Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Năm Tuần VII Mùa Phục Sinh Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: Cv 22, 30; 23, 6-11
“Con phải làm chứng về Ta tại Rôma”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, toà án muốn biết đích xác người Do-thái tố cáo Phaolô về tội gì, nên cởi trói cho ngài, và truyền lệnh cho các thượng tế và toàn thể công nghị họp lại, rồi dẫn Phaolô đến đứng trước mặt họ. Phaolô biết có một số người thuộc phe Sađốc, và một số khác thuộc phe biệt phái, nên kêu lớn tiếng giữa công nghị rằng: “Thưa anh em, tôi là biệt phái, con của người biệt phái, tôi bị xét xử vì niềm hy vọng và vì sự sống lại của những người đã chết”. Ngài vừa nói thế, thì xảy ra sự bất đồng ý kiến giữa các người biệt phái và Sađốc, và hội đồng đâm ra chia rẽ. Vì các người Sađốc cho rằng không có sự sống lại, không có thiên thần và thần linh; còn các người biệt phái thì tin tất cả điều đó. Tiếng la lối inh ỏi, và có mấy người biệt phái đứng lên bênh vực rằng: “Chúng tôi không thấy người này có tội gì; và nếu thần linh hay thiên thần nói với người này thì sao?” Cuộc tranh luận đã đến hồi gây cấn, viên quản cơ sợ Phaolô bị phân thây, nên sai lính xuống kéo ngài ra khỏi họ và dẫn về đồn.
Đêm sau, Chúa hiện đến cùng ngài và phán: “Hãy can đảm lên! Con đã làm chứng về Ta tại Giêrusalem thế nào, thì cũng phải làm chứng về Ta tại Rôma như vậy”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11
Đáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: Ngài là chúa tể con; Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con. – Đáp.
2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. – Đáp.
3) Bởi thế, lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy điều hư nát. – Đáp.
4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa, tới muôn muôn đời! – Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 18
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 17, 20-26
“Xin cho chúng nên một”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con. Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
06/06/2019 – THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 7 PS
Th. Nô-be-tô, giám mục
Ga 17,20-26
Ở TRONG CHÚA, Ở TRONG NHAU
“… để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta.” (Ga 17,21)
Suy niệm: Tháng 5/1998 đánh dấu một thương vụ của thế kỷ khi hai ông khổng lồ của ngành sản xuất xe hơi Chrysler (Mỹ) và Mercedes-Benz (Đức) sát nhập với nhau để lập thành một công ty xe hơi lớn thứ năm thế giới. Cuộc “hôn nhân” sau nhiều năm dạm hỏi đó đã là đề tài cho không biết bao nhiêu lời đàm tiếu của báo chí, chẳng hạn của tờ “Nhà Kinh Tế” (The Economist) tháng 4/1998: “Khi sâm banh nổ giòn giã trên thị trường là lúc sau hậu trường các giám đốc đang bận rộn mài dao sắc.” Hoá ra lắm khi người ta tìm đến “hợp quần” là để tạo sức mạnh thôn tính lẫn nhau. Sự hợp nhất mà Chúa Giê-su cầu xin cho các tín hữu không phải là chuyện “cá lớn nuốt cá bé” trên thương trường mà là để chúng ta trở nên một “như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” nhờ đó chúng ta được thừa hưởng vinh quang của Ngài (c. 22) và trở nên những người được Chúa Cha yêu thương (c. 26).
Mời Bạn: Đời sống cộng đoàn luôn bị đe doạ bởi những mầm mống gây bất hoà, chia rẽ xuất phát từ tham vọng bá chủ, muốn loại trừ người khác nếu không thống trị được họ. Chúa Giê-su đưa ra phương thế để có sự hợp nhất hoàn hảo đó là ở trong Chúa để mọi người ở trong nhau. Ở trong nhau chính là nhận biết giá trị của nhau, kính trọng nhau và giúp nhau trở nên hoàn thiện.
Sống Lời Chúa: Biết khen ngợi điều tốt của người khác và sẵn sàng cộng tác giúp nhau phát huy điều thiện hảo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết gạt bỏ những toan tính nhỏ nhen ích kỷ để con góp phần xây dựng tình hợp nhất ngay trong cộng đoàn con đang sống. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
6 THÁNG SÁU
Những Hữu Thể Siêu Việt
Công Đồng Vatican II nói về nguồn gốc con người trong công cuộc sáng tạo: “Con người duy nhất với xác và hồn. Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất. Vì thế nhờ con người mà những yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng” (MV 14).
