Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Năm Tuần XI Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Hc 48, 1-15 (Hl 1-14)
“Êlia được che khuất trong gió cuốn, và Êlisê được trọn vẹn thần trí của người”.
Trích sách Huấn Ca.
Bấy giờ tiên tri Êlia như lửa hồng xuất hiện, lời ông nóng bỏng như ngọn đuốc cháy phừng. Ông đem cho họ một mùa đói khát, và số người ghét ông đã hao đi, vì chúng chẳng giữ được giới răn Chúa. Do lời Chúa phán, ông đóng cửa trời và ba lần khiến lửa trời xuống. Êlia được vinh quang nhờ các việc lạ lùng đã làm, và ai có thể tự hào được vinh quang như người? Bởi lời Chúa là Thiên Chúa, người cứu kẻ chết ra khỏi âm phủ, khỏi quyền sự chết. Người triệt hạ các vua xuống cảnh điêu tàn, bẻ gãy dễ dàng quyền thế của họ, xô kẻ sang trọng rớt khỏi giường nằm. Trên núi Sinai, người đã nghe lời xét xử, và trên núi Horeb, người đã nghe án quyết phục thù. Người xức dầu các vua để báo oán và đặt các tiên tri để nối nghiệp mình. Người đã được cất đi trong bầu lửa, trong xe ngựa kéo đi. Người đã nên dấu chỉ sự đe phạt qua các thời đại, để làm nguôi cơn thịnh nộ Chúa, để giao hoà cha với con, và chấn hưng lại những chi họ Giacóp.
Phúc cho những ai đã thấy người, và được hân hạnh thiết nghĩa với người: Vì chúng tôi chỉ được sống trong cuộc sống này, sau giờ chết, danh tiếng của chúng tôi sẽ được như thế. Êlia được che khuất trong gió cuốn, và Êlisê được trọn vẹn thần trí của người. Trong đời người, người không sợ vương tướng, và không quyền lực nào thắng được người, cũng không ai vượt người trong lời nói, và khi người chết rồi, xác người vẫn nói tiên tri. Khi còn sống, người đã làm những phép lạ, và khi đã qua đời, người đã làm những việc kỳ diệu. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 96, 1-2. 3-4. 5-6. 7
Đáp: Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa (c. 12a).
Xướng:
1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh, công minh chính trực là nền kê ngai báu. – Đáp.
2) Một làn lửa đi trước thiên nhan, để đốt những quân đối nghịch chung quanh Chúa. Chớp của Người sáng rực cõi trần, địa cầu xem thấy và run rẩy sợ hãi. – Đáp.
3) Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. – Đáp.
4) Hãy hổ ngươi tất cả những ai phụng thờ hình ảnh, những ai khoe khoang về thần tượng, bao nhiêu chúa tể hãy cúc cung bái lạy Người. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 144, 13bc
Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 6, 7-15
“Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế này”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Đừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:
“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
“Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Đấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.
Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
16/06/2022 – THỨ NĂM TUẦN 11 TN
Mt 6,7-15
ĐƯỢC GỌI CHÚA LÀ CHA
“Anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con ngự trên trời…” (Mt 6,9)
Suy niệm: Tục ngữ Việt Nam có câu ‘Con có cha như nhà có nóc’. Cái nóc nhà tượng trưng tôn ti trật tự trong gia đình mà người cha là uy quyền đại diện cho trật tự đó. Theo huyết thống ai cũng có một người cha. Trong thực tế một số người không có cha, và thường gặp hơn, người cha lại không thể hiện vai trò của “cái nóc nhà”. Sự thiếu hụt theo tính con người được bù đắp khi chúng ta được “Thiên Chúa Đấng ở trên trời” làm Cha của mình. Khi tuyên đọc “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”, chúng ta chấp nhận một trật tự mới: trật tự thiên linh. Chúng ta chấp nhận mối quan hệ mới với Thiên Chúa: quan hệ cha-con. Chúng ta sẵn sàng nhận chương trình của Thiên Chúa là chương trình của mình, và thực hiện chương trình đó với tất cả tấm lòng của người con chứ không làm như một người làm công hoặc như một nô lệ.
