Ngày thứ sáu (08-01-2021) – Trang suy niệm

07/01/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần II Mùa Giáng Sinh Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: 1 Ga 5, 5-6. 8-13 (Hl 5-13)

“Thánh Thần, nước và máu”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, ai là người chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Đấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Đức Giêsu Kitô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa. Có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Kitô là chân lý. Và trên mặt đất có ba nhân chứng: Thánh Thần, nước và máu, cả ba chỉ là một. Nếu chứng của người đời mà chúng ta còn nhận lấy, thì chứng của Thiên Chúa còn mạnh hơn. Vì đó là chứng của Thiên Chúa, chứng mạnh hơn là Người đã làm chứng về Con Mình.

Ai tin kính Con Thiên Chúa, thì có chứng của Thiên Chúa nơi mình. Còn ai không tin Thiên Chúa, thì cho Người là gian dối, vì kẻ ấy không tin nơi chứng mà Thiên Chúa đã làm chứng về Con Mình. Và chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống đó ở trong Con của Người. Ai có Chúa Con, thì có sự sống; còn ai không có Chúa Con, thì cũng không có sự sống. Ta viết các điều này cho các con, để các con biết rằng các con là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, các con có sự sống đời đời. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20

Đáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa (c. 12a).

Hoặc đọc:  Alleluia.

Xướng: 1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa! Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! Vì Người đã giữ chặt các then cửa thành ngươi; Người đã chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. – Đáp.

2) Người sắp đặt bờ cõi ngươi trong thanh bình, cho ngươi hưởng no nê những tinh hoa lúa miến. Người đã sai Lời Người xuống cõi trần ai, và Lời Người lanh chai chạy rảo. – Đáp.

3) Người đã loan truyền Lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế; Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. – Đáp.

ALLELUIA: 1 Tm 3,36

Alleluia, alleluia. – Lạy Chúa Kitô, Đấng được rao giảng cho lương dân, vinh danh Chúa! Lạy Chúa Kitô, Đấng được tin kính ở thế gian, vinh danh Chúa! – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 5, 12-16

“Lập tức người ấy khỏi phong hủi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Xảy ra khi Chúa Giêsu đang ở trong một thành kia, thì có một người mình đầy phong hủi, thấy Chúa Giêsu, liền sấp mặt xuống đất, van xin Ngài rằng: “Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho tôi được sạch”. Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: “Ta muốn, hãy nên trơn sạch”. Lập tức, người ấy khỏi phong hủi. Người ra lệnh cho người ấy không được nói với ai, nhưng: “Hãy đi trình diện với tư tế, và hãy dâng lễ vật như luật Môsê đã dạy, để làm chứng cho người ta biết ngươi được sạch”. Nhưng tiếng đồn về Người cứ lan rộng, và dân chúng đông đảo kéo nhau đến để nghe Người và được chữa lành bệnh tật. Còn Người, thì lánh vào nơi hoang vắng và cầu nguyện. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

08/01/2021 – THỨ SÁU ĐẦU THÁNG SAU LỄ HIỂN LINH

Lc 5,12-16

SỰ ĐỤNG CHẠM ĐẦY TRẮC ẨN

Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn anh sạch đi.” Lập tức, chứng phong cùi biến khỏi anh. (Lc 5,13)

Suy niệm: Vào thời Đức Giê-su, bệnh phong cùi là thứ bệnh đáng sợ, dễ lây nhiễm và không có thuốc chữa. Người bệnh không những chịu đau đớn về thể xác như ung nhọt, lở loét, mà nhất là rơi vào tình trạng cô đơn tột cùng, bị kỳ thị, ruồng rẫy, bị cách ly khỏi cộng đồng bởi cả hệ thống luật lệ xã hội. Đang khi chẳng một ai dám, thậm chí không được phép đến gần người phong, Đức Giê-su lại động lòng thương trước lời cầu xin khẩn thiết của anh: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch,” và Ngài đã đáp lại bằng cách đưa tay chạm vào anh, một sự đụng chạm đầy lòng trắc ẩn. Lập tức, bệnh phong “biến khỏi anh.” Sự đụng chạm đầy lòng trắc ẩn và quyền năng ấy không chỉ làm cho anh lành lặn trở lại, nhưng quan trọng hơn là phục hồi nhân phẩm, trả lại cho anh một chỗ đứng trong xã hội mà anh từng đánh mất.

