Ngày thứ năm (19-11-2020) – Trang suy niệm

18/11/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần XXXIII Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I:     Kh 5, 1-10

“Chiên con đã bị sát tế và đã lấy máu mình mà cứu chuộc chúng tôi thuộc mọi nước”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã thấy nơi tay hữu Đấng ngự trên ngai một cuốn sách viết cả trong lẫn ngoài, có ấn niêm phong. Và tôi thấy một thiên thần hùng dũng lớn tiếng tuyên bố rằng: “Ai xứng đáng mở sách và tháo ấn?” Nhưng cả trên trời, dưới đất và trong lòng đất không ai có thể mở và đọc sách ấy. Tôi khóc lớn tiếng vì chẳng có ai xứng đáng mở và đọc sách ấy. Rồi một trong các trưởng lão nói với tôi rằng: “Thôi đừng khóc nữa, này đây sư tử của chi tộc Giuđa, dòng dõi của Đavít đã toàn thắng, chính Người sẽ mở sách và tháo bảy ấn niêm phong”.

Tôi đây cũng trông thấy khoảng giữa ngai và bốn con vật cùng các trưởng lão, có một Chiên Con đang đứng như đã bị sát tế, có bảy sừng và bảy mắt: tức là bảy thần linh của Thiên Chúa được sai đi khắp địa cầu. Chiên Con tiến đến lấy cuốn sách nơi tay hữu Đấng ngự trên ngai. Khi Chiên Con vừa cầm sách, thì bốn con vật phủ phục trước Chiên Con, cả hai mươi bốn trưởng lão cũng làm như thế, mỗi người mang đàn huyền cầm và chén vàng đầy hương thơm, tức là lời cầu nguyện của các thánh. Họ hát một bài ca mới rằng:

“Lạy Ngài, Ngài đáng lãnh sách và tháo ấn, vì Ngài đã chịu chết và đã lấy máu Ngài mà cứu chuộc chúng con thuộc mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân và mọi nước, về cho Thiên Chúa. Ngài đã làm chúng con trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa; và chúng con sẽ được cai trị địa cầu”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 149, 1-2. 3-4. 5-6a và 9b

A+B: Ngài đã làm cho chúng tôi trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa (Kh 5, 10).

  1. A) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới; hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Đấng tạo tác bản thân; con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. – Đáp.
  2. B) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người; hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. – Đáp.
  3. A) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Đó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. – Đáp.

A+B: Ngài đã làm cho chúng tôi trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa (Kh 5, 10).

ALLELUIA: x. Cv 16, 14b – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời Con Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 19, 41-44

“Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: “Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

19/11/2020 – THỨ NĂM TUẦN 33 TN

Lc 19,41-44

NHẬN RA DẤU CHỈ BÌNH AN

“Phải chi ngày hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi!” (Lc 19,42)

Suy niệm: Hòa bình là khát vọng của con người và cũng là quyết sách của Thiên Chúa. Đấng Cứu Thế được các tiên tri tiên báo là Hoàng tử Hòa Bình, Vị Vua Thái Bình đến đem lại cảnh thái bình an lạc cho trăm họ. Sứ mệnh đó được xác nhận khi Chúa Giê-su sinh ra, các thiên thần ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa yêu thương.” Chúa Giê-su  mang đến cho trần gian một nền hòa bình vĩnh cửu. Thù hận, ghen ghét hết những mầm giống của chiến tranh đã bị Ngài lên án và đóng đinh vào thập giá. Chúa đã hiến thân chịu chết để tuôn đổ vào con tim mỗi người dòng máu tình yêu không biên giới, kết nối mọi người trong Thiên Chúa, để hết thảy trở nên anh em chị em. Đấng đem lại phúc bình an đã bị đồng bào của mình chối từ. Họ không nhận ra nơi Ngài những gì đem lại bình an cho họ.