Mời Bạn: Nếu bạn còn cảm thấy việc sống đạo là một gánh nặng, một điều áp đặt, thì đó là dấu bạn chưa thực sự cảm nhận được Thiên Chúa là Cha của mình. Bạn hãy cầu xin Chúa cho bạn cảm nhận được tình Cha yêu bạn và để bạn cũng đáp lại bằng tâm tình cảm mến và hạnh phúc của người được nhận làm con Thiên Chúa.
Chia sẻ: Bạn có cảm thấy được niềm hạnh phúc được làm con cái Chúa?
Sống Lời Chúa: Đừng để ngày nào bạn không đọc kinh “Lạy Cha” ít là một lần, với tất cả tâm tình của người con, ít nhất là trước bữa ăn, hoặc trước khi làm việc.
Cầu nguyện: Sốt sắng đọc kinh Lạy Cha với tâm tình con thảo.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm
Chúng ta không thể lèo lái hay ép buộc Thiên Chúa
bằng những lải nhải dài dòng hay bằng những câu thần chú.
Cầu nguyện không phải là thông báo cho Chúa biết nhu cầu của ta (c. 8).
Cha Teilhard de Chardin đã viết:
“Chúng ta phải cầu xin Chúa không phải vì lề luật buộc như thế,
cũng không phải vì Chúa không biết ta cần gì.
Không, kinh nguyện là tình yêu, là cách diễn tả tình yêu.”
Thiên Chúa thích nghe miệng chúng ta nói lên nhu cầu của mình.
Đức Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, Abba, như Ngài đã gọi.
Abba là tiếng gọi âu yếm thân thương của đứa con đối với người cha.
Khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta thấy mình hết sợ hãi và xa cách.
Cha siêu việt và quyền uy, nhưng Cha không áp bức và bắt con làm nô lệ,
Cha cao sang ở trên trời nhưng Cha lại gần gũi với nhu cầu của con cái.
Ba lời cầu xin đầu tiên đều hướng về Cha: Danh Cha, Nước Cha, và Ý Cha.
Danh Cha được vinh hiển khi Nước Cha được thành tựu, Ý Cha được thể hiện.
Nước Cha đã đến rồi với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giêsu,
nhưng chúng ta vẫn phải cầu xin cho Nước ấy mau đến cách viên mãn.
Ý Cha và quyền tối cao của Cha đã được thể hiện trọn vẹn trên trời rồi,
nhưng còn phải được thể hiện dưới đất nữa, nơi mọi người và nơi từng người.
Ba lời cầu đầu tiên, là những lời trực tiếp nài xin Cha.
Làm cho Danh Cha được biết đến, Nước Cha được nhìn nhận,
Ý Cha được tuân hành: đó là công việc của Cha cho đến tận thế.
Nhưng việc đó cũng cần sự cộng tác hằng ngày của mỗi Kitô hữu
qua việc họ sống tận căn những đòi hỏi gai góc của Nước Trời,
để cho thấy Nước Trời đã đến trên mặt đất.
Bốn lời cầu xin sau nhắm đến nhu cầu cụ thể của các môn đệ.
Xin lương thực hàng ngày là điều cần thiết cho họ,
những người nay đây mai đó, sống nhờ lòng tốt của người nghe.
Xin ơn tha thứ là điều ta cần mỗi ngày từ Chúa, sau bao sai lỗi,
mà cũng là điều ta phải trao lại cho anh em.
Xin Chúa đừng đưa chúng ta vào cơn thử thách quá sức chịu đựng
đến mức mất đức tin và quỵ ngã.
Nhưng xin Chúa gìn giữ và giải thoát chúng ta khỏi Ác Thần.
Kinh Lạy Cha giúp chúng ta trò chuyện với chính Thiên Chúa là Cha.
Chúng ta được mở ra trước thế giới trên trời nơi Cha ngự trị,
nhưng cũng được mở ra trước thế giới dưới đất của con người.
