Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Năm tuần 4 Mùa Chay – Năm A
BÀI ĐỌC I: Xh 32, 7-14
“Xin Chúa tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi dân Chúa”.
Bài trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đi xuống; dân mà ngươi dẫn ra khỏi đất Ai-cập đã phạm tội. Chúng đã sớm bỏ đường lối Ta đã chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó; chúng đã dâng lên nó của lễ hiến tế và nói rằng: “Hỡi Israel, này là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập”. Chúa phán cùng Môsê: “Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ. Ngươi hãy để Ta làm, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ huỷ diệt chúng, rồi Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ một dân tộc vĩ đại”. Môsê van xin Chúa là Thiên Chúa của ông rằng: “Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân mà Chúa đã dùng quyền lực và cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Ai-cập? Xin Chúa đừng để cho người Ai-cập nói rằng: “Người đã khéo dẫn họ đến đây, để giết họ trên núi và huỷ diệt họ khỏi mặt đất”. Xin Chúa nguôi cơn giận và tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi dân Chúa. Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac, và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa rằng: “Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản ra nhiều như sao trên trời, Ta sẽ ban cho con cháu các ngươi toàn cõi xứ này như lời Ta đã hứa, và các ngươi sẽ chiếm hữu xứ này mãi mãi”. Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người.
Ðó là lời Chúa.
ÐÁP CA: Tv 105, 19-20. 21-22. 23
Ðáp: Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài (c. 4a).
1) Họ đã đúc con bò tại Horeb, và lễ bái thần tượng đã đúc bằng vàng. Họ đem vinh quang của mình đánh đổi lấy hình tượng con bò ăn cỏ.
2) Họ đã quên Thiên Chúa là Ðấng cứu độ mình, Ðấng đã làm những điều trọng đại bên Ai-cập, Ðấng đã làm những điều kỳ diệu trên lãnh thổ họ Cam, và những điều kinh ngạc nơi Biển Ðỏ.
3) Chúa đã nghĩ tới chuyện tiêu diệt họ cho rồi, nếu như Môsê là người Chúa chọn, không đứng ra cầu khẩn với Ngài, để Ngài nguôi giận và đừng tiêu diệt họ.
Câu Xướng trước Phúc Âm: Ed 33, 11
Chúa phán: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”.
PHÚC ÂM: Ga 5, 31-47
“Có người tố cáo các ngươi, đó là Môsê, người mà các ngươi vẫn tin tưởng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân Do-thái rằng: “Nếu chính Ta làm chứng về Mình, thì chứng của Ta sẽ không xác thực. Có một Ðấng khác làm chứng về Ta, và Ta biết chứng Người làm về Ta thì xác thực. Các ngươi đã sai người đi hỏi Gioan, và Gioan đã làm chứng cho sự thật. Phần Ta, Ta không cần chứng của loài người, nhưng Ta nói những điều này để các ngươi được cứu thoát. Gioan là cây đèn cháy sáng. Các ngươi cũng muốn vui hưởng ánh sáng đó một thời gian. Nhưng Ta có một bằng chứng hơn chứng của Gioan: vì công việc Chúa Cha đã giao cho Ta hoàn thành, là chính công việc Ta đang làm. Các việc đó làm chứng về Ta rằng Chúa Cha đã sai Ta. Và Chúa Cha, Ðấng đã sai Ta, chính Người cũng làm chứng về Ta. Nhưng chưa bao giờ các ngươi được nghe tiếng Người, chưa bao giờ nhìn thấy mặt Người, và lời Người, các ngươi cũng chẳng giữ lại được, vì các ngươi không tin Ðấng Người đã sai đến. Các ngươi tra cứu Sách Thánh, vì tưởng rằng trong đó các ngươi sẽ tìm thấy sự sống muôn đời; chính Sách Thánh lại làm chứng về Ta, vậy mà các ngươi vẫn không chịu đến với Ta để được sống. Ta không tìm vinh quang nơi loài người. Nhưng Ta biết các ngươi không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Ta đến nhân danh Chúa Cha, nhưng các ngươi không chịu đón nhận. Nếu có một người nào khác nhân danh mình mà đến, các ngươi sẽ đón nhận nó. Các ngươi là những người nhận vinh quang lẫn nhau mà không tìm vinh quang do một Thiên Chúa, thì làm sao các ngươi có thể tin được? Các ngươi đừng tưởng rằng Ta sẽ tố cáo các ngươi với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ngươi là Môsê, tức là người mà các ngươi vẫn tin tưởng. Vì nếu các ngươi tin Môsê, thì có lẽ các ngươi cũng đã tin Ta, bởi vì chính Môsê đã viết về Ta. Nhưng mà nếu các ngươi không tin điều Môsê đã viết, thì làm sao các ngươi tin lời Ta được?”
