Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Năm tuần 19 Thường Niên – Năm A
BÀI ĐỌC I: Gs 3, 7-10a. 11. 13-17
“Hòm giao ước của Thiên Chúa sẽ dẫn các ngươi qua sông Giođan”.
Bài trích sách ông Giosuê.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Giosuê rằng: “Hôm nay Ta sẽ bắt đầu tôn ngươi lên trước mặt toàn thể Israel, để chúng biết rằng: Ta đã ở với Môsê thế nào, thì cũng sẽ ở với ngươi như vậy. Phần ngươi, ngươi hãy truyền lệnh này cho các thầy tư tế mang hòm giao ước rằng: “Khi các thầy đã đến sông Giođan, các thầy hãy đứng giữa lòng sông”. Rồi Giosuê nói với con cái Israel rằng: “Hãy tiến lại đây mà nghe lời Chúa là Thiên Chúa các ngươi”. Và Giosuê nói: “Cứ dấu này mà các ngươi nhận biết Thiên Chúa hằng sống ở giữa các ngươi. Đó là hòm giao ước của Thiên Chúa, chủ tể địa cầu, sẽ dẫn các ngươi qua sông Giođan. Khi các thầy tư tế mang hòm giao ước của Thiên Chúa, chủ tể địa cầu, vừa đặt chân trong nước sông Giođan, thì nước phía dưới tiếp tục chảy đi và khô cạn, còn nước phía trên thì dừng lại thành một khối”. Vậy, khi dân nhổ trại để qua sông Giođan, thì các thầy tư tế mang hòm giao ước đi trước dân. Vừa khi những người mang hòm giao ước đến sông Giođan và chân họ đụng nước, (suốt mùa gặt, sông Giođan tràn lan dọc theo hai bên bờ) thì nước từ nguồn chảy xuống dừng lại một nơi, từ xa trông như dãy núi kéo dài, từ thành Ađam đến luỹ Sarthan; còn phần nước phía dưới chảy vào biển Araba tức là Biển Mặn, thì chảy cạn hết. Dân vượt qua nhắm thẳng thành Giêricô. Các thầy tư tế mang hòm giao ước của Thiên Chúa đứng yên trên đất khô, giữa sông Giođan, và dân đi qua lòng sông khô cạn.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 113A, 1-2. 3-4. 5-6
Đáp: Alleluia.
1) Hồi Israel ra khỏi Ai-cập, nhà Giacóp thoát xa dân mọi, Giuđa đã trở nên cung thánh, Israel biến thành vương quốc của Người.
2) Biển khơi xem thấy và chạy trốn, Giođan thì bước lại đàng sau. Núi non nhảy chồm lên như bầy dê đực, các ngọn đồi như đàn chiên con.
3) Biển ơi, can chi tới ngươi mà chạy trốn, Giođan hỡi, can chi mà bước lại đàng sau? Núi non, can chi mà chồm lên như bầy dê đực, các ngọn đồi như đàn chiên con?
ALLELUIA: Tv 110, 8ab
All. All. – Lạy Chúa, mọi giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn ngàn đời. – All.
PHÚC ÂM: Mt 18,21 – 19,1
“Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. “Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. “Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: “Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. “Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Khi Chúa Giêsu nói những lời đó xong, thì Người bỏ xứ Galilêa mà đến Giuđêa, bên kia sông Giođan.
Đó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
17/08/2023 – THỨ NĂM TUẦN 19 TN
Mt 18,21-19,1
THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA
“Tên đầy tớ ác độc kia, sao ngươi không chịu thương đồng bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” (Mt 18,33)
Suy niệm: Câu chuyện dụ ngôn Chúa kể hôm nay giống như một bức tranh với những mảng màu chói chang và tương phản đến cực độ. 1/ Tương phản ‘một trời một vực’ giữa hai món nợ: một bên nợ 10.000 nén vàng – 1 nén vàng tương đương 6.000 ngày công, bên kia nợ 100 quan tiền – tương đương 100 ngày công. 2/ Tương phản giữa hai chủ nợ: Chủ của món nợ 10.000 nén vàng rất mực khoan dung, ông xoá hết nợ ngay lập tức khi con nợ van xin. Trớ trêu thay con nợ vừa được tha bổng món nợ ‘khủng’ kia cũng chính là chủ nợ của món nợ chỉ vỏn vẹn có 100 quan tiền; tương phản ở chỗ y hành xử cực kỳ “ác độc”: y “túm lấy, bóp cổ” bạn để đòi nợ, bịt tai trước lời van xin và tống ngục bạn mình “cho đến khi trả xong nợ”. Cái kết cho y là y bị trừng trị bằng chính án phạt dành cho y trước đó. Phần chúng ta, thông điệp Chúa nhắn gửi là chúng ta phải thương xót và tha thứ cho nhau như Chúa thương xót và tha thứ cho chúng ta.
