Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Năm tuần 12 Thường Niên
BÀI ĐỌC I: 2 V 24, 8-17
“Vua Babylon dẫn về Babylon Gioakim, và tất cả những binh sĩ thiện chiến làm tù binh”.
Bài trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Khi lên ngôi, vua Gioakim mới mười tám tuổi, và trị vì ở Giêrusalem ba tháng. Tên mẹ vua là Naestha, ái nữ của Elna-than, quê ở Giêrusalem. Vua làm điều mất lòng Chúa cũng như cha vua đã làm xưa. Khi ấy binh sĩ của Nabucôđônôsôr, vua Babylon, tiến đến vây Giêrusalem. Nabucôđônôsôr, vua Babylon, thân chinh điều khiển binh sĩ đến tận nơi để tấn công thành. Khi ấy Gioakim, vua Giuđa, đầu hàng vua Babylon, cùng với mẹ, binh sĩ, quan tước và các thái giám. Vua Babylon bắt họ làm tù binh, khi ấy là năm thứ tám triều vua Babylon. Vua này mang về tất cả kho tàng của đền thờ Chúa, và đền vua, ông đập vỡ tất cả các bình vàng mà Salomon, vua Israel, đã đúc cho cung thánh của Chúa, như thế ứng nghiệm lời Chúa đã phán. Vua đã đem toàn thể Giêrusalem đi đày, gồm các sĩ quan, mười ngàn binh lính cường tráng, các thứ thợ thủ công, thợ rèn, không sót lại gì cả, ngoại trừ đám dân nghèo. Vua cũng dẫn về Babylon làm tù binh vua Gioakim và thái hậu, các hoàng hậu, các thái giám, những bậc vị vọng, bảy ngàn trai tráng, một ngàn thợ làm nghề thủ công, thợ rèn, tất cả những binh sĩ thiện chiến. Vua Babylon dẫn họ sang Babylon làm tù binh. Vua đặt hoàng thúc Matthania làm vua thay Gioakim, và đổi tên ông là Seđecia.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 78, 1-2. 3-5. 8. 9
Đáp: Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con vì vinh quang danh Chúa (c. 9bc).
1) Ôi Thiên Chúa, ngoại bang đã xông vào gia nghiệp Chúa, họ làm ô uế thánh điện của Ngài, họ biến Giêrusalem thành nơi đổ nát! Họ ném tử thi thần dân Chúa làm mồi nuôi chim trời, và huyết nhục tín đồ Ngài cho muông thú đồng hoang.
2) Họ đổ máu chư vị đó dường như nước lã quanh Giêrusalem mà không có kẻ chôn vùi. Chúng con bị bêu ra cho láng giềng phỉ nhổ, cho lân bang chế diễu nhạo cười! Tới ngày nào, lạy Chúa, Chúa còn giận mãi? Và lòng ghen hận Chúa còn như lửa nấu nung?
3) Xin đừng nhớ lỗi tiền nhân để trị chúng con; xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi!
4) Ôi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa; xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài.
ALLELUIA: Ga 1, 14 và 12b
All. All. – Ngôi lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. – All.
PHÚC ÂM: Mt 7, 21-29
“Nhà xây trên nền đá và nhà xây trên cát”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không phải tất cả những ai nói với Thầy: “Lạy Chúa, Lạy Chúa”, là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời. Trong ngày đó, nhiều người sẽ nói với Thầy rằng: “Lạy Chúa, Lạy Chúa, nào chúng con đã không nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, và nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó ư?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với chúng rằng: “Ta chẳng hề biết các ngươi, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta”. “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây và đem thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà đó vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên đá. Và hễ ai nghe những lời Thầy nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn”. Khi Chúa đã nói xong những lời trên, dân chúng kinh ngạc về giáo lý của Người: vì Người dạy dỗ họ như Đấng có quyền, chứ không như luật sĩ và các biệt phái của họ.
