Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Sáu Tuần XIV Mùa Thường Niên Năm chẵn
Hs 14, 2-10
“Chúng tôi sẽ không còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra”.
Trích sách Tiên tri Hôsê.
Đây Chúa phán: “Hỡi Israel, hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa ngươi, vì ngươi đã gục ngã trong đường tội ác. Các ngươi hãy mang lời Chúa và trở về với Chúa; các ngươi hãy thưa rằng: ‘Xin hãy xoá bỏ mọi tội ác, và nhận điều lành. Chúng tôi dâng lên Chúa của lễ ca tụng. Assurô sẽ không giải thoát chúng tôi; chúng tôi sẽ không cỡi ngựa và sẽ không còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra, vì nơi Chúa, kẻ mồ côi tìm được sự thương xót’.
“Ta sẽ chữa sự bất trung của họ và hết lòng yêu thương họ, vì Ta đã nguôi giận họ. Ta sẽ như sương sa, Israel sẽ mọc lên như bông huệ, và đâm rễ như chân núi Liban. Các nhánh của nó sẽ sum sê, vẻ xinh tươi của nó như cây ôliu và hương thơm của nó như hương thơm núi Liban. Thiên hạ sẽ đến ngồi núp dưới bóng mát của nó, họ sống bằng lúa mì và lớn lên như cây nho. Nó sẽ được lừng danh như rượu Liban.
“Hỡi Ephraim, tượng thần giúp ích gì cho ngươi không? Chính Ta sẽ nhậm lời và săn sóc ngươi, cho ngươi mọc lên như cây hương nam xinh tươi. Nhờ Ta, ngươi sẽ sinh hoa kết quả. Ai là người khôn ngoan hiểu được các việc này, ai là người sáng suốt biết được các việc đó? Vì chưng đường lối của Chúa là đường ngay thẳng và những người công chính sẽ đi trên đó, còn các người gian ác sẽ gục ngã trên đó”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 50, 3-4. 8-9. 12-13. 14 và 17
Đáp: Miệng con sẽ loan truyền lời ca khen Chúa (c. 17b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi; xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. – Đáp.
2) Nhưng Chúa ưa sự thật trong tâm khảm, và trong đáy lòng, Chúa dạy con điều khôn. Xin dùng cành hương thảo rảy con thanh khiết; xin tẩy rửa cho con được hơn tuyết trắng tinh. – Đáp.
3) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. – Đáp.
4) Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Lạy Chúa, xin mở môi con, miệng con sẽ loan truyền lời ca khen. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy vào Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 10, 16-23
“Không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Này, Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói rừng. Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì? Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.
Anh sẽ đem nộp giết em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại với cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ. Khi người ta bắt bớ các con trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật các con: Các con sẽ không đi khắp hết các thành Israel trước khi Con Người đến”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
13/07/2018 – THỨ SÁU TUẦN 14 TN
Th. Hen-ri-cô Mt 10,16-23
NIỀM AN ỦI CHO NGƯỜI MÔN ĐỆ
“Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói.” (Mt 10,16)
Suy niệm: Những thứ bách hại, khủng bố tưởng rằng gây ra đau khổ cho người bị bách hại và làm cho họ sợ hãi. Thế nhưng chúng cũng có thể trở thành niềm an ủi cho người bị bách hại, đồng thời bị bách hại vì danh Đức Giê-su như thế lại là một cơ hội để họ trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài khi thi hành sứ vụ của mình.
Mời Bạn: Bị bách hại là số phận của người môn đệ Đức Giê-su. Hành trình của người môn đệ theo Thầy không thiếu nguy hiểm, khác nào “chiên đi vào giữa bầy sói.” Đức Giê-su cũng từng báo trước: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,20). Vì vậy, chẳng có gì phải sợ khi bị bách hại. Chỉ sợ mình nhát đảm không dám tuyên xưng là môn đệ Đức Giê-su thôi! Các thánh tử đạo khao khát được chết vì đạo nên họ mạnh dạn tuyên xưng Đức Ki-tô. Người môn đệ đích thực cũng sẽ đi con đường Thầy mình đã đi: con đường thánh giá đi từ cái chết đến cuộc sống lại vinh quang. Vì thế, người môn đệ rao giảng Tin Mừng Đức Giê-su có bị chống đối, bắt bớ và thậm chí bị giết đi thì cũng là cơ hội nên giống Thầy mình.
Chia sẻ: Bạn đã từng bị làm khó làm dễ vì bạn là người tuyên xưng Đức Giê-su chưa? Mời bạn chia sẻ.
