Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Năm đầu tháng. Tuần 1 Mùa Vọng
BÀI ĐỌC I: Is 26, 1-6
“Dân công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào”.
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Ngày ấy, trong đất Giuđa, người ta hát khúc ca này: Sion là thành trì kiên cố của chúng ta, có tường thành và hào luỹ che chở, hãy mở cửa, và dân công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào. Sự sai lầm cũ đã qua đi, Chúa sẽ bảo tồn sự hoà bình. Sự hoà bình, vì chúng ta trông cậy nơi Chúa. Hãy trông cậy Chúa đến muôn đời, trông cậy Chúa, Ðấng quyền năng mãi mãi. Vì Người triệt hạ dân ở nơi cao, và hạ thấp những thành trì danh tiếng, Người hạ nó sát đất, chà đạp nó thấu bụi tro. Bàn chân người nghèo khó bước đi, và kẻ bần cùng sẽ đạp trên nó.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 117, 1 và 8-9. 19-21. 25-27a
Ðáp: Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! (c. 26a)
1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa thì tốt hơn nương tựa ở loài người; tìm đến nương tựa Chúa thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương.
2) Xin mở cho tôi các cửa công minh, để tôi vào và cảm tạ ơn Chúa. Ðây là ngọ môn của Chúa, những người hiền đức qua đó tiến vào. Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe tôi,và đã trở nên Ðấng cứu độ tôi.
3) Thân lạy Chúa, xin gia ơn cứu độ; thân lạy Chúa, xin ban cho đời sống phồn vinh. Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa và đã soi sáng chúng tôi.
ALLELUIA: Is 40, 9-10
All. All. – Hỡi người giảng tin mừng, hãy mạnh dạn cất lớn tiếng: Này Chúa là Thiên Chúa sẽ đến trong sức mạnh. – All.
PHÚC ÂM: Mt 7, 21. 24-27
“Ai thực hiện ý Chúa Cha, sẽ được vào nước trời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không phải tất cả những ai nói với Ta, “Lạy Chúa, lạy Chúa!”, là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời. “Vậy ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá. Và hễ ai nghe những lời Ta nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn”.
Ðó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
05/12/2024 – THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Mt 7,21.24-27
HÀNH ĐỘNG ĐI ĐÔI VỚI LỜI NÓI
Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7,21)
Suy niệm: “Nói không phải là làm. Nói lời hay cũng là điều tốt; thế nhưng lời nói vẫn không phải là hành động” (William Shakespeare). Vì thế, lời nói mà không được hiện thực hoá bằng hành động, thì cũng chỉ như gió thoảng mây bay thôi. Trong đời sống đức tin cũng vậy: Chúa Giê-su nhiều lần cảnh báo những người “tôn kính Chúa bằng môi bằng miệng, còn lòng thì xa Chúa” (x. Mt 15,8). Ngài cho biết những kẻ chỉ luôn miệng nói “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” mà không thi hành “ý muốn của Chúa Cha, Đấng ngự trên trời” thì đừng có mong vào được Nước Trời.
Mời Bạn: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26). Quả thật, một đức tin sống động không thể không trổ sinh những việc làm để chứng thực sức sống ấy. Cũng thế, tin không chỉ bằng lời nói suông mà đủ, mà phải dám sống những gì mình tuyên xưng. Chúa Giê-su là mẫu gương cho ta khi Ngài hiến tế thân mình để thực thi ý Chúa Cha.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày cầu nguyện bằng lời sau đây: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài” (Hr 10,5-7).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cảm tạ Chúa đã ban cho con đôi tay để hành động. Xin Chúa cho con biết mở rộng đôi bàn tay để trợ giúp, nâng đỡ và thực thi lời Chúa dạy mỗi ngày. Đừng để con khoanh tay trước nỗi thống khổ của anh chị em con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Khi mô tả về thời cánh chung, thời thiên sai, thời của Đấng Mêsia,
ngôn sứ Isaia nghĩ đến một bữa tiệc lớn cho muôn dân tộc
do Đức Chúa của Ítraen khoản đãi trên núi thánh.
Không phải chỉ đãi thịt béo, rượu ngon,
Đức Chúa còn lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người,
Khổ đau không còn nữa, chỉ còn tiếng reo vui (Is 25, 6-10).
