Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Năm Tuần X Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: 2 Cr 3, 15 – 4, 1. 3-6
“Thiên Chúa chiếu sáng trong lòng chúng ta, hầu làm sáng tỏ sự hiểu biết về vinh quang của Người”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, cho đến nay, mỗi lần đọc sách Môsê, vẫn còn có cái màn che lòng con cái Israel. Nhưng khi người ta đã trở lại cùng Chúa, màn ấy mới được cất đi. Chúa là Thần linh, và ở đâu có Thần linh Chúa, thì ở đấy có tự do. Phần chúng ta hết thảy, không màn che mặt, chúng ta phản ảnh vinh quang của Chúa, được biến hoá giống hình ảnh Chúa, từ vinh quang này đến vinh quang khác, xứng với tác động của Thần Linh Chúa.
Bởi thế, đảm nhiệm việc phục vụ do lòng thương xót chúng tôi đã được hưởng, chúng tôi không ngã lòng. Nếu Phúc Âm chúng tôi còn ẩn khuất, thì cũng chỉ ẩn khuất cho những ai hư mất, cho những ai không tin, vì thần thế gian này đã làm cho tâm trí họ trở thành mù quáng, khiến họ không còn thấy sáng chói Phúc Âm của vinh quang Đức Kitô, Người là hình ảnh của Thiên Chúa. Thật vậy, chúng tôi không rao giảng bản thân chúng tôi, nhưng rao giảng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi: chúng tôi chỉ là tôi tớ anh em vì Đức Giêsu, bởi Thiên Chúa, Đấng đã phán: “Sự sáng hãy từ bóng tối toả ra”, chính Người chiếu sáng trong lòng chúng ta, hầu làm sáng tỏ sự hiểu biết về vinh quang của Người trên tôn nhan của Đức Giêsu Kitô. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14
Đáp: Vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi (c. 10b).
Xướng:
1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi. – Đáp.
2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. – Đáp.
3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 29
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 5, 20-26
“Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.
“Các con đã nghe dạy người xưa rằng: ‘Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án’. Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng!”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
13/06/2019 – THỨ NĂM TUẦN 10 TN
Th. An-tôn Pa-đô-va, linh mục, tiến sĩ HT
Mt 5,20-26
CÔNG CHÍNH HƠN
“Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5,20)
Suy niệm: Không dùng gươm giáo hay bất cứ thứ vũ khí hoặc phương tiện nào để đổ máu, kết liễu mạng sống người khác, làm như thế, những người kinh sư và Pha-ri-sêu cho rằng đã là tuân thủ đúng luật Mô-sê dạy là “Chớ giết người.” Không sai! Nhưng Đức Giê-su muốn các môn đệ Ngài phải công chính hơn thế khi Ngài dạy giữ luật ngay từ ý hướng bên trong vì đó là căn cội dẫn đến hành vi biểu hiện bên ngoài: có loại trừ được lòng giận ghét thì mới không mắng chửi người khác, và như thế mới loại trừ được một động cơ quan trọng dẫn đến tội sát nhân. Giận dữ, mắng chửi đã là giết người trong tư tưởng rồi. Đàng khác, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác còn gây ra đau khổ nặng nề hơn cả việc làm hại đến thân thể tha nhân.
Mời Bạn: Khi yêu cầu các môn đệ “công chính hơn” Đức Giê-su không chỉ nội tâm hoá việc giữ luật; Ngài còn nhấn mạnh tính triệt để của các đòi hỏi của Tin Mừng. Công chính hay không công chính cũng phát xuất từ đáy lòng, rồi mới biểu lộ qua lời nói và thể hiện bằng hành động bên ngoài. Vì thế muốn sống công chính cách triệt để thì ngay từ trong ý hướng đã phải công chính rồi.
