Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Sáu Mùa Giáng Sinh Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: 1 Ga 5, 5-6. 8-13 (Hl 5-13)
“Thánh Thần, nước và máu”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, ai là người chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Đấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Đức Giêsu Kitô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa. Có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Kitô là chân lý. Và trên mặt đất có ba nhân chứng: Thánh Thần, nước và máu, cả ba chỉ là một. Nếu chứng của người đời mà chúng ta còn nhận lấy, thì chứng của Thiên Chúa còn mạnh hơn. Vì đó là chứng của Thiên Chúa, chứng mạnh hơn là Người đã làm chứng về Con Mình.
Ai tin kính Con Thiên Chúa, thì có chứng của Thiên Chúa nơi mình. Còn ai không tin Thiên Chúa, thì cho Người là gian dối, vì kẻ ấy không tin nơi chứng mà Thiên Chúa đã làm chứng về Con Mình. Và chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống đó ở trong Con của Người. Ai có Chúa Con, thì có sự sống; còn ai không có Chúa Con, thì cũng không có sự sống. Ta viết các điều này cho các con, để các con biết rằng các con là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, các con có sự sống đời đời. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20
Đáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa (c. 12a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa! Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! Vì Người đã giữ chặt các then cửa thành ngươi; Người đã chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. – Đáp.
2) Người sắp đặt bờ cõi ngươi trong thanh bình, cho ngươi hưởng no nê những tinh hoa lúa miến. Người đã sai Lời Người xuống cõi trần ai, và Lời Người lanh chai chạy rảo. – Đáp.
3) Người đã loan truyền Lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế; Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. – Đáp.
ALLELUIA: 1 Tm 3,36
Alleluia, alleluia. – Lạy Chúa Kitô, Đấng được rao giảng cho lương dân, vinh danh Chúa! Lạy Chúa Kitô, Đấng được tin kính ở thế gian, vinh danh Chúa! – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 5, 12-16
“Lập tức người ấy khỏi phong hủi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Xảy ra khi Chúa Giêsu đang ở trong một thành kia, thì có một người mình đầy phong hủi, thấy Chúa Giêsu, liền sấp mặt xuống đất, van xin Ngài rằng: “Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho tôi được sạch”. Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: “Ta muốn, hãy nên trơn sạch”. Lập tức, người ấy khỏi phong hủi. Người ra lệnh cho người ấy không được nói với ai, nhưng: “Hãy đi trình diện với tư tế, và hãy dâng lễ vật như luật Môsê đã dạy, để làm chứng cho người ta biết ngươi được sạch”. Nhưng tiếng đồn về Người cứ lan rộng, và dân chúng đông đảo kéo nhau đến để nghe Người và được chữa lành bệnh tật. Còn Người, thì lánh vào nơi hoang vắng và cầu nguyện. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
11/01/2019 – THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH
Lc 5,12-19
CHÚA CHẠM ĐẾN VÀ CHỮA LÀNH
Có một người đầy phong hủi vừa thấy Chúa Giê-su liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh (Lc 5,12-14)
Suy niệm: Trong thời Chúa Giê-su, bệnh phung hủi được xem là thứ bệnh vô cùng gây hại và dễ lây lan, vì thế, người bệnh phải bị cách ly khỏi cộng đồng. Những ai tiếp xúc với người bệnh cũng bị xem là người ô uế. Đó là lý do người ta phải tránh xa những người phung hủi và những người bị bệnh này có bổn phận báo cho mọi người tránh xa mình. Nhưng đối với Chúa Giê-su thì không như thế. Ngài là Đấng Thánh, nhưng Ngài cũng là Đấng Cứu Độ; nên Ngài đã đến, sờ chạm vào làn da bệnh tật cũng là chạm đến tâm hồn dập nát vì tội lỗi của bệnh nhân. Khi chạm đến tội nhân, Chúa Giê-su không vướng mắc tội lỗi, nhưng dùng quyền năng của lòng thương xót mà thứ tha tội lỗi và phục hồi trái tim họ trở lại tình trạng tốt lành. Hơn nữa, Chúa Giê-su luôn ước ao chữa lành và tha thứ cho những ai cần đến lòng thương xót của Ngài. Tha thứ và chữa lành là việc làm không hề mệt mỏi của Chúa.
Mời Bạn: Bạn đang ở trong tình trạng nào? Thánh nhân hay tội nhân? Người phung hủi đã đến xin Chúa chữa lành, còn bạn, đức tin của bạn thúc đẩy bạn đến được với Chúa và nài xin Ngài chữa lành không?
