Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Năm đầu tháng. Tuần 22 Thường Niên – Năm A
BÀI ĐỌC I: Cl 1, 9-14
“Người đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, và đem chúng ta vào nước Con yêu dấu của Người”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, từ ngày chúng tôi nghe biết về anh em, chúng tôi không ngừng cầu nguyện cho anh em, xin cho anh em được đầy sự hiểu biết thánh ý Chúa, với tất cả sự khôn ngoan và sự thông hiểu thiêng liêng, để anh em ăn ở xứng đáng đẹp lòng Thiên Chúa trong mọi sự, và sinh hoa kết quả trong mọi việc lành, cùng phát triển trong sự nhận biết Thiên Chúa. Được củng cố bằng một sức mạnh dồi dào, chiếu theo quyền năng cả sáng của Người, anh em nhẫn nại và vui mừng khoan dung trong mọi sự. Anh em cảm tạ Chúa Cha, Đấng đã làm cho anh em xứng đáng lãnh phần gia nghiệp các thánh trong ánh sáng. Người đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Người, trong Ngài chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Ngài, và được ơn tha tội.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 97, 2-3ab. 3cd-4. 5-6
Đáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người (c. 2a).
1) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.
2) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca.
3) Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua.
ALLELUIA: 2 Tx 2, 14
All. All. – Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được chiếm lấy vinh quang của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. – All.
PHÚC ÂM: Lc 5, 1-11
“Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Ghênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng. Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm. Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.
Đó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
07/09/2023 – THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 5,1-11
BỎ MÌNH ĐỂ BIẾT MÌNH, BIẾT CHÚA
“Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới… Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5,5.8)
Suy niệm: Sau một đêm đánh cá thất bại, ông Si-môn cùng với các bạn chài giặt lưới và chuẩn bị nghỉ ngơi; chính lúc này Đức Giê-su lại bảo các ông: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Là dân thuyền chài lành nghề, ông Si-môn có kinh nghiệm thả lưới bắt cá vào giờ nào, ở đâu thì có hy vọng bắt được cá. Thế nhưng, ông không cậy dựa vào kinh nghiệm của mình, mà sẵn lòng nghe theo lời chỉ dẫn của người thợ mộc Giê-su: “Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Kết quả là ông bắt được một mẻ cá nhiều đến nỗi kéo lên muốn rách cả lưới, đổ lên hai thuyền nặng gần chìm! Nhìn vào mẻ cá, Si-môn nhận ra Thầy mình là Chúa và nhận ra thân phận tội lỗi của mình không xứng đáng với Chúa, nên ông thốt lên: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.”
Mời Bạn: Thánh Au-gút-ti-nô đã để lại một lời nguyện bất hủ: “Xin cho con biết con, xin cho con người biết Chúa.” Ai biết được mình và biết được Chúa có thể nói là người đó có được cái biết đáng ước mong. Có lẽ mỗi người chúng ta đã từng cầu nguyện như thánh Au-gút-ti-nô, nhưng làm sao để lời cầu nguyện ấy sinh hiệu quả? Câu chuyện về ông Si-môn là một kinh nghiệm đồng thời cũng là một gợi ý. Ông đã bỏ mình, và kết quả là ông biết mình biết Chúa đó bạn.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên suy gẫm những biến cố trong cuộc đời mình và xin được ơn biết mình và biết Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con theo Chúa với điều kiện chúng con phải bỏ mình. Xin cho chúng con dám từ bỏ tất cả để chỉ thuộc về Chúa và chỉ làm những gì Chúa muốn. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
7 THÁNG CHÍN
Liên Kết Với Cây Nho
Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, mối kết hiệp thiêng liêng giữa cành và cây phải được củng cố. Bản thân người được kêu gọi và Chúa Kitô phải hiệp nhất ngày càng thâm sâu hơn. Và điều này nhất thiết có nghĩa rằng đương sự phải có kỷ luật sống và biết hy sinh – cách riêng phải biết học hỏi và cầu nguyện. Chính sự hy sinh sẽ giải phóng trái tim chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể nhiệt thành bám chặt vào Lời Chúa. Chính sự hy sinh sẽ thúc đẩy chúng ta quên mình để phục vụ anh chị em mình. Như thánh Gioan viết: “Cành nào sinh hoa trái, thì sẽ được cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái hơn”. (Ga 15,2). Vì vậy, bạn đừng nghi ngờ tình yêu Thiên Chúa khi phải đối diện với những thử thách hay khổ đau – bởi vì Chúa “cắt tỉa” những ai Người yêu mến để người ấy sinh hoa trái dồi dào hơn.
