Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Năm trong tuần Bát nhật Phục Sinh
BÀI ĐỌC I: Cv 3, 11-26
“Ðấng ban sự sống thì anh em đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại”.
Bài trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, khi người què được chữa lành cứ theo sát Phêrô và Gioan, toàn dân bỡ ngỡ chạy đến hai ngài đang ở hành lang gọi là hành lang Salômôn. Thấy vậy Phêrô liền nói với dân chúng rằng: “Hỡi các người Israel, tại sao anh em ngạc nhiên về việc đó và nhìn chúng tôi như là chúng tôi dùng quyền năng hay lòng đạo đức riêng mà làm cho người này đi được? Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta, đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Ðấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Ðấng Thánh, Ðấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng. Và bởi đã tin vào danh Người, nên danh Người đã làm cho kẻ mà anh em thấy và biết đây, được vững mạnh, và lòng tin vào Người chữa anh này hoàn toàn lành mạnh trước mặt hết thảy anh em. “Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Ngài dùng miệng các tiên tri mà báo trước rằng Ðức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ, như thế để Thiên Chúa ban cho anh em thời kỳ thư thái, và sai Ðức Giêsu Kitô, Ðấng mà Chúa đã phán hứa cùng anh em trước, Ðấng phải về trời cho đến thời kỳ phục hồi vạn vật, như Chúa đã dùng miệng các thánh tiên tri Ngài mà phán từ ngàn xưa. Môsê đã nói rằng: “Vì Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ cho xuất hiện giữa anh em các ngươi một tiên tri như ta, các ngươi hãy nghe tất cả những điều Ngài sẽ nói với các ngươi. Vậy, tất cả những ai không chịu nghe theo vị tiên tri đó, thì sẽ bị khai trừ khỏi dân chúng. “Và tất cả các tiên tri, từ Samuel và các vị kế tiếp, đều đã nói và tiên báo về ngày này. Anh em là con cháu các tiên tri và con cháu của giao ước mà Chúa đã thiết lập với các tổ phụ chúng ta, khi Người phán cùng Abraham rằng: “Chính nơi dòng dõi ngươi, mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc”. Chính vì anh em trước tiên mà Thiên Chúa đã cho Con của Ngài xuất hiện và sai đi chúc phúc cho anh em, để mỗi người từ bỏ tội ác”.
Ðó là lời Chúa.
ÐÁP CA: Tv 8, 2a và 5. 6-7. 8-9
Ðáp: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu (c. 2a).
1) Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu! Nhân loại là chi mà Chúa để ý chăm nom?
2) Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người.
3) Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi.
ALLELUIA: Tv 117, 24
All. All. – Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. – All.
PHÚC ÂM: Lc 24, 35-48
“Ðấng Kitô phải chịu thương khó như vậy, rồi mới được tôn vinh”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đứng bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Này Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: “Ðúng như lời Thầy đã nói với các con khi Thầy còn ở với các con, là: cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh. Người lại nói: “Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.
Ðó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
13/04/2023 – THỨ NĂM TRONG TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,35-38
NHỊP ĐIỆU PHỤC SINH
Hai ông thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Chúa Giê-su đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Lc 24,35-36)
Suy niệm: Các trình thuật về những lần Chúa Ki-tô phục sinh hiện ra thật dồn dập: Nhóm này đang thuật chuyện mình gặp Chúa thế nào, chưa xong thì nhóm khác lại kể tiếp kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh. Kể chưa xong thì Chúa lại hiện đến đứng giữa các ông. Đây không phải là một thủ pháp văn chương của vị thánh sử muốn ghi đậm ấn tượng về biến cố sống lại, mà đó chính là nhịp sống của Hội Thánh ngay từ những ngày đầu cảm nếm mầu nhiệm phục sinh. Điệu luân vũ phục sinh đó gồm mấy động tác cơ bản sau đây : -1/ gặp gỡ Đấng Phục Sinh -2/ quy tụ cộng đoàn -3/ chia sẻ kinh nghiệm gặp Chúa -1/ Chúa Ki-tô phục sinh lại hiện diện giữa cộng đoàn để củng cố và mở ra một kinh nghiệm gặp gỡ mới.