Mời Bạn: Có khi nào bạn tự hỏi: Tại sao tôi khó tha thứ cho anh em tôi những điều rất nhỏ, trong khi Chúa vẫn tha thứ cho tôi những món nợ rất lớn? Cuộc sống hôm nay cần một trái tim tha thứ hơn bao giờ hết. “Đừng mắc nợ gì nhau, ngoài món nợ tương thân tương ái”. Bạn và tôi đã giúp gì cho sự tha thứ trong thế giới hôm nay?
Sống Lời Chúa: Tôi luôn tha thứ cho kẻ xúc phạm tới tôi dù vô tình hay hữu ý.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng Xót Thương và hay tha thứ, “xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” để con không giữ lòng hiềm thù, oán hờn và ghen ghét bất cứ ai, vì chỉ khi con thứ tha cho anh em, con mới đáng được Chúa tha thứ. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Có khoảng cách rất lớn giữa mười ngàn yến vàng với một trăm quan tiền.
Mười ngàn yến vàng bằng một trăm triệu quan tiền.
Vậy mà người vừa được tha món tiền cực lớn ấy,
lại không tha được cho bạn của mình một món tiền tương đối nhỏ.
Thái độ độc ác này khiến tôi nhìn lại mình và tự hỏi tại sao.
Tại sao tôi không tha cho anh em tôi những điều nhỏ mọn hàng ngày,
trong khi Chúa vẫn tha cho tôi những món nợ rất lớn?
Dù một trăm quan tiền là hơn ba tháng lương của người lao động,
nhưng nó chẳng là gì so với món tiền lớn tôi mắc nợ Chủ tôi.
Tôi mắc nợ Ngài sự hiện hữu của tôi trên đời và tất cả những gì tôi có.
Tôi mắc nợ Ngài vì tình yêu bao la Ngài dành cho tôi.
Món nợ lớn vô cùng, vì tôi là thụ tạo, còn Ngài là Tạo Hóa.
“Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết” (cc. 26. 29).
Cả hai người đầy tớ đều sấp mình van xin như thế
khi cả hai đều không thể nào trả ngay được món nợ.
Nhưng hai câu trả lời nhận được lại khác nhau.
Chỉ vị vua mới biết chạnh lòng thương xót và tha toàn bộ số nợ (c. 27).
Còn người đầy tớ vừa được tha món nợ lớn, lại không có lòng thương xót này.
Anh ta thích dùng sức mạnh và quyền lực để giải quyết.
Túm lấy, bóp cổ, tống bạn mình vào ngục cho đến khi trả xong.
Lẽ ra anh ta phải cư xử với bạn mình như ông chủ đã cư xử với anh.
Đó chính là nội dung lời buộc tội của ông chủ giận dữ:
“Ngươi không phải thương xót đồng bạn,
như chính ta đã thương xót ngươi sao ?” (c. 33).
Lòng thương xót anh nhận được đã không trở thành dòng suối mát
chảy đến với người bạn đang cần chút xót thương.
Chính vì thế sự tha thứ mà anh nhận được từ chủ
phút chốc bị rút lại, bị xóa sạch.
Anh lại bị trở về tình trạng trước đây,
bị quân lính hành hạ, bị tù đầy cho đến khi trả hết (c. 34).
Sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta
chỉ ở lại với điều kiện là nó được chuyển đi, chứ không giữ lại.
Giữ lại đồng nghĩa với bị rút lại.
Món quà tôi nhận được từ Cha phải trở thành món quà tôi trao cho anh em.
Trong cuộc sống, chúng ta là con nợ của nhau, người này nợ người kia.
Trước những xúc phạm của người anh em trong cộng đoàn,
Phêrô nghĩ phải chăng nên tha đến bảy lần.
Đức Giêsu mời ta tha đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha đến vô cùng.
Ngài mời ta đi vào chỗ sâu nhất trong trái tim Thiên Chúa.
Sự tha thứ bắt nguồn từ tấm lòng, từ trái tim (c. 35).
Một trái tim tàn nhẫn chỉ biết đến một sự công bằng cứng cỏi.
Thế giới hôm nay cần một trái tim tha thứ hơn bao giờ.
Những nước nghèo mong chờ được tha những món nợ lớn.
