Ngày thứ năm (12-11-2020) – Trang suy niệm

11/11/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần XXXII Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Plm 7-20

“Xin anh tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Philêmon.

Anh thân mến, tôi rất đỗi vui mừng và an ủi, vì lòng bác ái của anh, vì hỡi anh, nhờ anh mà tâm hồn các thánh được hài lòng.

Bởi đó, dầu trong Đức Giêsu Kitô, tôi có đủ quyền để truyền cho anh điều phải lẽ, nhưng tôi thà nại vào đức bác ái mà nài xin anh thì hơn, vì anh cũng như tôi. Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Đức Giêsu Kitô, tôi nài xin anh cho Ônêsimô, đứa con tôi đã sinh ra trong xiềng xích. Xưa kia nó là người vô ích cho anh, nhưng hiện nay, nó lại hữu ích cho cả anh và tôi nữa, tôi trao lại cho anh. Phần anh, anh hãy đón nhận nó như ruột thịt của tôi.

Tôi cũng muốn giữ nó lại để thay anh mà giúp đỡ tôi trong lúc tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý anh, nên tôi không muốn làm gì, để việc nghĩa anh làm là một việc tự ý, chứ không vì ép buộc. Vì biết đâu nó xa anh một thời gian để rồi anh sẽ tiếp nhận nó muôn đời, không phải như một người nô lệ, nhưng thay vì nô lệ, thì như một người anh em rất thân mến, đặc biệt đối với tôi, huống chi là đối với anh, về phần xác cũng như trong Chúa.

Vậy nếu anh nhận tôi là bạn hữu, thì xin anh hãy đón nhận nó như chính mình tôi vậy. Nếu nó đã làm thiệt hại cho anh điều gì, hay mắc nợ anh, xin anh hãy tính vào sổ của tôi. Chính tôi là Phaolô đây, tôi tự tay viết là tôi sẽ thanh toán, trừ phi tôi kể ra cho anh hay rằng chính anh mắc món nợ với tôi. Hỡi anh, thật thế. Nhờ anh tôi sẽ được hân hoan trong Chúa: anh hãy làm cho tôi được thoả lòng trong Chúa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Đáp: Phúc thay con người được Thiên Chúa nhà Giacóp phù trợ (c. 5a).

Xướng:

1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. – Đáp.

2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. – Đáp.

3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời. Sion hỡi, Đức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. – Đáp.

ALLELUIA: 2 Tx 2, 14

Alleluia, alleluia! – Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được chiếm lấy vinh quang của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 17, 20-25

“Nước Thiên Chúa ở giữa các ông”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu “Khi nào nước Thiên Chúa đến”, thì Người đáp lại rằng: “Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói được: ‘Này nước trời ở đây hay ở kia’. Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông”. Chúa lại phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có ngày các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy. Người ta sẽ bảo các con: ‘Này Người ở đây và này Người ở kia’, các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

12/11/2020 – THỨ NĂM TUẦN 32 TN

Th. Giô-sa-phát, giám mục, tử đạo Lc 17,20-25

TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA Ở ĐÂU?

“Và người ta sẽ không nói: Ở đây này! Hay ở kia kìa! Vì Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,21)

Suy niệm: Chúa Giê-su không trả lời như lòng mong đợi của những người Pha-ri-sêu khi họ hỏi “khi nào” Triều Đại Thiên Chúa sẽ đến. Trái lại, Ngài nói họ đừng tìm kiếm Nước Trời như một đối tượng có thể ‘cân, đong, đo, đếm’, “như một điều có thể quan sát được.” Triều Đại Thiên Chúa không được xác định vào một thời điểm, cũng không phải là tại một địa điểm ‘ở đây’ hoặc ‘ở kia’. Điều này cho thấy họ đã gắn cái nhìn thế tục bị vật chất hoá lên những mầu nhiệm, những thực tại siêu nhiên. Nước Thiên Chúa không đến như một đế quốc ở trần gian này; trái lại Đức Ki-tô phải đến như vị vua ngự trị “ở giữa họ” ngay trong tâm hồn, bằng Tình Yêu tự hiến. Không có tình yêu với Đức Giê-su Ki-tô họ sẽ không nhận ra được Triều Đại Thiên Chúa đã đến “ở giữa họ.”

