Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Năm Tuần V Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: 1 V 11, 4-13
“Bởi ngươi không giữ giao ước, Ta cất vương quốc khỏi ngươi; nhưng vì Đavít thân phụ ngươi, Ta sẽ dành một chi tộc cho con trai ngươi”.
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Khi vua Salomon đã về già, các bà vợ của ông mê hoặc lòng ông, kéo ông theo các thần dân ngoại, lòng ông không còn trọn vẹn với Chúa là Thiên Chúa của ông, như lòng Đavít thân phụ ông. Salomon tôn thờ nữ thần Astarthê của dân Siđon, và thần Môlốc của dân Ammon. Và Salomon đã làm điều không đẹp lòng Chúa và không trọn niềm theo Chúa, như Đavít thân phụ ông. Bấy giờ Salomon xây am trên núi đối diện với Giêrusalem cho Khanios, thần của dân Moab, và cho Môlốc, thần của dân Ammon. Ông cũng làm như thế cho tất cả các bà vợ ngoại bang của ông, để các bà dâng hương và tế lễ cho các thần của các bà. Vậy Chúa thịnh nộ với Salomon, vì tâm hồn ông đã bỏ Chúa là Thiên Chúa Israel, Đấng đã hiện ra với ông hai lần, và cấm ông không được chạy theo các thần khác, nhưng Salomon không tuân giữ điều Chúa truyền dạy ông.
Do đó, Chúa phán cùng Salomon rằng: “Bởi ngươi đã ăn ở như thế, và đã không tuân giữ giao ước và lề luật mà Ta đã truyền cho ngươi, Ta sẽ phân chia vương quốc của ngươi, và trao cho tôi tớ ngươi. Nhưng vì nể Đavít, thân phụ ngươi, Ta sẽ không thi hành điều đó khi ngươi còn sống. Ta sẽ phân chia vương quốc ngươi ngay trên tay con của ngươi. Vì Đavít, tôi tớ Ta, và vì Giêrusalem Ta đã tuyển chọn, Ta sẽ không lấy tất cả vương quốc: Ta sẽ dành một chi tộc cho con trai ngươi”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 105, 3-4. 35-36. 37 và 40
Đáp: Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài (c. 4a).
Xướng:
1) Phúc cho ai tuân giữ những lời huấn lệnh, và luôn luôn thực thi điều công chính. Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài; xin mang ơn cứu độ đến thăm viếng chúng con. – Đáp.
2) Họ đã hoà mình với người chư dân, và học theo công việc chúng làm. Họ sùng bái tà thần của chúng, những tà thần đã hoá thành lưới dò hại họ. – Đáp.
3) Họ đã giết những người con trai và con gái, để làm lễ cúng tế quỷ thần. Chúa đã bừng cơn thịnh nộ với dân tộc, và tởm ghét phần gia nghiệp của Ngài. – Đáp.
ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 7, 24-30
“Những con chó ở dưới gầm bàn cũng ăn những mụn bánh rơi của con cái”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt Tyrô và Siđon. Vào một nhà kia, Người không muốn ai biết Mình, nhưng Người không thể ẩn náu được. Vì ngay lúc đó, một bà kia có đứa con gái bị thần ô uế ám, bà nghe nói về Người liền đến phục lạy Người. Bà đó là người dân ngoại, dòng giống Syrô-phênixi, và bà xin Người trừ quỷ ra khỏi con bà. Người nói: “Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó”. Nhưng bà trả lời và thưa Người rằng: “Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái”. Người liền nói với bà: “Vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi”. Khi bà về đến nhà, thì thấy cô gái nhỏ nằm trên giường và quỷ đã xuất rồi. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
10/02/2022 – THỨ NĂM TUẦN 5 TN
Th. Cô-lát-ti-ca, trinh nữ
Mc 7,24-30
ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-SU
Một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Đức Giê-su, liền vào sấp mình dưới chân Người. (Mc 7,25)
Suy niệm: Người đàn bà xứ Xy-ri này phải chịu đựng những thành kiến, dị nghị của người Do Thái đối với những người dân ngoại, khi bà đến xin Đức Giê-su cứu chữa đứa con gái bé bỏng của mình khỏi quỷ ám; giờ đây hẳn bà cảm thấy bất lực, tuyệt vọng không còn chỗ để bám víu trước những lời hắt hủi phũ phàng của Chúa: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Tình mẫu tử đã giúp bà tăng thêm lòng can đảm để vượt lên tất cả, bà vẫn “sấp mình dưới chân Chúa” và thưa lại với tất cả niềm tin, hy vọng: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” Những lời xem ra thử thách của Đức Giê-su lại càng tỏ lộ rõ lòng tin kiên trì của bà và nhất là lòng thương xót vô biên của Chúa. Nhờ thế, con gái của bà đã được Chúa chữa lành.
