Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Năm Tuần XXXIV Mùa Thường Niên Năm chẵn
LỄ TẠ ƠN THIÊN CHÚA
BÀI ĐỌC I: Hc 50, 24-26 (Hl 22-24)
“Thiên Chúa đã thực thi những việc vĩ đại trên khắp địa cầu”.
Trích sách Huấn Ca.
Các ngươi hãy cầu nguyện cùng Thiên Chúa vũ trụ, Đấng đã thực thi những việc vĩ đại trên khắp địa cầu, đã làm cho đời sống chúng ta phấn khởi từ khi chúng ta còn trong lòng mẹ và đã đối xử với chúng ta theo lòng từ bi của Người. Nguyện xin Người ban cho chúng ta niềm hân hoan tâm hồn và cho đời sống chúng ta ở Israel được an bình đến muôn đời. Israel tin tưởng rằng lòng từ bi của Thiên Chúa ở cùng chúng ta, để Người giải thoát chúng ta trong những ngày chúng ta đang sống. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 4-5
Đáp: Lạy Chúa, con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa (2bc).
Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin. Trước mặt các Thiên Thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài. – Đáp.
Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa nhận lời con, Chúa ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. – Đáp.
Lạy Chúa, các vua địa cầu sẽ ca ngợi Chúa, khi họ nghe những lời miệng Chúa phán ra; và họ sẽ ca ngợi đường lối của Chúa: Thực vinh quang của Chúa lớn lao. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 1, 3-9
“Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, chúc cho anh em đầy ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô. Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng khiển trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ngự đến. Thiên Chúa là Đấng Trung Tín đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Tv 125, 5
Alleluia, alleluia! – Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. Alleluia.
Hoặc: Ep 1, 3
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trong Đức Kitô. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 17, 11-19
“Người ấy đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Thấy họ, Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế”. Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người; mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”. Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: “Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”. Đó là lời Chúa.
————————————–
Lễ Thường Niên
BÀI ĐỌC I: Kh 18, 1-2, 21-23; 19, 1-3. 9a
“Thành Babylon vĩ đại đã sụp đổ rồi”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Tôi là Gioan đã nhìn thấy một thiên thần từ trời xuống, có quyền năng cao cả, và đất rực sáng lên bởi vinh quang của Người. Người dõng dạc kêu lên rằng: “Thành Babylon vĩ đại đã sụp đổ rồi, đã sụp đổ rồi: nó đã trở thành nơi ma quỷ ở, hang mọi thần ô uế ẩn trú, và nơi mọi thứ chim dơ bẩn gớm ghiếc làm tổ”.
Rồi có một thiên thần dũng lực nhắc bổng hòn đá như cối xay lớn, và quăng xuống biển mà rằng: “Thành Babylon sẽ bị quăng xuống dữ tợn như vậy, và không còn tìm thấy nó nữa”. Tiếng người gảy đàn và kẻ hát ca, tiếng kẻ thổi sáo thổi kèn sẽ không còn nghe thấy nơi ngươi nữa. Những người thợ bá nghệ không còn tìm thấy nơi ngươi nữa; và tiếng cối xay cũng chẳng còn nghe thấy nơi ngươi nữa. Đèn sáng không còn chiếu sáng nơi ngươi nữa. Tiếng tân lang tân nương không còn nghe thấy nơi ngươi nữa, vì những tay buôn của ngươi là bọn kỳ hào trên hoàn vũ, và bởi phù phép ngươi, mọi dân tộc phải lầm lạc”.
Sau đó, tôi nghe như có tiếng nhiều đoàn người trên trời tung hô rằng: “Alleluia! Ơn Cứu độ, vinh quang và quyền năng đều thuộc về Thiên Chúa chúng ta: vì sự xét xử của Người thật chính trực và công minh, Người luận phạt gái điếm khét tiếng đã từng làm cho địa cầu ra hư nát bởi trò dâm dật của nó; Người đã báo oán máu các tôi tớ Người do tay nó đã đổ ra. Họ lại cất tiếng rằng: “Alleluia! Khói nó bốc lên cho tới muôn đời”.