Mời Bạn: Tội lỗi chính là thứ bệnh phong thiêng liêng khiến ta trở nên lở loét, hôi thối, trước mặt Chúa, bị “gạt ra bên lề,” vì mất đi ân sủng Chúa cũng như tình liên đới với tha nhân. Nhưng hãy yên tâm vì bạn có một vị thần y là Đức Giê-su. Noi gương người phong, bạn hãy chạy đến với Chúa trong toà giải tội, xin Ngài xót thương và chữa lành tâm hồn bạn.

Sống Lời Chúa: Bạn thường xuyên tham dự Thánh lễ để Chúa chạm đến bạn trong Bí tích Thánh Thể, và bạn ra đi “chạm” đến tha nhân bằng phục vụ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tội lỗi làm tâm hồn chúng con lở loét, biến dạng và xa rời Chúa. Xin cho chúng con biết thực tình xa tránh tội lỗi để bình an và ân sủng của Chúa luôn ở trong con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu vừa tỏ mình, vừa giấu mình.
Ngài giấu mình khi Ngài ra lệnh cho người phong không được nói với ai.
Nhưng hẳn anh ấy cũng khó giữ kín chuyện này, khi anh đi gặp các tư tế.
Thế nên cuối cùng tiếng đồn về Ngài đã lan ra,
khiến người ta nô nức, lũ lượt kéo đến với Ngài (c. 15).
Đức Giêsu đã không thể giấu mình trước đám đông dân chúng.
Ngài lôi cuốn họ như một vị giảng thuyết và như một người chữa lành.
Con người mãi mãi cần sức mạnh tinh thần và sức khỏe thân xác.
Đức Giêsu đem đến cả hai điều ấy cho hạnh phúc con người.

Hãy nhìn người phong, mình anh đầy những vết lở loét.
Anh đến với Đức Giêsu, sấp mặt xuống nài xin.
“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (c.12).
Lời nguyện của người phong là lời cầu xin mẫu mực cho ta.
Dĩ nhiên là anh ấy rất muốn được khỏi căn bệnh nan y này,
căn bệnh đã làm tan nát thân xác anh và cả cuộc đời anh,
Hơn nữa, nó còn bắt anh trở nên kẻ sống ngoài lề xã hội và tôn giáo.
Nhưng anh vẫn không để ước muốn quá đỗi bình thường của mình lấn lướt.
Anh đặt ước muốn ấy dưới ước muốn của Đức Giêsu.
“Nếu Ngài muốn !” nghĩa là Ngài có thể và có quyền không muốn.
Anh để cho Đức Giêsu được tự do muốn điều Ngài muốn.
“Ngài có thể làm tôi được sạch: anh tin vào khả năng của Ngài,
khả năng làm cho những vết lở loét kia biến mất.
Chính khi Đức Giêsu được tự do, được tin cậy và phó thác,
thì dường như Ngài không thể từ chối được nữa.
“Tôi muốn, anh hãy được sạch.”
Đức Giêsu tẩy sạch anh bằng một ước muốn được nói ra lời,
kết hợp với một cử chỉ đầy yêu thương là đưa bàn tay ra đụng vào anh.

Khi cầu xin, bạn hãy để cho Chúa được tự do giúp bạn,
theo ý muốn của Chúa, theo cách của Chúa, vào lúc của Chúa.
Đừng dạy Chúa phải làm gì, vì Chúa biết điều tốt nhất cho bạn.

Cầu nguyện:

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.

(R. Tagore)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

8 THÁNG GIÊNG

Đức Kitô Xua Tan Đêm Tối

Tuy nhiên, Giê-ru-sa-lem của cuộc Hiển Linh không phải chỉ là Giê-ru-sa-lem của Hê-rô-đê thời ấy. Trong viễn tượng của Thiên Chúa, đó cũng là Giê-ru-sa-lem của các ngôn sứ nữa.

Trong thành Thánh, chứng từ của những người báo trước về cuộc xuất hiện của Đấng Cứu Tinh được bảo tồn xuyên qua bao thế kỷ dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngôn sứ Mi-ca nói về cuộc sinh hạ của Vua Cứu Độ ở Bê-lem, chẳng hạn. Nhất là Isaia, vị ngôn sứ của Đấng Mêsia, cống hiến một lời chứng thật độc đáo về cuộc Hiển Linh: “Bừng sáng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi! Aùnh sáng của ngươi đã đến, và vinh quang Chúa chiếu tỏa trên ngươi. Hãy nhìn xem, màn đêm bao trùm mặt đất và mây mù che phủ các dân! Nhưng Chúa giọi ánh sáng trên ngươi và vinh quang Người xuất hiện nơi ngươi.” (Is 60, 1 – 2)

Sấm ngôn này của Isaia diễn tả tuyệt vời nội dung của Lễ Hiển Linh. Vinh quang của Đức Kitô phủ ngập thành Thánh Giê-ru-sa-lem. Người xua tan bóng tối và soi giọi ánh sáng của Người trên dân Người.