Một thế giới có bao người thiếu bánh ăn, cần được chia sẻ.
Một thế giới có nhiều xung đột và hận thù, cần sự bao dung thứ tha.
Một thế giới hỗn loạn với bao điều phải chấn chỉnh cho hợp Ý Chúa.
Một thế giới không biết mình là anh em, con cùng một Cha.
Kinh Lạy Cha bao giờ cũng nhắc chúng ta về những điều dang dở…
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.
Xin đừng mỉm cười mà nói rằng
Chúa đã ở bên chúng con rồi.
Có cả triệu người chưa biết Chúa.
Nhưng biết Chúa thì được cái gì?
Chúa đến để làm gì
nếu đời sống con cái của Chúa
cứ tiếp tục y như cũ?
Xin hoán cải chúng con.
Xin lay chuyển chúng con.
Ước gì sứ điệp của Chúa
trở nên máu thịt của chúng con,
trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.
Ước gì sứ điệp đó
lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,
và đòi buộc chúng con,
làm chúng con không yên.
Bởi lẽ chỉ như thế,
sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con
bình an sâu xa,
thứ bình an khác hẳn,
đó là Bình An của Chúa.
(Hélder Câmara)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
17 THÁNG SÁU
Sự Quan Phòng Của Thiên Chúa
Chúng ta được mời gọi ký thác trọn vẹn cuộc sống mình cho Thiên Chúa Quan Phòng. Như lời tác giả thánh vịnh: “Hồn con, con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2). Thế nhưng, lúc này lúc khác, chúng ta xem ra không dám ký thác chính mình cho Thiên Chúa là Chúa Tể và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Tâm trí chúng ta bị che phủ bởi các vấn đề. Chúng ta quên bẵng Đấng Tạo Thành. Cũng có thể chúng ta đang thực sự đắm chìm trong đau khổ và ta nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa, Cha của chúng ta.
Kỳ thực, sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa vốn rất gần gũi chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ. Có rất nhiều ví dụ trong Thánh Kinh. Chẳng hạn, Gióp không ngần ngại kêu van với Chúa – dù đang ở giữa nỗi khổ đau. Gióp thể hiện niềm tin tưởng lạ lùng vào Thiên Chúa. Niềm tin tưởng này không hề vu vơ. Lời Chúa xác nhận rằng sự quan phòng của Thiên Chúa, quyền năng cứu độ của Ngài, đổ tràn trên Dân của Ngài trong những giờ phút quẫn bách nhất của họ, bởi vì họ là con cái của Ngài. Trong đớn đau chất ngất cả thân xác lẫn tâm hồn, Gióp thốt lên: “Ai sẽ cho tôi biết phải tới đâu để tìm Ngài, và làm sao đến được nơi Ngài ngự? Tôi sẽ tỏ bày vụ việc trước nhan Ngài, miệng tôi chất chứa lời biện bạch” (G 23,3-4). Chúng ta hôm nay cũng thế, hãy đến trước Cha với tất cả những nhu cầu của chúng ta!
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 16/6
Hc 48, 1-14; Mt 6, 7-15.