Nơi Đức Giêsu, lời của ngôn sứ Isaia đã được ứng nghiệm.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lên một ngọn núi
thuộc miền Thập Tỉnh của dân ngoại (x. Mc 7, 31).
Dân chúng kéo đến cùng với những người bệnh hoạn tật nguyền.
Trên ngọn núi ấy, Ngài đã đem đến niềm vui cho bao người.
Kẻ câm nói được, người què đi được, người mù sáng mắt.
Đức Giêsu không giảng về một Nước Trời xa xôi.
Ngài cho thấy một Nước Trời gần gũi khi thân xác được lành mạnh.
Kitô giáo không duy tâm, duy linh hay duy vật.
Đức Giêsu quan tâm đến trọn cả con người với xác và hồn.
Chính vì thế Ngài vừa rao giảng, vừa chữa bệnh.
Ngài biết chạnh lòng thương đám đông,
vì họ đã ở lại với Ngài từ ba ngày qua mà không có gì ăn.
Ngài hiểu thế nào là cái đói và hậu quả của nó
nên Ngài không muốn để họ đi về mà bụng lại rỗng không.
“Sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (c. 32).
Đức Giêsu đã nghĩ đến việc cho họ ăn như một nhu cầu cấp thiết.
“Chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no” (c. 33).
Trước vấn đề lương thực cho một đám đông ở nơi hoang vắng,
các môn đệ thấy mình bất lực và bế tắc.
“Bảy cái bánh và ít cá nhỏ”, đó là tất cả những gì họ có.
Để nuôi đám đông, các môn đệ phải cộng tác với Đức Giêsu,
trao cho Ngài tất cả những gì mình có,
để rồi nhận lại tất cả từ Ngài, và đem chia sẻ cho đám đông.
Bữa ăn ở nơi vắng này không phải là một đại tiệc với rượu thịt,
nhưng rõ ràng là rất cần thiết, đem lại no đủ và thậm chí dư thừa.
Thế giới hôm nay có hơn một tỉ người đói, đa số ở Á châu.
Những bữa ăn đầy đủ vẫn là nỗi khát khao ám ảnh nhiều người.
Đói chẳng những làm ngất xỉu hay dẫn đến cái chết,
nhưng còn làm người ta mất nhân cách, sống không ra người.
Bận tâm của Đức Giêsu về cái đói cũng là mối bận tâm của Giáo Hội.
Phép lạ bánh hóa nhiều của Đức Giêsu phải được nhân lên khắp nơi,
để không còn ai phải đói trên thế giới.
Bữa tiệc cánh chung, nơi muôn người từ đông sang tây đến dự,
phải được chuẩn bị từ những bữa ăn cho kẻ nghèo hôm nay.
Sống Mùa Vọng là lưu tâm đến bao người thiếu ăn ở quanh ta.
Và dù chỉ có mấy cái bánh, ta vẫn tin có thể bẻ ra để nuôi được họ.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG MƯỜI HAI
Cuối Cùng Của Thời Cũ – Đầu Tiên Của Thời Mới
Trong tất cả mầu nhiệm của ngài, Đức Ma-ri-a là thành viên ưu việt của Giáo Hội. Chính Mẹ là người mở đường cho buổi khai nguyên của Giáo Hội. Mẹ gắn bó chặt chẽ với Giáo Hội trong lịch sử cứu độ mà Mẹ hiện thân như một sự nhập thể và một hình ảnh sống động của chính Giáo Hội, Hiền Thê Đức Kitô. Từ đầu cuộc đời của Mẹ, Mẹ có tất cả sự sung mãn của ân sủng mà Đức Kitô ban cho Giáo Hội Người.
Trong ánh sáng này, chúng ta nhớ lại chương 8 Hiến Chế Giáo Hội. Chú giải quan điểm của Thánh Luca, văn kiện này của Công Đồng Vatican II nói với chúng ta: “Sau một giai đoạn lâu dài chờ đợi, thời gian được viên mãn nơi ngài, Nữ Tử cao quí của Sion, và kế hoạch cứu độ mới được thực hiện.” Ở mốc điểm quan trọng này của lịch sử, Đức Ma-ri-a là chỗ kết nối giữa Cựu Ước và Tân Ước. Mẹ đại diện cho sự chấm dứt của cộng đoàn It-ra-en đợi chờ Đấng Thiên Sai và đại diện cho sự khởi đầu của Giáo Hội Đức Kitô mới được khai sinh. Mẹ vừa là sự thể hiện cuối cùng và hoàn hảo của con cái Thiên Chúa sinh bởi Abraham dưới cơ chế Cựu Ước, vừa là sự thể hiện đầu tiên và tuyệt đỉnh của con cái mới của Thiên Chúa được khai sinh bởi Đức Kitô. Nơi Đức Ma-ri-a, chúng ta nhận ra các lời hứa, các điều báo trước, các lời ngôn sứ của Hội Thánh trong Cựu Ước được hoàn thành. Với Mẹ, chúng ta cũng nhìn thấy Giáo Hội của Tân Ước bắt đầu, không nhăn nheo tì tích, trong sự sung mãn của ân sủng Thánh Thần.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 05/12
Is 26, 1-6; Mt 7, 21. 24-27.