Mời Bạn: Những diễn viên múa lành nghề để cho vũ điệu thấm vào máu thịt, rồi toát ra trong từng cử chỉ, bước đi của mình; là ki-tô hữu, chúng ta đã để cho nhịp điệu phục sinh thấm vào máu thịt và toát ra đời sống của mình chưa?
Chia sẻ: Bạn có ý thức trong cộng đoàn việc cộng tác chia sẻ là nghĩa vụ của mỗi người để xây dựng cộng đoàn không?
Sống Lời Chúa: Mời bạn luyện tập các động tác cơ bản của điệu vũ : -1/ gặp gỡ Đấng Phục Sinh (bằng cách siêng năng rước lễ, suy niệm cá nhân); -2/ quy tụ (gặp gỡ nhóm, gia đình, cộng đoàn của bạn); -3/ chia sẻ (đọc và chia sẻ Lời Chúa); -1/ tiếp tục gặp gỡ Đức Ki-tô. Chúc bạn thành công.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô phục sinh, xin ở lại với chúng con.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm:
Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con.
Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma.
Có lần Ðức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ,
nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma.
Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ,
họ cũng hoảng hốt tưởng là thấy ma.
Ðấng sống lại đã kiên nhẫn làm hết cách
để đưa các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh khủng.
Ngài mời họ xem và đụng đến tay chân Ngài
để thấy Ngài là người bằng xương bằng thịt.
Ngài còn ăn một miếng cá nướng
để cho họ thấy Ngài không phải là một bóng ma.
Khi các môn đệ yếu đức tin,
họ coi Ðức Giêsu phục sinh chỉ là bóng ma.
Nhưng khi đức tin của họ được củng cố,
họ mới thấy Ngài có thực.
Lắm khi chúng ta vẫn tưởng Chúa là bóng ma đe dọa,
vì Chúa đến gặp ta một cách quá bất ngờ,
giữa lúc con thuyền đời ta chòng chành vì gió ngược,
hay lúc căn nhà lòng ta khép kín vì nỗi buồn đau.
Chúa vẫn đến lúc ta tưởng Ngài không thể đến.
Ngài mời gọi ta làm chứng nhân cho Ngài.
Kitô hữu là chứng nhân của niềm hy vọng.
Ðức Giêsu bị đóng đinh đã sống lại ra khỏi mồ.
Bạo lực, bất công, dối trá, hận thù bị thảm bại.
Quyền lực của bóng tối chỉ là tạm thời.
Chiến thắng cuối cùng thuộc về Tình Yêu và Ánh Sáng.
Bởi thế người Kitô hữu vẫn hy vọng không ngơi
ngay giữa lúc sự dữ có vẻ thắng thế.
Kitô hữu là chứng nhân của sự sống.
Thế giới hôm nay bị mê hoặc bởi sự chết.
Những cuộc chiến tranh, xung đột, ám sát, bạo động.
Những loại ma tuý khiến người ta chết không ra người.
Những vụ phá thai quá dễ dàng nơi các cô gái trẻ.
Những vụ tự tử chỉ vì những lý do không đâu.
Kitô hữu phải làm cho sự sống có mặt,
và hấp dẫn gấp ngàn lần sự chết.
Họ phải là nguồn sống dồi dào,
sống đơn sơ, thanh bạch, nhưng hạnh phúc.
Kitô hữu là chứng nhân của niềm vui.
Bao trẻ thơ buồn vì thiếu thầy cô, thiếu trường học.
Bao bệnh nhân ở xa thành phố, cần đến thầy thuốc.
Bao người nghèo khổ sống trong nỗi muộn phiền.
Nếu chúng ta thực sự có niềm vui của Chúa,
nếu chúng ta đã ra khỏi nỗi âu lo về mình,
chắc chúng ta sẽ ra đi công bố Tin Mừng Phục Sinh,
bằng việc đem lại nụ cười cho những người bất hạnh.
