Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Năm Tuần IV Mùa Phục Sinh Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: Cv 13, 13-25
“Bởi dòng dõi Đavít, Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Rời Paphô, Phaolô và các bạn vượt biển đến Perghê xứ Pamphy-lia; còn Gioan từ biệt các ngài, và trở về Giêrusalem. Hai ngài sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Sau khi đọc sách luật và các tiên tri, những thủ lãnh nhà hội đường sai người đến nói với các ngài rằng: “Hỡi anh em, nếu ai trong anh em có lời khuyên bảo dân chúng, xin hãy nói”.
Phaolô đứng lên, giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng và nói: “Hỡi người Israel và những kẻ kính sợ Thiên Chúa, hãy nghe đây. Thiên Chúa dân Israel đã chọn Tổ phụ chúng ta, Người đã thăng tiến dân Người khi họ còn cư ngụ trong nước Ai-cập và Người ra tay mạnh mẽ đưa cha ông chúng ta ra khỏi nước ấy. Trong thời gian bốn mươi năm, Người chịu đựng thói xấu họ trong hoang địa; và sau khi đã tiêu diệt bảy dân tộc trong đất Canaan, Người đã cho họ chiếm đất của các dân tộc ấy gần bốn trăm năm mươi năm; và sau đó, Người ban cho họ các thẩm phán cho đến tiến tri Samuel. Kế đó, họ xin một nhà vua và Thiên Chúa cho Saolê, con ông Cis, thuộc chi họ Bengiamin, cai trị họ bốn mươi năm. Sau khi loại bỏ Saolê, Chúa đã đặt Đavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: ‘Ta đã gặp được Đavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta’.
“Bởi dòng dõi Đavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ, Đấng mà Gioan đã báo trước khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: ‘Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người’ “. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 88, 2-3. 21- 22. 25 và 27
Đáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (c. 2a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời; qua mọi thế hệ, miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”, trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. – Đáp.
2) Ta đã gặp Đavít là tôi tớ của Ta. Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh người. – Đáp.
3) Thành tín và ân sủng của Ta hằng ở với người, và nhân danh Ta, sức mạnh người tăng thêm mãi. Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và Tảng Đá cứu độ của con”. – Đáp.
ALLELUIA: Mt 28, 19 và 20
Alleluia, alleluia! – Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 13, 16-20
“Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông: “Thật, Thầy bảo thật các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai không trọng hơn đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc. Thầy không nói về tất cả các con, vì Thầy biết những kẻ Thầy đã chọn, nhưng lời Thánh Kinh sau đây phải được ứng nghiệm: Chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ gót lên đạp Ta. Thầy nói điều đó với các con ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy đến, để một khi xảy đến, các con tin rằng: Thầy là ai. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
29/04/2021 – THỨ NĂM TUẦN 4 PS
Th. Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ HT
Ga 13,16-20
TÌNH THÂN THIẾT THẦY-TRÒ
“Thật Thầy bảo thật anh em: Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” (Ga 13,20)
Suy niệm: Trong bầu khí yêu thương thân tình giữa Thầy và trò sau khi Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ, chúng ta cảm nhận được sự bồi hồi xao xuyến của Ngài trước lúc chia tay. Đây là lúc mà không còn lúc nào khác để Chúa nói với các môn đệ những lời tâm huyết nhất: Ngài cho biết mối tương quan giữa Ngài với các môn đệ trở nên khăng khít vì được liên kết với mối tương quan khăng khít không thể tách rời giữa Ngài với Chúa Cha: Ai đón tiếp các môn đệ là đón tiếp Chúa Giê-su và đón tiếp Ngài như vậy cũng tương đương như là đón tiếp chính Chúa Cha.
Mời Bạn: Hiểu được tâm tình của Đức Giê-su, bạn có cảm thấy được đánh động sâu xa cả con người của bạn không? Biết mình trở nên quan trọng với Chúa như thế, được liên kết chặt chẽ với Ngài như thế, bạn quyết tâm là người môn đệ trung thành của Thầy, thực hành tới từng chấm từng phẩy lời Thầy dạy chứ? Bạn được Thầy tuyển chọn và sai đi tiếp tục sứ mạng của Ngài, bạn sẽ sống xứng đáng với sự tin tưởng của Thầy, để mọi người có thể nhận ra Ngài nơi đời sống của bạn chứ?