Sống Lời Chúa: Xét mình hằng ngày và đi xưng tội ngay mỗi khi phạm tội trọng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con nhận biết và tin tưởng vào lòng Chúa thương xót, can đảm đến với Chúa xin ơn tha thứ mỗi khi con phạm tội.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
11 THÁNG GIÊNG
Thế Giới Khát Khao Hòa Bình
Chất lượng đời sống trong một quốc gia hay trong bất cứ cộng đồng nào khác đều tùy thuộc ở chỗ có hay không có sự hòa bình và tình huynh đệ. Một khi thực sự có bầu khí hòa bình, những năng lực hướng thiện phi thường sẽ được giải phóng, đem lại niềm vui, thúc đẩy sáng tạo, giúp người ta đạt đến mức trưởng thành đầy đủ và làm việc với nhau trong tinh thần con cái của Thiên Chúa Tình Yêu. Ở đâu có hiện diện tinh thần huynh đệ đích thực, ở đó quyền lợi của kẻ yếu và của người cô thế cô thân sẽ không bị chà đạp. Phẩm giá và thiện ích của mọi người sẽ được trân trọng bảo vệ và tăng triển. Và chỉ có hòa hình khi người ta biết gìn giữ và củng cố công bằng, tự do và lòng tôn trọng đích thực đối với bản tính con người.
Nhưng thế giới hiện nay lại quen với tình trạng thiếu vắng tình huynh đệ, quen với sự kích động bạo lực, sự phân biệt đối xử và sự bất công. Một thế giới như vậy quả đang thách đố chúng ta biểu lộ tình người. Chất lượng của các cộng đồng và các quốc gia đang bị đe dọa. Và mọi quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với thách đố này.
Cả nhân loại là một gia đình – một đại gia đình với tất cả những nét đa dạng của nó. Cổ võ cho hòa bình, cho công bằng giữa các quốc gia và cho sự đoàn kết thực sự giữa các dân tộc; đó là tôn chỉ ngày càng thôi thúc chúng ta hôm nay. Các vị lãnh đạo của các quốc gia và các tổ chức quốc tế vẫn thường xuyên nói lên điều đó. Các kế hoạch hòa bình được hậu thuẫn bằng nhiều cách thế khác nhau bởi hầu như tất cả các đảng phái chính trị trên thế giới. Các phong trào quần chúng và công luận cũng đề cao cùng một tôn chỉ ấy. Ở bất cứ nước nào, người ta cũng ngán ngẩm những xung đột và chia rẽ. Cả thế giới chúng ta đang khao khát hòa điệu và hòa bình.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
11 Tháng Giêng
Kho Tàng Ẩn Dấu
Chúng ta có biết rằng trong cơ thể của con người chúng ta, những yếu tố nhỏ nhất lại đóng vai trò quan trọng nhất không?
Lá lách của chúng ta chỉ tiết ra một lượng men rất nhỏ, nhưng rất cần thiết để giúp tiêu hóa chất Protin, chất béo trong thức ăn của chúng ta. Lượng dưỡng khí kết hợp với hồng huyết cầu để làm cho máu thành đỏ chỉ là một số lượng nhỏ. Tuyến não thùy nằm ở trong bộ não của chúng ta chỉ là một tuyến nhỏ nhưng vô cùng cần thiết bởi vì nó tiết ra một kích thích tố cần thiết cho sự tăng trưởng của con người. Những âm ba được truyền đến màn nhĩ trong lỗ tai là nhờ ở ba đốt xương nhỏ li ti nằm giữa lỗ tai của chúng ta. Những tế bào hình nón nằm trong võng mô của đôi mắt là những trạm tiếp nhận ánh sáng nhờ đó chúng ta mới thấy được. Mỗi một tế bào trong cơ thể chúng ta chứa đựng những nhiễm thể mà chức năng chính là quyết định về sự di truyền hay phái tính của mỗi bào thai. Tất cả những cơ cấu nhỏ bé và ẩn tàng ấy đóng vai trò xem ra quan trọng nhất trong sự sống và hoạt động của cơ thể con người.
Lại nữa, những tác nhân gây ra không biết bao nhiêu bệnh tật giết người cũng là những sinh vật nhỏ li ti mà mắt thường không thể nào trông thấy được. Phải chăng những cái nhỏ li ti nhất lại không là những cái chứa đựng nhiều sức mạnh nhất? Và phải chăng những công việc tầm thường vô danh nhất lại không là những công việc có giá trị nhất trong cuộc sống con người?