Đó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
27/06/2024 – THỨ NĂM TUẦN 12 TN
Th. Xy-ri-lô, giám mục A-lê-xan-ri-a, tiến sĩ HT
Mt 7,21-29
NỀN TẢNG ĐỜI KI-TÔ HỮU
“Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.” (Mt 7,24)
Suy niệm: Ki-tô hữu là người thuộc về Chúa Ki-tô, có Chúa Cha ở nơi mình, luôn lắng nghe, tuân giữ Lời Thiên Chúa. Đó là nền tảng tạo nên đời người Ki-tô hữu. Thật vậy, tôi không thể là Ki-tô hữu, nếu tôi chỉ mang danh Ki-tô hữu mà không thực hành Lời Chúa trong đời sống hằng ngày. Tôi có thể đi lễ, đọc kinh hằng ngày, rồi sau đó, lại để Chúa ở trong nhà thờ, không đưa Ngài vào trong đời sống, hành xử như một người không có đức tin. Làm vậy là tôi đặt cái nền đời người Ki-tô hữu sai chỗ, có thể cái nền ấy là tiền bạc, danh vọng, địa vị,… thay vì là Lời Chúa. Và khi không đặt đời mình trên nền tảng Lời Chúa, thì đức tin của người Ki-tô hữu như nhà xây trên cát. Khi gặp khó khăn, thử thách, đức tin đó dễ dàng sụp đổ, đời sống chao đảo, mất phương hướng. Nói cách khác, khi đó, cho dù ta có đọc kinh, đi lễ nhiều bao nhiêu đi nữa, ta vẫn chưa sống đức tin hết mình, chưa thực sự là Ki-tô hữu.
Mời Bạn: Tự vấn mình xem nền tảng của đời tôi là gì? Là Lời Chúa hay là tiền bạc, danh vọng, địa vị? Tôi sẽ làm gì để Lời Chúa là cái nền tạo nên đời tôi?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành thời gian để đọc một đoạn Tin Mừng và tự hỏi: Chúa muốn tôi làm gì qua bài Tin mừng này, tôi làm gì để Lời Chúa tôi đọc được ứng nghiệm trong đời tôi?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Lời Chúa là Lời đem lại sự sống đời đời, là đá tảng cho đời sống đức tin của con. Xin cho con biết xây dựng đời con, gia đình con trên nền đá tảng ấy qua việc thực hành Lời Chúa, chu toàn thánh ý Chúa mỗi ngày. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm
Nếu ai trong cộng đoàn các Kitô hữu chúng ta
có khả năng nhân danh Đức Giêsu, nghĩa là dùng quyền năng của Ngài,
để nói tiên tri, để trừ quỷ hay làm nhiều phép lạ (c. 22),
chắc chúng ta sẽ tin ngay người đó là môn đệ đích thực của Đức Giêsu.
Người đó dĩ nhiên phải là người tốt lành, thánh thiện, đáng tin,
vì chỉ ai là người của Chúa mới làm được những điều lạ lùng đó.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc chúng ta đừng vội kết luận.
Làm được những điều Chúa đã làm như trừ quỷ hay chữa bệnh
chưa chắc chắn đã là người môn đệ chân chính.
Những kết quả hoành tráng trên vẫn chưa đủ để biết cây (Mt 7, 16).
Cả những ai thưa với Thầy Giêsu: Lạy Chúa! lạy Chúa!
cũng không hẳn sẽ được vào Nước Trời (c. 21).
Đức Giêsu cho chúng ta một tiêu chuẩn quan trọng khác để nhận định.
Đó là chính cuộc sống của người môn đệ đó.
“Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời…” (c. 21).
Ý muốn ấy được giải thích và diễn tả qua “những lời Thầy nói đây” (c. 24).
Vậy tiêu chuẩn chắc chắn để nhận ra người môn đệ thật
đó là xem người đó có sống đúng tinh thần của Đức Giêsu không,
có làm điều Ngài dạy qua Bài Giảng trên núi không.
“Những kẻ làm điều gian ác” ở đây là những người đã nghe và không làm.
Ngay cả những kẻ ấy cũng có thể làm được những điều kỳ diệu,
khiến chúng ta bị ngây ngất, say mê và ngộ nhận.
Nhưng vào ngày phán xét, mọi sự sẽ bị phanh phui.
Chúa sẽ nói với họ: “Ta không biết các ngươi. Xéo đi khỏi Ta” (c. 23).
Nước Trời không dành cho những ai bất tuân phục Ý Chúa.
Dù Nước Trời là một quà tặng nhưng không của Thiên Chúa Cha,
nhưng người Kitô hữu vẫn phải đưa tay ra cung kính đón nhận
bằng cách sống trọn vẹn Ý Cha như một người con thảo hiền.
