Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Sáu Tuần XIV Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: St 46, 1-7. 28-30
“Cha chết cũng vui lòng, vì Cha đã trông thấy mặt con”.
Trích sách Sáng Thế.
Trong những ngày ấy, ông Israel ra đi, đem theo tất cả những gì ông có và đến Giếng Thề; tại đây ông dâng hy tế lên Thiên Chúa của Isaac, cha của ông. Ban đêm trong một thị kiến, ông nghe Chúa gọi ông và nói với ông rằng: “Hỡi Giac óp, Giacóp!” Ông liền thưa: “Này con đây”. Thiên Chúa nói tiếp: “Ta là Thiên Chúa rất hùng mạnh của cha ngươi, nên ngươi đừng sợ, hãy xuống xứ Ai-cập, vì ở đó Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân tộc vĩ đại. Ta sẽ xuống đó với ngươi. Cũng chính Ta sẽ đưa ngươi trở về, (sau khi) tay Giuse đã vuốt mắt cho ngươi”.
Bấy giờ Giacóp bỏ Giếng Thề mà đi: các con cái đưa ông và vợ con lên các xe Pharaon đã phái đến rước cha già và tất cả những gì ông có ở Canaan; ông sang Ai-cập với tất cả dòng dõi ông, gồm con trai, con gái và cháu chắt.
Bấy giờ Giacóp sai Giuđa đi trước báo tin cho Giuse biết mà đón rước cha tại Ghêsen. Khi ông đến đó, thì Giuse thắng xe đi đón cha tại Ghêsen. Vừa thấy cha, ông ôm cổ cha mà khóc. Giacóp nói với Giuse rằng: “Cha chết cũng vui lòng, vì cha đã trông thấy mặt con và biết con còn sống”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 36, 3-4. 18-19. 27-28. 39-40
Đáp: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ (c. 39a).
Xướng:
1) Hãy trông cậy Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh cầu. – Đáp.
2) Chúa chăm lo cho mạng sống người nhân đức, và phần gia nghiệp họ còn mãi muôn đời. Ngày tai hoạ, những người đó không tủi hổ, và trong nạn đói, họ sẽ được ăn no. – Đáp.
3) Hãy tránh ác và hãy làm lành, hầu được an cư tới ngàn thu, bởi vì Chúa yêu điều chân lý, và không bỏ rơi những tôi tớ trung thành. – Đáp.
4) Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ: trong cơn khốn khó, Người là chỗ họ dung thân, Chúa bang trợ và giải thoát họ. Người giải thoát và cứu họ khỏi lũ ác nhân, vì họ đã nương tựa vào Người. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy vào Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 10, 16-23
“Không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Này, Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói rừng. Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì? Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.
“Anh sẽ đem nộp giết em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại với cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ. Khi người ta bắt bớ các con trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật các con: Các con sẽ không đi khắp hết các thành Israel trước khi Con Người đến”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
09/07/2021 – THỨ SÁU TUẦN 14 TN
Th. Âu-tinh Zao Rong và các bạn tử đạo
Mt 10,16-23
NGHỊCH LÝ NƯỚC TRỜI
Đức Giê-su nói với các tông đồ rằng: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.” (Mt 10,16)
Suy niệm: Khi sai các môn đệ ra đi, Chúa Giê-su ý thức rất rõ tính chất hết sức nguy hiểm của sứ mạng mà Ngài ví như hành trình của “chiên đi vào giữa bầy sói”. Ai lại không biết chiên là mồi ngon ưa thích của loài sói. Mà thế gian giống như loài sói, đã ghét Thầy thì cũng ghét môn đệ, nên không lạ gì các môn đệ “vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (Mt 10,22). Thế nhưng Chúa vẫn sai các môn đệ ra đi, không phải là “giao trứng cho ác”, mà Ngài muốn các ông qua sự hiện diện khiêm tốn, làm chứng tá cho viễn tượng một Nước Trời thái bình thời Thiên Sai như ngôn sứ I-sai-a mô tả: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ” (Is 11,6). Thật khó tin, sói ở chung với chiên con! Nhưng với Chúa thì không có gì mà không thể. Một Phao-lô nổi danh ‘làm thịt’ các Ki-tô hữu, vậy mà cũng nên tông đồ nhiệt thành hàng đầu, lại còn khuyên mọi người: “Anh em hãy bắt chước tôi” (1Cr 11,1).