Chuyện Ðức Giêsu phục sinh là chuyện khó tin.
Nhưng nếu chúng ta sống quên mình phục vụ
thì người ta có thể gặp đươc Ðấng đang sống.
Cầu Nguyện:
Giữa một thế giới
chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm tin.
Lạy Chúa Giêsu
xin cho con cảm được
cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa:
“Các con hãy cho họ ăn đi.”
Ước gì chúng con dám trao
tất cả những gì chúng con có cho Chúa,
để Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho chúng con và cho cả nhân loại.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
13 THÁNG TƯ
Sự Sống Của Thiên Chúa Được Đổ Tràn Vào Thế Giới
Mùa Phục Sinh, chúng ta đi vào trong một cảm nghiệm tâm linh sâu sắc có sức làm cho chúng ta nếm cảm đức tin của mình vào Đức Kitô Phục Sinh, “Chiên Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5,7). Người đã chịu hiến tế vì chúng ta, song sự chết đã không chế ngự được Người. Sứ mạng của Người đã không chấm dứt khi Người bị treo trên Thập Giá, sứ mạng ấy đã không chấm dứt khi Người kêu lên: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30). Thật vậy, đó chính là lúc mà sự hoàn thành chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người.
Chính Đức Kitô đã thánh hiến kỷ nguyên này qua cuộc Phục Sinh của Người từ cõi chết. Người đã hoàn thành trọn vẹn chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với chúng ta. Đức Kitô đã được phục sinh – như lời Người đã hứa. Sự chết không còn làm chủ được Người nữa, bởi vì Người là sự sống vĩnh cửu mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta.
Đức Giêsu nói về chính mình: “Ta là … sự sống” (Ga 14,6). Và, vào một dịp khác, Người tuyên bố: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25). Như vậy, nơi Người, nguồn cội của chính sự sống đã đi vào thế giới chúng ta.
Xuyên qua hiến tế của Đức Giêsu, sự sống thần linh đã được đổ chan hòa trên mọi dân tộc, và – một cách nào đó – trên toàn khắp vũ trụ. Một sức sống hoạt và tươi trẻ nào đó đã nạp vào toàn thể tạo vật kể từ khoảnh khắc chiến thắng của Người trên Thập Giá. Chính chúng ta bây giờ không còn là nô lệ của “nỗi sợ chết nữa” (Dt 2,15). Đức Kitô đã giải phóng chúng ta vĩnh viễn!
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 13/4
THỨ NĂM TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Cv 3, 11-26; Lc 24, 35-48.
LỜI SUY NIỆM: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì Sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”
Đức Tin của mỗi người chúng ta luôn được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, qua các đấng bậc trong Giáo Hội đã được chính Giáo Hội ủy thác và trao quyền; với ơn Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí để đón nhận, giúp đức tin ngày càng được trưởng thành; lòng mến thêm sốt sắng hơn.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người chúng con ham thích học hỏi Lời Chúa với đức tin, tin để học và học để tin, giúp cho đức tin chúng con thêm vững mạnh. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 13-04: Thánh MARTINO I
Giáo Hoàng Tử Đạo (+656)
Thánh Martinô I sinh tại Tôđi, miền Umbria.
Đức Giáo hoàng đặt Ngài làm đại diện ở Constantinophe. Tại đây, Ngài đã nhiệt thành chống lại Nhất ý thuyết. Lạc giáo này dạy rằng: nơi Chúa Giêsu chỉ có một ý chí, ý chí thần linh. Như vậy là họ chối bỏ ý chí riêng của nhân tính Ngài.