Không có thái độ này, thì quà có đó mà vẫn không đến tay.
Chúng ta đã nghe lời Chúa Giêsu quá nhiều, nhưng thực hành lại chưa đủ.
Chính vì thế khi mưa đổ xuống, gió giật, nước dâng,
ngôi nhà đời chúng ta sụp đổ dễ dàng.
Vấn đề không phải do cuồng phong và lũ lụt,
mà do nền móng của ngôi nhà, nền đá hay nền cát.
Sau một cơn bão, có những tòa nhà cổ vẫn đứng vững hiên ngang,
trong khi những ngôi nhà mới xây lại sụp đổ.
Cơn bão nói cho ta về chất lượng thật của ngôi nhà.
Có bao nhiêu cơn bão mà ngôi nhà mỗi người vẫn phải gánh chịu mỗi năm?
Có lẽ ta nên chọn một câu Tin Mừng làm nền đá cho ngôi nhà đời mình.
Và xây cả đời mình trên việc sống câu Tin Mừng ấy.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
27 THÁNG SÁU
Trong Sự Chăm Sóc Ân Cần Của Cha
Ngay từ thuở ban đầu, sự quan phòng của Thiên Chúa được xem như một chân lý nền tảng của đức tin. Huấn quyền của Giáo Hội luôn luôn khẳng định điều ấy, tuy rằng mãi đến Công Đồng Vatican I chân lý này mới được tuyên bố chính thức về mặt tín lý. Công Đồng nói về sự quan phòng của Thiên Chúa nơi tạo vật: “Mọi sự mà Thiên Chúa đã sáng tạo, Ngài gìn giữ và dẫn dắt bằng sự quan phòng của Ngài – sự quan phòng ấy bao trùm từ chân trời này tới chân trời kia và cai quản tất cả một cách tốt đẹp” (Kn 8,1), “Tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Ngài (Dt 4,13), kể cả những gì sẽ xảy ra do sáng kiến tự do của các thụ tạo” (DS 3003).
Bản văn của Vatican I nhằm đáp ứng cho những nhu cầu cụ thể của các tín hữu Công Giáo sống trong thế kỷ 19. Trước hết, Công Đồng muốn xác nhận giáo huấn vốn sẵn có của Giáo Hội về sự quan phòng, một giáo huấn bất biến có liên kết chặt chẽ với toàn bộ sứ điệp Thánh Kinh. Chúng ta nhận ra điều này trong những bản văn Cựu Ước và Tân Ước đã được trích dẫn trong bản văn của Công Đồng.
Qua việc xác nhận giáo thuyết này, Công Đồng chống lại những sai lạc của thuyết duy vật và thuyết tự nhiên thần giáo (deism) của thế kỷ 19. Thuyết duy vật phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thuyết tự nhiên thần giáo tuy nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự sáng tạo thế giới song lại chủ trương rằng Thiên Chúa không hoạt động trong thế giới mà Ngài đã sáng tạo. Vì thế, có thể nói rằng thuyết này (deism) trực tiếp chống lại chân lý về sự quan phòng của Thiên Chúa.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 27/6
Thánh Cyrillô Alexandria, Giám mục
Tiến sĩ Hội Thánh
Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
2V 24, 8-17; Mt 7, 21-29.
Lời suy niệm: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” Là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7,21)
Lời Chúa Giêsu hôm nay gợi ý cho chúng ta trong mọi lời cầu nguyện của mình với Thiên Chúa luôn luôn có một tâm tình cộng tác vào kế hoạch của Ngài. Kế hoạch của Ngài chính là Tình Yêu với sự tha thứ, và cứu chuộc tất cả, để cùng được trở về lại với Ngài để cùng được hưởng hạnh phúc đời đời với Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con đường vào Nước Trời, không phải bằng lời lẽ: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” Nhưng là bằng việc thi hành “Ý muốn của Cha Thầy ngự trên Trời.” Xin cho mỗi người chúng con luôn cọng tác với Chúa trong việc Chúa Yêu Thương và Cứu Chuộc chúng con, cũng như với toàn thể nhân loại. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 27-06: Thánh CYRILLÔ ALEXANDRINÔ
Giám Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh (+444)
Năm 412 thánh Cyrillô kế vị cậu Ngài là Theophilô làm giám mục Alexandria. Khi ấy Ngài đã vào khoảng trung tuần. Người ta không biết gì về cuộc sống Ngài trước đó, trừ trường hợp, Ngài có mặt trong vụ kết án thánh Gioan Kim Khẩu năm 408. Hiển nhiên là Ngài đã có thời sống như một ẩn sĩ trong sa mạc và đã được giáo dục kỹ lưỡng về văn chương Hy Lạp.
