Ngày thứ năm (19-08-2021) – Trang suy niệm

18/08/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần XX Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Tl 11, 29-39a

“Hễ người nào ra khỏi cửa nhà trước hết, tôi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu”.

Trích sách Thủ Lãnh.

Trong những ngày ấy, Thần Trí của Chúa ngự trên ông Giéphtê, ông liền đi quanh đất Galaad, Manassê, (rồi) Maspha (của) Galaad, và từ đó tiến sang đánh con cái Ammon. Ông thề hứa với Chúa rằng: “Nếu Chúa trao con cái Ammon vào tay con, thì khi con từ đất con cái Ammon trở về bình an, hễ người nào ra khỏi nhà con và đón tiếp con trước hết, con sẽ dâng nó cho Chúa làm của lễ toàn thiêu”.

Ông Giéphtê liền trẩy sang đánh con cái Ammon, Chúa đã trao chúng trong tay ông. Ông đã đánh phá hai mươi thành trong một trận ác liệt, từ Arôê đến cửa thành Mennith, và đến Abel Kêramim. Con cái Ammon bị con cái Israel hạ nhục. Khi ông Giéphtê trở về nhà ở Maspha, người con gái duy nhất ra với hội hát trống phách đón rước ông, vì ông chẳng có người con nào khác. Khi thấy đứa con gái, ông liền xé áo mình ra mà kêu lên rằng: “Con ơi, con làm khổ cha, con cũng khổ nữa, vì cha đã khấn hứa cùng Chúa, và cha không thể làm gì khác được”. Người con gái đáp: “Cha ơi, nếu cha đã khấn hứa cùng Chúa, thì cha cứ làm cho con mọi điều cha đã thề hứa, vì Chúa ban cho cha được trả thù và thắng kẻ thù của cha”. Cô lại nói với cha rằng: “Con chỉ xin cha điều này: xin cha cho con hai tháng, để con cùng các bạn con đi quanh núi đồi mà than khóc tuổi thanh xuân của con”. Người cha đáp: “Con cứ đi”. Và ông đã cho cô đi hai tháng. Khi cô ra đi làm một với bạn nghĩa thiết của cô, thì cô than khóc tuổi thanh xuân của cô trên núi đồi. Sau hai tháng, cô trở về nhà cha cô, và ông đã thi hành như ông đã thề hứa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 39, 5. 7-8a. 8b-9. 10

Đáp: Lạy Chúa, này con xin đến, để thực thi ý Chúa (c. 8a & 9a). 

Xướng:

1) Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa, không theo kẻ thờ thần tượng, không hướng về chuyện gian tà. – Đáp.

2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi hy lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. – Đáp.

3) Như trong Quyển Vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con. – Đáp.

4) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Đại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 147, 12a và 15a

Alleluia, alleluia! – Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Đấng đã sai Lời Người xuống cõi trần ai. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 22, 1-14

“Các ngươi gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: ‘Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới’. Nhưng những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán, những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: ‘Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới’. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.

Đoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: ‘Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?’ Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: ‘Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng!’ Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

19/08/2021 – THỨ NĂM TUẦN 20 TN

Th. Gio-an Ơ-đơ, linh mục

Mt 22,1-14

CHU TOÀN BỔN PHẬN

“Này bạn, làm sao bạn vào đây mà không có y phục lễ cưới ?” (Mt 22,11)

Suy niệm: Sau khi những vị khách quý trong danh sách khách mời xin kiếu, nhà vua, ông chủ tiệc cưới, đã mời những người từ các ngả đường vào thế chỗ. Thế rồi, trong đám thực khách đông đúc đó, ai cũng ở lại dự tiệc, chỉ trừ một người bị loại ra ngoài, chỉ vì anh không đáp ứng một yêu cầu theo phong tục là phải bận y phục lễ cưới. Qua dụ ngôn này, Chúa Giê-su muốn nói: Hết mọi người đều được Thiên Chúa mời gọi tham dự Tiệc Nước Trời. Tuy nhiên để tận hưởng hạnh phúc Nước Trời, khách mời phải biết hoán cải chính mình để sống theo chuẩn mực của Nước Trời.

