Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Năm Tuần V Mùa Chay Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: St 17, 3-9
“Ngươi sẽ làm tổ phụ nhiều dân tộc”.
Trích sách Sáng Thế.
Trong ngày ấy, Abram sấp mình xuống đất và Thiên Chúa phán cùng ông rằng: “Này Ta đây, Ta giao ước với ngươi, ngươi sẽ làm tổ phụ nhiều dân tộc. Thiên hạ sẽ không còn gọi ngươi là Abram nữa, nhưng sẽ gọi là Abraham, vì Ta đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ta sẽ ban cho ngươi con cháu đông đúc. Ta sẽ đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc, và nhiều vua chúa xuất thân từ ngươi. Ta sẽ thiết lập giao ước vĩnh viễn giữa Ta với ngươi cùng con cháu ngươi từ thế hệ này qua thế hệ khác, để Ta trở nên Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi. Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi đất mà ngươi cư ngụ, sẽ cho ngươi làm chủ vĩnh viễn toàn cõi đất Canaan và Ta sẽ là Chúa của chúng”.
Chúa lại phán cùng Abraham rằng: “Phần ngươi và dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, hãy giữ lời giao ước của Ta”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 104, 4-5. 6-7. 8-9
Đáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).
Xướng:
1) Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ và những điều Ngài phán quyết. – Đáp.
2)Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Ngài kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu. – Đáp.
3)Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac. – Đáp.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Am 5, 14
Các ngươi hãy tìm điều lành, chớ đừng tìm điều dữ, để các ngươi được sống và Chúa sẽ ở cùng các ngươi.
PHÚC ÂM: Ga 8, 51-59
“Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với người Do-thái rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết”. Người Do-thái lại nói: “Bây giờ thì chúng tôi biết rõ ông bị quỷ ám. Abraham đã chết và các tiên tri cũng vậy, thế mà ông lại nói: ‘Ai giữ lời Ta, thì không bao giờ phải chết’. Chẳng lẽ ông lại lớn hơn cha chúng tôi là Abraham sao? Ngài đã chết, các tiên tri cũng đã chết. Ông cho mình là ai?”
Chúa Giêsu trả lời: “Nếu Ta tự tôn vinh chính mình, thì vinh quang của Ta sẽ không giá trị gì. Chính Cha Ta tôn vinh Ta. Người là chính Đấng các ngươi xưng là Thiên Chúa của các ngươi. Vậy mà các ngươi không biết Người. Còn Ta, Ta biết Người. Nếu Ta nói Ta không biết Người, thì Ta cũng nói dối như các ngươi. Nhưng Ta biết Người, và Ta giữ lời Người. Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng”.
Người Do-thái liền nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?” Chúa Giêsu trả lời: “Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi: Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi”.
Bấy giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
11/04/2019 – THỨ NĂM TUẦN 5 MC
Th. Ta-nít-lao, giám mục, tử đạo
Ga 8,51-59
QUYẾT TÂM TUÂN GIỮ LỜI CHÚA
Chúa Giê-su nói: “Tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” Người Do Thái liền nói: “Bây giờ chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ áùm.” (Ga 8,51-52)
Suy niệm: Chỉ hiểu cái chết về phương diện thể lý, những người Do Thái đã kết luận Chúa Giê-su bị quỷ ám, vì Ngài nói ai tuân giữ lời Ngài sẽ không phải chết. Nhưng Chúa Giê-su không đối đáp với họ về nhận định sai lầm của họ, Ngài càng quả quyết chân lý nghe lời Ngài thì được sống trong Thiên Chúa. Chúa Giê-su còn khẳng định Chúa Cha làm chứng lời Ngài nói. Một điều khó hiểu nhưng lại xảy ra là, những người các dân tộc lân bang Do Thái khó đón nhận Lời Chúa đã đành, đằng này dân Chúa lại cho rằng chói tai khi nghe Lời Chúa, cho rằng Đấng đang nói Lời Chúa là kẻ bị quỷ ám và họ tìm mọi cách giết Chúa Giê-su để khỏi phải nghe lời Ngài. Thực trạng đau đớn đó đâu chỉ xảy ra thời Chúa Giê-su, mà còn xảy ra nơi nhiều gia đình Ki-tô hữu hôm nay nữa.