Chia sẻ: Bạn nhìn lại những biến cố xảy ra trong cuộc đời bạn. Bạn có nhận ra sự chăm sóc ân cần của Chúa dành cho bạn, và sự tín nhiệm của Ngài đối với bạn khi Ngài trao cho bạn sứ mạng làm ngôn sứ, chứng nhân cho Ngài không? Mời bạn chia sẻ cảm nghiệm đó.
Sống Lời Chúa: Để tình thân thiết Thầy-trò giữa Chúa và bạn ngày càng sâu đậm bạn đừng quên dành thời giờ tâm sự với Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm
Khi giảng cho các Giám mục Anh Giáo,
ông Jean Vanier có kể câu chuyện như sau xảy ra tại cộng đoàn của ông,
một cộng đoàn được lập tại nước Pháp để giúp những người cơ nhỡ.
Nhà ông có nhận nuôi anh Eric, 16 tuổi, vừa mù lại vừa điếc.
Anh không đi được, không muốn ăn, chỉ quậy phá và muốn chết.
Anh thật là mối kinh hoàng cho những ai phải chăm lo cho anh.
Làm sao để anh yêu cuộc sống này ?
Làm sao để anh thấy mình được yêu và đáng quý,
bất chấp những khiếm khuyết của mình ?
Tìm đâu thứ ngôn ngữ để một người vừa mù vừa điếc hiểu được điều ấy ?
Ông Jean Vanier có nhiệm vụ tắm cho anh mỗi sáng.
Và ông đã tìm ra được thứ ngôn ngữ mà anh hiểu được, cảm được,
thứ ngôn ngữ của bàn tay, ngôn ngữ của thịt.
“Lời đã thành thịt, để thịt của chúng ta thành lời,” ông đã nói như thế.
Khi Thầy Giêsu chạm tay của mình vào chân các môn đệ để rửa
với sự trân trọng và yêu thương,
chắc họ đã cảm được thứ ngôn ngữ không lời đó.
Kinh nghiệm được Thầy rửa chân là kinh nghiệm chẳng thể nào quên.
Thầy muốn các môn đệ tiếp tục làm điều Thầy đã làm:
“Thầy đã nêu gương cho anh em,
để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 15).
Thầy Giêsu nhắc các môn đệ về vị thế của họ,
vị thế của người tôi tớ, người được sai.
Vị thế này hẳn thấp hơn vị thế của Thầy là chủ, là người sai họ đi (c. 16).
Bởi đó việc rửa chân cho nhau giữa các tôi tớ là một đòi buộc (c. 14).
“Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành,
thì thật phúc cho anh em !” (c. 17).
Đức Giêsu đã biến hành vi rửa chân thành mối phúc.
Con người thường tìm hạnh phúc nơi việc được phục vụ, được tôn vinh.
Thầy Giêsu dạy ta tìm hạnh phúc nơi việc cúi xuống khiêm hạ.
Nhiều kitô hữu đã nếm được thứ hạnh phúc này,
trong đó có ông Jean Vanier, Mẹ Têrêsa, cha Đamiêng, Đức Cha Cassaigne…
Họ đã tình nguyện dâng đời mình cho những người cùng khổ.
Hôm nay, Đức Giêsu vẫn ở nơi những người cần được rửa vết thương,
vết thương thể chất và tinh thần.
Hôm nay, Ngài vẫn ở nơi những người đang cúi xuống,
âm thầm, nhẹ nhàng băng bó các vết thương của thế giới.
Cầu Nguyện
Lạy Thầy Giêsu,
khi Thầy rửa chân cho các môn đệ
chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.
Thày dạy chúng con một bài học rất ấn tượng
khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,
khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.
Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.
Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.