Ðó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
23/03/2023 – THỨ NĂM TUẦN 4 MC
Th. Tu-ri-bi-ô Môn-rô-vê-khô, giám mục
Ga 5,31-47
LÀM VIỆC THIÊN CHÚA ĐÃ GIAO
“Những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành, chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.” (Ga 5,36)
Suy niệm: Thiên Chúa Cha sai Con Một của Ngài xuống trần gian để cứu độ nhân loại đã không “cấp” cho Con mình một mảnh giấy chứng nhận nào với chữ ký và con dấu đỏ để chúng ta dễ nhận biết Ngài là “Đấng Chúa Cha sai đến.” Và Ngài cũng không có thần thế ô dù nào để giới thiệu ngoại trừ lời giới thiệu của Gio-an Tẩy giả. Chúa Giê-su cho biết Ngài có lời chứng còn mạnh hơn lời chứng của Gio-an Tẩy giả: Ngài đích thực là Đấng mà Chúa Cha sai đến khi hoàn thành những công việc mà Chúa Cha đã giao phó cho Ngài.
Mời Bạn: Hẳn bạn đang muốn hỏi: Nhưng công việc mà Chúa Cha giao là việc gì? Cứ nhìn ngắm Chúa Giê-su bạn sẽ hiểu: khi Ngài bước xuống dòng nước sông Gio-đan để đón nhận thân phận tội lỗi của con người, khi Ngài leo lên đỉnh núi Hiển Dung để chuẩn bị bước vào cuộc khổ nạn thập giá, những lần như thế Chúa Cha đều “khen”: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17; 17,5). Và cuối cùng khi Chúa Giê-su ở trên cây thập giá phó linh hồn cho Chúa Cha và hoàn tất công trình cứu độ, chính những người lương dân đã nhận ra Ngài: “Thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54).
Chia sẻ: Làm công việc của Chúa giao là “tin vào Đấng Chúa Cha sai đến” (x. Ga 6,29). Đối với bạn, công việc đó là công việc gì?
Sống Lời Chúa: Theo gương Chúa Giê-su làm công việc của Chúa Cha bằng việc chịu đóng đinh trên thập giá, chúng ta cũng vác thập giá mỗi ngày khi làm những việc hy sinh hãm mình.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Để hiểu được bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần đọc từ đầu chương năm.
Đức Giêsu chữa anh bất toại bên hồ nước gần Đền thờ Giêrusalem (cc. 1-9).
Anh được khỏi và vác chõng đi vào ngày sabát theo lệnh Đức Giêsu.
Chuyện đó dẫn đến việc người Do-thái chống đối ngài (c. 16).
Khi nghe ngài nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”
họ tìm cách giết ngài, vì cho rằng ngài mắc tội phạm thượng,
dám gọi Thiên Chúa là Cha và coi mình ngang hàng với Thiên Chúa (c. 18).
Không chút sợ hãi, Đức Giêsu khẳng định quyền mình đã nhận được từ Cha :
quyền làm cho kẻ chết sống lại và quyền phán xét trong ngày sau hết (cc. 19-30).
Dù có quyền, lúc nào ngài cũng là Con làm theo ý Cha, Đấng sai ngài.
Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu như người bị đứng trước tòa, bị kết án tử.
Vì không được tự làm chứng cho chính mình,
nên ngài phải tìm những lời chứng để biện hộ cho lời nói, việc làm của ngài.
Trước hết là lời chứng của Gioan Tẩy giả (cc. 33-35).
Ông là ngọn đèn làm chứng về ánh sáng, về Đức Giêsu (Ga 1, 8-9).
Nhưng người ta đã không đón nhận lời chứng ấy.
Kế đến là những công việc Cha giao mà ngài đã hoàn thành (c. 36).
Lẽ ra chúng phải là lời chứng thuyết phục cho thấy ngài được Cha sai.
Cuối cùng là lời chứng của Chúa Cha (cc. 37-40).
Cha làm chứng bằng những lời của Cha trong Kinh Thánh (c. 39).
Nhưng họ không giữ lời Cha ở lại trong lòng,
nên chẳng tin, cũng chẳng muốn đến với Đấng được Cha sai (c. 38. 40).