Rồi sau đó, các Nghị Phụ của Công Đồng tuyên bố: “Thực vậy, con người không lầm lẫn khi họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất và không coi mình chỉ như một mảnh vụn của thiên nhiên… Bởi vì, nhờ có nội giới, con người vượt trên mọi vật.”
Như vậy. ta thấy rằng sự thật về duy nhất tính và lưỡng diện tính của bản tính con người có thể được trình bày bằng một ngôn ngữ có thể hiểu được đối với thế giới ngày nay.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 06/6
Thánh Nôbertô, giám mục
Cv 22, 30; Ga 17, 20-26.
LỜI SUY NIỆM: “Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”
Đây là ao ước lớn nhất của Chúa Giêsu là tất cả chúng ta phải sống trong tình yêu hiệp nhất nên một, theo mẫu mực Người với Chúa Cha, khi đó tất cả chúng ta mới nên một trong Người và với Chúa Cha.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho cộng đoàn chúng con luôn biết sống vâng lời trong sự vâng phục, để giúp chúng con thoát khỏi sự phân chia làm đau lòng Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 06-06: Thánh NÔBERTÔ
Giám Mục (1080 – 1134)
Thánh Noberto sinh khoảng năm 1080 tại Xanten, Ngài là con út trong một gia đình vương giả và có họ với nhà vua. Theo truyền thống cao thượng, Ngài đã được dự tính cho làm linh mục. Nhưng thời còn niên thiếu, Noberto đã sống quá xa lý tưởng. Giàu có của cải cũng như dồi dào sinh hư, lại có bản chất dễ dãi, Noberto cho mình vào những buổi lễ linh đình và những cuộc vui chơi thế gian. Không bao giờ một ý tưởng đứng đắn lại có thể xóa tan được những ảo tưởng Ngài nuôi dưỡng trong lòng.
Điều may mắn là khi ham vui như vậy, Ngài vẫn không sao nhãng việc học hành. Nhờ vậy, Noberto thông hiểu mọi khoa học, vua Henty mến chuộng Noberto và thâu dụng vào triều đình. Tuy nhiên Noberto vẫn tiếp tục nếp sống xưa. Biết rằng: chỉ có nhân đức mới mang lại hạnh phúc cho tâm hồn, nhưng Noberto lại yêu chuộng “xiềng xích” và không can đảm bẻ gãy được.
Một ngày kia Noberto cỡi ngựa đến một làng ở miền Wesphale. Ngài dẫn theo một giai nhân đi tìm thú vui. Khi đến giữa một đồng cỏ thì một cơn giông tố nổi lên sấm chớp dữ dằn. Khó tìm được một nơi trú ngụ, nên Ngài phi ngựa nước rút mong sớm tới đích. Nhưng một cú sét đánh ngay vào chân ngựa. Con vật hoảng hốt hất tung Kỵ sĩ xuống đất. Noberto nằm bất tỉnh tại chỗ như chết trong một giờ. Tỉnh dậy Noberto kêu lên như thánh Phaolô ngày trước: – Lạy Chuá, Chúa muốn con làm gì ?
Một tiếng nói bên trong đáp lại: – Hãy tránh sự dữ và làm điều lành.
Noberto chỗi dậy và quyết đền bù đời sống đã qua. Khi trở lại triều đình , Ngài trở về Xanten, sống những thinh lặng nội tâm, mặc áo nhặm và dành trọn thời gian cho viêc suy gẫm cầu nguyện. Từ đó, Ngài đã không còn đặt một giới hạn nào cho bậc trọn lành nữa, Ngài đã dành hai năm sám hối để dọn mình chịu chức linh mục và chỉ dâng thánh lễ đầu tiên sau 40 ngày chuẩn bị trực tiếp, Ngài bán hết mọi của cải, phân phát cho người nghèo rồi đi chân không đến xin Đức giáo hoàng ban quyền cho đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi. Những bài giảng nhất là chính đời sống gương mẫu của Ngài đã tạo nên được nhiều cuộc hối cải là lùng. Chính trong khi thực hiện nỗ lực tông đồ này mà thánh Noberto đã thiết lập tu viện ở Premontré, thường được gọi là dòng áo trắng.