Mời Bạn: Chiến tranh, bạo lực, biểu tình, cướp bóc lừa đảo đầy dẫy trên mạng, trong xã hội, ở khắp nơi ngay cả những nước xưa nay vốn thanh bình yên ổn. Cơn bão văn hóa sự chết đang hình thành trong mọi ngõ ngách tâm hồn và cuộc sống con người. Chúng ta được mời để xây dựng hòa bình theo giáo huấn và mẫu gương sống động của Chúa Giê-su. Không chỉ là biết trên lý thuyết nhưng mỗi người phải để ơn Chúa thấm nhập và biến đổi con tim của mình.

Sống Lời Chúa: Là người đem bình an, tôi quyết tâm “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem tha thứ vào chốn lỗi lầm.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong mọi hoàn cảnh ở đời, xin cho con biết nói ‘không’ với bạo lực và thù hận. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Khi Đức Giêsu đến gần Giêrusalem,
nhiều người nghĩ rằng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện rồi.
Họ cho rằng khi Ngài tiến vào thành thánh lẫm liệt như một vị vua,
Nước ấy sẽ bừng tỏa trọn vẹn trên đoàn dân của Thiên Chúa (c. 11).
Thật ra Nước Thiên Chúa không đến nhanh như họ nghĩ.
Đức Giêsu còn phải chịu đau khổ, chết, rồi được phục sinh.
Sau đó Giáo Hội còn phải chờ một thời gian dài
trước khi Nước Thiên Chúa đến cách viên mãn qua việc Ngài trở lại.
Thời gian của Giáo Hội là thời gian đợi chờ,
thời gian lo làm ăn sinh lợi với những gì Chúa tặng ban.
Đó chính là ý nghĩa của dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay.

 Một nhà quý tộc kia đi xa để lãnh nhận vương quyền.
Trước khi đi ông gọi mười người đầy tớ lại,
và trao cho họ mỗi người một số tiền không lớn lắm, là một đồng mina.
Ông ra lệnh: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến” (c. 13).
Khi nhà quý tộc trở về trong tư cách là vua,
ông truyền gọi các đầy tớ lại để họ báo cáo về công việc làm ăn.
Hai người đầy tớ đầu tiên đã sinh lợi không ít.
Một người được lời thêm mười đồng, người kia được thêm năm đồng.
Cả hai được vua ban thưởng rất trọng hậu, cho cai trị các thành phố.
Còn người thứ ba trả lại cho nhà vua đồng mina anh đã nhận.
“Thưa Ngài, đồng mina của Ngài đây, tôi đã giữ kỹ nó trong khăn.”
Tất cả tội của người đầy tớ này nằm ở thái độ giữ kỹ.
Giữ kỹ thì chẳng mất gì, vẫn còn nguyên vẹn.
Nhưng giữ kỹ lại không thể làm cho đồng tiền sinh lời.
Hơn nữa, giữ kỹ là không vâng lời ông chủ trước khi đi: “Hãy lo làm ăn!”
Người đầy tớ sợ ông chủ, vì ông là người nghiêm khắc (c. 21).
Chính vì sợ làm ăn thua lỗ, sợ bị ông chủ trừng phạt
mà anh chọn thái độ chắc ăn là giữ kỹ đồng vốn trong khăn.
Thái độ này không được ông chủ, nay trở thành nhà vua, chấp nhận.
“Tại sao anh không gửi tiền của tôi vào ngân hàng,
để khi trở về, tôi mới rút được cả vốn lẫn lời chứ ?” (c. 23).
Ý của chủ là đồng tiền cần phải được đầu tư để sinh lời.
Nỗi sợ đã làm cho anh đầy tớ mất đi sự liều lĩnh cần thiết.