Mời Bạn: Thế nên, câu hỏi ‘Nước Thiên Chúa ở đâu?’ đúng ra phải là câu hỏi ‘Lòng bạn có suy phục vương quyền Vua Ki-tô không?’ Bạn đã thực sự dâng hiến trọn con tim, tâm hồn, trí khôn và sức lực của mình cho ý muốn của Thiên Chúa chưa? Khi bạn làm theo thánh ý Chúa qua Lời Chúa Giê-su mặc khải và huấn quyền Giáo Hội, thì bạn đang xây dựng và mở rộng Nước Thiên Chúa.

Chia sẻ: Bạn thể hiện lòng trung thành với Nước Thiên Chúa như thế nào?

Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn hãy tìm cách làm “Nước Chúa trị đến” qua cách bạn chu toàn việc bổn phận của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con xây dựng Triều Đại của Ngài trong con, trong suy nghĩ và mong muốn của con. Xin hãy làm cho cuộc sống của con trở thành ánh sáng và muối để “danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Giáo dục cho trẻ em về lòng biết ơn là điều quan trọng.
Cha mẹ thường dạy con cám ơn người làm ơn cho mình.
Cám ơn là đi từ món quà đến người trao tặng.
Mỗi người chúng ta đã nhận biết bao quà tặng trong đời,
nên chẳng ai là người trọn vẹn nếu không có lòng biết ơn.
Bản thân tôi là một quà tặng do nhiều người cho :
cha mẹ, ông bà tổ tiên, các anh hùng dân tộc…
Chỉ cần để  lòng biết ơn đi lên mãi, lên tới nguồn,
tôi sẽ gặp được Thiên Chúa như Người Tặng Quà viết hoa.

Đức Giêsu đã làm bao điều tốt đẹp cho người thời của Ngài.
Nhưng ít khi Tân Ước nói đến chuyện họ cám ơn,
mà Đức Giêsu cũng chẳng bao giờ đòi ai cám ơn mình sau phép lạ.
Bởi đó bài Tin Mừng hôm nay thật độc đáo.
Mười người phong ở với nhau trong một ngôi làng.
Họ biết tiếng của Đức Giêsu và biết cả tên của Ngài.
Họ vui mừng thấy Ngài vào làng, nhưng họ chỉ được phép đứng xa xa.
iếng kêu của họ vừa bi ai, vừa đầy hy vọng được chữa lành:
“Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!” (c. 13).
Đức Giêsu đã chẳng chữa lành cho họ ngay lập tức,
như từng làm với một người phong khác trước đây (Lc 5, 12-16).
Dù họ chưa được sạch, Ngài đã bảo họ đi trình diện với các tư tế
để cho thấy là mình đã khỏi rồi.
Họ đã tin tưởng, vâng phục, ra đi, và được khỏi bệnh.

Chỉ có một người, khi thấy mình được khỏi, liền quay lại.
Anh ấy lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, và sấp mình tạ ơn Đức Giêsu.
Đó là một người Samaria, thời đó bị coi như người nước ngoài (c. 18).
Anh được ơn lành bệnh, và hơn nữa anh có lòng biết ơn.
Tôn vinh Thiên Chúa thì làm ở nơi nào cũng được.
Nhưng anh muốn trở lại để gặp người Thiên Chúa dùng để thi ân cho mình.
Cám ơn, biết ơn, tạ ơn, là mở ra một tương quan riêng tư mới mẻ.
Người phong xứ Samaria không chỉ được chữa lành.
Anh còn có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và người thi ân là Thầy Giêsu.
Ơn này còn lớn hơn ơn được khỏi bệnh.