Năm 1126, Noberto được đặt làm Tổng giám mục tại Magdburg. Đức tân giám mục vẫn không giảm bớt khắc khổ đi chân không, Ngài nỗ lực đổi mới giáo phận với nhiệt tâm của một thánh nhân bậc nhất. Trong nỗ lực ấy, Ngài phải chịu dựng biết bao là khó khăn, người ta tìm cách cản trở đến độ muốn mưu sát Ngài, nhưng lòng quả cảm và sự nhẫn nại đã đưa Ngài tới thành công. Trong một ít năm, Ngài đã sửa lại được những lạm dụng và làm cho mọi chỗ nên đạo đức hơn. Ngài thường nói: – Tôi đã ở trong triều đình đã rút vào đơn độc, đã được dặt nhiều chức vụ, nhưng tôi đã không tìm thấy được điều gì đẹp hơn là được phụng sự Chúa và thuộc trọn về Ngài.
Ở vào địa vị tổng giám mục, thánh Noberto từ đây cũng ảnh hưởng tới Giáo hội ngày càng nhiều hơn. Ngài là bạn của thánh Bernadô và đã giúp đỡ thánh nhân chống lại giáo hoàng giả Anacletus, Ngài cũng đã thành công trong việc chống lại lạc thuyết của Chúa trong bí tích Thánh Thể.
Sau bao nhiêu nỗ lực để đổi mới lòng đạo đức trong giáo phận thánh Noberto qua đời vì kiệt sức vào năm 1134.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
06 Tháng Sáu
Tuần Hành Chống Lại Sợ Hãi
Buổi sáng ngày 06 tháng 6 năm 1966. Trương cao biểu ngữ với tựa đề: Tuần Hành Chống Lại Sợ Hãi, một người da đen 32 tuổi đã bước xuống quốc lộ thứ 51 của thành phố Memphis thuộc tiểu bang Mississipi bên Hoa Kỳ. Tiểu bang Mississipi có tất cả một triệu người da đen. Mặc dù luật pháp Hoa kỳ bảo đảm cho mọi người công dân, không phân biệt chủng tộc và địa vị xã hội, quyền được bỏ phiếu, trong thực tế chỉ có 100 ngàn người da đen đủ can đảm thi hành quyền này. Con số còn lại, vì sợ hãi bởi nhiều sức ép khác nhau đã không dám đi bỏ phiếu.
James Meredith, người thanh niên da đen nói trên, đã tuyên bố: “Chúng ta cần phải giải thoát khỏi những sợ hãi do người da trắng tạo ra. Tôi sẽ tuần hành từ Memphis đến thủ phủ của tiểu bang để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng một người da đen có quyền sống và đi lại, tôi muốn thắng vượt nỗi sợ hãi và những đe dọa do những người phân biệt chủng tộc tạo nên”.
Trong phút chốc, nhiều người, kể cả những người da trắng, đã ra khỏi nhà và tuần hành bên cạnh Meredith. Meredith tâm sự với một vị mục sư đi bên cạnh như sau: “Thoạt tiên, tôi định mang theo một khẩu súng. Nhưng cuối cùng, tôi quyết định mang theo một khí giới duy nhất: đó là quyển Kinh Thánh”.
Meredith dự định băng qua 350 cây số để đến tiểu phủ của tiểu bang, nhưng chưa đầy một ngày đường, anh đã bị một người da trắng quá khíh bắn ngã gục. Phát súng định mệnh đó làm rung động toàn thể nước Mỹ.
Giữa lúc Meredith đang nằm điều trị tại một nhà thương, từng đoàn người đến thăm và ủng hộ sáng kiến của anh. Sự sợ hãi giờ đây nhường chỗ cho một phong trào đang vươn lên với đầy khí thế…
Mục sư Martin Luther King, giải thưởng Nobel về Hòa Bình và là thủ lãnh của phong trào tranh đấu bất bạo động của người da đen tại Hoa Kỳ, đã ngỏ lời với từng trăm ngàn người đang đứng trước cửa bệnh viện Memphis như sau: “Cuộc tuần hành chống lại sợ hãi sẽ không bao giờ chấm dứt. Chúng ta sẽ xuống đường lại ngay mà nơi Meredith đã bị bắn gục. Con đường từ Memphis đến Jackson chỉ dài độ 350 cây số. Nhưng xiềng xích của sợ hãi và đe dọa mà chúng ta muốn bẻ gãy lại còn dài gấp bội”.
Những người da đen bên Hoa Kỳ đã phải trải qua những năm tháng dài dưới sự đe dọa và sợ hãi. Sợ hãi là tâm trạng thường tình của những ai đang sống trong đe dọa, bất an.
Không biết mình sẽ bị bắt giữ lúc nào, không biết mình sẽ được phóng thích lúc nào, không biết mình có đủ cơm ăn áo mặc cho ngày mai không, không biết tương lai của con em mình sẽ như thế nào, không biết niềm tin của mình rồi ra có còn đứng vững trước những đe dọa không. Từng nỗi hoang mang ấy khiến ai trong chúng ta cũng đã một lần trải qua sợ hãi.