Và thiên thần bảo tôi: “Hãy viết rằng: Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 99, 2. 3. 4. 5
A+B: Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên (Kh 19, 9a).
1) Hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.
2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.
3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người.
4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn thế hệ.
ALLELUIA: Lc 21, 28 – Các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 21, 20-28
“Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho các dân ngoại chấm dứt”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi các con thấy Giêrusalem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. Bấy giờ những ai ở trong đất Giuđa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành; vì những ngày ấy là những ngày báo oán, để ứng nghiệm mọi lời đã ghi chép.
“Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân, và Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt.
“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
26/11/2020 – THỨ NĂM TUẦN 34 TN
Lc 21,20-28
TIN VÀO CHÚA PHỤC SINH
“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Lc 20,27)
Suy niệm: Có thể nói năm 2020 thật khó quên với dấu ấn của nhiều thiên tai dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 với nỗi lo sợ chết chóc và thiệt hại trong công ăn việc làm chưa qua thì những cơn bão lũ lại ập xuống miền Trung, để lại nhiều mất mát tang thương. Trước những tai họa đó, người ta thường hỏi: Nếu có Thiên Chúa, sao Người lại để đau khổ có mặt và hành hạ con người? Chúng ta biết rằng, khi con người tàn phá thiên nhiên và phá vỡ quy luật tốt đẹp Chúa đã dựng nên, thì những thiên tai đó xảy ra, một phần cũng là hậu quả của sự dữ do chính con người gây ra. Đành rằng Thiên Chúa không tạo ra sự dữ, nhưng qua đó Người dạy cho con người về sự giới hạn của chính mình, để biết sống phó thác, thanh luyện chính mình và sống đúng với ơn gọi dành cho mình.
Mời Bạn: ĐTC Phan-xi-cô trong Tông huấn “Đức Ki-tô Đang Sống” (Christus Vivit), đã nhắc lại điều mà Ngài gọi là sự thật vĩ đại, đó là: Đức Ki-tô đã chiến thắng sự dữ nhờ cuộc Phục sinh của mình. Đức Ki-tô vẫn đang sống và đang hiện diện ở đây, nơi cuộc đời của mỗi chúng ta giữa bao đau khổ; và Người chờ chúng ta đưa tay ra để Người cứu vớt (số 125-128). Bạn có thật sự muốn mình được cứu và sẵn sàng chìa tay ra với Chúa để mình được cứu không?
Sống Lời Chúa: Trong bầu khí thinh lặng bạn dâng lời cầu nguyện như các tông đồ xưa: “Lạy Chúa, xin ban đức tin cho chúng con” (Lc 17,5).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, giữa những đau khổ hằng ngày làm chúng con muốn quỵ ngã, xin giúp con biết một lòng tin tưởng và hoàn toàn phó thác nơi Tình Yêu vô biên của Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Người ta có thể khóc vì nhiều lý do.
Khóc vì buồn thương, khóc vì tình yêu của mình bị từ chối.
Khóc vì tiếc nuối một điều tốt đẹp bị hủy hoại.
Một người đàn ông khóc là chuyện không thường xảy ra.
Chính vì thế chúng ta ngỡ ngàng khi thấy Đức Giêsu khóc.
Con Thiên Chúa nhập thể biết đến nỗi đau của phận người.
Giọt nước mắt của Ngài cho thấy Ngài thật sự có một trái tim.
Đức Giêsu khóc khi đến gần và trông thấy thành phố Giêrusalem.
Trong thành Giêrusalem có ngôi Đền thờ lộng lẫy (Lc 21, 5).
Đền thờ ấy là Đền thờ thứ hai được xây sau khi dân lưu đày trở về.
