Ngày thứ năm (16-01-2020) – Trang suy niệm

15/01/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần I Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: 1 Sm 4, 1-11

“Israel thất trận và hòm bia Thiên Chúa bị chiếm đoạt”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.  

Trong những ngày ấy, những người Philitinh kéo đến gây chiến, và Israel phải xuất quân chống lại và đóng binh tại gần nơi gọi là Tảng Đá Phù Hộ, còn người Philitinh đóng quân tại Aphê và giàn trận đánh dân Israel. Vừa giáp trận, dân Israel đã phải rút lui trốn khỏi quân Philitinh; và trong trận đó có khoảng bốn ngàn binh sĩ bị giết rải rác khắp đồng ruộng. Khi tàn quân trở về trại, các kỳ lão Israel nói rằng: “Tại sao hôm nay Thiên Chúa sát hại chúng ta trước mặt quân Philitinh? Chúng ta hãy đem hòm bia Thiên Chúa từ Silô đến giữa chúng ta, để cứu chúng ta khỏi tay quân thù”.

Rồi dân chúng phái người đến Silô đem hòm bia Thiên Chúa các đạo binh ngự trên các vệ binh thần (tới). Hai con Hêli là Ophni và Phinê cùng đi theo hòm bia Thiên Chúa. Và khi hòm bia Thiên Chúa đến trại, toàn dân Israel lớn tiếng hoan hô vang trời dậy đất. Quân Philitinh nghe tiếng hoan hô, liền hỏi nhau rằng: “Tại sao trong trại quân Do-thái có tiếng hò la vang dậy?” Khi biết là hòm bia Thiên Chúa đã đến giữa trại, quân Philitinh sợ hãi và nói: “Thiên Chúa đã ngự đến trại quân địch”. Rồi chúng kêu than rằng: “Vô phúc cho chúng ta, mấy bữa nay đâu có tiếng hò la như vậy. Thật vô phúc cho chúng ta. Ai sẽ cứu chúng ta thoát khởi tay những vị thần minh cao siêu đó? Đây là những thần minh đã giáng biết bao tai hoạ trên những người Ai-cập nơi hoang địa. Hỡi người Philitinh, hãy can đảm và hiên ngang, đừng chịu làm nô lệ dân Do-thái như chúng đã làm nô lệ chúng ta. Hãy can đảm mà chiến đấu”. Vậy người Philitinh giao chiến, và dân Israel bị bại trận, và mạnh ai nấy chạy về trại mình. Và thật là một đại hoạ, bên Israel có đến ba mươi ngàn bộ binh tử trận. Hòm bia Thiên Chúa cũng bị chiếm đoạt. Cả hai con Hêli là Ophni và Phinê cũng tử trận. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 43, 10-11. 14-15. 24-25

A+B:Lạy Chúa, xin cứu chúng con theo lòng từ bi của Chúa (c. 27b).

  1. A) Nay Chúa đã xua đuổi và để chúng con đầy nhuốc hổ, Chúa không xuất trận với quân đội chúng con. Chúa đã bắt chúng con phải tháo lui trước quân thù, và những kẻ thù ghét chúng con tha hồ cướp của. – Đáp.
  2. B) Chúa đã để chúng con bị lân bang chế diễu, bị những kẻ chung quanh phỉ báng chê cười. Bị các quốc gia tha hồ chế nhạo, và bị các dân tộc trông thấy lắc đầu. – Đáp.
  3. A) Ôi lạy Chúa, xin hãy tỉnh dậy, sao Chúa vẫn ngủ? Xin hãy bừng tỉnh và đừng xua đuổi chúng con muôn đời. Sao Chúa lại ẩn giấu thiên nhan, Chúa quên lãng cảnh chúng con chịu thống khổ và áp bức? – Đáp.

A+B:Lạy Chúa, xin cứu chúng con theo lòng từ bi của Chúa (c. 27b).

ALLELUIA: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 1, 40-45

“Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

16/01/2020 – THỨ NĂM TUẦN 1 TN

Mc 1,40-45

NỖI KHAO KHÁT TỘT CÙNG

Có một người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quì xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” (Mc 1,40-41)

Suy niệm: Theo luật Mô-sê, ai bị bệnh này phải bị cách ly khỏi cộng đoàn, sống trong hang hốc, mồ mả! Anh là một trong số những người bị loại trừ đó. Vậy mà anh dám “đến với Chúa Giê-su.” Anh này thật là bạo gan! Anh quá khổ sở với căn bệnh của mình đến nỗi không còn biết sợ là gì! Anh “quỳ xuống:” Nếu có cách nào hạ mình thấp hơn đất chắc anh đã dùng rồi! Rồi anh xin ngay: “Nếu Ngài muốn!” Đó là giải pháp duy nhất: Chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu anh khỏi căn bệnh đáng sợ hơn cả cái chết này. Mà Ngài thì đầy quyền năng và nhân hậu: chắc chắn là Ngài muốn cho anh lành sạch! Quả đúng như thế, Đức Giê-su nói: “Tôi muốn. Anh sạch đi!” Thế là anh được sạch; bởi vì Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa.