Vào thế kỷ V, các giáo phụ Alexandria đã trở thành những giám mục giàu có và uy quyền nhất trong đế quốc. Trở thành Kitô, người Ai cập vẫn còn mang những gì còn lại trong tâm tình dân tộc của mình. Các giám mục tự mô tả như là những Đấng kế vị thánh Marcô, nhưng cũng kế nhiệm các thượng tế Amen Ra và có phong cách nào đó của Pharao.
Suốt 15 năm đầu làm giám mục, thánh Cyrillo đã đập tan thế hệ cầm quyền và những nhà đổi tiền Do thái ở Alexandria. Việc thực thi đức ái của Ngài đối với người nghèo khó, bệnh hoạn cũng như lòng thương cảm sâu xa của Ngài với mọi tội nhân hối cải, luôn kèm theo một chút cứng rắn. Chắc chắn là các kẻ thù của Ngài cũng là kẻ thù của Thiên Chúa. Nhiệt tâm với các linh hồn và say mê bảo vệ đức tin Kitô giáo, Ngài sẵn sàng dùng đến mọi phương tiện trong tay như là của cải, tài khích lệ quần chúng và lực lượng các thầy dòng.
Điều này giúp chúng ta hiểu được tại sao cuộc tranh luận về Kitô học mà Ngài giữ một vai trò lớn lao đã có màu sắc pha trộn chính trị lâu dài như vậy.
Năm 438, thày dòng Nestôriô trở thành thượng phụ Constantinople. Dường như ông ta đã làm giám mục tại triều đình có tham vọng mãnh liệt, tin vào hiệu quả lớn mạnh do đời sống cầu nguyện của mình và có ý tiêu diệt mọi lạc thuyết. Đàng khác, không chắc rằng ông đã muốn trở thành lạc giáo. Vào đầu thế kỷ V, các thần học gia đền nhận rằng: đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Dầu vậy chưa có định tín về mối tương quan giữa Thiên tính và nhân tính của Người như thế nào. Thánh Cyrillo chủ trương rằng: cả hai bản tính kết hợp mật thiết với nhau, đến độ Mẹ Chúa Kitô cũng được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Nestôriô thì phân biệt rằng Mẹ Con Trẻ Giêsu chỉ được gọi là Mẹ Chúa Kitô mà thôi. Mỗi bên đều tố cáo bên kia là lạc giáo.
Thánh Cyrillo liên kết với các tu sĩ Đông phương Ngài còn được Đức giáo hoàng nâng đỡ và cử làm Vị đại diện ở Đông phương. Với mệnh lệnh này, năm 430 Ngài kết án Nestôriô là lạc giáo tại một hội nghị ở Alexandria. Mùa hè năm 431, Ngài triệu tập và chủ tọa cộng đồng chung ở Ephesô. Nestôriô không những bị kết án mà còn bị truất phế nữa. Đức trinh Nữ được tuyên xưng là Mẹ Thiên Chúa.
Công đồng Ephêsô được Đức giáo hoàng chuẩn nhận. Nhưng hoàng đế lại không công nhận vì thánh Cyrillo đã không đợi 43 giám mục có thiện cảm với Nestôriô tới họp. Thánh Cyrillo bị bắt ở Tiểu Á và bị giam tù trong hai tháng. Thánh phụ Antiôkia và các người dưới quyền cắt đứt hiệp thông với Ngài. Thánh nhân trốn về Ai cập và năm 433 kết hợp lại được với Antiôkia. Từ đó Ngài lại thúc đẩy hoàng đế chấp nhận các sắc lệnh của công đồng Ephêsô. Hoàng đế vẫn nghi ngờ Ngài cho đến khi Ngài qua đời vào năm 444. Thánh Cyrillo vẫn còn dấn thân vào cuộc tranh luận Kitô học này cho đến chết.