Năm 649, khi Đức Thêdôre qua đời, thánh Martinô được cử lên ngôi kế vị thánh Phêrô. Ngay tháng 10 năm này, Ngài đã triệu tập công đồng Lêtêranô để kết án lạc thuyết. Làm như vậy Ngài đã liều chuốc lấy phản ứng độc hại của Contance II, một hoàng đế trẻ theo lạc giáo, và muốn bắt Giáo hội phải chấp nhận sắc lệnh “Type” về giáo lý của ông. Ngày 17 tháng 6 năm 653, quan thái thú đại diện hoàng đế là Calliopas ở Ravennna Italia đã bắt Đức giáo hoàng trong nhà thờ chính tòa. Ngài bị tố cáo đồng lõa trong cuộc phản loạn của quan thái thú tiền nhiệm là Olymius.
Sau đó Ngài bi đưa về Constantinople bằng tàu. Sẵn đau khổ vì bệnh đau khớp xương, cuộc hành trìnnh còn khổ cực thêm vì bị mất thực phẩm tối thiểu, bị cấm không được tắm rửa. Ngày 17 tháng 9, Ngài tới Constantinople và bị gian trong một nhà tù cho tới ngày 20 tháng 12. Tại một tòa án giả tạo với sư hiện diện của hoàng đế, Ngài bị truất ngôi và bị kết án tử hình.
Bi bỏ rơi trong ngục thất, thánh Martinô vô cùng cực khổ vì lạnh. Một phụ nữ lén cho Ngài một chiếc giường và một chiếc nệm. Khi ấy, Thượng phụ giáo chủ Constantinople hấp hối, ông ta sợ bị đoán phạt trước tòa Chúa nên xin Hoàng đế đừng xử tử tù nhân. Nhưng thánh Martinô lại bị lưu đày tới Cherson ở Crimea.
Tại đây, Ngài qua đời vì thiếu thốn, có lẽ vào ngày 03 tháng 4 năm 656.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
13 Tháng Tư
Emmaus
Nói đến những người không nhà không cửa, người ta thường nhắc đến cha Henri Groués quen được gọi tắt là cha Pierre, người đã sáng lập cộng đồng Emmaus nhằm giúp những người bần cùng tự tay xây dựng cuộc sống của họ.
Phong trào cộng đồng Emmaus khởi sự bằng một căn nhà đổ nát ở vòng đai của thành phố Paris vào hồi đệ nhị thế chiến. Những người khách đầu tiên của tổ ấm này là các thanh thiếu niên bụi đời, những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích.
Câu nói đầu tiên của cha Pierre với những người mới đặt chân đến cộng đồng là : “Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác…”. Dù khổ sở đến đâu, ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình, ai cũng muốn trở thành hữu ích cho người khác. Ðó là niềm tin mà cha Pierre luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng.
Cha Pierre đặt tên Emmaus cho cộng đồng của Ngài là để nhớ lại câu chuyện của hai người môn đệ Chúa Giêsu trong buổi chiều Phục Sinh. Cũng như hai người môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Chúa Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ. Cũng thế, cha Pierre và những người bạn đầu tiên của Ngài đã tìm gặp được hứng khởi, niềm tin yêu giữa những mất mát ê chề của cuộc sống.
Tạo lại niềm hy vọng vào cuộc sống đó là khẩu lệnh của cha Pierre, và xây dựng lại niềm hy vọng đó từ những đổ nát, mất mát. Chính vì thế mà cộng đồng Emmaus chủ trương đi thu nhặt lại các đồ phế thải, các vật dụng cũ kỹ để chế biến và bán lại, như một sản phẩm cho chính tay mình làm nên.
Hiện nay phong trào đã có mặt tại 50 quốc gia trên thế giới với khoảng 290 cộng đồng. Tất cả mọi người trong cộng đồng đều sống với niềm hy vọng từ những đổ nát và mất mát trong cuộc sống.
Tin Mừng của Thánh Luca thuật lại rằng, buổi chiều hôm đó, có hai người môn đệ của Chúa Giêsu lên đường đi Emmaus, trở về làng cũ của họ.