Lạy Thầy Giêsu,
thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.
Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.
Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.
Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.
Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,
để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.
Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,
để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
29 THÁNG TƯ
Mối Quan Tâm Từ Phụ Của Thiên Chúa
Người Mục Tử Tốt Lành là hình ảnh diễn tả độc đáo nhất về sự quan phòng cứu độ của Thiên Chúa, về mối quan tâm từ phụ của Ngài đối với con người. Do lòng từ bi của Ngài, Chúa Cha quyết định rằng Chúa Con phải đến để dẫn dắt đàn chiên của Ngài đến sự sống sung mãn – một sự sống phong nhiêu như dòng suối mát hay đồng cỏ xanh. Ngôi Lời đã hủy mình ra không và đã cứu độ chúng ta, làm cho chúng ta nên giống như Ngài đến nỗi mọi Kitôhữu đều có thể nói như Thánh Phao-lô: “Giờ đây không còn phải là tôi sống nữa, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng sự hiện diện đầy khích lệ của Đấng Cứu Chuộc không hề miễn cho chúng ta khỏi gánh vác thập giá. Sự hiện diện ấy là một ơn an ủi giúp ta kết hiệp với Thiên Chúa, giúp ta sống và chịu đau khổ theo thánh ý Thiên Chúa và vì ích lợi của anh chị em chúng ta.
Như vậy, chúng ta thấy rằng Đức Kitô đã triển khai một sứ mạng có tính quan phòng để phục vụ cho những người mà Chúa Cha đã trao cho Người. Người là Mục Tử Tốt Lành.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 29/4
Thánh Catarina Siêna, trinh nữ
tiến sĩ Hội Thánh
Cv 13, 13-25; Ga 13, 16-20.
LỜI SUY NIỆM: “Thật, Thầy bảo thật anh em ai đón tiếp người Thầy sai đến là tiếp đón Thầy; và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”
Chúa Giêsu đang liên kết những người được Người sai đến với chính Người và chính Chúa Cha; là một, để mỗi người chúng ta có ý thức tôn trọng những đấng bậc trong Giáo hội, đang chăm sóc dạy dỗ. Đồng thời cũng giúp cho tất cả chúng ta đem ra thực hành trong cuộc sống khi đứng trước người anh em: trong lời nói, việc làm đầy khiêm tốn và tôn trọng họ như chính là Chúa Giêsu. Mọi điều này đều có liên quan đến Người và đến Chúa Cha. Điều này được Chúa Giêsu nói rõ trong “Cuộc phán xét Chung” (Mt 25,31-46).
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành phần Dân Chúa, học biết Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo. Đặc biệt hiểu biết và sống bốn nguyên tắc căn bản của Giáo Huấn: Tôn trọng Phẩm giá con người. Đem lại Công ích cho mình và cho người, biết Liên đới với nhau và với thiên nhiên và Ra sức Bổ trợ lẫn nhau trong cuộc sống để cùng thăng tiến.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 29-04
Thánh CATARINA THÀNH SIENA
Đồng Trinh, Tiến Sĩ Hội Thánh (1347 – 1380)
Cartarina sinh 1347 tại Siêna, là con út của một gia đình dông đảo, cha Ngài, ông Giacômô là một thợ nhuộm giàu có, Mẹ Ngài Mônna Lapa là một người quản trị có nhiều khả năng và giàu nghị lực của gia đình sống động này.
Cartarina đã trải qua tuổi nhỏ thơ ấu bình thường với tính vui đặc biệt khác hẳn với các anh chị. Nhưng với tuổi thanh xuân, Ngài đã say mê cầu nguyện trong cô tịch. Bà Lapa rất bực mình và có thời bà coi Cartarina như một đứa con khó trị, vì cô đã cưỡng lại sự hướng dẫn của mẹ trong những công việc như ăn mặc và giải trí, chống đối cả những đề nghị thành hôn và luôn cương quyết trong ý tưởng trở nên một nữ tu.