Mời Bạn: Đã gần hết mùa Chay thánh, những Lời Chúa kêu mời bạn sám hối và tin vào Phúc Âm có tác động gì đến tâm hồn của bạn và có biến đổi gia đình bạn từ một gia đình xa lạ với lời Chúa nay thành gia đình chuyên chăm đọc và chia sẻ Phúc Âm của Chúa không? Thay vì tránh né đọc Phúc Âm, từ nay bạn làm cách nào để quyết tâm cho gia đình bạn được nghe và sống lời Chúa?
Sống Lời Chúa: Trang hoàng bàn thờ, đặt sách Phúc Âm vào vị trí xứng đáng và qui định giờ đọc kinh và đọc và suy niệm Lời Chúa trong gia đình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời. Xin cho gia đình con biết khát khao nghe Lời Chúa và được Lời Chúa thấm nhuần trong ý nghĩ, lời nói và cử chỉ của chúng con.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
11 THÁNG TƯ
Đức Tin Của Chúng Ta Bật Ra Từ Chứng Từ Của Các Thị Chứng Nhân
Luca, tác giả Sách Tin Mừng, kể tiếp: “Rồi Người mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh” (Lc 24,45). Từ bài diễn từ của Phê-rô trong Sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta nhận ra việc Đức Kitô mở trí cho các Tông Đồ nắm hiểu sự thật về Tin Mừng đã có hiệu quả như thế nào.
Thật vậy, sau khi trình bày những biến cố nối kết với cái chết và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô, Phê-rô tuyên bố với cư dân Giê-ru-sa-lem: “Như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em” (Cv 3,18-20).
Trong những lời ấy của vị Tông Đồ, chúng ta nhận ra một âm vọng rõ ràng những lời của chính Đức Kitô. Chúng ta nhận ra Chúa Phục Sinh đã biến đổi tâm trí và cuộc sống của các Tông Đồ như thế nào qua việc truyền đạt sự thật của Người.
Đây là câu chuyện của đức tin chúng ta. Chúng ta nhận ra cách mà thế hệ chứng nhân đầu tiên của Đức Kitô – tức các Tông Đồ và các môn đệ – truyền đạt sứ điệp Tin Mừng căn bản. Nó bật ra trực tiếp từ chứng từ của những chứng nhân mắt thấy tai nghe cái chết và sự sống lại của Đức Kitô.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 11/4
Thánh Tanislaoo, giám mục tử đạo
St 17, 3-9; Ga 8, 51-59.
LỜI SUY NIỆM: “Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người.”
Đối với người Do-thái, Chúa Giêsu xem ra hành động nghịch với những định chế căn bản của dân Chúa chọn. Nên khi nghe Chúa Giêsu nói: “Tôi bảo thật các ông, ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ chết” Điều này khiến người Do-thái sửng sốt hơn. Và Chúa còn nhấn mạnh thêm: “Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người.” Đây chính là nền tảng sống của Chúa Giêsu: Biết Chúa Cha và giữ lời Người.
Lạy Chúa Giêsu. Với trí tuệ loài người, con người chỉ biết được một số điều rời rạc về Thiên Chúa. Chỉ có Chúa mới thấy chân lý trọn vẹn. Và đã mạc khải cho chúng con. Chỉ trong Chúa chúng con mới thấy mình phải trở nên như thế nào.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 11-04
Thánh STANISLAÔ
Giám Mục Tử Đạo (1030 – 1079)
Thánh Stanislaô được kính nhớ như vị Thánh bảo trợ thành Krakow ở Balan, nơi Ngài làm giám mục và hài cốt Ngài được lưu giữ ở nhà thờ chính tòa. Không có tường thuật đương thời nào về Ngài được coi là đầy đủ và các chi tiết về đời Ngài cũng không rõ rệt lắm. Người ta kể rằng: cha mẹ Ngài thuộc dòng dõi quí phái, nhưng lại hiếm muộn về đàng con cái. Sau nhiều lời cầu nguyện khẩn thiết, ngày 26 tháng 07 năm 1030, họ sinh được một người con trai và đặt tên là Stanislaô. Họ chú tâm đào luyện con mình theo những tập quán đạo hạnh khiến Stanislaô, từ nhỏ đã tỏ ra có tinh thần bác ái và nhiệt hành phụng sự Chúa.