Để nên một với Đức Kitô, chúng ta phải đón nhận trọn vẹn Lời của Người. Lời này được chuyển đạt cho chúng ta qua Thánh Kinh và qua truyền thống Giáo Hội. Giáo Hội gìn giữ và giới thiệu Lời Chúa trong tất cả vẻ tinh ròng, nhất quán và trong tất cả sức mạnh của Lời đó. Nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần và nhờ đoàn sủng của quyền giáo huấn, Giáo Hội có thể chuyển trao Tin Mừng cho mọi thế hệ. Thật vậy, một thái độ vâng phục trong tình yêu đối với quyền giáo huấn đích thực của Giáo Hội sẽ đảm bảo cho chúng ta nắm bắt được Lời của Thiên Chúa. Bởi nếu không bám vào Lời Chúa, chúng ta sẽ không thể kết hiệp với Đức Kitô – sự kết hiệp đem lại cho ta sự sống. Trung thành với quyền giáo huấn của Giáo Hội, đó là một điều kiện tất yếu để có thể nhận hiểu đúng các “dấu chỉ của thời đại”. Nhờ đó chúng ta được ở trong mối liên kết với Cây Nho trao ban nguồn sống.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 07/9
Cl 1, 9-14; Lc 5, 1-11.
Lời Suy niệm: “Thấy vậy, ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.”
Phêrô và đồng bạn đã vâng lời Chúa Giêsu đã thả lưới giữa ban ngày và bắt được rất nhều cá; nhưng lưới không bị rách; tất cả đều vui mừng kéo cá đổ đầy cả hai thuyền, nhưng chỉ có một mình Phêrô nhận ra đây là một hồng ân lớn lao, Chúa đang tuôn đổ trên con thuyền của ông. Đứng trước hồng ân lớn lao này của Chúa; Phêrô nhận ra mình là kẻ bất xứng trước ơn ban của Chúa. Phêrô đã sấp mình xuống trước mặt Chúa và đã xưng thú về thân phận bất xứng của mình.
Lạy Chúa Giêsu. Hồng ân của Chúa luôn tuôn đổ trên chúng con, như là những món quà miễn phí. Xin cho mỗi người trong chúng con nhận ra để cảm tạ và lấy làm vui mừng trong cuộc sống hiện tại và cả mãi đến mai sau. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
07 Tháng Chín
Ðâu Là Hạnh Phúc Ðích Thực
Seiji Katagire, một phi công Nhật Bản, đang trên cần lái của chiếc phản lực cơ DC 8 của hãng hàng không dân sự với 174 hành khách trên tàu. Ðang lúc anh chuẩn bị đáp xuống phi trường Ðông Kinh, thì anh bỗng nghe được những âm thanh khủng khiếp báo hiệu một sự chết chóc rùng rợn. Do phản ứng tự nhiên, anh đã kéo giật cần lái, khiến cho chiếc máy bay đâm nhào xuống đất gây tử thương cho 24 hành khách và hàng trăm người bị thương.
Khi cuộc điều tra về tai nạn kết thúc thì anh được gửi ngay đến bệnh viện tâm thần. Các bác sĩ về khoa thần kinh học cho rằng những tiếng kêu gào khủng khiếp mà viên phi công đã nghe được, xuất hiện ngay trong cơn ác mộng giữa lúc tỉnh táo của anh và đó chính là nguyên nhân gây ra tai nạn… Theo các bác sĩ tâm thần, ác mộng xảy ra trong tình trạng nửa tỉnh nửa mơ là dấu hiệu báo trước một cơn khủng hoảng tinh thần.
Theo những con số chính xác được tiết lộ từ các bệnh viện thần kinh tại Nhật Bản, thì con số người mắc bệnh mất trí và thác loạn thần kinh đã gia tăng theo tỷ lệ thuận với sự phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế tại quốc gia này… Người Nhật Bản nổi tiếng là người cần cù siêng năng nhất thế giới. Từ em bé mới tập tễnh cắp sách đến trường với một vị bộ trưởng trong chính phủ, tất cả mọi người đều lấy sự bon chen và lấy sự phấn đấu làm phương châm của cuộc sống… Sự cố gắng đó vừa đưa nước Nhật đến chỗ phồn thịnh cũng vừa xô đẩy người dân đến tình trạng căng thẳng không ngừng. Một chút lơ đễnh có thể đưa đến thất bại, một chút sơ sót có thể đưa đến chỗ mất công ăn việc làm… Tự ái cá nhân và tự ái dân tộc khiến người Nhật không chịu đựng được sự thất bại. Một lần thi trượt có thể xô ngã không biết bao nhiêu học sinh Nhật đến chỗ tự vận.
Nhật Bản là quốc gia được coi là mạnh nhất Á Châu và là nước một trong những kỹ thuật cao nhất thế giới. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi: liệu sự giàu có phồn thịnh đó có đem lại cho con người hạnh phúc hay không?