Mời Bạn: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban chính Con Một của Ngài, và tình yêu ấy tiếp tục được minh chứng bằng sự hiện diện của những người được Thiên Chúa sai đến: mặc dù bị thù ghét, nhưng họ vẫn không sờn lòng nản chí, vẫn tiếp đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.
Sống Lời Chúa: Hãy phá bỏ bức tường ngăn cách của tự ái để hoà giải với người mà bạn vẫn làm mặt lạnh lùng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Đấng từng bị thế gian thù ghét, xin cho con ơn can đảm để theo Chúa đến cùng, với ý thức rằng: “môn đệ không thể hơn Thầy”. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm
Tháng 8 năm 2008, tại vùng Orissa ở đông bắc Ấn độ,
có một người theo chủ nghĩa dân tộc thuộc Ấn giáo, bị bắn chết.
Một tờ báo địa phương đã qui tội cho các kitô hữu.
Lập tức một làn sóng bạo động nổi lên từ những người Ấn giáo cực đoan.
Kết quả là hàng chục người chết, hàng ngàn người bị thương,
50 nhà thờ bị đốt, 4000 nhà người kitô hữu bị phá hủy,
hàng chục ngàn người không cửa không nhà, phải sống trong các trại cứu trợ.
Nhiều kitô hữu thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn độ,
giai cấp của những người Dalit, những kẻ bị coi là tiện dân.
Người Dalit đã bỏ Ấn giáo để theo Kitô giáo,
và họ đã lấy lại được nhân phẩm, cùng những quyền lợi về kinh tế xã hội.
Họ được giáo dục tử tế, nên giai cấp thống trị không lợi dụng họ được nữa.
Chính vì thế mà họ bị phân biệt đối xử và bị bách hại.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã tiên báo về các bách hại đó.
Những gì Ngài phải chịu thì các môn đệ cũng sẽ phải chịu,
vì tôi tớ không hơn chủ, môn đệ không hơn thầy.
Hãy để ý đến những động từ nói lên nỗi thống khổ của các kitô hữu :
bị nộp, bị đánh đập, bị điệu ra nơi hội đường và trước mặt vua quan,
bị tra hỏi, bị thù ghét và cuối cùng là bị giết, có khi bởi người nhà (c. 21).
Những điều này Đức Giêsu đều đã trải qua.
Mọi sự họ chịu đều “vì Đức Giêsu”, “vì Danh Đức Giêsu” (cc. 18. 22).
Nơi tòa án, có sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa Ba Ngôi.
“Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ nói trong anh em” (c. 20),
để giúp anh em can đảm tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Cha.
Bởi đó người kitô hữu ra tòa mà lòng rất bình an, chẳng lo gì (c. 19).
Họ được Thiên Chúa dạy điều phải nói và Thần Khí nói qua miệng họ.
Với sự nâng đỡ đặc biệt ấy, họ có thể bền chí đến cùng và sẽ được cứu độ.
Các kitô hữu sẽ còn bị bách hại đến tận thế.
Họ không phải là những người thích tỏ ra mình anh hùng, đòi tử đạo.
Nhưng họ là những người khiêm tốn, khôn ngoan,
biết trốn đi thành khác khi bị bắt bớ ở thành này (c. 23).
Chịu bách hại là điều nằm trong ơn gọi của người kitô hữu,
là cái giá phải trả để sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô.
Ngay cả ở những quốc gia tây phương tự hào là có tự do tôn giáo,
vẫn có những kiểu bách hại ngấm ngầm và tinh vi,
khác với kiểu đòi bước qua thánh giá thời vua Minh Mạng, Tự Đức.
Sống là kitô hữu như Đức Kitô muốn đòi ta phải lội ngược dòng.
Lội ngược dòng bao giờ cũng khó và làm người khác bực bội, sợ hãi.
Làm sao để các bạn trẻ Công Giáo dám sống theo những giá trị của Giêsu ?