Đức Giêsu có vẻ trách móc khi hỏi ba câu hỏi liên tiếp (cc. 17-18).
Ngài ngạc nhiên vì không thấy chín người Do thái kia trở lại cám ơn.
Đôi khi người Kitô hữu chúng ta cũng thiếu thái độ tạ ơn khi cầu nguyện.
Dường như chúng ta ít mãn nguyện với những ơn đã được tặng ban.
Chúng ta chỉ buồn Chúa về những ơn xin mãi mà không được.
Nhận ra ơn Chúa ban cho đời mình và biết tri ân: đó là một ơn lớn.
Người có lòng biết ơn bao giờ cũng vui.
Họ hạnh phúc với những gì Chúa ban mỗi ngày, vào giây phút hiện tại.
Biết ơn là con đường đơn sơ dẫn đến kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa.
Khi tôi biết đời tôi là một quà tặng nhận được,
thì tôi sẽ sống nó như một quà tặng để trao đi.

Cầu nguyện:

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.

Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

12 THÁNG MƯỜI MỘT

Xin Hãy Quan Tâm Đến Thế Hệ Trẻ

Chúng ta đang càng ngày càng phải khẩn trương hơn trong việc cổ võ một khát vọng mãnh liệt và thâm sâu muốn bảo vệ con người và bảo vệ sự sống con người, nhất là giữa những người trẻ. Chúng ta phải giáo dục và giúp các bạn trẻ trở thành những con người trưởng thành để các bạn ấy có thể biểu dương tính thánh thiện của sự sống con người trong thế giới chúng ta. Vâng, chúng ta phải làm thấm nhập trong họ một niềm tôn trọng sâu xa đối với các giá trị Kitô giáo đích thực dựa trên những xác tín mạnh mẽ của bản thân họ.

Bổn phận của chúng ta là giúp các bạn trẻ và không ngăn trở họ trên con đường tiến tới trưởng thành hoàn toàn trong Đức Kitô. Các bạn trẻ có quyền hưởng một nền giáo dục thích đáng để họ có thể lèo lái thế giới này trong tương lai. Tôi tha thiết mời gọi các bậc phụ huynh, các nhà giáo, nhà văn, ký giả, các nhà khoa học, các nghệ sĩ, và mọi người … vâng, tôi mời gọi tất cả những ai tin vào phẩm giá con người hãy đóng góp phần mình cho thế hệ trẻ hôm nay.

Thế hệ của ngàn năm thứ ba phải tránh những nỗi kinh hoàng đã làm cho thế kỷ XX của chúng ta nhuộm đỏ máu. Còn có vô số bước phát triển mà xã hội con người có thể thực hiện để phục vụ cho chính con người. Khi chúng ta tiến bước đến tương lai, chúng ta có trong tay những khả năng chưa từng có để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn và nhân đạo hơn theo tinh thần của Tin Mừng.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 12/11

Thánh Jôsaphát, giám mục, tử đạo

Plm 1, 7-20; Lc 17, 20-25.

LỜI SUY NIỆM:  “Triều đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được.”

       Người Do-thái mãi trông đợi triều đại của Thiên Chúa đến, và người ta cứ chờ đợi, vì người ta chỉ quan sát theo chủ quan của họ. Gioan Tẩy Giả cũng như Chúa Giêsu đều loan báo triều đại Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ, nhưng rồi họ vẫn chối bỏ không nghe. Một lần nữa Chúa Giêsu mạc khải cho biết: Triều Đại Thiên Chúa thể hiện nơi Người, Người là hiện thân của Nước Thiên Chúa. Ai tin vào Người, thì được cứu rỗi, được sống lại và được ở trong Nước Thiên Chúa. Chứ triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát đươc. Tất cả ơn ban của Thiên Chúa và tất cả mầu nhiệm về Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ, nhưng các người đã không tin.