Mời Bạn: Chúng ta khi đứng trước những khó khăn, đặc biệt của chính con cái, người thân của mình, có đến “sấp mình dưới chân Chúa” cầu xin Ngài với tất cả lòng thành và tin tưởng kiên trì phó thác hoàn toàn cho tình yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa? Bạn đừng ngại dâng lên Chúa những ưu tư, những nỗi khổ của mình, của người thân để được Chúa trợ giúp, an ủi, chữa lành.
Sống Lời Chúa: Mỗi khi cầu nguyện, bạn dâng lên Chúa ý chỉ cầu xin cho những người đau khổ đang cần trợ giúp mà bạn quen biết.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con vững tin vào Chúa, biết tìm đến với Chúa trong mọi nơi mọi lúc, đặc biệt những lúc khó khăn nhất trong đời sốùng chúng con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Để có được cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với người phụ nữ,
hai bên đã phải vượt qua nhiều đường ranh, nhiều rào cản.
Đức Giêsu đã bỏ đất Ítraen để đến vùng Tia, vùng đất ô uế của dân ngoại.
Người đàn bà dân ngoại đã vượt qua sự ngăn cách với người đàn ông Do thái.
Qua câu đáp của bà, bà cũng vượt qua được sự lụy phục thường gặp nơi phụ nữ
sống trong một nền văn hóa do đàn ông làm chủ ở thế kỷ đầu.
Trong Tin Mừng Máccô, đây là phép lạ duy nhất nhắm đến dân ngoại.
Rõ ràng Đức Giêsu không có ý làm phép lạ trừ quỷ này,
Chúng ta ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu từ chối giúp bà ta, rồi lại đổi ý.
Nhiều người không tin đây là cách cư xử vốn có của Đức Giêsu
trước nỗi đau của trái tim người mẹ có đứa con bị quỷ ám.
Tuy nhiên, nên nhớ rằng sứ vụ của ngài không bao gồm dân ngoại.
Ngài chỉ được sai đến với dân Ítraen,
để rồi chính môn đệ ngài sẽ chịu trách nhiệm đến với dân ngoại.
Hãy lắng nghe cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người phụ nữ.
Bà nài xin ngài đuổi quỷ ra khỏi con gái của bà,
nhưng bà đã phải nghe một câu trả lời rất khó chịu và có thể gây tổn thương.
“Hãy để con cái ăn trước,
vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó con” (c. 27).
Đức Giêsu ví dân Do thái với những đứa con trong nhà,
còn dân ngoại là mẹ con bà, được ví với những chó con.
Con cái dĩ nhiên là có quyền ưu tiên rồi, được ăn bánh trước.
Bánh của con cái đương nhiên không nên ném xuống đất cho chó con.
Với người khác, câu trả lời gây sốc của Đức Giêsu có thể khép lại mọi hy vọng.
Nhưng đối với bà, chính câu này lại mở ra niềm hy vọng mới.
“Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn
cũng được ăn những mảnh vụn của lũ trẻ nhỏ” (c. 28).
Bà khiêm tốn nhận mình là chó con,
được nuôi trong nhà, nằm dưới gầm bàn lúc mọi người ăn uống,
nên thỉnh thoảng cũng được đám con cái cho ăn những mảnh bánh vụn.
Như thế những đứa con cũng chẳng giữ riêng tấm bánh cho mình.
Chúng cũng biết chia sẻ, thậm chí cho mấy chú chó con.
Hôm nay bà chẳng xin ngài cho tấm bánh trên bàn dành cho con cái,
Bà chỉ xin ngài cho vụn bánh dành cho chó con nằm dưới bàn.