Còn Đền thờ thứ nhất do Salômôn xây, đã bị quân Babylon phá hủy.
Vua Hêrôđê Cả đã trùng tu và nới rộng Đền thờ thứ hai này.
Công việc sửa sang kéo dài từ năm 20 trước công nguyên,
đến năm 64 sau công nguyên mới hoàn tất.
Vào thời gian này, người Do Thái nổi dậy chống lại quân Rôma.
Vào lễ Vượt qua năm 70, thành phố bị vây hãm (c. 43).
Đền thờ bị thiêu hủy sau tám mươi tư năm tu sửa.
Đây là một bi kịch lớn mà Đức Giêsu đã linh cảm với nỗi đớn đau.
Bài Tin Mừng hôm nay
nằm ngay sau biến cố Đức Giêsu lên Giêrusalem lần cuối (Lc 19, 28).
Ngài biết đây là lần cuối, nên giữa bầu khí tung hô của dân chúng,
Đức Giêsu lại rơi vào nỗi đau buồn, xót xa.
Ngài sẽ là vị ngôn sứ phải chết ở trong thành này (Lc 13, 33).
Như mọi người Do Thái khác, Đức Giêsu quý thành phố và Đền thờ.
Thành phố Giêrusalem là thủ đô của đất nước.
Đền thờ là nơi mỗi năm Ngài lên đó dự các lễ lớn đôi ba lần.
Đây là nhà Cha của Ngài, là nhà cầu nguyện (Lc 2, 49; 19, 46).
Nhưng mọi điều tốt đẹp Ngài đang thấy, có ngày sẽ đổ vỡ tan hoang.
“Không để hòn đá nào trên hòn đá nào” (c. 44).
Thiên Chúa là Đấng đã đi thăm Dân Ítraen (Lc 1, 68; 7, 16; 19, 44).
Ngài thăm Dân Ngài qua Người Con là Đức Giêsu (Lc 1, 78).
Ngài đến thăm để đem ơn cứu độ, đem lại bình an (c. 42).
Hôm nay Thiên Chúa vẫn tiếp tục đi thăm nhân loại.
Ngài vẫn sai Con của Ngài đến với chúng ta để ban ơn bình an.
Nhưng con người hôm nay có thể khép lòng, và để lỡ cơ hội quý báu.
“Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11).
Làm sao mỗi Kitô hữu nhận ra thời điểm Ngài đến thăm mình? (c. 44).
Thế giới Tây phương hôm nay đang có khuynh hướng loại trừ Thiên Chúa.
Họ nhân danh tự do tôn giáo để loại trừ tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội.
Nhưng không có Trời thì ai ở được với ai.
Nhân loại bị kéo vào những cuộc chiến tranh, thù hận không lối thoát.
Hãy để Thiên Chúa đi vào đời bạn và chi phối những chọn lựa của bạn.
Chỉ trong Thiên Chúa mọi sự mới có nền tảng vững bền.
Nếu không, như Giêrusalem, chúng ta chỉ còn là những bức tường than khóc.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con của loài người,
con của trái đất, con của một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào thập giá.
Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến tranh,
một quê hương đang mở ra trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.
Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó thật cụ thể
cho những đồng bào quanh chúng con.
Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và đôi tay.
Và ước gì chúng con biết khiêm tốn
cộng tác với muôn người thiện chí.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26 THÁNG MƯỜI MỘT
Mỗi Đứa Trẻ Đều Mang Một Sứ Điệp Về Lòng Tín Thác
Mỗi khi một đôi bạn đến trước bàn thờ để cử hành Bí Tích Hôn Phối, Giáo Hội kêu cầu Chúa Thánh Thần để Ngài biến đổi tâm hồn họ – một sự biến đổi trở thành một nền tảng vững chắc cho giao ước hôn nhân của họ.
