Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Năm Tuần XXIII Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: Cl 3, 12-17
“Anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện.
Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em.
Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 150, 1-2. 3-4. 5-6
Đáp: Phàm vật chi có hơi thở, hãy ngợi khen Thiên Chúa (c. 6).
Xướng:
1) Hãy ngợi khen Chúa trong thánh đài của Chúa, ngợi khen Chúa nơi thanh không cao cả của Người. Hãy ngợi khen Người vì những kỳ công vĩ đại, ngợi khen Người bởi sự Người tuyệt đối oai nghiêm. – Đáp.
2) Hãy ngợi khen Chúa với tiếng kèn rầm rộ, ngợi khen Người với cây đàn sắt, đàn cầm, hãy ngợi khen Người với trống rung và ca vũ, ngợi khen Người với tơ đàn, với ống tiêu. – Đáp.
3) Hãy ngợi khen Người với âm vang não bạt, ngợi khen Người với tiếng rền rĩ mã-la. Phàm vật chi có hơi thở, hãy ngợi khen Thiên Chúa. – Đáp.
ALLELUIA: 2 Cr 5, 19
Alleluia, alleluia! – Thiên Chúa ở trong Đức Kitô đã giải hoà thế gian với Người, và đã đặt lời giải hoà trên môi miệng chúng tôi. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 6, 27-38
“Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả con má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho, và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại.
Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.
Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.
Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được thứ tha. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
09/09/2021 – THỨ NĂM TUẦN 23 TN
Th. Phê-rô Cla-ve, linh mục
Lc 6,27-38
NHÂN TỪ NHƯ CHÚA NHÂN TỪ
Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36)
Suy niệm: Chúa Giê-su dạy chúng ta phải có lòng nhân từ, được thể hiện qua thái độ và hành động bao dung, tha thứ, không lên án, không xét đoán…. Đây quả là đòi hỏi hết sức khó khăn, bởi vì theo tính tự nhiên, người ta không chấp nhận phải tha thứ đến “bảy mươi lần bảy” hay phải yêu thương cả kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét mình. Lý do Chúa Giê-su đòi hỏi như vậy là vì những ai tin vào Ngài thì đã tuyên nhận Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau; và vì thế điều làm nên bản chất Ki-tô hữu không phải bởi việc kêu lên “lạy Chúa, lạy Chúa” nhưng là thực thi giới răn của Ngài, mà cốt lõi là phải có lòng nhân từ không phải theo kiểu người ta mà là nhân từ như Thiên Chúa, Cha của anh em, là Đấng nhân từ.
Mời Bạn: Lòng nhân từ của Thiên Chúa bắt nguồn từ trái tim của Người Cha: một trái tim giàu lòng xót thương, trái tim không loại trừ bất kỳ ai, bởi tất cả đều là con cái Chúa và luôn có chỗ trong trái tim của Ngài. Bởi thế, để sống nhân từ giống như Chúa phải mang trong mình trái tim của Chúa, nhìn nhận Chúa là Cha và đón nhận tất cả mọi người không trừ ai đều là những người anh em rất thân thiết của mình.
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống xem mình đang có mối bất hoà, giận ghét với ai, để xin ơn biến đổi, để có nhìn nhận nhau là anh em rất thân thiết trong gia đình của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, yêu thương kẻ thù con chấp nhận mình có thể trở nên điên rồ trong cái nhìn của người đời. Nhưng con ý thức mình là con cái Chúa, vì thế phải sống nhân từ như Chúa là Đấng nhân từ. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm
Khi đọc lời nhắn nhủ trên đây của Ðức Giêsu,
chúng ta thường thấy đó là chuyện không thể làm nổi,
hay nếu làm được, ắt sẽ sinh ra những hậu quả tồi tệ.
Chắc chắn Ðức Giêsu không dạy ta bao che cho kẻ ác,
hay đòi hủy bỏ luật hình sự để phạt các phạm nhân.
Ngài không cổ vũ việc ăn xin khi nói: “Ai xin, con hãy cho.”
Ngài cũng không biến chúng ta thành người bạc nhược.