Hạnh phúc là một cái gì vô cùng tương đối… Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột.
Chúng ta hãy thử so sánh niềm vui của các trẻ em thuộc hai xã hội khác nhau. Trong một gia đình mà cơm trắng được coi như một thứ xa xỉ phẩm, thì chắc chắn một ổ bánh mì tây sẽ tạo cho các em bé trong gia đình nghèo một niềm vui gấp nghìn lần niềm vui của những em bé suốt đời sống trên nhung lụa và ăn toàn cao lương mỹ vị.
Một chiếc áo mới mỗi năm chỉ được mặc một lần của em bé nhà nghèo có lẽ sẽ làm cho em bé đó vui hơn tất cả những em bé suốt đời chỉ biết có lụa là gấm vóc.
Của cải vật chất là một điều kiện cần thiết để cho con người được sống xứng với phẩm giá con người. Những phương tiện kỹ thuật giúp con người phát triển nhiều hơn trong nhân cách. Sự sung túc về vật chất phải đem lại sự phát triển nhân bản và tinh thần. Có hiều hơn để nên người nhiều hơn: đó là khẩu hiệu người ta thường đề ra để kêu gọi giúp đỡ các nước kém mở mang… Tuy nhiên, tự nó, của cải vật chất, sự giàu có, những phương tiện văn minh tiến bộ không phải là cùng đích của con người.
Người Kitô luôn thức tỉnh để đánh giá đúng những phương tiện vật chất họ đang sử dụng hay đang tìm cách để đắc thủ. Sự chạy đua với những phương tiện vật chất không nên làm họ mờ mắt, bán đứng lương tâm của mình.
Hạnh phúc duy nhất và đích thực trong cuộc sống của người Kitô phải là chính Chúa. Có được hạnh phúc đó trong tâm hồn, chúng ta sẽ đánh giá đúng mức của cải vật chất và đồng thời sẽ tìm được hạnh phúc ngay trong những điều kiện thiếu thốn nhất của cuộc sống.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm – Tuần 22 – TN1
Bài đọc: Col 1:9-14; Lc 5:1-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải khôn ngoan tìm ra và trung thành làm theo thánh ý Thiên Chúa.
Nhiều người có khuynh hướng chỉ làm theo ý riêng mình, và rất khó chịu khi phải làm theo ý người khác; nhưng thực tế chứng minh, không phải lúc nào ý riêng mình cũng mang lại hậu quả tốt đẹp. Vì thế, con người phải luôn mở rộng tâm hồn, dùng khôn ngoan và hiểu biết để nhận ra và thi hành ý mang lại kết quả tốt đẹp nhất.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc khuyến khích con người tìm ra và thi hành thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô cầu xin cho các tín hữu Colossê có đủ khôn ngoan và hiểu biết để am thường thánh ý Thiên Chúa, và có sức mạnh để thực thi thánh ý của Ngài; vì hiệu quả của những người làm theo thánh ý Thiên Chúa là sẽ sinh hoa kết quả trong cuộc sống đời này, và sẽ được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa ở đời sau. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mở mắt, mở trí, và mở lòng cho Phêrô và các môn đệ nhận ra uy quyền, tình yêu, và thánh ý của Thiên Chúa cho các ông trong cuộc đời. Ngài muốn các ông đổi nghề: thay vì đánh cá, giờ chú trọng đến việc rao giảng Tin Mừng để chinh phục các linh hồn về cho Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hiểu biết và làm theo thánh ý Thiên Chúa.
1.1/ Am tường thánh ý Thiên Chúa: Thánh Phaolô mở đầu Thư Colossê bằng lời cầu nguyện: “chúng tôi cũng không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thánh Thần ban cho.”
Để có thể am tường thánh ý Thiên Chúa, thánh Phaolô đề cập tới hai trong bảy quà tặng của Thánh Thần là khôn ngoan (sophia) và hiểu biết (synesis); chứ không phải bất kỳ sự khôn ngoan hay hiểu biết nào của con người. Khôn ngoan của Thánh Thần là khôn ngoan biết mọi sự theo kế hoạch của Thiên Chúa, và nhất là hướng về đích điểm của cuộc đời là được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Hiểu biết của Thánh Thần bao gồm việc làm sao biết áp dụng những khôn ngoan học được vào cuộc đời để sinh lợi ích cho mình và cho tha nhân.
Một khi đã tìm ra thánh ý của Thiên Chúa, con người cần thi hành thánh ý đó cho đến cùng, cho dù có phải hy sinh và chịu đựng gian khổ. Thánh Phaolô tin: “Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh em sẽ nên mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả.”
1.2/ Làm theo thánh ý Thiên Chúa: sẽ đem lại cho con người hai phần thưởng.