Bài Tin Mừng nhắc các Kitô hữu một điều cần.
Giữ kỹ, giữ nguyên những gì Chúa ban vẫn chỉ là một thái độ tiêu cực.
Kitô hữu là người tích cực sử dụng đồng vốn nhận được để sinh lời.
Ra khỏi thái độ rụt rè, sợ hãi, để dám nghĩ, dám làm việc lớn cho Chúa,
đó mới là thái độ đúng đắn của người Kitô hữu có trách nhiệm.
Nếu không liều lĩnh trong những dự tính và hành động,
nhiều nén bạc Chúa ban sẽ bị bỏ quên mãi trong khăn.
Ông chủ trong dụ ngôn thật ra không phải là người ham lời.
Ông chỉ muốn các đầy tớ trung tín trong việc rất nhỏ (c. 17).
Nhờ dấn thân làm việc cho Nước Chúa mà người Kitô hữu được lớn lên.

 Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.

Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

19 THÁNG MƯỜI MỘT

Tiếng Gọi Chung Thủy

Được sinh ra từ tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa, hôn nhân tìm thấy luật nền tảng và giá trị luân lý của nó trong một tình yêu đích thực giữa hai người. Cả vợ và chồng đều hoàn toàn dấn thân để nâng đỡ nhau. Và xuất phát từ khát vọng chung của hai người muốn sống trung thành với tình yêu của Thiên Chúa – là Đấng Sáng Tạo và là Cha của mình – họ sinh ra sự sống mới. Sứ mạng mà họ lãnh nhận từ Thiên Chúa này đòi hỏi họ phải có một sự dấn thân triệt để hơn nữa và một ý thức cao vượt hơn nữa về những trách nhiệm của họ trong tư cách là con người và là Kitôhữu.

Họ phải không ngừng tìm cách tận dụng các ân sủng tuôn chảy từ Bí Tích Hôn Nhân. Ân sủng bí tích này thật cần thiết để giúp họ đương đầu với những thách đố của bao khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Các đôi vợ chồng Kitôhữu tìm thấy ánh sáng và sức mạnh để giải quyết những vấn đề riêng của họ nhờ ân sủng này. Họ có thể sống triệt để một tình yêu đích thực và phổ quát – trước hết đó là tình yêu hướng về Thiên Chúa, vì họ phải khao khát vinh quang của Ngài và nhiệt tình mở rộng Nước Ngài; thứ hai, đó là tình yêu hướng về con cái họ trong ánh sáng của nguyên tắc Thánh Phao-lô: “Tình yêu không tìm ích lợi cho riêng mình” (1Cr 13,5); và cuối cùng, đó là tình yêu hướng về nhau trong đó người này tìm cách phục vụ người kia và hiểu được những tâm tư nguyện vọng tốt lành của người kia. Ở đây không có sự độc đoán hay ích kỷ chen vào trong ý hướng. Không, ở đây chỉ có một tình yêu trọn vẹn và phổ quát.

Điều này giải thích tại sao linh đạo vợ chồng đòi hỏi một nỗ lực triệt để về luân lý và sự thánh thiện suốt đời. Nó phải được nuôi dưỡng bởi những niềm vui và những hy sinh trong đời sống hằng ngày.

Những người vợ và chồng, anh chị em đừng cảm thấy cô đơn trong sự dấn thân của anh chị em cho các mục đích nói trên. Thật vậy, Công Đồng nhắc anh chị em rằng “Hôn Phu của Giáo Hội đến gặp gỡ các đôi vợ chồng Kitôhữu qua Bí Tích Hôn Phối. Ngài vẫn ở với họ để – như Ngài đã yêu thương Giáo Hội và hiến mình cho Giáo Hội – họ cũng yêu thương nhau bằng một tình yêu chung thủy” (MV 48). Anh chị em hãy sống tình yêu chung thủy ấy, sự chung thủy được nâng đỡ bởi chính tình yêu của Chúa Kitô.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 19/11

Kh 5, 1-10; Lc 19, 41-44.