Bài Tin Mừng hôm nay là một viên ngọc,
vì nó cho thấy nét đặc trưng của người Kitô hữu.
Nó vén mở một lý tưởng mà ta phải vươn tới.
Chúng ta cần vượt lên trên nghĩa đen của mặt chữ
để cảm được tinh thần mà Chúa muốn ta sống.
Không sống lời Ngài, ta vẫn là kẻ đứng ngoài Kitô giáo.
“Hãy yêu kẻ thù”: câu này được nhắc lại hai lần.
Theo bài Tin Mừng này thì kẻ thù của tôi là ai?
Ðó là kẻ ghét tôi, kẻ nguyền rủa tôi và vu khống.
Ðó là kẻ tát vào mặt tôi và đoạt áo ngoài của tôi.
Như thế kẻ thù tôi chẳng đâu xa, ngày ngày tôi vẫn gặp.
Họ là những người hay làm phiền và lợi dụng tôi,
là những kẻ xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của tôi.
Họ là những người tự nhiên tôi không ưa, hay không ưa tôi.
Ðức Giêsu không đòi tôi yêu kẻ thù như yêu người thân:
về mặt tình cảm, chuyện đó khó thực hiện.
Nhưng Ngài mời tôi yêu bằng hành động.
Yêu là làm ơn, là chúc lành, là cho vay.
Yêu là cầu nguyện điều lành cho kẻ thù (cc. 27-28).
Khi làm điều tốt cho kẻ thù,
tôi được giải phóng khỏi cái tôi ăn miếng trả miếng,
và nhờ đó chính kẻ thù tôi cũng có thể được giải phóng
khỏi cái tôi ích kỷ của họ.
Khi yêu kẻ thù bằng những hành động tử tế,
tôi không còn coi họ là kẻ thù của tôi nữa.
Dần dần, tình cảm của tôi đối với họ cũng biến đổi.
Cần can đảm biết bao khi chào hỏi, bắt tay
một người làm tôi vô cùng đau khổ.
Ðó chẳng phải là một hành động giả hình,
nhưng là một nỗ lực thắng vượt tình cảm tự nhiên.
Ðó chẳng phải là một hành vi của kẻ yếu,
nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm anh hùng.
Kitô hữu được mời gọi vượt lên trên cái tự nhiên.
Suy nghĩ tự nhiên, tình cảm tự nhiên, phản ứng tự nhiên…
Phải ra khỏi cái tự nhiên, thường tình,
mới vào được thế giới siêu nhiên,
thế giới của những người con, sống nhân hậu như Cha.
Sống nhân hậu như Cha là trở nên hoàn thiện.
Thế giới văn minh không chỉ nhờ tiến bộ của khoa học,
nhưng chủ yếu nhờ những chiến thắng trên lòng ích kỷ
của từng người cũng như của mọi tập thể lớn nhỏ.
Trái đất chỉ tồn tại nhờ tha thứ yêu thương.
Kitô giáo chỉ sống còn nhờ yêu thương tha thứ.
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi oán hờn nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
9 THÁNG CHÍN
Một Cuộc Sửa Soạn Ngắn Ngủi Cho Đời Sống Vĩnh Cửu
Đức Kitô nói : “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Vâng, cuộc sống con người trên trần gian là một cuộc hành hương. Tất cả chúng ta đều ý thức rằng cuộc sống của mình trên trần gian chỉ là một ‘gang tay’ thôi. Chào đời đó rồi lại lìa đời đó, khác chi một kiếp phù du! Và chính trong cuộc lữ hành ngắn ngủi này, tiếng gọi của Đức Kitô sẽ giúp chúng ta biết cách sống sao cho cuối cùng mình có thể tới được bến bờ thật sự.
Con người không ngừng đối mặt với bản tính phù du của cuộc sống – cuộc sống mà họ biết là vô cùng quan trọng trong tư cách là sự chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh hằng. Cuộc hành trình đức tin của con người hướng họ về phía Thiên Chúa và giúp họ có những chọn lựa đúng đắn trên hành trình tiến về cõi trường sinh. Vì vậy, mỗi giây phút của cuộc hành trình này đều quan trọng – quan trọng nơi những thách đố và nơi những chọn lựa không ngừng đặt ra trước mặt con người.
