: “Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ…Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.”
Ngay từ bắt đầu sứ vụ của Nhóm Mười Hai, đã cho cộng đoàn dân chúa biết đến sự quan trọng của “Hiệp Hành”, hiệp hành trong cùng một sứ vụ: “Từng hai người”. Hiệp Hành trong quyền năng: “Người ban cho các ông quyền trừ quỷ” Hiệp Hành trong cùng một lời rao giảng: “Kêu gọi mọi người ăn năn sám hối.”
Lạy Chúa Giêsu. Tất cả chúng con đang cùng sống trong Giáo Hội của Chúa. Xin cho tất cả chúng con biết hiệp hành trong đời sống và loan báo Tin Mừng, để nhân loại nhận ra chúng con là con cái của Thiên Chúa; mà tôn vinh Ngài.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 03-02: Thánh ANSGARIÔ
Giám mục tông đồ các xứ Bắc Âu
(801-865)
Ansgariô (hay là Anskar theo Anh ngữ) đã trở thành biệt danh Oscar ngày nay, có nghĩa là “cây lao của Thiên Chúa”. Ansgario gốc người Đức, sinh tại Picardia. Cha Ngài là một viên chức trong triều đình vua Charlemagne, đã gởi Ngài theo học tại tu viện thánh Phêrô ở Corbia. Cậu thiếu niên đã gặp được ở đó những bậc thầy có thế giá. Các môn học trần tục làm Ngài say mê đến độ nơi tâm trí Ngài ý nghĩa tôn giáo ngày một lạc phai. Nhưng một biến cố đã đánh động Ngài mạnh mẽ, nhà vua mà Ngài biết được là rất nổi danh nơi triều đình đã chết.
Cái chết đó cho Ngài thấy được tính cách hư không của mọi cái gọi là nhân bản và trần tục, Ngài cũng nhớ lại rằng: hồi nhỏ khi mất mẹ, trong một giấc mơ, Ngài thấy Đức Trinh Nữ Maria hứa sẻ bảo vệ Ngài luôn mãi, nếu biết giữ gìn đức tin và lòng mến. Sau cùng Ngài cảm thấy rằng: Chúa muốn mình làm tông đồ. Từ đó Ngài không ngừng tiến tới trong việc học hành cả về đạo lý lẫn việc đời, Ngài nhiệt thành làm tất cả những gì là tốt đẹp. Những tiến bộ và nhiệt tâm ấy lớn lao đến nỗi chẳng mấy chốc tới phiên Ngài phải dạy lại cho các tu sĩ trẻ và trẻ em. Vào tuổi hai mươi mốt, Ngài trở thành một trong những thủ lãnh tu viện Corvey. Ở Saxe hay là Corbia-Nova, được thiết lập ngay giữa trung tâm trí thức. Là giáo sư thần học, Ngài cũng đảm nhận việc giảng dậy cho dân chúng nữa.
Vào thời này, Harold là vua miền Nam Đan mạch, khi bọn phản loạn săn đuổi, đã xin trú ngụ tại triều đình vua Lu-y đặt tại Mayence. Ong đã trở lại đạo và lãnh nhận phép rửa. Khi trở về quê hương, ông đã xin các nhà truyền giáo tới rao giảng Phúc âm cho xứ sở mình. Ebbon, giám mục Reims đã dấn thân trước hết, rồi một khi gần trở lại nước Pháp, Ngài đã chỉ định Ansgario. Ansgario lên đường với một tu sĩ khác nữa. Họ làm liều đi vào miền còn hoàn toàn ngoại giáo. Những người trẻ bị bắt làm nô lệ đã trở thành các Kitô hữu đầu tiên của xứ sở. Công việc tông đồ thật vất vả nhọc mệt. Các Ngài bị trục xuất. Các tu sĩ trở lại lãnh trách nhiệm.