       Lạy Chúa Giêsu, Triều đại của Thiên Chúa đang hiện diện trước mặt và trong đời sống của chúng con, xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con tin điều này mà sống cho xứng đáng trước mặt Chúa và người đời.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 12-11

Thánh GIOSAPHAT

Giám mục, Tử đạo (1580 – 1625)

Thánh Giosaphat sinh năm 1580 (vài tác giả nói là 1584), ở Vladimir, thủ đô của Volynia miền Ukraine, rồi sau là một tỉnh của Balan dầu cha mẹ Ngài thuộc dòng quí phái, nhưng họ đã nhập thương trường với vài thành công và cha Ngài đã trở thành nghị viên thành phố. Giosaphat (tên rửa tội là Gioan) trước hết đã học nghề với một thương gia ở Vilna miền Lithuania và làm việc với ông tới năm 1604 khi Ngài trở thành một tu sĩ nhà dòng Basiliô ở Vilna.

Các Kitô hữu Ruthenia và Ukraina phần lớn theo nghi thức Byzantine bị phân rẽ sâu xa kể từ khi một số đông các giám mục của họ năm 1596 tuyên bố ở Brest- Litovsk hiệp nhất với Giáo hội Roma. Thượng phụ giáo chủ ở Constantinople đã cố gắng ngăn cản sự chia cắt này khỏi giáo hội chính thống và đã đặt một vị nhiếp chính cho Ruthenia vì mục đích này. Điều này chẳng quen thuộc với các bậc vị vọng địa phương vì họ coi đó như một đe dọa cho sự tự chủ của họ, nhưng lại được vương quốc Balan và chính quyền trung ương ủng hộ hoàn toàn.

Dầu vậy suốt cuộc đời, thánh Giosaphat luôn trung thành với Thánh nhân, viễn quan thiêng liêng và phụng vụ của Ngài theo nghi thức Byzantine. Ngài đã học thuộc lòng toàn sách các phép bằng tiếng Slave như một đứa trẻ, nắm giữ nghiêm nhặt việc ăn chay theo lịch Byzantine còn nhặt nhiệm hơn lịch chay tịnh của Roma nhiều, và kinh nguyện Ngài cũng dùng nhiều nhất là “Kinh nguyện Chúa Giêsu”, lòng sùng kính được nhiều nhà khổ hạnh và thần trí Kitô giáo Đông phương ưa thích. Nhưng lý lẽ của nhưng người theo Chính thống hay giáo hoàng, và những thúc đẩy đưa tới đối nghịch chính trị đều vô nghĩa đối với thánh Giosaphat, Ngài không thể tin được rằng những việc sùng mộ và phong tục của dân tộc Ngài và dĩ nhiên của toàn thế giới lại không hòa được với sự trung thành đối với Giáo hội hiệp nhất dưới thánh nhan.

Ngài sớm nổi tiếng với những khắc khổ nhiệm nhặt và với kiến thức của Ngài. Ngài được tấn phong linh mục năm 1609 và sớm nổi tiếng như là vị hứơng dẫn thiêng liêng. Ngài cũng viết nhiều sách tranh luận về thời này (về phép tửa của thánh Vladimir, về sự gải mạo của các sách tiếng Slave).

Năm 1617, Ngài được thánh hiến làm giám mục Vitebsk với quyền kế vị Đức Tổng giám mục Pskov. Ngài đã làm tổng giám mục Pskov năm 1618. Được dân chúng kính trọng, Ngài lại cương quyết với những người ly khai, không chấp nhận cả những nhượng bộ chính quyền trung ương Balan định làm. Năm 1623 khi đang viếng Vitebsk, Ngài bị một đám đông theo tinh thần quốc gia quá khích tấn công chặt đầu và bắn chết. Xác Ngài được đưa về Pskov và trên đường về này đã được nhiều người tôn kính gồm cả những người thủ địch của Ngài nữa.

Cuộc tử đạo của Ngài đã bảo đảm sự hồi sinh của Giáo hội công giáo Slave. Họ khác về phong tục, kỷ luật, phụng vụ và ngôn ngữ với người Balan theo công giáo Roma, trong khi đó họ vẫn độc lập với Maxcơva và người Nga vì sự liên kết của họ với Roma. Bởi đó họ trở thành một trung tâm quan trọng của phong trào quốc gia Ruthania.