Sự biến đổi thâm sâu này cũng là một sự thánh hiến đặc biệt của hôn nhân (Humanae vitae 25). Khi người nam và người nữ cam kết dấn thân cho nhau, họ thánh hiến linh hồn và thân xác họ cho Thiên Chúa bằng một cách thế mà một đời sống gia đình trọn vẹn có thể nảy sinh từ sự kết hợp đó: một sự hiệp thông của tình yêu và sự sống được diễn tả trong một cộng đồng nhân vị.
Những người vợ và chồng nhận sự hiệp thông này từ Thiên Chúa như một món quà. Đây là một quà tặng mà họ phải ân cần chăm sóc và đào sâu qua tháng năm. Cùng với nhau, họ đem lại sự sống từ mối hiệp thông yêu thương thâm sâu này. Con cái họ trở thành một dấu hiệu và một hoa trái của tình yêu vốn là quà tặng của Thiên Chúa ấy. Với sự chào đời của đứa con, một điều vốn cần đến tình yêu dâng hiến, họ khám phá rằng sự kết hợp của họ trong tình yêu đã đào sâu tới mức bao gồm một con người khác. Họ nhận ra sự thực trong những lời sau đây của nhà hiền triết Ấn Độ R. Tagore: “Mỗi đứa trẻ được sinh ra mang theo với nó sứ điệp rằng Thiên Chúa không mất lòng tín thác vào con người”.
Công Đồng Vatican II dạy rằng những cha mẹ có trách nhiệm phải cân nhắc đến “thiện ích của mình và thiện ích của con cái mà mình đã sinh ra hoặc chưa sinh ra, phải biết đọc những dấu chỉ của thời đại và của hoàn cảnh riêng mình trên phương diện vật chất và tinh thần, và cuối cùng phải biết đánh giá về thiện ích của gia đình, của xã hội và của Giáo Hội” (MV 51).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 26/11
Kh 18, 1-2. 21-23; 19, 1-3. 9a; Lc 21, 20-28.
LỜI SUY NIỆM: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xãy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẫn đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”
Chúa Giêsu đang nói với chúng ta, về những điềm lạ sẽ xãy ra trước ngày tận thế của nhân loại và cả vũ trụ này. Để mỗi một người tỉnh thức, dọn mình chờ đón trong hân hoan, chứ không phải sống trong khiếp sợ; bởi vì chính lúc này, là lúc những người con cái của Chúa sắp được lãnh nhận phần thưởng mà suốt cuộc đời đã phấn đấu đã tích trử vào kho báu của mình trên trời.
Lạy Chúa Giêsu, Ngày tận thế là ngày khiếp sợ của cả loài người, nhưng đối với chúng con lại là ngày đứng thẳng, ngẫn cao đầu để nhận được ơn cứu chuộc, xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con được vui sống cho ngày đó.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
26 Tháng Mười Một
Vui Với Người Vui, Khóc Với Kẻ Khóc
Cha Pierre, người sáng lập phong trào Emmaus, chuyên giúp những người không nhà không cửa tìm được nơi cư ngụ và tự lực cánh sinh từ việc chế biến những đồ phế thải, đã ôn lại một trong những kỷ niện mà ngài cho là ý nghĩa nhất trong cuộc đời như sau: Gia đình tôi gồm có tất cả 8 anh chị em. Một ngày thứ năm nọ, chúng tôi muốn tập trung lại với nhau để đi đến thăm một gia đình bà con của chúng tôi. Nhưng cha mẹ tôi đã phạt tôi bằng cách bắt tôi phải ở nhà. Buổi chiều hôm đó, các anh em tôi trở về, ai cũng nói huyên thuyên vì một ngày được chơi đùa thỏa thích. Thái độ đó càng làm tôi bực tức thêm. Không kềm hãm được sự ghen tức, tôi đã nói với một người anh như sau:” Không có tôi thì kể như cuộc chơi cũng không có ý nghĩa gì”. Tôi trút hết cả giận dữ cũng như sự kiêu hãnh của tôi và bỏ đi nơi khác.