Đức Giêsu hẳn hết sức bất ngờ với câu trả lời này,
vừa tin tưởng, hy vọng, vừa khiêm tốn, khôn ngoan.
Chính câu trả lời này đã chinh phục và làm cho Đức Giêsu đổi ý.
“Vì bà nói thế, bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi” (c. 29).
Phép lạ này rất “lạ” vì Đức Giêsu đã đuổi quỷ từ xa,
và ngài cũng chẳng đưa ra một lời uy quyền nào để đuổi quỷ.
Khi người mẹ này về nhà, thì thấy con gái mình đã được bình an.
Chúng ta học được gì nơi cách cư xử của người phụ nữ?
Chúng ta học được gì nơi thái độ của Đức Giêsu?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề ;
có những lúc con muốn buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy ;
có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.
Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.
Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.
Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.
Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.
Lạy Chúa Giêsu,
con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
10 THÁNG HAI
Nghệ Thuật Thánh: Thấm Đẫm Cái Đẹp Và Sự Thật
Cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa đã đem lại khả năng diễn dịch mầu nhiệm của Thiên Chúa xuyên qua những dấu hiệu khả giác – để bộc lộ sự hiện diện của Thiên Chúa cho con người. Với biến cố nhập thể, Ngôi Lời đã đến và trở thành một phần của lịch sử: vị Người-Chúa này đã được nhìn thấy, được nhận biết, được mến yêu. Nghệ thuật Kitô giáo trình bày nhân tính hữu hình của Đức Kitô và các hoạt động thần linh của Người – và với ngôn ngữ sáng tỏ của mình, nó mở ra cho người ta cảm thụ một khía cạnh nào đó trong bản tính khôn tả của Thiên Chúa.
Vẻ đẹp kết hợp với sự thật phản chiếu nơi mọi hữu thể, vén mở bí mật thâm sâu của nó cho con cái loài người. Vì thế, nghệ thuật đích thực là nghệ thuật được bao phủ bằng những dấu chỉ của vẻ đẹp và chân lý. Bấy giờ, nó sẽ trở thành phổ quát, chân chính và có thể hiểu được đối với mọi người. Người ta đón nhận nó với niềm vui, và họ sẽ rút ra từ nó sức khích lệ để thực hiện những điều cao quí.
Giáo Hội đề cao nghệ thuật đích thực, bởi vì Giáo Hội nhìn thấy trong đó một sự diễn tả căn bản của văn hóa và của nhân tính. Giáo Hội cũng xác tín rằng đức tin có thể và vốn thường tác động trong các tác phẩm nghệ thuật một vai trò thúc đẩy – tác động thúc đẩy này đụng chạm đến trái tim và tâm linh của người ta. Công Đồng Vatican II đã nhận định: “Trong những hoạt động cao quí nhất của tài năng con người, rất đáng kể đến mỹ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo mà tột đỉnh của nghệ thuật này chính là nghệ thuật thánh. Tự bản tính, nghệ thuật thánh nhằm diễn tả một cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại; nghệ thuật này càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó không nhắm chủ đích nào khác ngoài sự góp phần tích cực vào việc đạo đức là hướng tâm trí người ta về cùng Chúa.” (PV 122)
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 10/2
Thánh Scholastica, trinh nữ
1V 11, 4-13; Mc 7, 24-30.
LỜI SUY NIỆM: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con,” Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mãnh vụn của đám trẻ con,”
Tin Mừng ngày hôm nay cho chúng ta được biết: Những ai thuộc về con cái của Thiên Chúa, luôn được Ngài dành mọi ưu tiên lãnh nhân Ân Sủng của Ngài. Khi đã lãnh nhận những ân sủng đó; không chỉ đem lại sự sống đời đời cho mình; mà còn đẹm lại sự sống cho cả lương dân.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn biết tạ ơn Chúa với biết bao ơn lành Chúa đã ban cho bản thân cũng như gia đình chúng con; đồng thời cũng giúp cho chúng con có ý thức sống, làm lan toả ơn lành của Chúa đến được với những người đang sống chung quanh chúng con.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 10-02: Thánh SCÔLASTICA
Đồng trinh (480-543)
Thánh Scholastica là em gái thánh Benêdictô, tổ phụ của những đời sống khổ tu bên Tây phương. Ngài còn được nối kết với thánh nhân như người em sinh đôi, nhưng không chắc chắn lắm. Chúng ta biết được chút ít về đời sống của thánh nữ là do cuốn Dialogue, tập hai, của thánh Grêgôriô cả, cuốn sách ghi lại đời sống thánh Bênêdictô và các phép lạ của Ngài. Như anh của Ngài, thánh nữ Scholastica đã sinh ra tại quận Sabina miền Nursia và cha mẹ Ngài được giả thuyết cho là những người dòng dõi quí phái tai miền quê.