Trong bầu khí đạo đức ấy, từ thuở nhỏ Stanislaô đã nghe rõ tiếng Chúa kêu gọi đi làm tông đồ Chúa. Trước hết Ngài đã theo học đại học tại triết học tại Đại học Gniezno. Sau đó Ngài sang Paris theo học Luật và thần học ở tu viện Lorranin trong bảy năm trời. Khi cha mẹ qua đời, Ngài phải trở về Balan.
Được thừa hưởng gia tài lớn cha mẹ để lại, nhưng thánh nhân đã quyết chí hiến thân phụng sự Chúa vì vậy Ngài đã đem của cải phân phát cho người nghèo khó rồi tiếp tục theo đưổi lý tưởng tu trì. Đức Giám mục Lampert đã phong chức Linh mục cho Stanislaô, năm 1062 và đặt làm Kinh sĩ tại nhà thờ chánh tòa địa phận.
Giữ chức vụ kinh sĩ, Stanislaô đã trở nên lừng danh về tài thuyết giảng và về chính đời sống gương mẫu thánh thiện của Ngài. Đức cha Lambert, toàn thể giáo sĩ và giáo dân đã bầu Stanislaô lên kế vị. Vì khiêm tốn, thánh nhân quyết không chịu nhận. Nhưng năm 1072, vâng lời đức thánh cha Alexandre II, Stanislaô đã nhận làm giám mục Krakow.
Đức cha Stanislaô là một giám mục thánh thiện và nhân hậu nhất là đối với những ai đau khổ và nghèo đói. Tuy nhiên, Ngài cũng tỏ ra là người can đảm đặc biệt. Vua Balan lúc ấy là Bôleslas II. Ong ta đã dùng sức mạnh khí giới để đạt tới vinh quang nhưng lại chịu bị khuất phục trước những tật xấu khủng khiếp. Hành vi độc ác của ông đã khiến cho người ta gọi ông là “kẻ độc ác”. Cả nước đều phải run sợ nhưng không ai dám mở lời can ngăn. Chỉ có một người, một vị thánh là Stanislaô đã dám đương đâu với sự giận dữ của nhà vua.
Sau khi cầu nguyện với tất cả tâm hồn, thánh nhân đến gặp nhà vua. Khiêm tốn nhưng đầy cương quyết, thánh nhân quyết định nói với ông ta tất cả những gì phải nói, Ngài trình bày cho nhà vua thấy trước những tội ác tày trời, gương mù trong vương quốc mà nhà vua gây nên, Ngài cũng nói cho nhà vua rõ những phán xét Thiên Chúa đang chờ đón. Vừa nghe, Bôleslas đã tỏ ra hối hận. Nhưng thật đang tiếc vì đây chỉ là một tình cảm chóng qua, Bôleslas lại trở nên man rợ như trước và còn thêm một tội ghen ghét vào những ác độc của ông.
Sau này, vua đã cướp vợ của một nhà quí phái để nhốt trong hoàng cung. Cơn giận lan ra khắp tỉnh nhưng dân chúng run sợ không ai dám mở miệng, thánh Stanislaô một lần nữa can đảm đến gặp Boleslas, cố gắng đưa ông trở về với những tình cảm chân chính. Ngài đe dọa, nếu còn cố chấp, nhà vua sẽ bị tuyệt thông. Run lên vì tức giận, nhà vua tìm kế sát hại thánh nhân.