Có những mối thù cần được tha giữa các sắc tộc, quốc gia, tôn giáo…
Người Kitô hữu chúng ta giúp gì cho sự tha thứ trong thế giới hôm nay?
Cầu nguyện:
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
17 THÁNG TÁM
Sử Dụng Năng Lực Một Cách Đúng Đắn
Chúng ta sẽ thường xuyên tham chiếu đến những suy tư của Công Đồng Vatican II về tình trạng của con người trong thế giới hôm nay. Con người có một địa vị độc đáo trong công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa. Một đàng, con người được Thiên Chúa ủy trao nhiệm vụ làm chủ thế giới tạo vật. Đàng khác, trong tư cách là một thụ tạo, con người qui phục Thiên Chúa là Cha và là Đấng sáng tạo nên mình.
Ngày nay, hơn bất cứ thời nào khác, con người ý thức về tầm quan trọng của sứ mạng mình trong tư cách là người quản lý thiên nhiên. Con người phải chế ngự thiên nhiên và sử dụng thiên nhiên một cách khôn ngoan và một cách có trách nhiệm.
Tuy nhiên, có một trở lực nghiêm trọng đối với việc phát triển thế giới. Đó là tội lỗi và hậu quả xáo trộn đầy tai hại của tội lỗi. Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Vatican II nêu rõ tình trạng bi đát này: “Được Thiên Chúa thiết lập trong sự công chính, tuy nhiên, ngay từ đầu lịch sử, con người nghe theo Thần Dữ nên đã lạm dụng tự do của mình khi nổi dậy chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa” (MC 13).
Hậu quả tất nhiên của sự lạm dụng tự do này là “sự tiến bộ – tuy là một lợi ích lớn lao của con người – nhưng cũng đem theo một cám dỗ mãnh liệt. Thực vậy, khi bậc thang giá trị bị đảo lộn, khi ác và thiện lẫn lộn, thì cá nhân cũng như tập thể chỉ xét quyền lợi của mình chứ không để ý đến quyền lợi kẻ khác. Do đó, thế giới chưa phải là nơi có tình huynh đệ thật, và sự gia tăng quyền lực của con người lại đe dọa hủy diệt chính nhân loại” (MV 37).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 17/8
Gs 3, 7-10a. 11. 13-17; Mt 18, 21-19,1.
Lời Suy niệm: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”
Sau lời Tông Đồ Phêrô trình bày về sự xúc phạm của anh em đối với bản thân mình; và Phêrô đã đưa ra một phương thức tha thứ mà Phêrô cho là tốt nhất. Nhưng với Chúa Giêsu, thì sự tha thứ cho người anh em khi xúc phạm đến mình là không có giới hạn; cần phải tha thứ luôn, và sẵn sàng tha thứ. Điều này giúp chúng ta nhớ lại lời kết Chúa Giêsu dạy trong Kinh Lạy Cha: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.” (Mt 6,14-15)
Lạy Chúa Giêsu. Chúa luôn tha thứ, và dạy chúng con phải biết tha thứ cho nhau không giới hạn. Xin cho chúng con ghi sâu vào tâm khảm của mình, để sống một tinh thần bác ái và khiêm nhường với nhau, trong sự tha thứ cho nhau luôn mãi. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
17 Tháng Tám
Tiếng Thì Thầm Của Sa Mạc
Một nhà thám hiểm nọ lạc mất giữa sa mạc. Ði từ dụm cát này đến cồn cát nọ, nhìn hết hướng này sang hướng kia, nơi đâu ông cũng thấy toàn là cát với cát. Lê gót trong tuyệt vọng, tình cờ chân ông vấp phải một gốc cây khô. Ông vấp ngã và nằm vùi bên gốc cây. Ông không còn đủ sức để đứng lên, ông không còn đủ sức để chiến đấu và cũng không còn một chút hy vọng sống sót nào. Trong tư thế bất động ấy, nhà thám hiểm bỗng ý thức được sự thinh lặng của sa mạc. Bốn bề chỉ có thinh lặng. Thình lình ông ngẩng đầu lên. Trong sự thinh lặng tuyệt đối của sa mạc, ông bỗng nghe được như có tiếng thì thào yếu ớt vọng lại bên tai. Dồn tất cả sự chú ý, nhà thám hiểm mới nhận thức đó là tiếng róc rách chảy của một dòng suối từ xa vọng lại.
Như sống lại từ cõi chết, ông định hướng nơi xuất phát của tiếng suối. Rồi dùng nguồn năng lực còn sót lại, ông cố gắng lê lết cho đến khi tìm được dòng suối…
Cuộc sống có quá nhiều bận rộn và ồn ào khiến chúng ta không nghe được tiếng nói và nhận ra sự hiện diện của Chúa.