Vào một lúc nào đó, có lẽ khi còn rất trẻ, Scholastica đã tu kín và trong những năm cuối cùng đời Ngài, chúng ta thấy Ngài sống gần Montê Cassinô, để có thể gặp được anh mình mỗi năm một lần.
Khi thánh Bênêdictô thiết lập tu viện tại Montê Cassiô, Scholastica cùng với các trinh nữ quây quần bên Ngài đã đến ở bên núi, lập thành tu viện Palumbariola, Ngài đặt mình dưới sự hứơng dẫn của anh, vì Ngài biết rằng: không có ai có thể hướng dẫn các linh hồn về trời cách chắc chắn hơn.
Nhưng Ngài không hề làm rộn anh mình và chỉ gặp anh mỗi năm một lần vào trước mùa chay, trong một trang trại của tu viện ở miền núi. Một nguyện đường đã được dựng nên tại đây để ghi nhớ những giây phút khôn tả, mà thánh Bênêdictô thông cho em mình ánh sáng thần linh Ngài thụ lãnh được và dạy dỗ em mình đường trọn lành của tu sĩ trong thống hối và yêu thương.
Nhưng lần ấy họ đã trải qua một ngày để khen ngợi Chúa và cầu xin hạnh phúc trên trời, bên ngoài khí trời tươi mát vì đã vào xuân, bầu trời trong sáng lạ thường, thánh Scholastica say sưa cảm nếm hương vị của câu chuyện đàm thọai trong khi màn đêm buông dần xuống… lúc đó thánh Scholastica nới với thánh Bênêdictô: – Anh ơi trời khuya rồi, làm sao anh về được. Thôi mình tiếp tục nói chuyện tới sáng về niềm vui cuộc sống trên trời đi.
Thánh Bênêdictô trả lời: – Em nói chi, anh không thể nhận lời em được. Anh không thể qua đêm ở ngoài nhà dòng được đâu.
Thánh Scholastica dấu mặt vào đôi lòng bàn tay và nức nở khóc. Ngài nói với Chúa ước muốn êm ái của lòng mình. Và Thiên Chúa là đấng đã chúc phúc cho cả một cuộc sống hiến dâng, lại sắp gọi thánh nữ về với mình, nên như người cha chiều con vậy, đã muốn ban cho Ngài niềm an ủi dịu dàng cuối cùng. Một trận cuồng phong nổi lên. Mưa đổ xuống như thác lũ với sấm sét dữ dằn. Chẳng ai còn có thể nghĩ tới việc ra đi nữa.
Thánh Bênêdictô bối rối, Ngài nói: – Này em, em làm gì vậy ?
Thánh Scholastica êm ái trả lời: – Em đã xin anh, nhưng anh chẳng muốn nghe em. Em đã cầu xin Chúa và Ngài đã nhận lời. Bây giờ nếu có thể được, anh hãy về nhà dòng đi.
Lúc ấy thánh Bênêdictô cảm tạ lòng thương xót Chúa, Ngài tiếp tục nói chuyện về hạnh phúc đang chờ đón những người Chúa chọn. Lời Ngài dâng cao như những chùm ánh sáng.
Đến sáng cơn giông ngừng. Anh em mỗi người một ngả và không còn gặp nhau trên trần gian này lần nào nữa.
Ba ngày sau, khi thánh Bênêdictô đang đứng bên cửa sổ đã thấy linh hồn em mình bay lên như ánh chim câu, phủ đầy ánh sáng thiên đàng. Say mê với thị kiến này, Ngài cất cao giọng hát bài thánh Ca. Đó chính là lúc thánh Scholastica êm ái tắt hơi trong tu viện mình. Thánh Bênêdictô sai các tu sĩ đi tìm xác em để chôn trong ngôi mộ dọn sẵn cho mình.