Rồi, Isaia tiên báo rằng mọi dân tộc đang sống trong bóng tối sẽ tuôn về thành Thánh của Thiên Chúa: “Các dân nước sẽ bước đi trong ánh sáng của ngươi, và các vua chúa sẽ được ánh quang ngươi đưa dẫn. Hãy hướng mắt nhìn xem, tất cả tụ tập để đến với ngươi: Các con trai ngươi từ xa kéo đến, và các con gái ngươi trên cánh tay bảo mẫu” (Is 60, 3 – 5). Mô tả lạ lùng ấy của Isaia lần đầu tiên được chứng thực trọn vẹn bằng cuộc xuất hiện tại Giê-ru-sa-lem của các nhà thông thái từ phương Đông tới.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 08/1

1Ga 5, 5-13; Lc 5, 12-15.

LỜI SUY NIỆM: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: Tôi muốn anh sạch đi. Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh.”

          Qua thái độ và lời cầu xin của người phong hủi với Chúa Giêsu và anh ta đã được Chúa đụng đến anh ta, và anh ta đã được chữa lành. Điều này giúp cho chúng ta một bài học: mỗi khi chúng ta cầu nguyện cùng Chúa thì phải biết: đặt ý muốn của Chúa trên hết, với sự khiêm tốn, nhận biết bản thân mình là kẻ tội lỗi và bất xứng trước mặt Người. Thứ đến là phải có sự khẩn thiết của điều mình cầu xin. Với tình yêu thương của Người, Người sẽ ban cho chúng ta điều tốt nhất.

          Lạy Chúa Giêsu, Xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con khi cầu nguyện luôn biết phó thác mọi sự trong sự quan phòng của Chúa; với tâm tình đón nhận và tạ ơn.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

08 Tháng Giêng

Sứ Giả Hòa Bình 

Thánh Phanxico Assisi, vị sứ giả Hòa Bình, không những đã có một tình bác ái cao độ đối với con người, Ngài còn trải dài tinh yêu thương ấy đến cả muôn vật, cỏ cây.

Cây cỏ gợi lại cho Thánh nhân chính Cây thập giá của Chúa Giêsu, do đó, Thánh nhân cảm thấy thương tâm vô cùng mỗi khi có người hành hạ cây cỏ. Ngài nói với người làm vườn như sau: Anh hãy để lại một góc vườn nguyên vẹn. Ðừng sờ đến cây cỏ, hãy để cho chúng sinh sôi nảy nở và lớn lên, ngay cả cỏ dại và hoa dại.

Mỗi lần đi qua góc vườn ấy, Ngài bước đi nhẹ nhàng và cẩn thận để không sát hại bất cứ một loại sâu bọ, côn trùng nào.

Gặp người ta mang chiên và chim rừng ra chợ bán, Ngài mua hết để rồi phóng sinh chúng.

Ngài nói với chim chóc như sau: “Hỡi những người anh em nhỏ bé của tôi, anh em phải ca ngợi Ðấng Tạo Hóa hơn ai hết, vì Ngài đã ban cho anh em bộ lông đẹp, giọng hát hay cũng như lúa thóc anh em ăn thỏa thuê mà không phải gieo vãi”.

Với chú chó sói, thánh nhân nhắn nhủ: “Anh sói ơi, anh quả thật đáng chết, vì anh đã cắn xé trẻ em. Anh hãy làm hòa với loài người. Từ nay, anh hãy ăn ở hiền lành và mọi người sẽ cung cấp đầy đủ cho anh”. Chú sói ấy đã cùng với thánh nhân lên tỉnh và trở thành người bạn thân của các trẻ em ở Gubbio.

Một con người có tâm hồn như thế quả thực xứng đáng được chọn làm sứ giả Hòa Bình qua mọi thời đại.

Năm 1979, Ðức Gioan Phaolô II đã công bố Thánh Phanxico là quan thầy của những người khởi xướng phong trào của những người bảo vệ môi sinh. Ngài nói trong phần mở đầu sứ điệp Hòa Bình năm 1990 như sau: “Ngày nay, con người mỗi lúc một ý thức rằng Hòa Bình của thế giới không những chỉ bị đe dọa vì cuộc chạy đua võ trang, vì các xung đột giữa các vùng và những bất công liên tục giữa các dân tộc và quốc gia, nhưng còn bởi vì thiếu tôn trọng đối với thiên nhiên nữa”.

