Ngày thứ năm (16-12-2021) – Trang suy niệm

15/12/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần III Mùa Vọng Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Is 54, 1-10

“Chúa kêu gọi ngươi như gọi người thiếu phụ sầu khổ”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa phán: Hỡi người son sẻ, hãy reo mừng! Hãy vui mừng, hãy hân hoan, hỡi người không sinh nở. Vì con cái người phụ nữ bị bỏ rơi sẽ nhiều hơn con cái người có đôi bạn. Hãy mở rộng trại ngươi ở, hãy giăng trướng nhà ngươi, chớ để chật hẹp; hãy giăng dây cho dài, đóng cọc cho chắc. Ngươi sẽ bành trướng ra bên tả bên hữu, dòng dõi ngươi sẽ được các nước làm gia nghiệp.

Đừng sợ, vì ngươi sẽ không phải thất vọng, đừng xấu hổ, vì ngươi sẽ quên sự hổ thẹn thời niên thiếu, và nỗi nhục nhã của thời goá bụa, ngươi cũng quên đi. Vì Đấng thống trị ngươi là Đấng đã tạo thành ngươi, Danh Ngài là Chúa Thiên Binh; Đấng Cứu Chuộc ngươi là Đấng Thánh Israel, Người là Thiên Chúa khắp địa cầu.

Chúa ngươi phán: như người thiếu phụ bị bỏ rơi và sầu muộn, Chúa gọi ngươi. Sao có thể ly dị người vợ trong buổi thanh xuân? Trong một thời gian ngắn, Ta đã bỏ ngươi, nhưng với lượng từ bi, Ta sẽ đón nhận ngươi. Chúa Cứu Chuộc ngươi phán: Trong cơn nóng giận, Ta đã ẩn mặt khỏi ngươi, nhưng trong tình yêu vĩnh cửu, Ta xót thương ngươi. Cũng như trong thời Noe, Ta đã thề rằng nước lụt Noe sẽ không tràn ra trên đất nữa, thì Ta cũng thề rằng Ta sẽ không giận ngươi, không trách ngươi nữa. Chúa thương xót ngươi phán: Dù núi dời, dù đồi chuyển, tình yêu của Ta đối với ngươi không hề thay đổi, và giao ước bình an của Ta luôn vững bền. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 29, 2 và 4. 5-6. 11-12a và 13b

Đáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).

Xướng:

1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ. – Đáp.

2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ. – Đáp.

3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con. Lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. – Đáp.

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! – Này đây Chúa đến để cứu dân Người. Hạnh phúc thay những ai sẵn sàng đón rước Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 7, 24-30

“Gioan là sứ thần dọn đường Chúa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi những người Gioan sai đến đi rồi, Chúa Giêsu nói với đám đông về Gioan rằng: “Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc óng ả và đời sống xa hoa thì ở trong cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Chính về ông đã có lời chép rằng: ‘Này đây Ta sai sứ thần Ta đi trước con, và sẽ dọn đường cho con’. Ta nói cho các ngươi biết, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một người nào cao trọng hơn Gioan, nhưng người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa lại cao trọng hơn ông”.

Toàn thể dân chúng đã nghe Ngài, cả những người thu thuế đều vâng lời Thiên Chúa, và chịu phép rửa của Gioan. Còn những người Biệt phái và Luật sĩ đã khinh chê ý định của Thiên Chúa, và họ không chịu để Gioan thanh tẩy cho. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

16/12/2021 – THỨ NĂM TUẦN 3 MV

Lc 7,24-30

NGÔN SỨ LÀ AI?