LỜI SUY NIỆM: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6,7-8)
Chúa Giêsu biết rõ Thánh Ý Chúa Cha, nên Ngài muốn chúng ta trong cầu nguyện, cần phải có tâm tình là Cha với con, đặt hoàn toàn tin tưởng ở nơi Thiên Chúa và yêu kính Ngài trên hết mọi sự và mọi người. Khi cầu nguyện chúng ta cần chia sẻ tất cả mọi hoàn cảnh sống của chúng ta lên Ngài với một tâm hồn đơn sơ, trao phó, tuân phục; chứ không phải áp đặt cho Chúa ý muốn của mình. Chúng ta cần học cách cầu nguyện của Áp-ra-ham, của Mô-sê, của Đức Mẹ Maria và của Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu. Xin ban cho mỗi người trong chúng con mỗi khi cầu nguyện có được một tâm hồn trong sạch, với đức tin sống động, luôn biết kiên nhẫn và vâng phục, trong tinh thần dâng hiến.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
16 Tháng Sáu
Hãy Ðến Với Ta
Tại Roma có một ngôi thánh đường cổ tên là Dominus sub aquis, nghĩa là Chúa ở dưới nước… Du khách đến Roma thường đến viếng thăm ngôi thánh đường này, vì phía trên bàn thờ, có một tượng thánh giá rất đặc biệt: bất cứ ai đến quỳ trước tượng thánh giá và cầu nguyện với tất cả thành tâm đều nhận được sức mạnh và niềm an ủi thâm sâu…
Người ta kể lại rằng tác giả của tượng thánh giá bằng cẩm thạch này đã mát rất nhiều năm mới hoàn thành được tác phẩm. Hơn hai lần, mỗi khi treo bức tượng lên để ngắm nhìn, ông lại cho kéo xuống và đập phá đi vì ông cho rằng tác phẩm vẫn chưa diễn đạt được điều ông mong muốn…
Sau nhiều năm bỏ dở, ông lại bắt tay vào công trình lần thứ ba. Nhưng chính lúc ông miệt mài chú tâm vào công việc thì cũng là lúc ông gặp nhiều thử thách nhất. Nhiều người ganh tỵ nên tìm cách hạ uy tín của ông. Vợ con ông qua đời trong những hoàn cảnh thật đau thương. Người nghệ sĩ chỉ còn biết kêu cầu xin Chúa giúp ông chịu đựng được mọi gian lao thử thách.
Ai cũng tưởng rằng cơn thử thách đã khiến ông bỏ cuộc. Trái lại, ông càng miệt mài chú tâm vào công trình. Người nghệ sĩ dồn tất cả niềm đau của mình lên khuôn mặt của Ðức Kitô. Bức tượng của Chúa Giêsu trên thập giá không là một phiến đá lạnh lùng, xa lạ, mà trở thành niềm đau đậm nét của một tâm hồn. Bức tượng đã trở nên sống động và có sức thu hút do chính tâm tình mà người nghệ sĩ đã muốn tháp thập vào đó.
“Hỡi tất cả những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta và Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho”.
Lời mời gọi trên đây của Chúa Giêsu hẳn phải đem lại cho chúng ta an ủi đỡ nâng, nhất là trong những lúc chúng ta gặp đau khổ, thử thách. Chúa Giêsu như muốn nói với chúng ta rằng Ngài đang có đó, Ngài có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta, Ngài mang lấy tất cả những sầu đau, buồn tủi của chúng ta. Mãi mãi, Ngài vẫn là Ðấng Cứu Chuộc chúng ta. Mãi mãi, Ngài đến với chúng ta như đến với những người phong hủi, những kẻ bệnh tật, kẻ tội lỗi, phường thu thuế… Ngài đón nhận tất cả mọi khổ nhọc, khó khăn của chúng ta. Và bởi vì Ngài mang lấy mọi khổ đau của con người, cho nên Ngài cũng tự đồng hóa với con người, nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh. Trên những khuôn mặt gần như không còn hình tượng của con người nữa, chúng ta phải nhận diện được chính Ngài. Ngài đã từng nói với chúng ta: “Ai cho những kẻ bé mọn nhất, dù chỉ một chén nước lã thôi, họ đã cho chính Ta vậy”.
Trút lên Ngài tất cả gánh nặng của khổ đau, được ngài nâng đỡ bổ sức, chúng ta cũng hãy mang lại an ủi đỡ nâng cho mọi người xung quanh. Sự đau khổ nào cũng có sức liên kết con người. Kết hiệp với Ðức Kitô trên thập giá, chúng ta cũng dễ dàng liên đới, cảm thông với mọi người đang đau khổ…
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm – Tuần 11 – TN2 – Năm Chẵn
Bài đọc: Sir 48:1-15; Mt 6:7-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy học biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa.
