Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Sáu Tuần XIII Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: St 23, 1-4. 19; 24, 1-8. 62-67
“Isaac yêu thương Rêbecca, cho nên ông tìm được niềm an ủi, vì thương nhớ mẹ đã qua đời”.
Trích sách Sáng Thế.
Bà Sara được một trăm hai mươi bảy tuổi thì qua đời tại thành Cariatharbê, tức là Hêbron, trong đất Canaan. Ông Abra-ham đến khóc lóc thương tiếc bạn mình. Khi lo việc chôn cất, Abraham chỗi dậy nói với các con ông Hét rằng: “Tôi là ngoại bang, là khách lạ giữa quý ông, xin quý ông nhượng cho tôi một phần mộ để chôn xác người nhà tôi qua đời”. Rồi Abraham chôn cất bà Sara vợ ông trong Hang Đôi ngoài đồng ruộng, đối diện với Mambrê, tức Hêbron, trong đất Canaan.
Khi ấy, Abraham đã già nua, và Chúa đã chúc lành cho ông trong mọi sự. Abraham nói với người đầy tớ lớn tuổi nhất trong nhà, cũng là người quản lý mọi của cải của ông rằng: “Ngươi hãy đặt tay vào dưới bắp vế ta mà thề trước mặt Chúa là Thiên Chúa trời đất, sẽ không cưới cho con ta một người vợ thuộc dân Canaan mà ta đang ở chung với họ đây. Ngươi hãy đi về quê họ hàng ta, mà cưới vợ cho con ta là Isaac”. Người đầy tớ thưa lại: “Nếu người phụ nữ không muốn theo tôi về xứ này, thì tôi có phải đem con trai ông về quê quán của ông chăng?” Abraham trả lời rằng: “Ngươi hãy cẩn thận chớ bao giờ dẫn con ta về đó: Chúa là Thiên Chúa, đã đưa ta ra khỏi nhà cha ta và quê quán ta, đã phán và thề hứa cùng ta rằng: ‘Ta sẽ ban đất này cho dòng dõi ngươi’. Thiên Chúa sẽ sai thiên thần đi trước mặt ngươi, và ngươi cưới cho con trai ta một người vợ trong xứ đó. Nếu người phụ nữ không chịu theo ngươi về, thì ngươi không còn mắc lời đoan thề mà ta bảo người đây. Chỉ có một điều là đừng dẫn con trai ta về nơi đó”.
Khi ấy, Isaac đi bách bộ trên đường dẫn đến cái giếng gọi là “Đấng Hằng Sống và Trông Thấy”, vì ông cư ngụ tại mạn nam. Lúc gần tối, Isaac đi ra ngoài cánh đồng để suy ngắm. Khi ngước mắt lên nhìn, thấy những con lạc đà đang trở về từ đàng xa. Rêbecca cũng ngước mắt nhìn thấy Isaac, nàng liền nhảy xuống khỏi lạc đà, và hỏi người đầy tớ rằng: “Người đang đi trong cánh đồng để ra đón chúng ta là ai vậy?” Người đầy tớ đáp: “Người đó là chủ tôi đấy”. Nàng vội vàng lấy khăn che mặt. Người đầy tớ lại kể lại cho Isaac hay mọi việc mình đã làm. Isaac đưa Rêbecca vào nhà xếp của Sara mẹ ông, ông lấy nàng làm vợ và yêu thương nàng lắm, cho nên ông tìm được niềm an ủi bớt thương nhớ mẹ đã qua đời. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 105, 1-2. 3-4a. 4b-5
Đáp: Hãy ca tụng Chúa, bởi Người nhân hậu (c. 1a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Hãy ca tụng Chúa, bởi Người nhân hậu, vì đức từ bi Người tồn tại muôn đời. Ai nói cho hết được những hành động quyền năng của Chúa, ai kể cho xiết mọi lời ngợi khen Người? – Đáp.
2) Phúc cho ai tuân giữ những điều huấn lệnh, và luôn luôn thực thi điều công chính. Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài. – Đáp.