Sống Lời Chúa: Quyết tâm sống công chính không chỉ là không phạm tội trọng mà “chê ghét mọi tội,” kể cả tội nhẹ và phải “chê ghét” cả những ước muốn phạm tội nữa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con phải ăn ở công chính hơn người kinh sư và Pha-ri-sêu. Xin giúp chúng con thực hiện điều Chúa dạy bằng cách sống công chính từ nội tâm cho tới hành vi bên ngoài.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
13 THÁNG SÁU
Hơn Hết Mọi Loài Thụ Tạo
Chúng ta vừa nới mô tả khuôn mặt độc đáo của con người trong tư cách là kẻ có thể hiểu biết và suy lý để đạt đến sự thật trong tận bản chất mọi sự. Con người có thể tự do chọn lựa làm điều đúng và tốt. Như vậy, con người được mời gọi nhận định những nhu cầu đích thực của đồng loại mình và thiết lập công lý. Và, thông thường, con người được mời gọi đảm nhận đời sống hôn nhân, trong đó người này tự nguyện trao hiến chính mình cho người kia và xây dựng một cộng đồng hiệp thông nhân vị. Chính mối hiệp nhất này là nền móng của gia đình và xã hội.
Nhưng tất cả không chỉ có vậy. con người còn được mời gọi đi vào trong một giao ước với Thiên Chúa. Quả thật, con người không chỉ là một tạo vật của Đấng Tạo Hóa mà còn là hình ảnh của Thiên Chúa. Mối quan hệ đặc biệt này giữa Thiên Chúa và con người làm cho việc thiết lập giao ước trở thành có thể. Chúng ta nhận ra giao ước này trong trình thuật về cuộc sáng tạo ở ba chương đầu Sách Sáng Thế. Chính sáng kiến đi trước của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, lập nên giao ước này. Và giao ước này vẫn không thay đổi xuyên qua lịch sử cứu độ cho đến khi Thiên Chúa thiết lập giao ước vĩnh cửu với con người trong Đức Giêsu Kitô.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 13/6
Thánh Antôn Pađôva, linh mục tiến sĩ Hội Thánh
2Cr 3, 15- 4,1. 3-6; Mt 5, 20-26.
LỜI SUY NIỆM: “Nếu anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.”
Chúa Giêsu đang muốn mỗi người trong chúng ta thực hiện “Luật Yêu thương” không chỉ trong sự công bằng, nhưng ở lòng nhân từ. Khi con người tuân giữ “Luật Yêu Thương” mà Chúa đã truyền dạy, họ sẽ phải uốn nắn đời sống mình theo mệnh lệnh tích cực của tình yêu.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa dạy chúng con đặt bổn phận yêu thương và làm hòa trước khi thực hiện việc dâng của lễ. Xin cho chúng con khắc ghi lời Chúa dạy hôm nay, để sống với nhau, và làm dẹp lòng Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 13-06: Thánh ANTÔN PADUA
Linh mục và tiến sĩ Hội Thánh (1195 – 1231)
Lòng tôn sùng rộng rãi và mạnh mẽ đối với thánh Antôn Padua thật lạ lùng so với những sự kiện đời Ngài. Ngài sinh năm 1195 có lẽ gần Lisbonne, với tên gọi là Fernandô. Cha Ngài là hiệp sĩ và viên chức tại triều đình hoàng đế Alphongsô thứ II, vua nước Bồ Đào Nha. Fernadô được gởi đi học trường nhà thờ chánh tòa tại Lisbonne. Nhưng vào tuổi 15, Ngài gia nhập dòng thánh Augustinô.
Sau hai năm tại nhà dòng, Ngài xin được chuyển về Coimbra vì bạn bè đến thăm quá đông. Tu viện Coimbra có một trường dạy Thánh kinh rất danh tiếng. Tám năm trời Fernadô nỗ lực học hỏi và đã trở thành học giả sâu sắc về thần học và kinh thánh.
- Biến cố thay đổi
Ngày kia với nhiệm vụ tiếp khách, Ngài săn sóc cho 5 tu sĩ Phanxicô đang trên đường tới Morocco. Về sau họ bị tàn sát dã man và thi hài họ được đưa về Coimbra để tổ chức quốc táng. Fernadô mong ước hiến đời mình cho cánh đồng truyền giáo xa xăm.