Lời Suy Niệm: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây nhà trên nền đá.” (Mt 7,24)
Với khát vọng người môn đệ của Chúa Giêsu là được vào hưởng vinh quang trong Nước Thiên Chúa, điều này không chỉ nơi miệng tuyên xưng “Lạy Chúa! Lạy Chúa!”. Nhưng điều cần thiết và quan trọng là nghe Lời Người và đem ra thực hành trong cuộc sống. Mỗi người phải thấy được tương quan Lời Chúa với cuộc sống của riêng mình. Cần phải tin vào Chúa, và Lời của Người, khi đó chúng ta mới có thể vượt qua chính mình, vượt qua những thử thách để đến với tha nhân, nhất là với những người nghèo, những người bất hạnh, đem tình yêu thương của Chúa đến với mọi người, nhờ đó bản thân nhận được ơn Cứu Độ cho mình và cho cả người anh em.
Lạy Chúa Giêsu, trong “Thánh thi tạ ơn” nhắc cho chúng con: “Đến muôn đời, hãy tin vào Đức Chúa: Chính Đức Chúa là Núi Đá bền vững ngàn năm” (Is 26,4). Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn tin yêu Lời Chúa và biết lấy Lời Chúa mà xây dựng đời mình, nhờ đó mà chúng con có thể lướt thắng những cám dỗ trong đời sống của chúng con, giúp chúng con ngày sau được sum họp trong Nhà Chúa. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
05 Tháng Mười Hai
Thiện Nguyện
Hôm nay là ngày quốc tế những người thiện nguyện, được Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1985 và cử hành lần đầu tiên ngày 05 tháng 12 năm 1986. Ngày quốc tế những người thiện nguyện vừa là một tưởng thưởng và biết ơn đối với không biết bao nhiêu người đang âm thầm phục vụ không công những người đồng loại của mình, vừa là một lời gọi dấn thân phục vụ.
Hiện nay, trên khắp thế giới có khoảng 35 cơ quan thiện nguyện chiêu mộ và gửi người đi khắp nơi để phục vụ trong mọi lãnh vực: từ một cán sự y tá phục vụ trong rừng già Phi Châu, đến các chuyên viên làm việc trong các dự án phát triển tại các nước thuộc thế giới đệ tam, từ một thanh niên thiếu nữ âm thầm làm việc tại các nước nghèo đến các chuyên viên tổ chức các cuộc lạc quyên: tất cả đều được thúc đẩy bởi một ý chí: đó là phục vụ người anh em.
Ngày quốc tế những người thiện nguyện cũng là một bài ca dành cho một nhân loại đã đạt được một bước tiến dài trong sự trưởng thành. Bên cạnh những bước dật lùi vì chiến tranh, vì hủy hoại lẫn nhau, nhân loại vẫn cố gắng tiến bước trong khát vọng và những nỗ lực nhân đạo. Bước tiến ấy còn tiếp tục là nhờ ở tinh thần thiện nguyện, ý chí phục vụ
Ngày quốc tế thiện nguyện hôm nay không phải là phụ trương của những ngày quốc tế khác rải rác trong suốt năm như ngày Hòa Bình thế giới, ngày sức khỏe, ngày thực phẩm, ngày Giới Trẻ, ngày Môi Sinh, ngày Nhi Ðồng, ngày Phụ Nữ v.v… Ngày hôm nay là khẳng định của một ý niệm nền tảng cho tất cả mọi ngày quốc tế khác: ý niệm đó chính là tự nguyện phục vụ.