Ngay hồi 7 tuổi, Cartarina đã khấn với Đức Trinh nữ rằng : Chúa Giêsu là vị hôn phu duy nhất của mình. Lên 12 tuổi, cha mẹ muốn gả chồng cho Cartarina. Nhưng rồi cha mẹ Ngài đã hiểu rằng: không thể thay đổi ý định của Ngài được. Đàng khác, sau nhiều thử thách, cha mẹ Ngài phải cảm kích khi thấy Ngài vẫn dịu dàng tuân phục trong những việc nặng nề và từ đó họ không chống lại tiếng gọi thần linh nữa.
Năm 16 tuổi, Cartarina được mặc áo dòng ba Đaminh. Luật lệ dòng cho phép Ngài mặc áo đen trắng của dòng mà vẫn ở nhà với cha mẹ. Từ đó, trong 3 năm trời thánh nhân chỉ rời phòng riêng khi đi lễ và xưng tội. Ngài chỉ nói chuyện với cha giải tội của Ngài thôi. Sau này vị linh mục tốt lành này thú nhận rằng mình thường cảm thấy thiếu khả năng để hứơng dẫn Cartarina.
Cũng trong thời gian này có khi thánh nhân chỉ ăn một muỗng cháo và ngủ vài giờ mỗi ngày. Những khó nhọc khổ chế thể xác ấy còn quá nhẹ so với cơn thử thách mà quỷ gây ra trong tâm hồn. Khi hết các thử thách, Chúa Giêsu hiện đến dưới hình dạng bê bết máu trên thánh giá. Thánh nhân trách: – Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con một mình chiến đấu với những dày vò kia ?
Chúa trả lời : – Cha vẫn phải với con.
– Sao, Chúa ở giữa những tư tưởng kinh tởm làm nhơ nhớp linh hồn con sao ?
– Nhưng những thử thách ấy đâu có làm cho con phiền muộn quá mức ?
– Ôi, con kinh sợ và đau buồn quá mức ?
– Đó, các tư tưởng ấy đã không thể làm nhơ uế hồn con vì con tởm gớm chúng. Chính cha ngự trong lòng con và đã cho con ơn biết đau buồn vì chúng.
Chúa Giêsu đã thưởng công cho lòng dũng cảm và trung tín của Cartarina bằng cuộc viếng thăm này. Thánh nhân xin cho được kết hợp mật thiết với Chúa hơn. Trong một thị kiến, Đức trinh Nữ đã cầm tay thánh nữ và Con Ngài đã xỏ vào tay thánh nữ một chiếc nhẫn vàng và chỉ một mình thánh nữ trông thấy. Đây là Lễ Cưới nhiệm mầu.
Sau biến cố đặc biệt này, thánh nữ bắt đầu chia sẻ mọi việc trong nhà, nuôi dưỡng bệnh nhân và giúp đỡ những người nghèo. Người ta còn nhắc đến việc Ngài săn sóc cho một người cùi và một người bị ung thư; để vượt qua sự ngại ngùng, Ngài dám hôn vết thương tanh hôi của họ. Anh hùng săn sóc cho thể xác, chắc chắn Ngài cũng nhiệt tình lo lắng cho linh hồn con người . Một phạm nhân cứng lòng đã hối cải sau lời khuyên của thánh nữ, và lãnh nhận cái chết đạo đức trong tay thánh nữ.
Được ơn thấu suốt các tâm hồn, thánh nhân đã trở nên nơi tập họp của một lớp người đông đảo cầu thuộc đủ mọi thành phần. Họ bị lôi kéo bởi sự vui tươi lẫn đời sống khổ hạnh của Ngài, bởi tính khí bình dân lẫn sự hiểu biết sâu sắc về đường thiêng liêng, bởi nét đẹp bình dị của Ngài. Người ta gọi nhóm người qui tụ bên Ngài là “Trường phái thần bí”.