Một thực tại rất thiết thân trong cuộc hành trình của con người chính là nền văn hóa. Công Đồng Vaticanô II khẳng quyết rằng: “Có nhiều mối quan hệ giữa sứ điệp ơn cứu độ và văn hóa con người. Thật vậy, Thiên Chúa đã không ngừng mạc khải chính Ngài cho con người, cho đến khi Ngài hoàn toàn tự tỏ hiện nơi Chúa Con nhập thể, Đấng đã lên tiếng nói theo sắc thái văn hóa riêng của các giai đoạn lịch sử khác nhau” (MV 58).
Công Đồng cũng dạy: “Ngưòi Kitô hữu trên đường tiến về thành đô thiên quốc, phải tìm kiếm và nếm cảm các thực tại trên trời. Tuy nhiên, điều này không làm suy giảm song càng nhấn mạnh tầm quan trọng của bổn phận họ phải cộng tác với mọi người nhằm xây dựng một thế giới nhân đạo hơn.”(57).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 9/9
Thánh Phêrô Claver, linh mục.
1Cr 8, 1-7.11-13; Lc 6, 27-38.
LỜI SUY NIỆM: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em. Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.”
Chúa Giêsu đang nhắn nhủ mỗi người trong chúng ta cần phải sống “yêu thương kẻ thù” đây là “Luật Vàng” chỉ có Giáo lý của Chúa Giêsu mà thôi. Nếu mỗi người trong nhân loại đều thực thi Giáo lý này, thì thế gian sẽ là thiên đàng, nhân loại sẽ được sống trong hòa bình thịnh vượng và hạnh phúc.
Lạy Chúa Giêsu, Trong lần gặp mặt nhóm trẻ gần đây tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phaxicô có nhắc nhủ chúng con: “Không oán ghét mà thôi, thì không đủ, còn cần tha thứ nữa; không oán hận mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn cần cầu nguyện cho kẻ thù nữa;” Xin cho mỗi người trong chúng ghi nhớ giáo huấn này để thực hiện Giáo Lý của Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
09 Tháng Chín
Các Thánh Xuống Hỏa Ngục
Văn hào Guenter Eich, người Ðức, có viết một vở kịch truyền thanh với nhan đề: “Festamus, người tử đạo”, đại ý câu chuyện như sau:
Festamus là một con người lành thánh, đơn sơ hiếm có. Mặc dù sống giữa những người gian ác, chàng vẫn luôn cư xử đoan chính, giàu lòng thương đối với những người bần cùng.
Sau khi chết, chàng được lên Thiên Ðàng. Ở đó, sau khi làm quen với các vị thánh, chàng đã bỏ ra mấy ngày liền để đi tìm kiếm cha mẹ, anh em và bạn hữu ngày xưa. Nhưng chàng không thấy ai. Thánh Phêrô cho biết: Cha mẹ và bạn hữu chàng ngày xưa đã ăn ở gian ác, nên đã bị giam trong Hỏa Ngục.
Nghe đến đây, Festamus buồn thiu, chàng liền thưa với thánh Phêrô: “Con không thể ở nơi đây được bao lâu còn có những người đang phải chịu đau khổ dưới đó”.
Chàng liền rời bỏ Thiên Ðàng, xuống Hỏa Ngục để thăm cha mẹ, bạn hữu và những người thân. Chàng làm điều đó với thác tín rằng: Khi một người vô tội từ trời cao, đến và sống với những người bị kết án, cùng chia sẻ với họ những đau khổ nhọc nhằn, thì người đó sẽ phá tan được địa ngục và vòng phong tỏa của quỷ ma…
Câu chuyện tưởng ttượng trên đây phần nào muốn đề cao thiện chí của những người dám hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình để chia sẻ số phận đau thương của những người khác.