Mời Bạn: Người La-mã có câu: “Hãy làm việc anh phải làm” (Age quod agis). Việc phải làm là việc bổn phận của mỗi người (làm cha, làm mẹ, làm vợ, làm chồng,…). ĐHY Ph. Xav. Nguyễn Văn Thuận, gọi những việc theo bổn phận (như quét nhà, rửa chén,…) tuy âm thầm, đơn điệu, lặt vặt là “giấy vào Nước Trời”. Chúng lôi kéo ta ra khỏi những suy tư viễn vông, xa vời thực tế, giúp ta thánh hóa chính mình và tha nhân, để từng ngày tiến bước trên con đường nên thánh. Rất nhiều những khó khăn vướng mắc trong gia đình, ngoài xã hội sẽ được hóa giải khi mỗi cá nhân để biết tâm làm tốt phận sự của mình.

Sống Lời Chúa: Tôi dành ưu tiên cho những việc bổn phận tôi được giao phó. Tôi chấp nhận hy sinh vất vả, thậm chí sẵn sàng chịu sỉ nhục để chu toàn việc bổn phận.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su. Chúa đã vâng phục thánh ý Chúa Cha trong mọi sự. Xin giúp con chu toàn việc bổn phận hằng ngày nhờ đó con góp phần xây dựng Nước Trời trên trần gian.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Dụ ngôn hôm nay nói về một tình yêu bị từ chối.
Chẳng có gì long trọng và tưng bừng cho bằng tiệc cưới của hoàng tử.
Tiệc cưới này do chính nhà vua khoản đãi với sự chuẩn bị chu đáo.
Vua đã mời các quan khách từ trước, và còn mời nhiều lần sau đó.
Trước những lời mời trân trọng của nhà vua, họ đã chối từ.
Thái độ của quan khách thật không sao hiểu nổi.
Họ chẳng sợ xúc phạm đến nhà vua khi coi chuyện đi buôn và chăn nuôi
quan trọng hơn chuyện dự tiệc cưới hoàng tử (c. 5).
Thậm chí có kẻ còn bắt các đầy tớ, hành hạ và giết đi (c. 6).
Những khách quý bây giờ trở thành kẻ sát nhân.
Họ sẽ phải chịu cơn thịnh nộ ghê gớm của nhà vua về sự xúc phạm đó.

Như thế tiệc cưới cho hoàng tử sẽ đi về đâu ?
Ai là người sẽ được mời tiếp theo, khi những người trước tỏ ra bất xứng ?
Nhà vua đã đưa ra một quyết định rất bất ngờ.
“Hãy đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” (c. 9).
Như thế phòng tiệc bây giờ vẫn đầy người được mời, có cả tốt lẫn xấu.

Dụ ngôn trên đây lại được kết nối với một dụ ngôn khác.
Chúng ta ngạc nhiên khi thấy nhà vua đi vào phòng tiệc
để quan sát cách ăn mặc của những vị khách đến từ đường phố (c. 11).
Có người không mặc y phục lễ cưới và đã bị trừng phạt nặng nề (c. 13).
Tại sao lại phạt anh, khi anh bất ngờ được đưa vào ăn cưới ?
Nhưng đừng quên các người khác đều mang y phục lễ cưới đầy đủ,
nên anh chẳng nói được gì để tự biện minh (c. 12).

Lịch sự với Thiên Chúa là điều ta dễ quên.
Ngài vẫn trân trọng mời ta dự tiệc chung vui với Ngài, với Con của Ngài.
“Mọi sự đã sẵn, mời quý vị đến dự tiệc cưới” (c. 4).
Đối với Ngài, sự hiện diện của chúng ta đem lại niềm vui lớn.
Khi đa số dân Do-thái, những khách quý được mời trước, từ chối Ngài,
Ngài đã không muốn phòng tiệc bị trống, tiệc cưới bị đình hoãn.
Thiên Chúa chấp nhận mở cửa phòng tiệc cho mọi người.
Họ đến từ muôn phương, có người tốt người xấu, để làm nên Giáo hội.
Giáo hội gồm những người được mời và được gọi một cách nhưng không.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần lịch sự với Thiên Chúa, người chủ tiệc,
cần mặc y phục lễ cưới một cách đàng hoàng.
Y phục ấy chính là một đời sống nghiêm túc theo giáo huấn của Đức Giêsu.