Làm sao để các gia đình Công Giáo không bị thói đời lôi cuốn ?
Cầu nguyện
Giữa một thế giới mê đắm bạc tiền,
xin được sống nhẹ nhàng thanh thoát.
Giữa một thế giới lọc lừa dối trá,
xin được sống chân thật đơn sơ.
Giữa một thế giới trụy lạc đam mê,
xin được sống hồn nhiên thanh khiết.
Giữa một thế giới hận thù, tuyệt vọng, dửng dưng,
xin được chia sẻ yêu thương, an bình và hy vọng.
Lạy Chúa Giêsu mến thương,
xin dạy chúng con biết cách làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời.
Xin giúp chúng con tìm ra những cách mới để người ta tin và yêu Chúa.
Ước gì hơn hai tỷ người kitô hữu
vẫn giữ được vị mặn của muối và sức biến đổi của men,
để chúng con làm cho thế giới này mặn mà tình người,
và làm cho trần gian trở thành tấm bánh thơm ngon.
Xin cho Thiên Chúa Cha được tôn vinh
qua những việc tốt đẹp chúng con làm cho những người bé nhỏ.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
9 THÁNG BẢY
Con Người Chiếm Một Chỗ Đặc Biệt Trong Trái Tim Thiên Chúa
Đối với tạo vật nói chung, Thiên Chúa còn dành cho mối quan tâm như thế, thì đối với các con trai con gái của Ngài trong loài người – cao trọng hơn các tạo vật khác nhiều – Thiên Chúa còn muốn săn sóc ân cần hơn biết mấy! Trong bản văn Tin Mừng này nói về sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta nhận ra bậc thang các giá trị rất rõ ràng của thế giới tạo vật: con người chiếm địa vị ưu tiên trên mọi tạo vật khác. Sở dĩ thế bởi vì con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Con người chiếm địa vị ưu tiên bởi vì Cha trên trời ưu tiên quan tâm săn sóc con người. Thiên Chúa dành chỗ đặc biệt trong cung lòng Ngài cho con người.
Đức Giêsu xác quyết rằng con người – vì chiếm chỗ ưu tiên trong cung lòng Thiên Chúa như thế – nên có trách nhiệm phải cộng tác với ân huệ mà mình đã nhận được từ sự quan phòng ấy. Con người không thể hài lòng duy chỉ với những giá trị của thế giới này. Con người phải trước hết tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, rồi tất cả những giá trị khác (của đời này) sẽ được ban cho con người (Mt 6,33).
Lời của Đức Kitô dẫn chúng ta tới chỗ suy tư về sự săn sóc quá đỗi ân cần và yêu thương của Thiên Chúa – tức sự quan phòng. Một cách thiết yếu, sự quan phòng này tôn trọng bản chất của người ta xét như là một tạo vật có lý trí và tự do.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 09/7
Thánh Augustinô Zhao Rong, linh mục
Và các bạn tử đạo
St 46, 1-7. 28-30; Mt 10, 16-23.
LỜI SUY NIỆM: “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em; anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến.”
Điều Chúa Giêsu đang nói với mỗi người trong chúng ta là luôn phải biết khôn ngoan, không nên đối đầu với sự không cần thiết, nhưng cần phải tránh, tìm lấy một sự, một nơi chốn an toàn cho bản thân; bởi vì tiếp tục công việc loan báo Tin Mừng là quan trọng và cần thiết hơn. Điều này trong Tin Mừng đã cho chúng ta biết: “Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li. (Mt 4,12-13)
Lạy Chúa Giêsu. Công việc loan báo Tin Mừng, mãi mãi là cần thiết và luôn phải tiếp tục, bởi vì Chúa đã cho chúng con biết: “Anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en thì Con Người đã đến,” Xin cho mỗi người trong chúng con có nhiệt huyết loan báo Tin Mừng để tất cả đều được cứu rỗi và được cùng nhau sum họp trong Nước Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
09 Tháng Bảy
Nụ Hôn Của Ðứa Bé
Người Ả Rập thường kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Một ông lão tên là Bi Quan, đãng trí và vô tình đến độ không còn nhớ được mình đã một lần trải qua tuổi hoa niên. Kỳ thực, cả cuộc sống, dường như ông chưa bao giờ biết sống là gì. Ông đã không học biết sống, cho nên cũng không học chết cách nào cho hợp lý, cho xứng đáng với con người…
Ông không có hy vọng, cũng chẳng có ưu tư. Ông không biết cười cũng chẳng biết khóc. Không gì trên trần gian này có thể gây được sự chú ý và ngạc nhiên cho ông. Suốt ngày, ông ngồi trước cửa lều, nhìn trời mà không biết trời xanh hay trời đục…
Ngày kia, có người tìm đến vấn kế vì nghĩ rằng tuổi đời chồng chất, ông hẳn phải là bậc thông thái khôn ngoan. Không mấy chốc, thiên hạ tuôn đến căn lều để tham khảo ý kiến… Những người thanh niên hỏi ông: “Làm thế nào để có được niềm vui?”. Ông trả lời: “Niềm vui là một bày vẽ của những kẻ ngu dốt”.