Ba tôi đang đau liệt trong phòng của ông. Tình cờ nghe được lời phát biểu ngạo mạn của tôi, ông cho gọi tôi vào Lúc đó tôi mới hiểu được sai trái của tôi cũng như nỗi khổ tâm của cha tôi. Nhưng cha tôi đã không la rày tôi. Ông chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi:” Con không biết rằng con vừa nói một lời lẽ xấu xa ư ? Con nghĩ rằng chỉ có con là người quan trọng nhất sao? Tại sao con không bằng lòng khi những người khác được sung sướng?”
Lúc đó tôi mới hiểu rằng ba tôi đau khổ trong thân xác đã đành, nhưng ông còn đau khổ gấp bội trong tinh thần vì tính xấu xa của tôi.
Tôi không bao giờ quên được câu chuyện trên đây. Và có lẽ đây là câu chuyện đánh dấu cả cuộc đời còn lại của tôi.
Ba nguyên tắc cơ bản hướng dẫn đời sống của các cộng đồng Emmaus do cha Pierre sáng lập, trước hết đó là lao động. Các thành phần của cộng đồng Emmaus không chấp nhận bất cứ một sự dâng cúng nào. Tay làm hàm nhai, mỗi người trong cộng đồng đều ý thức về giá trị của việc làm và sự đóng góp của mình.
Nguyên tắc thứ hai đó là đời sống cộng đoàn. Tất cả mọi tiền của kiếm được đều bỏ vào quỹ chung của cộng đoàn. Từ 30 năm nay, tất cả tiền của thu tích được đều được chi dùng cho đời sống của cộng đồng cũng như được bố thí cho những người nghèo khổ túng thiếu hơn.
Nguyên tắc thứ ba là phục vụ. Ðây là nguyên tắc tổng hợp mọi nguyên tắc khác của đời sống cộng đoàn. Phục vụ có nghĩa là sống cho người khác, lấy đau khổ của người khác làm chính đau khổ của mình, lấy niềm vui của người khác làm chính niềm vui của mình.
Có lẽ nguyên tắc cơ bản mà cha Pierre đang áp dụng trong các cộng đoàn Emmaus của ngài chính là bài học mà ngài tiếp thu được từ thân phụ của mình: “Con không bằng lòng khi thấy những người khác được hạnh phúc ư?”.
Nguyên tắc trên đây cũng là lời khuyên mà thánh Phaolô thường nhắn nhủ các tín hữu của ngài:”Vui với người vui, khóc với kẻ khóc”.
Dù sống trong địa vị nào trong xã hội, dù sống dưới hình thức gia đình nào, độc thân hay có đôi bạn, mọi người đều được mời gọi để sống chung với những người xung quanh. Nguyên tắc đơn sơ và cơ bản nhất trong cuộc sống chung vẫn là:” Lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của chính mình, lấy niềm đau của người khác làm nỗi khổ của chính mình”.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Tạ Ơn
Bài đọc: Sir 50:22-24; 1 Cor 1:3-9; Lk 17:11-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cám ơn Thiên Chúa
Tổ tiên của nước Hoa Kỳ đã để lại cho con cháu một di sản quí báu là ngày Lễ Tạ Ơn. Cám ơn Thiên Chúa là một điều phải làm vì không ai trong chúng ta không nhận ơn của Thiên Chúa trong năm vừa qua: ơn phần hồn, ơn phần xác, ơn cho cá nhân, gia đình, cộng đoàn và quốc gia. Đã nhận ơn phải biết ít nhất nói lời cám ơn, sau đó tìm dịp để trả ơn cho người đã thi ơn. Ba điều chúng ta có thể làm trong ngày Lễ Tạ Ơn là cầu nguyện, tham dự thánh lễ và sống tâm tình biết ơn với gia đình và những anh chị em nghèo khổ.
Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhiều chất liệu suy tư trong ngày Lễ Tạ Ơn. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca dạy chúng ta ba điều: Trước hết, chúng ta phải biết ơn Thiên Chúa vì Ngài đã làm cho chúng ta biết bao ơn lành trong quá khứ. Tiếp đến, ông dạy chúng ta xin Thiên Chúa ban cho chúng ta được niềm vui và an bình trong giây phút hiện tại. Sau cùng, ông dạy chúng ta xin Thiên Chúa gìn giữ chúng ta khỏi sa chước cám dỗ và bảo vệ chúng ta khỏi mọi nguy hiểm phần hồn cũng như phần xác trong tương lai. Trong bài đọc II, thánh Phaolô hướng lòng chúng ta lên Đức Kitô vì Ngài là nguồn mạch của mọi ân sủng và bình an. Ngài đã mặc khải cho chúng ta những mầu nhiệm của Thiên Chúa; nếu không có Đức Kitô, chúng ta không thể nào hiểu được. Ngài cũng trợ giúp chúng ta trung thành với Thiên Chúa qua các ơn thánh Ngài đã thiết lập được trong Cuộc Thương Khó và cái chết của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mở mắt cho chúng ta nhìn thấy sự vô ơn của đa số nhân loại qua việc chữa lành mười người phong hủi. Dầu Chúa đã chữa lành cả mười người, nhưng chỉ có một người quay trở lại cám ơn Thiên Chúa; mà người đó lại là một người dân ngoại Samaritan! Ôi đau đớn và tệ bạc thay! Đến nỗi Chúa phải đau lòng thốt lên, “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Giờ đây chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa muôn loài.
1.1/ Tạ ơn vì những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta và mọi người trong quá khứ: Con người chúng ta được bao vây bởi vô vàn hồng ân của Thiên Chúa. Trong những hồng ân này, có những điều vĩ đại Thiên Chúa làm cho mọi người. Ví dụ, việc tạo dựng và trao cho con người cộng tác với Ngài để điều khiển thế giới; việc cứu chuộc qua sự kiện Chúa ban cho con người Đức Kitô, người con một của Ngài, để lấy đi tất cả tội lỗi cho con người và mang lại cho con người ơn cứu độ muôn đời; việc thiết lập Giáo Hội để tiếp tục ở lại, dạy dỗ và bảo vệ con người. Có những hồng ân Thiên Chúa làm cho từng cá nhân một. Ví dụ, cho được hiện hữu trong cuộc đời, cho được làm quí tử của Ngài, tiền định cho được sống hạnh phúc đời đời, ban muôn vàn ơn thánh và bảo vệ con người trong những ngày họ sống trên dương gian.
1.2/ Xin Thiên Chúa cho chúng ta niềm vui và bình an trong giây phút hiện tại: Tuy Ngài bao vây con người với muôn vàn ơn thánh như thế, nhưng con người vẫn có thể buồn sầu và bất an vì không biết xử dụng ơn thánh và tự do Thiên Chúa ban. Vì thế, con người cần xin Thiên Chúa mở lòng trí để biết chọn lựa những gì đưa đến niềm vui, bình an và hạnh phúc; chứ không chọn lựa những gì đem lại bất an, đau khổ và sầu buồn.
1.3/ Xin Thiên Chúa bảo vệ chúng ta khỏi mọi chước cám dỗ và nguy hiểm trong tương lai: Con người cần ý thức rõ ràng về sự hiện diện của ba kẻ thù trong đời sống; đó là: quỉ thần, thế gian và xác thịt. Cả ba kẻ thù này đều mạnh hơn và có thể làm cho con người rơi vào chước cám dỗ của chúng. Vì thế, con người cần xin Thiên Chúa ban thêm ơn khôn ngoan để nhận ra và ơn sức mạnh để chiến đấu, để họ khỏi sa vào những chước cám dỗ và phải chịu những hậu quả tai hại của sự dữ trong tương lai.
