Ngày thứ năm (06-09-2018) – Trang suy niệm

05/09/2018

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần XXII Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: 1 Cr 3, 18-23

“Tất cả là của anh em, nhưng anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, đừng có ai lừa dối mình. Nếu có ai trong anh em cho mình là người khôn ngoan ở đời này, thì kẻ ấy hãy nên điên dại để được khôn ngoan: vì sự khôn ngoan của thế gian này là sự điên dại đối với Thiên Chúa, vì có lời chép rằng: “Chính Người bắt chợt những người khôn ngoan ngay trong xảo kế của họ”. Lại có lời khác rằng: “Chúa biết tư tưởng của những người khôn ngoan là hão huyền”. Vậy đừng có ai còn tự phô trương nơi loài người. Vì tất cả là của anh em, dù là Phaolô hay Apollô, hoặc Kêpha, hoặc thế gian, sự sống hay sự chết, hoặc hiện tại hay tương lai. Tất cả là của anh em; nhưng anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Đáp: Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó (c. 1a).

Xướng: 1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. – Đáp.

2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. – Đáp.

3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên chúa là Đấng cứu độ ban ân thưởng. Đó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacob. – Đáp.

ALLELUIA: 2 Tx 2, 14

Alleluia, alleluia! – Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được chiếm lấy vinh quang của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 5, 1-11

“Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Ghênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng.

Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.

Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

06/09/2018THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN

Lc 5,1-11

HIỆU NGHIỆM CỦA SỰ VÂNG LỜI

“Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” (Lc 5,5)

Suy niệm: Tất cả truyền thống Kinh Thánh xác nhận rằng vâng lời trọng hơn của lễ bởi vì của lễ chỉ là những đồ vật bên ngoài còn vâng lời là cho đi những ý riêng, những tình cảm mà ta ôm ấp trong máu thịt của mình. Vâng lời là cho đi cả con người của ta! Ngoài ra Kinh Thánh ghi lại biết bao mẫu gương chứng minh hiệu quả của đức vâng lời thật là cao quí và to lớn: Áp-ra-ham vâng lệnh Thiên Chúa hiến tế chính I-sa-ác con mình đã mở đầu cho giao ước khai sinh một dân riêng của Chúa; Mẹ Ma-ri-a thưa “vâng” đã đem Con Thiên Chúa đến với loài người; và sự vâng phục của Phê-rô khiến ông và các bạn chài thu được một mẻ cá chưa từng có trước đây trong nghề của mình.

Mời Bạn: Vâng lời mà thấy được những lợi ích cụ thể trước mắt thì không khó; còn vâng lời để xoay chuyển một tình thế gần như vô vọng mới là điều đáng quí và đáng nói. Sự vâng phục này đòi hỏi một lòng tin và một tình mến.

Chia sẻ: Hãy chia sẻ một kinh nghiệm mà vì thiếu vâng phục đưa bạn tới một kết cục không tốt; và một kinh nghiệm vì vâng lời mà gặt hái được những kết quả tốt đẹp cho bản thân bạn và cho người khác nữa.

Sống Lời Chúa: Thánh Phao-lô nói: “Tôi biết tôi đã tin vào ai” để rồi Ngài hoàn toàn tín thác và vâng phục. Cũng thế, bạn cần biết Đấng mà mình vâng phục là ai để không phải hy sinh vô ích và tai hại. Đấng ấy chính là Chúa, Đấng không lừa dối ai bao giờ!

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho con ơn biết sẵn lòng vâng nghe Lời Chúa dạy; vì Lời Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống của con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

6 THÁNG CHÍN

Trở Nên Đồng Hình Đồng Dạng Với Đức Kitô

Mỗi ơn gọi đều là một lời kêu mời dấn sâu hơn vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Việc học hỏi thần học và triết học sẽ giúp thấu hiểu sâu hơn ngôi vị của Đức Kitô. Nhưng sự hiểu biết sâu hơn này không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực tri thức của chúng ta. Tiên vàn việc nhận biết Chúa Con là ân huệ do Chúa Cha ban cho chúng ta nhờ Thánh Thần. Chúng ta không thể chỉ dừng lại với việc được giáo dục trong đức tin mà còn phải trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” nữa.

Mọi sự cộng tác của chúng ta với ân sủng tiếng gọi phải theo sự khôn ngoan mà Đức Kitô diễn tả trong dụ ngôn cây nho. Ngài nói: “Thầy là cây nho, Cha Thầy là Người trồng nho” (Ga 15,1) … “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (Ga 15,5).

Giai đoạn huấn luyện chủng sinh hay tu sĩ hướng đến mục tiêu đào sâu mối hiệp nhất của chúng ta với Đức Kitô. Đức Kitô đưa ra cùng lời mời gọi đó cho mỗi người trong chúng ta.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 06/9

1Cr 3, 18-23; Lc 5, 1-11.

