Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Năm Tuần XXXI Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Pl 3, 3-8
“Những điều xưa kia được kể là lợi ích cho tôi, thì nay tôi coi là bất lợi vì Đức Kitô”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, chính chúng ta là những người chịu cắt bì, chúng ta phụng thờ Thiên Chúa theo thần trí, và khoe mình trong Đức Giêsu Kitô, chứ không tin tưởng vào xác thịt, mặc dầu chính tôi cũng có thể ỷ lại vào xác thịt. Nếu có ai khác nghĩ mình có lý để ỷ lại vào xác thịt, thì tôi còn có lý hơn: tôi đã chịu cắt bì từ ngày thứ tám, là người chủng tộc Israel, thuộc chi họ Bengiamin, là người Do-thái sinh bởi người Do-thái, là người biệt phái chiếu theo lề luật. Bởi lòng đạo đức nhiệt thành, tôi đã bách hại Hội Thánh Thiên Chúa, chiếu theo đức công chính do lề luật công bố, tôi được coi là người không có gì đáng trách.
Nhưng những điều xưa kia được kể là ích lợi cho tôi, thì nay vì Đức Kitô tôi coi là bất lợi. Vả lại tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự, và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 104, 2-3. 4-5. 6-7
A+B=Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui (c. 3b).
A=Hãy ca tụng Chúa, hãy hoan hô danh Người, hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư dân. Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. – Đáp.
B=Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ và những điều Ngài phán quyết. – Đáp.
A=Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Người, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Người kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Người bao trùm khắp cả địa cầu. – Đáp.
ALLELUIA: 2 Cr 5, 19
-Thiên Chúa ở trong Đức Kitô đã giải hoà thế gian, để chúng ta nghe lời của Con Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 15, 1-10
“Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Biệt phái và Luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: ‘Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!’ Cũng vậy tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.
“Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: ‘Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất’. Cũng vậy, tôi bảo các ông: Các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
05/11/2020 – THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Lc 15,1-10
NIỀM VUI ĐƯỢC LAN TOẢ
“Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.” (Lc 15,10)
Suy niệm: Kinh Lễ theo Nho giáo nói, con người tự nhiên có 7 thứ tình cảm (thất tình) là hỷ (vui), nộ (giận), ai (buồn), cụ (sợ), ái (yêu), ố (ghét), dục (ham muốn). Về lòng ham muốn, Phật giáo dạy có 6 loại (lục dục). Mọi thứ khổ não trên đời là do thất tình lục dục đó mà ra. Nơi Thiên Chúa, mọi sự đều quy về tình yêu vì Chúa là Tình Yêu. Vì yêu nhân loại nên Chúa buồn khi con người tội lỗi, bởi vì tội làm cho con người phải trầm luân hoả ngục, xa cách Chúa. Cũng vì yêu thương, Thiên Chúa vui mừng nhất khi con người ăn năn sám hối, trở về với Chúa để đón nhận ơn cứu độ; và đâu chỉ có Chúa vui mừng mà thôi, cả “triều thần Thiên Chúa,” những ai thuộc về Ngài cũng vui mừng “vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”
Mời Bạn: Hãy nhớ lại một lần nào đó, bạn bước vào tòa giải tội với tâm hồn nặng trĩu vì những lỗi phạm đối với Thiên Chúa và anh chị em, rồi sau khi ra khỏi tòa giải tội, bạn thấy trong tâm hồn mình một cảm giác thật nhẹ nhõm, bình an và thật vui vì được ơn giao hòa. Chính lúc đó, Thiên Chúa và cả triều thần thánh trên trời đang hòa chung niềm vui với bạn bởi vì bạn là người biết ăn năn hoán cải.
Sống Lời Chúa: Nếu bạn đang đánh mất ân sủng của Chúa, hãy tìm lại điều đó nơi bí tích Hòa giải. Chúa đang chờ đợi bạn ở đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn tìm và cứu tất cả chúng con, nhưng nhiều khi chúng con lại muốn tự mình đi lạc. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết hoán cải để tìm về với Chúa là nguồn mạch bình an. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Sống là chấp nhận từ bỏ.