Ðó là tất cả Mầu Nhiệm Thiên Chúa làm người. Thiên CHúa đa từ trời cao xuống trần trong thân phận nghèo hèn nhất. Ngài sinh ra trong chuồng bò để thông cảm với nỗi cơ cực nghèo nàn của những kẻ không nhà không cửa.
Thiên Chúa từ trời cao không muốn ban xá lệnh, ban ơn tha thứ cho tội nhân, mà trái lại đã thân hành đến ngồi đồng bàn với từng tội nhân. Thiên Chúa không thể hiện sự cảm thông bằng lời nói suông, mà bằng cả cuộc sống làm người…
Người Việt Nam nào dường như cũng đang sống trong địa ngục của thiếu thốn và nghèo khổ. Không cần phải đi tìm kiếm, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được thế nào là cơ cực, bần cùng. Ai sẽ biến cảnh khốn cùng ấy trở thành Thiên Ðàng của Tình Thương? Mỗi người một ít, nếu ai cũng ra khỏi nỗi khổ của mình và gom góp lại đóm lửa của yêu thương, chia sẻ, cảm thông, chúng ta sẽ xoa dịu được phần nào nỗi khổ đau chung mà chúng ta đang trải qua…
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm – Tuần 23 – TN1 – Năm lẻ.
Bài đọc: Col 3:12-17; Lk 6:27-38.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bắt chước Đức Kitô để sống đời trọn lành.
Đạo không phải chỉ là những lễ nghi bên ngoài, nhưng là con đường nên trọn lành. Các Bài Đọc hôm nay đưa ra những lý do và dạy chúng ta trở nên trọn lành. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô đưa ra những lý do tại sao phải nên trọn lành: vì người tín hữu đã được tuyển chọn, thánh hiến, và yêu thương. Trong Phúc Âm, người tín hữu đã được trang bị để yêu kẻ thù bằng tình yêu Thiên Chúa đã phú bẩm trong tâm hồn; để họ có thể trở nên trọn lành như Cha trên trời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, thánh hiến, và yêu thương.
1.1/ Hãy tập luyện để sống nhân đức.
(1) Các tín hữu có khả năng để sống tốt lành: vì họ đã được tuyển chọn, thánh hiến, và yêu thương trong Đức Kitô. Họ đã được tuyển chọn để trở thành môn đệ của Đức Kitô và nghĩa tử của Thiên Chúa nhờ niềm tin vào Đức Kitô. Họ đã được thánh hiến qua hai giai đoạn: được thanh tẩy sạch mọi tội lỗi nhờ Máu Đức Kitô và được trang bị bằng 7 hồng ân của Thánh Thần để sống đời trọn lành. Họ đã được Thiên Chúa yêu thương bằng tình yêu Thiên Chúa; và chính nhân đức yêu thương này giúp các tín hữu có thể yêu thương mọi người.
Có những nhân đức Thiên Chúa ban trực tiếp cho con người như 3 nhân đức tin, cậy, và mến; có những nhân đức con người phải bỏ công luyện tập, điển hình là 4 nhân đức trụ. Gọi là 4 nhân đức trụ, vì con người phải đứng vững trên 4 cột trụ là: khôn ngoan, công bằng, can đảm, và tiết độ. Thánh Phaolô liệt kê 5 nhân đức mà người Kitô hữu phải có; đó là lòng thương cảm, tử tế, khiêm nhường, hiền hoà, và nhẫn nại. Năm nhân đức này đều là thành phần của 4 nhân đức trụ nêu trên.
(2) Hai nhân đức tối quan trọng:
+ Tha thứ: “Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.” Tha thứ luôn mang hai chiều kích của Thập Giá mà Đức Kitô là trung tâm: chiều dọc với Thiên Chúa và chiều ngang với tha nhân; không thể có chiều kích này mà không có chiều kích kia. Nếu một người đã được hòa giải với Thiên Chúa, mà vẫn không chịu hòa giải với anh em; mối hòa giải với Thiên Chúa sẽ trở thành vô hiệu.