Sống Lời Chúa: Tâm niệm lời kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: “Các ngài đã cam lòng chịu chết mà không oán hận, xin cầu cho đồng bào mọi giới biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chiến thắng sự dữ và thế gian bằng cái chết đau thương trên thập giá. Xin cho chúng con mỗi lần nhìn lên thập giá là một lần được nung nấu thêm lòng khao khát nên giống Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
13 THÁNG BẢY
Sự Tự Do Của Con Người Diễn Tả Sự Khôn Ngoan Của Thiên Chúa
Ở đây, khi đối diện với kế hoạch sáng tạo từ đời đời của Thiên Chúa, chúng ta đứng trước một mầu nhiệm lạ lùng và khôn dò. Mầu nhiệm đó chính là mối quan hệ mật thiết giữa các hành động của Thiên Chúa và những quyết định của con người.
Chúng ta biết rằng sự tự do chọn lựa là khả năng tự nhiên của một tạo vật có lý trí. Kinh nghiệm cũng cho chúng ta biết rằng tự do của con người là cái có thực – ngay cả khi nó bị làm cho thương tổn và suy yếu đi bởi tội lỗi. Về mối quan hệ giữa sự tự do của con người với hành động của Thiên Chúa, chúng ta nên nhìn trong ánh sáng của những gì mà Thánh Tô-ma Aquinô đã nói về sự quan phòng thần linh. Thánh Tô-ma mô tả sự tự do của con người như biểu hiện của sự khôn ngoan Thiên Chúa – sự khôn ngoan xếp đặt và hướng dẫn mọi sự đạt đến mục tiêu của chúng (cf. Tổng Luận Thần Học I,22,1). Tất cả những gì được Thiên Chúa tạo thành đều nhận sự hướng dẫn này, và trở thành đối tượng của sự quan phòng thần linh (vs. 2).
Qua con người – được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa – tất cả thế giới tạo vật hữu hình tiến tới gần Thiên Chúa và tìm thấy con đường đưa dẫn chúng đến sự thành toàn cuối cùng. Quan niệm này được diễn tả bởi nhiều người khác nữa, trong đó có Thánh I-rê-nê và được phản ảnh bởi giáo huấn của Công Đồng Vatican II về tác động phát triển thế giới của con người (MV 7). Nói tắt, sự phát triển hay sự tiến bộ đích thực mà con người được mời gọi thực hiện trong thế giới không được phép chỉ hạn định trong phương diện kỹ thuật, mà phải bao gồm phương diện đạo đức nữa. Đây là điều kiện thiết yếu để xây dựng Nước Thiên Chúa trong thế giới thụ tạo này (MV các số 35,43,57,62).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 13/7
Hs 14, 2-10; Mt 10, 16-23
LỜI SUY NIỆM: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn ngoan như rắn và đơn sơ như bồ câu.”
Tất cả chúng ta, là những con người đã được Chúa chọn và tách chúng ta ra khỏi thế gian, để rồi được Người sai đi. Chúa biết khi Người sai chúng ta ra đi, chúng ta sẽ gặp nhiều điều khó khăn, nguy hiểm đang chờ đợi, với khả năng của mỗi người chúng ta khó lòng vượt qua, nên cần phải có sự khôn ngoan trong hiền lành. Điều này chính Chúa Giêsu đã trải qua, và Người muốn mỗi người trong chúng ta biết rõ điều này, để biết chuẩn bị và trông cậy vào Người; Bởi Người luôn đồng hành và ban ơn để nâng đỡ và bảo vệ chúng ta trong sứ vụ đã được sai đi.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa luôn cầu nguyện cùng Chúa Cha cho chúng con: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật, Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.” (Ga 17,17-19). Xin cho chúng con vững tin, trung thành, thi hành sứ vụ của mình để làm sáng danh Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
13 Tháng Bảy
Niềm Vui Và Kho Tàng
Theo một bảng thống kê thì hằng năm tại Hoa Kỳ, có khoảng 60 triệu toa bác sĩ cho mua thuốc Valium. Valium hiện nay được xem là loại thuốc an thần công hiệu nhất.
Nói chung, xem chừng như văn minh càng tiến bộ, con người càng bất an. Niềm vui đích thực trong tâm hồn dường như đã vỗ cánh bay xa.
Nhưng an bình và vui tươi là vấn đề sống còn của con người. Ðạt được tất cả, có tất cả nhưng không có niềm vui trong tâm hồn, thì sống như thế chẳng khác nào như một thây chết.
Người Ai Cập thời cổ tin rằng khi chết con người phải trình diện trước thần Osires để trả lời cho hai câu hỏi: “Ngươi có tìm thấy niềm vui không? Ngươi có mang lại niềm vui cho người khác không?”. Số phận đời đời của họ tùy thuộc vào cách họ trả lời cho hai câu hỏi ấy.