LỜI SUY NIỆM:  “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được”

          Đứng trước Đền Thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu, đã thương khóc, vì Người đang đem lại sự bình an cho dân thành, nhưng dân thành lại muốn chiến tranh; và Đền Thờ rồi đây sẽ bị phá đổ, không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Họ đã không đón nhận Người; mà còn âm mưu loại bỏ, giết hại Người. Không những chỉ thương khóc mà Người còn vào trong Đền Thờ dọn dẹp ngăn nắp lại và tiếp tục giảng dạy, mặc cho các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người.

          Lay Chúa Giêsu, Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, luôn biết dọn dẹp tâm hồn mình lại bằng các Phép Bí Tích và luôn can đảm, không hổ thẹn vì thuộc về Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

19 Tháng Mười Một

Một Lỗ Nhỏ Trên Vách Tường

Tại một trung tâm bài phung nọ, đa số các nạn nhân đều buồn chán vì cảm thấy bị bỏ rơi và bị mọi người xa lánh. Tuy nhiên, có một người vẫn còn biết cười và vẫn tiếp tục tạ ơn khi được giúp đỡ.

Vị nữ tu coi sóc trung tâm muốn tìm hiểu đâu là nguyên nhân của phép lạ này. Sau nhiều ngày theo dõi, vị nữ tu mới khám phá rằng, xuyên qua một lỗ nhỏ trên vách tường ngăn cách trung tâm với thế giới bên ngoài, ngày ngày có một người đàn bà đến nhìn vào và mỉm cười rất trìu mến. Ðó là tất cả sức mạnh và niềm hy vọng của người đàn ông xấu số. Mỗi ngày, ông chờ đợi nụ cười ấy. Khuôn mặt của người đàn bà chỉ chợt xuất hiện, mỉm cười và biến mất. Người đàn ông duy nhất còn biết cười trong trung tâm bài phung đó đã giải thích cho vị nữ tu như sau:

“Người đàn bà ấy chính là vợ tôi. Trước khi tôi đến đây, nàng đã tìm đủ mọi cách để chữa chạy tôi. Mỗi ngày, nàng lau sạch một khoảng nhỏ trên khuôn mặt tôi và đặt lên đó một cái hôn… Nhưng cuối cùng, nàng không thể giữ tôi lâu hơn. Người ta đã đến đưa tôi vào trung tâm này.

Nhưng vợ tôi đã không bỏ tôi. Mỗi ngày, nàng đến nhìn qua lỗ hỏng của vách tường và mỉm cười với tôi. Nhờ nàng, tôi biết rằng tôi vẫn còn sống. Nhờ nàng, tôi vẫn còn muốn sống…”.

Tình yêu mạnh hơn sự chết. Tình yêu đã làm cho người vợ không nhìn người chồng xấu số như một con người đáng xa lánh. Tình yêu của người vợ đã đem lại sức mạnh và niềm vui sống cho người chồng… Nhu cầu căn bản nhất của con người là yêu và được yêu. Bất cứ ai cũng cần đến tình yêu và muốn thể hiện tình yêu… Bạn có biết rằng có bao người đang cần một nghĩa cử, một nụ cười, một ánh mắt cảm thông của bạn không?

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm Tuần 33 TN2

Bài đọc: Rev 5:1-10; Lk 19:41-44.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khóc!

Con người khóc vì nhiều lý do: (1) Vì tiếc, vì không đạt được điều mình muốn: Em bé muốn xem tivi; bố mẹ bắt vào đi ngủ. (2) Vì thương, thân nhân và bạn hữu khóc thương người chết; vì họ không còn được sống nữa. (3) Vì tội nghiệp, khi thấy một người chịu quá nhiều đau khổ, nhất là chịu đau khổ cho mình. (4) Vì vui sướng, khi nhìn thấy kết quả vinh quang sau khi đã trải qua bao hy sinh gian khổ để đạt được (cầu thủ TVH khi đạt huy chương vàng). Trong Bài đọc I, Thánh Gioan khóc nức nở vì sợ không đạt được ý muốn. Ngài muốn biết những gì trong Cuộn Sách, vì nó liên quan đến lịch sử của nhân lọai sắp xảy ra; nhưng không tìm được ai xứng đáng để mở 7 ấn niêm phong của Cuộn Sách. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khóc vì tội nghiệp cho dân Thành Giêrusalem, vì họ không nhận ra ý nghĩa và mục đích sự thăm viếng của Ngài. Chúa cũng khóc vì Ngài biết Thành sẽ bị phá hủy bình địa (70 AD), và dân Thành sẽ tan tác như chiên không người chăn.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thị kiến Cuộn Sách và 7 ấn niêm phong