Cái chết của Chúa Giêsu là một chấm hết đối với họ: hết mộng công hầu khanh tướng, hết giấc mơ của một nước Israel thịnh vượng, hết mọi hy vọng. Trở về làng cũ tức là trở về với thất vọng ê chề. Nhưng cũng chính lúc đó, Chúa Giêsu đã hiện ra với họ, cái chết mang một ý nghĩa mới, mất mát đã trở thành khởi đầu của lợi lộc, thất bại trở thành khởi điểm của thành công, buồn phiền đã biến thành vui mừng hân hoan… Ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu đã mặc cho mọi biến cố của cuộc sống một ý nghĩa mới. Tin tưởng lạc quan đã trở thành nhân đức cơ bản của đời Kitô.
Ở bất cứ nơi đâu và ở bất cứ thời đại nào, sau một lần đổ nát, người ta thường hát lên điệp khúc: Hãy xây dựng lại từ đổ nát!
Ðó là niềm tin mà hơn bất cứ lúc nào chúng ta cần phải bám lấy… Bạn đang sầu khổ vì những mất mát ê chề trong cuộc sống ư? Bạn đang quằn quại trong đau khổ của thể xác và tinh thần ư? Bạn đang cảm thấy mình ở dưới vực thẳm của tội lỗi ư?
Chúa Giêsu của thành Emmaus đang nói với bạn: đừng thất vọng, Ngài đang đồng hành với bạn, và với Ngài, bạn có thể xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm – Tuần BNPS
Bài đọc: Acts 3:11-26; Lk 24:35-48.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm thế nào để biết và tin chắc Chúa đã sống lại?
Mỗi năm, vào dịp các Kitô hữu chuẩn bị kỷ niệm cuộc Thương Khó, cái chết, và sự sống lại của Chúa Giêsu, các tuần báo Mỹ như Times và Newsweek luôn đặt những câu hỏi giật gân chung quanh việc sống lại của Chúa như: Chúa Giêsu có thực sự sống lại không? Không một nhân chứng nào thấy tận mắt lúc Chúa sống lại và ra khỏi mộ! Ngành khảo cổ không tìm thấy vết tích gì cả về ngôi mộ của Chúa. Tại sao lại có hai nơi đều nhận là “mộ Chúa” bên Jerusalem? Mục đích của họ là để con người đặt lại niềm tin vào sự sống lại đời sau, đúng như thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta vô ích.”
Nhưng đi tìm những dữ kiện quanh ngôi mộ trống là cách thấp nhất để chứng minh sự kiện Chúa sống lại. Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những bằng chứng cao hơn. Trong Bài Đọc I, thánh Phêrô minh chứng sự kiện Chúa sống lại bằng việc làm cụ thể: Ngài dùng quyền năng của Chúa Kitô phục sinh để chữa lành một người què từ lúc mới sinh, và minh chứng sự kiện phục sinh đã được các ngôn sứ đề cập đến nhiều lần trong Kinh Thánh. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trực tiếp hiện ra với các tông đồ, và Ngài đã ăn uống trước mặt các ông để chứng minh Ngài là người thật, chứ không phải là ma hay ảo ảnh mà các ông đang sợ hãi. Ngài cũng dùng lời Kinh Thánh để chứng minh Ngài phải chịu đau khổ và được sống lại.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phêrô và Gioan chứng minh Chúa đã sống lại thật.
1.1/ Phêrô làm chứng cho Chúa Phục Sinh bằng việc chữa lành: Phêrô muốn chứng tỏ với dân 2 điều:
(1) Quyền chữa lành không đến từ con người: Ông Phêrô lên tiếng nói với dân: “Thưa đồng bào Israel, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi?”
(2) Quyền chữa lành đến từ Đức Kitô:
– Đức Kitô, Người mà anh em giết đi, đã sống lại: “Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giêsu, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Philatô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng.”
– Đức Kitô ban cho Phêrô uy quyền chữa lành: “Chính nhờ lòng tin vào danh Người, mà Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp; chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em.”
1.2/ Phêrô làm chứng cho Chúa bằng việc giải thích Kinh Thánh.