Số phận đời đời của con người, tương quan của con người với Thiên Chúa tùy thuộc ở niềm vui của họ trong cuộc sống này.
Một ngày kia, người ta hỏi nhạc sĩ Franz Joseph Haydn tại sao nhạc tôn giáo của ông lúc nào cũng vui tươi? Nhà nhạc sĩ tài ba của thế kỷ thứ 18 đã trả lời như sau: “Tôi không thể làm khác hơn được. Tôi viết nhạc theo những cảm xúc của tôi. Khi tôi nghĩ về Chúa, trái tim tôi tràn ngập niềm vui đến nỗi các nốt nhạc như nhảy múa trước ngòi bút của tôi”. Người tín hữu Kitô, theo định nghĩa, không thể không là người của niềm vui. Họ phải vui mừng bởi vì Thiên Chúa chính là gia nghiệp của họ, bởi vì tâm hồn của họ luôn có Chúa.
Trong quyển sách có tựa đề “Những sự thuộc về Chúa Thánh Thần”, Ðức Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Ðức Kitô đến để mang lại niềm vui: niềm vui cho con cái, niềm vui cho cha mẹ, niềm vui cho gia đình và bạn hữu, niềm vui cho công nhân và trí thức, niềm vui cho người bệnh tật, già cả, niềm vui cho toàn nhân loại. Theo đúng nghĩa, niềm vui là trọng tâm của sứ điệp Kitô và ý lực của Phúc Âm. Chúng ta hãy là sứ giả của niềm vui”.
Nhưng niềm vui không phải là một kho tàng có sẵn: nó đòi hỏi phải được kiến tạo. Người ta kiến tạo niềm vui bằng cách làm cho người khác được vui. Càng chia sẻ, càng trao ban, niềm vui càng lớn mạnh.
Mỗi ngày chúng ta van xin người khác không biết bao nhiêu lần: xin vui lòng. Chúng ta xin người “vui lòng”, nhưng chúng ta lại không muốn làm cho lòng mình vui lên. Nếu chúng ta muốn người khác “vui lòng” để ban ân huệ cho chúng ta, thì có lẽ chúng ta phải làm cho lòng mình vui lên bằng bộ mặt vui tươi hớn hở của chúng ta, bằng những chia sẻ vui tươi của chúng ta, bằng những nụ cười vui tươi của chúng ta, bằng những chịu đựng vui tươi của chúng ta.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 14 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: Hos 14:2-10; Mt 10:16-23.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải trông vào sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa.
Sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa luôn đối chọi với sự khôn ngoan và sức mạnh của thế gian. Khi phải đương đầu với sự khôn ngoan và sức mạnh của thế gian, con người dễ gạt bỏ sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa để chạy theo những gì của thế gian. Lý do, họ không nhận thức được sự khôn ngoan và sức mạnh Thiên Chúa; trong khi sự khôn ngoan và sức mạnh của thế gian luôn ở ngay bên. Đọc lịch sử Do-thái sẽ giúp chúng ta nhận ra sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa: bất cứ khi nào họ tin tưởng vào sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa, họ được giải thoát khỏi quyền lực thế gian và sống hạnh phúc. Khi làm ngược lại, họ phải lưu đày và sống khổ cực.
Các bài đọc hôm nay muốn chúng ta nhận ra sự toàn thắng của sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Hosea muốn con cái Israel nhìn ra khi họ cậy dựa vào sự khôn ngoan và sức mạnh của họ hay của ngoại bang, họ trở thành mồi ngon cho địch thù và làm nô lệ cho các quyền lực thế gian. Để thoát khỏi cảnh này, họ phải ăn năn quay về và nhận ra sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu biết Ngài sai các môn đệ vào thế gian như sai chiên non vào giữa bầy sói. Điều cần thiết là họ phải khôn ngoan như rắn và đơn sơ như chim bồ câu; có nghĩa, họ phải luôn trông cậy vào sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa, nếu không, họ sẽ không trở thành mồi ngon cho sói.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chính vì tội ác của ngươi mà ngươi đã vấp ngã.
1.1/ Con cái Israel phải ăn năn và trở về với Thiên Chúa: Đứng trước những thế lực mạnh của quân thù, vua quan Israel có khuynh hướng cầu viện nước ngoài để xin bảo trợ, và từ chối không nghe lời Thiên Chúa dạy bảo qua các ngôn sứ. Sứ điệp của các ngôn sứ luôn là: Đừng tin cậy vào người phàm hay các thần không cứu nổi ai; chỉ có Thiên Chúa mới có sức mạnh giải thoát họ. Như lời ngôn sứ Hosea khuyên họ: “Hỡi Israel, hãy trở về với Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi. Chính vì tội ác của ngươi mà ngươi đã vấp ngã.”