Có những điều xấu phải từ bỏ
như tật nghiện thuốc lá, ma tuý, rượu chè, trụy lạc…
Cũng có điều tốt phải bỏ, để chọn một điều tốt hơn:
chọn nghề, chọn trường, chọn chỗ làm, chọn bậc sống…
Từ bỏ thường làm ta sợ và tiếc.
Bỏ chiếc giường êm để thức dậy đi lễ sáng.
Tắt tivi vì đến giờ đọc kinh tối gia đình.
Dành Chúa Nhật để học giáo lý và làm việc xã hội.
Nếu từ bỏ vì yêu, ta sẽ thấy nhẹ hơn, dễ hơn.
Người mẹ thức trắng đêm để đan nốt chiếc áo cho con.
Người mẹ “là mẹ hơn” qua những hy sinh vất vả.
Từ bỏ vì yêu chẳng bao giờ thiệt thòi, mất mát.
Cuộc sống văn minh cho ta nhiều chọn lựa.
Con người dễ chọn cái tầm thường hơn cái cao cả,
chọn khoái lạc phù du hơn hạnh phúc vững bền,
chọn lợi ích cho cá nhân tôi hơn là cho tập thể.
Xem ra con người thích cái dễ dãi hơn.
Kitô hữu là người đã chọn theo Ðức Giêsu.
Làm môn đệ Ngài là chọn đi vào đường hẹp, cửa hẹp.
Ngài đòi ta đặt tất cả dưới Ngài, yêu Ngài trên mọi sự,
trên những người thân yêu, trên của cải tinh thần, vật chất,
trên mạng sống mình, trên cả hiện tại tương lai.
Những thụ tạo trên thật đáng trân trọng,
nhưng chúng chỉ có giá trị tương đối
khi sánh với Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người.
Kitô hữu là người sống từ bỏ như Ðức Giêsu.
Ngài đã bỏ vinh quang thần linh để làm người như ta,
đã sống và đã hiến mạng sống vì yêu Cha và nhân loại.
Từ bỏ là đi vào cửa hẹp cùng với Ðức Giêsu.
Phép Rửa đã cho chúng ta trở thành môn đệ Ðức Kitô.
Nhưng để là môn đệ đích thực của Ngài,
chúng ta cần từ bỏ mãi cho đến khi nhắm mắt.
Từ bỏ phải là thái độ nội tâm cần gìn giữ luôn.
Chúng ta dễ nghiêng như tháp Pisa.
Ðiều hôm nay chưa dính bén, mai đã thấy khó gỡ.
Ðiều đã bỏ từ lâu, nay lại bất ngờ hấp dẫn.
Từ bỏ điều tôi có, và cứ có thêm mỗi ngày
thật là một cuộc chiến lâu dài và gian khổ.
Chúng ta không được nửa vời, lừng khừng, thỏa hiệp.
Tháp đã bắt đầu xây, cuộc chiến đã khai mào.
Không còn là lúc ngồi xuống mà tính toán nữa.
Cần đầu tư để xây tháp, cần dồn sức để tiến quân.
Cần từ bỏ mọi vướng víu để tiếp tục trung tín.
Vẫn có những Kitô hữu chịu dở dang và bại trận,
vì họ không dám sống đến cùng ơn gọi làm môn đệ.
Từ bỏ là cách diễn tả một tình yêu.
Khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả.
Ước gì chúng ta vui khi gặp viên ngọc quý là Ðức Giêsu,
dám bán tất cả để thấy mình giàu có.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG MƯỜI MỘT
Giáo Xứ Là Một Gia Đình Aám Tình Huynh Đệ
Con người hiện đại thường mất hướng và đi lạc trong việc tìm kiếm tình bạn đích thực. Đời sống gia đình và xã hội chúng ta thường hoặc quá hời hợt hoặc bị nát vụn do những đổ vỡ. Môi trường làm việc thì thường rơi vào tình trạng phi nhân hóa. Con người hôm nay khát khao cảm nghiệm một cuộc gặp gỡ đích thực với người khác, khát khao một tình bạn ấm áp thực sự.