Nôn nóng với ước vọng mới, Fernadô phải tiến một bước bất thường đầy đau khổ là rời bỏ dòng Augustinô để nhập dòng Phanxicô. Nhà dòng đặt tên Ngài là Antôn và chấp thuận cho Ngài tới Moroccô. Nhưng vinh dự tử đạo không được dành riêng cho Ngài. Ngài ngã bệnh và phải trở về nhà, Trên đường về, con tàu bị bão thổi bạt tới Messina ở Sicyly. Thế là An tôn nhập đoàn với anh em Phanxicô nước Ý. Có lẽ thánh nhân có mặt trong cuộc họp ở Assisi. Năm 1221, và gặp thánh Phanxicô ở đây. Ít lâu sau Ngài được gởi tới viện tế bần ở Forli gần Emilia để làm những công việc hèn hạ.
- Biến cố hai.
Dầu vậy một biến cố bất ngờ khiến người ta khám phá ra khả năng đặc biệt của thánh nhân. Trong một lễ nghi phong chức ở Forli nhà giảng thuyết đặc biệt vắng mặt. Không ai dám thay thế. Cha giám tỉnh truyền cho An tôn lên tòa giảng. Antôn làm cho khán giả kinh ngạc. Người ta thấy ngay trước được rằng: Ngài là một nhà giảng thuyết bậc nhất. Hậu quả tức thời không Ngài được chỉ định làm nhà giảng thuyết trong cả Italia. Đây là một thời mà Giáo hội cần đến những nhà giảng thuyết hơn bao giờ hết để chống lại các lạc thuyết.
Kể từ đó nhà tế bần Forli không còn gặp lại Antôn nữa. Ngài du hành không ngừng bước từ miền nam nước Ý tới miên Bắc nước Pháp, hiến trọn thời gian và năng cực cho việc giảng dạy. Sự đáp ứng của dân chúng đã khích lệ Ngài nhiều, các nhà thờ không đủ chỗ cho người đến nghe. Người ta phải làm bục cho Ngài đứng ngòai cửa. Nhưng rồi đường phố và quảng trường đã lại chật hẹp quá và người ta lại phải mang bục ra khỏi thành phố tới những cánh đồng hay sườn đồi, nơi có thể dung nạp những 20, 30, 40 ngàn người đến nghe Ngài. Nghe tin Ngài đến đâu, thì nơi đó tiệm buôn đóng cửa, chợ hoãn phiên họp, tòa ngưng xử án. Suốt đêm dân chúng từ khắp hướng đốt đuốc tụ về. Dường như bất cứ ai một lần chịu ảnh hưởng của thánh Antôn thì không có gì chống lại được sự lôi cuốn bởi các bài giảng của Ngài.
- Chủ trương.
Ngài thường mạnh mẽ chống lại sự yếu đuối của hàng tu sĩ qua những tội nổi bật trong xã hội đường thời như: tính tham lam, nếp sống xa hoa, sự độc đoán của họ. Đây là một giai thoại điển hình: khi Ngài được mời để giảng ở hội đồng họp tại Bourges, dưới sự chủ tọa của tổng giám mục Simon de Sully. Với những lời mở đầu “Tibi loquor cornute” (Tôi xin thưa cùng Ngài đang mang mũ giám mục trên đầu), thánh nhân tố giác vị giám mục mới Ngài tới, làm mọi thính giả phải kinh ngạc.
Cũng tại Bourges, nên ghi lại một phép lạ lừng danh về một con lừa thờ lạy bí tích cực trọng. Với một người Do thái không tin phép Bí tích Mình Thánh.
Thánh nhân nói: – Nếu con lừa ông cưỡi mà quỳ xuống và thờ lạy Chúa ẩn mình dưới hình bánh thì ông có tin không ?