“Tôi thấy trong tay hữu Đấng ngự trên ngai một Cuộn Sách viết cả trong lẫn ngoài, được niêm bảy ấn. Rồi tôi thấy một thiên thần dũng mãnh lớn tiếng công bố: “Ai xứng đáng mở cuốn sách và tháo ấn niêm phong?” Nhưng không ai ở trên trời, dưới đất hay trong lòng đất, có thể mở Cuộn Sách và nhìn vào đó.”

– Cuộn Sách chứa đựng ý muốn kỳ diệu của Thiên Chúa liên quan đến mọi biến cố sẽ xảy ra trong thời kỳ sau hết như đã nói từ ban đầu (x/c Rev 1:9). Nội dung của Cuộn Sách có những gì? Có nhiều ý kiến khác nhau; nhưng đa số các học giả đồng ý nội dung của Cuộn Sách là những gì được viết trong (Rev 6:1-8:1).

– Gioan khóc nức nở, vì không ai được coi là xứng đáng mở cuốn sách và nhìn vào đó. Nếu không ai mở Cuộn Sách, làm sao con người biết được những gì sẽ xảy ra? Gioan muốn biết, đó là lý do tại sao ông khóc.

– Một trong các vị Kỳ Mục bảo tôi: “Đừng khóc nữa! Này đây, Sư Tử xuất thân từ chi tộc Giuđa, Chồi Non của Đavít đã chiến thắng, Người sẽ mở cuốn sách và bảy ấn niêm phong.” Truyền thống Do-Thái tin Đấng Thiên Sai sẽ xuất thân từ chi tộc Giuđa và là chồi non của Nhà Đavít.

– “Con Chiên, trông như thể đã bị giết; Chiên đó có bảy sừng và bảy mắt, tức là bảy thần khí của Thiên Chúa đã được sai đi khắp mặt đất. Con Chiên đến lãnh cuốn sách từ tay hữu Đấng ngự trên ngai.” Con Chiên là danh hiệu chính thức của Đức Kitô, được dùng 28 lần trong Sách Khải Huyền. Ngài được gọi là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (Jn 1:29).

– Khi Con Chiên đã lãnh cuốn sách từ tay của Đấng ngự trên Ngai, thì bốn Con Vật và 24 vị Kỳ Mục phủ phục xuống trước mặt Con Chiên, mỗi vị tay cầm đàn, tay nâng chén vàng đầy hương thơm, tức là những lời cầu nguyện của dân thánh.

– Các vị hát một bài ca mới: Bài ca mới tương xứng với tên mới được tặng cho Người chiến thắng, cho Jerusalem mới, cho trời mới đất mới, và cho vũ trụ được đổi mới.

– Ngài xứng đáng lãnh nhận Cuộn Sách và mở ấn niêm phong, vì Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa: Bằng Cuộc Thương Khó, cái chết, và sự Phục Sinh vinh hiển, Đức Kitô đã bắt đầu một vương quốc mới cho Thiên Chúa.

– Muôn người thuộc mọi chi tộcngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân: 4 danh từ này có ý nói tất cả mọi dân tộc trên địa cầu. Sách Khải Huyền giới hạn trong vòng các Kitô hữu trên địa cầu, những người đã đáp trả lời mời gọi và tháp tùng Con Chiên mà thôi.

– Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ sẽ làm chủ mặt đất này: Những người đi theo Con Chiên là dân của Con Chiên, họ trở thành những tư tế để ca ngợi và phụng thờ Thiên Chúa; và cùng với Con Chiên, họ sẽ làm chủ mặt đất.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu khóc thương Thành Jerusalem.

2.1/ Chúa Giêsu khóc: Mang thân xác con người, Chúa Giêsu có đầy đủ cảm xúc như một con người. Tin Mừng đã tường thuật 2 lần Chúa khóc:

(1) Vì thương Thành Jerusalem như trình thuật hôm nay (Lk 19:41). Trong Cuộc Thương Khó, chặng thứ 8 của 14 Đàng Thánh Giá, Chúa Giêsu đứng lại yên ủi dân Thành Jerusalem vì họ khóc thương Ngài. Chúa Giêsu yên ủi họ: “Đừng khóc thương Ta, nhưng hãy khóc thương các ngươi và con cháu của các ngươi” (Lk 23:28). Chúa Giêsu biết rõ mục đích tại sao Ngài chịu đau khổ, nhưng dân Thành không biết. Điều có lẽ Chúa muốn nhấn mạnh cho họ biết ở đây là họ hãy khóc thương cho chính họ và cho con cháu của họ; vì tội lỗi của họ và con cháu mà Chúa đã phải gánh lấy Cuộc Thương Khó mà Ngài đang chịu.

(2) Vì tiếc thương Lazarô (Jn 11:35)? Nhiều người tin Chúa khóc vì thương Lazarô không còn sống nữa; nhưng suy nghĩ này cần được xét lại vì không có căn bản vững chắc. Có lẽ việc ông đừng trở lại thế gian có lẽ hạnh phúc cho ông hơn vì ít lâu nữa ông sẽ cùng được chung phần vinh quang với Chúa, và kẻ thù không có lý do để giết Chúa Giêsu. Ngài khóc là vì thấy sự chết gây đau khổ cho con người. Ngài muốn Mary và mọi người hiểu: “Ai sống và tin vào Ngài, sẽ không chết bao giờ” (Jn 11:25). Nếu ai cũng hiểu như thế, cái chết sẽ là một niềm vui.

2.2/ Hai lý do tại sao Chúa khóc:

(1) Vì dân Thành Jerusalem không nhận ra Chúa: Khỏang lưng chừng Đồi Olive, ngày nay có một nguyện đường gọi là Nguyện Đường Chúa Khóc. Truyền thống tin chính tại đây, Chúa Giêsu đã nhìn thấy tòan bộ Đền Thánh Jerusalem và sự huy hòang của nó, và Ngài đã khóc vì thương dân Thành. Lý do Ngài khóc vì tội nghiệp họ đã không nhận ra Đấng đem bình an: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất mắt ngươi không thấy được.” Nguyên ngữ Jerusalem ghép bởi 2 chữ: động từ yrw, có nghĩa là “thiết lập,” và danh từ salem, có nghĩa là “bình an.” Chúa Giêsu là Đấng từ Trời xuống thiết lập bình an và chính Ngài đang ở giữa họ; nhưng họ đã không nhận ra Ngài.

(2) Vì Thành sẽ bị phá hủy tan tành: “Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.” Lời tiên tri này ứng nghiệm năm 70 AD, khi quân đội Rôma đem quân vây hãm và phá hủy bình địa Đền Thờ và Thành. Cho tới ngày nay Đền Thờ vẫn chưa được xây lại và vết tích của hoang tàn đổ nát vẫn còn cho các du khách viếng Jerusalem.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Con người khóc vì tiếc và vì thương. Cái khóc của con người có thể sai vì lý do tiếc hay thương có thể sai. Cái khóc của Chúa Giêsu luôn luôn đúng vì lý do tại sao Ngài khóc là sự thật. Chúng ta cần tìm hiểu rõ lý do tại sao mình khóc.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************