Có lẽ không phải do ngẫu nhiên hoặc vì chờ thời mà Con Thiên Chúa làm người, đã sống âm thầm ẩn dật trong 30 năm trước khi công khai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. 30 năm âm thầm ấy cũng có giá trị cứu rỗi như chính cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Với 30 năm âm thầm ấy, Chúa Giêsu muốn nói với con người rằng tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống con người, từ cái ăn, cái uống, cái ngủ nghỉ, tất cả đều được mặc cho một giá trị cao cả và trường cửu.
Sống một cách trọn vẹn, sống với tất cả niềm tin – tất cả những sinh hoạt tầàm thường và nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống âm thầm, có khi độc điệu, buồn chán: đó chính là bí quyết để được hạnh phúc và bình an. Tất cả các vị thánh đều đi qua con đường nên thánh ấy.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh
Bài đọc: I Jn 5:5-13; Lk 5:12-16.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm chứng nhân cho Đức Kitô.
Để có thể tin một điều là sự thật, con người cần: chính mắt nhìn thấy, hay cảm thấy hậu quả của nó, hay dựa vào lời của các nhân chứng. Nhiều người nghĩ rằng chỉ khi nào họ thấy tận mắt, họ mới tin; như Tông-đồ Thomas khi được các Tông-đồ thuật lại việc Chúa hiện ra. Chúa Giêsu nói với Thomas: thấy và tin là chuyện thường, nhưng phúc cho những ai không thấy mà tin. Đàng khác, có những cái dù không thấy, nhưng phải tin vì hậu quả của nó: gió, điện, sự sống. Đa số những trường hợp chúng ta tin là qua các nhân chứng; nhất là sau khi được phối kiểm bởi 2 hoặc 3 nhân chứng có thế giá.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung vào việc con người phải tin Đức Kitô đến từ Thiên Chúa qua các bằng chứng. Trong Bài Đọc I, Thánh Gioan đưa ra 3 nhân chứng cho Đức Kitô: Thánh Thần, nước, và máu. Nếu ai, sau khi đã được làm chứng, mà vẫn không chịu tin Đức Kitô, người ấy biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu, sau khi chữa người phong cùi, sai anh đi trình diện các tư tế và dâng của lễ đền tội, để làm chứng mình đã hòan tòan sạch. Điều này cũng là bằng chứng Đức Kitô đã chữa lành cho anh, vì Ngài có sức mạnh của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thánh Thần, nước, và máu; cả ba cùng làm chứng một điều.
1.1/ Ba chứng nhân của Đức Kitô: “Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thánh Thần là chứng nhân, và Thánh Thần là sự thật. Có ba chứng nhân: Thánh Thần, nước và máu. Cả ba cùng làm chứng một điều.” Để hiểu đọan văn này, chúng ta cần đọc lại Phúc Âm Gioan, và hòan cảnh lịch sử thời đại của Ngài. Đọan văn trong Phúc Âm nói về “nước và máu” như sau: “Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, “máu cùng nước” chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Jn 19:34-35). Nước và Máu là 2 biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu: Nước khi Ngài chịu Phép Rửa bởi Gioan trong giòng sông Jordan. Máu khi Ngài chịu chết trên Đồi Golgotha.
Sở dĩ Gioan nhấn mạnh đến “nước và máu” là vì có bè rối “Thuần Tri Thức.” Cerinthus, người đại diện cho bè rối này, tin Chúa Kitô đến bằng “nước,” khi Ngài chịu Phép Rửa. Thánh Thần hiện xuống và ở lại trong Đức Kitô, và làm cho Ngài trở thành Con Thiên Chúa. Họ không chấp nhận “máu,” vì họ không tin Thiên Chúa phải chịu đau khổ. Họ giải thích: trên Đồi Golgotha, Thánh Thần xuất khỏi Đức Kitô và về trời. Có người còn cho người chịu đóng đinh là ông Simon, chứ không phải là Đức Kitô. Thánh Gioan muốn chống lại bè rối này bằng cách nhấn mạnh đến cả 3 nhân chứng đều cần thiết để tin vào Đức Kitô là Đấng Thiên Chúa sai đến để chuộc tội cho nhân lọai.
(1) Thánh Thần: hiện xuống và xức dầu cho Đức Kitô khi Ngài chịu Phép Rửa (Mk 1:9-11, Mt 3:16-17, Lk 3:21, Jn 1:32-34, Acts 10:38). Phép Rửa này hòan tòan khác với Phép Rửa của Gioan (Mk 1:8, Mt 3:11, Lk 3:16, Acts 1:5, 2:33). Thánh Thần hiện xuống với các Tông-đồ trong Ngày Lễ Ngũ Tuần (Acts 2:4), và trong đời sống của Giáo-Hội (Acts 8:17, 10:14).