Một tòa đại sứ Thụy Điển xin các thừa sai. Lần này Ansgariora đi với một tu sĩ người Corbia. Vì người bạn đường cũ đã chết. Khi đi nagng qua biển Baltique, họ bị bọn cướp tấn công bóc lột hết và bị người Nang lấy trọn quà tặng họ mang dâng nhà vua ở Upsala. Các nhà truyền giáo tới biệt thự của Birca, hoàn toàn trơ trụi. Tại đây các Ngài đã thiết lập một cộng đoàn Kitô hữu. Sau một năm rưỡi mệt nhọc làm việc tông đồ, các Ngài trở về Pháp. Nhà vua đã đặt Ansgario làm tổng giám mục Hambourg bao gồm miền Scandinavia (Bắc Âu) Ansgario đi Roma để được Đức Thánh Cha bổ nhiệm và Đức Gregôriô IV đã đặt Ngài làm đại diện tại cả Na-uy và Thụy Điển. Ngài xây cất một nhà thờ chính tòa ở Hambourg, thiết lập một tu viện cho các tu sĩ Corbia.
Người ta thấy Ngài quỳ lạy dưới chân người nghèo và khiêm tốn phục vụ họ. Ngài cũng rao giảng trong các miền lân cận bất kể những thủ địch hung ác. Khi ấy như một đám mây người Normandie đặt Hambourg vào vòng máu lửa, Ansgario chỉ còn là một kẻ lang thang sống vất vưởng. Vharles de Chauve đã chiếm một tu viện miền Flandre là nơi Ngài đã thiết lập một trường truyền giáo. Giữa cao điểm của cuộc sống khốn cực âu lo, Ngài đã không hề đánh mất lòng trông cậy vào Chúa. Cuối cùng những kẻ bách hại bị xua đuổi. Xứ truyền giáo Thụy Điển lại vùng lên.
Một cộng đồng ở Constane đã đặt Ansgario làm giám mục Brême. Ngài trở lại truyền giáo ở Đan mạch, thiết lập một trung tâm tôn gíao mới, cải hóa nhà vua.
Ansgario muốn hiến trọn đời mình cho Thiên Chúa bằng việc tử đạo nhưng Ngài đã qua đời êm ái tại Brême năm 865. Cuộc tử đạo của Ngài chính là cuộc chiến kiên trì suốt đời với nhiều những thất bại, lại ít có những thành công rực rỡ. Nhưng sự nhẫn nại của vị anh hùng giám mục lang thang này đã chuẩn bị cho cuộc trở lại các xứ vùng Bắc Âu.
*************************
Ngày 03-02
Thánh BLASIÔ
Giám mục Tử đạo (…. – 316)
Có nhiều câu chuyện vây quanh thánh Blasiô. Ngài là giám mục Sêbasta, miền Armênia; Ngài hiến cả xác hồn cho dân chúng… nhất là dân nghèo, Ngài đã học nghề thuốc, nhưng không bao giờ chữa bệnh cho ai mà không xin Chúa giúp trước đã, dường như vị y sĩ vĩ đại này muốn nói rằng: “Tôi băng bó cho họ nhưng Thiên Chúa chữa lành cho họ”. Ngài rao giảng, day dỗ, nhưng không có bài học nào hay hơn chính gương mẫu đời Ngài.
Năm 315, một cuộc bách hại bùng ra dưới triều đại vua Luciniô. Đức giám mục giúp đỡ các vị tử đạo. Rồi để trốn thoát các kẻ thù địch, Ngài ẩn mình ở hang núi Agêa, là nơi Ngài sống bằng rễ cây và nước lã. Thú rừng thân tình bao quanh Ngài và Ngài chữa lành cho những con bệnh tật. Mỗi ngày một đông dân chúng tuốn đến với với Ngài. Nếu thấy Ngài đang cầu nguyện chúng lặng lẽ không ngăn trở và đợi cho đến khi Ngài cầu nguyện xong. Khi đó Thánh nhân quay lại với đoàn vật và chúc lành cho chúng và đoàn vật mãn nguyện trở lại sa mạc.