Các kitô hữu chúng ta đã được ngồi trong phòng tiệc của Thiên Chúa.
Chúng ta đã được mời và được gọi để sống trong Giáo hội,
nhưng chưa chắc chúng ta nằm trong số những người được tuyển chọn.
Số người được chọn bao giờ cũng ít hơn số người được gọi.
Để vào số những người được chọn, chúng ta phải biết trân trọng ơn ban.
Có khi chúng ta cũng coi chuyện buôn bán làm ăn của mình
quan trọng hơn những lời mời khẩn thiết đến từ Thiên Chúa.
Làm thế nào để chúng ta giữ được ơn cứu độ Chúa đang ban hôm nay?

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.

Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

19 THÁNG TÁM

Tiến Tới Một Thế Giới Có Tính Người Hơn

Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh rất rõ ràng ý nghĩa đạo đức của sự phát triển và tiến bộ của con người trong thế giới này. Công Đồng cho thấy lý tưởng đạo đức của một thế giới có tính người hơn gắn chặt với giáo huấn của Tin Mừng như thế nào.

Trong khi phân biệt rõ ràng giữa sự phát triển của thế giới và lịch sử cứu độ, các Nghị Phụ Công Đồng khảo sát mối tương quan giữa hai lãnh vực ấy: “Tuy phải phân biệt rõ rệt những tiến bộ trần thế với sự bành trướng Vương Quyền của Chúa Kitô, nhưng những tiến bộ này trở thành quan trọng đối với Nước Thiên Chúa tùy theo mức độ chúng có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội loài người cho tốt đẹp hơn. Thực vậy, sau khi đã theo mệnh lệnh Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần phổ biến trên trái đất các giá trị về nhân phẩm, về hiệp thông huynh đệ và tự do, nghĩa là mọi thành quả tốt đẹp do bản tính và hoạt động con người đem lại, chúng ta sẽ gặp lại chúng, nhưng là gặp lại sau khi chúng được thanh tẩy khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và biến đổi, nghĩa là khi Chúa Kitô giao hoàn lại Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và đại đồng: “Vương Quốc của chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và diễm phúc, vương quốc công bình, yêu thương và bình an”. Vương quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa đến” (MV 39).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 19/8

Thánh Gioan Êuđê, linh mục

Tl 11, 29-39a; Mt 22, 1-14. 

LỜI SUY NIỆM: “Này bạn, làm sao bạn vào đây, mà lại không có y phục cưới?” Người ấy câm miệng không nói được gì.

          Thiên Chúa rất yêu thương nhân loại, Ngài đã dọn sẵn mọi sự tốt lành, và hằng kêu mời con người cùng vui hưởng với Ngài trong niềm vui, một niềm vui của tiệc cưới. Trong niềm vui này con người phải có điều kiện tối thiểu, đó là phải mặc lấy áo cưới mà Ngài đã sắm sẵn. Nếu không đáp ứng điều tối thiểu này thì phải bị: “Trói chân tay nó lại, quăn nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng!” (Mt 22,13)

          Lạy Chúa Giêsu. Tất cả chúng con đều được Chúa mời gọi. Xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình biết mặc lấy y phục “Lễ Cưới” đó là Lời Chúa và các Phép Bí Tích mà Chúa đã trao ban..

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 19-08: Thánh GIOAN EUDÊ

Linh Mục (1601 – 1680)

Thánh Gioan Euđê là một trong số những người chấn hưng tôn giáo tại Pháp thời vua Luy XVI. Isaac Euđê, cha Ngài là nhà nông kiêm nghề giải phẫu tại thành Ri gần Argentan, đã có ý định trở thành linh mục, nhưng rồi lại bỏ ý định để lập gia đình. Mẹ Ngài là bà Mattha Corbin tưởng sẽ phải son sẻ. Nhưng rồi sau nhờ cầu nguyện, họ sinh được Gioan với bốn em gái và hai em trai nữa.