(2) Nước: Tại biến cố Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Đức Kitô: “Tôi đã thấy Thánh Thần tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Jn 1:32-34).
(3) Máu: Theo truyền thống Do-Thái, máu súc vật phải đổ ra để làm lễ hy sinh đền tội cho con người. Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa đến xóa tội trần gian bằng lễ tế hy sinh của Ngài trên Thập Giá. Ngài thiết lập Bí-tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, và Giáo Hội chúng ta hằng ngày cử hành Thánh Lễ để liên tục tái diễn Hy Lễ của Đức Kitô trên Thập Giá để xóa tội cho con người.
1.2/ Chúng ta phải tin lời của các chứng nhân: Đức Kitô đến từ Thiên Chúa.
(1) Lời chứng của Thiên Chúa cao trọng hơn lời chứng của người phàm: Luật dạy khi có 2 hoặc 3 nhân chứng, lời chứng đó là sự thật. Đức Kitô có rất nhiều nhân chứng: Gioan Tẩy Giả, các phép lạ Ngài làm, Kinh Thánh, các Tông-đồ …, nhưng lời chứng của Chúa Cha qua tiếng vọng từ trời “Đây là Con Ta yêu dấu,” và lời chứng của Thánh Thần qua hình ảnh chim bồ câu đậu lại trên Đức Kitô, là những lời chứng có thế giá hơn cả. Con người phải nhận những lời chứng này và tin vào Đức Kitô; vì “Ai không tin Đức Kitô, thì coi Thiên Chúa là kẻ nói dối, vì kẻ ấy không tin vào lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người.”
(2) Tin vào Đức Kitô mới có sự sống đời đời: “Lời chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Người. Ai có Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống.”
2/ Phúc Âm: Làm chứng cho người ta biết mình đã được sạch.
2.1/ Chúa Giêsu chữa người phong cùi được sạch:
(1) Thái độ của người phong cùi: Trước hết, thái độ khiêm nhường của anh được biểu tỏ bằng cách anh sấp mặt trước mặt Ngài. Thứ đến, sự tin tưởng của anh nơi Chúa Giêsu được bày tỏ trong câu xin “Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Sau cùng, lời cầu xin của anh rất đẹp lòng Thiên Chúa: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Nếu Thiên Chúa muốn, chứ không phải chỉ riêng con người muốn mà thôi; vì có rất nhiều điều con người muốn, nhưng không đẹp lòng Thiên Chúa.
(2) Thái độ yêu thương trìu mến của Đức Kitô: Chúng ta biết luật lệ của Do-Thái rất nghiêm nhặt với người cùi: họ phải ở trong trại xa cách với mọi người, và phải tránh tiếp xúc với mọi người bằng cách la to câu “Không sạch! Không sạch!” mỗi khi có người đi ngang qua, để họ khỏi trở nên không sạch. Nhưng Đức Giêsu giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh.
2.2/ Hai điều Chúa truyền cho người được chữa lành:
(1) Đừng nói với ai: Chúa làm phép lạ vì lòng thương dân, và để họ tin vào Ngài để được sự sống đời đời, chứ không phải để nổi tiếng. Đó là lý do tại sao Ngài ngăn cản anh “Đừng nói với ai!” Nhưng tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Phần Chúa Giêsu, Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.
(2) Để làm chứng cho người ta biết, hãy đi trình diện với các tư tế và hãy dâng của lễ như Luật dạy. Để chứng tỏ mình đã khỏi bệnh, người phong cùi phải đi trình diện các tư tế để chịu khám xét. Nếu quả thực đã lành, các tư tế sẽ chứng nhận cho về sống với mọi người. Ngòai ra, người đó còn phải dâng của lễ như được mô tả chi tiết trong (Lev 14).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta tin Đức Kitô đến từ Thiên Chúa, không phải chúng ta đã thấy Ngài, nhưng dựa vào lời của nhiều nhân chứng.
– Hai nhân chứng có thế giá nhất là Kinh Thánh chúng ta đọc từ bên ngòai và Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta từ bên trong. Ngòai ra, còn có nhiều các chứng nhân khác nữa như: lời chứng của các Tông-đồ, gương chứng nhân của các thánh Tử-đạo, đời sống tốt lành của các thánh và của những người sống chung quanh chúng ta.
– Sau khi đã tin Đức Kitô, chúng ta cũng phải làm chứng cho Ngài bằng việc rao giảng và cuộc sống chứng nhân, để người khác cũng nhận ra và tin vào Đức Kitô.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************