Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Năm Tuần XVIII Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: Ds 20, 1-13
“Xin Chúa mở kho tàng châu báu của Chúa là mạch nước hằng sống”.
Trích sách Dân Số.
Trong những ngày ấy, vào tháng Giêng, con cái Israel và toàn thể cộng đồng đến rừng Sim. Dân chúng định cư ở Cađê. Tại đây bà Maria đã qua đời và được chôn cất.
Và khi dân chúng thiếu nước, họ toa rập nhau chống đối Môsê và Aaron. Họ công kích Môsê rằng: “Phải chi chúng tôi chết đi như anh em chúng tôi đã chết trước mặt Chúa. Tại sao các ông dẫn cộng đoàn của Chúa vào rừng vắng này, để chúng tôi lẫn súc vật chúng tôi phải chết? Tại sao bắt chúng tôi bỏ Ai-cập mà dẫn lên chỗ rất xấu xa này, chẳng cày cấy được, chẳng sinh quả vả, nho lựu, hơn nữa không có nước mà uống”.
Môsê và Aaron lánh mặt khỏi dân chúng và vào nhà xếp giao ước. Hai ông sấp mình xuống đất, kêu van cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin nghe tiếng dân này kêu van, và xin mở cho họ kho tàng châu báu của Chúa là mạch nước hằng sống, để họ uống no đầy mà hết kêu trách”.
Sự vinh quang của Chúa hiện ra trên họ. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Hãy cầm lấy gậy và tập họp dân chúng lại, ngươi và Aaron khiến hòn đá, trước mắt họ, và đá liền chảy nước. Khi ngươi làm cho nước từ hòn đá này chảy ra, thì toàn dân và súc vật sẽ được uống”.
Môsê cầm lấy cây gậy để trước mặt Thiên Chúa như Chúa đã truyền dạy ông. Khi tập họp cộng đồng đến trước hòn đá, ông bảo họ rằng: “Hỡi bọn người phản loạn và cứng lòng, hãy nghe đây. Chúng tôi có thể làm cho nước từ hòn đá này chảy ra cho các ngươi được không?” Môsê giơ tay cầm gậy đánh vào hòn đá hai lần: nước chảy ra tràn trề. Dân chúng và súc vật được uống.
Bấy giờ Chúa phán cùng Môsê và Aaron rằng: “Vì các ngươi không tin Ta mà tuyên xưng thánh danh Ta trước mặt con cái Israel, thì các ngươi không được đem dân này vào Đất Ta sẽ ban cho chúng nó”.
Đây là nước mâu thuẫn nơi con cái Israel trách Chúa, và Người dùng nước để tỏ ra thánh danh Người. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9
Đáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các ngươi đừng cứng lòng (c. 8a).
Xướng:
1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. – Đáp.
2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. – Đáp.
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa, trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử thách Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 144, 13cd
Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 16, 13-23
“Con là Đá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Đức Kitô.
Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
05/08/2021 – THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 18 TN
Cung hiến thánh đường Đức Ma-ri-a
Mt 16,13-33
HỘI THÁNH CỦA CHÚA
“Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18)
Suy niệm: Đã có những lúc, người ta tưởng như Giáo Hội sắp bị sụp đổ đến nơi, nhất là khi phải đối diện với vô số khó khăn đến từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên ngoài là sự chống đối, bách hại trải dài từ những thế kỷ đầu cho đến ngày hôm nay vẫn chưa chấm dứt. Còn bên trong là các cuộc khủng hoảng ly khai, những yếu đuối lỗi lầm của những con người trong lòng Giáo Hội. Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn đứng vững bởi vì Giáo Hội là của Chúa chứ không phải của con người: không phải của Đức Giáo hoàng, cũng không phải của các vị Hồng y, Giám mục nào… Giáo Hội là tất cả mọi Ki-tô hữu và mọi Ki-tô hữu là Giáo Hội. Nhưng hơn thế nữa, Giáo Hội là Chúa Ki-tô. Đó mới là lý do vì sao “mọi quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”. Đừng quên, mọi quyền lực tử thần sẽ không thẳng nổi nhưng không phải là chúng ngừng tấn công Giáo Hội đâu.
Mời Bạn: Cũng giống như Chúa thấy rõ con người yếu đuối của Phê-rô nhưng Ngài vẫn chọn ông làm tông đồ trưởng và còn tin tưởng đặt ông làm nền móng vững chắc để xây dựng Giáo Hội. Chúa cũng thấy rõ mỗi người chúng ta và Ngài vẫn mời gọi chúng ta trở thành người cộng tác để xây dựng Giáo Hội chứ không phải để chúng ta “trùm chăn” bất cộng tác hoặc phê phán và chỉ trích lẫn nhau.