Chúa Giêsu, trong những giây phút nguy ngập nhất đã trấn an các môn đệ của Ngài: “Các con đừng sợ hãi, vì Ta đã thắng thế gian”. Nghĩ đến cuộc khổ nạn đang chờ đợi ở trước mắt, Chúa Giêsu đã run rẩy sợ hãi đến độ toát mồ hôi máu. Nhưng cuối cùng, Ngài đã thắng vượt tất cả bằng khí giới của Tình Thương. Tình Thương là sức mạnh của Ngài trong bao thử thách… Meredith đã không mang theo súng đạn để trấn an chính mình, anh chỉ mang theo một quyển Kinh Thánh. Phải, bởi vì Kinh Thánh là biểu hiện của Tình Thương.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần VII PS
Bài đọc: Acts 22:30, 23:6-11: Jn 17:20-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chia rẽ và hiệp nhất
Hiệp nhất là điều ao ước của con người cho gia đình, cộng đoàn, Giáo Hội, và toàn thế giới. Nhưng sự hiệp nhất hệ tại điều gì? Có phải là cùng chung một màu da hay nói cùng một ngôn ngữ? Nếu hiệp nhất chỉ cần như thế, thì đã không có những cuộc nội chiến tương tàn như chiến tranh Nam-Bắc tại Việt Nam! Có phải là mang cùng một tên gọi? Nếu thế, đã không có quá nhiều giáo phái giữa các Kitô hữu! Hay tin vào cùng một Chúa? Cả ba tôn giáo độc thần: Do-thái, Kitô Giáo, và Hồi Giáo đều tin vào một Chúa mà vẫn không hiệp nhất với nhau! Các Đức Giáo Hoàng sau này đã kêu gọi và cổ võ cho sự hiệp nhất bằng cách chú trọng nhiều đến điểm tương đồng giữa các tôn giáo, để cùng nhau làm việc và làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy sự hiệp nhất hòan hảo phải đặt căn bản trên sự thật và yêu thương quí trọng nhau. Trong Bài Đọc I, Phaolô tuy là người rao giảng về hiệp nhất về nền học thần học thân thể, đã nói những lời gây ra cuộc ẩu đả dữ dội giữa hai phái Pharisees và Saduccees. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chú trọng đến việc làm theo thánh ý Thiên Chúa và yêu thương. Đây là hai điều căn bản xây dựng sự hiệp nhất.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chính vì hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử.
1.1/ Phaolô gây chia rẽ giữa những người Pharisees và Saduccees trong THĐ:
(1) Sự sống lại: Phaolô rất tinh ý. Ông biết cả hai giáo phái đều chống ông về niềm tin vào Đức Kitô, nên ông không đề cập trực tiếp đến Đức Kitô; nhưng ông đề cập đến sự sống lại mà hai giáo phái khác biệt nhau, nên ông nói lớn tiếng giữa hội nghị: “Thưa anh em, tôi là người Pharisee, thuộc giòng dõi Pharisees; chính vì hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử.”
(2) Hậu quả của những gì Phaolô nói: Ông vừa nói thế, thì người Pharisees và người Saduccees chống đối nhau, khiến hội nghị chia rẽ. Thật vậy, người Saduccees chủ trương rằng chẳng có sự sống lại, chẳng có thiên sứ hay quỷ thần; còn người Pharisees thì lại tin là có.
Người ta la lối om sòm. Có mấy kinh sư thuộc phái Pharisees đứng lên phản đối mạnh mẽ: “Chúng tôi không thấy người này có gì là xấu. Biết đâu một vị thần hay một thiên sứ đã nói với ông ấy?” Hai bên chống đối gay gắt đến nỗi vị chỉ huy sợ người ta xé xác ông Phaolô, nên mới ra lệnh cho lính xuống lôi ông ra khỏi đám người đó mà đưa về đồn.