3) Xin mang ơn cứu độ đến thăm viếng chúng con, để chúng con hân hoan vì hạnh phúc những người Chúa chọn, được chung vui bởi niềm vui của dân Ngài, và được hãnh diện cùng phần gia nghiệp của Ngài. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 9, 9-13
“Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải là hy lễ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra là khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: “Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: ‘Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải là hy lễ’. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
02/07/2021 – THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN
Mt 9,9-13
TÌNH YÊU XOÁ BỎ MỌI TỘI LỖI
“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9,5)
Suy niệm: Mát-thêu, người thu thuế, được Chúa Giê-su kêu gọi đi theo Ngài. Ông có đủ lý do để mời Chúa đến dự tiệc mừng tại nhà cùng với các bạn thu thuế của ông và những người bị coi là tội lỗi. Điều này lại làm chướng tai gai mắt những người Pha-ri-sêu. Đối lại, Chúa Giê-su cho biết Ngài mong muốn là “lòng nhân chứ không cần lễ tế.” Và mục đích Ngài đến là để họ được hoán cải chứ không phải là bị kết án. Bằng chứng là chính Mát-thêu đã từ bỏ quá khứ tội lỗi để đi theo làm môn đệ Chúa và còn tiếp tục làm chứng qua cuốn Tin Mừng thứ nhất ngài để lại cho hậu thế. Tình yêu Chúa xoá bỏ tội lỗi như thế bởi vì Ngài chính là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).
Mời Bạn: Nhiều lần Chúa vẫn yêu thương mời gọi con người hoán cải thay đổi đời sống nhưng dường như con người chưa nhạy bén để nhận ra tình thương của Chúa để cải thiện canh tân. Nhớ rằng Chúa luôn bao dung, tha thứ để mau mắn và dứt khoát từ bỏ những quyến luyến của tội lỗi, hoán cải cuộc sống mỗi ngày mỗi tốt hơn. Được ơn hoán cải nhờ Chúa yêu thương thứ tha, bạn cũng sống nhân từ bao dung như Chúa với những người đang cần đến lòng thương xót của Chúa.
Sống Lời Chúa: Trong thời đại dịch Covid, có nhiều mảnh đời lâm cảnh lao đao khốn khó. Mời bạn trở nên chứng tá của lòng nhân từ Chúa qua những hành động cảm thông chia sẻ của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha thứ những lỗi lầm thiếu sót của con và chữa lành hồn xác con, để con biết noi gương Chúa quên mình phục vụ hết mọi người.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm
Thầy Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên khi họ đang làm việc.
Người thì đang quăng lưới ngoài khơi,
kẻ thì đang vá lưới trong thuyền (Mt 4, 18-22).
Khi Thầy gọi Mátthêu, anh cũng đang làm việc ở trạm thu thuế.
Anh đang ngồi, vững vàng trong nghề nghiệp của mình,
dù nghề của anh thường bị coi là nghề rất xấu.
Thầy Giêsu như tình cờ đi ngang qua bàn làm việc của anh.
Ngài chỉ nói một câu rất ngắn: “Anh hãy theo tôi!”
Mátthêu không đáp lại, nhưng anh trả lời bằng hành động.
Từ vị thế đang ngồi, anh bỏ dở công việc để đứng lên và theo Thầy.
Từ vị thế vững vàng, anh bắt đầu bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh.
Từ vị thế của tội nhân, anh trở thành người môn đệ thân thiết.
Mátthêu nằm trong danh sách nhóm Mười Hai (Mt 10, 3).
Thầy Giêsu không sợ mất tiếng khi nhận anh vào nhóm.
Nhóm của Thầy không chỉ gồm những người thánh thiện,
nhưng có cả những tội nhân giàu lòng hoán cải.
Mátthêu có đóng góp gì cho nhóm Mười Hai không?
Nghề thu thuế với giấy bút có giúp gì cho các ngư phủ ít học không?
Trong nhóm Mười Hai, Mátthêu có chỗ đứng đặc biệt,
người thu thuế trở nên Tác giả sách Tin Mừng.
Mátthêu làm nghề bị đồng bào của ông khinh miệt,
vì nghề này dễ dẫn người ta đến chỗ lạm thu, bỏ tiền vào túi riêng.
Nghề này còn là một sỉ nhục vì cộng tác với ngoại bang bóc lột dân,
đụng chạm đến đồng tiền ô uế và tiếp xúc với dân ngoại.
Khi trở nên môn đệ của Thầy, Mátthêu đã trở nên người phục vụ đồng bào.
Ông dùng khả năng của mình mà viết sách Tin Mừng.
Đây là Tin Mừng lớn mà ông loan báo: Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia.
Không phải chờ gì nữa, Đấng Mêsia đã đến rồi!
Ngài làm trọn những lời đã được loan báo trong Cựu Ước.