Sống Lời Chúa: Tham dự thánh lễ hoặc giờ chầu Thánh Thể sốt sắng để cầu nguyện cho Giáo hội, đặc biệt tại những nơi đang gặp khó khăn.
Cầu nguyện: Hát: “Này con là Đá” để cầu cho Giáo Hội và Đức Thánh Cha.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Chúng ta đã quen cầu nguyện cho Đức giáo hoàng với bài hát:
“Này con là đá, trên viên đá này Ta xây Giáo hội…”
Theo Tin Mừng Gioan, ngay từ lần đầu gặp gỡ (Ga 1, 42),
Đức Giêsu đã đặt cho anh Simon một tên mới: Kêpha, nghĩa là Đá.
Trong bài Tin Mừng bằng tiếng Hy Lạp, Đức Giêsu nói với Simon:
“Anh là Petros (Phêrô), và trên petra (đá) này, Thầy sẽ xây Giáo Hội Thầy.”
Rất có thể Ngài đã nói với Simon bằng tiếng Do Thái thời của Ngài như sau:
“Anh là Kêpha, và trên kêpha này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy.”
Người Do Thái hầu như không có thói quen đặt tên con là Đá, Kêpha.
Khi đặt cho Simon cái tên lạ, Đức Giêsu đã muốn trao sứ mạng cho anh.
Anh sẽ là nền cho ngôi nhà mới của Thầy, do tay Thầy xây dựng (c. 18).
Ngôi nhà ấy chính là Giáo hội, là cộng đoàn giao ước mới do Thầy lập nên.
Chúng ta rất ngạc nhiên vì Đức Giêsu muốn đặt nền trên Kêpha (Phêrô),
một con người bình thường, một ngư phủ ít học.
Làm sao Giáo hội có thể xây nền trên một con người yếu đuối như thế?
Kêpha vững như bàn thạch không nhờ sức riêng, nhưng nhờ ơn Chúa.
Quyền lực của Tử thần, của Ác thần không thắng được cộng đoàn này.
Bất chấp những tấn công trong ngoài từ hai mươi thế kỷ qua,
Giáo hội vẫn đứng vững trên nền đá Phêrô, anh ngư phủ vùng Galilê,
đơn giản vì Chúa phục sinh vẫn luôn ở với Giáo hội (Mt 28, 20),
và vẫn tiếp tục xây dựng Giáo hội của Ngài trong sự thăng trầm của lịch sử.
Nhưng Phêrô cũng có những yếu đuối của mình.
Khi Thầy Giêsu loan báo về con đường khổ nạn và cái chết sắp đến,
Phêrô không thể chấp nhận được con đường hẹp này.
Dù đã được Cha mặc khải để biết Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa,
nhưng Phêrô lại chưa thể hình dung được một đấng Kitô thất bại ê chề.
“Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (c. 22).
Nếu Thầy là Con Thiên Chúa, thì Cha chẳng để Thầy phải chịu như vậy.
Trong phút chốc, từ Đá Tảng vững chắc (kêpha, petra)
Phêrô trở thành viên đá làm cho Thầy vấp phạm (scandalon),
trở thành cơn cám dỗ lớn cho Thầy đến từ Satan (c. 23).
Đức Giêsu đã phản ứng mạnh mẽ đối với anh môn đệ mà Ngài tin tưởng.
“Lui đi sau Thầy!”: Ngài nói giống như lần bị cám dỗ bởi Satan (Mt 4, 10).
Ngài muốn Phêrô trở lại vị trí đi sau của người môn đệ.
Cần có thời gian Phêrô mới hiểu được con đường Thầy đã đi.
và tự nguyện đón lấy cái chết thập giá mà chính Thầy đã chịu.
Cám dỗ tránh con đường hẹp của khổ đau, nhục nhã, thất bại, khó nghèo
là cám dỗ muôn thuở mà Thầy Giêsu và anh Phêrô đã trải qua,
cũng là cám dỗ muôn thuở của Giáo hội mọi thời.
Làm thế nào để chúng ta nghĩ như Thiên Chúa, chứ không như thế gian,
chọn sự ngu dại của Thập Giá hơn là sự khôn ngoan người đời (x. 1 Cr 1, 25)?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Xin nhìn đến Hội Thánh của Chúa trên khắp hoàn cầu,
Hội Thánh Chúa đã lập bằng rất nhiều tình yêu.