Không có nhà thần học Hy Lạp nào lớn hơn thánh Cyrillo. Ngài có khả năng tổng hợp và nhận định có thể so sánh được với thánh Augustinô. Không có thánh nhân nào bị phê bình tàn khốc như thánh nhân, nhưng ít có thánh nhân nào đã hăng hái như Ngài. Cả những người ghen ghét cũng không thề chất vấn về sự cao cả của Ngài. Bên dưới sự hăng hái của Ngài là cả một tình yêu mạnh mẽ đối với đức Kitô với niềm tin mãnh liệt vào lòng thương xót của Người. Đức giáo hoàng Celestinô xưng tụng Ngài là đấng bảo vệ Giáo hội và Đức tin”.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
27 Tháng Sáu
Con Chim Trong Bàn Tay
Người Ba Tư có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Ngày xưa, tại quảng trường của một thành phố nọ, có một nhà hiền triết xuất hiện và tuyên bố giải đáp được tất cả mọi thắc mắc của bất cứ ai đến vấn kế.
Một hôm, giữa đám người đang say mê lắng nghe nhà hiền triết, có một mục tử từ trên núi cao đến. Nghe tiếng đồn về sự thông thái và khôn ngoan của nhà hiền triết, anh muốn chứng kiến tận mắt, nghe tận tai và nhất là để hạ nhục nhà hiền triết giữa đám đông.
Anh tiến đến gần nhà hiền triết, trong tay bóp chặt một con chim nhỏ. anh đặt câu hỏi như sau: ‘Thưa ngài, trong tay tôi có cầm một con chim. Ngài là bậc thông thái biết được mọi sự. Xin ngài nói cho tôi biết con chim tôi đang cầm trong tay sống hay chết?”.
Nhà hiền triết biết đây là một cái bẫy mà người mục tử tinh ranh đang giăng ra. Nếu ông bảo rằng con chim đang còn sống, thì tức khắc người mục tử sẽ bóp cho nó chết trước khi mở bàn tay ra. Còn nếu ông bảo rằng con chim đã chết thì lập tức con người khôn manh ấy sẽ mở bàn tay ra và con chim sẽ bay đi.
Sau một hồi thinh lặng, trước sự chờ đợi hồi hộp của đám đông, nhà hiền triết mới trả lời như sau: “Con chim mà ngươi đang cầm trong tay ấy sống hay chết là tùy ở ngươi. Nếu ngươi muốn cho nó sống thì nó sống, nếu ngươi muốn cho nó chết thì nó chết”.
Ai trong chúng ta cũng khao khát hạnh phúc. Ai trong chúng ta cũng mong ước được cuộc sống an bình, vui tươi. Nhưng lắm khi chúng ta chạy theo chiếc bóng mờ ảo của hạnh phúc hơn là hưởng nếm chính hạnh phúc đang cầm trong tầm tay của chúng ta. Hạnh phúc đích thực chính là con chim mà mỗi người chúng ta đang có ở trong lòng tay. Con chim ấy sống hay chết là tùy ở mỗi người chúng ta. Chúng ta được hạnh phúc, chúng ta được an bình hay không là do chính chúng ta.
Hạnh phúc đích thực của chúng ta, niềm vui đích thực của chúng ta chính là Thiên Chúa. Nếu chúng ta để cho Thiên Chúa chiếm ngự, nếu chúng ta để cho Thiên Chúa lấp đầy, thì cho dẫu ngoại cảnh có làbầu trời đen tối đi nữa, chúng ta vẫn cảm thấy an bình, hạnh phúc.
Ý thức được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn, để cho Chúa chiếm trọn tâm tư, lấy Chúa làm tất cả trong cuộc sống, chúng ta sẽ có được niềm vui đích thực.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm – Tuần 12 – TN2
Bài đọc: 2 Kgs 24:8-17; Mt 7:21-29.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Gieo giống nào sẽ gặt hái quả đó, sống thế nào sẽ lãnh hậu quả như vậy.