Mátthêu đã tìm ra ngôn ngữ để nói với Dân Chúa, sao cho họ hiểu được.
Ông đã trình bày dung mạo Đức Giêsu cho người cùng thời với ông.
Chúng ta cũng phải có khả năng giới thiệu Đức Giêsu cho người thời nay,
nghĩa là biết, hiểu và nói được ngôn ngữ của thế giới,
để thế giới nghe và hiểu được.
Chúng ta vẫn phải tiếp tục viết các sách Tin Mừng cho thời đại hôm nay,
phù hợp với não trạng và tâm thức của họ, với nền văn hóa đương đại.
Đâu là khuôn mặt Đấng Cứu độ mà con người hôm nay ngóng chờ?
Con người thời nay khỏe mạnh về nhiều mặt,
nhưng vẫn là người đau ốm cần đến thầy thuốc (c. 12).
Họ mong mình được giải phóng khỏi điều gì?
Đức Giêsu Kitô có thể đáp ứng được những khao khát đó không?
Lời rao giảng và cuộc sống của chúng ta phải cho thấy
Đức Giêsu có thể chữa lành và đem lại một thế giới hạnh phúc.
Ước gì chúng ta có lòng nhân và sự bao dung như Đức Giêsu,
dám đồng bàn với con người hôm nay để dẫn họ đến bàn tiệc thiên quốc.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên đường
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào những phương tiện trần thế.
Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành những người ốm đau.
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.
Xin ban cho chúng con khả năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.
Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ
của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường,
nhẹ nhàng và thanh thoát.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2 THÁNG BẢY
Quyền Bính Đặt Điểm Tựa Trên Lòng Nhân
Quyền bính của Thiên Chúa được diễn tả qua mối quan tâm từ phụ. Một cách nào đó, chân lý này chứa đựng chính cốt lõi của chân lý về sự quan phòng thần linh. Thánh Kinh sử dụng hình ảnh của một Mục Tử Tốt Lành để diễn tả sự thật về lòng từ phụ của Thiên Chúa: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi; tôi sẽ không còn phải thiếu thốn chi” (Tv 23,1). Thật là một hình ảnh độc đáo!
Các biểu tượng cổ xưa của đức tin và của truyền thống Kitô giáo diễn tả chân lý về sự quan phòng bằng từ La tinh “omni-tenens” (nắm giữ tất cả) – ứng với từ Hi lạp “panto-krator” (cai quản tất cả). Tuy nhiên, những ý niệm ấy vẫn chưa nói được gì so với sự hàm súc và vẻ đẹp của hình ảnh người mục tử trong Thánh Kinh. Hình ảnh người mục tử là một hình ảnh đầy ấn tượng có sức mạc khải chân lý về sự quan phòng thần linh.
Thật vậy, người mục tử là một người cầm quyền đầy quan tâm, thực hiện một kế hoạch đời đời đầy khôn ngoan và yêu thương qua việc cai quản thế giới tạo vật và nhất là xã hội loài người (Vat. II, TDTG số 3). Đó là một quyền bính đầy cẩn trọng, bao gồm cả quyền lực lẫn lòng nhân.
Theo bản văn của Sách Khôn Ngoan mà Công Đồng Vatican I trích dẫn, quyền bính ấy “vươn rộng từ chân trời này tới chân trời kia, cai quản mọi sự thật tốt đẹp” (Kn 8,1). Nghĩa là, nó bao trùm lấy, nâng đỡ, bảo vệ, và – một cách nào đó – nó nuôi dưỡng nữa. Quyền bính đó chính là Thiên Chúa chúng ta, Đấng săn sóc chúng ta như mục tử săn sóc đàn chiên của mình.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 02/7
St 23, 1-4. 19; 24, 1-8. 62-67; Mt 9, 9-13.
LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu đi qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm, Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.
Mát-thêu là một người thu thuế, đối với xã hội Do-thái là một người phản quốc, còn đối với các kinh sư và người Pharisêu, họ xếp ông vào hạng người tội lỗi. Nhưng đối với tình thương và sự cứu vớt của Chúa Giêsu, Người đã mời gọi Mátthêu, để Mát-thêu trở nên Tông Đồ của Người, và Mátthêu đã vâng lời, đứng dậy rời khỏi bàn thu thuế, từ bỏ nghề nghiệp của mình. Điều này cũng gợi cho mỗi người trong chúng ta về ơn gọi của mình.