“Thế thì anh em đi xem gì ? Một ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa.” (Lc 7,26)

Suy niệm: Ngôn sứ không phải là một chức danh, chức vụ, nhưng là một đời sống: là người nói Lời Thiên Chúa, là người thi hành sứ mạng Thiên Chúa giao phó. Gio-an Tẩy Giả không phải là con người dễ dãi, ba phải như cây sậy trước gió, nhưng là người dám chấp nhận lối sống đạm bạc, đơn sơ khó nghèo, ăn châu chấu, uống mật ong chứ không phải là người đi tìm cuộc sống xa hoa trong cung điện và hơn thế chấp nhận tù đày và mất mạng khi nói lên sự thật, lên án lối sống vô luân của vua Hê-rô-đê. Chính vì thế, Chúa Giê-su xác nhận Gio-an là ngôn sứ và “còn hơn cả ngôn sứ nữa”.

Mời Bạn: Nếu chỉ để phổ biến một thông tin thì Gio-an hà tất phải sống như thế và phải chết như thế. Tự bản chất, Ki-tô hữu là một ngôn sứ. Tôi đã sống như một ngôn sứ của Chúa chưa? Hay chỉ là Ki-tô hữu trên chức danh mà thôi? Tôi có hành xử cách xuê xoa, “linh động” đến nỗi nhu nhược, thoả hiệp với sự xấu, không dám nói lời Thiên Chúa?

Chia sẻ: Thảo luận cách thực thi chức vụ ngôn sứ trong nhóm, đoàn thể của bạn. Thử đề nghị vài việc cụ thể: chia sẻ Lời Chúa trong nhóm, nhắc nhau sống đạo, rủ nhau làm việc tông đồ, v.v…

Sống Lời Chúa: Rủ một người bạn cùng đến thăm và động viên một người lơ là trong việc dự lễ Chúa Nhật.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cho con được thông phần chức vụ Ngôn sứ cao cả của Chúa trong bí tích Rửa tội. Xin Chúa cho con luôn ý thức mỗi ngày và cố gắng chu toàn sứ mạng đó trong từng phút giây của đời sống.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

“Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Lc 7, 23).
Dưới góc độ nào đó, có thể nói Gioan đã “vấp ngã” vì Đức Giêsu.
Khuôn mặt của Ngài không như những gì ông nghĩ và mong đợi.
Ông ngỡ ngàng vì Đức Giêsu hành động ngược với điều ông trình bày.
Rõ ràng Gioan vẫn thuộc về thời đại cũ.

Nhưng Đức Giêsu tôn trọng vị thế của Gioan,
và đã hết lời ca ngợi ông trước mặt dân chúng.
Gioan đã gây nên một phong trào rộng lớn nhằm canh tân.
Ông sinh ra một cách lạ lùng và sống cũng lạ lùng.
Hoang địa là nơi ông chọn để sống một mình và cất tiếng gọi sám hối.
Tiếng gọi này thu hút đến nỗi người ta kéo nhau đến gặp ông.
“Anh em đi xem gì trong hoang địa ?”
Câu hỏi này được Đức Giêsu nhắc đến ba lần (cc. 24-26).
Gioan hẳn không phải là một cây sậy dễ uốn mình theo mọi chiều gió.
Nếu thế thì ông đã chẳng bị bắt và tống ngục.
Gioan cũng không phải là người ăn mặc sang trọng trong cung.
Ông sống khổ hạnh cả về ăn lẫn mặc (Lc 1, 15; 7, 33).
Nếu hoang địa lôi kéo bao đoàn người háo hức đổ về
thì chỉ vì người ta muốn tìm gặp một vị ngôn sứ.
Dân chúng tin Gioan là vị ngôn sứ mà họ chờ đợi đã lâu.
Họ mong được nghe Thiên Chúa nói sau thời gian dài thinh lặng.