Bôleslas biết Đức cha có mua một thuở đất để xây cất nhà thờ mà chỉ trao tiền trứơc mặt nhiều chứng nhân mà không làm chứng từ. Khi chủ nhân cũ qua đời, ông đe dọa các chứng nhân để họ phản chứng rồi tố giác Đức giám mục ra tòa. Mưu độc của ông bị thất bại. Vì sau ba ngày cầu nguyện thánh Stanislaô đã truyền đào mồ người chết và kêu ông dậy làm chứng sự thật.
Dầu vậy, Bôleslas vẫn không thay lòng đổi dạ đối với vị giám mục gan dạ Stanislaô. Ngày 08 tháng 5 năm 1079, khi thánh Stanislaô đang dâng thánh lễ tại thánh đường thánh Micae. Ông sai người đến sát hại thánh nhân. Cả ba nhóm binh sĩ lần lượt đến mà không hoàn thành được lệnh truyền, khiến chính nhà vua phải ra tay. Ông xông vào nhà thờ chém giết vị giám mục tại bàn thờ. Chưa đã thoả lòng giận dữ , ông còn chặt xác Ngài thánh ra làm nhiều khúc rồi vứt ra ngoài đồng cho chim trời rúc rỉa. Nhưng bốn ngày sau, trên trời chỉ có bốn cánh phương hoàng bay lượn ngăn cản tất cả không cho bất cứ con vật nào xâm phạm tới xác thánh.
Bấy giờ Boleslas mới tỉnh ngộ và hối lỗi. Ông cho tổ chức lễ an táng thánh Stanislaô rất trọng thể. Xác thánh liền lại như mới qua đời vì bệnh tật và được chôn cát tại nhà thờ chánh tòa Krakow.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
11 Tháng Tư
Ðám Cưới Vĩ Ðại Nhất
Một trong những đám cưới được xem là vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại đó là đám cưới của Alexandre Ðại đế với công chúa Roxane của Ba Tư vào thế kỷ thứ tư trước công nguyên.
Khi quyết định một người Á châu, dĩ nhiên, Alexandre theo tiếng gọi của con tim. Nhưng qua cuộc hôn nhân này, ông muốn biểu tỏ ý muốn thống nhất tất cả lãnh thổ đã được chinh phục từ Ðông sang Tây. Ông cũng hy vọng có một người con nối dõi với hai dòng máu Ðông Tây để thống nhất hai phần đất của địa cầu.
Ðám cưới được cử hành trong vòng bảy ngày, bảy đêm. Nơi nơi đều có yến tiệc. Và để tăng thêm phần long trọng, Alexandre đã cho tổ chức những cuộc tranh tài thể thao: thế vận hội đã được khai sinh từ đó. Chính Ðại đế là người đích thân trao giải thưởng cho những người thắng cuộc. Thông thường hoàng đế trao tặng những chiếc cúp bằng vàng. Nhưng, người được coi là đoạt được nhiều giải thưởng nhất trong cuộc thi thế vận hội đầu tiên ấy chỉ nhận được có mỗi một cành lá. Alexandre Ðại đế giải thích như sau: chỉ có vinh hiển mới có thể tưởng thưởng được người xuất sắc nhất.
Có một hôn lễ còn vĩ đại gấp bội so với hôn lễ của Alexandre Ðại đế với công chúa Roxane: đó là hôn lễ của Trời với Ðất, của Thiên Chúa với Nhân Loại. Ðây là cuộc hôn lễ mà loài người đã chờ đợi từ khi có mặt trên trái đất. Hôn lễ ấy diễn ra qua việc Con Thiên Chúa xuống thế mặc lấy xác phàm. Ngài đến không kèn không trống, không quân đội, không thế vận hội. Ngài không mang lại các cúp vàng, Ngài không chỉ trao cành lá vinh thắng cho một người, nhưng cho tất cả mọi người. Ai cũng có thể chiến thắng cho cuộc sống của mình và ai cũng có thể nhận lãnh cành lá vinh hiển ấy.
