Ngày thứ năm (10-03-2022) – Trang suy niệm

09/03/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần I Mùa Chay Năm chẵn

BÀI ĐỌC I:  Est 14, 1. 3-5. 12-14  (NV 4, 17k. 17lm. 17r-t)

“Lạy Chúa, con không có sự trợ giúp nào khác ngoài Chúa”.

Trích sách Esther.

Trong những ngày ấy, nữ hoàng Esther kinh hoàng vì lâm nguy, nên tìm nương tựa nơi Chúa. Bà nài xin Chúa là Thiên Chúa Israel rằng: “Lạy Chúa con, chỉ mình Chúa là Vua chúng con, xin cứu giúp con đang sống cô độc, ngoài Chúa không có ai khác giúp đỡ con. Con đang lâm cơn nguy biến. Lạy Chúa, con nghe cha con nói rằng Chúa ưu đãi Israel hơn mọi dân tộc, ưu đãi cha ông chúng con hơn bậc tiền bối của các ngài, đã nhận các ngài làm phần cơ nghiệp muôn đời và đã thực thi lời hứa với các ngài.

“Lạy Chúa, xin hãy nhớ (đến chúng con) và hãy tỏ mình ra cho chúng con trong cơn gian truân của chúng con. Lạy Chúa là Vua các thần minh và mọi bậc quyền bính, xin ban cho con lòng tin tưởng. Xin đặt trong miệng con những lời khôn khéo trước mặt sư tử, xin Chúa đổi lòng sư tử để nó ghét kẻ thù của chúng con, để kẻ thù ấy và những ai đồng loã với hắn sẽ phải chết. Nhưng phần chúng con, thì xin Chúa ra tay giải thoát chúng con và phù trợ con, vì lạy Chúa, ngoài Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, không ai giúp đỡ con”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 7c-8

Đáp:  Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con (c. 3a).

Xướng:

1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các Thiên Thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài. – Đáp. 

2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. – Đáp. 

3) Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự, lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa. – Đáp. 

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM:  Ga 11, 25a và 26

Chúa phán: “Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời”. 

PHÚC ÂM:  Mt 7, 7-12

“Ai xin thì sẽ nhận được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì bất cứ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ cửa sẽ mở cho. Nào ai trong các con thấy con mình xin bánh, mà lại đưa cho nó hòn đá ư? Hay là nó xin con cá mà lại trao cho nó con rắn ư? Vậy nếu các con, dù là kẻ xấu, còn biết lấy của tốt mà cho con cái, thì huống chi Cha các con, Đấng ở trên trời, sẽ ban những sự lành biết bao cho kẻ cầu khẩn Người!

“Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế: Đấy là điều mà Lề luật và các tiên tri dạy”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

10/03/2022 – THỨ NĂM TUẦN 1 MC

Mt 7,7-12

TẤM LÒNG NGƯỜI CHA

“…phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7,11b)

Suy niệm: Trong dụ ngôn người cha nhân hậu (x. Lc 15), người con thứ đi hoang không xin trở lại làm con mà chỉ mong được làm đầy tớ trong nhà cha mình; còn người con trưởng thì không chịu vào nhà vì cho rằng mình xin cha “một con dê con” cũng không được. Cả hai đều ngộ nhận về tấm lòng người cha. Chúa Giê-su xác quyết chúng ta có một Thiên Chúa là Cha ở trên trời, đầy quyền năng và tốt lành (Mt 7,11). Với tấm lòng người Cha, Thiên Chúa luôn muốn mọi điều tốt nhất cho con cái mình. Thế nhưng phải chăng con người ‘ngại làm phiền’ Chúa, không dám cầu xin Ngài? Thế nên Chúa Giê-su cứ lặp đi lặp lại: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Mt 7,7-8), rồi Ngài thuyết phục chúng ta: Người cha trần gian còn biết cho con cái những của tốt lành, huống gì Thiên Chúa là Cha chúng ta lại không ban cho chúng ta điều tốt nhất khi chúng ta cầu xin Người sao?

Mời Bạn: Chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, tại sao lại không thường xuyên cầu nguyện tâm sự với Ngài? Tại sao không dâng lên Ngài lời cảm tạ về những ơn lành Ngài ban cho? Tại sao không thưa với Ngài những nhu cầu, ước nguyện của mình và cầu xin Ngài ban cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất?