Gioan có tính nóng nảy, nhưng hiến mình cho Đức Trinh Nữ Maria, Ngài quyết sửa mình bằng cách ngày càng mến Mẹ hơn. Hồi 9 tuổi, có lần Ngài bị một thằng bạn vả mặt, nhớ lời Chúa Ngài đưa má kia ra: còn má này nữa, nếu muốn anh cứ vả tiếp đi. Thằng bạn ngượng ngùng và sau này đã kể lại sự kiện đó với niềm thán phục sâu xa.

15 tuổi Gioan theo học các cha dòng Tên tại Caen. Từ trong huyết quản Gioan đoan hứa dâng mình cho mẹ Thiên Chúa. Nhưng khi trở về nhà, cha mẹ nói với Ngài về việc hôn nhân. Ngài bày tỏ ước vọng với cha mẹ và phải khó khăn lắm mới được cha mẹ ưng thuận. Ngài nhập dòng giảng thuyết và năm 1625 thụ phong linh mục.

Sau ngày thụ phong, Gioan phục vụ giáo xứ ở Aubervilliers. Hai năm sau, một cơn dịch xảy tới tàn phá giáo phận Sees. Các bệnh nhân bị những người khác bỏ mặc và trốn chạy. Gioan chỉ muốn bay tới để giúp đỡ họ. Trong suốt hai tháng trời, Ngài hết mình phục vụ. Khi cơn dịch hạ giảm, Ngài thực hiện sứ vụ tại Caen. Nhưng cơn dịch chưa dứt mà chỉ dời chỗ. Lần này cơn dịch tràn tới Caen. Gioan lại tận tâm quên mình phục vụ. Không có gì làm cho Ngài sợ hãi cả. Nhưng dân chúng lại sợ Ngài truyền bệnh. Bởi đó Ngài bị giam mình trong một cái thùng để ở ngoài đồng ruộng, khiến lúc đó cánh đồng được gọi là “cánh đồng của thánh nhân”. Các nữ tu thương hại Ngài ngày ngày mang của ăn đến cho Ngài. Ngài trở về dòng hiến mình phục vụ hai tu sĩ và bề trên sắp chết vì bệnh dịch. Cuối cùng, cơn dịch tan biến, nhưng Gioan lên cơn sốt, dân chúng khẩn cầu tha thiết cho Ngài được chữa lành và niềm vui thật lớn lao khi người “Samaritanô nhân hậu” tái xuất hiện.

Bây giờ bắt đầu công trình rao giảng và truyền giáo của Ngài. Ngài chống lại lạc thuyết Calvinô, những kinh hoàng của cuộc nội chiến, sự dốt nát của hàng giáo sĩ, những tật xấu của các tín hữu. Chúng ta có thể đo lường hoạt động của một vị thánh như thế nào: 15 ngàn người chen lấn nghe thánh nhân giảng, các tội nhân sám hối và để được xưng tội, họ phải chờ 4 hay 5 ngày mới đến lượt. Trong khi để tiết kiệm thì giờ của họ. Ngài chỉ dùng vài miếng bánh để dưỡng sức. Các thói tục ngoại giáo biến dạng. Ở Autun, cuộc rước Trinh nữ thay thế cho những gương mù ngày Mi-Careme (thứ 5 tuần III mùa chay). Ở Meaux dân chúng mang các sách đồi trụy đến công trường để đốt bỏ.

Cha Gioan Euđê đã giảng thuyết khắp vùng Normandie Bretagne, tới tận Saint Etienne. Tại Paris, cha sở thánh thiện của Saint – Sulpice, M.Olier, đã tổ chức cho Ngài 5 kỳ giảng thuyết. Ngài danh tiếng đến nỗi có 10 giám mục hiện diện. Ở Saint Germain-Laye, vua và hoàng hậu đến ngồi vào ghế thính giả. Cha Gioan Euđê thuyết giảng lần cuối cùng tại Sain-Lô.