Xây nhà là một việc làm tốn kém và đòi nhiều thời gian để nghiên cứu địa hình, khí hậu, và vật liệu thích hợp. Nếu không chịu bỏ thời gian nghiên cứu, căn nhà xây lên sẽ không tồn tại lâu dài. Xây dựng đời người còn tốn kém gấp bội và đòi hỏi thời gian cả cuộc đời. Thánh Phaolô cho các tín hữu một lời khuyên rất khôn ngoan: hãy xây dựng cuộc đời mình trên nền tảng vững chắc là Đức Kitô, hãy đặt Ngài làm Đá Tảng góc tường.
Các bài đọc hôm nay tập trung trong việc giúp con người nhận ra những hậu quả mà họ phải lãnh nhận tương xứng với những gì họ hành động. Trong bài đọc I, tác giả Sách Các Vua II tường thuật ngày tàn của vương quốc Judah. Họ bị đế quốc Babylon hủy diệt hoàn toàn và đem đi lưu đày vì đã từ chối không sống theo những lời chỉ dạy của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố niềm tin biểu lộ qua miệng lưỡi sẽ không đủ để giúp con người vào Nước Thiên Chúa; nhưng họ phải biểu lộ niềm tin qua hành động là xây dựng căn nhà cuộc đời của họ trên nền tảng Lời Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hậu quả phải lãnh nhận vì khinh thường Lời Chúa.
1.1/ Hai lối sống trái ngược: Hôm qua, tác giả Sách Các Vua tường thuật cuộc canh tân toàn thể quốc gia của vua Josiah dựa trên nền tảng của Sách Luật được tìm thấy trong Đền Thờ. Hậu quả là vương quốc thoát khỏi cơn thịnh nộ của Đức Chúa và toàn dân được an bình trong một thời gian. Hôm nay, tác giả tường thuật ngày tàn của vương quốc Judah. Lý do vì các vua kế tiếp lại trở về nếp sống cũ: quay lưng lại với Đức Chúa và không giữ các lệnh truyền của Ngài. Hậu quả là Ngài không bảo vệ dân nữa và để mặc cho kẻ thù xâu xé.
Jehoiachin lên ngôi vua khi được mười tám tuổi, và trị vì ba tháng ở Jerusalem. Vua đã làm điều dữ trái mắt Đức Chúa, hệt như vua cha. Vua Babylon là Nebuchadnezzar đến đánh thành, trong khi các thuộc hạ của vua vây hãm thành. Biết không thể chống lại lực lượng của địch, vua Jehoiachin cùng với mẹ vua, các thuộc hạ, các tướng lãnh và thái giám của vua ra hàng vua Babylon. Vua đã bị bắt vào năm thứ tám triều vua Babylon.
1.2/ Hậu quả của lối sống không vâng lời Thiên Chúa:
(1) Mọi của cải xây dựng đều rơi vào tay quân thù: Người Do-thái rất tự hào về Đền Thờ của họ. Đền Thờ này được xây dựng bởi vua Solomon trên một đỉnh núi vững chắc là núi Sion. Khi Đền Thờ rơi vào tay vua Nebuchadnezzar, vua truyền đưa mọi kho tàng của Nhà Đức Chúa và các kho tàng của hoàng cung ra khỏi đó về Babylon. Vua đập bể mọi đồ bằng vàng mà vua Solomon, đã làm để dùng trong đền thờ Đức Chúa.
(2) Vua quan và dân chúng đều bị đem đi lưu đày: Vua Jehoiachin, mẹ vua , các cung phi, các thái giám và phú hào trong xứ, mọi tướng lãnh và mọi dũng sĩ, tất cả là mười ngàn người, cùng với mọi thợ rèn và thợ làm khoá; không sót lại một ai, trừ dân cùng đinh trong xứ. Tất cả bị đày từ Jerusalem sang Babylon.
Vua Babylon đặt ông Mattaniah là chú của vua Jehoiachin làm vua thay thế; vua Babylon đổi tên vua Mattaniah là Zedekiah. Mattaniah là con thứ ba của vua Josiah cai trị Judah. Nhà vua cai trị Judah 10 năm, từ 597-587 BC. Nhiều người Judah chỉ nhận Jehoiachin là vua chính thức của Judah.