Sống Lời Chúa: Nghiền ngẫm những lời cầu trong kinh Lạy Cha.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha chúng con. Tạ ơn Chúa đã cho chúng con được gọi Chúa là Cha. Xin ban thêm lòng tin, cậy, mến cho chúng con, để chúng con được sống trọn tình con thảo đối với Cha, nhờ Đức Ki-tô, Con chí ái Cha.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:  

“Hãy xin thì anh em sẽ được cho, hãy tìm kiếm thì anh em sẽ tìm thấy,
hãy gõ thì sẽ được mở cho anh em.
Vì hễ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm kiếm thì sẽ tìm thấy,
ai gõ thì sẽ được mở cho” (cc. 7-8).
Biết bao người đã tin vào lời này của Đức Giêsu và đã cầu xin.
Nhiều người đã được nhận lời, nghĩa là đã được như lòng mình ao ước.
Nhiều người khác tuy không được điều mình xin,
nhưng lại được ơn vui vẻ chấp nhận tình trạng của mình,
ơn nhận ra ý nghĩa của nó, ơn có sức chịu đựng điều không thể chịu đựng nổi.
Những người này cũng coi là mình đã được nhận lời.

Tuy nhiên, một số người khác vẫn đau khổ vì thấy không được nhận lời.   
Họ xin những điều rất bình thường như có một người yêu, một đứa con…
Họ xin những điều rất tự nhiên, rất hợp lẽ,
như cho con bỏ ma túy, cho chồng bỏ vợ bé, cho có công ăn việc làm.
Bao người Do thái đã cầu nguyện khi 6 triệu đồng bào của họ bị tàn sát.
Bao người Việt Nam đã cầu nguyện trong cơn bách hại dưới các triều vua.
Có Chúa không? Chúa ở đâu? Sao Chúa lặng thinh và khoanh tay?
Chúa có lòng thương xót không? Chúa có toàn năng không?
Những câu hỏi đớn đau khiến một số người mất đức tin, trở nên vô thần.

Đức Giêsu khẳng định: xin sẽ được cho, tìm thì sẽ thấy, gõ sẽ được mở.
Thiên Chúa luôn luôn đáp trả mong đợi của con người,
nhưng không nhất thiết Ngài phải cho con người đúng điều nó muốn,
vào đúng lúc và theo đúng cách con người muốn.
Con người phải tập đào sâu và thanh luyện ao ước của mình,
tập uốn ý mình theo ý của Thiên Chúa.
Rồi cuối cùng, con người cũng thấy mình được cho, được thấy, được mở.
Ai kiên trì cầu xin đều thấy mình dần dần được biến đổi.

Thiên Chúa là Cha nhân hậu, chỉ ban cho con cái Ngài những điều tốt.
Nhưng đâu là điều tốt thật sự?
Đối với ta, đó là giàu sang, sống lâu, danh tiếng, thành công hay mạnh khỏe.
Đối với Chúa, không hẳn luôn là như vậy.
Điều Ngài thấy là tốt, đôi khi ta coi là hòn đá hay con rắn.
Và ngược lại, điều ta coi là tốt bây giờ thật ra là điều nguy hại mai sau.

Với cái nhìn của người cha, Thiên Chúa biết ta thực sự cần gì.
Hãy phó thác chuyện đời mình cho tình yêu quyền năng của Ngài,
dù khi còn sống ở đời này, ta không hiểu hết được tại sao.

Cầu nguyện:

Lạy Cha là Chúa trời đất,
Cha là Cha toàn năng, nhưng Cha lại không phải là nhà độc tài.
Cha không quyết định một cách vô lý và độc đoán.
Cha đã cho con người được chia sẻ tự do của Cha,
và Cha luôn tôn trọng tự do ấy,
dù con người đã lạm dụng tự do để làm điều xấu.

Lạy Cha toàn năng,
khi trao cho loài người chúng con tự do,
Cha đã muốn tự giới hạn phần nào sự toàn năng của Cha.
Bởi đó sự dữ có sức mạnh tung hoành trong thế giới này.
Khi lòng độc ác của một số người đã treo Con Cha lên,
chúng con hiểu Cha có đủ quyền năng để đưa Ngài xuống.
Nhưng Cha đã muốn Con Cha chia sẻ cái chết bất công
của bao người thấp cổ bé miệng.
Và Cha muốn cái chết ô nhục trên thập giá
trở nên dấu chỉ của tình yêu cao nhất, đem lại ơn cứu độ cho nhân loại.