Những người có tâm huyết phục vụ đến xin ông chỉ giáo để trở nên người hữu dụng cho xã hội. Họ hỏi ông: “Làm thế nào để xả thân phục vụ người anh em một cách hữu hiệu?”. Ông trả lời: “Ai xả thân hy sinh cho nhân loại, người đó là một thằng điên”.
Các bậc phụ huynh đến hỏi ông: “Làm thế nào để hướng dẫn con cái trên đường ngay nẻo chính?”. Ông trả lời: “Con cái chỉ là loài rắn độc. Chúng chỉ có thể phun ra nọc độc mà thôi”.
Các nghệ sĩ, thi sĩ cũng đến xin chỉ giáo để diễn tả được những gì là cao quý nhất trong tâm hồn, ông trả lời: “Tốt nhất là nên thinh lặng”. Những lời chỉ giáo của con người chưa biết sống, biết yêu, biết chết ấy không mấy chốc được quảng bá trên khắp thế giới. Tình yêu, lòng thiện hảo, nghệ thuật không mấy chốc biến khỏi Trái đất. Cuộc sống con người chìm ngập trong ảm đạm buồn thảm…
Nhận thấy những tai hại do những lời chỉ giáo của ông lão Bi Quan gây ra trên mặt đất, cho nên Thượng đế mới tìm cách chữa trị. Thì ra, suốt cả đời, ông lão này chưa hề nhận được một cái hôn nào. Thế là Thượng đế mới sai một em bé đến với ông lão. Ðứa bé đã vâng lệnh Thượng đế, nó tìm đến với ông lão Bi Quan, bá lấy cổ ông và đặt lên gò má sần sù của ông một nụ hôn… Ông lão như sực tỉnh. Lần đầu tiên trong đời, ông biết ngạc nhiên và ngây ngất. Ông mở mắt nhìn đứa bé, nhìn vào cuộc đời, rồi nhắm mắt xuôi tay mà nụ cười vẫn còn tươi nở trên môi nhờ nụ hôn của đứa bé.
Cô đơn là nguyên nhân làm cho con người bi quan. Người cô đơn không những không cảm nhận được tình yêu mà cũng không biết yêu.
Tín hữu Kitô phải là người lạc quan bởi vì họ cảm nhận được Tình Yêu của Chúa và được mời gọi để loan báo và san sẻ tình yêu ấy cho người khác.
Có biết bao nhiêu tâm hồn già nua vì không cảm nhận được tình yêu, vì không tìm thấy ý nghĩa cho cuộc sống. Có biết bao nhiêu tâm hồn khô cằn, chai đá vì không hề nhận được một nghĩa cử yêu thương của những người xung quanh…
Người tín hữu Kitô không những sống lạc quan, nhưng còn có sứ mệnh mang lại tinh thần lạc quan cho những người xung quanh. Có biết bao nhiêu người xung quanh đang chờ đợi một cái mỉm cười, một nụ hôn, một cái bắt tay, một lời chào hỏi, một cử chỉ an ủi, đỡ nâng… Bầu trời của cuộc đời sẽ trong sáng biết bao, nếu người người chỉ biết đối xử với nhau bằng Tình thân ái, sự tử tế, lòng quảng đại, tha thứ…
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu – Tuần 14 – TN1 – Năm lẻ
Bài đọc: Gen 46:1-7, 28-30; Mt 10:16-23.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải trung kiên tới cùng mới được cứu thoát.