Ngày quốc tế những người thiện nguyện hôm nay không chỉ là ngày tưởng thưởng và biết ơn đối với những người thiện nguyện. Ngày hôm nay là ngày của mỗi người chúng ta, bởi vì chúng ta chỉ có thể sống trọn ơn gọi làm người khi chúng ta biết tự nguyện sống cho người khác.
Chúa Giêsu là mẫu mực của thiện nguyện… Là Thiên Chúa, Ngài đã đến trong thế gian để mặc lấy thân phận nghèo hèn của con người. Trở nên con người, Ngài đã không sống giữa chốn giàu sang phú quý, nhưng đến với những con người nghèo hèn nhất trong xã hội. Ngài đã phục vụ và phục vụ cho đến chết. Ngài đã đến để làm cho bộ mặt thế giới này trở nên nhân bản hơn. Cùng với Ngài, hàng hàng lớp lớp những con người dấn thân phục vụ tha nhân đã tô điểm cho bộ mặt thế giới được thêm tươi tốt hơn. Quả thực, một thế giới không có những người sống và chết cho tha nhân là một thế giới không có nhân tính… Chúng ta hãy tưởng tượng một thế giới không có những thánh Phanxicô thành Assisi, không có những Mahatma Gandhi, không có những Albert Schweitzer, không có những Têrêxa Calcutta, không có những hội viên của Hội Chữ Thập Ðỏ… một thế giới như thế quả thực là một thế giới buồn thảm. Một thế giới không có những bàn tay đưa ra để chia sẻ, để san sẻ, để đỡ nâng, một thế giới không có những tấm lòng tử tế: một thế giới như thế quả thực là một thế giới của chết chóc…
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm – Tuần I – MV
Bài đọc: Isa 26:1-6; Mt 7:21, 24-27.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cuộc đời chúng ta phải được xây trên tảng đá vững chắc là Thiên Chúa.
Tất cả các mối liên hệ trong cuộc đời đều đòi phải có hai chiều: chiều cho đi và chiều nhận lại. Ví dụ, Thánh Phaolô dạy, để có hạnh phúc trong mối liên hệ vợ chồng: vợ phải vâng lời chồng và chồng phải yêu thương vợ. Càng đúng hơn trong mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa. Nếu Ngài đã thương yêu, lo lắng, mặc khải mọi sự cho con người được an bình hạnh phúc; con người phải biết tin tưởng, cậy trông, và làm theo những gì Lời Chúa mặc khải. Nếu con người không chịu đáp trả tình thương, vâng lời những gì Thiên Chúa dạy, và cứ làm theo những gì họ muốn; làm sao họ có thể đạt được bình an và sống hạnh phúc?
Các Bài đọc hôm nay đều liên quan tới mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa. Bài đọc I nói lên tất cả những gì Chúa đã chuẩn bị cho con người để có một cuộc sống vững chắc. Phúc Âm nhấn mạnh tới bổn phận con người cần đáp trả lại; phải thực hành Lời Chúa thì đời sống con người mới vững vàng, và không có chi lay chuyển được.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa thương yêu và bảo vệ Dân Ngài.
1.1/ Thiên Chúa là thành trì kiên cố: Jerusalem chính là tiêu biểu của thành trì này. Mặc dù Thiên Chúa đã để cho quân đội Babylon xâm lấn và phá hủy Đền Thờ vì dân không chịu nghe theo những gì Thiên Chúa dạy; nhưng chính Ngài sẽ cho tái thiết lại Đền Thờ và Thành Jerusalem sau cuộc Lưu Đày. Tiên tri nói trước về ngày này: “Ngày ấy, trong xứ Judah, người ta sẽ hát bài ca này: Chúng ta có thành trì vững chắc, Chúa đã đặt tường trong luỹ ngoài để chở che.” Đền Thờ và tường Thành được hòan tất khoảng 20 năm sau khi dân Do-thái từ nơi lưu đày trở về.
Thiên Chúa đã chuẩn bị cho dân một thành trì vững chắc, nhưng dân phải tin tưởng và làm theo những gì Ngài dạy, thì họ mới được sống an vui và hạnh phúc. Tiên tri nói tiếp: “Mở cửa ra cho dân tộc công chính bước vào, một dân tộc trọn niềm trung nghĩa. Lạy Chúa, Ngài quyết giữ cho dân được an cư lạc nghiệp, vì họ tin vào Ngài.”