(1) Chúa Giêsu phải chịu khổ hình: Việc các thủ lãnh Do-thái giết Chúa Giêsu không phải là chuyện ngẫu nhiên xảy ra; nhưng đã được sắp đặt trước bởi Thiên Chúa, và được loan báo trước bởi hầu hết các ngôn sứ của Người (Isaiah, Jeremiah, Hoseah). Ông Phêrô trấn an dân: “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em. Như vậy thời kỳ an lạc mà Đức Chúa ban cho anh em sẽ đến, khi Người sai Đấng Kitô Người đã dành cho anh em, là Đức Giêsu.”
(2) Chúa Giêsu làm trọn lời loan báo của các ngôn sứ: Những gì xảy ra cho Đức Kitô khi Ngài sống trên trần gian, đã được loan báo trước bởi các ngôn sứ; mỗi ngôn sứ loan báo một khía cạnh của cuộc đời Ngài. Tổng hợp tất cả lời loan báo của các ngôn sứ cho chúng ta sự hiểu biết về cuộc đời của Ngài. Ông Phêrô liệt kê 3 ngôn sứ trong trình thuật hôm nay:
– Lời chứng của Moses: “Từ giữa đồng bào của anh em, Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em sẽ cho trỗi dậy một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; tất cả những gì vị ấy nói với anh em, anh em hãy nghe. Kẻ nào mà không nghe ngôn sứ ấy, thì sẽ bị diệt trừ khỏi dân” (Deut 18:15-20).
– Lời chứng của Samuel và các ngôn sứ khác: Sau đó, mọi ngôn sứ, kể từ ông Samuel đến các vị kế tiếp, khi lên tiếng thì cũng đã loan báo những ngày chúng ta đang sống (Lk 1:70).
– Lời chứng mà Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ Abraham: “Nhờ dòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (Gen 22:18, 26:4). Thiên Chúa đã cho Tôi Trung của Người trỗi dậy để giúp anh em trước tiên, và sai đi chúc phúc cho anh em, bằng cách làm cho mỗi người trong anh em lìa bỏ những tội ác của mình.
2/ Phúc Âm: Chúa hiện ra với các tông đồ.
2.1/ Chúa chứng minh cho các tông đồ biết Ngài là người thật: Khi một người nhìn thấy hồn người chết hiện về, cảm tưởng của họ chắc cũng như các tông đồ: “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.” Để chứng minh Ngài là người thật, Chúa Giêsu làm hai việc:
(1) Cho các ông sờ vào thân thể Ngài: Người nói với các ông: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.
(2) Ăn uống trước mắt các ông: Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
2.2/ Chúa chứng minh cho các tông đồ những lời Kinh Thánh đã nói về Ngài.
(1) Toàn bộ Kinh Thánh cần thiết để hiểu Đức Kitô: Chúa Giêsu nhắc lại những lời dạy dỗ của Ngài cho các ông khi Ngài còn ở với các ông: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì Sách Luật Moses, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Các ông không thể hiểu những lời này mà không có Đức Kitô; đồng thời các ông cũng không thể hiểu cuộc đời Chúa Kitô mà không được soi sáng bởi những lời này.
(2) Tiên-tri Hosea đã nói về sự sống lại của Ngài: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Hos 6:2).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta đừng bao giờ để các báo chí lung lạc niềm tin vào Chúa sống lại của chúng ta.
– Có nhiều bằng chứng về sự kiện Chúa sống lại: những lần Ngài hiện ra với các môn đệ, những phép lạ các môn đệ nhân danh Ngài là làm, cuộc sống chứng nhân và thay đổi hoàn toàn của các môn đệ, Kinh Thánh, và những cuộc trở lại của nhiều người. Chúng ta không chỉ có 2 nhân chứng như Luật đòi, nhưng ức triệu nhân chứng cho sự sống lại của Chúa Giêsu.
– Lịch sử Giáo Hội hơn 2000 năm qua là bằng chứng hùng hồn Chúa Giêsu vẫn đang họat động và ở lại trong Giáo Hội giữa bao chống đối, bắt bớ, và tù đày.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************