Đọc lịch sử Cựu Ước, chúng ta có thể rút ra một kiểu sống của dân Do-thái trong mối tương quan của họ với Thiên Chúa như sau: Khi thiếu thốn, cơ cực, họ cầu nguyện với Thiên Chúa để được Ngài thương xót. Sau khi được Thiên Chúa ơn, họ lại quay sang thờ các thần ngoại và làm những điều ghê tởm trước mắt Thiên Chúa. Vì tình thương, Thiên Chúa gởi các ngôn sứ tới để tố tội và kêu gọi họ quay về với Thiên Chúa để được hưởng lòng thương xót. Ai biết ăn năn quay về, Ngài sẽ tha thứ lỗi lầm. Ai ngoan cố, Ngài sẽ để họ sẽ chết trong tội.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật chủ đề con người phải luôn luôn sống tốt lành trong mối tương quan với Thiên Chúa và với nhau. Nếu con người biết làm như thế, Thiên Chúa sẽ cung cấp mọi sự cần thiết và sẽ bảo vệ họ khỏi mọi nguy hiểm trong cuộc đời. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca nhắc lại những việc vĩ đại hai ngôn sứ Elijah và Elishah đã làm khi hai ông vâng lệnh Thiên Chúa kêu gọi dân trở về. Những người nào làm theo lời chỉ dẫn của hai ông đã được Thiên Chúa chúc lành và ban ơn; những người cãi lệnh đã bị Thiên Chúa trừng phạt. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ biết cách cầu nguyện cách đúng đắn: Thay vì lải nhải xin hết ơn này đến ơn kia, họ hãy tập trung trong việc “xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người nào làm theo ý Thiên Chúa sẽ được Ngài chúc lành và ban ơn.
1.1/ Cuộc đời sự nghiệp của ngôn sứ Elijah
Ngôn sứ Elijah bực mình khi thấy vua và con cái Israel bỏ Thiên Chúa, Đấng chúc lành và bảo vệ họ để chạy theo thần Baal, thứ thần chẳng làm được một sự gì cho con người cả.
– Để giúp dân chúng nhận ra những gì Thiên Chúa vẫn đang làm cho họ, ông truyền lệnh đóng cửa trời để mưa và sương không rơi xuống nữa. Dân chúng phải chịu đói khát và nhận ra uy quyền của Thiên Chúa.
– Để giúp con cái Israel nhận ra đâu là Chúa thật, ông truyền gom tất cả các ngôn sứ của Baal, vua quan cũng như dân chúng trên núi Carmen để tổ chức một cuộc thi dâng lễ vật. Các ngôn sứ Baal đã thất bại nặng nề trong khi của lễ của Elijah được Thiên Chúa cho lửa từ trời xuống thiêu rụi.
Vì ông luôn trung thành với Thiên Chúa, Ngài luôn quan tâm đến nhu cầu của ông: Ngài chỉ cho ông khe nước và sai quạ nuôi ông trong khi cả xứ bị hạn hán. Khi ông kêu cầu Ngài chứng tỏ cho dân chúng thấy đâu là Thiên Chúa thật, Ngài đã khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi lễ vật của ông. Nói tóm, Ngài không từ chối ông một điều gì khi ông kêu cầu danh Ngài. Sau cùng, khi đã hoàn tất sứ vụ, Ngài đã không để ông phải chết; nhưng dùng cỗ xe ngựa đỏ để cất giấu ông đi một nơi.
Truyền thống Do-thái tin ngôn sứ Elijah sẽ trở lại trước khi Đấng Thiên Sai tới để ông dọn đường cho Ngài, để ông “làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa trước khi cơn thịnh nộ bùng lên, để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và tái lập các chi tộc Jacob.” Khi các môn đệ hỏi Chúa Giêsu về sự phải đến của ông, Ngài ám chỉ cho các môn đệ biết Gioan Tẩy Giả chính là ngôn sứ Elijah (Mt 11:14; Mk 9:13).
1.2/ Cuộc đời sự nghiệp của ngôn sứ Elishah
Ông dứt khoát theo Chúa khi Elijah quăng áo choàng trên ông bằng cách giết đôi bò làm lễ vật hy sinh và phá cày làm củi thiêu bò. Ý thức được khó khăn trong sứ vụ ngôn sứ, ông đã xin cho được gấp hai thần khí của thầy. Khi ông Elijah được ẩn trong cơn lốc, thì ông Elishah được đầy thần khí của người.