Người Do thái nhận lời thách thức. Hai ngày ông ta không cho lừa ăn rồi dẫn tới chỗ họp chợ, giữa một bên là lúa mạch và bên kia thánh Antôn kiệu Mình Thánh Chúa đi qua, con vật quên đói quay sang thờ lạy Chúa.
Mùa chay cuối cùng thánh Antôn giảng ở Padua. Và người ta còn nhớ mãi về sau nhiệt tình mà thánh nhân đã khơi dậy. Dân địa phương đã không thể nào tìm ra thức ăn lẫn chỗ ở cho đoàn người đông đảo kéo tới. Nhưng sau mùa chay này, thánh nhân đã kiệt sức. Ngài xin các bạn đồng hành đưa về nhà thờ Đức Maria ở Padua để khỏi làm phiền cho chủ nhà trọ. Không nói được nữa. Ngài dừng chân ở nhà dòng Đức Mẹ người nghèo ở Arcella.
Tại đây, người ta đặt Ngài ngồi dậy và giúp Ngài thở. Ngài bắt đầu hát thánh thi Tạ ơn và qua đời giữa tiếng ca ngày 13 tháng 6 năm 1231.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
13 Tháng Sáu
Hãy Mai Táng Chính Mình
Một vị linh mục nọ đã có một sáng kiến rất ngộ nghĩnh để đánh động giáo dân trong giáo xứ. Một buổi sáng Chúa Nhật nọ, dân chúng bỗng nghe một lời rao báo như sau: “Một nhân vật trong giáo xứ vừa qua đời. Tang lễ sẽ được cử hành vào sáng thứ Tư tới”. Nghe lời loan báo ấy, cả giáo xứ nhốn nháo lên. Người nào cũng muốn biết con người quan trọng ấy là ai.
Ðúng ngày tang lễ, mọi người trong giáo xứ nườm nượp kéo nhau đến nhà thờ. Từ cung thánh cho đến cuối nhà thờ, không còn một chỗ trống. Người ta đến không phải để cầu nguyện cho người quá cố cho bằng để nhìn mặt lần cuối cùng con người mà ai cũng muốn biết.
Sau thánh lễ, vị linh mục đến mở nắp quan tài để cho mọi người đến chào từ biệt lần cuối cùng người quá cố. Ai ai cũng sắp hàng để nhìn cho kỳ được người chết. Nhưng ai cũng đều ngạc nhiên, bởi vì thay cho thi hài của người chết, mỗi người chỉ nhìn thấy trong quan tài một tấm gương và dĩ nhiên, khi cúi nhìn vào quan tài, mỗi người chỉ nhìn thấy dung nhan của mình mà thôi.
Chờ cho mọi người làm xong nghi thức từ biệt ấy, vị linh mục mới giải thích: “Như anh chị em đã có thể nhận thấy, tôi đã cho đặt vào trong quan tài một tấm kính. Con người mà anh chị em nhìn thấy trong quan tài không ai khác hơn là chính mỗi người trong chúng ta. Vâng, đúng thế, thưa anh chị em, mỗi người chúng ta cần phải mai táng chính mình… Thánh lễ vừa rồi đã được cử hành cho tất cả chúng ta”.
Bắt đầu sứ mệnh công khai của Ngài bằng cử chỉ dìm mình xuống dòng nước sông Giodan, Chúa Giêsu muốn loan báo cho mọi người thấy rằng Ngài đã vâng phục Ý Chúa Cha để đi vào Cái Chết và nhờ đó cứu rỗi nhân loại. Một cách nào đó, mầu nhiệm của Sự Chết và Sống lại đã được diễn tả qua việc Chúa Giêsu dìm mình trong dòng nước.