2/ Bài đọc II: Sự cần thiết của Đức Kitô trong cuộc đời
Lịch sử Cứu Độ được lật qua trang mới sau Thời Lưu Đày, Thiên Chúa đã cho Con của Ngài, Đức Kitô nhập thể để cứu độ trần gian. Nếu trong Cựu Ước, người Do-Thái không thể sống vắng bóng Thiên Chúa; thì trong Tân Ước, người Kitô hữu cũng không thể sống vắng bóng Đức Kitô, vì:
2.1/ Đức Kitô là nguồn mạch ân sủng và bình an: Thánh Phaolô cầu nguyện cho các tín hữu Côrintô: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an. Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu.” Qua Cuộc Thương Khó của Đức Kitô, Ngài đã đem lại bình an và rất nhiều ân sủng cho con người. Con người có bình an vì con người nhờ Đức Kitô mà được hòa giải với Thiên Chúa và với nhau. Đức Kitô cũng là nguồn mạch mọi ân sủng cho con người, nhất là qua các Bí-tích.
2.2/ Đức Kitô mặc khải cho con người sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Quả vậy, trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. Thật thế, lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.” Nếu không có Đức Kitô mặc khải, con người không thể hiểu rõ ràng Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa và rất nhiều các Mầu Nhiệm khác trong đạo.
2.3/ Đức Kitô giúp con người trung thành đến cùng: “Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em điều gì trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” Nhờ hiểu biết rõ ràng về Kế Họach Cứu Độ qua Tin Mừng, và được nâng đỡ bằng các ân sủng của Đức Kitô, con người có thể vượt qua những gian khổ của cuộc đời để trung thành với Thiên Chúa. Ngòai ra, con người cũng biết chuẩn bị mọi hành trang cần thiết để ra trước Tòa Phán Xét của Thiên Chúa.
3/ Phúc Âm: Chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?
3.1/ Phải biết ơn trước khi cám ơn: Trên đường lên Jerusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samaria và Galilee. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!”
(1) Tình trạng bi thảm của những người phong cùi: Vì người Do-Thái rất chú trọng đến vấn đề thanh sạch bên ngòai, những người phong cùi không được ở chung với dân; mà phải sống cách biệt bên ngòai làng của dân ở (Lev 13:46, Num 5:2). Họ không được phép tiếp xúc trực tiếp với dân và phải la lớn để mọi người được biết sự có mặt của họ mà tránh đi (Lev 13:45).
(2) Để chứng tỏ mình đã hết bệnh phong cùi, họ phải được xem xét cẩn thận bởi các tư tế. Khi nào các tư tế tuyên bố họ đã sạch; bấy giờ họ có thể trở về sinh họat bình thường với dân trong làng (Lev 14:2-3). Đó là lý do tại sao Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi trên đường thì họ được sạch.
Bệnh cùi có thể được ví như tội lỗi, nhất là tội kiêu ngạo và bất tuân Thiên Chúa và bề trên (gương của bà Miriam bị cùi). Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta biết bao tội trong cả năm qua, Ngày Tạ Ơn chẳng lẽ chúng ta không cám ơn lòng thương xót của Ngài!
3.2/ Những người “ở ngòai” dễ nhận ra ơn hơn những người “ở trong”:
– Tâm tình biết ơn của người Samaria: Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samaria. Đức Giêsu nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”
– Người Do-Thái khinh thường và sống xa cách với người Samaria. Điểm lạ ở đây là chín người phong Do-Thái khi bị chính dân mình khai trừ đã mở rộng vòng tay cho người phong Samaria được sống chung với họ. Khi con người bị đau khổ và bỏ rơi, có lẽ con người dễ đòan kết và sống chung với nhau hơn.