Agricôla, quan cai trị Cappadecia tìm thú rừng sống trong các khu rừng gần Sêbasta, để xé các Kitô hữu. Đoàn người đi săn ngạc nhiên khi thấy cả bầy sói, gấu, sư tử trong một cái hang vây quanh một người, đang cầu nguyện. Họ vội về báo tin cho Agricôla và ông này đã truyền bắt vị tu rừng này.
Thấy binh sĩ của nhà vua. Blasiô bình thản nói:- Tôi đã sẵn sàng. Đêm qua Chúa hiện ra và nói với tôi, là Ngài ưng nhận lễ hy sinh của tôi.
Trên đường Ngài đi qua, dân chúng tuốn đến, trong số ấy có cả các lương dân. Họ khóc lóc xin người chúc lành. Một người mẹ đặt đứa trẻ đang hấp hối dưới chân Blasiô và nhìn trời bà la: – Lạy Chúa nhân từ, xin đừng bỏ qua lời cầu của tôi tớ Ngài. Xin hãy trả lại sức khỏe cho tạo vật bé bỏng của Ngài.
Blasiô cúi xuống đứa trẻ hấp hối, cầu nguyện. Trời cao đã nghe Ngài, và người mẹ hân hoan đón nhận lại đứa con tràn đầy sức sống.
Khi đức Giám mục xuất hiện, Agricôla đưa nhiều hứa hẹn lẫn lời đe dọa. Nhưng điều này đã luống công. Thánh nhân nói: – Tôi không sợ các cực hình Ngài đe dọa vì thân xác tôi nằm trong tay Ngài, nhưng linh hồn tôi thì không.
Ngài đã bị đánh đập tàn nhẫn và bị tống ngục. Các Kitô hữu tới thăm, Ngài an ủi khích lệ và chữa lành cho họ. Ngài đã giải cứu cho một đứa trẻ gần ngộp thở vì mắc xương cá. Vì kỷ niệm này và cũng vì lời cầu nguyện sau cùng khi đưa cổ cho lý hình, thánh Blasiô được kêu cầu cách đặc biệt để xin Ngài chữa lành các bệnh nhân đau cổ họng.
Những tường thuật về các phép lạ đi kèm với cái chết của Ngài thành gia sản truyền tụng rất được các giáo phụ ưa thích. Sau mỗi cuộc tra xét với một cực hình mới lại có một phép lạ đánh dấu cuộc trở lại ngay trong phòng giam của Ngài. Phép lạ lừng danh nhất là phép lạ về ngẫu tượng. Các Kitô hữu đến săn sóc những vết thương cho Ngài, đã ném xuống hồ các thần tượng của nhà cầm quyền. Họ bị tố giác và chịu tử dạo. Blasiô cũng bị kết án dìm vào hồ này, nhưng Ngài làm dấu thánh giá và đi trên mặt nước, rồi Ngài mời các quan tòa đi theo để minh chứng uy quyền các thần linh họ thờ. Những người nhận lời bị chết chìm ngay.
Vị tử đạo vừa mới cho thấy vinh quang Thiên Chúa, liền được một thiên thần mời trở lại bờ hồ để chịu cực hình, Ngài vâng lời ngay. Agricôla bối rối liền truyền chém đầu Ngài. Blasiô trước khi chết, đã nài xin Chúa tỏ lòng nhân từ với những ai nhờ lời Ngài bầu cử mà xin cứu giúp.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
03 Tháng Hai
Ngôn Ngữ Của Tình Yêu
Có lẽ cái tên của Helen Keller, một cô gái câm điếc người Mỹ, đã trở thành bậc khoa bảng, không còn xa lạ với chúng ta nữa. Vừa được 19 tháng, sau một cơn đau màng óc, cô gái bất hạnh này trở thành mù lòa và câm điếc. Thế giới của âm thanh và màu sắc đã khép hẳn cánh cửa lại với cô.