Xin nhìn đến những nơi thiếu nhà thờ, cần chủ chăn,
những đồng lúa chín vàng chờ người gặt.
Xin nhìn đến những thánh đường vắng bóng giáo dân,
những chủng viện và tập viện phải đóng cửa vì thiếu ơn gọi.
Xin thương những kitô hữu đang bị bách hại ở nhiều nơi,
và bao người trẻ mất đức tin, mất niềm hy vọng vào Chúa.
Lạy Chúa Giêsu,
Hội Thánh sau hai ngàn năm đã lớn mạnh hơn nhiều,
nhưng vẫn bị đe dọa bởi bao sóng gió bên ngoài và bên trong.
Xin cho Hội Thánh biết không ngừng canh tân nhờ Thánh Thần,
để có thể đồng hành và đối thoại với con người hôm nay.
Xin cho các kitô hữu sống thánh thiện như Cha trên trời.
để những khiếm khuyết của chúng con khỏi làm cớ cho nhiều người bỏ Chúa.
Cuối cùng, xin Chúa cho Hội Thánh chúng con những vị thánh mới,
tươi tắn, khiêm hạ và nhân từ như Chúa,
để cuộc sống ngát hương của họ khiến Hội Thánh đáng tin hơn,
và chinh phục được những tâm hồn chưa biết Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG TÁM
Những Đường Lối Khôn Dò Của Thiên Chúa
Bây giờ chúng ta có thể nhận ra bằng cách nào mọi sự – ngay cả sự dữ và đau khổ hiện diện trong thế giới thụ tạo – hoàn toàn được kiểm soát bởi sự khôn ngoan kỳ diệu mà Thánh Phaolô đã phải thốt lên: “Ôi, sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Ngài, ai dò cho thấu!” (Rm 11,33).
Thật vậy, chính trong bối cảnh của ơn cứu độ chúng ta, “sự dữ không thể lướt thắng được sự khôn ngoan” (Kn 7,30). Đó là một sự khôn ngoan đầy tình yêu, bởi vì “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban chính Con Một Ngài …” (Ga 3,16).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 05/8
Cung Hiến Thánh Đường Đức Maria
Ds 20, 1-13; Mt 16, 13-23.
LỜI SUY NIỆM: “Này anh Simon con ông Giôna anh thật là người có phúc, vì không phải là phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.”
Khi Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” Đã được Chúa Giêsu cho biết đây là nền tảng của đức tin, cho những ai tin vào Người. Điều này thật là hạnh phúc cho tất cả mọi Kitô hữu, Bởi tất cả chúng ta đều đã tin và lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi thành viên trong gia đình chúng con được trưởng thành trong đức tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” Là Đấng cứu độ và đem lại sự sống đời đời cho chúng con.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 05-08: LỄ CUNG HIẾN ĐỀN THỜ ĐỨC BÀ MARIA
Đền thờ đầu tiên được cung hiến để kính đức Trinh Nữ ở Roma, ngày nay gọi là đền thờ Đức Bà cả. Truyện kể lại rằng, có hai vợ chồng không con nuôi nấng nuốn dâng gia tài của mình cho Đức Mẹ. Trong đêm 4 hay 5 tháng 8, Đức Trinh nữ đã hiện ra với họ, cùng một lúc với Đức Giáo hoàng Libêriô, bày tỏ ý muốn được thấy mọc lên trên núi Esquilin, một thánh đường dâng kính Ngài.
Hôm sau Đức giáo hoàng cùng với hàng giáo sĩ ở Roma đi lên núi Esquilin. Lúc ấy trời nóng nực nhưng tuyết vẫn còn phủ đầy một góc núi. Theo ý Đức Trinh Nữ, Đức Giáo hoàng phác họa một thánh đường, xây cất bằng tiền của cặp vợ chồng không con dâng cúng, lấy tên là đền thờ Đức Bà xuống tuyết để ghi nhớ phép lạ trên.
Truyện kể lại như vậy, nhưng tính chất chân thực của câu chuyện vẫn còn bị nghi ngờ, thực sự ở Roma đã có một đền thờ Đức Bà cổ, còn cổ kính hơn cả đền thờ Đức giáo hoàng Libêriô (352 – 366) cha xây cất nữa. Và đền thờ này được Đức Sixtô Israel (436 – 440) tái thiết. Ngài đặt tên là đền thờ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, chắc chắn là để ghi nhớ cộng đồng Ephêsô (431) biến cố dẫn tới tín điều Đức Bà Maria Mẹ Thiên Chúa.