Lạy Cha toàn năng và khiêm hạ,
chúng con tin Cha vẫn đang làm việc để phục vụ chúng con.
Cha vẫn trao ban bánh và cá cho nhu cầu hàng ngày.
Cha vẫn mở cửa khi nghe tiếng gõ rụt rè của chúng con.
Chúng con tin vào tình yêu Cha dành cho từng người ngay giữa sóng gió.
Và chúng con biết mình không bao giờ thất vọng.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

10 THÁNG BA

Cái Giá Của Ơn Giao Hòa

Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc, đã trả giá cân xứng cho tội lỗi chúng ta. “Người là sự bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Người là sự giao hòa của chúng ta.

Đó là lý do tại sao cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô – được biểu trưng một cách bí tích trong Thánh Lễ – thường được gọi là phụng vụ “hy lễ hòa giải”. Đây là lời của Kinh Nguyện Thánh Thể III: “Xin Cha nhìn đến Đấng mà cuộc tử nạn của Người đã giao hòa chúng con với chính Cha”. Giao hòa với Thiên Chúa và với anh chị em, đó là việc thiết yếu. Chính Đức Giêsu đã dạy rằng trước khi dâng của lễ, cần phải giao hòa với anh em trước đã (Mt 5,23).

Thánh Phao-lô viết: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2Cr 5,20). Giáo Hội tha thiết lặp lại lời kêu gọi ấy của Thánh Tông Đồ. Giáo Hội kêu gọi tất cả chúng ta tiến tới sự thánh thiện đích thực trong Đức Kitô. Thánh Phao-lô tiếp tục: “Vì chúng ta, nên Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi – để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5,21).

Tiếng gọi mời con người hòa giải với Thiên Chúa không đơn thuần chỉ là một sứ điệp hay thậm chí một tiếng kêu van. Sứ điệp ấy mạnh mẽ không kém so với sứ điệp của Gio-an Tẩy Giả trên bờ sông Gio-đan, hay so với sứ điệp của các ngôn sứ trong Cựu Ước. Song nó không chỉ là một sứ điệp. Đó là một hành động đầy năng lực. Đó là một hành động phát xuất từ tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Đó là một hy tế, một sự trả giá lớn lao. Chúng ta đã được chuộc về với một giá đắt. Chúng ta hãy tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa vì lòng thương xót của Ngài (1Cr 6,20; 7,23)

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 10/3

Et 4, 17k-17m. 17r-17t; Mt 7, 7-12.

LỜI SUY NIỆM: ““Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.”

          Trong cầu nguyện, người Kitô hữu cần phải đặt trọn niềm tin vào quyền năng yêu thương của Thiên Chúa, và kế hoạch của Ngài; Ngài là Cha của mình. “Tin là gắn bó đầy tình con thảo với Thiên Chúa, vượt quá những gì chúng ta cảm thấy và hiểu biết. Sự gắn bó này có thể thực hiện được vì Người Con yêu dấu đã mở lối cho chúng ta đến với Chúa Cha. Người có thể yêu cầu chúng ta “tìm kiếm” và “gõ”, vì chính Người là cửa và là con đường” (GL 2609)

          Lạy Chúa Giêsu. Lời cầu nguyện của đức tin không hệ tại ở chỗ thưa: “Lạy Chúa, Lạy Chúa”, nhưng là sẵn lòng thi hành ý của Chúa Cha “ (GL 2611). Xin cho mỗi lời cầu nguyện của chúng con luôn quan tâm cọng tác vào kế hoạch của  Chúa Cha.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

10 Tháng Ba

Gieo Gió Gặt Bão 

Ðêm 17/5/1987, một chiến đấu cơ do Pháp chế tạo đã được Iraq sử dụng để phóng đi hai hỏa tiễn Exocet cũng do Pháp chế tạo. Không rõ do tính toán hay tai nạn, hai hỏa tiễn này đã đâm bổ xuống hàng không mẫu hạm Satark của Mỹ đang đậu trong vùng vịnh Ba Tư. 37 người Mỹ đã vong mạng trọng vụ ấy!