Làm thế nào để truyền thụ kiến thức cho một người đã câm điếc lại còn mù lòa? Cha mẹ của cô bé dường như muốn bó tay. Nhưng có một cô giáo tên là Anna Sullivan đã không muốn bỏ cuộc. Hy vọng duy nhất mà cô giáo này còn đó là còn có thể truyền thông và liên lạc với cô gái mù lòa và câm điếc này qua việc tiếp xúc với bàn tay của cô. Chỉ có thể tiếp xúc với thế giới bằng đôi tay, nhưng Helen Keller đã có thể học xong Ðại Học, tốt nghiệp Tiến sĩ và trở thành văn sĩ.
Cho người mù lòa và câm điếc chạm vào một sự vật và viết lên tên gọi của sự vật ấy: đó là phương pháp của cô giáo Anna Sullivan. Dạy về những sự vật cụ thể như cái bàn, cuốn sách, cành cây, con chó xem ra không hẳn là điều khó. Nhưng làm thế nào để diễn tả cho Helen hiểu được những ý niệm trừu tượng như tình yêu chẳng hạn?
Ngày kia, cô giáo Anna Sullivan đã viết lên tay của Helen Keller hai chữ “Tình Yêu” rồi ôm trầm lấy cô bé hôn lấy hôn để với tất cả sự thành thật và nhiệt tình của cô. Lần đầu tiên trong đời, cô gái câm điếc mù lòa bỗng cảm thấy tim mình đập mạnh và cô hiểu được thế nào là Yêu Thương.
Ngôn ngữ của Tình Yêu là những hành động cụ thể.
Ánh mắt trìu mến, những âu yếm vuốt ve của người mẹ đối với đứa con mới lọt lòng có giá trị hơn bất cứ một quyển sách biên khảo nào về tình yêu. Nhưng mồ hôi và nước mắt, những hy sinh hằng ngày của người cha giúp con cái hiểu được thế nào là Yêu thương hơn bất cứ lời dẫn giải nào về Tình Yêu. Và có lẽ cũng thừa thãi để bảo rằng khi hai người yêu nhau thì sự thinh lặng và những cử chỉ âu yếm có sức mạnh hùng hồn hơn những lời nói hoa mỹ, những trống rỗng.
Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài tỏ tình, Ngài bộc lộ tình yêu với con người không chỉ bằng những lời nói suông, mà bằng cả lịch sử của những can thiệp, những thể hiện cụ thể.
Một tình yêu không được chứng tỏ bằng những hành động cụ thể là một tình yêu giả dối, lừa bịp.
Ðạo Kitô của chúng ta là Ðạo của Tình Yêu. Một người kitô không sống Tình Yêu, không viết lên hai chữ Tình Yêu bằng những hành động cụ thể đối với tha nhân, người đó chỉ là một người Kitô giả hiệu, một Ðức Tin không việc làm là một Ðức Tin chết. Một lòng Mến không được thể hiện bằng hoa trái của lòng Mến chỉ là lòng Mến giả tạo.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm – Tuần 4 – TN2
Bài đọc: I Kgs 2:1-4, 10-12; Mk 6:7-13.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vâng lời những gì Thiên Chúa dạy sẽ mang lại những kết quả lớn lao.
Để một người có thể hy sinh chấp nhận gian khổ, anh cần có một lý tưởng để theo đuổi. Chẳng hạn, người nhà nông sẵn sàng chấp nhận gian khổ nắng mưa, vì biết mùa gặt sẽ đến; hay người học sinh chấp nhận hy sinh các thú vui để rèn luyện sách đèn, vì biết sẽ có ngày ra trường thành tài.
Các bài đọc hôm nay xoay quanh đích điểm cuộc đời của người Kitô hữu. Trong bài đọc I, vua cha Đavid, sau khi đã trải qua mọi sự trong cuộc đời, muốn truyền lại cho con là Solomon hai điều: kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ những gì Ngài dạy. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng Tin Mừng. Ngài dặn các ông đừng chú trọng quá nhiều đến của cải vật chất và lợi lộc trần gian, để có nhiều thời giờ cho việc rao giảng Tin Mừng và chữa lành con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC
1/ Bài đọc I: “Hãy tuân giữ các huấn lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa của con.”