Mời Bạn: Trong linh hồn ta, tội lỗi làm huỷ hoại tình yêu của ta đối với Chúa và tình Chúa đối với ta, chẳng khác nào bệnh cùi huỷ hoại cơ thể, phải không bạn? Bạn có phát hiện ra triệu chứng bệnh cùi tâm hồn của mình không? Vậy ta phải làm gì? Làm như anh cùi kia đi: chạy đến với Chúa Giê-su, quì xuống, và xin Ngài chữa lành cho bạn. Ngài đang chờ bạn nơi bí tích Hoà Giải để chữa lành cho bạn đấy, bạn ạ!

Chia sẻ: Điều gì khiến bạn khó đến với bí tích Hoà Giải? Hãy trao đổi với nhau để tìm cách khắc phục khó khăn đó.

Sống Lời Chúa: Mau mắn lãnh nhận bí tích Hoà Giải mỗi khi bạn lỡ lầm xúc phạm đến Chúa và anh em.

Cầu nguyện: Bạn sốt sắng đọc kinh “Ăn năn tội”.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

16 THÁNG GIÊNG

Thờ Ơ Hay Chống Lại Các Giá Trị Của Gia Đình Là Tự Chuốc Lấy Tai Họa

Quyền lợi của gia đình, như chúng ta thấy, không phải chỉ là những vấn đề thuần túy thuộc địa hạt tâm linh tín ngưỡng mà xã hội trần thế có thể phớt lờ không đếm xỉa đến. Để thực thi sứ mạng của mình, Giáo Hội tích cực cổ võ cho các giá trị nền tảng của gia đình. Nhưng các nhà cầm quyền dân sự cũng phải đảm nhận trách nhiệm bảo vệ và đề cao các quyền lợi giúp thăng tiến và nâng đỡ đời sống hôn nhân.

Vận mệnh của cộng đồng nhân loại gắn kết chặt chẽ với “sức khỏe” của gia đình xét như một cơ chế trong xã hội. Khi quyền bính trần thế xem thường những giá trị mà gia đình Kitôhữu đem lại cho xã hội và khi quyền bính trần thế bàng quan đứng ngoài các giá trị đạo đức ấy, thì điều sẽ xảy ra là gia đình bị sụp đổ trong xã hội. Đồng thời, một thái độ dễ dãi đối với tình trạng sống chung chạ bên ngoài mối ràng buộc hôn nhân xem ra có thể là giải pháp cho một số vấn đề nào đó nhất thời. Song, về lâu về dài, tình trạng này sẽ phá hoại ghê gờm chính bản chất và phẩm cách của hôn nhân. Một xã hội như thế không thể tránh khỏi các hậu quả cay đắng.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 16/1

1Sm 4,1-11; Mc 1, 40-45.

Lời Suy Niệm: Có người mắc bệnh phong đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: Tôi muốn, anh sạch đi!”

          Chúa Giêsu nhận lời cầu nguyện của đức tin được diễn tả bằng lời nói của người mắc bệnh phong; bằng cách chữa lành bệnh tật hoặc tha thứ tội lỗi cho họ.

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa luôn mời gọi chúng con cầu nguyện: “Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.” (Ga16,24). Xin cho chúng con nhiệt tâm đến với Chúa trong mọi hoàn cảnh sống để tâm hồn nhận được niềm vui trọn vẹn.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

16 Tháng Giêng

 Giấc Mơ Của Mẹ Têrêxa Calcutta

Mẹ Têrêxa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 và là người sáng lập viện của dòng Nữ Tử thừa sai Bác Aùi chuyên phục vụ người nghèo và hấp hối, đã kể lại ơn gọi phục vụ của Mẹ trong một lá thư viết từ Calcutta như sau:

“Trong những ngày đầu khi mới khởi sự làm việc cho những người cùng khổ nhất trong vùng ngoại ô, tôi bị sốt liệt giường. Trong cơn mê sảng, tôi bỗng thấy mình được đến trình diện trước mặt thánh Phêrô, người giữ cửa Thiên Ðàng. Nhưng Thánh Phêrô chận lại không cho tôi vào Thiên Ðàng. Ngài nói như sau: “Không thể để cho một người thuộc khu ổ chuột được vào Thiên Ðàng. Thiên Ðàng không có nơi cùng khổ”.