Thiết lập Phép Rửa như cửa ngõ để đưa chúng ta vào cuộc sống trường sinh, Chúa Giêsu cung muốn chúng ta tham dự vào mầu nhiệm chết và sống lại của Ngài. Dìm mình trong nước của Phép Rửa, chúng ta khởi đầu cuộc sống Kitô hữu bằng chính cái chết. Sống đối với chung ta có nghĩa là chết: chết cho những khuynh hướng xấu, chết cho những đam mê xấu, chết cho tội lỗi, chết cho ích kỷ, chết cho hận thù. Cuộc sống do đó đối với chúng ta cũng là một cuộc mai táng liên lỉ. Cũng như hạt lúa rơi xuống đất phải thối đi, cũng thế chúng ta phải chấp nhận chôn vùi con người cũ tội lỗi của chúng ta.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 10 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: 2 Cor 3:15-18, 4:1, 3-6; Mt 5:20-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải cảm nhận được tình thương Thiên Chúa và tin vào Đức Kitô.
Điều quan trọng nhất trong cuộc đời này và sẽ tồn tại trong cuộc đời sau là tình yêu Thiên Chúa. Các Bài Đọc hôm nay mở mắt cho chúng ta thấy những hậu quả tốt lành khi một người có được tình yêu này. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô xác nhận tình yêu Thiên Chúa, biểu tỏ cho con người qua Đức Kitô, có khả năng biến đổi con người thành tạo vật mới. Sau khi được thấm nhuần tình yêu này, con người sẽ biết cách đáp trả thích đáng tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, và biết yêu thương tha nhân như những người con của Chúa và như những chi thể của Nhiệm Thể Đức Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ cụ thể là hậu quả của tình yêu Thiên Chúa: người môn đệ Đức Kitô phải luôn biết tha thứ và sống hòa thuận với mọi người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Khi người ta quay lại với Đức Kitô, tấm màn mới được cất đi.
1.1/ Con người phải tin vào Đức Kitô: Nếu chỉ tin vào Lề Luật của Moses, con người chỉ hiểu vinh quang Thiên Chúa lờ mờ như qua một tấm màn, như Phaolô xác quyết: “Phải, cho đến nay, mỗi khi họ đọc sách ông Moses, tấm màn vẫn che phủ lòng họ.” Điều này có lịch sử trong Sách Xuất Hành: vì dân Do-thái không thể chịu đựng được khi Thiên Chúa tỏ uy quyền, nên họ xin Thiên Chúa nói với ông Moses, và ông sẽ nói lại cho dân chúng. Sau khi Moses đàm đạo với Thiên Chúa và xuống núi để nói với dân chúng, họ vẫn không thể nhìn mặt Moses vì vinh quang Thiên Chúa phản chiếu trên mặt ông; nên Moses đã phải đeo một khăn che mặt để khỏi làm nhức mắt dân chúng.
Tấm màn này cũng có lịch sử trong Đền Thờ để phân chia nơi Thánh và nơi Cực Thánh, là nơi Thiên Chúa ngự. Không ai có thể vào nơi Cực Thánh ngoại trừ Thầy Thượng Tế, ông chỉ được vào đó mỗi năm một lần trong Ngày Yom Kippur. Khi Chúa Kitô trút hơi thở trên Thập Giá, bức màn này trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Tác giả Thư Do Thái chú giải: Nhờ Đức Kitô, từ nay con người có thể trực tiếp đến với Thiên Chúa mà không cần phải đợi tới ngày Yom Kippur, và cũng chẳng cần vào Đền Thờ tại Jerusalem.
Thánh Phaolô ví khi con người đọc Cựu Ước mà không nhận những mặc khải của Đức Kitô, như đọc sách qua một tấm màn; họ chỉ có thể hiểu lờ mờ những mầu nhiệm và vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng nếu họ tin vào những mặc khải của Đức Kitô, bức màn này sẽ bị lấy đi, và họ có thể hiểu rõ ràng các mầu nhiệm và vinh quang của Thiên Chúa. Thánh Phaolô xác quyết với các tín hữu: ”Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí.”