Có những ồn ào của những bận tâm thái quá cho danh vọng, cho tiền của, cho tương lai. Có những ồn ào của tham lam giành giật không đếm xỉa đến người khác. Có những ồn ào của sôi sục cừu hận, báo thù…
Có thinh lặng trong cõi lòng, chúng ta mới nghe được tiếng thì thầm mời gọi của Chúa trong từng phút giây của cuộc sống. Có thinh lặng, chúng ta mới nhận ra được tiếng Ngài qua những khóc than của không biết bao nhiêu người bất hạnh xung quanh. Có thinh lặng, chúng ta mới nghe được lời an ủi, đỡ nâng của Ngài giữa gánh nặng chồng chất của cuộc sống…
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm – Tuần 19 – TN1
Bài đọc: Jos 3:7-10a, 11, 13-17; Mt 18:21-19:1.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa ban ơn đầy đủ để con người có thể hoàn thành sứ vụ.
Có những người vì muốn bào chữa mình, nên cho Thiên Chúa bắt con người làm chuyện không thể; chẳng hạn: trở nên trọn lành, tha thứ cho kẻ thù, hay giữ các giới răn. Họ quên đi một điều Thiên Chúa dựng nên con người, Ngài biết rõ con người hoạt động làm sao và cần những gì. Nếu Thiên Chúa bắt con người Ngài làm chuyện không thể, Ngài không còn là một Thiên Chúa uy quyền và khôn ngoan nữa.
Các Bài Đọc hôm nay muốn dẫn chứng Thiên Chúa luôn ban ơn đầy đủ để con người có thể hoàn tất sứ vụ Thiên Chúa trao. Trong Bài Đọc I, sau khi ông Moses qua đời, Thiên Chúa trao cho ông Joshua sứ vụ lãnh đạo dân vào Đất Hứa. Đây là sứ vụ rất khó khăn dưới cái nhìn của con người: làm sao con cái Israel có thể giao chiến với những người bản xứ và chiếm xứ sở của họ được? Nhưng Thiên Chúa tỏ cho con cái Israel biết uy quyền và việc Ngài chọn Joshua bằng việc cho họ vượt qua sông Jordan ráo chân; biến cố này nhắc cho con cái Israel việc Ngài đã cho họ vượt qua Biển Đỏ để họ tin vào Thiên Chúa và vào ông Joshua. Trong Phúc Âm, khi Phêrô hỏi Chúa Giêsu về việc phải tha thứ cho anh/chị/em bao nhiêu lần là đủ? Chúa Giêsu trả lời phải tha thứ luôn luôn và Ngài đưa ra một dụ ngôn để dẫn chứng: con người không những có khả năng để làm việc đó, mà còn phải làm việc đó nếu muốn vào Nước Trời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa làm phép lạ cho con cái Israel vượt qua sông Jordan.
1.1/ Thiên Chúa ban ơn xứng đáng để nhà lãnh đạo có thể chu toàn sứ vụ: Đức Chúa phán với ông Joshua: “Hôm nay, Ta bắt đầu cho ngươi được nên cao trọng trước mắt toàn thể con cái Israel, để chúng biết là Ta sẽ ở với ngươi như Ta đã ở với Moses. Còn ngươi, ngươi sẽ ra lệnh này cho các tư tế khiêng Hòm Bia Giao Ước: khi đến bờ sông Jordan, các ngươi hãy đứng lại trong sông Jordan.”
Thiên Chúa biết lãnh đạo dân chúng, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn, là điều không dễ dàng; vì thế, Thiên Chúa vừa phải dọn lòng cho dân tin vào ông Joshua để họ vâng lời ông, vừa phải tỏ cho dân biết cánh tay uy quyền của Ngài luôn ở với dân, để họ có can đảm tiến vào Đất Hứa.
1.2/ Phép lạ vượt sông Jordan có thể so sánh với phép lạ trên Biển Đỏ: Được mặc khải của Thiên Chúa, ông Joshua cho gọi con cái Israel họ và nói cho họ biết những việc Thiên Chúa sắp làm: “Dựa vào điều này, anh em sẽ biết là Thiên Chúa hằng sống ngự giữa anh em và Người sẽ hoàn toàn đuổi người Canaanites, Hittites, Hivites, Perizzites, Girgashites, Amorites, và người Jebusites cho khuất mắt anh em. Này đây, Hòm Bia Giao Ước của Vị Chúa Tể toàn cõi đất sắp dẫn đầu anh em mà qua sông Jordan. Và khi bàn chân các tư tế khiêng Hòm Bia của Đức Chúa, Vị Chúa Tể toàn cõi đất, vừa đặt xuống nước sông Jordan, thì nước sông Jordan, nước mạn ngược chảy xuống, sẽ bị chặn lại và dừng lại thành một khối duy nhất.”