Suốt 40 năm, cha Gioan đi rao giảng đó đây. Nhưng việc rao giảng chỉ là một phần hoạt động của Ngài. Nhận thấy hàng giáo sĩ không được đào tạo đầy đủ, Ngài từ giã dòng giảng thuyết năm 1643, để lập hội dòng Chúa Giêsu và Đức Maria lo việc tổ chức các chủng viện. Theo lời đề nghị của Đức Hồng Y Richelieu, Ngài lập đại chủng viện ở Caen rồi sau này ở Lisieux, Rouen, Eureux và Renner. Đàng khác Ngài rất thương cảm các thiếu nữ bất hạnh hoàn lương, năm 641 Ngài đã lập dòng Chúa chiên lành để săn sóc họ.

Giữa bao nhiêu công chuyện, ước mơ lớn nhất của thánh Gioan Eusê là phổ biến lòng tôn sùng Thánh Tâm, Ngài là người khởi xướng, viết sách và các thánh thi ca tụng Thánh Tâm. Đây là nỗ lực chống lại chủ trương sai lầm của thuyết Giansêniô.

Ngày 19 tháng năm 1680, thánh Gioan Euđê từ trần, Ngài được phong chân phước năm 1925 được tôn phong hiển thánh.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

19 Tháng Tám

Hãy Nhìn Lên Cao

Dạo cuối tháng 4/1990, ở cao độ 620 cây số trên biển Thái Bình Dương, cánh tay dài 12 thước của người máy từ phi thuyền con thoi Discover đã đưa ống thiên văn Hubble rời xa phi thuyền để đi vào quỹ đạo không gian, bắt đầu một cuộc hành trình quan sát vũ trụ được dự trù kéo dài trong suốt 15 năm, mở đầu cho một kỷ nguyên mới trong ngành thiên văn học.

Do nhu cầu tìm hiểu vũ trụ, kính thiên văn đã được ra đời cách đây khoảng 380 năm. Nhờ kính thiên văn, các nhà thiên văn học mới có thể quan sát một cách chi tiết những thiên thể ở gần trái đất và từ đó đưa ra những định lý căn bản cho ngành thiên văn học. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, đặc biệt là những máy điện toán, những kính thiên văn ngày càng được cải tiến về kỹ thuật cũng như kích thước để gia tăng khả năng quan sát. Hai kính thiên văn có đường kính lớn nhất hiện nay được đặt trên đỉnh núi Palomar và Caucasus. Nhưng dù được cải tiến cách mấy đi nữa, khoảng cách quan sát và mức độ phân giải của kính thiên văn đặt trên mặt đất vẫn còn bị giới hạn, vì ánh sáng từ các thiên thể trước khi đến mặt đất đã bị ngăn cản và tản xạ nhiều bởi lớp khí quyển bao quanh trái đất.

Ý tưởng về kính thiên văn đặt ngoài không gian đã được đề cập đến năm 1923, nhưng mãi đến năm 1981, ý tưởng này mới được thực hiện với một kinh phí khổng lồ là 1 tỷ rưỡi Mỹ kim. Kính thiên văn đặt ngoài không gian trái đất này mang tên khoa học gia Hoa Kỳ Edwin Hubble, một trong những tài năng lỗi lạc nhất trong ngành thiên văn học.

Sự ra đời của kính thiên văn Hubble có thể so sánh với sự ra đời của kính thiên văn đầu tiên của Galilêô vào năm 1609: đây là bước tiến quan trọng trong ngành thiên văn học, nó giúp con người tiến đến gần chân lý hơn trên con đường tìm hiểu vũ trụ.

Càng lên cao, con người mới nhìn xa thấy rộng. Càng ra khỏi mặt đất, càng lên cao trên không gian, nhãn giới của chúng ta càng mở rộng. Cũng giống như ống kính thiên văn Hubble, người Kitô hữu cũng được trang bị bằng cái nhìn từ trên cao. Nhờ cái nhìn ấy, chúng ta nhìn thấy được ý nghĩa của cuộc sống, chúng ta biết được đâu là nguồn gốc và cùng đích của chúng ta. Nhờ cái nhìn ấy, chúng ta có thể nhìn thấy dấu vết của một tình yêu luôn hiện diện và tác động trong lịch sử nhân loại và của từng người.

Khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc tử nạn của Ngài, Phêrô kéo Ngài lại và can gián Ngài. Chúa Giêsu đã quở trách ông: “Hãy lui ra đằng sau ta hỡi Satan. Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta, bởi vì cái nhìn của ngươi không phải là cái nhìn của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

Lắm lúc chúng ta cũng khước từ cái nhìn trên cao của Thiên Chúa để chỉ nhìn vào cái biến cố bằng cái nhìn trần tục của chúng ta. Với cái nhìn trần tục, chúng ta chỉ thấy màu đen của thất bại, chết chóc, thất vọng, buồn thảm. Nhưng với cái nhìn của Chúa, sự yếu đuối sẽ trở thành sức mạnh, mất mát sẽ trở thành lợi lộc, khờ dại sẽ trở thành khôn ngoan. Trong cái nhìn của Chúa, chúng ta sẽ chỉ thấy ánh sáng, hy vọng, tin tưởng, lạc quan.

Thánh Phaolô đã khuyên chúng ta: “Hãy yêu thích những sự trên trời”. Hãy mặc lấy cái nhìn từ trên cao. Hãy luôn sống và hành động bằng những tâm tình của chính Chúa Giêsu.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm – Tuần 20 – TN1 – Năm lẻ.

Bài đọc: Judg 11:29-39a; Mt 22:1-14.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trung tín giữ những gì đã thề hứa.

Con người ngày nay tìm đủ mọi lý do để không phải giữ những gì mình đã thề hứa: tại không biết những gì sẽ xảy ra, tại hoàn cảnh khó khăn, tại đương sự, tại gia đình … Nhưng người quân tử là người giữ những lời mình đã thề hứa: “nhất ngôn xuất khẩu, tứ mã nan truy,” có nghĩa: một lời nói ra khỏi miệng, bốn con ngựa chạy theo cũng không đuổi kịp. Để giữ những gì mình thề hứa, con người cần có nhân đức anh hùng để vượt qua mọi trở ngại ngăn cản thi hành lời hứa.

Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng hai sự thật trái ngược nhau. Trong Bài Đọc I, Sách Thủ Lãnh tường thuật sự trung tín và lòng can đảm của ông Jephthah, khi ông dám sát tế đứa con gái duy nhất để giữ trọn lời ông đã thề hứa với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, nhà vua tức giận vì các khách được mời dự tiệc đã không giữ lời hứa đến dự tiệc, nên đã sai các đầy tớ đi tru diệt các khách được mời, và sai các đầy tớ đi khắp các nẻo đường để mời mọi người vào tham dự tiệc cưới của con mình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ông Jephthah giữ lời đã khấn hứa với Đức Chúa.

1.1/ Lời khấn kỳ lạ của ông Jephthah với Đức Chúa: Thủ Lãnh Jephthah khấn hứa với Đức Chúa rằng: “Nếu Ngài trao con cái Ammon vào tay con, thì – khi con đã thắng con cái Ammon mà trở về bình an – hễ người nào ra khỏi cửa nhà con để đón con, người đó sẽ thuộc về Đức Chúa, và con sẽ dâng nó làm lễ toàn thiêu.” Ông Jephthah qua bên con cái Ammon để giao chiến với chúng, và Đức Chúa đã trao chúng vào tay ông. Ông đánh chúng tơi bời từ Aroer cho tới gần Minnith, tất cả là hai mươi thành, và cho tới Abelkeramim. Thật là một cuộc đại bại: con cái Ammon bị hạ nhục trước mặt con cái Israel.

1.2/ Ông Jephthah giết con gái để giữ trọn lời thề.