Ai trong chúng ta cũng có một phần thưởng vô giá, ai trong chúng ta cũng là người đoạt giải nhất và ai trong chúng ta cũng nhận được cành lá vinh hiển của sự sống đời đời.
Với Chúa Giêsu là Ðấng đã thắng thế gian và đang tiếp tục chiến đấu bên cạnh chúng ta, chúng ta tin chắc rằng chúng ta cũng sẽ chiến thắng.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần V MC
Bài đọc: Gen 17:3-9; Jn 8:51-59.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lời Thiên Chúa hứa với Abraham được thực hiện nơi Đức Kitô.
Hơn một nửa dân số trên địa cầu hiện nay tuyên bố tổ-phụ Abraham là cha của họ: Do-thái giáo, Hồi-giáo, Kitô giáo (bao gồm tất cả những ai tin vào Đức Kitô); nhưng lại không nhận nhau là anh, chị, em! Người Do-thái cho rằng chị có họ là giòng dõi Abraham theo máu mủ của Isaac. Người Hồi-giáo cho họ cũng là giòng dõi của Abraham vì Ismael cũng là con của Abraham. Người Kitô giáo dựa vào giao ước Thiên Chúa đã ký kết với tổ-phụ. Một sự đọc lại bản giao ước này cần thiết để xóa tan mọi ngộ nhận và giúp mọi người sống thân mật với nhau.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong giao ước Thiên Chúa ký kết với tổ-phụ Abraham. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Thế Ký tường thuật bản giao ước Thiên Chúa ký kết với tổ-phụ Abraham. Thiên Chúa sẽ làm cho ông thành “cha nhiều dân tộc,” chứ không phải chỉ dân tộc Israel mà thôi. Phần Abraham và giòng dõi ông, họ phải tin và tuân giữ những gì Thiên Chúa dạy. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố: Abraham đã vui mừng khi nhìn thấy ngày của Ngài; vì nhờ Ngài, lời Thiên Chúa hứa với tổ-phụ sẽ trở thành “cha nhiều dân tộc,” được thực hiện.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa thiết lập giao ước vĩnh cửu với tổ-phụ Abraham.
1.1/ Phía của Thiên Chúa:
(1) Ngài hứa ban vô số dân tộc: Đây là một lời hứa rất quan trọng. Chúng ta cần tìm hiểu chi tiết của lời hứa này:
– Tên Abram có nghĩa “Cha được vinh quang.” Chúa đổi tên cho ông thành Abraham có nghĩa “Cha của một đám đông, ab hamôn.” Tên này ám chỉ lời Thiên Chúa hứa với ông: “Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc.”
– Điều quan trọng của lời hứa là giòng dõi của ông sẽ không còn giới hạn trong vòng Israel, nhưng lan rộng ra đến các dân tộc. Nếu chỉ giới hạn trong vòng dân tộc Israel, Abraham không thể có con cháu nhiều như sao trên trời và như cát ngòai bãi biển được.
– Làm sao để lời hứa này hiện thực? Thánh Phaolô giúp chúng ta trả lời, bằng niềm tin của con người vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô. Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Abraham, những người thừa kế theo lời hứa” (Gal 3:27-29).
– Vua chúa sẽ phát xuất từ ngươi: Hai nhân vật quan trọng của giòng dõi Abraham là Vua David và Chúa Giêsu Kitô.
– Giao ước này là giao ước vĩnh cửu: không lệ thuộc vào thời gian và không gian, được trải dài đến muôn vàn thế hệ.
(2) Ngài hứa ban Đất Hứa: “Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi sau này miền đất ngươi đang trú ngụ, tức là tất cả đất Canaan, làm sở hữu vĩnh viễn; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng.” Đất Hứa là đất Canaan mà Joshua và con cái Israel sẽ chiếm đóng khi từ Ai-cập trở về.
1.2/ Phần của Abraham: Bổn phận chính yếu của Abraham và tất cả giòng dõi của ông là phải luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa và làm những gì Ngài dạy.