Tôi mới tức giận nói với Ngài như sau: “Thế ư? Vậy thì con sẽ làm mọi cách để làm cho Thiên Ðàng đầy dẫy dân cư của các khu ổ chuột và lúc đó, Ngài bị bắt buộc sẽ để cho con vào Thiên Ðàng”. 

Tội nghiệp thánh Phêrô. Kể từ sau giấc mơ ấy, Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ đã không để cho Ngài được ở yên phút nào. Không biết bao nhiêu người cùng khổ và cô đơn đã qua đời trong vòng tay ôm ấp của Mẹ và các nữ tu. Thiên Ðàng đã trở thành nơi cư trú của những người cùng khổ. 

Giai thoại trên đây của Mẹ Têrêxa Calcutta như muốn nói lên một chân lý: không ai nên Thánh một mình, không ai lên Thiên Ðàng một mình.

Ðức Cha Fulton Sheen, vị diễn giả nổi tiếng trên các đài truyền thanh và truyền hình tại Hoa Kỳ, đã có lần phát biểu như sau: “Không ai trong chúng ta có thể vào Thiên Ðàng, nếu ở đó không có ai nói với chúng ta: chính tôi đã giúp đỡ để bạn được vào Thiên Ðàng”.

Ai cũng có thể là một trợ giúp để đưa chúng ta vào cửa Thiên Ðàng. Họ có thể là những người cùng khổ mà chúng ta chìa tay để san sẻ, để giúp đỡ. Họ cũng có thể là những người cách này hay cách khác làm cho chúng ta đau khổ. Nhưng ưu tiên hơn cả vẫn là những người chúng ta cố gắng làm cho hạnh phúc. Chính những người đó là kẻ giúp đỡ chúng ta được vào Thiên Ðàng. Nhưng Thiên Ðàng không đợi chờ ở đời sau. Hạnh phúc cũng không chỉ dành lại cho đời sau: Thiên Ðàng và Hạnh Phúc có thể đến với chúng ta ngay từ cõi đời này. Và Thiên Ðàng và Hạnh Phúc ấy là gì nếu không phải là mỗi lần chúng ta cố gắng làm cho người khác được hạnh phúc.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm Tuần I TN2

Bài đọc: I Sam 4:1-11; Mk 1:40-45.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bất tuân lệnh Thiên Chúa sẽ phải lãnh nhận hậu quả xấu.

Trong cuộc sống, mọi người chúng ta đều nhận ra nguyên tắc: nếu muốn kết quả tốt đẹp, phải thi hành những điều kiện đòi hỏi; vì nếu làm ngược lại, chúng ta sẽ phải lãnh mọi hậu quả xấu. Ví dụ, để có thể lành bệnh, con người phải làm theo những gì bác sĩ căn dặn; nếu không, sẽ không khỏi bệnh. Để có thể thu thập kiến thức và đạt được điểm cao, học sinh phải lắng nghe giáo sư và viết lại những gì giáo sư nói; nếu nói ngược lại và không có lý do chứng minh, sẽ bị điểm xấu và có thể bị ở lại lớp.

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc con người phải vâng lời Thiên Chúa và thi hành những gì Ngài dạy, nếu muốn được Thiên Chúa săn sóc và ban ơn. Làm ngược lại những gì Thiên Chúa dạy là tự chuốc hậu quả xấu cho mình. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, con cái Israel nghĩ nếu họ cứ mang Hòm Bia Thiên Chúa ra chiến trường, mà không cần biết có lệnh Thiên Chúa hay không, là sẽ toàn thắng quân thù. Kết quả là họ đã thảm bại và Hòm Bia Thiên Chúa rơi vào tay quân Philistines. Trong Phúc Âm, mặc dù đã được ngăn cấm bởi Đức Kitô, người phong hủi vẫn không vâng lời. Sự bất tuân của anh làm cho Chúa Giêsu không thể vào thành và dạy dỗ dân chúng được.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I (năm chẵn): Sao hôm nay Đức Chúa để chúng ta bị người Philistines đánh bại?

1.1/ Đừng nghĩ Thiên Chúa luôn bảo vệ mà dân chúng không cần ăn năn: Trong lịch sử Cựu Ước, cứ khi nào dân chúng vâng lời làm theo những gì Thiên Chúa dạy, họ được Ngài bảo vệ khỏi tay quân thù, và làm việc gì cũng thành công; nhưng khi họ bất tuân lệnh Thiên Chúa, Ngài sẽ bỏ mặc họ cho quân thù tứ bề xâu xé, và họ sẽ phải chịu mọi thảm bại cách nhục nhã. Trình thuật hôm nay là một dẫn chứng: Các con cái của thầy cả Eli là Hophni và Phinehas và nhiều người trong con cái của Israel càng ngày càng bất tuân lệnh Thiên Chúa. Hậu quả khi họ giao chiến với quân đội của Philistines, họ bị thảm bại và bị thiệt hại khoảng 4,000 người.