Ngoài danh xưng là đền thờ Đức Bà xuống tuyết và đền thờ Đức Bà Maria Mẹ Thiên Chúa, ngôi đền này còn mang tên đền thờ Đức Bà Máng cỏ, và đây lưu giữ máng cỏ Chúa Giêsu sinh ra. Máng cỏ được đặt trong một cái hộp bằng bạc. Vào ngày lễ Giáng sinh, máng cỏ được đưa ra cho mọi người kính viếng.
Ngày nay người ta thường gọi là đền thờ Đức Bà cả. Danh hiệu nầy nhắc nhớ thứ bậc của đền thờ này trong các các thánh đường dâng kính Đức Maria tại kinh thành muôn thuở. Đối với Giám mục Roma, đây là nhà thờ chính tòa thứ hai.
Vậy hôm nay chúng ta kính nhớ việc dâng hiến đền thờ chính, nếu không phải là đền thờ cổ nhất được xây cất dở dang kính Đức Trinh Nữ. Chúng ta nghĩ ngay đến vô số đền thờ mà lòng tôn kính của các tín hữu đã được dựng lên để kính nhớ Mẹ Thiên Chúa.
Nhiều đền thờ trong số những đền thờ này đều ghi nhớ một giai thoại đạo đức như một ảnh lạ, vài ơn phúc đặc biệt mà tình yêu của Đức Trinh nữ đã thực hiện. Các tín hữu đến đây cầu nguyện để bày tỏ niềm cậy trông chân thành.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
05 Tháng Tám
Tha Nhân Không Là Hỏa Ngục
Có một chàng thanh niên khao khát trở thành một thánh nhân. Chàng xin vào một dòng tu. Không mấy chốc, chàng khám phá ra tính tình nóng nảy của mình. Nhưng thay vì tìm căn nguyên nơi mình, chàng quy trách cho những người xung quanh. Tha nhân đã trở thành hỏa ngục đối với chàng.
Sau cùng, không còn chịu nổi đời sống tập thể nữa, chàng nghĩ có thể tìm thấy sự yên tĩnh trong sa mạc. Thế là chàng đã lên đường tìm đến một nơi hoang vu vắng vẻ để cắm lều sống đời ẩn sĩ. Mà thật thế, chàng đã tìm lại được sự thanh thản trong tâm hồn…
Tuy nhiên, sự bình an trong cô quạnh ấy không kéo dài được. Ma quỷ đã kéo đến và chúng đã gây xáo trộn trong căn lều xinh xắn của chàng. Không còn giữ được bình tĩnh, chàng đã nổi tam bành và đạp đổ tất cả…
Sau cơn giận dữ, trở lại trạng thái bình thường, chàng mới hồi tâm suy nghĩ: Tôi đã bỏ lại tu viện các anh em của tôi, nhưng tôi lại mang chính tôi vào sa mạc. Không phải anh em tôi là căn nguyên của đau khổ của tôi, nhưng tính tình của tôi mới là đầu mối của mọi đổ vỡ…
Chúng ta được sinh ra trong một gia đình, chúng ta được mời gọi để sống trong xã hội. Tha nhân không phải là một trở ngại, nhưng chính là một trợ giúp để chúng ta phát triển nhân cách và thành toàn.
Tất cả mọi căn nguyên chính của thất bại và thành công đều nằm trong ta. Cuộc chiến cam go nhất và liên lỉ nhất của chúng ta, chính là chiến đấu chống lại bản thân chúng ta. Xã hội có thể thay đổi, cuộc sống có thể tốt đẹp hơn nếu chúng ta biết cải thiện con người của chúng ta trước.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm – Tuần 18 – TN1
Bài đọc: Num 20:1-13; Mt 16:13-23.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nhà lãnh đạo cũng yếu đuối vấp phạm.
Trong Cựu Ước, không một nhà lãnh đạo nào sáng giá hơn ông Moses. Chính Thiên Chúa cũng công nhận điều này, vì ông đã được nhìn thấy, nghe tiếng, và đàm đạo với Ngài. Trong Tân Ước, không một nhà lãnh đạo nào sáng giá hơn Phêrô. Chính Chúa Giêsu đã chọn ông để lãnh đạo Giáo Hội của Ngài, vì ông đã biết căn tính và nhìn thấy sự biến đổi vinh quang của Ngài.