2/ Phúc Âm: Sự liên hệ giữa Chúa Giêsu và tổ-phụ Abraham
2.1/ Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết: Chúa Giêsu cũng tuyên bố một câu tương tự với Martha khi cô cầu xin với Ngài cho em là Lazarus được sống lại: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Jn 11:25-26). Ở đây, Chúa Giêsu không có ý nói về cuộc sống thể lý; nhưng cuộc sống về đàng thiêng liêng. Những ai đã tin và giữ lời Chúa dạy, họ luôn sống; tuy họ sẽ phải chết về phần xác, nhưng đó chỉ là cách để đưa họ tới cuộc sống muôn đời với Thiên Chúa. Cuộc sống muôn đời trong tương lai đã bắt đầu ngay từ ở đời này.
Nhưng người Do-thái không hiểu ý Chúa Giêsu, nên họ nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Abraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết. Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Abraham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự xưng mình là ai?”
2.2/ Lời hứa của Thiên Chúa với Abraham được thực hiện nơi Đức Kitô.
(1) Chúa Giêsu biết Thiên Chúa và vâng lời Ngài: Chúa Giêsu tuyên bố: “Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông.” Con người có cố gắng lắm cũng chỉ biết phần nào của Thiên Chúa, Chúa Giêsu biết Thiên Chúa như Thiên Chúa là, vì Ngài là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Nếu con người muốn biết Thiên Chúa, họ phải tin vào những mặc khải của Chúa Giêsu. Hơn nữa, Chúa Giêsu luôn vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự. Nếu con người muốn biết thế nào là tuân theo ý định của Thiên Chúa, họ cũng phải học nơi Chúa Giêsu. Ngài hòan tòan làm theo ý định của Cha Ngài. Người Do-thái tuyên bố họ biết Thiên Chúa, nhưng trong thực tế, họ đã không biết và không vâng lời Ngài.
(2) Tổ-phụ Abraham và Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đã chứng minh cho người Do-thái trong trình thuật hôm qua: họ không phải là con cháu Abraham, vì họ không làm những gì ông làm. Trong trình thuật hôm nay, Ngài lại chứng minh cho họ một lần nữa: họ không phải là con cháu Abraham, vì họ không vui mừng đón tiếp Ngài như Abraham: “Ông Abraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.” Làm sao để hiểu lời tuyên bố này? Cách cắt nghĩa dễ nhất là dùng trình thuật của Lucas về dụ ngôn người phú hộ và Lazarus (Lk 16:22-31). Abraham đang ở trên trời nhìn xuống và thấy hết mọi sự. Nhưng đây chỉ là dụ ngôn Chúa dùng. Thực ra, truyền thống Do-thái tin Abraham đã được Thiên Chúa cho nhìn thấy ngày Đấng Thiên Sai ra đời và ông đã mừng rỡ. Truyền thống Giáo Hội tin Abraham và những người lành đã chết chỉ sống lại, khi Đức Kitô xuống Ngục Tổ Tông đưa các ngài lên trong đêm vọng Phục Sinh.
Người Do-thái phản đối: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Abraham!” Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” Chúa Giêsu không lệ thuộc thời gian, Ngài không nói: trước khi Abraham có, Tôi đã có; nhưng nói Tôi Hằng Hữu. Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giêsu lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
Đọc lại giao ước vĩnh cửu Thiên Chúa đã ký kết với tổ-phụ Abraham cho chúng ta thấy những điều quan trọng sau đây:
(1) Giòng dõi của tổ-phụ Abraham được mở rộng đến các dân tộc, chứ không chỉ giới hạn trong dân tộc Israel.
(2) Mọi người đều có thể trở thành con cháu tổ-phụ Abraham bằng niềm tin vào Đức Kitô và làm những gì Ngài dạy.
(3) Nếu một người thuộc dân tộc Israel mà không tin và làm những gì Đức Kitô dạy, họ cũng không phải là con cháu của tổ-phụ Abraham; vì đã không tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************