1.2/ Đức Chúa là Núi Đá bền vững ngàn năm: Núi Đá thường được dùng để chỉ Núi Sion nơi mà Đền Thờ và Thành Jerusalem được xây dựng trên đó; là một biểu tượng thường xuyên Cựu Ước dùng để chỉ sự vững bền của Thiên Chúa. Chẳng hạn, trong Thánh Vịnh 18:2-3: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; lạy Chúa là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ.” Tiên tri Isaiah khuyến khích dân đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Thiên Chúa: “Đến muôn đời, hãy tin vào Đức Chúa: chính Đức Chúa là núi đá bền vững ngàn năm.”
Không những xây dựng thành trì vững chắc cho dân ẩn náu, Thiên Chúa còn triệt hạ quân thù, những kẻ mưu đồ ức hiếp dân. Quân thù này bao gồm cả những vua quan của Do-Thái, những người lợi dụng quyền thế để ức hiếp dân nghèo. Đọan văn kế tiếp có lẽ tiên tri ám chỉ biến cố xảy ra vào năm 587 BC, khi Babylon triệt hạ Jerusalem và bắt vua quan của Judah đi lưu đày: “vì Người đã lật nhào dân sống ở núi cao, thành trì kiên cố, Người đã triệt hạ, triệt hạ cho bình địa chỉ còn là bụi đất. Nó sẽ bị chà đạp dưới chân, dưới chân người cùng khổ, dưới gót kẻ yếu hèn.”
2/ Phúc Âm: Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.
2.1/ Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người không chỉ tòan lời nói: Nhiều người thích nói lời yêu thương mặc dù những lời yêu thương không chân thành; nhiều người cũng thích nghe những lời yêu thương mặc dù đó là những lời yêu thương giả dối, như lời của một bài hát: “Tôi xin người cứ gian dối, cho tôi tưởng người cũng yêu tôi… Tôi xin người cứ gian dối, nhưng xin người đừng lìa xa tôi!” Chuyện đó không thể xảy ra với Thiên Chúa, vì Ngài yêu mến sự thật và có thể nhìn thấu suốt tâm hồn của từng người. Chúa Giêsu cảnh cáo mọi người: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.”
2.2/ Mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa phải được biểu tỏ qua việc nghe và giữ Lời Chúa: Vì yêu thương, Thiên Chúa săn sóc và quan tâm đến đời sống con người; Ngài muốn con người được hạnh phúc và không muốn con người phải đau khổ. Là Đấng tạo thành con người và điều khiển vũ trụ, Thiên Chúa biết rõ những gì lợi ích và những gì gây đau khổ cho con người. Đó là lý do tại sao Ngài ban Lề Luật như hàng rào để gìn giữ con người đừng vượt rào kẻo phải chịu đau khổ. Nhưng nếu con người dùng tự do để không làm theo những gì Chúa dạy, con người phải lãnh nhận mọi khổ đau của việc dùng tự do không đúng cách.
Ngòai Lề Luật, Thiên Chúa còn mặc khải cho con người những sự khôn ngoan của Thiên Chúa qua tòan bộ Kinh Thánh. Con người cần phải học cho biết tất cả những Lời này, và đem ra áp dụng trong cuộc sống, thì sẽ thóat mọi hiểm nguy cuộc đời và được sống hạnh phúc. Chúa Giêsu dùng 2 hình ảnh trái ngược: xây nhà trên đá và xây nhà trên cát để chỉ người khôn ngoan hay người ngu dại mà khán giả của Ngài hiểu ngay:
(1) Người khôn ngoan: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.”
(2) Người ngu dại: “Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Mùa Vọng là thời gian cho mỗi người chúng ta nhìn lại mối liên hệ của mình với Thiên Chúa, để xem coi mối liên hệ này đã tiến triển tới đâu, và làm thế nào để cải tiến mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
– Một cách để nhìn lại là xét mình theo Lời Chúa dạy, chúng ta đã thực hành những gì Chúa dạy chúng ta phải làm chưa: Mến Chúa trên hết mọi sự? Yêu tha nhân và giúp đỡ họ như chính mình? Làm chứng cho Chúa bằng rao giảng Tin Mừng và cuộc sống tốt lành?
– Nếu không sống mối liên hệ với Thiên Chúa, làm sao cuộc đời chúng ta có thể an bình và hạnh phúc được? Đừng lạ khi thấy cuộc đời chúng ta đầy dẫy những bi quan, đổ vỡ gia đình, chán người và chán đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************