Giống như khi ông Moses đưa con cái Israel vượt qua Biển Đỏ, họ không có bất cứ một phương tiện hàng hải nào để vượt sông Jordan; nhưng trông cậy hoàn toàn vào cánh tay uy quyền của Thiên Chúa. Ngài muốn cho dân biết Ngài luôn ở với và bảo vệ họ qua “Hòm Bia Giao Ước.” Ông Joshua truyền lệnh cho các tư tế khiêng Hòm Bia Giao Ước dẫn đầu dân. Lúc những người khiêng Hòm Bia vừa đến sông Jordan, và chân các tư tế khiêng Hòm Bia vừa nhúng vào nước ở ven bờ, thì nước mạn ngược chảy xuống dừng lại, dựng đứng thành một khối duy nhất trong một khoảng rất dài, ở Asam là thành ở cạnh Zarethan; còn nước chảy xuống biển Arabah, tức là Biển Muối, thì bị chặn hẳn lại, và dân đã qua sông, đối diện với Jericho. Các tư tế khiêng Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa đứng yên tại chỗ, nơi đất khô cạn giữa lòng sông Jordan, trong khi toàn thể Israel qua sông trên đất khô cạn, cho đến khi toàn dân đã qua hết.
2/ Phúc Âm: Thiên Chúa ban cho con người có khả năng để tha thứ.
2.1/ Thiên Chúa tha thứ cho con người: Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” Người Việt-nam chúng ta có câu “quá tang ba bận;” tha thứ nhiều lắm cũng chỉ tới lần thứ ba là phải làm cho ra chuyện. Phêrô nghĩ có nhiều lắm thì cũng chỉ bảy lần là quá nhiều. Câu trả lời của Chúa Giêsu có nghĩa bất cứ lúc nào anh em ăn năn xin tha lỗi, chúng ta phải tha thứ hết. Câu trả lời này chắc chắn làm Phêrô và nhiều người chúng ta phải sửng sốt, vì làm sao có thể tha thứ nhiều lần như thế? Câu chuyện Chúa Giêsu đưa ra làm chúng ta phải suy nghĩ:
(1) Được tha nợ nhiều: “Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.” Nếu chúng ta thành tâm xét mình, chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ cho không biết bao nhiêu lần tội to tội nhỏ, từ ngày có trí khôn đến giờ. Nếu chúng ta đã được Thiên Chúa rộng lượng tha thứ như thế, Ngài có lý do để đòi chúng ta cũng phải tha thứ cho anh em.
(2) Nhưng lại không tha nợ ít cho tha nhân: Chúa Giêsu tiếp tục kể: “Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.” Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.” Trước tiên, chúng ta nói về số tiền nợ, 100 quan tiền chỉ là món tiền quá nhỏ so với 10,000 yến vàng. Điều này chứng minh sự keo kiệt của đương sự. Thứ đến, chúng ta xét về thái độ đối xử: y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!” Đây là một kẻ tiểu nhân mang hai mặt: khiêm nhường giả tạo trước người có quyền thế, nhưng thẳng tay đàn áp người cô thân cô thế. Sau cùng, anh là kẻ không có lòng thương cảm, anh sẵn sàng buộc tội và bỏ tù tha nhân vì một món nợ quá nhỏ bé.
2.2/ Thiên Chúa muốn con người phải tha thứ cho tha nhân: Anh làm như thế vì anh tưởng không ai biết hành động tiểu nhân anh làm; nhưng anh không ngờ Thiên Chúa có mắt. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Rồi Chúa Giêsu kết luận: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải tin vào sự khôn ngoan và uy quyền của Thiên Chúa. Khi Chúa đòi chúng ta phải làm điều gì hay trao cho chúng ta một sứ vụ, Ngài luôn ban ơn đủ để chúng ta có thể làm điều Ngài đòi hỏi hay chu toàn sứ vụ Ngài giao phó.
– Chúa biết con người chúng ta yếu đuối; nhưng sức mạnh đến từ Thiên Chúa, chứ không đến từ chúng ta. Ơn thánh của Thiên Chúa luôn hoạt động trong những yếu đuối của con người; vì như thánh Phaolô tuyên bố: khi tôi yếu đuối là lúc tôi mạnh.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************