1.1/ Phải biết kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ những gì Ngài dạy dỗ.
(1) Kinh nghiệm của cha mẹ là kho tàng khôn ngoan vô giá: Tục ngữ Việt-nam dạy: “Cá không ăn muối cá ươn; con cãi cha mẹ trăm đường con hư.” Khi dạy những lời này, chắc chắn cha mẹ đã dùng những kinh nghiệm huy hoàng cũng như đau thương của mình, để truyền lại cho con cái, vì họ yêu thương con cái. Đọc trình thuật của vua Đavid hơn tuần qua, một người nhận ra ngay vua Đavid đã có quá nhiều kinh nghiệm thành công cũng như đau thương trong cuộc đời. Khi vua đi theo đường lối của Thiên Chúa, vua gặt hái được hết thành công này đến thành công khác. Khi vua lầm lẫn làm theo ý mình, biết bao đau thương đã xảy ra cho cá nhân, gia đình và quốc gia. Giờ đây khi sắp từ giã cuộc đời, vua muốn truyền hết kinh nghiệm cho con mình là Solomon. Vua Đavid hy vọng Solomon sẽ không lầm lẫn đi vào bước chân tội lỗi của vua; nhưng luôn biết kính sợ và vâng lời Thiên Chúa.
(2) Những thái độ hiểu biết sai lầm về những lời dạy dỗ của Thiên Chúa và của cha mẹ: Nhiều người nông nổi cho rằng nếu làm theo những lời dạy dỗ này, họ sẽ bị hạ giá hay tự do của họ sẽ bị giới hạn; nhưng kinh nghiệm cho thấy nếu không làm theo, họ sẽ phải trả một giá đắt để học được kinh nghiệm của cha mẹ. Luật lệ của Thiên Chúa ban ra vì Ngài yêu thương và muốn bảo vệ con người. Có người ví luật lệ như hàng rào để bảo vệ con người khỏi những nguy hiểm từ bên ngoài đưa tới; nếu con người vượt ra ngoài hàng rào luật lệ, đau khổ và chết chóc sẽ xảy đến cho con người. Luật lệ của Thiên Chúa không giới hạn tự do của con người; nhưng bảo vệ và chỉ đường cho con người để đừng rơi vào bẫy của quỷ và làm nô lệ cho chúng.
1.2/ Tuân giữ những gì Thiên Chúa dạy sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp.
(1) Thành công trong mọi công việc: Thiên Chúa là Người duy nhất thấy được mọi sự tương lai; đó là lý do Ngài truyền cho con người những gì phải làm để bảo đảm thành công và tránh khỏi mọi nguy hiểm. Nếu con người chịu vâng lời Thiên Chúa, họ sẽ “thành công trong mọi việc họ làm và trong mọi hướng họ đi;” nhưng nếu họ cãi lời Thiên Chúa và làm những gì họ nghĩ, tai ương và đau khổ chắc chắn sẽ xảy ra, như đã từng xảy ra cho Đavid và các nhân vật trong lịch sử. Trình thuật hôm nay kết thúc bằng câu “vua Solomon ngự trên ngai vua Đavid, thân phụ ông và vương quyền của ông thật là vững chắc,” như một lời bảo đảm cho Solomon nếu ông theo lời vua cha và đi trong đường lối của Thiên Chúa.