Những lời chứng trên đây trở nên vô ích
đối với những ai không có lòng yêu mến Thiên Chúa (c. 42),
không tìm vinh quang Thiên Chúa mà chỉ tôn vinh lẫn nhau (c.44).
Đức Giêsu đã phải chấp nhận sự từ khước này
mà ngài biết cuối cùng sẽ dẫn đến cái chết.
Làm sao ta có thể ra khỏi những thành kiến để đón lấy sự thật,
ra khỏi những tư lợi ích kỷ để dám tin vào tình yêu.
ra khỏi cái tôi chật hẹp để dám sống cho người khác.
Hãy tin vào Giêsu, Đấng được Cha sai (c. 38).
Hãy đến với Giêsu để được sống (40).
LỜI NGUYỆN
Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23 THÁNG NĂM
Đường Về Emmau
“Bấy giờ mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: ‘Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24, 31 – 32). Là những con người thuộc thế hệ hôm nay tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô, chúng ta cần đạt cho được cùng một cảm nghiệm như hai môn đệ trên đường về Emmau ngày nào. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giê-su giúp cho ta hiểu Kinh Thánh; hãy xin Người đốt nóng lòng chúng ta khi Người nói chuyện với chúng ta.
Tâm hồn chúng ta cần được đốt nóng lên. Vì đức tin không thể chỉ là những dữ kiện cứng ngắt, lạnh lùng được kiểm nghiệm bởi trí óc. Không, đức tin phải được làm cho nhạy cảm bởi tình yêu. Đức tin phải sống hoạt xuyên qua các công việc thiện hảo nơi chúng ta – những công việc khai mở chân lý của Thiên Chúa.
Cả chúng ta cũng thừa hưởng lời chứng từ các Tông Đồ – mặc dù chúng ta không phải là những chứng nhân trực tiếp của từ Đấng Phục Sinh. Chúng ta trở thành chứng nhân của Đức Kitô – bởi vì, đó là căn tính của mọi Kitôhữu.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 23/3
Thánh Turibiô Môgrôvêjô, Giám mục
Xh 32, 7-14; Ga 5, 31-47.
LỜI SUY NIỆM: “Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến. Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.”
Chúa Giêsu đặc biệt yêu thương dân tộc và những người lãnh đạo trong dân. Người đang khơi dậy nơi họ sự nghiên cứu KinhThánh của họ, bởi họ nghiên cứu theo cách suy nghĩ của họ, để họ tự bảo vệ những lập luận của họ. Chứ không chịu tìm hiểu thánh ý của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người chúng con hôm nay, trước mỗi lần đọc, nghe, suy niệm Lời Chúa cần phải làm dấu Thánh Giá với sự cầu xin ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần để chúng con nhận ra thánh ý Chúa, hầu giúp cho chúng con sống đức tin. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
23 Tháng Năm
Chết Vì Niềm Tin
Một sĩ quan quân đội Nga đến gặp một vị mục sư Hungari và xin được được nói chuyện riêng với ông. Viên sĩ quan là một chàng trai trẻ, tướng khí hung hãn và dương dương tự đắc trong tư thế của kẻ chiến thắng.
Khi cửa phòng khách đã được đóng lại rồi, viên sĩ quan chỉ cây thánh giá treo trên tường và nói với vị mục sư rằng: “Ông biết không, cái đó là sự dối trá do các mục sư bày đặt ra để làm mê hoặc đám dân nghèo, để giúp những giàu dễ dàng kiềm hãm họ trong tình trạng ngu dốt. Bây giờ chỉ có tôi và ông, ông hãy thú nhận với tôi rằng: ông không hề bao giờ tin rằng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa”.
Vị mục sư cười và trả lời rằng: “Ông bạn ơi, tôi tin thật đấy, vì đó là sự thật”. “Ông đừng có lừa dối tôi, cũng đừng giễu cợt tôi”, vị sĩ quan hét lên. Anh ta rút ra một khẩu súng lục, chĩa vào vị mục sư và hăm dọa: “Nếu ông không nhận rằng đó chỉ là một sự dối trá, thì tôi sẽ nổ súng”.
Vị mục sư điềm tĩnh trả lời: “Tôi không thể nói như thế, vì không đúng. Ðức Giêsu thật sự là Con Thiên Chúa”.