(1) Phản ứng của các kỳ mục Israel: Khi dân trở về trại, các kỳ mục Israel nói: “Sao hôm nay Đức Chúa để chúng ta bị người Philistines đánh bại? Chúng ta hãy đi Shiloh lấy Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa về: Hòm Bia sẽ đến giữa chúng ta và sẽ cứu chúng ta khỏi bàn tay quân thù.” Họ chỉ nghĩ đơn giản là họ sẽ chiến thắng quân thù nếu có sự hiện diện của Hòm Bia Thiên Chúa. Thế là họ sai người đi Shiloh; từ đó họ mang về Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa các đạo binh, Đấng ngự trên các thần hộ giá; ở đó, bên cạnh Hòm Bia Giao Ước của Thiên Chúa, có hai con ông Eli là Hophni và Phinehas. Khi Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa xuống trại, toàn thể Israel hò reo vang dội khiến đất rung chuyển.

(2) Phản ứng của người Philistines: Khi người Philistines nghe thấy tiếng hò reo thì hỏi nhau: “Tiếng hò reo vang dội ấy trong trại bọn Do-thái là gì vậy?” Khi chúng biết là Hòm Bia Đức Chúa đã đến trại, chúng sợ hãi và nói với nhau: “Một vị thần đã đến trại!” Rồi chúng bảo nhau: “Khốn thân ta, vì trước đây không có như vậy! Khốn thân ta! Ai sẽ giải thoát ta khỏi tay những thần hùng mạnh ấy? Đó là những thần đã dùng mọi thứ đòn mà đánh phạt người Ai-cập trong sa mạc.” Nhưng vì bị dồn vào thế phải chiến đấu, nên người lãnh đạo quân đội Philistines phải lên tiếng động viên tinh thần các binh sĩ: “Hỡi người Philistines, can đảm lên, hãy tỏ ra là nam nhi, kẻo phải làm nô lệ cho bọn Do-thái như chúng đã làm nô lệ cho anh em. Hãy tỏ ra là nam nhi và chiến đấu!” Và họ tiến lên giao chiến với quân đội của Israel.

1.2/ Kết quả của cuộc chiến: Hôm đó là một cuộc thảm bại nhục nhã của Israel. Họ bị quân đội Philistines đánh bại tan tành. Phía Israel có ba mươi ngàn bộ binh tử trận. Hòm Bia Thiên Chúa bị chiếm đoạt, và hai con ông Eli là Hophni và Phinehas bị giết. Số còn lại chạy trốn về lều của mình.

Con cái Israel học được một bài học: Không phải cứ có Hòm Bia Thiên Chúa là tự động được Thiên Chúa bảo vệ. Họ không thể điều khiển Thiên Chúa; nhưng bổn phận của họ là phải vâng lời Ngài, nếu muốn được Ngài bảo vệ.

2/ Phúc Âm: Người phong cùi được chữa lành, nhưng không nghe lời Thiên Chúa.

2.1/ Chúa Giêsu chữa lành người phong cùi: Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.

2.2/ Lệnh truyền của Chúa Giêsu: Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Moses đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Mục đích tại sao Chúa Giêsu làm phép lạ là vì thương bệnh nhân và muốn cho họ nhận ra Ngài là Thiên Chúa, chứ không phải để được tán dương ca tụng. Nếu sau khi lãnh nhận phép lạ, mà vẫn không tin vào Ngài, phép lạ đó coi như đã không đạt được mục đích.

2.3/ Anh được chữa lành phong hủi không nghe lời Chúa Giêsu: Trình thuật kể: “Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành.” Chúng ta cứ thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra cho anh phong cùi này, nếu Chúa Giêsu là một ông vua hay nhà lãnh đạo quân sự?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Bổn phận của chúng ta là phải tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa và tuân giữ những gì Ngài truyền dạy.

– Vâng lời Thiên Chúa và các nhà lãnh đạo đại diện cho Ngài không phải là hèn kém hay nô lệ, nhưng chứng tỏ sự khôn ngoan của chúng ta; vì chúng ta biết họ khôn ngoan và yêu thương chúng ta.

– Chúng ta được Thiên Chúa bảo vệ và gìn giữ không phải vì danh xưng là những người Kitô hữu; nhưng vì chúng ta vâng lời và thực hành những gì Ngài truyền dạy chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************