LỜI SUY NIỆM: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”

            Chúa Giêsu bảo ông Phêrô: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Phêrô là một con người bộc trực và khiêm tốn, ông đã trả lời với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới, và khi kéo lưới lên đầy cá, ông nhận ra Chúa và nhận ra mình: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi. Những điều này giúp cho mỗi người trong chúng ta học biết nơi Phêrô: luôn phải biết lắng nghe, khiêm tốn đón nhận với sự chỉ dẫn chân thành của người chung quanh, mặc dầu trước đó, chúng ta đã gặp thất bại, Và điều quan trọng là phải nhận ra kết quả của sự việc và chính mình.

            Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa cho chúng con luôn nhận ra mình là người tội lỗi, để biết đến với Thánh lễ để tỏ lòng sám hối, mà nhận được ơn tha tội nhờ Bí Tích Thánh Thể.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

06 Tháng Chín

Không Mong Ðền Ðáp

 Trên đường đi hành hương đến La Mecque, thủ đô của Hồi Giáo, một tín đồ đã cải trang thành một người hành khất.

Anh gặp một người thợ hớt tóc đang săn sóc cho một người giàu có. Nhưng lạ lùng thay, khi anh vừa mở miệng ra xin người thợ cắt tóc, cạo râu cho mình, thì người thợ này liền bỏ người giàu ngồi đó và tức khắc đến phục vụ cho anh. Và đáng phục hơn nữa là ngươòi thợ này đã không đòi hỏi bất cứ một thù lao nào, trái lại ông còn cho anh ít tiền để hộ thân.

Cảm động vì lòng tốt của người thợ hớt tóc, người tín đồ quyết định sẽ tặng cho ông tất cả số tiền anh đã xin được trong ngày.

Và ngày hôm đó, người tín đồ cải trang thành người ăn xin đã nhận được một túi vàng do một người khách hành hương giàu có trao tặng. Như đã hứa với lòng mình, người tín đồ quay trở lại tìm người thợ hớt tóc và trao tất cả gói vàng cho ông ta.

Nhưng, ngoài sự tưởng tượng của người tín đồ, người thợ hớt tóc vừa thấy cử chỉ của người hành khất đã nghiêm sắc mặt nói: “Xin lỗi, ông cho mình là người đạo đức ư? Ông không cảm thấy xấu hổ để trả công cho một nghĩa cử yêu thương sao?”.

Thì ra, người thợ hớt tóc đã không cạo râu cho một người hành khất để được trả công. Ông chỉ làm cử chỉ đó với tất cả yêu thương dành cho một người khốn khổ và ông nghĩ rằng mình làm như thế để được đền đáp.

Ngạn ngữ tiếng Latinh thường nói: tôi cho bạn, để bạn cho lại… Hoặc như người Việt Nam chúng ta thường nói: có qua có lại mới toại lòng ta.

Người ta dùng câu ngạn ngữ này để diễn tả những đòi hỏi công bằng giữa con người với nhau. Tôi cho bạn để bạn cho lại. Tôi làm cho bạn để hy vọng bạn sẽ đền đáp lại… Trên bình diện xã hội và nhân bản, ý thức được sự qua lại này đã là một điều đáng kể trong các mối tương quan giữa người với người.

Tuy nhiên, chúng ta không thể áp dụng một thứ công bình như thế vào mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa.

Thiên Chúa không thi ân giáng phúc để chúng ta biết ơn, hay đền đáp lại. Thiên Chúa cũng không căn cứ trên tài năng của từng người để ban phát ân huệ của Ngài. Thiên Chúa không dùng cán cân công lý thông thường của loài người. Công lý của Ngài là công lý của tình thương. Người thợ của giờ thứ nhất không lãnh hơn người thợ thứ hai vào giờ cuối cùng…

Nếu Thiên Chúa không thi ân giáng phúc tùy theo công nghiệp và tài năng của con người, thì con người cũng không thể nại đến công lao của mình để đòi hỏi một sự trả công tương xứng… Sau một công lao vất vả, có lẽ chúng ta chỉ có thể thốt lên: Lạy Chúa, chúng con chỉ là những người đầy tớ vô dụng.Lắm khi chúng ta vẫn còn đeo đuổi sự công bằng cộng trừ nhân chia của chúng ta đối với Chúa. Tôi sẽ đọc bao nhiêu kinh để xin được ân này, ơn nọ. Tôi sẽ làm bao nhiêu hy sinh để cầu cho được một ơn đặc biệt… Lý luận như thế trong các việc lành phúc đức, chúng ta dễ dàng rơi vào một thứ biệt phái mới nhằm đề cao công nghiệp riêng của chúng ta mà quên rằng: tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng đã và sẽ lãnh nhận được đều xuất từ Tình Yêu vô vị lợi của Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm Tuần 22 TN2

Bài đọc: I Cor 3:18-23; Lk 5:1-11.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khôn ngoan của Thiên Chúa và khôn ngoan của con người.

Khôn ngoan là một đặc tính cần thiết cho sự sống còn trong cuộc đời. Người khôn ngoan biết suy nghĩ, đắn đo, lựa chọn sao cho đạt được kết quả như lòng mong ước. Nhưng khôn ngoan cũng có nhiều loại, chứ không phải khôn ngoan nào cũng tốt cũng hay; người Việt-nam phân biệt khôn ngoan với ma lanh.