Người Ả Rập thường nói: “Kẻ thù của kẻ thù của tôi là bạn tôi”. Có lẽ người Mỹ và nhiều nước Tây phương cũng xử sự theo châm ngôn ấy. Trong cuộc chiến kéo dài 8 năm của Iran và Iraq, đa số các nước Tây phương kể cả Liên Xô đều đứng về phía Iraq.

Liên Xô là nước cung cấp cho I raq nhiều vũ khí nhất. Từ giữa năm 1983 đến năm 1988, Iraq đã mua của thế giới một số vũ khí trị giá khoảng 34 tỷ Mỹ kim. Cùng với chiến xa T-72 và hỏa tiễn Scud-B, Liên Xô là nước đã bán cho thế giới đến 50% khí giới.

Ðể đổi lấy dầu của Iraq, Pháp đã bán cho nước này số khí giới trị giá khoảng 16 tỷ Mỹ kim. Ngày nay, 133 chiến đậu cơ Mirage F.I và hỏa tiễn Exocet mà Iraq đã đưa vào cuộc chiến ở vùng vịnh Ba Tư đều do Pháp cung cấp.

Năm 1984, Hoa Kỳ đã tái lập ngoại giao với Iraq và loại Iraq ra khỏi sổ những nước chuyên gây các cuộc khủng bố trên thế giới. Sự tín nhiệm của Hoa Kỳ đối với Iraq cũng khiến cho những nước Tây phương khác như Tây Ðức cung cấp cho Iraq chuyên viên, kỹ thuật và nguyên liệu nhờ đó Iraq đã có thể chế tạo các vũ khí hóa học và nguyên tử.

Vô tình hay hữu ý, các nước Tây phương đã củng cố cho nền độc tài của Saddam Hussein và đưa ông đến cuộc thách thức hiện nay. Một nhà chính trị người Iraq hiện lưu vong tại Pháp đã nói như sau: “Chúng tôi đã lên tiếng về chế độ độc ác của Hussein. Nhưng đó chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Vì bức tường của những lợi lộc kinh tế, chúng tôi đã không được lắng nghe. Kết quả cho thấy là một nhà độc tài như ong được nuôi trong tay áo, nay đang hiện nguyên hình thành một quái vật”.

Câu chuyện trên đây có thể giúp chúng ta rút ra một bài học về những hậu quả mà người ta phải gánh chịu về những việc làm của mình. Chúng ta vẫn thường nói: “Gieo gió thì gặt bão”… Các nước Tây phương ngày nay hẳn phải đấm ngực để chịu đựng cơn bão táp mà chính họ là người đã đóng góp vào để tạo nên. Khí giới do Tây phương cung cấp ngày nay đã quay lại chống họ.

Thánh Phaolô trong thư gửi cho giáo đoàn Galata đã kêu gọi chúng ta, thay vì gieo trong xác thịt, hãy gieo trong thần khí.

Gieo trong xác thịt tức là gieo rắc hận thù, chết chóc, là nuôi dưỡng ích kỷ, là gây đố kỵ, chia rẽ: những hạt giống ấy chỉ nảy nở bằng cây của tang thương, đau khổ và hủy diệt cho chính mình cũng như cho người khác.

Gieo trong thần khí chính là sống quảng đại, phục vụ, hòa nhã, yêu thương, cảm thông, nhẫn nhục, tha thứ… Hạt giống của thần khí có thể là hạt giống nhỏ bé và âm thầm như hạt cải, nhưng sẽ trở thành cây to lớn. Không có một nghĩa cử nào, dù nhỏ mọn đến đâu, mà không mang lại hoa trái Bình An cho tha nhân và cho chính bản thân.

Chiến tranh trên quy mô thế giới, chiến tranh giữa nước này với nước nọ, chiến tranh trong cùng một quốc gia: Ở mọi quy mô, chiến tranh nào cũng là cơn bão táp mà chính con người tự góp gió để thổi lên.

Nơi nào có bất hòa, thì nơi đó có chiến tranh. Nơi nào lợi lộc được đặt lên trên mọi giá trị khác, thì nơi đó đã có chiến tranh.