Con người sợ gian khổ và thích nhìn thấy kết quả ngay; Thiên Chúa muốn con người chịu đựng gian khổ và phải chờ đợi. Kinh nghiệm dạy con người nếu muốn thành công, họ phải kiên trì vượt qua mọi thử thách; nếu không kiên trì vượt gian khổ, họ sẽ gẫy cánh giữa đường, và không bao giờ nhìn thấy kết quả như lòng họ mong ước.
Các Bài Đọc hôm nay dạy chúng ta phải trung thành chờ đợi để có thể đạt được kết quả mong muốn. Trong Bài Đọc I, hai cha con ông Jacob và Giuse đã phải trải qua bao biến cố thăng trầm và đau khổ, trước khi họ được gặp lại nhau và chung sống hạnh phúc. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ khi Ngài sai các ông đi: Anh em sẽ bị người đời ghen ghét, bắt bớ, và đánh đập, và tù đày; nhưng ai bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chính Ta sẽ xuống Ai-cập với ngươi và chính Ta cũng sẽ đưa ngươi lên.
1.1/ Ông Jacob lên đường đi gặp Giuse, con ông: Nếu chúng ta nhìn lại cuộc đời của hai cha con, chúng ta sẽ hiểu được sự quan phòng của Thiên Chúa và ý nghĩa của đau khổ mà hai cha con ông phải trải qua.
(1) Cuộc đời gian khổ của Jacob: Ông tranh chấp với anh là Esau ngay từ trong bụng mẹ để chui ra trước, nhưng không thành công. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, bà mẹ Rebekah đã âm mưu một kế hoạch để tước quyền trưởng nam của Esau và lời chúc lành của Isaac. Hai anh em tranh chấp với nhau kể từ đó. Khi được cha sai tới để ở với Laban, người đồng hương, Jacob đã bị Laban lợi dụng trong việc kết hôn và phân chia tài sản. Vì thế, Jacob phải lìa bỏ Laban và trở về quê hương của cha mình. Jacob lại phải đương đầu với sự ghen ghét và chia rẽ ngay trong gia đình: Các con ông ghét Giuse, và đã đánh lừa ông để ông tin Giuse đã bị thú dữ ăn thịt. Rồi ông phải sai các con qua Ai-cập để mua thực phẩm cho gia đình, và phải bằng lòng để Benjamin, đứa con út của ông rời xa mình, mà không biết có trở về với mình không!
Nhưng trong mọi hoàn cảnh, ông vẫn luôn tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Bàn tay của Thiên Chúa luôn ở với ông, và Ngài luôn phù trợ ông mọi ngày trong cuộc sống. Trình thuật hôm nay tường thuật thị kiến ông gặp Thiên Chúa tại Beer Sheba. Thiên Chúa phán với ông trong thị kiến ban đêm, Người phán: “Ta là El, Thiên Chúa của cha ngươi. Đừng sợ xuống Ai-cập, vì ở đó Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn. Chính Ta sẽ xuống Ai-cập với ngươi và chính Ta cũng sẽ đưa ngươi lên. Giuse sẽ vuốt mắt cho ngươi.”
(2) Cuộc đời gian khổ của Giuse: Giống như cha, Giuse cũng phải chịu gian khổ ngay từ lúc còn thơ ấu: Cậu bị các anh ghen ghét vì sự quí mến của cha dành cho cậu và tài giải thích điềm chiêm bao mà Thiên Chúa đã ban cho cậu. Hậu quả của sự ghen ghét là cậu bị các anh bán cho lái buôn, và những lái buôn bán cho một viên quan Ai-cập. Cuộc đời chưa hết khổ, cậu lại bị vào tù vì đã không chịu phạm tội với bà chủ; và bà này đã tức giận đổ thừa cho Giuse, để chồng bà tống giam cậu vào ngục thất. Sau cùng, nhờ tài giải thích điềm chiêm bao, cậu đã được triệu vào cung để giải thích điềm chiêm bao cho vua Pharao và được nhà vua thăng chức Tể Tướng trong triều đình.