Một tháng sau nhà ẩn tu vĩ đại cũng từ giã cõi thế để hợp với thánh Scholastica trong hạnh phúc của các thánh nhân mà họ đã tha thiết khơi dậy.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
10 Tháng Hai
Liều Thuốc Dành Cho Kẻ Chán Ðời
Một người đàn ông chán đời nọ đang đứng nhìn dòng nước từ một chiếc cầu cao. Ông đốt một điếu thuốc cuối cùng trước khi kết liễu cuộc đời.
Ông không còn lối thoát nào khác hơn nữa. Ông đã làm đủ mọi cách để lấp đầy nỗi chán chường trong tâm hồn. Ông đã đi đây đi đó, ông đã tìm lạc thú trong các cuộc vui trác táng, ông đã chạy đến với mọi thứ hơi men và khói thuốc. Nhưng chán chường vẫn cứ chán chường. Ông thử thời vận lần cuối cùng bằng một cuộc hôn nhân, nhưng không có một người đàn bà nào có thể ở bên cạnh ông được vài tháng, bởi vì ông đòi hỏi quá nhiều, nhưng lại không biết nghĩ đến người khác. Ông nhận ra rằng ông đã chán chường mà cũng không ai được hạnh phúc bên cạnh ông. Chỉ có dòng sông may ra mới mang lại cho ông sự thanh thản.
Người đàn ông chưa hút xong điếu thuốc thì cũng có một người hành khất cũng đi qua chiếc cầu. Con người rách rưới đó dừng lại nhìn người đàn ông và chìa tay xin giúp đỡ. Người đàn ông chán chường không ngần ngại rút cả ví tiền và trao cho người hành khất. Ông giải thích rằng bên kia thế giới ông không cần tiền bạc nữa. Người hành khất cầm lấy chiếc ví một lúc rồi trao lại cho khổ chủ. Ông ta nhìn thẳng vào đôi mắt của kẻ chán đời và nói: “Thưa ông, tôi không cần một số tiền lớn như thế. Tuy là một người hành khất, nhưng tôi không là một kẻ hèn nhát. Ông hãy giữ lại tiền của ông và đem qua bên kia thế giới của ông”. Nói xong, người hành khất ném cả ví tiền xuống dòng sông rồi lặng lẽ bước đi, bỏ mặc kẻ chán đời tiếp tục gặm nhấm nỗi đắng cay chua xót của ông.
Ðã hút xong điếu thuốc, nhưng kẻ chán đời vẫn muốn chưa kết liễu cuộc đời. Ông nhìn theo người hành khất đang khuất xa dần. Tự nhiên, ông không muốn chết nữa, mà chỉ muốn nhặt lại chiếc ví để trao tặng cho người hành khất. Chưa một lần trong đời, ông biết mở ví trao tặng cho bất cứ người nào. Giờ phút này. ông muốn mở rộng tâm hồn, mở rộng đôi tay để trao tặng và muốn tiếp tục sống. Nghĩ như thế, kẻ chán đời đứng thẳng lên, rời bỏ cây cầu và tiếp tục đuổi theo cho kỳ được người hành khất.
Không gì buồn chán cho bằng sống không có định hướng, không có lẽ sống. Sống mà không biết tại sao mình sống, mình sẽ đi về đâu là điều làm cho con người chán chường và đau khổ nhất.
Ai cũng khao khát hạnh phúc, ai cũng đi tìm hạnh phúc nhưng lắm khi người ta chỉ chạy theo ảo ảnh của hạnh phúc. Ai cũng biết rằng tiền tài, danh vọng và lạc thú trong cuộc sống tự nó không phải là hạnh phúc và lắm khi chúng cũng không mang lại hạnh phúc cho con người.
Hạnh phúc không phải là một nơi để đi đến, hạnh phúc là một hướng đi. Có đi theo hướng đó, con người mới cảm thấy được hạnh phúc. Vậy hướng đi của chúng ta là gì?