Viên sĩ quan vứt khẩu súng xuống sàn và chạy đến ôm vị mục sư. Anh ta vừa khóc vừa nói: “Ðúng thế, đúng thế. Tôi cũng tin như vậy, nhưng tôi không thể tin rằng có những người dám chết vì Ðức tin cho đến khi chính tôi khám phá ra điều này. Tôi xin cám ơn Ngài. Ngài đã củng cố lòng tin của tôi. Bây giờ chính tôi cũng có thể chết cho Ðức Kitô. Ngài đã chứng minh cho tôi rằng: Ðiều này có thể làm được”.
“Các vị tử đạo nhắc nhở chúng ta rằng: chết vì niềm tin là hồng ân được trao ban cho thiểu số, nhưng trong niềm tin là ơn gọi của mọi tín hữu”.
Cộng đồng Vatican II đã mở ra một kỷ nguyên mới, đã mang đến cho hội thánh và mỗi tín hữu một mùa xuân mới, đã nêu bật và tạo cho mọi tín hữu nhiều cơ hội để biểu lộ niềm tin qua hành động: Sống đạo và Hành đạo. Nhờ quan niệm này, Ðạo đã không bị giới hạn trong nhà thờ và trong những giờ kinh, nhưng Ðạo và Niềm tin đã được đem ra Sống và Thức hành trong mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh sống.
Nhưng câu vấn nạn thường gây ra nhiều thắc mắc vẫn là: sống niềm tin và thực hành trong niềm tin nào?
Quan trọng nhất có lẽ là tin vào Thiên Chúa tình yêu. Ðối với mỗi người trong chúng ta Thiên Chúa tình yêu này có một chương trình để dẫn dắt chúng ta đi trong tin yêu và đạt được tình yêu hoàn hảo. Rồi bước thứ hai là thực hành tình yêu với câu hỏi đơn sơ: nếu Chúa là tôi, thì trong hoàn cảnh cụ thể này, Ngài sẽ xử trí và hành động như thế nào?
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm – Tuần IV – MC
Bài đọc: Exo 32:7-14; Jn 5:31-47.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nhà lãnh đạo phải trung thành yêu thương dân đến cùng.
Các nhà lãnh đạo tinh thần dễ nản chí khi nhìn thấy những vong ân, bội nghĩa của những người mình hướng dẫn; nhưng Thiên Chúa đòi họ phải kiên nhẫn và yêu thương họ đến cùng. Các Bài Đọc hôm nay đưa ra những mẫu gương của các nhà lãnh đạo sẵn sàng hy sinh cho dân chúng.
Trong Sách Xuất Hành, Thiên Chúa muốn thử Moses nên nói với ông hãy để Ngài tiêu diệt họ và Ngài sẽ ban một dân khác lớn hơn; vì họ đã phản bội Thiên Chúa qua việc đúc con bê bằng vàng để thờ lạy. Ông Moses bầu cử cho dân khỏi bị tiêu diệt. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu có thể để cho người Do-thái chết trong sự cứng lòng của họ, nhưng Ngài chọn con đường kiên nhẫn thuyết phục họ tin vào Ngài, bằng cách đưa ra các nhân chứng: Gioan Tẩy Giả, tiếng Chúa Cha làm chứng từ trời, các công việc Ngài làm, và bằng chứng Kinh Thánh.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ông Moses bầu cử cho dân trước Thiên Chúa.
1.1/ Dân chúng phản bội Thiên Chúa: Thờ lạy bụt thần là tội vi phạm trầm trọng tới điều răn thứ nhất. Điều khôi hài hơn nữa là thay vì cám ơn Thiên Chúa đã dùng uy quyền đưa họ ra khỏi đất nô lệ của Ai-cập, họ lại cho là công ơn của con bò vàng mà tay họ làm nên, sụp lạy nó, và nói: “Hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập.” Chúng ta rất ghét người vô ơn; và ghét hơn nữa người đánh cắp công lao của chúng ta. Thế mà rất nhiều lần chúng ta đã không biết cám ơn Thiên Chúa về những công ơn Ngài làm cho chúng ta, lại còn cho công ơn ấy vào sai chỗ như: Thần Tài, người khác, hay chính sức mình!
Tiên tri Isaiah nhận xét rất đúng về những hạng người vô ơn này khi nói: “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì” (Isa 1:3). Nói cách khác, con người vô ơn còn thua lòai bò lừa. Đó là lý do tại sao Đức Chúa phán với ông Moses: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.”