Đức Giêsu khẳng định Gioan còn lớn hơn một ngôn sứ nữa (c.26),
bởi lẽ ông chính là người đi trước dọn đường cho Ngài (c. 27).
Ông thuộc về một thời đại đã qua, nhưng ông giới thiệu về thời đại mới.
Ông là ngôn sứ cao trọng hơn các ngôn sứ của Cựu Ước
vì ông trực tiếp chỉ cho mọi người thấy Đấng Cứu độ.
Dọn đường cho Chúa Giêsu đến là việc chúng ta vẫn phải làm.
Ngài vẫn cần những Gioan mới để mở đường cho Ngài vào,
để trở thành nhịp cầu cho con người thế kỷ 21 gặp và tin.
Chúng ta không thể mặc áo lông lạc đà hay ăn châu chấu.
Chúng ta cũng không vào hoang địa để sống độc thân.
Nhưng lối sống của chúng ta phải khiến người đương thời
đặt những câu hỏi về Đức Giêsu, về vĩnh cửu, về ý nghĩa cuộc sống.
Chấp nhận làm người dọn đường cũng phải chấp nhận thất bại.
Những người bình dân và tội nhân đã tin vào sứ điệp của Gioan (c. 29),
còn những người trí tuệ hơn lại khước từ, không chịu phép rửa (c. 30).
Khước từ Gioan là khước từ ý định cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.

Kitô hữu chúng ta được diễm phúc hơn Gioan
vì được thuộc về Nước Thiên Chúa do Đức Kitô khai mở (c. 28).
Chúng ta đang được hưởng những ân phúc mà Gioan chưa được hưởng.
Gioan chỉ cho dân tộc mình thấy Đấng Cứu Độ,
còn chúng ta được sống tình thân với Đấng Cứu Độ và nên một với Ngài.
Kitô hữu cũng phải chấp nhận sống trong một thứ hoang địa khắc khổ nào đó,
để tiếng kêu của mình dễ được con người hôm nay nghe hơn.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu
Xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
Nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
Dễ thấy Chúa hiện diện
Và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
Xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
Khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu
Để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
Để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
Vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
Hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

16 THÁNG MƯỜI HAI

Vậy Chúng Tôi Phải Làm Gì?

Thiên Chúa đang đến gần ta, vậy ta sẽ đáp lại thế nào đây? Cũng như con cái Israel bên bờ sông Gio-đan, chúng ta tự hỏi: “Vậy chúng tôi phải làm gì ?” Thiên Chúa hiểu thấu tất cả những gì kín nhiệm thẳm sâu trong cõi lòng con người, vì Ngài đến để làm ánh sáng soi chiếu lương tâm và trái tim con người.

Chúa đến gần ta, ta đáp trả thế nào đây? Đáp trả thế nào trước sự hiện diện của Ngài? Chúng ta có đầy lòng tôn thờ, đầy lòng nhiệt tâm với Chúa và tin tưởng nơi Ngài không? Phụng vụ Mùa Vọng kêu mời chúng ta đáp trả bằng thái độ như thế.

Hay chúng ta hành động cách khác hẳn? Hay chúng ta cứ sống đối ngược lại tinh thần mùa Vọng? Sự gần gũi của Thiên Chúa đã “quen quá hóa nhàm” đối với chúng ta rồi sao? Phải chăng chúng ta đã đánh mất chân lý thẳm sâu mà Thiên Chúa trao cho chúng ta trong Mùa Vọng? Phải chăng chúng ta đã trở nên dửng dưng với chân lý ấy?

Trước sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa, chúng ta có sẽ nói ‘vâng’? Hay là sự hiện diện ấy chỉ tổ quấy rầy và gây phiền phức cho chúng ta?

Phụng vụ Mùa Vọng thúc giục chúng ta giải quyết những câu hỏi ấy. Đó là những câu hỏi vô cùng cốt yếu. Những câu hỏi ấy không chỉ liên hệ tới con người luân lý và đến cung cách ứng xử của chúng ta, mà chúng còn liên hệ đến chính cốt lõi hiện hữu của chúng ta, đến lương tâm Kitô giáo của chúng ta.