Chúa Giêsu, Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống, đã vạch ra cho chúng ta hướng đi ấy. Và hướng đi Ngài đã vạch ra chính là Sống cho tha nhân. Ai càng tích trữ và chiếm giữ cho mình, người đó càng nghèo nàn và khốn khổ. Ai càng đóng kín quả tim và khép chặt bàn tay, người đó sẽ không được nhận lãnh. Hạnh phúc đích thực chính là trao ban, bởi vì như Thánh Phaolô đã ghi lại lời của Chúa Giêsu: “Cho thì có hạnh phúc hơn nhận lãnh”.
Cho là liều thuốc chữa trị được căn bệnh trầm trọng nhất trong tâm hồn chúng ta: đó là sự chán sống. Cho cũng là liều thuốc xoa dịu được mọi khổ đau trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta đang đau khổ vì bị phản bội, vì thất chí, vì bệnh tật hay vì bất cứ một nguyên do nào: chúng ta hãy thử mở rộng tâm hồn để trao ban, để san sẻ. Chúng ta sẽ cảm thấy được xoa dịu trong tâm hồn.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm – Tuần 5 – TN2
Bài đọc: Gen 2:18-25; I Kgs 11:4-13; Mk 7:24-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phẩm giá của phụ nữ
Người tị nạn Việt-Nam bị giằng co giữa 2 kiểu mẫu: nên theo kiểu Âu Tây, mà 5 thứ tự liên hệ được sắp xếp ưu tiên như sau: “đàn bà trước tiên, con nít, chó, cỏ, đàn ông;” hay theo kiểu Việt-Nam: “chồng chúa vợ tôi?” Điều quan trọng không phải việc phải đòi cho được sự ngang hàng, nhưng làm sao cho cuộc đời cả hai và gia đình được hạnh phúc. Cả hai kiểu mẫu trên đều dẫn tới những xáo trộn trong cuộc sống gia đình: Theo kiểu Âu Tây, đàn ông được xếp hạng sau cả con nít, chó, và cỏ, hỏi còn tư cách gì để hướng dẫn gia đình; và điều này hoàn toàn trái ngược với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Theo kiểu Việt-Nam, người vợ chỉ được coi như người tớ nữ của chồng, và hậu quả là người vợ bị quên lãng và đối xử rất tàn tệ; điều này cũng đi ngược lại với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Thánh Phaolô trong Thư gởi các tín hữu Êphêsô đã đưa ra một kiểu mẫu Thánh Kinh: “Người vợ hãy vâng lời chồng như Giáo-Hội vâng lời Đức Kitô; và người chồng hãy yêu thương vợ như chính bản thân mình, và như Đức Kitô đã yêu thương và hy sinh mạng sống mình cho Giáo-Hội.”
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong vai trò người phụ nữ. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Sách Sáng Thế Ký trình bày việc tạo dựng người nữ và ý định của Thiên Chúa từ ban đầu là cho Bà trở nên người trợ giúp bất khả phân ly của người nam. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, vua Solomon bị các bà vợ mê hoặc để phản bội Thiên Chúa khi về già, mặc dù Thiên Chúa đã hiện ra để cảnh cáo hai lần. Sau cùng, Thiên Chúa buộc phải phạt bằng cách chia cắt vương quốc của nhà vua, chỉ để cho giòng dõi của vua một phần. Trong Phúc Âm, người phụ nữ xứ Phoenician kiên nhẫn vượt qua bức tường Dân Ngoại và tự ái, để xin Chúa Giêsu chữa lành con gái mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Thiên Chúa tạo dựng người nữ.
1.1/ Ý định ban đầu của Thiên Chúa: Đức Chúa là Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.” Theo trình thuật này: (1) Chúa không muốn cho người nam ở một mình; (2) không có tạo vật nào dưới quyền con người có thể trở nên “trợ tá tương xứng cho người nam.” Điều này nói lên phẩm giá của người nữ: Bà, tuy là trợ tá, nhưng tương xứng với người nam; và không dưới quyền của người nam như những thú vật.
1.2/ Thiên Chúa tạo dựng người nữ từ người nam: “Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.”
Khác với các ngôn ngữ khác, trong tiếng Do-Thái, đàn ông (ish) và đàn bà (ishah), chỉ sự liên hệ đơn nhất về bản tính giữa hai giống. Đó là lý do tại sao người nam thốt lên “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!”