Cũng như cha mình, Giuse luôn tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa và cố gắng sống một cuộc đời công chính. Ông không oán ghét và tìm cách trả thù các anh và bà vợ viên quan Ai-cập; nhưng sẵn sàng tha thứ cho họ và làm nhiều lợi ích cho gia đình.
1.2/ Cuộc hạnh ngộ của hai cha con: Trời cao có mắt. Thiên Chúa luôn theo dõi và chúc lành cho hai cha con là những người kính sợ Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Hai cha con phải xa cách nhau một thơi gian lâu dài, và phải chịu bao nhiêu những hiểu lầm, buồn phiền, gian khổ, tủi nhục … Cuối cùng, Jacob đã được gặp lại con, đứa con ông đinh ninh đã không còn có mặt trên thế gian nữa. Con ông vẫn khỏe mạnh; không những thế, còn đang làm quan Tể Tướng trong triều đình của Pharao, và có quyền ban phát các lợi nhuận vật chất cho gia đình.
Cuộc hạnh ngộ giữa hai cha con được tường thuật như sau: “Ông Jacob đã sai ông Judah đi trước, đến với ông Giuse, để ông Giuse tới Goshen gặp ông. Khi họ đến đất Goshen, thì ông Giuse cho thắng xe riêng và lên Goshen đón ông Israel, cha ông. Khi hai cha con vừa thấy nhau, thì ông Giuse bá cổ cha và gục đầu vào cổ cha mà khóc hồi lâu. Ông Jacob nói với ông Giuse: “Phen này, cha chết cũng được, sau khi đã thấy mặt con, và thấy con còn sống.””
2/ Phúc Âm: Ai bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.
2.1/ Gian khổ luôn sẵn sàng chờ đợi người môn đệ của Đức Kitô:
(1) Chúa Giêsu không dấu diếm các môn đệ sẽ phải đương đầu với đau khổ khi Ngài tuyên bố với các ông: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.” Chiên đi vào giữa bầy sói, chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm; nhưng với sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa, chiên có thể vượt qua mọi nguy hiểm.
(2) Các môn đệ sẽ phải đương đầu với các hạng người khác nhau:
+ Với giáo quyền: “Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ.” Giáo quyền không luôn luôn chấp nhận và bênh vực sự thật.
+ Với thế quyền: “Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.” Điều này dễ hiểu vì các môn đệ Đức Kitô sống và làm chứng cho giá trị Nước Trời, nhiều khi hoàn toàn đối nghịch với giá trị thế gian.
+ Với gia quyền: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” Sự thật mất lòng, người trong gia đình không luôn nhìn ra, định giá đúng, và chấp nhận sự thật.
2.2/ Thiên Chúa luôn đồng hành với các môn đệ: Đối diện với các quyền lực của thế gian và ma quỉ, người môn đệ cần có sự trợ giúp của Thiên Chúa.
(1) Ngài ban ơn khôn ngoan để môn đệ biết đối đáp: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì. Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.”
(2) Ngài ban sức mạnh để vượt qua mọi gian khổ: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Israel, thì Con Người đã đến.” Người môn đệ phải tin sức mạnh của Thiên Chúa sẽ giúp mình vượt qua mọi gian khổ và sau cùng sẽ chiến thắng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Đau khổ không thể thiếu trong cuộc đời. Thiên Chúa dùng đau khổ như phương tiện, để chúng ta có thể chứng minh niềm tin yêu của chúng ta dành cho Ngài.
– Nếu chúng ta luôn biết trung kiên với Thiên Chúa và sống ngay lành tốt đẹp trong mọi gian khổ của cuộc đời, chúng ta chắc chắn sẽ được Thiên Chúa bảo vệ và chúc lành.
– Hiểu vai trò của đau khổ như thế, chúng ta sẽ không than thân, trách Thiên Chúa, hay ghét người gây đau khổ; nhưng biết dùng đau khổ để thánh hóa bản thân, vững tin nơi Thiên Chúa, trung thành yêu mến và làm ích cho tha nhân.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************