Hosea tố cáo Israel ba tội chính:
(1) Họ không tuân giữ Lề Luật Chúa dạy mà vẫn dâng của lễ.
(2) Họ cậy nhờ sức mạnh quân sự của mình và của nước ngoài và không trông cậy vào sức mạnh của Thiên Chúa.
(3) Họ xây dựng đền thờ và tôn kính các tà thần do tay người làm ra. Họ đã bỏ quên Thiên Chúa.
Để được Thiên Chúa dủ lòng thương xót, họ phải trở về với Ngài và cầu nguyện: “Chỉ ở nơi Ngài kẻ mồ côi mới tìm được lòng thương cảm.”
1.2/ Thiên Chúa tha thứ và chúc lành cho Israel: Không giống như cách cư xử của người đời: khi phản bội là sẽ bị tiêu diệt; tình yêu của Thiên Chúa thắng vượt mọi bất trung của Israel. Ngôn sứ Hosea xác tín sứ điệp này: “Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình, vì cơn giận của Ta sẽ không còn đeo đuổi chúng.”
Israel sẽ trở nên xanh tươi và tốt đẹp bởi Thiên Chúa chứ không phải bởi thần Baal. Ngôn sứ Hosea dùng những hình ảnh được lấy từ Sách Diễm Tình Ca để mô tả tương lai tốt đẹp của Israel khi họ sống trong tình yêu và sự bảo vệ của Thiên Chúa: “Ta sẽ như làn sương mai làm nó vươn lên như bông huệ, cho bén rễ sâu như cây ngàn Lebanon. Họ sẽ đâm chồi nẩy lộc, sum sê tựa ô-liu tươi tốt, toả hương thơm ngát như rừng Lebanon. Chúng sẽ trở về cư ngụ dưới bóng Ta, sẽ làm cho lúa miến hồi sinh nơi đồng ruộng, tựa vườn nho, chúng sẽ sinh sôi nẩy nở, danh tiếng lẫy lừng như rượu Lebanon… Ta như một cây trắc bá xanh tươi, chính nhờ Ta mà ngươi trổ sinh hoa trái.
Câu sau cùng (câu 10) được coi như một câu kết luận sứ điệp của ngôn sứ Hosea: “Ai đủ khôn ngoan để hiểu được điều này, đủ thông minh để biết được điều ấy? Quả thật đường lối Đức Chúa rất mực thẳng ngay. Trên con đường này, người công chính sẽ hiên ngang tiến bước, còn kẻ gian ác sẽ phải té nhào.”
2/ Phúc Âm: Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.
2.1/ Gian khổ luôn sẵn sàng chờ đợi người môn đệ của Đức Kitô.
(1) Chúa Giêsu không dấu diếm các môn đệ sẽ phải đương đầu với đau khổ khi Ngài tuyên bố với các ông: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.” Chiên đi vào giữa bầy sói, chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm; nhưng với sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa, chiên có thể vượt qua mọi nguy hiểm.
(2) Các môn đệ sẽ phải đương đầu với các hạng người khác nhau:
+ Với giáo quyền: “Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ.” Giáo quyền không luôn luôn chấp nhận và bênh vực sự thật.
+ Với thế quyền: “Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.” Điều này dễ hiểu vì các môn đệ Đức Kitô sống và làm chứng cho giá trị Nước Trời, nhiều khi hoàn toàn đối nghịch với giá trị thế gian.
+ Với gia quyền: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” Sự thật mất lòng, người trong gia đình không luôn nhìn ra, định giá đúng, và chấp nhận sự thật.
2.2/ Thiên Chúa luôn đồng hành với các môn đệ: Đối diện với các quyền lực của thế gian và ma quỉ, người môn đệ cần có sự trợ giúp của Thiên Chúa.
(1) Ngài ban ơn khôn ngoan để môn đệ biết đối đáp: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì. Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.”
(2) Ngài ban sức mạnh để vượt qua mọi gian khổ: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Israel, thì Con Người đã đến.” Người môn đệ phải tin sức mạnh của Thiên Chúa sẽ giúp mình vượt qua mọi gian khổ và sau cùng sẽ chiến thắng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải học hỏi để nhận thức được sự khôn ngoan của Lời Chúa, và phải luôn vững tin nơi quyền năng của Ngài. Ngài sẽ không bỏ những ai cậy trông nơi Ngài.
– Sống theo những lời Chúa răn bảo sẽ giúp chúng ta có sự bình an thực sự trong tâm hồn. Cho dẫu chúng ta sẽ phải chịu những đau khổ tạm thời, nhưng sẽ tìm được hạnh phúc vĩnh cửu.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************