+ Yêu thương: “Trên hết mọi nhân đức, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” Đức bác ái chính là tình yêu Thiên Chúa chúng ta đã đề cập ở trên. Thánh Phaolô gọi đức bác ái là nhân đức cao trọng hơn hết mọi nhân đức, và là sợi dây liên kết mọi điều hoàn thiện. Không có nhân đức này, người tín hữu không thể trở nên trọn lành (I Cor 13).
1.2/ Hãy đặt Đức Kitô là trọng tâm của đời sống: Người Kitô hữu có sự bình an của Đức Kitô, vì họ đã được Ngài hòa giải với Thiên Chúa, và với mọi người. Thánh Phaolô mong ước các tín hữu hãy để sự bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn; vì trong một thân thể duy nhất, họ đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó.
Người Kitô hữu là môn đệ của Đức Kitô; vì thế họ phải để những lời dạy dỗ của Đức Kitô ngự giữa tâm hồn thật dồi dào phong phú. Họ phải dùng những lời của Đức Kitô để dạy dỗ và khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, họ phải đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thánh Thần linh hứng. Nói tóm, họ phải nhân danh Đức Kitô làm mọi sự như Phaolô khuyên nhủ: “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.”
2/ Phúc Âm: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em.
Trước tiên, chúng ta cần phân biệt 3 động từ yêu trong Hy-lạp: Thứ nhất, eran, để chỉ tình yêu trai gái; thứ hai, philein, để chỉ tình yêu giữa những người trong gia đình, hay tình bằng hữu; sau cùng, agapan, để chỉ thứ tình yêu chỉ có trong khuôn khổ của Kitô Giáo. Chúng ta đã đề cập đến thứ tình yêu này khi đề cập đến đức bác ái ở trên.
2.1/ Yêu kẻ thù: chỉ có thể được đòi hỏi nơi những người môn đệ của Đức Kitô; vì họ đã được trang bị làm chuyện đó. Chúa Giêsu không đòi chúng ta yêu kẻ thù với tình yêu trai gái hay tình yêu gia đình, vì làm như vậy là đi ngược lại tự nhiên; nhưng Ngài đòi chúng ta yêu kẻ thù bằng tình bác ái, vì Ngài đã phú bẩm vào linh hồn chúng ta nhân đức bác ái này, mà chúng ta thường gọi là đức mến, một trong ba nhân đức đối thần.
(1) Những điều cần làm cho kẻ thù: Yêu kẻ thù không phải chỉ xảy ra trong tư tưởng; mà phải được biểu tỏ bằng hành động cụ thể. Đức Kitô liệt kê một số điều cần làm:
– Làm ơn cho kẻ ghét anh em;
– Chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em;
– Cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em;
– Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa;
– Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong;
– Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.
Nói tóm, nếu chúng ta muốn người ta làm gì cho mình, thì chúng ta cũng hãy làm cho người ta như vậy.
(2) Tại sao phải yêu thương kẻ thù: là để trở nên tốt lành như Cha trên trời là Đấng Tốt Lành, và để được phần thưởng đời sau. Chúa Giêsu đưa ra 3 lý luận:
– Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ.
– Nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế.
– Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.
Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và hãy cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.
2.2/ Đừng xét đoán tha nhân nhưng hãy rộng lượng cho đi: Con người dễ xét đoán tha nhân theo những gì xảy ra bên ngoài; nhưng Chúa Giêsu truyền: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” Đây là luật tổng quát cho mọi người; nhưng có những người có nhiệm vụ phải xét đoán như: các nhà lãnh đạo tinh thần, cha mẹ, bề trên… Khi phải xét đoán, những người này phải có đủ bằng chứng, phải hiểu rõ hoàn cảnh, và nhất là phải biết xét đoán cách rộng lượng như lời Chúa dạy: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Vì đã được tuyển chọn, thánh hiến, và yêu thương, chúng ta không thể sống như một người tầm thường, nhưng cần tập luyện để sống đời nhân đức như Đức Kitô đã dạy.
– Yêu thương kẻ thù không phải chỉ là lời khuyên, mà là một lệnh truyền. Chúng ta đã được trang bị để có thể yêu thương kẻ thù.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************