Ðức Gioan Phaolô II đã nói đến việc bảo vệ và tôn trọng môi sinh như một nghĩa vụ luân lý.

Người Kitô nhận thức được nghĩa vụ ấy, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn vật tốt đẹp và để con người hưởng dụng một cách hợp lý. Trong phần kết thúc sứ điệp, Ðức Thánh Cha đã nhắc đến Thánh Phanxico Assisi như mẫu gương của sự tôn trọng đối với thiên nhiên vạn vật. Thánh nhân đã mời gọi vạn vật dâng lời chúc tụng và thờ lạy Thiên Chúa. Trong sự bình an của Thiên Chúa, Thánh nhâ kiến tạo ngay cả sự hòa hợp với thiên nhiên và sự hòa hợp ấy cũng là điều kiện tiên quyết để được hòa bình với tha nhân.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh

Bài đọc: I Jn 5:5-13; Lk 5:12-16.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm chứng nhân cho Đức Kitô.

Để có thể tin một điều là sự thật, con người cần: chính mắt nhìn thấy, hay cảm thấy hậu quả của nó, hay dựa vào lời của các nhân chứng. Nhiều người nghĩ rằng chỉ khi nào họ thấy tận mắt, họ mới tin; như Tông-đồ Thomas khi được các Tông-đồ thuật lại việc Chúa hiện ra. Chúa Giêsu nói với Thomas: thấy và tin là chuyện thường, nhưng phúc cho những ai không thấy mà tin. Đàng khác, có những cái dù không thấy, nhưng phải tin vì hậu quả của nó: gió, điện, sự sống. Đa số những trường hợp chúng ta tin là qua các nhân chứng; nhất là sau khi được phối kiểm bởi 2 hoặc 3 nhân chứng có thế giá.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung vào việc con người phải tin Đức Kitô đến từ Thiên Chúa qua các bằng chứng. Trong Bài Đọc I, Thánh Gioan đưa ra 3 nhân chứng cho Đức Kitô: Thánh Thần, nước, và máu. Nếu ai, sau khi đã được làm chứng, mà vẫn không chịu tin Đức Kitô, người ấy biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu, sau khi chữa người phong cùi, sai anh đi trình diện các tư tế và dâng của lễ đền tội, để làm chứng mình đã hòan tòan sạch. Điều này cũng là bằng chứng Đức Kitô đã chữa lành cho anh, vì Ngài có sức mạnh của Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Thánh Thần, nước, và máu; cả ba cùng làm chứng một điều.

1.1/ Ba chứng nhân của Đức Kitô: “Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thánh Thần là chứng nhân, và Thánh Thần là sự thật. Có ba chứng nhân: Thánh Thần, nước và máu. Cả ba cùng làm chứng một điều.” Để hiểu đọan văn này, chúng ta cần đọc lại Phúc Âm Gioan, và hòan cảnh lịch sử thời đại của Ngài. Đọan văn trong Phúc Âm nói về “nước và máu” như sau: “Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, “máu cùng nước” chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Jn 19:34-35). Nước và Máu là 2 biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu: Nước khi Ngài chịu Phép Rửa bởi Gioan trong giòng sông Jordan. Máu khi Ngài chịu chết trên Đồi Golgotha.

Sở dĩ Gioan nhấn mạnh đến “nước máu” là vì có bè rối “Thuần Tri Thức.” Cerinthus, người đại diện cho bè rối này, tin Chúa Kitô đến bằng “nước,” khi Ngài chịu Phép Rửa. Thánh Thần hiện xuống và ở lại trong Đức Kitô, và làm cho Ngài trở thành Con Thiên Chúa. Họ không chấp nhận “máu,” vì họ không tin Thiên Chúa phải chịu đau khổ. Họ giải thích: trên Đồi Golgotha, Thánh Thần xuất khỏi Đức Kitô và về trời. Có người còn cho người chịu đóng đinh là ông Simon, chứ không phải là Đức Kitô. Thánh Gioan muốn chống lại bè rối này bằng cách nhấn mạnh đến cả 3 nhân chứng đều cần thiết để tin vào Đức Kitô là Đấng Thiên Chúa sai đến để chuộc tội cho nhân lọai.

(1) Thánh Thần: hiện xuống và xức dầu cho Đức Kitô khi Ngài chịu Phép Rửa (Mk 1:9-11, Mt 3:16-17, Lk 3:21, Jn 1:32-34, Acts 10:38). Phép Rửa này hòan tòan khác với Phép Rửa của Gioan (Mk 1:8, Mt 3:11, Lk 3:16, Acts 1:5, 2:33). Thánh Thần hiện xuống với các Tông-đồ trong Ngày Lễ Ngũ Tuần (Acts 2:4), và trong đời sống của Giáo-Hội (Acts 8:17, 10:14).