Đức giáo hoàng Urbanô VIII năm 1628 đã khởi đầu cuộc án phong thánh cho Giosaphat khi mở mộ ra và thấy xác Ngài còn nguyên vẹn. Ngài được phong chân phước năm 1643 và được phong thánh năm 1867.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

12 Tháng Mười Một

Tình Yêu Mạnh Hơn Thời Gian 

Một hôm, vua Ai Cập đang đứng chiêm ngưỡng những bia tháp mà ông đã cho dựng lên tại thành phố Eliopolis. Bỗng nhiên có một cụ già râu tóc bạc phơ không biết từ đâu đến, đã cười ngạo nghễ và thách thức với nhà vua như sau: Hãy bỏ tất cả và cút đi…

Nhà vua giận tím gan, thế nhưng ông ta đã tự chủ và trả lời: “Hỡi người già, ngươi là ai mà dám ra lệnh cho ta một cách hỗn láo như thế… Không lẽ ngươi có nhiều quyền thế hơn ta?”.

Lão ông tự giới thiệu: “Ðúng thế, bởi vì ta là Thời Gian…”.

Nghe đến tên Thời Gian, vua Ai Cập tái mặt và té khỏi ngai vàng… Cùng với ông, cả đế quốc Ai Cập cũng sụp đổ.

Lão già Thời Gian cũng rảo qua khắp các đế quốc trên thế giới. Lão đi đến đâu, thì các đế quốc rơi rụng như sung: Hôm nay tại Babylone, ngày mai tại Athène, ngày mốt tại Ninive, tại Carthage…

Nhưng ngày kia, người ta bỗng thấy xuất hiện tại đồi Vatican một cụ già khác. Cụ tuyên bố nghênh chiến với lão già Thời Gian. Lão già Thời Gian tưởng mình có thể phá vỡ tất cả mọi công trình của con người trên trần gian này. Cũng một giọng điệu vô cùng hách dịch, lão ta cũng đến trước cửa Vatican và dõng dạc tuyên bố: “Ta là Thời Gian đây”. Tiếng gầm thét đó đã làm rung chuyển trái đất, thế nhưng đã không làm cho bô lão trên ngọn đồi Vatican mảy may lo sợ. Cụ bình tĩnh đáp lại: “Còn ta, ta chính là Vĩnh Cửu!… Xuyên qua các thế hệ, ta phải đại diện cho lòng chung thủy của Thiên Chúa đối với loài người…”.

Thời gian là liều thuốc chữa được mọi khổ đau… Thời gian giúp chúng ta quên được dĩ vãng u buồn… Ðó là những câu nói mà chúng ta thường dùng để tự an ủi mình hoặc người khác khi đứng trước thất bại, hay bất cứ một nỗi bất hạnh nào…

Mà quả thật, thời gian không những giúp chúng ta chữa lành được nhiều vết thương trong cuộc sống, thời gian còn là một kẻ phá hoại tàn nhẫn. Cái chết xảy ra hằng ngày xung quanh chúng ta là một chiến thắng của thời gian. Sự sụp đổ của không biết bao nhiêu đế quốc trên cõi trần này cũng là một chiến thắng của thời gian…

Chỉ có một sức mạnh thời gian phải nhượng bộ: đó là sức mạnh của Tình Yêu. Chúng ta thường nói: Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Ðúng hơn, chúng ta phải nói: Tình Yêu mạnh hơn Thời Gian, bởi lẽ thời gian không bao giờ có thể xóa mờ được tình yêu.

Bất cứ một nghĩa cử yêu thương nào mà con người làm cho tha nhân, đều trở thành bất diệt. Những nghĩa cử yêu thương trở thành bất diệt là bởi vì nó tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa. Người sống cho kẻ khác là người sống cho Chúa. Và ai sống cho Chúa tức là sống mãi trong Tình Yêu.