Người môn đệ của Ðức Kitô, Nguyên Ủy của Hòa Bình, luôn được mời gọi để xây dựng Hòa Bình và Hòa Bình chớm nở khi con người bắt đầu gieo trồng hạt giống của Yêu Thương.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm – Tuần I – MC

Bài đọc: Est 4:17 (C: 12:14-16, 23-25); Mt 7:7-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cứ xin sẽ được.

Con người có nhiều nhu cầu: tinh thần cũng như vật chất. Một trong những điều chúng ta làm khi cầu nguyện là xin ơn cho bản thân, gia đình, và xã hội cũng như Giáo Hội. Điều Thiên Chúa muốn khi chúng ta xin ơn là phải vững tin Ngài sẽ làm chuyện tốt lành đó; nhất là khi đối diện với hòan cảnh tuyệt vọng, con người không còn biết trông cậy vào ai ngọai trừ Thiên Chúa.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc xin ơn. Trong Bài Đọc I, khi phải đương đầu với thảm họa tòan dân bị tru diệt, hòang hậu Esther đã chạy đến và cầu nguyện với Thiên Chúa: “Thần dân Ngài, xin Ngài giải thoát. Con cô đơn, xin đến cứu giúp con. Lạy Chúa, ngoài Ngài ra, con đâu còn ai nữa!” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu bảo đảm cho các môn đệ: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hoàng hậu Esther xin Đức Chúa cứu dân khỏi đại họa.

1.1/ Nỗi lo âu kinh hòang của hòang hậu Esther: Bà là một người Do-Thái, nhưng được tuyển chọn làm hòang hậu Ba Tư thay cho Bà Vatti, khi Bà này bị thất sủng vì bất tuân lệnh ra trình diện Vua Ahasuerus. Chú của Bà, ông Mordecai cũng làm quan trong triều, ra lệnh cho Bà phải giấu kín tông tích của mình. Tể Tướng Hannah tức giận với Mordecai, vì ông không chịu sấp mình bái lạy khi ông đi qua – lý do là vì Mordecai chỉ bái lạy một mình Thiên Chúa – nên Tể Tướng âm mưu xin cho được dấu ấn của Nhà Vua để sát hại tòan bộ dân Do-Thái trong vùng.

Bà được chú Mordecai cho biết âm mưu của quan Tể Tướng Hannah, đã xin được dấu Phủ Việt của Vua Ahasuerus để tru diệt tòan bộ người Do-Thái. Mordecai muốn Bà can thiệp để xin tha cho dân, nhưng Bà không biết phải hành động làm sao; vì nếu Bà tự ý vào gặp Vua, Bà sẽ bị tử hình. Nhưng nếu không làm gì, chú Bà và tòan dân sẽ bị tru diệt; và như lời chú Bà cảnh cáo: chưa chắc Bà sẽ được sống an tòan với con sư tử Ahasuerus và Tể Tướng Hannah.

Hoàng hậu Esther khắc khoải âu lo đến chết được, liền tìm đến nương ẩn bên Chúa. Tâm hồn sầu khổ, bà cởi bỏ y phục lộng lẫy, mặc áo tang vào. Thay cho dầu thơm quý giá, bà lấy bụi tro dơ bẩn rắc lên đầu; bà hãm mình phạt xác nhiệm nhặt; thay vì trang điểm trau chuốt, bà để cho tóc xoã rối bời. Bà cầu xin cùng Chúa, Thiên Chúa của Israel: “Lạy Chúa của con, lạy Vua chúng con, Ngài là Thiên Chúa duy nhất. Này con đang liều mạng, xin đến cứu giúp con. Con cô đơn, chẳng còn ai cứu giúp, ngoại trừ Ngài.”

1.2/ Nhớ lại lịch sử để củng cố niềm tin:

(1) Israel là dân riêng của Thiên Chúa: Tuy hòang hậu sinh ra nơi đất khách quê người, và vì hòan cảnh nước mất nhà tan phải ở với chú; nhưng chú Modercai là người biết kính sợ Thiên Chúa, nên đã dạy Bà về lịch sử của Do-Thái và sự liên hệ giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel. Bà thưa với Chúa: “Lạy Chúa, trong chi tộc của cha ông, từ khi lọt lòng mẹ, con từng được nghe biết là chính Ngài đã chọn Israel giữa muôn ngàn dân tộc, đã tuyển chọn cha ông chúng con giữa mọi bậc tiền bối của các ngài để làm thành gia nghiệp mãi mãi thuộc về Ngài. Ngài thực hiện cho cha ông chúng con mọi điều Ngài đã hứa.”