Lạy Chúa Giêsu, Chúng con đều là con cái của Chúa trong Bí tích Rửa Tội, đều mang trên mình một ơn gọi làm sáng Danh Chúa. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết sống xứng đáng về ơn gọi của mình.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
02 Tháng Bảy
Ðấng Cứu Thế Ðang Có Mặt
Ngày kia, có một đan viện phụ Công giáo tìm đến một vị tu sĩ Ấn Giáo tại chân núi Himalaya. Với tất cả ưu tư phiền muộn, vị đan viện phụ trình bày về tình trạng bi đát của tu viện do ông điều khiển. Trước kia, tu viện này là một trong những trung tâm Công giáo thu hút không biết bao nhiêu khách hành hương. Nhà nguyện lúc nào cũng vang lên tiếng ca hát của các tu sĩ và giáo dân đến từ khắp nơi. Các căn phòng lúc nào cũng có người ở… Nay tu viện gần như trở thành một ngôi chùa trống vắng. Làn sóng những người trẻ tìm đến tu viện hầu như tắt lịm. Nhà nguyện vắng kẻ ra người vào. Một số nhỏ tu sĩ còn lại sống trong uể oải buông thả… Vị viện phụ muốn hỏi nhà tu sĩ Ấn Giáo: đâu là nguyên nhân đã đưa đến tình trạng này? Phải chăng vì một tội lỗi tày đình nào đó mà bàn tay Chúa đã đè nặng trên cộng đoàn?
Sau khi nghe đức viện phụ kể lể, vị tu sĩ Ấn Giáo mới ôn tồn nói: “Cái tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn: đó là tội vô tình”. Vị tu sĩ Ấn Giáo mới giải thích như sau: “Ðấng Cứu Thế đã cải trang thành một người giữa chư vị, nhưng chư vị đã vô tình không nhận ra Ngài”.
Nhận được lời giải thích của vị tu sĩ Ấn Giáo, đức viện phụ mới hối hả trở về tu viện, trong lòng ông không khỏi miên man đặt câu hỏi: “Ai là người được Ðấng Cứu Thế đang mượn hình dáng để trở lại với loài người?”. Cả tu viện chỉ có tất cả không đầy mười người. Ðấng Cứu Thế không thể là chính ông, vì ông tự biết mình là một con người tội lỗi yếu hèn. Nhưng ông cũng biết rõ các tu sĩ khác trong tu viện: có người nào toàn vẹn để Ðấng Cứu Thế mượn lấy hình dáng? Thế nhưng, ông vẫn tin theo lời của vị tu sĩ Ấn Giáo để xác quyết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành một người nào đó trong cộng đoàn…
Với niềm xác tín ấy, ông quy tu tất cả các tu sĩ lại và loan báo cho mọi người biết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Ðôi mắt của mỗi người mở to ra và ai cũng bắt đầu dò xét từng người trong nhà. Chỉ có điều chắc chắn là: bởi vì Ðấng Cứu Thế đã cải trang, cho nên, không ai có thể nhận ra Ngài được. Thành ra mỗi người trong nhà đều có thể là Ðấng Cứu Thế… Từ đó, ai ai cũng đối xử với nhau như đối xử với chính Ðấng Cứu Thế. Không mấy chốc, bầu khí yêu thương, huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Sự thánh thiện ấy không mấy chốc được đồn thổi đi khắp nơi. Các tín hữu từ khắp nơi trở lại tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều ngưởi trẻ cũng đến gõ cửa Nhà Dòng…
Nếu người người, ai ai cũng nhìn nhau và đối xử với nhau như đối xử với chính Chúa Giêsu, thì có lẽ hận thù, chiến tranh sẽ không bao giờ có lý do để tồn tại trên mặt đất này. Sự vắng bóng của Thiên Chúa trong xã hội, hay đúng hơn sự vô tình của con người để không nhận ra Thiên Chúa trong cuộc sống: đó là đầu mối của mọi thứ bất hòa, chiến tranh, xáo trộn trong xã hội.