Hôn nhân nam nữ nằm trong kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” Hôn nhân ban đầu cũng đòi hỏi một chồng một vợ, vì cả hai trở nên một xương một thịt.
Trước khi sa ngã, con người không có mặc cảm tội lỗi: “Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau.” Đây không phải là sự bất bình thường về tình dục, nhưng vì cả hai hoàn toàn tin tưởng nhau và không có gì phải giấu diếm, che đậy.
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Ta sẽ giựt lấy vương quốc ngươi mà trao cho một thuộc hạ của ngươi.
2.1/ Vua Solomon phản bội Thiên Chúa: Trong lịch sử thế giới, xưa cũng như nay, biết bao nhiêu anh hùng đã bị tiêu tan sự nghiệp vì mỹ nhân. Lịch sử của Do-thái cũng đầy dẫy những câu truyện tương tự: Tuần trước, chúng ta được biết vua David đã bị Thiên Chúa để cho biết bao tai ương xảy ra cho nhà vua, cho gia đình, và cho quốc gia; sau khi David phạm tội ngoại tình với bà Bathsheba và tội thủ tiêu Uriah chồng bà để phi tang. Tuy nhiên, vì David hết lòng ăn năn trở lại, Thiên Chúa đã xót thương và chúc lành cho Solomon, con kế vị của David.
Trong mấy ngày qua, chúng ta được nghe sự khôn ngoan và vinh quang tuyệt đỉnh của vua Solomon; nhưng rồi lại một lần nữa, anh hùng bị tiêu tan cơ nghiệp vì các mỹ nhân. Nhà Vua phản bội Thiên Chúa bằng cách xây dựng đền thờ cho tất cả các thần của những bà vợ. Theo truyền thuyết, Solomon có tới 700 vợ và 300 cung phi; chắc là ông không xây cả 100 bàn thờ. Trình thuật chỉ liệt kê 4 bàn thờ chính: nữ thần Ashtoreth của dân Sidon, thần Milcom ghê tởm của dân Ammon, thần Chemosh ghê tởm của dân Moab, và thần Molech ghê tởm của con cái Ammon. Một người có thể tự hỏi tại sao một người khôn ngoan như Solomon, đã biết nguồn gốc và mục đích của mọi sự việc, lại phản bội Thiên Chúa? Trình thuật đưa ra hai lý do:
(1) Lú lẫn của tuổi già: Trí khôn và cơ thể con người chắc chắn bị suy sụp theo thời gian. Khi về già, vua Solomon chắc không còn tinh anh để phán xét sự việc cách khôn ngoan như khi còn trẻ. Điều này phải là bài học cho những người đi sau để đừng quá tự tin vào sự khôn ngoan của mình; nhưng phải cậy nhờ vào ơn thánh Chúa qua cuộc sống cầu nguyện và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa.
(2) Áp lực của những mỹ nhân: Các ông chồng có tuổi thường dễ bị lung lay vì sắc đẹp của những người vợ trẻ, nhất là khi các nàng biết dùng vũ khí nguy hiểm là đổ những giọt lệ. Người đi sau có thể học nơi vua Solomon và đừng quá tham lam đèo bồng. Thân trai hai vợ đã bị xẻ làm hai rồi, vua Solomon khổ thế nào khi bị xẻ thành ngàn mảnh!
2.2/ Hậu quả của việc nghe lời các vợ: Đức Chúa nổi giận với vua Solomon, vì lòng vua rời xa Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel, Đấng đã hiện ra với vua hai lần, và truyền cho vua là đừng đi theo các thần ngoại, nhưng vua không giữ điều Đức Chúa đã truyền. Đức Chúa phán với vua Solomon: “Vì ngươi đã như vậy và đã không giữ giao ước cũng như các giới răn Ta truyền cho ngươi, thì chắc chắn Ta sẽ giựt lấy vương quốc ngươi mà trao cho một thuộc hạ của ngươi.”
Tuy thế, vì tình nghĩa và những gì Thiên Chúa đã hứa với vua cha David, Thiên Chúa đã không làm điều đó trong đời vua Solomon; nhưng sẽ chờ tới thời con của Solomon. Dòng dõi của Solomon chỉ còn giữ lại được một chi tộc và sẽ trở thành vương quốc Judah, với thủ đô đặt tại Jerusalem.