Đấy không phải chính là ơn gọi của một giáo xứ đó sao? Chúng ta không được mời gọi để trở thành một gia đình nồng ấm tình huynh đệ đó sao? (CT 67). Chúng ta không phải là những anh chị em gắn bó với nhau trong gia đình của Thiên Chúa qua đời sống cộng đoàn của chúng ta đó sao? (LG 28). Giáo xứ của bạn không chủ yếu là một cơ cấu, một khu vực địa lý hay một cơ sở nào đó. Tiên vàn giáo xứ là một cộng đoàn các tín hữu. Giáo Luật mới đã định nghĩa về giáo xứ như thế (GL 515, 1). Bổn phận của một giáo xứ hôm nay là: trở thành một cộng đoàn, khám phá lại căn tính của mình trong tư cách là một cộng đoàn. Chỉ một mình bạn thôi, chưa đủ để bạn làm Kitôhữu. Làm một Kitô hữu có nghĩa là tin và sống đức tin của mình cùng với những người khác. Vì tất cả chúng ta đều là những chi thể của Thân Mình Chúa Kitô.
Nhưng bằng cách nào một cộng đoàn được sinh ra? Cần phải ghi nhận rằng không phải dễ dàng tạo lập một cộng đoàn. Tự bản chất, cộng đoàn có nghĩa là hiệp thông. Dù rằng trong tư cách là đại diện của giám mục, linh mục đóng một vai trò thiết yếu, nhưng chỉ với vai trò của linh mục mà thôi thì không đủ để cho mối hiệp thông lớn lên. Cần phải có sự dấn thân của mọi thành viên trong giáo xứ. Mỗi sự đóng góp của các thành viên đều hết sức quan trọng. Công Đồng Vatican II đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đoàn và vai trò nòng cốt của người giáo dân. (LG 32-33; AA 2-3)
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 05/11
Pl 3, 3-8a; Lc 15, 1-10.
LỜI SUY NIỆM: Những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư thì lẫm bẫm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”
Giữa những người Pharisêu và những người họ kết án là “phường tội lỗi”; Họ đã tự tạo ra một hố sâu, một bức tường ngăn cách với nhau: Họ không chung đụng trong giao tiếp, mua bán hay trao đổi, không cùng chung trong viẹc tham dự nghi thức “thờ phượng Thiên Chúa.” Họ tách biệt nhau. Nên khi họ thấy Chúa Giêsu tiếp đón hạng người này, thì họ lên án Người. Chúa Giêsu đã cho họ dụ ngôn về con chiên lạc với chủ chiên, giúp họ nhận ra sự gần gủi và niềm vui của Người dối với những người họ đã kết án. Ngài vui mừng vì tìm gặp được tội nhân. Đó là hình ảnh của Thiên Chúa nơi Người.
Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho mỗi người trong gia đình chúng con biết quan tâm đến những con chiên lạc trong gia đình, trong giáo xứ để cầu nguyện, giúp họ gặp lại Chúa và được Chúa gần giủ họ.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
05 Tháng Mười Một
Chiếc Quan Tài Con
Tại chùa Tô Châu bên Tàu có một nhà sư tên gọi là Viên Thủ Trung, nổi tiếng là tu hành đắc đạo.
Nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 3 tấc, có một cái nắp đậy, mở được. Khách đến chơi trông thấy thường tò mò tra hỏi, nhà sư trả lời: “Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Tôi thực lấy làm lạ, người đời ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời, chẳng biết đến cái chết là gì… Mỗi khi có việc không được như ý, tôi cầm lấy cái quan tài mà ngắm, tức khắc tôi cảm thấy được yên ổn trong tâm hồn ngay”.