Tuy vậy, cả hai nhà lãnh đạo đều xúc phạm đến Thiên Chúa trong hai trình thuật hôm nay. Trong bài đọc I, ông Moses đã không vâng lời Thiên Chúa nên ông đã không được diễm phúc đưa dân vào Đất Hứa. Theo Sách Dân Số, Thiên Chúa truyền cho ông nói với tảng đá để nó cho toàn dân nước uống; nhưng ông Moses đã dùng gậy đập trên tảng đá hai lần. Trong Phúc Âm, Phêrô đã can ngăn Chúa Giêsu lên Jerusalem để đừng phải trải qua cuộc Thương Khó và Tử Nạn. Chúa Giêsu mắng ông một câu rất nặng: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: “Các ngươi sẽ không được đưa đại hội này vào đất Ta ban cho chúng.”
Đây là lần thứ hai con cái Israel phản đối ông Moses và ông Aaron vì không có nước uống. Lần đầu tại Rephidim (Exo 17:1-7), Thiên Chúa truyền cho ông Moses đi cùng với các kỳ mục và dùng cây gậy đập vào tảng đá tại núi Horeb, và nước đã vọt ra cho dân chúng uống. Lần này tại Kadesh. Có hai địa danh mang tên Kadesh: một tại Edom và một tại gần biên giới của Canaan. Khó lòng có thể xác định địa danh nào, nhưng một điều chắc chắn là khác với Rephidim, lần thứ nhất.
1.1/ Đức Chúa phán với ông Moses: “Hãy cầm lấy cây gậy, và cùng với Aaron, anh ngươi, triệu tập cộng đồng lại. Trước mặt chúng, các ngươi sẽ nói với tảng đá và chúng sẽ cho nước; từ tảng đá, ngươi sẽ làm cho nước chảy ra cho chúng, và ngươi sẽ cho cộng đồng và súc vật của chúng uống.” Đọc cẩn thận trình thuật, chúng ta thấy lệnh truyền của Thiên Chúa khác với lần thứ nhất. Ngài truyền cho ông cũng cầm lấy cây gậy, nhưng không đập, mà chỉ nói với tảng đá ở Kadesh là nó sẽ cho nước uống.
1.2/ Ông Moses giơ tay, lấy gậy, đập vào tảng đá hai lần: Ông Moses cầm lấy cây gậy ở trước nhan Đức Chúa, như Người đã truyền cho ông. “Ông Moses giơ tay, lấy gậy đập vào tảng đá hai lần; nước trào ra lai láng cho cộng đồng và súc vật uống.” Thiên Chúa không hài lòng với sự bất tuân của hai ông. Ngài phán với ông Moses và ông Aaron: “Bởi vì các ngươi đã không tin vào Ta để biểu dương sự thánh thiện của Ta trước mắt con cái Israel, nên các ngươi sẽ không được đưa đại hội này vào đất Ta ban cho chúng.” Có người cho Thiên Chúa bắt bẻ hai ông cách chi li; nhưng đó là lệnh truyền của Thiên Chúa và hai ông buộc phải làm như thế. Người khác cho có thể hai ông không nghe rõ lệnh truyền của Thiên Chúa, nên cứ tưởng làm như lần thứ nhất. Điều này phải làm gương cho các nhà lãnh đạo. Họ phải học biết rõ ràng mệnh lệnh của Thiên Chúa trước khi thi hành. Kết quả là ông Aaron đã qua đời trên núi Ho (Num 20:27-29), và ông Moses đã qua đời trên núi Nebo sau khi đã được nhìn thấy Đất Hứa (Deut 32:52).
2/ Phúc Âm: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy.”
2.1/ Người ta bảo Thầy là ai? Caesar Philippi là trung tâm của nhiều tôn giáo vì tính rất linh thiêng của nó: Thánh Vịnh 42:6 và 133:3 nhắc nhở cho mọi người Do-thái phải nhớ đến Chúa khi đến đây, vì sông Jordan là huyết mạch không thể thiếu trong đời sông của người dân. Nó là phúc lành và sức sống Chúa ban cho dân. Nơi đây cũng có khỏang 14 đền thờ của người Syria vì họ đã từng cư ngụ nơi này. Lại là nơi thờ thần Pan, thần mục tử của người Hy-lạp khi họ đô hộ nơi này. Nơi thờ thần Pan là một cái động khổng lồ: đỉnh là một ngọn núi, chân là một vực thẳm rất sâu chứa đầy nước. Nơi đây, Philip cũng cho xây một đền thờ khổng lồ bằng đá cẩm thạch trắng trên núi để thờ hòang đế Caesar.