– Người Samaria, tuy bị người Do-Thái khinh thường, nhưng nhiều lần được chính Chúa Giêsu khen tặng. Trong câu truyện “Ai là người thân cận của tôi?” Chúa Giêsu đã đề cao người Samaria Nhân Hậu hơn các thầy tư tế và Lêvi, vì ông là người biết tỏ lòng thương xót với người bị đánh trọng thương dọc đường: ông đã vực người trọng thương lên lừa và đưa về quán trọ săn sóc cẩn thận và hứa sẽ trả mọi phí tổn tương lai cho chủ quán trọ (Lk 10:30-37). Trong cuộc đàm thọai giữa Đức Kitô và người phụ nữ xứ Samaria, chị đã trở thành nhà truyền giáo đầu tiên của Chúa Giêsu, nhiệt thành loan báo về Người cho các dân trong làng của chị (Jn 4:39-41).
– Biết ơn là xứng đáng đón nhận thêm ơn: Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Không phải chỉ được thanh sạch bên ngòai, anh còn được thanh sạch cả bên trong. Chính vì lòng tin mà anh đã xứng đáng được hưởng ơn cứu độ.
3.3/ Tại sao con người vô ơn? Có nhiều lý do: (1) vì con người không chịu suy nghĩ để nhận ra ơn, họ nghĩ mọi sự trên đời tự nhiên mà có mà không cần suy nghĩ tại sao nó có; (2) họ giả sử tất cả mọi người phải hành động như vậy: là Thiên Chúa phải ban ơn; là cha mẹ phải nuôi nấng con cái; là thầy phải dạy dỗ học sinh; và (3) họ sợ nếu nhận ra ơn, họ phải trả ơn. Vì thế, họ vô ơn:
(1) với Thiên Chúa: Đấng đã dựng nên và không ngừng ban mọi ơn lành cho họ. Ngày Lễ Tạ Ơn là dịp để con người nhận ra và tạ ơn Thiên Chúa qua việc tham dự Thánh Lễ và làm ơn cho những người kém may mắn; nhưng thử hỏi được bao nhiêu người làm những điều này? Thay vào đó, họ lo tổ chức ăn uống vui chơi cho bản thân và cho gia đình họ.
(2) với cha mẹ: những người đã cưu mang, nuôi nấng, và dạy dỗ họ trong suốt một phần tư của cuộc đời. Lẽ ra, khi cha mẹ về già không còn tự săn sóc mình được nữa, họ phải phụng dưỡng và săn sóc trở lại, thì họ lại cho vào các nhà hưu dưỡng rồi tự an ủi mình: “chính phủ sẽ săn sóc các ngài tốt hơn ta.”
(3) với tha nhân: những người đi trước nhiều khi đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, xây dựng, và phát minh ra những tiện nghi mà chúng ta đang được hưởng. Bổn phận của những người thụ hưởng là tiếp tục để làm cho thế giới mỗi ngày một tốt đẹp hơn chứ không phải chỉ ù lỳ thụ hưởng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Lễ Tạ Ơn là ngày chúng ta phải dành trọn vẹn để cám ơn Thiên Chúa, chứ không phải là ngày ăn uống linh đình, coi football hay đi sắm đồ cả ngày. Chúng ta phải cẩn thận đề phòng để khỏi bị rơi vào những chước cám dỗ của quỉ thần và giới con buôn.
– Để tạ ơn Thiên Chúa, chúng ta cần làm ba việc: cầu nguyện để nói lên tâm tình biết ơn, tham dự Thánh Lễ để cùng dâng lên Thiên Chúa hy lễ đẹp ý Ngài nhất, và sống trong tâm tình biết ơn bằng cách chia sẻ tình yêu với những người trong gia đình và những anh chị em nghèo.
– Biết ơn là xứng đáng để tiếp tục được Thiên Chúa ban ơn. Còn biết bao nhiêu ơn lớn lao và trọng thể Chúa dành sẵn cho những người biết ơn. Vô ơn là tự đào hố để vùi chôn cuộc đời mình, là đứng vào hàng ngũ của ma quỉ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************