(2) Nước: Tại biến cố Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Đức Kitô: “Tôi đã thấy Thánh Thần tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Jn 1:32-34).

(3) Máu: Theo truyền thống Do-Thái, máu súc vật phải đổ ra để làm lễ hy sinh đền tội cho con người. Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa đến xóa tội trần gian bằng lễ tế hy sinh của Ngài trên Thập Giá. Ngài thiết lập Bí-tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, và Giáo Hội chúng ta hằng ngày cử hành Thánh Lễ để liên tục tái diễn Hy Lễ của Đức Kitô trên Thập Giá để xóa tội cho con người.

1.2/ Chúng ta phải tin lời của các chứng nhân: Đức Kitô đến từ Thiên Chúa.

(1) Lời chứng của Thiên Chúa cao trọng hơn lời chứng của người phàm: Luật dạy khi có 2 hoặc 3 nhân chứng, lời chứng đó là sự thật. Đức Kitô có rất nhiều nhân chứng: Gioan Tẩy Giả, các phép lạ Ngài làm, Kinh Thánh, các Tông-đồ …, nhưng lời chứng của Chúa Cha qua tiếng vọng từ trời “Đây là Con Ta yêu dấu,” và lời chứng của Thánh Thần qua hình ảnh chim bồ câu đậu lại trên Đức Kitô, là những lời chứng có thế giá hơn cả. Con người phải nhận những lời chứng này và tin vào Đức Kitô; vì “Ai không tin Đức Kitô, thì coi Thiên Chúa là kẻ nói dối, vì kẻ ấy không tin vào lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người.”

(2) Tin vào Đức Kitô mới có sự sống đời đời: “Lời chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Người. Ai có Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống.”

2/ Phúc Âm: Làm chứng cho người ta biết mình đã được sạch.

2.1/ Chúa Giêsu chữa người phong cùi được sạch:

(1) Thái độ của người phong cùi: Trước hết, thái độ khiêm nhường của anh được biểu tỏ bằng cách anh sấp mặt trước mặt Ngài. Thứ đến, sự tin tưởng của anh nơi Chúa Giêsu được bày tỏ trong câu xin “Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Sau cùng, lời cầu xin của anh rất đẹp lòng Thiên Chúa: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Nếu Thiên Chúa muốn, chứ không phải chỉ riêng con người muốn mà thôi; vì có rất nhiều điều con người muốn, nhưng không đẹp lòng Thiên Chúa.

(2) Thái độ yêu thương trìu mến của Đức Kitô: Chúng ta biết luật lệ của Do-Thái rất nghiêm nhặt với người cùi: họ phải ở trong trại xa cách với mọi người, và phải tránh tiếp xúc với mọi người bằng cách la to câu “Không sạch! Không sạch!” mỗi khi có người đi ngang qua, để họ khỏi trở nên không sạch. Nhưng Đức Giêsu giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh.

2.2/ Hai điều Chúa truyền cho người được chữa lành:

(1) Đừng nói với ai: Chúa làm phép lạ vì lòng thương dân, và để họ tin vào Ngài để được sự sống đời đời, chứ không phải để nổi tiếng. Đó là lý do tại sao Ngài ngăn cản anh “Đừng nói với ai!” Nhưng tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Phần Chúa Giêsu, Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.

(2) Để làm chứng cho người ta biết, hãy đi trình diện với các tư tế và hãy dâng của lễ như Luật dạy. Để chứng tỏ mình đã khỏi bệnh, người phong cùi phải đi trình diện các tư tế để chịu khám xét. Nếu quả thực đã lành, các tư tế sẽ chứng nhận cho về sống với mọi người. Ngòai ra, người đó còn phải dâng của lễ như được mô tả chi tiết trong (Lev 14).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta tin Đức Kitô đến từ Thiên Chúa, không phải chúng ta đã thấy Ngài, nhưng dựa vào lời của nhiều nhân chứng.

– Hai nhân chứng có thế giá nhất là Kinh Thánh chúng ta đọc từ bên ngòai và Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta từ bên trong. Ngòai ra, còn có nhiều các chứng nhân khác nữa như: lời chứng của các Tông-đồ, gương chứng nhân của các thánh Tử-đạo, đời sống tốt lành của các thánh và của những người sống chung quanh chúng ta.

– Sau khi đã tin Đức Kitô, chúng ta cũng phải làm chứng cho Ngài bằng việc rao giảng và cuộc sống chứng nhân, để người khác cũng nhận ra và tin vào Đức Kitô.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************