Chối bỏ Thiên Chúa cũng có nghĩa là chối bỏ con người. Sự băng hoại của những xã hội xây dựng trên chủ thuyết vô thần là một bằng chứng hùng hồn về hậu quả của sự chối bỏ Thiên Chúa. Khi con người chối bỏ Thiên Chúa, con người cũng trà đạp con người…
Con người là hình ảnh cao quý của Thiên Chúa đến độ Ngài đã trở thành con người và tự đồng hóa với con người. Từ nay, con người chỉ có thể nhận ra Ngài trong mỗi người anh em của mình mà thôi. Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, bạn hữu hay thù địch: mỗi một con người đều là hình ảnh của Thiên Chúa và chỉ có xuyên qua tình yêu đối với con người, con người mới có thể đến với Thiên Chúa…
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu – Tuần 13 – TN1 – Năm Lẻ
Bài đọc: Gen 23:1-4, 19, 24:1-8, 62-67; Mt 9:9-13.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kẻ đau yếu mới cần đến thầy thuốc.
Là những người lãnh đạo như người mục tử coi sóc đoàn chiên hay cha mẹ chăm sóc con cái, chúng ta không những phải nhận ra bệnh tình của đoàn chiên hay con cái, mà còn phải biết phương thuốc hiệu nghiệm để chữa lành. Các bài đọc hôm nay cho chúng ta những mẫu gương của cha mẹ và người mục tử tốt lành.
Trong bài đọc I, tổ phụ Abraham biết con mình rất buồn khi mất mẹ, ông lo lắng để tìm một người bạn đời tốt lành cho con để cậu có thể quên đi người mẹ, và bắt đầu xây dựng gia đình riêng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu là người mục tử tốt lành đi tìm con chiên lạc. Ngài tìm được Matthew và đưa ông về; nhưng các Pharisees lại phê bình Ngài đồng bàn với những người tội lỗi. Chúa Giêsu thẳng thắn trả lời họ: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cậu yêu thương cô và khuây khoả được nỗi buồn mất mẹ.
1.1/ Bà Sarah từ giã cuộc đời: Không có gì buồn hơn nỗi buồn mất người mẹ yêu quí đã hết lòng chăm sóc cho Isaac, nhất là cậu lại là người con duy nhất bà có trong lúc tuổi già. Tất cả tình thương của bà Sarah đều dành cho cậu. Sau khi đã chôn cất vợ, Abraham biết đã đến lúc ông phải kiếm một người vợ tốt lành cho con, để cậu vơi đi nỗi buồn mất mẹ.
1.2/ Niềm tin của Abraham vào Thiên Chúa trong việc cưới vợ cho Isaac: Abraham phải đương đầu với 3 khó khăn lớn:
(1) Abraham không thể tự mình về quê tìm vợ cho con vì đã quá cao niên.
(2) Abraham không muốn cưới những người con gái xứ Canaan làm vợ cho con mình. Giống như truyền thống Việt-nam, Abraham muốn cưới vợ cùng làng xóm cho con. Lý do, chuyện trăm năm là chuyện cả cuộc đời. Những người cùng làng là những người Abraham và người quản lý đã biết rõ cha mẹ và họ hàng của họ. Những người con gái xứ Canaan, Abraham không biết một tí nào về họ cả. Vì thế, Abraham bảo người lão bộc sống lâu năm nhất trong nhà ông, và cũng là người quản lý mọi tài sản của ông: “Chú hãy đặt tay dưới đùi tôi, và tôi xin chú nhân danh Đức Chúa là Chúa trời đất, mà thề rằng chú sẽ không cưới cho con trai tôi một người vợ trong số con gái xứ Canaan, nơi tôi đang sống. Nhưng chú sẽ về quê tôi, đến với họ hàng tôi, mà cưới vợ cho con tôi là Isaac.”
(3) Abraham không muốn cho con mình về quê, nhưng phải ở lại Canaan để thừa hưởng miền Đất Hứa mà Thiên Chúa dành cho ông. Người lão bộc thưa với ông: “Có thể người đàn bà ấy không chịu đi theo tôi về đất này; vậy tôi có phải đưa cậu con trai ông về đất mà từ đó ông đã ra đi không?” Ông Abraham bảo người ấy: “Coi chừng, đừng có đưa con trai tôi về đó! Đức Chúa là Chúa Trời, Đấng đã đưa tôi ra khỏi nhà cha tôi, khỏi quê hương tôi, Đấng đã phán với tôi và thề với tôi rằng: “Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất này,” chính Người sẽ sai sứ thần Người đi trước mặt chú, để từ nơi đó chú cưới vợ về cho con tôi.”