Con người sở dĩ chạy theo tiền tài danh vọng đến độ chà đạp trên người khác là bởi vì con người không nghĩ đến cái chết đang rình rập sau lưng. Khi tử thần xuất hiện, thì con người không kịp mang theo bất cứ một tài sản nào. Cái chết chỉ trở thành đáng sợ khi con người còn quá nhiều dính bén đối với trần thế này. Trái lại, được ôm ấp suy gẫm mỗi ngày, cái chết sẽ trở thành một người bạn đồng hành giúp con người vượt qua được mọi chán chường, bận tâm thái quá… Trong tất cả mọi sự, người không ngoan đích thực luôn nghĩ đến cùng đích.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 31 TN2
Bài đọc: Phil 3:3-8; Lk 15:1-10.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lòng thương xót của Thiên Chúa
Nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng tự hào về lịch sử huy hòang của mình: giòng họ phú quí, bằng cấp, chức quyền …, nhưng rất nhiều khi những điều họ tự hào này chẳng giúp ích gì mà còn làm hại chúng ta nữa. Vì thế, chúng ta cần cẩn thận suy xét để tìm ra những gì thực sự giúp ích cho cuộc đời mình. Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô nhận ra cái “lịch sử huy hòang” mà ngài đã từng tự hào, làm ngài súyt chết trong biến cố ngã ngựa trên đường đi Damascus; nhưng lòng thương xót của Người mà các Kitô hữu tin tưởng, mới thực sự là Người sinh ích cho cuộc đời của ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mở mắt cho các Kinh-sư và Biệt-phái nhìn thấy lòng thương xót của Thiên Chúa là lý do tại sao con người được cứu độ, chứ không phải thái độ “tự cho mình là công chính” của họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cậy vào “xác thịt”hay cậy trông nơi Thiên Chúa?
1.1/ Phaolô xét mình: Phaolô nhìn lại cái “lịch sử huy hòang” mà ông đã từng tự hào về nó: “Nếu ai có lý do để cậy vào xác thịt, thì tôi càng có lý do hơn: tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Israel, giòng họ Bengiamin, là người Do-Thái, con của người Do-Thái; giữ luật thì đúng như một người Pharisêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật thì chẳng ai trách được tôi.”
Nhưng những gì xảy ra từ khi biến cố ngã ngựa trên đường đi Damascus đã làm ông xét lại niềm tự hào này: Nếu việc ngược đãi những Kitô hữu đẹp lòng Thiên Chúa thì ông đã không bị té ngựa. Thiên Chúa có thể giết chết ông nhưng Ngài vẫn để cho sống. Thiên Chúa có thể để cho ông mù lòa nhưng Ngài đã chữa cho sáng mắt. Thiên Chúa có thể để ông lầm lạc trong niềm tự hào về lịch sử huy hòang của ông, nhưng Ngài đã mặc khải cho ông hiểu đâu là Sự Thật. Thiên Chúa có thể để ông sống như bao tín hữu, nhưng Ngài trao ban cho ông sứ vụ Rao Giảng Tin Mừng.
1.2/ Phaolô được soi sáng và nhận ra lòng thương xót Chúa: Sau khi Thánh Phaolô so sánh cái “lịch sử huy hòang” của mình với tất cả những “ơn thánh” nhận được từ biến cố Damascus đến giờ, Thánh Phaolô khiêm nhường thú nhận: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi.”
– Cái lợi đầu tiên và quan trọng nhất là biết sự thật, và Sự Thật trên hết mọi sư thật là chính Đức Kitô. Thánh Phaolô xác nhận: “Mối lợi tuyệt vời nhất là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi.” Kinh nghiệm quá khứ mở mắt cho người nhìn thấy tai hại to lớn của việc không biết Sự Thật.
– Cái lợi thứ hai như chúng ta đã thấy trong đạo lý của ngài trước đây: con người không thể nên công chính bằng việc giữ cẩn thận Lề Luật, nhưng bằng niềm tin vào Đức Kitô. Vì Thiên Chúa thương xót con người, nên đã cho Đức Kitô xuống trần để gánh tội thay cho con người. Chính vì Đức Kitô, con người có thể nên công chính trước Thiên Chúa.