Với ảnh hưởng lớn lao ấy, thánh Cartarina được mệnh danh là “Thiên thần hòa giải” bởi những mối thù hận giữa gia đình không thể chống lại được ảnh hưởng của Ngài. Ngài nói : – Ghen ghét người lân cận là chống đối lại Thiên Chúa, là hủy diệt đối với người nuôi dưỡng nó, bởi vì ai sống trong ghen ghét, họ tự ghét bỏ mình còn hơn là ghét bỏ thù nghịch nữa.
Trước uy tín dặc biệt này của thánh nhân Bề trên đã đặt Ngài mang lời Chúa đến cho dân chúng. Ngài dạy ở Siêng Pisa, Rôma. Mọi người đều ngạc nhiên khi thấy một người con gái bình thường lại có thể diễn đạt tư tưởng như một nhà thần học và một nhà triết học.
Trở về phòng riêng, thánh nữ tiếp tục cuộc rao giảng Tin Mừng, khích lệ và nâng đỡ các tâm hồn. Ngài viết thư cho các vua chúa và cho cả Đức giáo hoàng, các tu sĩ vâng phục Ngài, các hiệp sĩ bày tỏ nỗi lòng với Ngài. Những việc hệ trọng nhất được giao phó cho Ngài, một trật Ngài có thể đọc cho hai hay ba thơ ký viết về những đề tài khác nhau. Bởi đó, Ngài đã giữ một vai trò lớn lao trong lịch sử, mang lại an bình cho Giáo hội, ngăn chận cuộc nổi loạn ở Pisa và Tôscane. Ngài là Thiên thần của Siêna trong cuộc nội chiến và dịch hạch. Nhiều thành phố nổi dậy chống lại Đức giáo hoàng Gregoriô XI là Đấng rời tòa sang Pháp.
Tháng 5 năm 1376, Ngài sang Avignon nài nỉ Đức giáo hoàng trở về Rôma. Các thư từ của Ngài thổi vào sự can đảm cần thiết cho cuộc trở về này. Khi cuộc nổi loạn ở Florence bùng nổ, người ta bỗng thấy thánh Cartarina xuất hiện, quỳ dưới chân thủ lãnh những người nổi loạn và nói: – Ông muốn tìm Cartarina phải không ? Nó đây, nhưng xin đừng hại những người này.
Cảm kích vì lòng gan dạ của thiếu nữ, người đứng đầu chấm dứt âm mưu nổi dậy.
Đức giáo hoàng Grêgoriô XI bỏ Avignon ngày 13 tháng 9 năm 1376. Khi đức giáo hoàng Gregoriô qua đời, Cartarina trở về Siena và đọc cho thơ ký viết cuốn: “Đối thoại về Chúa quan phòng”. Nhưng có sự chia rẽ, Ngài đứng về phía Urbanô VI. Trong những bức thư đầy sinh lực, Ngài kêu gọi các vua Au châu vâng phục Đức giáo hòang. Bốn trăm bức thư và cuốn sách thánh nhân để lại là một kho tàng lớn lao trong các tác phẩm thiêng liêng.
Giữa các hoạt động rực rỡ trên, thánh Cartarina đã phải chịu những đau đớn vô danh. Chúng ta biết rằng: từ Chúa nhật thứ IV mùa chay năm 1375, Ngài đã được in năm dấu thánh. Dấu chỉ lộ rõ sau khi Ngài qua đời.
Một chiều tháng giêng năm1380, thánh nhân đã ngã bệnh trong khi đọc một lá thơ viết cho đức giáo hoàng Urbanô. Phục hồi một phần, nhưng Ngài vẫn sống trong một cơn hấp hối nhiệm màu, một chuộc chiến đấu với ma quỉ. Và Ngài ngã bệnh hôn mê lần thứ hai khi đang cầu nguyện tại đền thờ thánh Phêrô và qua đời ba tuần sau vào ngày 29 tháng 4 năm 1380.
Ngài được mai táng dưới chân bàn thờ dòng Đaminh Santa Maria Sopra Minerva, nhưng đầu Ngài sau này được dời về Siena. Tám mươi mốt năm sau Ngài được phong thánh.