Nhìn lại cuộc đời của các vua Saul, David, Solomon, trong lịch sử Israel; một người có thể học được bài học phải biết đặt mối liên hệ với Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Khi họ trung thành với Thiên Chúa, họ được Thiên Chúa ban ơn, bảo vệ, và chúc lành; nhưng khi họ bất tuân và phản bội Ngài, họ phải lãnh nhận biết bao đau khổ xảy đến, không chỉ trên cá nhân, nhưng còn trên gia đình và quốc gia nữa. Sự phản bội chỉ xảy ra về phía con người; về phía Thiên Chúa, tất cả những gì Ngài hứa, Ngài đã thi hành.
3/ Phúc Âm: Người phụ nữ Phoenician vượt qua xấu hổ để cầu xin cho con gái.
Trong 3 năm rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài rất ít khi đi ra ngoài lãnh thổ của Do-thái. Lý do không phải vì Ngài không muốn Tin Mừng của Ngài được lan rộng đến Dân Ngoại; nhưng vì Ngài đã có kế hoạch rõ ràng. Bổn phận của Ngài là loan báo Tin Mừng cho các chiên lạc của nhà Israel. Các Tông-đồ, nhất là Phaolô và Barbara, sẽ loan truyền Tin Mừng đến cho Dân Ngoại. Đó là lý do tại sao trình thuật kể: “Đức Giêsu đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tyre. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được. Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người.” Tuy không có ý định loan báo Tin Mừng và chữa bệnh cho Dân Ngoại, nhưng đứng trước cách biểu lộ niềm tin và sự kiên trì của Bà, Chúa Giêsu đã chữa lành cho con gái của Bà.
3.1/ Bà vượt qua bức tường ngăn cách Dân Ngoại: Thánh Marcô nói rõ về lai lịch của người phụ nữ: “Bà là người Hy-lạp, gốc Phoenician thuộc xứ Syria. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà.” Bà biết rõ Chúa Giêsu là người Do-thái, và theo truyền thống, Bà không có lý do gì để cầu xin Chúa Giêsu, vì người Do-thái không muốn làm một điều gì với Dân Ngoại. Nhưng vì lòng thương con, Bà đã đạp đổ bức tường kỳ thị giữa hai dân tộc, để đến và cầu xin với Chúa.
3.2/ Bà vượt qua bức tường tự ái: Vượt qua được bức tường kỳ thị chủng tộc, Bà phải đương đầu với một bức tường khác khó khăn để vượt qua hơn: tính tự ái. Chúa Giêsu nói với Bà:
“Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Chúa Giêsu so sánh con của Bà với chó con, và như thế, Bà cũng bị so sánh như loài chó. Khi một người bị so sánh như thế, thử hỏi bao nhiêu người có can đảm ở lại để tiếp tục nài xin như Bà: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” Đứng trước một người Dân Ngoại, thấy cách biểu lộ niềm tin và tình thương của Bà cho con như thế, Chúa Giêsu nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.” Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Các Bài Đọc hôm nay đòi hỏi chúng ta phải suy xét lại mối liên hệ giữa nam nữ, và liên hệ vợ chồng; và biết cách đối xử sao cho phù hợp với ý định của Thiên Chúa ban đầu.
– Chúng ta đừng dễ dàng chạy theo những trào lưu hiện hành của xã hội: “trọng nữ khinh nam” của Âu Tây, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” của Trung-hoa, hay “chồng chúa vợ tôi” của Việt-nam; vì cả hai giới đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Tất cả các trào lưu này đều dẫn tới tình trạng mất quân bình trong đời sống gia đình.
– Cả hai giới đều cần nhau và có những quà tặng bổ xung cho nhau. Thánh Phaolô khuyên vợ phải vâng lời chồng, không phải như người nô lệ phải vâng lời chủ, nhưng ai cũng biết một gia đình không thể có 2 người lãnh đạo. Đồng thời, Ngài cũng khuyên chồng phải yêu thương vợ như yêu chính thân mình. Điều này loại trừ tất cả những ích kỷ, hành hung, và bất trung với vợ mình. Chỉ có thế, gia đình chúng ta mới có thể tiến mạnh, hoà hợp yêu thương, và sống theo đường lối Thiên Chúa đã vạch định từ ban đầu.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************