1.3/ Phaolô rút ra kết luận cho tương lai: Ngài đưa ra 2 ví dụ cụ thể hôm nay:
(1) Cắt bì theo xác thịt mà đối phương đòi các tín hữu phải làm không có gía trị vì “phép cắt bì chính hiệu là phép cắt bì trong tâm hồn, theo tinh thần của Lề Luật chứ không phải theo chữ viết của Lề Luật” (Rom 2:29). Ngài củng cố các tín hữu: “Chúng ta mới thật là những người được cắt bì, những người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thánh Thần của Người, những người hiên ngang hãnh diện vì Đức Kitô Giêsu, chứ không cậy vào xác thịt.”
(2) Từ bỏ mọi sự để chiếm hữu Đức Kitô: “Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô.”
2/ Phúc Âm: Lòng thương xót của Thiên Chúa
2.1/ Xét đóan tha nhân thay vì xét mình cẩn thận: Một trong những xung đột chính giữa Chúa Giêsu với các Kinh-sư và Biệt-phái là lối sống giả hình. Họ luôn tìm cách bắt bẻ Chúa về việc không giữ luật lệ bên ngòai: rửa tay trước khi ăn, chữa bệnh trong ngày Sabbath; và hôm nay, ăn uống với tội nhân. Trong trình thuật của Luca hôm nay, các người Biệt-phái và các Kinh-sư xét đóan:
– tha nhân: các người thu thuế và gái điếm là những người tội lỗi trước mắt họ; và họ tin những hạng người này không bao giờ được chung hưởng vinh quang trong Nước Thiên Chúa.
– Chúa Giêsu: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Giao tiếp với những hạng người như thế làm cho con người ra nhơ bẩn tội lỗi.
Trong những trình thuật khác, Chúa Giêsu đã trách mắng họ là những mồ mả tô vôi: bên ngòai có vẻ đẹp đẽ, nhưng bên trong đầy những giòi bọ rúc rỉa. Hãy xét mình và làm cho sạch bên trong trước rồi mới có đủ sáng suốt để xét đóan tha nhân. Trong trình thuật hôm nay, Chúa hướng lòng họ về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các tội nhân.
2.2/ Chúa dạy con người 2 ví dụ về lòng thương xót của Thiên Chúa:
(1) Tìm được con chiên lạc: Con chiên đi lạc là vì lỗi của nó, đã không chịu nghe theo chủ; nhưng ông chủ chẳng những không xét lỗi nó, mà còn đi tìm cho kỳ được. Ông đi tìm vì nó là của ông, cho dẫu vẫn còn 99 chiên khác. Khi tìm thấy, ông không kết tội, không đánh đập, nhưng mừng rỡ vác chiên trên vai trở về và mở tiệc ăn mừng!
(2) Đồng tiền bị mất: Đồng tiền bị mất là vì chẳng may, cũng như bao con người sa ngã vì hòan cảnh chẳng may đưa tới. Người phụ nữ thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được vì nó là của bà, cho dẫu bà vẫn còn 9 quan khác. Khi tìm thấy Bà mở tiệc ăn mừng! Có người đặt câu hỏi Bà có thể phải dùng cả 9 đồng kia để mua thức ăn đãi khách để ăn mừng đồng tiền kiếm thấy!
Cả 2 ví dụ đều kết thúc bằng câu kết luận của Chúa Giêsu: “Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải năng xét mình cẩn thận để nhận ra chúng ta và mọi người đều là tội nhân trước Thiên Chúa.
– Thiên Chúa yêu thương tội nhân và sẵn sàng đi tìm họ như Đức Kitô đi tìm Phaolô trên đường đi Damascus, như người mục tử đi tìm con chiên lạc, và như người đàn bà đi tìm đồng bạc đánh mất.
– Vì Thiên Chúa đã yêu thương tha thứ cho chúng ta, chúng ta không được quyền kết tội tha nhân như các Kinh-sư và Biệt-phái, nhưng phải sẵn sàng tha thứ cho họ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************