(2) Cầu xin Thiên Chúa soi sáng: Cầu nguyện là xin ơn khôn ngoan để biết cách giải quyết vấn đề. Tuy Thiên Chúa có thể làm mọi sự mà không cần sự cộng tác của con người; nhưng Ngài muốn con người cộng tác trong kế họach giải thóat của Ngài. Như chúng ta thấy trong trình thuật khi Bà gặp Vua Ahasuerus, Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể làm việc và đổi tâm tính của con người từ bên trong; nhưng hòang hậu Esther phải có can đảm thực thi kế họach từ bên ngòai. Ý thức sự yếu đuối của nữ nhi, Bà xin ơn khôn ngoan và can đảm để thực hiện kế họach: “Lạy Chúa, ngày chúng con gặp gian truân cùng khốn, xin nhớ đến chúng con mà chứng tỏ quyền năng của Ngài. Lạy Vua các thần minh, Đấng thống trị mọi kẻ cầm quyền, xin ban cho con lòng dũng cảm, và dạy con biết nói lời êm tai khi phải ra trước mặt loài sư tử. Xin đổi lòng con sư tử ấy để nó căm thù kẻ chống lại chúng con, khiến cho hắn và quân đồng loã phải tiêu diệt hoàn toàn.”

2/ Phúc Âm: Thiên Chúa sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người.

2.1/ Lời hứa vững vàng của Thiên Chúa với con người: Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho.” Lý do đơn giản Chúa Giêsu đưa ra: vì Thiên Chúa là cha của mọi người. Đã là Cha, phải quan tâm đến nhu cầu của con cái.

(1) Cha dưới đất: Để làm sáng tỏ vấn đề, Chúa Giêsu đưa ra ví dụ của người cha dưới đất: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn?” Chẳng có người cha lành mạnh nào dưới đất dám làm chuyện đó.

(2) Cha trên trời: Ngài kết luận: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” Thiên Chúa không những là Cha Tốt Lành, Ngài còn có uy quyền làm mọi sự; việc Ngài ban điều con cái xin là chuyện hiển nhiên.

Nhưng có phải con người xin bất cứ điều gì Thiên Chúa cũng ban? Điều Thiên Chúa hứa ở đây là phải xin điều tốt lành, chứ không phải xin bất cứ điều gì. Thiên Chúa luôn biết điều gì tốt cho con người vì Ngài biết quá khứ, hiện tại, và tương lai; con người không luôn biết điều gì tốt cho mình, vì con người dễ quên quá khứ, không luôn biết hiện tại, và mù tịt về tương lai. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn khôn ngoan thêm câu “nếu điều đó đẹp ý Chúa” sau khi cầu xin.

2.3/ Làm điều tốt cho mọi người: Làm con phải giống cha vì “con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh.” Nếu Cha luôn ban mọi ơn lành cho con, con cũng phải rộng tay ban ơn lành cho mọi người. Chúa Giêsu cũng dạy các môn đệ: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Moses và lời các ngôn sứ là thế đó.”

Lý do tại sao chúng ta không rộng tay làm phúc vì chúng ta sợ nếu cứ rộng tay ban ơn, có ngày sẽ hết của để cho; nhưng nếu chúng ta vững tin những gì Thiên Chúa hứa, chúng ta sẽ không bao giờ sợ hết của: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho.” Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên trời đất và mọi sự trong đó, Ngài không bao giờ hết của để cho. Bàn tay chúng ta quá bé nhỏ để phân phát tình thương của Ngài.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Cha của chúng ta không phải là con người tầm thường; Ngài là Thiên Chúa, Đấng dựng nên và điều khiển muôn vật.

– Ngài là Cha giàu lòng thương xót và hứa gì có nấy. Chúng ta hãy tin tưởng những gì Ngài hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho.”

– Chúng ta nên cầu nguyện với Thiên Chúa hằng ngày, hằng giờ; nhất là những lúc phải đương đầu với cô đơn và tuyệt vọng, như trường hợp của hòang hậu Esther và trường hợp của Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************