Anh em hãy vui lên, Chúa đang đến gần! Niềm vui của chúng ta sẽ là niềm vui đích thực và sâu xa khi chúng ta hiểu và đón nhận tất cả sự thật trong tiếng kêu của Gioan Tẩy Giả bên bờ sông Gio-đan. Chúng ta không bao giờ được phép quên rằng Thiên Chúa, Đấng vô cùng gần gũi với ta, cũng là một Thiên Chúa vô cùng thánh thiện!

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 16/12

Is 54, 1-10; Lc 7, 24-30

“Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới tring Kinh Thánh: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đên.”

Gioan Tẩy Giả đã cử những môn đệ của ông đến gặp Chúa Giêsu, và sau khi đã được Chúa Giêsu để biết về Người. Tiếp sau đó Chúa Giêsu không khai công bố về vai trò của Gioan cho đám đông dân chúng; đồng thời cũng mạc khải cho họ biết về chính Người.

Lạy Chúa Giêsu tất cả những ai khao khát chân lý và sự thật đều được Chúa cho biết. Xin ban cho chúng con đức tin và lòng yêu mến khi học hỏi Kinh Thánh.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

16 Tháng Mười Hai

Hơi Ấm Của Tình Người

Một vị linh đạo Ấn Giáo và các môn sinh ngồi quây quần bên một bếp lửa hồng. Sức nóng của than hồng và hơi nóng của từng người làm cho căn phòng ấm hẳn ra… Nhưng bỗng chốc, vị linh đạo già run lập cập, môi ông bập bẹ không nói ra lời. Các môn sinh lo lắng cho sức khỏe của thầy: “Thưa thầy, chắc thầy yếu trong người, chúng con xin phép được cho thêm củi vào lò sưởi”.

Trong cơn thổn thức, vị linh đạo già cố gắng nói từng tiếng: “Lửa và sức nóng trong căn phòng này quá đủ cho ta… Ta cảm thấy lạnh là bởi vì bên ngoài có một người hành khất đang run lập cập”.

Quả thật, đúng như lời của vị thầy, các môn sinh đã mở cửa nhìn ra ngoài, và họ đã tìm thấy một người hành khất đang rét run vì đói và lạnh… Họ đưa người đó vào trong căn phòng, săn sóc cho anh và từ giây phút ấy, vị linh đạo già cũng trút bớt được nỗi rét run của mình.

Câu chuyện được trích từ kho tàng khôn ngoan của người Ấn Ðộ trên đây có lẽ gợi lại cho chúng ta lời của thánh Giacôbê tông đồ: “Ðức Tin không có việc làm là một Ðức Tin chết”. Vị linh đạo già trên đây đã cảm thấy rét run là bởi vì sự ấm áp của thầy trò đang có với nhau chưa được chia sẻ cho người khác. Ông chỉ cảm thấy thật sự ấm lòng, khi hơi ấm của sự quây quần ấy được san sẻ cho người khác.

Vị linh đạo này là hình ảnh của đời sống Ðức Tin của chúng ta. Dù có sốt sắng bao nhiêu trong việc cầu nguyện, trong các nghi thức phụng tự, nếu tâm hồn chúng ta không được nuôi dưỡng bằng lòng mến đối với tha nhân, thì hơi ấm của lòng đạo đức nơi chúng ta chỉ là một thứ hơi ấm giả hiệu… Một Ðức Tin nhiệt thành, một Ðức Tin có hơi ấm thật sự cần phải được nuôi dướng bằng lòn mến.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm – Tuần III – MV

Bài đọc: Isa 54:1-10; Lk 7:24-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nhận ra và đáp trả tình yêu Thiên Chúa.