1.2/ Ông Moses bầu cử cho dân: Mặc dù không đồng ý với việc của dân làm; nhưng ông Moses xin Thiên Chúa tha thứ đừng tru diệt họ, vì hai lý do sau:
(1) Vì danh Thiên Chúa: Nếu Thiên Chúa tru diệt họ, người Ai-cập lại có thể rêu rao: “Chính vì ác tâm mà Người đã đưa chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất.”
(2) Vì lời hứa với các tổ phụ: “Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Abraham, Isaac và Israel; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.”
Đức Chúa đã thương, Ngài không giáng phạt dân Người như Người đã đe. Lãnh đạo dân, nhất là trong hòan cảnh khó khăn như thời gian lang thang trong sa mạc 40 năm, không dễ. Moses không luôn luôn liên nhẫn với dân đâu, chính ông cũng đã từng than phiền với Thiên Chúa vì sự cứng lòng và độc ác của dân khi họ không tìm được nước uống: “Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con!”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu kiên nhẫn thuyết phục người Do-thái.
Trong ba năm công khai rao giảng, Chúa Giêsu đụng độ nhiều lần với các kinh-sư và biệt-phái. Thông thường, con người thường cho người khác tối đa là 3 lần để hiểu sự thật; sau đó sẽ không cần cắt nghĩa nữa nếu họ vẫn ngoan cố không chịu tin. Chúa Giêsu rất kiên nhẫn với họ trong việc giải thích Người là Đấng Thiên Sai mà họ đang mong chờ. Chúa Giêsu biết: Nếu Ngài làm chứng về chính mình, thì lời chứng của Ngài không dễ cho họ tin. Vì thế, Ngài phải theo cách của Lề Luật đòi: ít nhất phải có hai nhân chứng để chứng nhận một điều là sự thật. Ngài liệt kê các nhân chứng của Ngài như sau:
(1) Gioan Tẩy Giả: làm chứng cho Chúa Giêsu nhiều lần. Ông đã chỉ vào Chúa Giêsu và nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” “Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gioan, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ.”
(2) Các phép lạ Chúa đã làm: Người Do-thái đã chứng kiến hay nghe nói về những phép lạ Chúa Giêsu đã làm. Phép lạ mà họ mới chứng kiến là Chúa chữa lành một người bại liệt đã 38 năm. Những phép lạ này đòi hỏi người làm phải có uy quyền hay đến từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu giải thích cho họ: “Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.”
(3) Tiếng Chúa Cha làm chứng từ trời và trong lòng mọi người: Hai lần Chúa Cha đã làm chứng từ trời cho Chúa Con bằng tiếng vọng từ trời “Đây là Con Ta yêu dấu. Các ngươi hãy nghe lời Người” khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa và khi Ngài Biến Hình. Hơn nữa, Chúa Cha vẫn làm việc trong tâm hồn người Do-thái cũng như các tín hữu, nếu họ để tâm nghe Người. Họ không nhận ra tiếng Chúa Cha là vì: “Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người. Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến.”
(4) Kinh thánh làm chứng cho Chúa Giêsu: “Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.”
(5) Ý hướng tốt lành của Chúa Giêsu: Nếu một người chỉ mong muốn và cố gắng hết sức để cho người khác được điều tốt lành, và không muốn bất kỳ một sự tôn vinh hay trả ơn; người đó thực sự yêu người khác. Chúa Giêsu thuyết phục họ hãy tin vào Ngài để được sống, vì Ngài thực sự yêu thương và lo lắng cho họ. Nếu họ không có ý hướng tốt lành: chỉ tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, họ sẽ không thể tin vào Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Nhà lãnh đạo tinh thần phải kiên trì chịu đau khổ để đưa dân về với Thiên Chúa. Họ phải kiên nhẫn học hỏi và cắt nghĩa cho những người được họ hướng dẫn.
– Phần thưởng mà họ nhận được không phải là sự tôn vinh cá nhân hay những lợi lộc vật chất; nhưng là chính Thiên Chúa và niềm vui được làm vinh quang Cha trên trời.
– Dân chúng không nhận ra sự thật vì rất nhiều lý do: quá đau khổ, không có kiến thức căn bản, chước cám dỗ của ba thù. Nhà lãnh đạo may mắn được Thiên Chúa ban cho hiểu biết và có sức mạnh hơn để vượt qua. Họ phải gánh chịu đau khổ và tha thứ cho dân như Chúa Cha, Chúa Giêsu, và Moses đã gánh chịu và tha thứ cho dân.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************