2/ Phúc Âm:
2.1/ Nước Trời không dành cho những ai chỉ biết nói yêu mến Thiên Chúa:
+ Chúa Giêsu phân biệt rõ ràng hai lãnh vực lời nói và việc làm, và Nước Trời chỉ dành cho những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Một người ngây thơ có thể tin vào những lời đường mật của người dẻo miệng lưỡi ca tụng; nhưng không ai có thể đánh lừa Thiên Chúa bằng những lời tán tụng ngoài miệng, vì Ngài thấu suốt mọi ý hướng của con người.
+ Những tiên tri giả hay linh mục giả vẫn có thể nhân danh Thiên Chúa để rao giảng, trừ quỉ hay chữa bệnh. Việc làm của họ đôi khi thành công, không phải vì sự cố gắng của họ; nhưng vì quyền lực của Thiên Chúa. Nhưng nếu họ không tuân giữ các lệnh truyền của Thiên Chúa và gây thiệt hại cho người khác, họ cũng không được vào Nước Trời.
+ Chương 25 của Tin Mừng Matthew cho chúng ta thấy rõ: tiêu chuẩn phán xét của Thiên Chúa là những gì chúng ta làm cho một trong những người bé mọn là chúng ta làm cho Ngài; và chỉ những người biết thực thi bác ái mới được vào Nước của Thiên Chúa.
+ Vì thế, tình yêu thật phải biểu tỏ trong lời nói cũng như trong hành động. Người yêu thật sự là người sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu; chứ không phải nói yêu một đàng rồi sống ích kỷ để mặc người mình yêu muốn ra sao thì ra. Một người yêu Chúa thật là người luôn cố gắng tìm ra và thi hành thánh ý của Ngài. Cách cụ thể là luôn tìm dịp để giúp đỡ mọi người về phương diện tinh thần cũng như vật chất.
2.2/ Phải xây dựng cuộc đời trên nền tảng những Lời Chúa dạy: Để dẫn chứng tầm quan trọng của việc thi hành Lời Chúa, Chúa Giêsu đưa ra một ví dụ cụ thể mà mọi người đều hiểu.
(1) Xây nhà trên đá: Nhà xây trên nền đá, tuy khó làm lúc đầu, nhưng sẽ chịu đựng được mọi thay đổi của thời tiết sẽ xảy ra: mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào. Tương tự như thế cho những ai xây dựng cuộc đời mình trên nền tảng vững chắc là Lời Chúa. Trước tiên họ phải bỏ thời giờ học hỏi để hiểu tường tận, sau đó phải tìm mọi dịp để mang ra áp dụng trong cuộc đời.
(2) Xây nhà trên cát: Nhà xây trên cát rất dễ làm lúc đầu, nhưng không chịu đựng nổi những đe dọa của thời tiết; chỉ cần một cơn sóng gió nhỏ cũng đủ cuốn trôi nhà ấy. Rất nhiều người xây dựng căn nhà cuộc đời mình trên những nền tảng không phải là Lời Chúa như: vàng bạc, danh vọng, uy quyền, sắc đẹp. Đến khi phải đối diện với bệnh tật hay đau khổ, họ không thể đứng vững, và nhiều người đã hủy hoại cuộc đời họ vì không thể thắng vượt được những cơn lốc của thế gian, và bẫy giăng của ma quỉ.
Người xây nhà trên cát có thể ví như con dã tràng ngoài biển, cố gắng xây dựng hang động của mình khi thủy triều rút xuống; nhưng khi thủy triều dâng lên hay biển động, nước sẽ tràn vào hang động của chúng và cuốn sạch ra biển. Chúng cứ tiếp tục xây để rồi lại bị cuốn đi. Nếu con người không biết suy nghĩ khôn ngoan hơn con dã tràng, họ sẽ không có cơ hội được sống hạnh phúc trong cơn nhà đời này, chứ đừng nói tới việc hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa mai sau.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Để xây căn nhà cuộc đời chúng ta cách chắc chắn, chúng ta phải xây dựng trên nền tảng vững chắc là Đức Kitô và những lời dạy bảo của Ngài.
– Chúng ta phải chịu khó bỏ thời giờ để học hỏi những giáo huấn của Đức Kitô và mang ra áp dụng trong cuộc sống: bắt đầu từ khi còn nhỏ, khi trưởng thành, và kéo dài trong suốt cuộc đời.
– Gieo nhân nào gặt quả đó. Chúng ta sống thế nào, Thiên Chúa sẽ trả cho chúng ta như thế.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************