(1) Sẽ sinh hoa kết quả: “Anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Người về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn.” Sống theo thánh ý Thiên Chúa bảo đảm con người đi đúng đường và sinh lợi ích trong cuộc đời này.
(2) Sẽ được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa: Đức Kitô vừa là người mặc khải cho con người biết ý định của Thiên Chúa, vừa là người đổ máu ra để thanh tẩy tội lỗi cho con người. Nhờ Đức Kitô mà “anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.”
2/ Phúc Âm: Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.
2.1/ Sứ vụ giảng dạy và huấn luyện tông-đồ của Đức Kitô: Trình thuật kể: “Một hôm, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Gennesareth, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.”
Dân chúng chen lấn nhau để có thể đến gần nghe Chúa Giêsu giảng dạy: Khao khát được lắng nghe Lời Chúa nằm trong bản năng của con người. Chúa Giêsu có ý cho Phêrô nhìn thấy sự khao khát của con người để được nghe Lời Chúa. Phêrô có thể đã quá bận rộn với công việc kiếm ăn, nên không còn nhạy cảm với nhu cầu này. Chúa Giêsu cũng đang có sẵn kế hoạch cho Phêrô, Ngài muốn ông đổi nghề thành kẻ thu phục linh hồn con người về cho Thiên Chúa. Những gì ông có kinh nghiệm trong nghề chài lưới như: vất vả, kiên nhẫn … sẽ giúp ông trong nghề thu phục linh hồn con người. Đây cũng là bài học cho các mục tử: phải đáp ứng nhu cầu căn bản này hơn hết các nhu cầu khác. Khi dân chúng không muốn nghe các mục tử giảng dạy, lý do có thể vì họ không hiểu hay không tìm được sự hấp dẫn của Lời Chúa qua cách thế giảng dạy của các mục tử.
2.2/ Đức Kitô chọn người để tiếp tục sứ vụ giảng dạy: Giảng xong, Người bảo ông Simon: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Simon đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.”
(1) Làm theo thánh ý Thiên Chúa: thách đố con người, trước tiên, phải bỏ ý mình. Là người có biết bao kinh nghiệm về chài lưới, vất vả cả đêm không bắt được con nào, và đã giặt giũ lưới xong; Phêrô giờ phải làm theo ý của một người không có kinh nghiệm về chài lưới, lại bắt thả vào giờ cá không ăn, và trước bao nhiêu dân chúng và bạn đồng nghiệp. Tuy thế, Phêrô cũng vâng lời làm, không phải vì tin sẽ bắt được cá, nhưng vì lời truyền uy quyền của Chúa Giêsu.
Hiệu quả của việc làm theo thánh ý Thiên Chúa: “Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.”
(2) Phản ứng của Phêrô và các bạn: Họ kinh ngạc khi chứng kiến mẻ lưới lạ lùng xảy ra. Phêrô, Giacôbê và Gioan là những người thuyền chài kinh nghiệm, các ông không ngờ trên đời còn có người hiểu biết và kinh nghiệm hơn mình. Đây lại là bài học cho con người nữa: Có khôn ngoan, hiểu biết và kinh nghiệm đến đâu chăng nữa, cũng vẫn phải mở lòng để học hỏi và đón nhận những tinh hoa của người khác mỗi ngày, nhất là những gì đến từ Thiên Chúa. Ngài vẫn không ngừng mở mắt con người để đón nhận những ngạc nhiên mỗi ngày. Người tự mãn bằng lòng với những gì mình có, sẽ không cần phải học hỏi, và sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội để trau dồi kiến thức trong cuộc đời.
Ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Ông nhận ra Chúa Giêsu không phải là một con người bình thường, nhưng có uy quyền của Thiên Chúa. Ông cũng nhận ra Chúa Giêsu biết tất cả những gì ông suy nghĩ trước khi ông thả lưới bắt cá; vì thế, ông chấp nhận thân phận yếu đuối, hèn hạ của mình, và khiêm nhường quì gối xuống xin tránh xa ông. Bấy giờ Đức Giêsu lợi dụng cơ hội và bảo ông Simon: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Một khi đã nhận ra sự thật và tình yêu Thiên Chúa, con người chỉ còn một cách là bỏ hết mọi sự mà theo Người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần học hỏi và cầu nguyện để xin Thiên Chúa cho chúng ta hiểu đâu là thánh ý Ngài muốn cho chúng ta trong cuộc đời; đồng thời xin Ngài ban sức mạnh để chúng ta thực hiện.
– Hiệu quả của việc thực hiện thánh ý Thiên Chúa sẽ bảo đảm cho chúng ta sinh hoa kết quả ở đời này, và được chung hưởng vinh quang với Thiên Chúa đời sau.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************