(1) Ông Jephthah không ngờ hậu quả của lời hứa: Khi ông Jephthah trở về nhà ông tại Mizpah, thì này con gái ông ra đón ông, vừa đánh trống vừa nhảy múa. Cô là con gái độc nhất của ông: ngoài cô ra, ông không có con trai con gái nào khác. Thoạt nhìn thấy cô, ông liền xé áo và nói: “Ôi, con gái của cha, thật con làm khổ cha rồi! Chính con lại ở trong số những kẻ gây bất hạnh cho cha! Cha đã trót mở miệng khấn hứa cùng Đức Chúa và không thể rút lại được.” Thiên Chúa muốn thử đức tin của Thủ Lãnh Jephthah: thật là dễ dàng khi phải hy sinh người dưng nước lã, nhưng thật khó biết bao khi phải hy sinh máu mủ ruột thịt của mình, đưa con độc nhất mà ông có.

(2) Sự anh hùng của cô con gái: Đây là lời thề hứa của cha cô, cô có thể từ chối không cộng tác để cha thi hành lời hứa; nhưng cô là người biết kính sợ Thiên Chúa, nên cô đã anh hùng thưa với cha: “Thưa cha, cha đã trót mở miệng khấn hứa cùng Đức Chúa, thì cha cứ thi hành cho con như lời cha đã khấn hứa, vì Đức Chúa đã cho cha trả thù được con cái Ammon, kẻ thù của cha.”

Cô chỉ xin cha cô một điều: “Xin cha cho con điều này là hoãn cho con hai tháng để con đi lang thang trên các núi đồi, mà khóc cho đời con gái của con cùng với các bạn con.” Ông nói: “Con cứ đi,” và ông để cho cô đi hai tháng. Cô ra đi cùng với các bạn, khóc cho đời con gái của cô trên các núi đồi. Sau hai tháng, cô trở về với cha, và ông thi hành cho cô lời ông đã khấn hứa. Cô chưa biết đến việc vợ chồng.

Hành động anh hùng của cô đã nên gương sáng cho con cái Israel; mỗi năm, họ đều dành ngày này để kính nhớ cô, và đã thành một tục lệ trong Israel.

2/ Phúc Âm: Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.

2.1/ Dân chúng không đáp trả lời mời của Đức Vua: Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!”

Theo truyền thống Do-thái, người ta có thói quen đi đến tất cả nhà các người quen để mời đến dự tiệc, chủ nhà sẽ báo cho các quan khách biết lý do, nơi chốn, và ngày giờ dự tiệc. Khi đã biết bao nhiêu người đến dự tiệc, chủ nhà sẽ chuẩn bị cho phần ăn cho bấy nhiêu người; rồi sai các đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời đến dự tiệc.

Nhà vua tức giận vì quan khách đã không giữ lời hứa. Họ chẳng những không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn; còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng.

2.2/ Quyết định của vua: Rồi nhà vua bảo đầy tớ: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.” Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

(1) Người không chịu mặc y phục lễ cưới: “Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.”

Nhiều người thắc mắc không hiểu lý do tại sao nhà vua bắt khách qua đường tham dự phải mặc y phục lễ cưới. Một người có thể trả lời ngược lại: tại sao bao khách qua đường khác lại có thời gian mặc y phục lễ cưới! Điều Chúa Giêsu có lẽ muốn nhấn mạnh ở đây là phải có những điều kiện tối thiểu để được vào Nước Trời, chứ không phải ai cũng vào được.

(2) Áp dụng của dụ ngôn: Nhiều nhà chú giải áp dụng dụ ngôn này cho người Do-thái: Họ là những quan khách được mời trước; khách gặp các nẻo đường là người Dân Ngoại. Vì người Do-thái từ chối không tham dự tiệc cưới Người Con của Thiên Chúa là Đức Kitô; nên ơn cứu độ của Thiên Chúa được mở rộng đến mọi người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải suy xét cẩn thận trước khi thề hứa bất cứ điều gì với Thiên Chúa: trong đời sống thánh hiến hay trong đời sống gia đình. Chúa muốn chúng ta trung thành với điều chúng ta đã khấn nguyện.

– Chúng ta chắc chắn sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn và trở ngại, nhưng chúng ta phải cố gắng vượt qua, và Thiên Chúa ban ơn thánh đủ để chúng ta có thể giữ trọn vẹn lời thề.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************