Chúng ta đang cầu nguyện cho các đẳng linh hồn trong tháng 11 này. Chúng ta cầu nguyện vì chúng ta tin rằng thời gian đã không đưa họ đi vào quên lãng. Trong tình yêu của Chúa mà chúng ta đang san sẻ cho những người xung quanh, những người quá cố cũng sẽ được sống mãi. Còn lời kinh nào hữu hiệu hơn cho những người quá cố cho bằng những nghĩa cử yêu thương của chúng ta…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm Tuần 32 TN2

Bài đọc: Phm 7-20; Lk 17:20-25.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những dấu chỉ để nhận ra Triều Đại của Thiên Chúa trong tâm hồn.

Con người thường phán xét theo những gì họ xem thấy bên ngòai. Họ muốn dùng những tiêu chuẩn bên ngòai để xác định khi nào Đấng Thiên Sai và khi nào Ngày Phán Xét tới. Khác với con người, Thiên Chúa phán xét theo những gì Ngài thấy bên trong. Ngài mời gọi con người nhìn sâu vào tâm hồn bên trong, để nhận ra những tiêu chuẩn của Nước Trời. Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô cố gắng thuyết phục Philemon nhận lại người nô lệ của ông đã lỡ dại trốn đi. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cho biết để nhận ra triều đại của Thiên Chúa đến hay chưa, con người không thể dựa vào những sự kiện bên ngòai, nhưng phải dựa vào những thay đổi trong tâm hồn.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phải lấy tình bác ái mà đối xử với nhau.

Thư Thánh Phaolô gởi cho Philemon, cộng sự viên của ngài, chỉ vỏn vẹn trong hai trang và liên quan chỉ một vấn đề chính: Ngài xin ông nhận lại người nô lệ, Oneximo, đã trót dại bỏ trốn qua Roma tìm tự do. Nhiều người đã so sánh việc Phaolô bầu cử cho Oneximo như việc Chúa Giêsu bầu cử cho con người trước tòa Thiên Chúa. Đức bác ái của Kitô Giáo được nhấn mạnh trong tòan thể thư này:

(1) Thánh Phaolô khen đức bác ái của Philemon: Ngay từ đầu thư, Phaolô đã đề cao đức bác ái của Philemon: “Thật thế, tôi rất vui mừng và lấy làm an ủi, khi thấy đức bác ái của anh, bởi vì, thưa anh, anh đã làm cho lòng trí các người trong dân thánh được phấn khởi.”

(2) Ngài nhân danh đức bác ái xin Philemon làm cho Ngài một chuyện: nhận lại Oneximo. Theo luật của Roma thời đó, người chủ có tòan quyền trên nô lệ của mình. Nếu người nô lệ trốn đi và bị chủ bắt lại, anh có thể bị chủ giết chết. Thánh Phaolô rất hiểu tâm lý: Con người không thích bị bắt buộc phải làm, nhưng muốn có tự do để quyết định, nên Ngài nói với Philemon: “Mặc dầu nhờ kết hợp với Đức Kitô, tôi có đủ mạnh dạn để truyền cho anh làm điều anh phải làm; nhưng tôi thích kêu gọi lòng bác ái của anh hơn, để xin anh làm điều đó. Tôi, Phaolô, một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Kitô Giêsu.”

(3) Thánh Phaolô đối xử bác ái với Oneximo: Ngài không coi anh như một người nô lệ nhưng như một người con ruột thịt. Ngài nói với Philemon: “Tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Oneximo, kẻ xưa kia đối với anh là vô dụng, thì nay đã thành người hữu ích cho cả anh lẫn tôi, tôi xin gửi nó về cho anh; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi.”

(4) Thánh Phaolô quan tâm đến người khác nhiều hơn mình: Mặc dù ngài muốn giữ Oneximo ở lại để giúp đỡ ngài trong lúc già yếu và tù đày, nhưng Oneximo thuộc về Philemon; vì thế chỉ Philemon mới có quyền quyết định: “Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không phải tự nguyện.”