Abraham biết để thỏa mãn cả hai điều kiện không phải là điều dễ dàng; vì thế, Abraham nói với người lão bộc: “Nếu người đàn bà không chịu đi theo chú, thì chú không còn buộc phải giữ lời thề với tôi nữa. Nhưng dù sao, cũng đừng đưa con tôi về đó.” Abraham tin tưởng Thiên Chúa sẽ xe định một người vợ tốt lành cho Isaac. Trong suốt cuộc đời ông, Thiên Chúa luôn giữ lời hứa. Ngài đã chúc lành cho Abraham trong mọi sự.
1.3/ Issac tiếp nhận Rebekah và quên đi nỗi buồn mất mẹ. Cuộc hôn nhân của Isaac và Rebekah quả thật do sự quan phòng của Thiên Chúa. Để hiểu điều này, chúng ta phải đọc cả chương 24. Trình thuật hôm nay chỉ kể vắn tắt người lão bộc đã tìm được Rebekah và thuyết phục cô từ giã cha mẹ để lên đường qua đất Canaan gặp Isaac. Cậu Isaac đưa cô Rebekah vào lều của bà Sarah mẹ cậu; cậu lấy cô làm vợ, cậu yêu thương cô và khuây khoả được nỗi buồn mất mẹ.
2/ Phúc Âm: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.”
2.1/ Lòng thương xót có sức cải hóa người tội lỗi: Trong Cựu Ước, các ngôn sứ rất khó chịu với những người tội lỗi và họ thường tuyên bố án phạt dành cho tội nhân. Tuy nhiên, cũng không thiếu những sứ điệp về tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Sách ngôn sứ Jonah là một bằng chứng hùng hồn. Ngôn sứ Jonah không muốn rao giảng cho dân thành Nineveh; nhưng Thiên Chúa bắt ông phải làm chuyện đó, và Ngài cho ông biết lý do: “Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi. Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Nineveh, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?” (Jon:4:10-11). Trong ngôn sứ Ezekiel chúng ta cũng thấy rõ ràng sứ điệp về lòng thương xót của Thiên Chúa: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Eze 33:11).
Chúa Giêsu là người đầu tiên rao giảng và diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho người tội lỗi. Trong trình thuật hôm nay, Matthew bị đánh động bởi lòng nhân từ của Chúa Giêsu sâu đậm đến nỗi ông đứng dậy, lập tức bỏ mọi sự và đi theo Người. Lý do, chưa có một người Do-thái nào đối xử với ông như một nhân vị con người, trừ Chúa Giêsu. Đa số đều buộc tội và ngăn cấm không cho ông được bước chân vào Đền Thờ. Điều tương tự cũng xảy ra cho Zacchaeus, thủ lãnh của người thu thuế (Luc 19:5), hay cho Người Phụ Nữ Ngoại Tình (Joh 8:1-11). Những người tội lỗi nhiều thường dễ khiêm nhường nhận ra tội lỗi của họ để ăn năn hối cải hơn những người tự nhận mình là công chính.
2.2/ Tất cả mọi người đều cần đến lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa: vì tất cả mọi người đều có tội. Những Pharisees là những người cũng cần lòng thương xót của Thiên Chúa, vì họ cũng là những tội nhân, nhưng vì sự cứng lòng và kiêu hãnh là những lý do ngăn cản họ nhận ra tội lỗi của họ và từ chối lòng thương xót của Thiên Chúa. Hơn nữa, họ tức giận khi Chúa Giêsu và các môn đệ vào nhà Matthew và cùng đồng bàn ăn uống với ông, nên họ chất vấn các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?”
Tiếp đến, Chúa Giêsu đưa ra sự kiện mà chúng quá rõ ràng với tất cả những ai có trí khôn lành mạnh: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.” Chẳng ai đang khỏe mạnh mà lại tốn tiền đi bác sĩ; chỉ những ai đau yếu hay thấy có những triệu chứng báo động mới cần đến bác sĩ. Chúa Giêsu không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. Chúa Giêsu là nhà chữa bệnh tinh thần mà tất cả con người đều cần chạy tới để được Ngài chữa lành.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Là những nhà lãnh đạo, chúng ta phải sáng suốt để định bệnh cho những người Thiên Chúa đã trao cho chúng ta, đồng thời cũng phải biết phương thuốc hiệu nghiệm để chữa lành.
– Chúng ta đừng bao giờ phê bình hay ngăn cản những người tội lỗi đến cùng Thiên Chúa. Mọi người đều là tội nhân và đều cần tình thương tha thứ của Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************