Suốt đời ông Elishah, không thủ lãnh nào có thể làm ông lung lạc, cũng chẳng ai khuất phục được ông. Đối với ông, chẳng có gì là quá sức vì Thiên Chúa luôn ở với ông. Ngay cả khi ông đã qua đời, thân xác ông vẫn còn giữ năng lực của một ngôn sứ. Lúc sinh thời, ông đã làm nhiều dấu lạ, sau khi chết, ông vẫn còn thực hiện những điềm thiêng.
2/ Phúc Âm: Cha anh em trên trời đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
2.1/ Trước hết và trên hết, hãy lo xin cho những gì thuộc về Chúa được phát triển.
Trong mối tương quan giữa con người, chúng ta không thích những ai lợi dụng lòng tốt của chúng ta để lúc nào cũng xin xỏ. Người Việt Nam chúng ta có câu: “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.” Nếu không ném được hòn chì, ít nhất cũng phải ném lại hòn đất chứ. Ai có thể mặt dày mặt dạn cứ đi ăn của người được.
Trong mối tương quan với Thiên Chúa còn hơn thế. Ngài là Cha và chúng ta là con. Bổn phận của con trước hết là phải làm cho danh Cha cả sáng bằng cách làm cho nhiều người biết đến Thiên Chúa qua những việc lành chúng ta làm. Tiếp đến, chúng ta cầu xin cho Nước Chúa được trị đến bằng cách cầu nguyện cho mỗi ngày càng nhiều người biết đến Cha mình. Sau cùng, chúng ta phải xin cho tất cả mọi tạo vật nhận ra ý Chúa và thi hành; hay ít nhất chính chúng ta phải tìm ra ý Chúa và mau mắn thi hành.
2.2/ Sau đó, hãy lo xin cho biết sống cuộc đời đẹp ý Thiên Chúa.
Sau khi quan tâm đến việc của Cha, mới nên xin Cha nhìn đến các việc của con. Có 4 lời cầu Chúa Giêsu dạy chúng ta nên chú trọng tới và kêu xin. Thứ nhất, chỉ “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” thôi. Chúng ta đừng dại dột xin cho có dư, vì “no cơm rửng mỡ.” Thứ đến, chúng ta “xin Cha tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.” Nếu chúng ta có can đảm xin Thiên Chúa tha tội thì cũng phải có can đảm để tha thứ các lầm lỗi của anh chị em mình. Nếu không, “Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.” Tiếp đến, mọi người chúng ta cần ý thức: chúng ta đang phải chiến đấu với ba thù hàng giây hàng phút. Ba thù đây là XÁC THỊT – THẾ GIAN – VÀ MA QUỈ. Kẻ thù nào cũng nặng ký cả. Và nếu không có ơn thánh, chúng ta không thể nào thắng vượt được. Vì vậy, chúng ta hãy thường xuyên đọc kinh Lạy Cha và “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” Sau cùng, sự dữ vẫn rình chờ chúng ta hằng giây hằng phút trong thế gian như bệnh tật, chiến tranh, thiên tai… , chúng ta cần xin Thiên Chúa “cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ” nếu đẹp ý Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Tiên vàn chúng ta hãy lo sao cho danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa được trị đến, ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Khi đã làm như thế, Thiên Chúa chắc chắn sẽ không từ chối chúng ta một điều gì khi chúng ta kêu xin Ngài.
– Chúng ta đừng bao giờ nghĩ mình có thể lợi dụng Thiên Chúa để xin ơn, sau đó dùng những quà tặng Ngài ban để làm theo ý chúng ta.
– Đừng đọc kinh Lạy Cha một đàng, nhưng lại nghĩ tưởng một nẻo. Hãy để Thiên Chúa trong sự quan phòng của Ngài lấp đầy những thiếu thốn của chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************