Ngày 04 tháng 10 năm 1970, đức Phaolô VI đã tôn phong Ngài vào hàng tiến sĩ Hội Thánh.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
Thứ Năm – Tuần IV – PS
Bài đọc: Acts 13:13-25; Jn 13:16-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa hoàn tất mọi ý định và lời hứa của Ngài.
Có một sự khác biệt giữa ý định và lời Thiên Chúa hứa với ý định và lời hứa của con người. Những gì Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ hòan thành; không một ai có thể cản trở ý định của Ngài. Những gì Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ ban; vì Ngài có uy quyền làm mọi sự. Những gì con người muốn luôn thay đổi, và những gì con người hứa ít khi được hoàn thành vì con người giới hạn và không đủ uy quyền để hoàn thành lời hứa. Nhìn lại lịch sử được ghi chép trong Kinh Thánh, con người phải ngạc nhiên và phải tin vững vàng vào Thiên Chúa, vì tất cả những gì Thiên Chúa đã muốn và hứa đều được làm trọn đến từng chi tiết. Khi những biến cố xảy ra trong hiện tại, con người nghĩ họ đang thực hiện ý định của họ; nhưng thực ra, họ chỉ đang làm theo ý Thiên Chúa đã muốn.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên sức mạnh và sự trung thành của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, Phaolô dùng lịch sử để chứng minh cho khán giả biết Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Ngài hòan thành hai lời hứa với Abraham sẽ ban cho ông con cháu và Đất Hứa. Ngài hoàn thành lời hứa sẽ ban cho Israel một Đấng Cứu Độ xuất thân từ giòng dõi vua David. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tiên báo một người trong các Tông-đồ, là người cùng ăn uống với Chúa, sẽ “giơ gót đạp Chúa” như lời TV 41:9 tuyên bố; điều này được ứng nghiệm qua sự phản bội của Judah. Chúa Giêsu tiên đoán các Tông-đồ sẽ cùng chịu chung số phận bị bắt và giết chết như Chúa. Lời tiên đoán này cũng được làm trọn qua sự tử đạo của các Tông-đồ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa đã thực hiện những gì Ngài hứa với tổ-phụ Abraham và vua David.
Ngày Sabbath, hai ông Phaolô và Barnabas vào hội đường ngồi tham dự. Sau phần đọc sách Luật và sách Các Ngôn Sứ, các trưởng hội đường cho người đến nói với hai ông: “Thưa anh em, nếu anh em muốn khuyên nhủ dân điều gì, xin cứ nói. Ông Phaolô đứng dậy, giơ tay xin mọi người lưu ý, rồi nói:
1.1/ Thiên Chúa làm trọn lời hứa với Abraham: Vì Abraham luôn vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự, nên Ngài hứa với ông hai điều:
(1) Ban cho ông con đàn cháu đống (Gen 17:7): Mục đích của Phaolô là muốn khán giả nhìn lại lịch sử để xem lời Thiên Chúa hứa được hoàn thành thế nào: “Thiên Chúa của dân Israel đã chọn cha ông chúng ta, đã làm cho dân này thành một dân lớn trong thời họ cư ngụ ở đất Ai-cập (Deut 4:37, 10:15), và đã giơ cánh tay mạnh mẽ của Người mà đem họ ra khỏi đó. Và trong thời gian chừng bốn mươi năm, Người đã nuôi dưỡng họ trong sa mạc (Deut 4:34, 5:15, 9:26, 29, Exo 6:1-6, 12:42). Tất cả những điều này đã được ghi chép cẩn thận trong Lề Luật của họ.
(2) Ban cho ông Đất Hứa (Gen 17:8): Sau 40 năm thanh luyện trong sa mạc, Thiên Chúa dùng Joshua để đưa dân vào Đất Hứa: ” Rồi Người đã tiêu diệt bảy dân tộc ở đất Canaan và ban đất của chúng cho họ làm gia sản: tất cả đã xảy ra trong khoảng bốn trăm năm mươi năm (Exo 16:35, Num 14:33ff, Deut 1:31). Sau đó, Người ban cho họ các vị thủ lãnh cho đến thời ngôn sứ Samuel.”