(5) Thánh Phaolô khuyên Philemon nên đối xử tốt với Oneximo: không phải như một người nô lệ nữa, mà như một người anh em trong gia đình và trong Chúa: “Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa.”

(6) Thánh Phaolô coi việc tiếp nhận Oneximo là tiếp nhận chính ngài: “Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi.” Và Ngài xin Philemon cho ngài được hưởng ân huệ này nhờ Đức Kitô: “Xin anh cho tôi được hưởng niềm vui đó trong Chúa. Anh hãy làm cho lòng trí tôi được phấn khởi trong Đức Kitô.”

2/ Phúc Âm: Triều Đại của Thiên Chúa đang ở giữa các ông.

2.1/ Khi nào triều đại của Thiên Chúa đến? Các động từ chính liên quan đến “triều đại của Thiên Chúa” trong câu 21 và 22 đều được dùng ở thời hiện tại. Điều này chứng tỏ Thánh Luca muốn phân biệt triều đại của Thiên Chúa đến trong trần gian với Ngày Đức Kitô sẽ đến lần thứ hai trong 4 câu kế tiếp. Triều đại của Thiên Chúa đã đến trong trần gian, nhưng để nhận ra con người không thể:

– dựa vào những dấu chỉ bên ngòai như lời Chúa Giêsu tuyên bố: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: Ở đây này! hay Ở kia kìa!” nhưng phải nhận ra nhờ những dấu chỉ bên trong như đức tin vào Thiên Chúa, sống bác ái với mọi người.

– triều đại của Thiên Chúa đang ở giữa (hiện tại) các ông: Chúa Kitô là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa. Nhận ra Đức Kitô và tin vào Ngài là dấu hiệu Triều Đại của Thiên Chúa đã đến trong lòng mỗi tín hữu.

2.2/ Khi nào Đức Kitô sẽ đến lần thứ hai? Các động từ chính của cả 3 câu 22, 23, 24 đều được dùng ở thời tương lai. Câu 25 là lời tiên tri: Chúa Giêsu báo trước những gì sắp xảy ra cho Ngài trong tương lai gần. Về Ngày Chúa Giêsu sẽ đến lần thứ hai:

– Không ai biết được thời gian: “Vì thế, khi người ta sẽ bảo anh em: Người ở kia kìa! hay Người ở đây này! Anh em đừng đi, đừng chạy theo.”

– Không ai biết được nơi chốn: “Vì như ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong Ngày của Người.”

– Các môn đệ biết những gì sắp xảy ra cho Chúa Giêsu trong tương lai gần: “Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.” Khi chứng kiến những sự kiện này, các môn đệ sẽ biết triều đại của Thiên Chúa đã đến trong thế gian. Sau đó, Chúa Giêsu sẽ được cất đi khỏi các ông. Lúc đó, các ông sẽ mong sống lại những ngày với Chúa Giêsu, nhưng không còn nữa: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta có thể nhận ra Triều Đại của Thiên Chúa đã đến với chúng ta bằng niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô, biểu lộ qua việc bác ái chúng ta đối xử với những người chung quanh, nhất là những người kém may mắn, như Phaolô khuyên Philemon đối xử với Onesimo, người nô lệ.

– Triều đại của Thiên Chúa đến không từ bên ngòai để chúng ta có thể nhận ra như những vương quốc của trần gian; nhưng chúng ta có thể nhận ra triều đại của Thiên Chúa đã đến trong tâm hồn nhờ vào những dấu chỉ bên trong như ăn năn xám hối, tin vào Đức Kitô, và sống bác ái với mọi người.

– Về Ngày Chúa đến lần hai, Chúa Giêsu đã nói rõ: Chắc chắn Ngày đó sẽ xảy ra, nhưng không ai biết được thời gian và nơi chốn. Vì thế, đừng tiên đóan hay tin ai cho biết về Ngày đó. Tốt hơn, chúng ta nên chuẩn bị và sẵn sàng chờ đợi. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************