Đứng trước một trung tâm huyền bí và qui tụ rất nhiều các thần như nơi này, con người không khỏi lẫn lộn khi đặt cho mình một câu hỏi: Đâu là sự thật? Thần nào là thần phải thờ? Chúa Giêsu có ý định đặt câu hỏi để bắt các môn đệ phải tìm ra câu trả lời. Hơn nữa, hai sứ vụ chính của Ngài khi xuống thế là (1) mặc khải cho con người biết tất cả những gì Thiên Chúa muốn, và (2) huấn luyện các môn đệ để tiếp tục sứ vụ của Ngài trên trần gian. Đây là giờ phút quan trọng vì Ngài sắp sửa lên Jerusalem để chịu chết và hoàn thành sứ vụ của Ngài trên trần gian, nên Ngài cần phải biết chắc chắn những môn đệ của Ngài có hiểu sứ vụ của Ngài, nhất là biết rõ Ngài là ai trước khi có thể tiếp tục sứ vụ khi Ngài đã về trời.
Vì thế, Ngài bắt đầu bằng câu hỏi: “Người ta nói Con Người là ai?” Tiểu vương Herode Antipas đã gọi Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả sống lại từ cõi chết (Mt 14:2). Khi gọi Chúa là Elijah, họ đã nhận ra phần nào sự quan trọng và uy quyền của Chúa vì người Do Thái tin tiên tri Elijah chưa chết và sẽ trở lại trước thời Đấng Messiah sẽ tới (Mal 4:5). Họ vẫn để một ghế trống trong hội đường cho tiên tri khi họ cử hành Lễ Vượt Qua. Cũng vậy, khi gọi Chúa là Jeremiah vì họ cũng tin ông sẽ tới trước thời Đấng Messiah. Truyền thống tin là Jeremiah đã vào Đền thờ Jerusalem trước khi đi lưu đày bên Babylon để lấy Hòm Bia và hương án đem giấu trên núi Nebo và sẽ trở lại để “đúc lại” hai thứ này để Thiên Chúa tiếp tục hiện diện với Dân Người (2 Mac 2:1-12). Như thế, khi gọi Chúa Giêsu là Elijah hay Jeremiah, họ không tin Chúa Giêsu là Đấng Messiah, mà chỉ là tiên tri đến dọn đường trước khi Đấng Messiah đến. Nếu các môn đệ cũng tin như thế thì Chúa Giêsu sẽ thất bại!
2.2/ Các con bảo Thầy là ai? Đấng Kitô, Christ (tiếng Hy-lạp) chính là Đấng Messiah (tiếng Do-thái), có nghĩa là Đấng được xức dầu để làm vua mà toàn dân Do-thái đang mong đợi. Đây là câu trả lời Chúa Giêsu mong muốn, nhưng Chúa muốn cho Phêrô biết lý do tại sao ông biết điều mà người khác không biết: vì ông đã được mặc khải bởi Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Lý do này cũng được tuyên bố bởi Phaolô: Không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Chúa mà không do Thánh Thần (1 Cor 12:3). Vì Phêrô đã đại diện các tông đồ để tuyên xưng con người đích thực của Chúa Giêsu, nên Ngài có thể an tâm sẽ có người kế vị để tiếp tục công việc Ngài đã khởi sự. Và Chúa Giêsu thiết lập giao ước mới với Phêrô.
Từ lúc đó, Chúa Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Jerusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Điều trên xảy ra cho Phêrô, chúng ta có thể hiệu được theo tính loài người: vì tuy Phêrô đã biết căn tính của Chúa là Đấng Thiên Sai phải đến, nhưng cũng như bao người Do-thái đương thời, ông nghĩ Chúa sẽ dùng uy quyền Thiên Chúa để thống trị các dân tộc. Vì thế, một Thiên Chúa phải cứu độ qua con đường đau khổ của Thập Giá là chuyện ông không thể tưởng tượng có thể xảy ra.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Là những nhà lãnh đạo trong gia đình cũng như cộng đoàn, chúng ta phải tuyệt đối vâng lời Thiên Chúa. Đừng làm sai một mệnh lệnh nào.
– Khi chưa hiểu rõ lệnh truyền của Thiên Chúa, chúng ta có thể cầu nguyện, học hỏi, và thưa lại; nhưng không được làm liều hay giả sử nó có thể làm như vậy.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************