Thiên Chúa rất yêu thương con người, và Ngài mong con người đáp trả tình yêu để được sống hạnh phúc với Ngài. Trong thực tế, con người không luôn đáp trả tình yêu Thiên Chúa, họ chạy theo những mối tình không mang lại hạnh phúc. Đó là lý do khiến Thiên Chúa phải sửa phạt để con người nhận ra đau là tình yêu thật mà quay về. Trong bài đọc I, tiên tri Isaiah muốn cho dân Do-thái nhận ra tình yêu trung thành của Thiên Chúa để họ biết ăn năn quay về. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả chuẩn bị tâm hồn dân chúng và chỉ cho họ đến với Chúa Giêsu. Đa số dân chúng và những người thu thuế đã nhận ra tội lỗi của họ và ăn năn thú nhận để được tha thứ; nhưng một số các kinh-sư và kỳ lão vẫn ngoan cố trong tội của họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Núi có dời có đổi, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi.

1.1/ Con người nhận ra sự phản bội của mình và quay trở về với Thiên Chúa: Trình thuật của Isaiah hôm nay nằm trong những chương cuối của Sách Isaiah Đệ Nhị, khi dân chúng Israel đang sống trong nơi lưu đày. Nhiệm vụ của tiên tri là làm cho dân chúng nhận ra tội lỗi và sự phản bội của họ, đồng thời tiên tri cũng trình bày lòng thương xót và tình yêu trung thành của Thiên Chúa. Họ bị mất nước nhà tan là vì họ đã chạy theo những vị thần chẳng cứu nổi ai. Họ bị đau khổ, nhục nhã là vì họ đã bỏ Luật của Thiên Chúa để chạy theo những đam mê của dục vọng và những lôi cuốn của thế gian dâng tặng.

Tuy nhiên, họ vẫn còn hy vọng quay trở về với tình yêu Thiên Chúa vì Ngài là Thiên Chúa của lòng thương xót, và tình yêu của Ngài mãi mãi vững bền. Nếu họ quyết tâm trở lại, Thiên Chúa sẽ đền bù tất cả những mất mát và ban cho họ được hạnh phúc hơn xưa. Tiên tri Isaiah xác tín với dân chúng: “Quả thế, Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh; Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Israel, tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất.”

1.2/ Thiên Chúa phải sửa phạt là để con người đừng hư mất: Tình yêu thật sự và trung thành không nghĩ đến việc khai trừ vĩnh viễn, nhưng nhấn mạnh đến việc ăn năn để nối lại tình xưa nghĩa cũ. Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người là tình thiên thu, chứ không phải là thứ tình tạm bợ, Ngài muốn yêu thương và sống hạnh phúc với con người suốt đời. Vì quá yêu con người nên Ngài không muốn họ phải hư đi; vì thế Ngài phải sửa phạt. Nếu Ngài không sửa phạt con người, Ngài sẽ mất họ đời đời. Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu trung thành khi Ngài sửa phạt con người. Trong nơi lưu đày, một số người đã nhận ra tình yêu đích thực của Thiên Chúa, họ ăn năn hối hận vì đã bỏ Thiên Chúa để quay sang thờ các thần ngoại, và giờ đây họ muốn quay về với Ngài.

Khi họ ăn năn quay về, Thiên Chúa lập tức tha thứ và nối lại nghĩa cũ tình xưa như lời Ngài bày tỏ: “Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp. Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót.”

2/ Phúc Âm: Thiên Chúa sai Gioan tới để chuẩn bị tâm hồn dân đón nhận Đấng Thiên Sai.

2.1/ Sự cao trọng của Gioan Tẩy Giả: Đợi cho môn đệ của Gioan ra về, Đức Giêsu bắt đầu nói với đám đông về ông Gioan rằng: Anh em đi xem gì trong hoang địa?