1.2/ Thiên Chúa làm trọn lời hứa với David: Sau thời của Joshua, Thiên Chúa ban cho Israel các vị Thủ Lãnh để lãnh đạo dân chúng; nhưng khi Israel thấy các dân tộc khác có vua, họ đòi tiên tri Samuel cho họ cũng có vua cai trị họ.
(1) Israel có vua cai trị: “Rồi họ đòi có vua, Thiên Chúa ban cho họ ông Saul, con ông Kish thuộc chi tộc Benjamin, trị vì bốn mươi năm. Sau khi truất phế vua Saul, Người đã cho ông David xuất hiện làm vua cai trị họ. Người đã làm chứng về ông rằng: Ta đã tìm được David, con của Jesse, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta. Từ dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Israel một Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu (2 Sam 7:12, 22:51).
(2) Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Chúa Giêsu: Lời hứa ban Đấng Cứu Độ được thực hiện khi để dọn đường cho Đức Giêsu, ông Gioan đã rao giảng kêu gọi toàn dân Israel chịu phép rửa tỏ lòng sám hối (Mt 3:11). Khi ông sắp hoàn thành sứ mệnh và được tra vấn bởi các kinh sư và luật sĩ nếu ông là Đấng Thiên sai, ông Gioan đã tuyên bố: “Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người” (Jn 1:20, 27, Mc 1:7f). Khi ông nhìn thấy Chúa Giêsu đi ngang, ông chỉ vào Ngài và nói với các môn đệ: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.” (Jn 1:29).
2/ Phúc Âm: Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu.
2.1/ Nếu người ta đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em: Cuộc Thương Khó đã gần kề, Chúa Giêsu biết trước những gì sẽ xảy ra cho Ngài và những gì sẽ xảy ra cho các môn đệ; nên Ngài muốn chuẩn bị tâm hồn cho các ông. Ngài nói với các ông: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi.” Chúa Giêsu muốn các tông-đồ biết trước điều đó và biết cách đối phó khi điều ấy xảy đến. Trong Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu, tất cả những gì Chúa đã tiên báo đều ứng nghiệm đến từng chi tiết. Trong Sách CVTĐ, chúng ta đã nghe tường thuật đầy đủ tất cả những bắt bớ, tù đày, roi đòn, và tử đạo của các môn đệ Chúa.
2.2/ Chúa Giêsu tuyên bố về sự phản bội của Judah: Chúa Giêsu dẫn chứng lời TV 41:9 “Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con.” Ngài muốn nói với các ông ngay cả việc bị một người trong số các ông phản bội, Judah, không phải là chuyện tình cờ, nhưng đã được xếp đặt và báo trước bởi Thiên Chúa. Sở dĩ Ngài nói với các ông điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, các ông tin là “Ngài Hằng Hữu.” Biệt hiệu này chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi vì Ngài luôn hiện hữu.
Chúa nói trước về sứ vụ tương lai của các Tông-đồ; các ông là sứ giả mang Tin Mừng của Ngài. Ai đón tiếp sứ giả loan Tin Mừng là đón tiếp Đức Kitô và Thiên Chúa, vì Thiên Chúa sai Đức Kitô, và Đức Kitô sai các sứ giả. Điều cần là các sứ giả phải loan báo những gì Đức Kitô muốn nói cho dân chúng. Bổn phận của dân chúng là phải nhận ra ai là sứ giả thật từ những sứ giả mạo danh.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Tất cả mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời là do ý định và sự quan phòng của Thiên Chúa. Điều gì Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ làm cho thành tựu; điều gì Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ ban.
– Con người chúng ta chỉ thi hành những gì Thiên Chúa muốn; không một ai có thể chống lại ý định hay vô hiệu hóa lời hứa của Thiên Chúa.
– Hạnh phúc của chúng ta là cố gắng tìm ra và vui vẻ làm điều Thiên Chúa muốn. Dĩ nhiên, chúng ta có thể làm ngược lại; nhưng có ích lợi gì đâu!
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************