1.2/ Niềm tin của Phaolô vào sự sống lại: Một người có thể trách Phaolô đã gây chia rẽ trong THĐ, và đã không là sứ giả mang hòa bình tới cho mọi người; nhưng Phaolô hoàn toàn có lý khi làm như thế vì những lý do sau:
+ Hiệp nhất lý tưởng là hiệp nhất trong sự thật; chứ không hiệp nhất trong sự gian dối. Những người trong THĐ đã không theo hướng dẫn của Lề Luật khi xét xử Chúa Giêsu, Phêrô, Phaolô, và các môn đệ của Ngài. Một THĐ gồm những người như thế, con người không buộc phải tuân theo, như Phêrô và Gioan đã từng nói: “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người đời.” Phaolô không nói điều gì gian dối, nhưng hoàn toàn đúng theo sự thật: Ông tin có sự sống lại, và chính vì điều này mà ông vào tin Đức Kitô, khi Ngài hiện ra khuyến cáo ông trên đường ngã ngựa tại Damascus. Sự sống lại là nền tảng chính yếu cho đức tin của Kitô Giáo, đến nỗi Phaolô đã phải nói mạnh: “Nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta sẽ ra vô ích.”
+ Hiệp nhất đòi con người phải công bằng: Người Kitô hữu không phải ngây thơ đến độ “cứ đưa má cho người ta vả;” nhưng có lúc họ phải chất vấn những người bắt nạt, như Chúa Giêsu đã chất vấn viên sĩ quan của Thượng Tế, khi hắn vả mặt Ngài: “Nếu Ta nói sai, hãy chứng minh; nếu ta nói phải, sao ngươi đánh Ta” (Jn 18:22)?
+ Hiệp nhất đòi người môn đệ phải khôn ngoan: Phaolô biết cách phân tán lực lượng của kẻ thù; đồng thời ông cũng biết cách đặt vấn đề cho con người phải suy nghĩ. Chính Chúa Giêsu cũng hài lòng về những gì ông làm, khi “đêm ấy Chúa đến bên ông Phaolô và nói: “Hãy vững lòng! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở Jerusalem thế nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rôma nữa.””
2/ Phúc Âm: Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha.
2.1/ Mô hình lý tưởng của sư hiệp nhất: Sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.
+ Hiệp nhất trong sự thật: mọi người cùng chung một niềm tin vào Đức Kitô. Đây là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho hết mọi người, trong đó có chúng ta, những người đã tin vào Ngài: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” Trong lời cầu nguyện này, chúng ta thấy biểu lộ một niềm tin không lay chuyển của Chúa Giêsu vào Thiên Chúa và vào con người, cho dẫu Ngài đã thấy trước sự phản bội của các môn đệ trong Cuộc Thương Khó. Ngài tin các môn đệ, sau khi đã trải qua sóng gió, sẽ nhận ra sự thật, sẽ tin và làm chứng cho Ngài.
+ Hiệp nhất trong tình yêu: mọi người cùng chung một tình yêu đến từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu biết rõ hai điều căn bản cho sự hiệp nhất là sự thật và tình yêu, nên Ngài cầu xin với Chúa Cha: “Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.” Tình yêu phải là đồng phục của hiệp nhất: các tín hữu có thể khác biệt về những điều khác, nhưng phải cùng một tình yêu, như Chúa đã nhấn mạnh: “Người ta cứ dấu này, mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau” (Jn 13:35).
2.2/ Vinh quang của Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu: Tình yêu đòi hỏi sự hiệp nhất với nhau trong mọi nơi và mọi lúc, khi vinh quang cũng như lúc gian khổ. Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha liên kết Ngài với các môn đệ luôn: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.” Vinh quang Thiên Chúa đã ban cho Chúa Giêsu là những điều gì?
(1) Thập Giá là vinh quang của Chúa Giêsu: Theo Gioan, khi chịu treo trên Thập Giá là lúc Chúa Giêsu được vinh quang. Thiên Chúa cũng được vinh quang vì Kế Hoạch Cứu Độ của Ngài hoàn tất. Con người cũng được vinh quang vì từ nay con người không ở dưới ách của tử thần nữa. Vì thế, khi các môn đệ chịu đựng đau khổ vì Chúa Giêsu, họ mang lại vinh quang cho chính họ và cho Thiên Chúa.
(2) Hoàn toàn vâng lời làm theo thánh ý Thiên Chúa là vinh quang của Chúa Giêsu: Trong giờ phút hấp hối ở Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để làm theo thánh ý Thiên Chúa. Vì thế, vượt qua mọi gian khổ để chu toàn thánh ý Thiên Chúa, làm Chúa Giêsu được vinh quang.
(3) Làm cho các môn đệ nhận biết Chúa là vinh quang: “Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”
Khi các môn đệ làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa, họ làm cho Danh Chúa được cả sáng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Để có hiệp nhất trong gia đình và cộng đoàn, chúng ta cần biết sống theo sự thật và yêu thương nhau bằng tình yêu Thiên Chúa.
– Mỗi con người đều có ý kiến khác nhau. Điều làm cho con người liên kết với nhau là cùng làm theo ý Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************