1.2/ Khó khăn của người môn đệ khi rao giảng về Đức Kitô: Chinh phục tha nhân về cho Thiên Chúa là công việc rất khó khăn và đòi hỏi người môn đệ phải kiên nhẫn, vì họ phải đối phó với quyền lực của ác thần và của thế gian. Thánh Phaolô tường thuật kinh nghiệm của Ngài: “Tin Mừng chúng tôi rao giảng có bị che khuất, thì chỉ bị che khuất đối với những người hư mất, đối với những kẻ không tin. Họ không tin, vì tên ác thần của đời này đã làm cho tâm trí họ ra mù quáng, khiến họ không thấy bừng sáng lên Tin Mừng nói về vinh quang của Đức Kitô, là hình ảnh Thiên Chúa.”
Tuy nhiên, người môn đệ phải xác tín: Quyền lực của Đức Kitô có thể thắng vượt mọi quyền lực của ác thần và của thế gian. Nếu người môn đệ thành tâm, yêu thương, có đủ kiên nhẫn, và luôn sống kết hiệp với Đức Kitô, Thiên Chúa sẽ ban những ơn cần thiết để giúp ông chinh phục con người về cho Ngài.
2/ Phúc Âm: Phải ăn ở công chính hơn các kinh sư và luật sĩ để được vào Nước Trời.
Môn đệ của ai phải nói và hành động như môn đệ của người ấy. Người môn đệ của Đức Kitô cũng phải nói năng và hành động theo những gì Đức Kitô dạy. Trình thuật hôm nay nêu bật hai đặc điểm chính là hậu quả khi con người đã cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa.
2.1/ Không được giận dữ với tha nhân: Chúa Giêsu phân biệt đòi hỏi của Lề Luật và của tình yêu; đồng thời Ngài cũng thách đố các môn đệ phải sống theo đòi hỏi của tình yêu, những điều mà Lề Luật không thể đạt tới: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.”
Lề Luật không thể kết tội những gì xảy ra bên trong con người vì không nhìn thấy những điều đó. Lề Luật cũng không kết tội khi con người chửi mắng người khác, vì đó là những cảm xúc nhất thời của con người. Lề Luật chỉ kết tội con người khi có bằng chứng rõ ràng như giết người, gây thương tích thân xác hay tài sản … Ngược lại, đối với Thiên Chúa, Ngài có thể thấu hiểu bên trong tâm hồn mỗi người và biết rõ những thiệt hại cho cả người làm lẫn người bị xúc phạm; nên Ngài đòi hỏi các môn đệ phải đi xa hơn trong tiến trình nên trọn lành.
2.2/ Phải ăn ở thuận hòa với mọi người: Chúa Giêsu nêu ra hai lý do người môn đệ phải sống hòa thuận với mọi người:
(1) Mối liên hệ với Thiên Chúa không thể tách rời khỏi mối liên hệ với tha nhân: Theo truyền thống Do-thái, mỗi khi vô tình phạm tội, hối nhân phải dâng lễ vật để xin Thiên Chúa tha thứ cho những tội đã phạm. Trường hợp liên quan tới mối liên hệ với con người, họ phải làm hòa với nhau trước khi có thể giao hòa với Thiên Chúa. Thần học về Bí-tích Giải Tội cũng đòi hối nhân phải tha thứ cho người xúc phạm đến mình như Thiên Chúa đã tha thứ cho hối nhân.
(2) Ăn ở hài hòa giúp con người tránh được những nhức đầu trong cuộc sống: Cha ông chúng ta vẫn dạy “dĩ hòa vi quí;” người hiền lành sẽ được mọi người thương mến. Ngược lại, những người khó chịu, cau có, sẽ chuốc cho mình những ghen ghét, tranh tụng, và mất bình an. Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: ”Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa trước khi có thể đáp trả lại, và yêu thương tha nhân như Thiên Chúa yêu thương chúng ta.
– Chúng ta có được tình yêu Thiên Chúa là qua sự kết hiệp và ở lại trong Đức Kitô. Nếu không có Đức Kitô, chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như được đòi hỏi.
– Để đáp ứng ơn gọi làm môn đệ của Đức Kitô, chúng ta không phải chỉ giữ những Lề Luật bên ngoài, mà còn phải luôn đối xử với nhau bằng tình yêu Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************