Các bài đọc hôm nay phân biệt khôn ngoan của Thiên Chúa với khôn ngoan của con người. Trong bài đọc I, thánh Phaolô phân biệt rõ ràng sự khôn ngoan của Thiên Chúa khác xa sự khôn ngoan của con người. Ngài cũng liệt kê một số các đặc tính để giúp các tín hữu thấu hiểu và tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa hơn là bằng lòng với sự khôn ngoan của con người. Trong Phúc Âm, khi thánh Phêrô bị thử thách để sống theo lối suy nghĩ khôn ngoan nghề nghiệp của mình hay làm theo lời truyền khôn ngoan của Chúa Giêsu, thánh nhân đã chọn làm theo lời truyền khôn ngoan của Thiên Chúa. Hậu quả là Phêrô thu lượm được một mẻ cá lạ lùng vượt quá lòng mong đợi của ông.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Khôn ngoan của Thiên Chúa và khôn ngoan của con người.

Khôn ngoan của Thiên Chúa là thứ khôn ngoan cao nhất. Lý do đơn giản là vì nó đến từ Thiên Chúa. Khôn ngoan của Thiên Chúa khác với con người ở chỗ nó nhắp tới mục đích tối hậu của cuộc đời và tất cả các suy nghĩ và lựa chọn phải đặt căn bản trên mục đích này; trong khi khôn ngoan của thế gian chỉ nhắm tới các mục đích trần thế. Vì mục đích nhắm tới khác nhau nên nhiều khi khôn ngoan Thiên Chúa hoàn toàn trái ngược với khôn ngoan của con người. Ví dụ: khôn ngoan Thiên Chúa đòi hy sinh mạng sống để theo Chúa trong khi khôn ngoan con người tìm mọi cách để bảo vệ mạng sống mình. Lý do của sự khác biệt này là đích điểm nhắm tới.

Thánh Phaolô cho sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa. Điều này cũng được Chúa Giêsu khẳng định: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, hỏi được lợi ích gì?” Thánh Phaolô chỉ cách cho các tín hữu của ngài để có được sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật.”

Khôn ngoan của con người Chúa đều biết cả vì Chúa đã dựng nên con người. Hơn nữa Chúa còn biết con người hơn cả chính con người. Vì thế, khôn ngoan của con người chỉ đánh lừa được con người, nhưng không bao giờ đánh lừa được Thiên Chúa, như thánh Phaolô và sách Job khẳng định: “Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng.”

Đức Kitô chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì vậy, biết được Chúa Kitô là biết được sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan Thiên Chúa bao trùm cả thế gian này: sự sống hay sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về những người tin vào Chúa Kitô.

2/ Phúc Âm: Khôn ngoan của Phêrô và khôn ngoan của Chúa Giêsu.

Mặc khải và giảng dạy chiếm một vai trò quan trọng trong sứ vụ của Chúa Giêsu khi Ngài xuống trần gian, vì qua đó Ngài mặc khải và dạy dỗ cho dân biết những mầu nhiệm và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Phúc Âm tường thuật: Một hôm, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Gennesareth, dân chúng chen lấn nhau đến gần Ngài để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Ngài xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Ngài ngồi xuống, và từ trên thuyền Ngài giảng dạy đám đông.

Kinh nghiệm khôn ngoan đánh cá của Phêrô bị Chúa Giêsu thử thách khi Ngài bảo ông Simon: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Simon đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Câu trả lời cho thấy ông Phêrô ít nhất muốn Chúa hiểu: “Con là dân chài lưới và hành nghề thường xuyên trên biển này, cả đêm đã chài lưới mà chẳng bắt được con nào. Giờ đây, lưới đã giặt sạch mà Thầy thì chẳng có kinh nghiệm gì về đánh cá, mà lại bảo con quăng lưới lần nữa. Vì vâng lời Thầy con sẽ làm, nhưng chắc chắn sẽ chẳng được con nào!” Nhưng Phêrô đã lầm to, không những có cá mà còn bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

Phản ứng của Phêrô sau khi đã học được bài học quan trọng nhất: Đừng bao giờ tự hào thử thách Chúa vì không có điều gì là không thể với Thiên Chúa. Ông biết Chúa Giêsu đã nhìn thấu tâm hồn khi ông khi ông trả lời Ngài. Vì thế, với tấm lòng khiêm nhường, ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simon và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Zebedee, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simon, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Simon: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.”

Đánh cá đã khó, đánh cá người còn khó hơn gấp bội, nhưng với sự trợ giúp của Thiên Chúa thì không có chi là khó với Ngài. Vì thế, các ông đã từ bỏ mọi sự theo Chúa để học nghề mới: nghề chinh phục các linh hồn về cho Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta đừng bao giờ tự hào về sự khôn ngoan của con người trước Thiên Chúa. Khi có sự xung đột giữa hai lọai khôn ngoan, chúng ta phải làm theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

– Khi phải làm những quyết định quan trọng, đích điểm của cuộc đời phải luôn là lý do nền tảng cho mọi quyết định của chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************