– “Một cây sậy phất phơ trước gió chăng?” Gioan không phải là cây sậy phất phơ trước gió, nhưng là một cây cổ thụ hay một tảng đá vững chắc không có gì lay chuyển được. Niềm tin của Elijah vào Thiên Chúa vững vàng đến độ dù toàn dân chạy theo thần Baal trên núi Carmen, một mình ông vẫn chứng tỏ cho mọi người biết đó là sự sai lầm và họ cần quay về với Thiên Chúa thật. Niềm tin của Gioan vào Đức Kitô vững vàng đến độ ông sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời để chuẩn bị cho dân chúng sẵn sàng để đón Ngài và chỉ cho dân chúng thấy khi Ngài xuất hiện. Sau cùng ông đã chết để làm chứng cho sự thật.

– “Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Nhưng kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung trong điện.” Ngược lại, Gioan là một người sống hết sức đơn giản, ông không lệ thuộc quá nhiều vào vật chất như những người đương thời với ông. Vì vậy, ông có rất nhiều thời gian để thi hành sứ vụ Thiên Chúa trao phó.

– “Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa!” Vì khiêm nhường, Gioan không chịu nhận mình là ngôn sứ khi bị chất vấn bởi những người được sai đến bởi Thượng Hội Đồng từ Jerusalem; nhưng ông đã làm công việc của một ngôn sứ trong Cựu Ước. Giờ đây, ông được trao cho một nhiệm vụ cao cả là dọn đường cho Đấng Thiên Sai tới bằng cách chuẩn bị tâm hồn cho dân chúng để họ đón nhận Ngài.

Chúa Giêsu khen Gioan: “Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến!” Đây là những lời trong Sách Xuất Hành 23:20 với một ít sửa đổi: “Này, Ta sai một sứ giả đi trước con, để bảo vệ con trên đường và đưa con vào nơi Ta đã sửa soạn.” Và Ngài công khai khen Gioan trước mặt mọi người: “Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông.” Dĩ nhiên Gioan cũng thuộc về Nước Thiên Chúa vì cả cuộc đời của ông sẵn sàng chết cho Nước này. Điều Chúa muốn nhấn mạnh ở đây là sự quan trọng của việc vào được Nước Thiên Chúa, không có một vinh quang trên đời này có thể so sánh được.

2.2/ Kết quả của việc rao giảng của Gioan Tẩy Giả: Hai kết quả hoàn toàn trái ngược nhau được Chúa Giêsu đưa ra.

(1) Toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính và đã chịu phép rửa của ông. Đây là hạng người không biết nhiều về Lề Luật, và những người thu thuế được coi như những người tội lỗi công khai; nhưng chính vì họ khiêm nhường nhận mình không biết và tội lỗi, mà những lời rao giảng của Gioan thấm nhập tâm hồn họ. Họ khao khát được tẩy trừ tội lỗi để được Thiên Chúa cứu độ.

(2) Còn những người Pharisees và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông. Đây là hạng người có rất nhiều cơ hội để biết Thiên Chúa vì họ nắm giữ Lề Luật; nhưng thay vì để cho những lời của Lề Luật và các Ngôn Sứ soi sáng dẫn đường, họ để cho lợi nhuận bề ngoài che mắt, khiến họ ghen tương khi thấy toàn dân bỏ họ và chạy đến cùng Gioan. Họ không nhìn ra ông chính là tiên tri Elijah mà họ vẫn hằng mong đợi ông đến để dọn đường cho Đấng Thiên Sai. Hơn thế nữa, vì tính kiêu ngạo, họ cũng sẽ không nhận ra Đấng Thiên Sai mà họ hằng mong đợi và Lề Luật đã nói tới đang đứng trước mặt họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Để sống hạnh phúc, chúng ta phải đáp trả tình yêu thật sự và trung thành của Thiên Chúa. Nếu không, chúng ta sẽ phải trả giá cho sự phản bội và bất trung.

– Vì yêu thương, Thiên Chúa phải sửa phạt, nhưng Ngài cho rất nhiều cơ hội để chúng ta biết ăn năn quay về. Chúng ta đừng cứng lòng, nhưng hãy biết năm lấy cơ hội để trở về và đáp trả tình thương của Thiên Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************