(2) Lời hứa của Thiên Chúa sẽ không bao giờ vô hiệu: Đọc lịch sử Cựu Ước, Thiên Chúa đã làm nhiều giao ước với các tổ-phụ và Ngài không bao giờ vi phạm. Trong giao ước với vua Đavid, Thiên Chúa hứa: “Nếu con cái ngươi sống cho phải đạo là hết lòng hết dạ bước đi trung thực trước nhan Ta, thì ngươi sẽ không bao giờ thiếu người ngự trên ngai Israel.” Giao ước thường bị vi phạm từ phía con người, qua việc họ không thi hành những gì Thiên Chúa truyền. Dù con người vi phạm nhiều lần, tình thương Thiên Chúa vẫn thắng vượt tội lỗi con người, Ngài tìm dịp để đưa con người ăn năn trở lại và giao ước được tiếp tục hiệu nghiệm.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi với hai lời truyền:
2.1/ Hành trang mang theo trên đường rao giảng: “Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.”
Có nhiều cách giải nghĩa lệnh truyền này của Chúa, nhưng trọng tâm của lệnh truyền là các tông-đồ phải dành mọi thời gian và nỗ lực cho việc rao giảng Tin Mừng, chứ không quá quan tâm và lệ thuộc vào đời sống vật chất. Chúa Giêsu mời gọi các ông sống tin tưởng trong sự quan phòng của Thiên Chúa, vì “thợ làm việc xứng đáng được thưởng công.” Ngài sẽ lo liệu đời sống vật chất của các ông qua tình thương của những người được thấm nhuần Tin Mừng. Hơn nữa, nếu các ông không mang hành lý nặng, các ông sẽ dễ dàng lên đường đi đến mọi nơi cần được sai tới.
Cám dỗ về lợi lộc vật chất thường xuyên đe dọa những người rao giảng Tin Mừng. Nếu không biết chống trả, họ sẽ chỉ làm những việc gì mang lại lợi nhuận vật chất; chứ không rao giảng cách nhưng không như Chúa Giêsu đòi hỏi. Thay vì chú trọng đến phần rỗi linh hồn của đàn chiên, họ lại chú trọng đến lông chiên và thịt chiên. Khi người rao giảng bắt đầu chú trọng đến lợi nhuận vật chất, lời rao giảng của họ sẽ không còn hiệu quả nữa.
2.2/ Thái độ của người rao giảng: “Người bảo các ông: Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”
Cùng một lối giải thích như trên, người tông-đồ được sai đi là cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng, chứ không để tìm hư danh, uy quyền, hay các lợi lộc vật chất. Nếu người tông-đồ nhắm đến những điều sau này, anh sẽ dễ nản chí và di chuyển đến những nơi có lợi lộc hơn. Về phía người được nghe Tin Mừng, họ phải mở lòng đón nhận và tiếp đãi những người làm việc cho Chúa, để cả người gieo và người gặt đều được vui mừng trong mùa gặt.
Những việc làm chính của các tông-đồ: (1) Rao giảng Tin Mừng và kêu gọi người ta ăn năn sám hối. (2) Trừ quỷ: Giúp con người thoát khỏi ảnh hưởng hay làm nô lệ cho quỷ thần, để sống đời sống thánh thiện theo tinh thần Phúc Âm đòi hỏi. (3) Xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh tật phần hồn cũng như phần xác.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG
– Chúng ta có một lý tưởng cao cả để theo đuổi là được đoàn tụ với Thiên Chúa và các Kitô hữu khác trên trời trong Ngày Cánh Chung. Để đạt được lý tưởng này, chúng ta cần hy sinh để chấp nhận mọi gian khổ trong việc loan báo và sống Tin Mừng. Chúng ta không thể bắt cá hai tay: vừa muốn được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa đời sau, vừa muốn tất cả các hưởng thụ đời này. Người muốn bắt cá hai tay có nguy hiểm sẽ mất tất cả.
– Lời của Thiên Chúa là đèn soi cho chúng ta tất cả những nguy hiểm của cuộc đời. Chúng ta đừng khinh thường để rồi bị sa vào những chước cám dỗ của quỷ và làm nô lệ cho tội lỗi. Kinh nghiệm của cha mẹ và những người đi trước là những bài học quí giá cho chúng ta học hỏi, để khỏi phải trả giá nặng nề như họ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************